Chính sách hộ khẩu có lẽ là chính sách hà khắc nhất, ngặt nghèo thâm độc nhất. Có tính cách bóp nghẹt và tước đoạt nhất trong các chính sách của cái gọi là Dân Chủ Cộng Hoà kế tiếp danh hiệu Việt Minh.
Hộ khẩu, sổ hộ khẩu, sổ gia đình: chuyện thường tình, có gì là ghê gớm. Đâu mà người ta chẳng làm cái công việc đó. Khai sổ gia đình để giúp đỡ về mặt xã hội, bảo vệ an ninh. Khai sổ gia đình để biết tiềm năng kinh tế ở một nơi nào đó, việc đó là tất nhiên.
ở cái chế độ này, không chỉ đơn thuần như thế, nhưng hơn nữa: chỉ là một phương thế hữu hiệu nhất để đưa người dân vào cái gông cùm độc tài phát xít mà không hay biết.
Trong Phúc âm nói về Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành biết từng con chiên, con mập béo, con gầy còm. Con gầy còm bệnh tật thì Ngài bảo vỗ cho khoẻ mạnh béo tốt – Ngài thu thập các chiên thành một đoàn chiên để được hưởng sự hướng dẫn chăm nom.
ở đây người ta tìm những thành phần được gọi là “xấu” để mà cải tạo, thực chất để mà tiêu diệt.
Công việc làm sổ hộ khẩu
Từ đầu, tức là từ cuối năm 1954. Tối tối, các đường phố, trong xóm làng, từng nhóm gia đình họp lại để khai hộ khẩu. Học tập cách khai: khai người đi vắng, tức đi làm hay đi Nam; khai người ở nhà. Khai người sống, khai người chết. Người sống người chết, người đi xa, người ở nhà, đã làm gì, hiện nay làm gì. Khai man, khai thiếu, bà con bên cạnh xin lại cho, bổ sung cho. Gia đình này sức cho gia đình kia, gia đình kia bổ sung cho gia đình này. Bầu không khí chia rẽ, trả thù nhau bắt đầu nhóm lên để bùng nổ: Họ nói về nhà mình, mình cũng nói về nhà họ: cái bí mật, cái xấu, đều đem ra bới móc nhau. Đục nước béo cò, anh cán bộ hộ tịch nghe hết, biết hết và ghi lại hết. Chỉ khổ người dân mình thật thà, không hiểu gì những kế hoạch, những mưu chước gian tà độc ác của chế độ. Họ khai thác tâm lý quần chúng, họ biết hết mọi việc trong một gia đình, của mỗi người trong gia đình, biết cái xấu, biết cái tốt. Biết cái xấu hơn cái tốt. Nhờ đó họ nắm tình trạng mọi gia đình, mọi người trên khắp nước. Nắm hết để dễ cai trị, để đối phó, nhất là để loại trừ những phần tử họ cho là “xấu”.
“Đoàn kết, toàn dân đoàn kết”
“Đoàn kết, đại đoàn kết”.
Những khẩu hiệu kêu vang như thế, đều được viết lên, căng lên khắp nơi. Nhưng người Cộng sản có thói quen làm ngược lại điều họ nói, họ viết.
Từ cái chính sách lập sổ gia đình, mà các gia đình bắt đầu sợ nhau, chia rẽ nhau; gia đình này giám sát gia đình kia. Mọi người chia rẽ với nhau, mặc dù có lời kêu gọi của Các-Mác: “Hỡi những người vô sản, đoàn kết lại”.
Ngày nay khẩu hiệu hiện đại là “mỗi người công dân đều là công an”. Công an với nhau, để dò xét nhau. Việc khai hộ tịch chính là cuộc khai lý lịch.
Cuộc khai ý lịch còn cặn kẽ hơn là khai bình thường như mọi khi. Một cuộc khai lý lịch còn thành khẩn không thiếu sót gì cả: vừa tự ý, hết sức thành khẩn, lại còn được người bên cạnh “bổ sung” nếu có thiếu sót cùng một cách còn hơn là thành khẩn, nếu hai gia đình không hoà hợp, thì việc bới lông tìm vết còn kỳ công hơn vô cùng.
Nhà nước nắm lý lịch của toàn dân do việc khai hộ khẩu. Mọi hồ sơ hộ tịch. Mọi hồ sơ đều được bí mật cất kỹ ở các Sở, các Ty công an. Mỗi gia đình đều được nằm ở một ô trong các tủ hồ sơ.
Hồ sơ được phân loại. Hồ sơ bìa đen dành cho các thành phần khả nghi, hoặc có thành tích xấu. Hồ sơ của linh mục chắc chắn đứng hay nằm trong sự phong phú và bảo mật.
Muốn biết một gia đình nào, một người nào, chỉ cần kéo ngăn kéo ra là mọi sự hiện ra hết.
Sổ nhân danh ở các xứ đạo của chúng ta thì quá sơ sài. Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà ấp Hà Nội cũng làm sổ gia đình, mỗi gia đình chiếm một trang trong sổ để ghi tên các phần tử gia đình – Thế đã là kỳ công lắm rồi.
Nhưng so với hồ sơ gia đình được làm trong chế độ Việt Nam Dân Chủ Công Hoà mà thôi, thì còn là quá sơ đẳng, mặc dù giáo dân được thế là được chú ý khá nhiều.
Còn hồ sơ về gia đình của Nước Việt Nam thì quá tỉ mỉ, cái đó giúp cho việc cai trị được thuận lợi nhiều, nhưng đặt ra cho người dân nhiều cái gây vất vả khổ sở vô chừng.
Lý lịch của mỗi gia đình được cất kỹ ở văn khố các Ty công an. Còn thì mỗi gia đình được trao một cuốn sổ rất bình thường, trong đó có tên tuổi chủ hộ và nhân viên.
Có hộ khẩu tập thể: gồm những người trong một cơ quan, sống chung với nhau.
Có hộ khẩu gia đình: gồm những người trong một gia đình sống chung với nhau ở một nơi nhất định.
Có hộ khẩu tôn giáo: gồm những người trong một xứ đạo, một chùa chiền nhất định.
Có hộ khẩu cá biệt chỉ có một người.
Mỗi hộ có chủ hộ, và những thành phần khác. Người chủ hộ phải chịu trách nhiệm về hộ của mình và đại diện cho hộ trong các mối liên hệ.
Được cư trú ở địa điểm nào, phố nào, thì phải ở đó không được đi ngủ ở đâu, dù ở trong một thành phố, ở phố nọ sang ngủ ở phố kia cũng không được, có đến chơi phải về, vì lúc đó công an đến khám nhà.
ở một khu vực nhỏ gồm độ hai, ba phố, có một ông hay bà tổ trưởng, và một công an khu vực hay công an hộ tịch. Có công việc gì, cứ đến với tổ trưởng, để tổ trưởng liên lạc với khu phố. Anh công an khu vực ở gần ở sát với khu vực mình. Ngày đêm anh ta luẩn quẩn với dân phố, anh muốn vào nhà ai, vào bất cứ đêm ngày, lúc nào cũng được. Anh có nhiệm vụ giám sát và báo cáo với Đồn mỗi ngày về sự việc trong khu anh kiểm soát. Trong khu vực anh kiểm soát, không ai làm được gì mà không qua con mắt của anh. Quả là lợi hại. Giấy gọi đi đâu về việc gì, giấy mời đi họp, đều qua tay anh. Anh thôi thúc đi họp, khó mà trốn thoát, và không thể có lý do gì mà trốn tránh. May là nhà xứ Nam Định anh ít vào. Nhà xứ tuy ít được gặp anh, song còn vô số con mắt đổ dồn vào nhà xứ. Đồn công an đóng ngay trước cửa nhà thờ. Ai ra vào nhà thờ nhà xứ phải đi qua. Người ta lại thu xếp Đông Tây Nam Bắc đều có những cứ điểm giám sát và báo cáo về nhà xứ. Một nhà Công giáo bên cạnh nhà xứ đến nói với tôi:
“Công an nhờ con làm một địa điểm để giám sát nhà xứ, con từ chối, nhưng họ bảo làm việc đó không khó khăn gì, thấy có cái gì ở nhà xứ thì cứ nói, cái tốt cái xấu, không phải chỉ cái xấu đâu mà sợ. Con từ chối, nhưng con biết rằng có ba địa điểm khác cũng được mời để làm việc bác ái đó”.
Nhưng còn bao nhiêu người khác được trao nhiệm vụ đó mà người Công giáo này không biết.
Có hộ khẩu là một chuyện. Còn đi đâu phải có giấy thông hành. Hộ khẩu thì phải có, nếu không là người lang thang, vô gia cư. Nhưng chế độ này không chấp nhận có những người như thế. Vì thế ai nấy phải đăng ký hộ khẩu. Và nhà nước trước sau cũng tìm cách cho đăng ký.
Nhưng muốn đi đâu phải có giấy thông hành. Mà giấy thông hành không dễ mà xin được. Xem ra có ít người có cơ hội đi chỗ này chỗ kia, vả lại không mấy ai có thì giờ để mà đi chơi. Nên giấy thông hành có vẻ chỉ là chuyện thừa.
Nhưng lại quan trọng đối với những người cần có sự di chuyển khi làm việc. Đặc biệt là các linh mục. Con số linh mục thì ít, mà những nơi linh mục đến làm việc thì nhiều. Một linh mục có thể phải coi sóc từ mười xứ trở lên. Xin được giấy đến làm lễ các xứ thuộc quyền mình mà thôi cũng rất khó. Có xứ như Phú ốc, Tường Loan cả năm mới xin được tôi ở Nam Định đến làm lễ Chầu Lượt, và có lần chỉ được đến làm việc trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Có lần tôi lên Phú ốc, ở lại 15 phút quá thời gian qui định, cũng phải gọi ra Uỷ Ban.
Hầu hết các địa phận không tổ chức được việc cấm phòng cho các linh mục, đơn giản là các linh mục không được đến cấm phòng. ở Hà Nội, vẫn được tổ chức cấm phòng cho các linh mục, nhưng linh mục nào muốn được về cấm phòng, phải làm đủ hai việc:
1/ Khuyến khích thanh niên đi bộ đội.
2/ Khuyến khích người dân vào hợp tác xã.
Giấy thông hành liên kết chặt chẽ với hộ khẩu
Giấy cho phép đi nói rõ: đến nơi nào, vào nhà nào, quan hệ thế nào với người mình đến, thời gian ở lại bao lâu, kể cả ngày đi lẫn ngày về.
Đi đâu, thì trước khi đi phải báo hộ khẩu: tạm vắng.
Đến nơi: phải đến báo hộ khẩu: tạm trú.
Lúc trở về: báo hộ khẩu: đã trở về.
Báo hộ khẩu như thế, thường là nghĩ rằng chỉ phải báo khi có ngủ đêm. Thực thế, chỉ quen báo tạm trú có lúc thôi, để ngủ lại đêm.
Lợi dụng sự mập mờ đó, năm 1957, linh mục đi dự lễ Chầu ở xứ Lập Thành, tham gia lễ di-súp. Khi trở về, linh mục đã bị gọi ra Đồn II gần Chợ Rồng. Công an làm biên bản việc linh mục đã di chuyển trái phép, không báo cáo, và bắt linh mục phải điểm chỉ vào biên bản vì đã vi phạm. Linh mục nhất định không điểm chỉ. Vì nếu có vi phạm, thì là chỉ về hành chính, chứ không về hình sự, và nếu có vi phạm về hành chính, thì chỉ bị phạt mấy đồng bạc là cùng. Cũng chỉ là cãi chày cối với nhau, chứ chẳng ai biết nó thuộc về luật gì, và luật trong trường hợp này là thế nào. Cuối cùng công an phố nhờ một người ký thay vào biên bản vì linh mục không chịu điểm chỉ.
Về chuyện hộ khẩu, thông hành, lắm chuyện rắc rối buồn cười. Năm 1955, Cha Thông, chính xứ Trại Mới, cũng có chân trong Mặt Trận, thế mà một hôm đi vào một họ đạo, ngài bị hỏi giấy. Ngài trình bầy giấy thông hành hẳn hoi. Nhưng cán bộ không nghe, bảo ngài:
– “Giấy của ông chỉ là giấy cấp để đi đường, chứ không phải vào chỗ nọ chỗ kia”.
Vì cha già Thông không hay cãi lý, nên ngài chỉ biết rút lui.
Khám hộ khẩu
Khám hộ khẩu mục đích xem hộ đó thiếu người hay thừa người. Thiếu là khi có người đi vắng. Đi vắng mà có trình tạm vắng, thì không sao, nhưng nếu không trình sổ trước, là vi phạm, và có thể bị phạt. Tạm vắng mà không trình báo, sự vi phạm mà nhẹ, chưa tạm trú mà không báo, vi phạm bị coi là nặng nề hơn nhiều. Tạm trú không trình báo, là khi trong nhà có người khách người lạ đến mà không trình báo.
Việc trình báo phải làm vào chiều tối, trước khi quen đi ngủ, tất nhiên phải có giấy tạm vắng. Người chủ hay người nhà cầm giấy đó ra trình báo. Trong giấy ghi rõ đến vì lý do gì, ở lại bao lâu. Công an hộ tịch xem giấy rồi ghi theo giấy: đến vì lý do gì, ở lại bao lâu. Nếu hết hạn mà khách chưa kịp đi, phải trình báo và xin thêm hạn. Có gia hạn hay không là tuỳ công an. Trường hợp linh mục hết hạn cư trú mà có xin thêm một giờ cũng không được.
Khám vào ban đêm, giữa lúc mọi người vừa nhắm mắt: Chỗi dậy đột ngột, thế nào cũng bàng hoàng. Đang đêm gõ cửa, mở cửa ra, mắt nhắm mắt mở, thấy anh công an áo vàng, y phục mũ mạo đầy đủ, tay cầm quyển sổ: đó là một trong những quãng thời gian bàng hoàng của người dân cả đời chỉ mong được ăn no ngủ yên.
Trường hợp có nữ công an đi theo vào nhà xứ, đến phòng linh mục, linh mục trông thấy phải ôn tồn thưa:
– “Để cho tôi ra ngoài đã, rồi mời chị vào, vì chúng tôi có luật là phụ nữ không được vào phòng ngủ linh mục, khi linh mục đang ở đó”.
Kết quả: hoặc chị công an không vào, hoặc cả bọn không vào, vì có vào linh mục cũng phải có mặt ở đó để chứng kiến trực tiếp các sự việc. Phải có mặt linh mục, để khi khám xét xong, linh mục mới có thể ký vào biên bản là có sự việc xảy ra, hoặc không có sự gì.
Nói đúng ra: những người đi làm công tác khám xét ban đêm cũng không hồ hởi cho lắm. Dĩ nhiên đến lượt ai làm công tác ban đêm thì phải thức. Như thế để rồi đi tìm bắt quả tang một nhà nào đó vi phạm luật để cho có người lạ đến ngủ mà không báo. Khám một chục nhà, liệu có bắt được một nhà vi phạm hay không. Có bắt được thì kết quả cũng chẳng bõ. Người lỗi phạm sáng hôm sau đưa sổ có ghi lỗi phạm đến trình Đồn nộp phạt và chịu cảnh cáo.
Nhưng kết quả lớn và rộng khắp, là nơi nơi từ thành thị đến thôn quê ai nấy đều giữ không dám vi phạm, và số người vi phạm không đáng kể. Nhà nước luôn nắm chắc được người dân cả khi ngủ. Bởi đó, việc khám hộ khẩu ban đêm, vào thời kỳ đầu, có vẻ gay gắt lắm, cán bộ buông lỏng dần dần, người công dân dần dần thờ ơ.
Sau vụ gian tặc đến bóp cổ chết linh mục ở Hải Phòng, sau năm 1975. Tôi ở Nam Định quyết không mở cửa ban đêm, dù bất cứ ai đến gõ cửa. Cán bộ công an cũng khó đến với linh mục. Ban đêm không dám đi một mình, phải có người quen biết dẫn đường. Anh Thành buộc phải làm nhiệm vụ đưa đường, như ông Simeon vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu, nhưng chỉ đưa đến cổng nhà thờ. Không ai mở cổng, phải trèo qua, anh Thành từ chối rút lui. Mấy anh trèo qua cổng sắt đến gõ cửa phòng tôi ở nhà Hội Minh Minh Đức. Tầng dưới đóng cửa chặt, tôi nằm ở tầng trên. Các anh tiếp tục gõ cửa, rồi ra đứng sân ngửa cổ lên:
– Ông Trọng, ông Trọng, mở cửa – có công an đến khám sổ.
Tôi vẫn nằm yên – vẫn nghe thấy tiếng gõ cửa, vẫn nghe thấy tiếng gọi. Các chú ngủ buồng bên cạnh, cũng được lệnh cứ nằm yên, không được ho hắng. Rồi tiếng đạp cửa, tiếng gọi cứ tiếp tục. Trên gác vẫn yên lặng. Cuộc đọ sức kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ. Chắc họ bực mình lắm.
Sáng hôm sau họ đến ngay, trách móc sao hôm qua gọi cửa mãi mà không mở. Linh mục nói:
– “Tôi có nghe biết, nhưng không dám mở cửa, vụ giết cha Nhật ở Hải Phòng vào ban đêm, tôi vẫn sợ. Đêm đến không biết thế nào là ngay là gian. Xin các ông có việc cứ đến ban ngày, ban đêm tôi không dám mở cửa”.
Các anh công an cũng đành chịu vậy. Giá phải những năm trước, thì các anh không để yên đâu.
Thay đổi hộ khẩu, xin nhập hộ
Ai cũng phải có hộ khẩu. Không có hộ khẩu thì không làm ăn gì được, không ở đâu được. Có hộ khẩu, thì mới có sổ gạo, mới có quyền, có chỗ đong gạo ăn, có tem phiếu. Chỉ có gạo mậu dịch, chỉ có hàng mậu dịch, vì thế mua hàng, đong gạo phải có sổ gạo, có tem phiếu.
Muốn ở đâu phải có sổ hộ tịch, phải đăng ký hộ khẩu. Không thể là người không có tên trong sổ sách ở Uỷ Ban. Việc làm đầu tiên của một người đến ở đâu là phải đăng ký hộ khẩu. Nếu không thì không có quyền lợi gì, cả quyền tạm trú. Không có sổ hộ khẩu thì không ai cho đăng ký tạm trú.
Việc thay đổi hộ khẩu hay xin nhập khẩu, khó dễ cũng tuỳ hạng người. Muốn thay đổi thì trước hết phải cắt khẩu ở nơi cũ, rồi xin nhập hộ ở nơi mới. Việc cắt khẩu thì rất dễ dàng, xin là được ngay, xoá ngay.
Nhưng việc xin nhập hộ có thể dễ dàng với một số người, nhưng là quá khó khăn với một số người khác.
Học sinh, sinh viên đổi trường, từ trung học lên đại học thì cắt khẩu nơi cư trú trước, đến xin nhập hộ ở nơi học mới: đó là chuyện thường, miễn là được đi học. Người Công giáo, vào thời kỳ đầu của chế độ, nếu là người Công giáo hẳn hoi, thì không được vào cấp ba, huống chi đại học, thì không nghĩ gì đến chuyển khẩu.
Người thợ ở một xưởng công, nay đổi đi làm việc ở một nơi công khác, là việc thông thường. Nhưng người nào tự ý đi làm việc nơi nọ nơi kia, thì trong những thời kỳ dễ d•i, chỉ có đi “chui”, làm “chui”, nghĩa là ngoài vòng pháp luật.
Vào thời kỳ đầu của chế độ, ai làm ở đâu, cứ ở đó, đang ở các hợp tác xã này đừng hòng sang hợp tác xã ở một tỉnh khác.
Người thành thị về nông thôn thì cư trú dễ dàng, nhưng công ăn việc làm, nhất là được cấp ruộng để canh tác, chuyện đó không khó, sống thế nào thì sống.
Người nông thôn mà lên thành thị, quả là một sự khó khăn. Không có quyền cư trú, không nơi cư trú, không ai cho việc làm.
Từ 1985, việc vào thành phố mới dễ dàng, vì từ những năm 1990, việc vào thành phố trở thành ồ ạt. Vì luật cư trú hầu như không còn. Đối với Công giáo thì bao giờ cũng có cái khác.
Trước kia các chú vào ở với cha xứ để tiện việc giúp lễ. Lớn lên độ 14, 15 tuổi là bị trục xuất ngay, vì sợ ở đó học hành ít lâu rồi “chui” “chui” “chui”. Từ khi có các Chủng Viện vào những năm 1980, thì không còn vấn đề đối với các chú ở nhà xứ.
Nhưng các chú ở với các linh mục “không đẹp lòng” thì khó mà được chấp nhận vào Chủng Viện, muốn vào Chủng Viện phải tìm sự bảo trợ của linh mục nào “dễ tính” hơn.
Về nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, thì ở địa phận nào, xưa nay vẫn khó khăn, ngày nay có bớt đi, nhưng cũng rất khó khăn trong việc nhập dòng.
Chẳng là ở Miền Bắc, sau 1954, không còn một đòng tu nào được công nhận để hoạt động. Dòng Chúa Cứu Thế chỉ còn sót một cha, không được phép đào tạo người mới để mở rộng. Dòng Chị Em Thánh Phaolô còn sót lại mấy bà già ở Sainte Marie về ở Hàng Bột, tuy có được phép nhập vài chị em mới, nhưng không đủ để thay thế các bà già qua đi. Sau này cũng cố gắng gây dựng đám đệ tử, nhưng vẫn là “chui”, chưa phép tắc gì, chẳng có hộ khẩu gì cả. Tồn tại được lúc nào, chỉ nhờ nhân viên hữu trách nhắm mắt bỏ qua.
Chỉ còn Dòng Mến Thánh Giá có vẻ thịnh đạt nhất. ở Hà Nội cũng như ở các địa phận khác. ở Hà Nội có 17 nhà, kể cả nhà chính. Những năm đầu tiếp theo năm 1954, tình trạng các nhà cũng thê thảm lắm. Nhà nào cũng thê thảm, chỉ còn mấy bà già. Nếu có chị em trẻ trung cũng không ở lâu được. Cán bộ tìm cách bằng những cuộc gặp gỡ, hội họp, đe dọa, hứa hẹn để đưa các chị em trẻ ra khỏi Nhà Dòng. Người em Thày Lâm, còn trẻ, cũng ở trong trường hợp đó – Và đã bỏ nhà dòng về lập gia đình như các chị em trẻ khác.
Còn lại vài ba bà già, song các bà cũng khéo léo tìm cách nuôi thêm mấy người trẻ. Làm sao nhà xin được hộ khẩu cho các em này? Những năm đầu năm 1954, một số em can đảm và ở “chui” ở mỗi nhà dòng. Khốn khổ là cứ đêm đến công an vào lục soát nhà. Các em vừa nhanh chân, vừa đã có đường lối để chạy thoát. Nhưng cũng nhiều lúc nhỡ nhàng: Đang đêm báo động, chị em vội chạy, không kịp xỏ dép, công an thấy giường bỏ không mà lại có đôi dép ở dưới. Chắc là có người ngủ trộm đã chạy trốn. Bà Nhất phải tìm cách xuê xoa, nhưng thế nào cũng bị khiển trách. Người nào chẳng may bị bắt quả tang, thì hôm sau hoặc đưa về trả tận nhà quê người chị em, có khi về nhà quê rồi, vẫn phải phạt đi dân công một tháng. Thật là ra sinh vào tử, nhưng nhiều chị em vẫn can đảm. Nghe ngóng ít lâu, thấy yên yên lại “chui” về nhà dòng. Nhờ có những chị em can đảm bền chí như thế, các nhà dòng mới tồn tại. ở “chày” lâu quá, người ta cũng cho một vài chị em có hộ khẩu.
Cho đến ngày nay, một số chị em vẫn chưa có hộ khẩu – hoặc vì chưa được, hoặc cả không muốn có, vì có lúc có hộ khẩu cũng bất lợi. Chẳng hạn một số người đi học nước ngoài. Nếu khai là người nhà dòng, có hộ khẩu nhà dòng, thì khó mà xin được đi học. Nên chị em đành phải giấu cái hộ khẩu nhà dòng, hy vọng dễ xin được giấy. Không hộ khẩu cũng lợi thôi, có hộ khẩu, cũng có lúc lôi thôi là thế.
Tóm lại: chính sách hộ khẩu là chính sách đặc thù của những nhà độc tài phát xít Cộng sản. Nhờ chính sách hộ khẩu mà biết được mọi người, mà thu tóm mọi người thành một đoàn, đoàn người hay đoàn vật cũng được. Đoàn người hay đoàn vật đã được xỏ mũi: để người ta muốn dắt đi đâu thì đi, cho ăn, cho uống, cho mặc: là tuỳ ý ông chủ; chủ tịch hay chủ đoàn, cho ngồi mát ăn bát vàng hay ra mặt trận làm bia đỡ đạn để trở thành liệt sĩ tuỳ như chủ tịch hay chủ đoàn muốn. Chính sách hộ khẩu được sử dụng một cách khéo léo, một cách nham hiểm, một cách độc ác như thế đấy!
Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng
(Trích Những câu chuyện về một thời)
Gửi ý kiến của bạn