Thuở nhỏ theo nghiệp Võ, sau theo học Văn. Ông có trí thông minh tuyệt vời, lý luận sâu sắc, nhận xét tinh vi, đổ Phó Bảng năm 1901 đời vua Thành Thái, được bổ làm Thừa Biện thuộc Bộ Lễ.
Sau khi tìm đọc những tác phẩm có tư tưởng cách mạng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire ... , Phan Chu Trinh ( PCT ) ngộ ra Chế Độ Dân Chủ Tây phương với tam quyền phân lập rõ ràng, Ông ao ước nước nhà được cải cách như thế.
Cùng lúc, nhận thấy triều đình Huế vừa thối nát và bất lực trước bọn thực dân Pháp, PCT từ quan. Ông bắt đầu hoạt động chính trị với quý Ông: Phan Bội Châu ( PBC ), Huỳnh Thúc Kháng ( HTK ), Trần Quý Cáp ( TQC )...
Năm 1905, PCT cùng HTK, TQC xuôi Nam để quan sát và hoạt động quốc sự. Đến Bình Định, nhân có khoá thi, đề thi là " Chí Thành Thông Thánh " và " Lưỡng Ngọc Danh Sơn " Thơ và Phú.
PCT làm bài thơ " Chí Thành Thông Thánh ", hai Ông HTK và TQC làm bài phú " Lương Ngọc Danh Sơn ". Cả ba ông đều mạo tên là Đào Mộng Giác.
Năm 1906, PCT bí mật sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu cùng thảo luận việc cứu nước. Rồi thẳng đường sang Nhựt tiếp xúc với Lương Khải Siêu....
Mùa Hè năm 1906 về nước, Ông công khai tranh đấu với thực dân Pháp. Lãnh đạo Phong Trào Duy Tân. Khẩu hiệu phong trào là:
- Khai Dân Trí
- Chấn Dân Khí
- Hậu Dân Sinh
Ông đả kích lối học từ chương Hủ Nho, chủ trương Tân Học: mở trường dạy học, xuất dương du học, mở thương hiệu, cắt tóc ngắn, ủng hộ sản phẩm nội hoá... Ông đi diễn thuyết nhiều nơi kêu gọi cách tân. Và nhiều lần diễn thuyết ở Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cũng trong thời gian đó, PCT gởi thơ lên Toàn quyền Bảo Hộ phản đối chánh sách đô hộ bạo ngược và chỉ trích những tham quan ô lại...
Năm 1908 do việc phong trào chống đi phu, đòi giảm thuế bùng nổ ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, PCT bị bắt với tội " xui dân làm loạn " và bị triều đình Huế đày đi Côn Đảo biệt xứ vĩnh viễn. Từ nhà lao Thừa Phủ bị dẫn độ đi đày, khi ngang qua cửa Thượng Tư,́ Ông đã ứng khẩu bài thơ, người đời tạm đặt là Vô Đề.
Năm 1910 nhờ hội Nhân Quyền can thiệp, PCT được trả tự do và sang Pháp năm 1911 với con trai tên Phan Chu Dật.
Ở Pháp PCT liên lạc với những người yêu nước, đồng thời viết thơ phản đối chánh sách thuộc địa hà khắc của Pháp tại Việt Nam. Năm 1914 chiến tranh Pháp - Đức, Ông bị gọi đi lính đánh Đức. PCT phản kháng quyết liệt, vì vậy bị vu làm gián điệp cho Đức, bị bắt giam vào ngục Santé.
Năm 1915 do hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, PCT được phóng thích.
Năm 1922, dịp vua Khải Định sang Pháp đấu xảo thuộc địa, PCT viết thơ nghiêm khắc kể ra 7 tội của Vua và kêu gọi Nhà Vua thoái vị, nhường quyền lại cho quốc dân...
Năm 1925 PCT trở về nước nhằm hoạt động quốc sự hữu hiệu hơn.
Đến SàiGòn, Ông vận động ân xá cho cụ Phan Bội Châu vừa bị bắt.
Ông cũng hăng hái tranh đấu cho dân tộc không ngừng nghỉ. PCT soạn hai bài diễn văn và đi diễn thuyết khắp nơi những chủ đề mới lạ:
1. Đạo đức và luân lý Đông Tâỵ
2. Quân trị chủ nghĩa, dân trị chủ nghĩa
Ngày 24 - 12 - 1925, có tin cụ PBC được ân xá án tử hình và bị an trí tại Huế. Ông định ra Huế thăm viếng hàn huyên, nhưng bịnh không thể đi.
Đồng thời, hai bài diễn văn nói trên được công chúng rất hoan nghênh. Sinh viên trường Đại Học Hà Nội đánh điện mời Ông ra diễn thuyết. Nhưng chưa kịp đi thì bịnh mất ngày 24 - 3 - 1926 tại Saigon.
Đám tang Cụ Phan Chu Trinh vô cùng trọng thể như là quốc tang, và đã tổ chức truy điệu khắp ba miền Nam, Trung, Bắc.
Hơn 6 vạn người đến Sàigòn để tiễn đưa Ông lần cuối cùng ra nghĩa trang ngày 4 - 4 - 1926 !!!
II - Hai bài thơ tiêu biểu của Cụ Phan Chu Trinh:
Dưới đây là hai bài thơ của Cụ Phan và bài dịch.
志誠通聖
世事迴頭已一空,
江山無淚泣英雄。
萬民奴隸強權下,
八古文章醉夢中。
長此百年甘唾罵,
不知何日出勞籠。
諸君未必無心血,
請向斯文看一通。
潘周楨
CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh hướng tư văn khán nhất thông
Phan Chu Trinh
Lòng Thành Cảm Thánh
Thế sự quay nhìn vẫn thấy không
Núi sông mờ mắt đợi anh hùng
Muôn dân nô lệ đời tâm tối
Tám vế văn chương mộng viển vông
Ví mãi cúi đầu nghe chửi mắng
Bao giờ ngẩng mặt thoát xiềng gông?!
Anh em đâu phải vô tâm huyết
Mời đọc thơ nầy đồng cảm thông...
Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch
無題
縲綏鐵鎖出都門,
慷慨悲歌舌尚存。
國土沉淪民族纍,
男兒何事怕崑崙。
潘周楨
Vô Đề
Luy tuy thiết toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
Phan Chu Trinh
Không Đề
Xích tay ra khỏi chốn đô môn
Khẳng khái ngùi ca lưỡi vẫn còn
Tổ Quốc đắm chìm dân khốn đốn
Làm trai há sợ ngục Côn Lôn
NMT cẩn dịch
Ngoài ra, với lòng ngưỡng vọng tôn kính nhà ái quốc chân chính vĩ đại Cụ Phan Chu Trinh, hậu bối có bài thơ nhỏ để trân trọng tưởng niệm...
Cụ Phan Chu Trinh
Cả đời tận tụy với quốc dân
Ra Bắc vào Nam đã lắm lần
Côn Đảo đi tù - đòi giảm thuế
Santé hạ ngục - chống tòng quân
Giác Thư tố cáo vua hôn muội
Tân Học giải trình nước cách tân
Chí cả chưa thành thân đã mất
Việt Nam dân quốc xót... vô ngần!!
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
III - Phần Kết: Để kết thúc bài viết về Cụ Phan Chu Trinh, người biên soạn xin phép trích nguyên văn của Nhóm tác giả́** sách Đại cương lịch sử Việt Nam như dưới đây:
" Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt hơn nữa là con đường ông chọn là con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Đây là điểm khác biệt chính giữa ông và Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh xem vấn đề dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tin rằng có thể dùng luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ để quét sạch những hủ bại của phong kiến. Với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khổ và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ. "
Nguyễn Minh Thanh biên soạn.
GA, 3 - 26 - 2016.
* Phan Chu Dật đậu Tú Tài Vật Lý, về đến quê nhà chưa đầy một năm thì mất vì bịnh lao
**Nhóm Đinh Xuân Lâm
Tham khảo:
Wikipedia: Phan Chu Trinh
VietSciences: Phan Chu Trinh
Thành Ngữ Đ.T. và Danh Nhân T. Đ. của Gs Trịnh VânThanh
Hán Việt Từ Điển của Học giả Đào Duy Anh...
Ý kiến bạn đọc
31 Tháng Ba 20167:00 SA
thanh thanh
Khách
Mot bai viet dang doc de nguong mo cu Phan chu Trinh
31 Tháng Ba 20167:00 SA
thanh thanh
Khách
Mot bai viet rat co gia tri .Cam on tac gia Nguyen minh Thanh .
31 Tháng Ba 20167:00 SA
thanh thanh
Khách
Cam on tac gia da bien soan bai viet co gia tri nay .