BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73242)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kể Trong Bóng Tối

09 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 2377)
Kể Trong Bóng Tối
54Vote
41Vote
31Vote
21Vote
11Vote
3.88
Cậu bé ngồi cạnh Huy đang tìm cách gác chân lên hàng ghế trước mặt và ngả đầu lên thành ghế của mình cho thoải mái. Lát sau, cậu bé đã thiu thiu ngủ. Thỉnh thoảng, đầu cậu bé từ từ gục trên vai Huy. Mái tóc ngắn mới cắt tỉa được mươi hôm, cứng như rể tre và nhọn như kim, đâm vào da thịt Huy khiến Huy rờn rợn một cảm giác khó chịu. Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, Huy còn nâng nhè nhẹ má cậu bé, đặt đầu cậu về chỗ cũ . Nhưng lần thứ tư thì Huy cáu tiết vì đúng lúc trên màn ảnh chiếu tới đoạn hai tên cướp trổ tài rút súng nhanh cơ hồ chớp lóe để hạ nhau. Huy thúc khuỷu tay vô cạnh sườn cậu bé, làm cậu giật mình thức dậy, chiếc cặp da trong lòng cậu nhân thể cũng rơi luôn. Cậu bé cúi xuống nhặt cặp rồi quay sang phía Huy lắp bắp câu xin lỗi.

Huy bỗng hối hận. Anh chưa biết phải đối xử với cậu bé ra sao thì đã thấy cậu bé đứng lên sang ghế khác. Trước khi bỏ đi, cậu bé thận trọng nâng ghế rất khẽ để khỏi bật tiếng động lớn. Cử ­chỉ và hành động ấy làm Huy bối rối thêm. May mắn rạp chiếu bóng lúc đó vắng vẻ, những hàng ghế trên càng vắng vẻ hơn, dễ chừng chỉ có Huy và cậu bé. Suy nghĩ giây lát, Huy gọi cậu bé :

– Này em…

Cậu bé sợ sệt :

– Anh hỏi gì ạ ?

– Sao em không ngồi yên đây ?

– Em ngồi đây được rồi.

Huy xấu hổ. Anh mon men đến ngồi cạnh cậu bé.

– Anh xin lỗi em nhé !

– Xin lỗi gì cơ ạ ?

– Lúc nãy anh vô tình…

– Thưa anh chả sao ạ !

Huy im lặng. Anh cố tìm cách gợi chuyện cậu bé. Song bây giờ cậu bé ngồi yên, mắt theo rõi những cảnh phi ngựa, bắn súng ầm ĩ trong rừng núi miền cực tây Mỹ quốc. Huy nhìn kỹ cậu bé. Trong bóng tối mờ mờ, có lúc loé sáng vì cảnh bình minh ở cuốn phim, nên Huy có thể nhận ra khuôn mặt đáng yêu của cậu bé. Một cậu bé học trò trạc mười bốn tuổi. Thế mà lúc nãy Huy tưởng là đứa bé đánh giầy, đứa trẻ phát giấy quảng cáo vô học nào. Huy đập khẽ lên vai cậu bé, ngầm ý ăn năn. Cậu bé thản nhiên như không thèm biết đến. Huy bỗng bối rối trước một sự kiện tầm thường. Anh cố làm quen:

– Sau lúc nãy em ngủ mê thế ?

Giọng nói của Huy dịu dàng và thành thật khiến cậu bé bớt khinh khỉnh. Cậu mĩm cười:

– Tại lúc nãy không hay.

– Em nói dối.

Cậu bé ngạc nhiên :

– Sao anh biết em nói dối ?

– Vì lúc nãy đấu súng tay đôi hồi hộp đến nín thở; đấm nhau kinh khủng; hấp dẫn, sôi nổi bằng mấy lúc này, mà em bảo không hay.

Cậu bé gật đầu tỏ vẻ phục Huy :

– Phim này hay anh nhỉ ?

– Ừ, Burt Lancaster đóng cao bồi thì chê thế nào được.

– Cũng có phim chê được chứ !

– Thí dụ…

– Như “L’ homme du Kentucky, La vallée de ta vengeance“, chẳng hạn.

Huy thấy cậu bé có cái gì hợp với mình. Anh biểu lộ ngay cảm tình của anh bằng câu khen ngợi :

– Em “vua” xi nê rồi đó. Nhưng anh đoán đúng chứ ?

– Đúng gì ạ ?

– Đúng em nói dối anh.

– Tội ngủ mê phải không ạ ?

– Ừ, sao lúc nãy em ngủ mê thế ?

– Tại em xem một xuất rồi.

– Hèn nào. Xem nhiều quá, mất hay đấy.

– Em xem giết thì giờ mà.

– Thế không đến trường à ?

Cậu bé lúng túng chưa hiểu phải trả lời thế nào thì Huy đã hỏi tiếp :

– Chắc có giờ trống hả ?

– Vâng.

– Em học trường nào ?

– Thưa anh, trường Cao Bá Quát.

– Trường tư à ?

– Vâng.

– Năm nay em học lớp mấy ?

– Lớp Đệ Lục ạ !

– Em học từ mấy giờ ?

– 2 giờ 30.

– Mấy giờ tan ?

– 6 giờ 30.

-Lúc anh vào đây 4 giờ 30, bây giờ dễ đến 5 giờ rồi.

Huy móc túi ra cái đồng hồ đã mất giây đeo. Anh đặt vào lòng bàn tay trái, úp cả đôi bàn tay lại rồi ngắm.

– 5 giờ rồi em ạ !

– Nhanh quá nhỉ.

– Thì giờ vẫn đi nhanh, nhất là ngồi rạp máy lạnh mùa hè, xem phim cao bồi thì nó càng đi nhanh nữa. Em muộn rồi, thôi trót một lần chả sao.

Cậu bé nín thinh. Huy thấy mơ hồ một hình ảnh xa xưa. Đôi mắt anh chớp mau, cảm động. Huy thừa biết cậu bé này trốn học. Thường ngày Huy vẫn gặp một số các cậu cắp cặp rong lượn phố phường tán chuyện nhảm nhí chê bai giáo sư… Hết chuyện riễu cợt giáo sư, mấy cậu bàn sang chuyện nữ sinh. Em này giống Brigitte Bardot, em kia đanh đá cá cày…

Mấy cậu thỉnh thoảng lại chầy học phí một tháng, lấy tiền vào các “xì nách ba” ngồi ngâm nga ly bia, phì phèo dăm ba điếu thuốc lá, bắt chước mấy ông văn sĩ có trong các tạp chí đượm mầu hiện thực, siêu thực, vân vân… Mở miệng là “buồn nôn, phi lý”. Và tai hại hơn cả, mấy cậu cứ tưởng mình là “thế hệ mệt mỏi” tuy chưa hề làm gì đến mệt mỏi, trừ việc trốn học, đi chơi. Mấy cậu lớn quyến rũ mấy cậu bé. Thoạt đầu, còn chui vào các rạp chiếu bóng thường trực, coi phim chán, ngủ chán, đúng tới giờ tan học thì về. Sau rồi đốt giai đoạn để tập uống bia, hút thuốc lá đen và nguyền rủa cuộc đời… phi lý !

Huy ái ngại dùm cậu bé ngồi cạnh mình. Huy thấy, ít ra, anh cũng có trách nhiệm khi mục kích một người tự tử, nếu anh không đủ can đảm nếu anh không biết bơi, hay nếu anh kêu cứu. Cậu bé vẫn nín thinh. Huy liếc nhìn cậu, bắt chợt gặp tia mắt của cậu liếc nhìn anh. Tự nhiên, Huy ngượng ngập. Rồi Huy chỉ sợ cậu bé bỏ ra về. Huy vội mỉm cười ngầm ý thương cảm và sẵn sàng tha thứ tội trốn học của cậu bé, mặc dù giữa anh và cậu bé không có chút liên hệ gì. Cậu bé đưa tay chống lên cằm, suy nghĩ, Huy gọi nhỏ :

– Này em…

– Anh hỏi gì ạ ?

– Mình nói chuyện được không em ?

– Anh không xem phim à ?

– Anh xem lúc nào chẳng được.

– Nhưng nói chuvện gì ? Em dốt lắm, chưa biết nói chuvện.

– Chuyện gì thì chuyện. Bắt đầu chúng mình nói chuyện xi nê nhé !

Cậu bé hết ngần ngại. Cậu xích gần Huy hơn. Cử chỉ ấy chứng tỏ cậu bé bằng lòng. Huy xoa dầu cậu bé. Anh thân mật nói :

– Em có biết anh hơn em bao nhiêu tuổi không ?

– Không.

– Ít nhất là mười bốn tuổi.

– Thế anh hai mươi bẩy à ?

– Đúng.

– Anh già nhỉ ?

– Già, nghĩ gì cũng đúng, có sai cũng sai tí ti thôi, Em đồng ý chứ ?

– Vâng. Nhưng mình bắt đầu chuyện xi nê cơ mà, anh ?

– Ừ nhỉ. Em có thấy tên cao bồi vừa quẹt diêm vào thân cây đốt thuốc lá không ?

– Có.

– Đạo diễn Mỹ nhiều khi cũng ngu, em nhỉ ?

Cậu bé há hốc mồm kinh ngạc :

– Anh bảo sao ?

– Đạo diễn phim này ngu lắm.

– Ngu thế nào ?

– Này nhé, phim giới thiệu rằng khung cảnh xảy ra vào thời Mỹ mới lập quốc, nghĩa là vào khoảng 1787 gì đó. Bây giờ làm gì đã có diêm quẹt vào đâu cũng cháy tối tân như bây giờ. Thế mà ông đạo diễn phim này cho tên cao bồi quẹt diêm vào thân cây thì đích thị là ông ta ngu, còn gì nữa.

Cậu bé gật gù cái đầu, thích thú. Biết rằng đã dùng tài vặt chinh phục nổi cậu bé ngây thơ rồi, Huy nói lăng nhăng sang các chuyện khác. Chuyện nào cũng khiến cậu bé để tâm theo rõi. Sau cùng Huy đổi giọng. Cái giọng vui vẻ linh hoạt khi nãy biến thành buồn buồn :

– Em này…

– Anh hỏi gì ạ ?

– Anh muốn kể cho em nghe một câu chuyện.

– Chuyện gì, hở anh ?

– Chuyện không hay bằng các chuyện anh vừa nói đâu, nhưng anh tin chắc có ích cho em ghê lắm.

– Chuyện khoa học hở ?

– Không phải.

– Chuyện văn chương ?

– Không phải.

– Thế chuyện gì ?

– Em bằng lòng nghe anh kể hết, dù chuyện có lẻ nhạt, cũng hứa, thì anh mới kể.

– Em hứa.

– Vậy anh kể cho em nghe chuyện một người…

***


Gia đình nó sống không dư dả gì. Cha nó làm nghề lang thuốc ở một tỉnh lỵ nhỏ. Mẹ nó bán thuốc cao đơn hoàn tán do cha nó bào chế, lưu động khắp các phiên chợ gần thì xã. Ngày nó mở mắt chào đời, cha mẹ nó mừng lắm, nhất là cha nó. Bao nhiêu hy vọng dồn hết vào nó, đến nỗi vô tình nó hưởng lấn sang gần hết sự nâng niu chiều chuộng của các em nó.

Năm nó bẩy tuổi, cha mẹ nó gửi nó vào trường Bà Sơ, viện lẽ rằng các Bà Sơ thương trẻ con, không hay đánh đòn, lại dậy dỗ cẩn thận. Cha nó thường ngắm nghía nó bằng con mắt nhà tướng số, rồi bảo mẹ nó :

– Đấy bà trông, tướng thằng này về sau thế nào cũng làm nên sự nghiệp.

Những lần cha nó nói thế, mẹ nó chỉ mỉm cười, nụ cười chứa chan niềm hân hoan. Và chẳng nề đầu tắt mặt tối, chẳng nề mưa nắng dãi đầu, mẹ nó lặn lội tháng ngày nuôi anh em nó. Còn nhỏ, nó chưa ảnh hưởng gì tai hại, hoặc cái gì cám dỗ, nên nó học hành chăm chỉ, lấn tới. Cha mọ nó càng mừng. Tới năm nó đậu bằng “sơ học bổ túc” thì niềm kiêu hảnh về nó không còn giới hạn trong phạm vi gia đình nữa, cha mẹ nó khoe khoang nó với bất cứ ai.

Lên lớp trên, nó học tiếng Anh tiếng Pháp làu làu, khiến cha nó chả biết mô tê chi cũng thích thú. Khi nó đủ trí khôn để nghe truyện thì cha nó hay phàn nàn vì nghề nghiệp của mình.

– Con xem, thiên hạ có trọng gì cha đâu. Họ gọi cha là lang băm. Thời đại này mới mẻ quá, thành thử, dao cầu thuyền tán của cha bị khinh rẻ.

Cha nó nói liên miên, trút hết mọi xấu xa vào nghề lang thuốc bắc. Câu chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng lời nói đầy khuyến khích, đầy tin tưởng :

– Con cố gắng học thành tài.

Nó cố gắng thật. Một lần nó xếp thứ nhất cuối niên học, cha nó đã biểu lộ niềm vui sướng trong một bữa cơm thịnh soạn mà cha nó mời đông đủ bạn bè tới ăn, chẳng ngại tốn kém. Sự tin tưởng mãnh liệt quá, đôi lúc, làm cha nó mơ mộng xa xôi. Cha nó bắt nó nằm bên cạnh, rồi vẽ ra hạnh phúc :

– Phòng thăm bệnh vẫn để tên cha nhưng tên bác sĩ điều khiển là tên con. Cha sẽ thuê người viết chữ đỏ. Tên con rực rỡ dưới ánh nắng. Cả tỉnh sẽ phục con. Phải là bác sỹ con mới rửa nhục cho cha được.

Thoạt đầu, nó cảm động muốn khóc. Dần dần nghe cha nói mãi, nó chán. Lớn thêm lên một tuổi nó thay đổi tính tình. Trước nó ngoan ngoãn vâng lời thì giờ nó cãi lại, bất kể cha nó hay mẹ nó. Mẹ nó chỉ biết khóc, rồi cuối cùng tự an ủi :

– Tại nó lớn lên, đâm bẳn tính. Ai mới lớn mà chả thay đổi, rồi đâu lại vào đó cả mà.

Cha nó thì cho rằng bởi nó chăm học quá, lúc nào cũng để tâm tới sách vở nên thần kinh bị căng thẳng. Lập tức, cha nó kê đơn bắt em nó sang hiệu thuốc bắc cân liên tiếp nửa tháng thuốc bổ về sắc cho nó uống. Nó uống thuốc bổ nên học chăm hơn. Đêm nó học mãi đến một giờ khuya mới ngủ. Mẹ nó thường tò mò ngó trộm qua khe sách vở thì thấy con mình ngồi bó gối chăm chú xem từng quyển sách dầy cộm. Thế là bà mẹ được dịp khoe :

– Nó giở hết trang này sang trang nọ, nhanh nhanh là. Con tôi chăm học, không ai bằng !

Cha nó phụ họa :

– Học thế thì đổ cả một lúc bác sỹ lẫn dược sỹ.

Nhưng cha mẹ nó có biết đâu những quyển sách dầy cộm nó thức khuya để đọc chỉ là những quyển tiểu thuyết tình ái nhảm nhí, chỉ là những quyển trinh thám phiêu lưu, chỉ là những quyển truyện kiếm hiệp Tàu thuê ở hiệu sách. Nó bị ảnh hưởng tiểu thuyết sớm quá nên coi cuộc đời như mây trôi gió thổi, như chiêm hao. Nó chán học từ đấy… Và từ đấy, tâm hồn nó sa sút.

Đến năm nó học lớp đệ ngũ thì hy vọng của cha mẹ nó tiêu tan. Khốn nỗi, cha mẹ nó chưa biết và cũng chẳng hao giờ biết được, chỉ vì cha mẹ nó ngu dốt không hiểu nó học ra sao mà kiểm soát rồi cứ tưởng nó vẫn chăm ngoan. Nên cã khi cha nó ốm hoặc trong cơn mê sãng của mẹ nó, luôn luôn cha hoặc mẹ nó nhắc nhở hai tiếng thiêng liêng :

– Bác sỹ.

Niên học đệ ngũ, nó chơi với mấy đứa hạn “bán trời không văn tự”. Bọn chúng nó chểnh mảng học hành, trêu thầy, chọc hạn và ỉm tiền học phí để chè chén cho thỏa thích. Chúng nó côn đồ đến độ dám dọa thư ký nếu thư ký tố cáo chúng với cha mẹ chúng. Trong khi cha nó khom lưng đạp bánh xe thuyền tán, trong khi mẹ nó góp nhặt từ đồng bạc thuốc cam, trong khi bạn học làm việc cần mẫn thì nó theo lũ bạn mất dạy ra sông bơi lội, hay ra đồng bắn chim, hay tinh ma hơn nữa, đến các đền chùa ăn cắp oản chuối của thánh. Cứ thế tiếp tục cả năm đệ ngũ, nó chẳng thu thập được chút kiến thức nào.

Lên năm đệ tứ, các môn học khó, lại liên lạc nhiều với các phần học ở đệ ngũ nên nó mơ hồ, khi hiểu khi không. Nó đâm chán, cố gắng cũng uổng công. Kết quả là cha nó buồn phát ốm, mẹ nó nguyền rủa thần thánh. Nhưng sau dó, sợ nó thất vọng, cha mẹ nó an ủi nó :

– Chẳng đỗ khoa này thì dỗ khoa sau. “Học tài thi phận” mà con ạ !

Nó chỉ mỉm cười. Khoa sau nó trượt luôn. Và lấy cớ thi trượt, nó bỏ nhà đi biệt, thây kệ cha mẹ nó tủi nhục lo âu, thây kệ đàn em nó ngơ ngác. Dĩ nhiên, hết cuộc đời cha nó, mộng nó trở thành bác sỹ không khi nào thành. Cha nó đành sống hèn trong kiếp lang băm. Rồi về sau ra sao, nó cũng chẳng biết.

Nó lang thang vào tận miền Nam. Con đường luôn luôn đẹp ở đoạn khởi đầu. Đi mãi, mỏi gối chồn chân. Nó đâm ra nhớ nhà, nhưng núi sông cách trở, không về được nữa. Nó hối hận, nó thương cha mẹ nó. Vô ích. Cuộc sống tự lập không cho nó nhiều thì giờ để thương tiếc.

Bạn bè khuyên nó xin vào công sở làm việc. Nó làm đơn kể hàng trăm cái. Tới sở nào, người ta cũng chỉ hỏi nó có bằng gì không. Nó thất vọng trăm lần. Bây giờ nó mới hối hận học hành bê bối. Vô giáo dục thì chỉ làm đầy tớ suốt đời. Đói rách thúc bách nó làm nhiều nghề. Theo dân “giang hồ mãi võ” đi bán thuốc khắp hơi. Dạy học tư gia. Làm nghề đi lấy quảng cáo. Bán báo. Giữ xe đạp thuê. Làm nghề nào nó cũng chỉ gặp những bất công cay dắng.

Hiện nó đang đùa với số mệnh. Ban ngày nó hay đi lang thang ngoài phố, có khi dừng trước cửa rạp xi nê, có khi ngồi trong công viên, mà tinh mắt, em nhận thấy nó ngay.

***


Câu bé níu vai Huy hỏi :

– Thật hở, anh ?

– Ừ.

– Làm sao mà nhận được ?

– Khó gì, cứ nhìn anh chàng vào trạc hai bảy, hai tám, trở lại mà la cà ngoài phố vào giờ mọi người đi làm, là đúng nó.

– Hắn có đáng ghét không hở anh ?

– Đáng thương.

– Chắc anh quen hắn ?

– Quen thân là khác.

– Anh tả hình dáng hắn cho em nghe đi, anh…

– Em muốn biết nó à ?

– Vâng.

Huy bị xúc động mạnh. Anh dưa tay đặt lên ngực rồi buồn rầu nói :

– Thằng bé con ông lang thuốc trốn học và khổ sở ấy đây em này. Nó là anh, thất nghiệp ngày này sang ngày khác. Em hãy nhìn anh cho rõ. Mặt anh đáng tởm không em ? Đáng lẽ, lúc này anh phải làm gì thì anh lại chui vào đây xem phim cao bồi năm đồng bạc để giết tuổi thanh niên. Em hãy cố gắng hiểu anh. Trời ơi !

Huy kêu hai tiếng “Trời ơi” hơi to. Nhưng đúng lúc đó trên màn ảnh hiện hình chữ “hết”. Nhạc đoạn cuối phim dồn dập, thôi thúc. Tiếng ghế thi nhau kêu rào rạt. Huy ngồi im. Cậu bé cũng ngồi im. Đến khi, trong rạp lóe sáng, Huy mới dám liếc nhìn cậu bé đã đứng vùng dậy, ôm cặp len lỏi chạy vào đám đông đang chen chúc ra, ở những hàng ghế dưới.

Huy trông theo, mỉm cười. Rồi anh rút khăn lau nước mắt.

Duyên Anh

(1962)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn