BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chân Trời Đen Ngày Cũ

09 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 1103)
Chân Trời Đen Ngày Cũ
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41
Tháng 4 đến, mang cơn bão hồi tưởng tràn về bao nhiêu chuyện buồn bắt đầu từ những ngày tàn cuộc chiến cho cả triệu người dân Việt ở hải ngoại. Như một vết thương vẫn còn rỉ máu, một nỗi tủi nhục, đớn đau đã không thể nào quên được dễ dàng trong mỗi cuộc đời người lính. Những người đã tận tụy cống hiến một thời tuổi trẻ cho binh nghiệp, đã hy sinh xương máu, hy sinh một phần thân thể để bảo vệ tự do và bình an cho miền Nam nước Việt. Để rồi, sau ngày miền Nam bị cướp đoạt, đã có trăm ngàn vạn người phải vướng vào địa ngục tù đày, khổ ải. Chưa kể hết được vô số sinh mạng đã bỏ mình ngoài biển cả, trên đường đi tìm tự do.

Khi ngày “chiến thắng” được tung hô trên đất nước thì tôi còn đang là một học sinh lớp mười, ngơ ngác trước mọi sự kiện nhốn nháo bên ngoài đường phố. Tôi vẫn còn nhớ rõ lúc ấy, cha tôi, có lẽ do sự bàng hoàng, uất nghẹn đã ngồi bất động với đôi mắt thất thần bên cái máy hát nhỏ, âm thanh rè rè lời kêu gọi “buông súng đầu hàng…” Trong khi mẹ tôi hốt hoảng lên cùng với tiếng than thống thiết của bà ngoại: “Giời ôi, khổ đến nơi rồi!” Tôi cảm nhận được tiếng than ấy đau như một tiếng rên của thân phận người dân, đã từng sống dưới chế độ cộng sản từ thời kỳ mở đầu ở miền Bắc, rồi phải đành lòng dứt bỏ làng quê, thân quyến theo cuộc tản cư ồ ạt vào Nam để trốn chạy bạo quyền. Những tưởng đã tìm được sự tự do yên ổn cho đến đời con cháu. Nào ngờ sau mấy chục năm, vận mệnh của miền Nam lại rơi nốt vào tay chính thể tàn ác cộng sản, dưới chiêu bài “giải phóng miền Nam

Sài Gòn 1975. Buổi giao thời. Thời của khăn rằn, băng đỏ, dép râu. Thời của bọn “cách mạng 30”.


Lời than của bà đã gieo vào lòng tôi một sự thất vọng não nề, nó gợi lại những câu chuyện bà kể về cuộc “cải cách ruộng đất” cho chúng tôi nghe. Nhiều người cùng làng, quen biết gần xa bên bà ngoại tôi đã bị chết oan ức trong lần “đấu tố địa chủ” đó… Mỗi lần kể, là bà tôi lại ứa nước mắt nghẹn ngào. Câu chuyện “đấu tố” luôn làm tôi nhớ đến cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” mà tôi đã xem qua trên T.V hồi tôi 7 hay 8 tuổi gì đó. Một cảnh chôn sống người trong phim đã ám ảnh tôi suốt thời tuổi nhỏ. Cứ mỗi lần ăn cơm là hình ảnh đó lại hiện ra trong đầu tôi, khiến tôi cảm thấy ghê sợ không ăn được và thường bị mẹ mắng vì tội bỏ cơm. Hình ảnh đó còn theo tôi vào những cơn mơ hãi hùng. Tôi thường thấy những con người mặc quần áo đen, mang nặt nạ quỉ đi kiếm trẻ em để bắt đem chôn sống. Kinh khủng quá! Tôi lại hay hỏi mẹ tôi nhiều lần câu: “Sao Việt Cộng ác quá vậy hả mẹ?” Và lúc nào tôi cũng nghe câu trách “Con còn bé mà cứ hỏi chuyện Việt Cộng làm gì, đi học bài đi!”…Dẫu tôi không được nghe một lời giải thích rõ ràng nào, tôi vẫn luôn mang ý nghĩ từ thời thơ dại rằngViệt Cộng rất ác. Ý nghĩ đó làm tăng thêm sự thất vọng trong tâm hồn tôi những ngày kế tiếp. Tôi lo theo nỗi lo của cha mẹ về tương lai, về công ăn việc làm, mặc dù tôi chẳng biết mình lo được cái gì khi đang ở tuổi đi học. Lẫn với sự thất vọng còn là nỗi lo sợ, chán chường. Điều lo sợ trước tiên là anh em tôi “được” thanh niên chi đoàn phường kêu gọi đi họp tổ thanh niên mỗi tối. Tôi vốn là đứa nhút nhát, không bao giờ thích đám đông nên rất e ngại việc họp hành, và hay trốn tránh. Bà ngoại và mẹ tôi cứ thúc giục, vì sợ nếu tôi không chịu đi họp đều đặn, gia đình tôi sẽ bị ghi tên vào sổ “ bìa đen” là thành phần “ tiêu cực, chống đối”... Tôi đành phải đi họp mỗi tối, phải tham gia vào sinh hoạt ca hát những bài hát “cách mạng”, chỉ nghe qua thôi là tôi đã nổi da gà rồi!

Tôi chán và thất vọng ngay với học đường từ ngày đầu khai giảng niên khoá 75- 76 trong sự đổi mới của chương trình học lớp 11, ban C. Một tháng trời bị “nhồi nhét” môn chính trị khô khan, đầy những tuyền truyền, dối trá. Tôi ngạc nhiên cho tác phong của cô giáo dạy chính trị từ ngoài Bắc vào. Càng bị sửng sốt đến độ không ngờ vì phải nghe các từ “lỗ mãng” cô dùng cho những nhà lãnh đạo trong chính quyền Sàigòn bằng “thằng”, và gọi những người lính VNCH là “Việt gian”, “lính đánh thuê”, những tên “ôm chân đế quốc”, “ tay sai”… ngay trên bục giảng. Trong ánh mắt loé lên sự căm hờn, hàm răng nghiến lại, biểu lộ sự tức giận giả tạo quá đáng, đã tạo trên khuôn mặt cô một vẻ gì ác ác. Tuy nghe những lời giảng ấy hàng ngày, tôi vẫn không bị thâm nhập, trái lại càng thấy đau xót cho cả một quân đội miền Nam bị xúc phạm. Tôi nhận ra rằng cô giáo dạy chính trị đang làm công việc sỉ nhục đồng loại hơn là giảng dạy. Tôi tiếc cho những tuyệt tác như: “Chinh Phụ Ngâm”, “Cung Oán Ngâm Khúc”, “Đoạn Trường Tân Thanh”, và những bài “Hịch Tráng Sĩ” hào hùng mà tôi đã đang học dở dang ở lớp 10 dưới thời VNCH không còn được giảng dạy nữa. À, có truyện Kiều vẫn giữ lại dạy với chiều hướng chính trị, lên án chế độ phong kiến, quan lại thối nát chứ không phải được giảng giải bằng cái nhìn nghệ thuật văn chương. Thêm vào đó, phong cách ăn mặc lèng phèng của cô giáo làm tôi không nể phục được, chỉ cái quần bông đen, áo sơ mi trắng dài tay, đi đôi dép nhựa. So với những thầy cô giáo trong miền Nam, ai đi dạy cũng mặc áo dài và đồ tây rất lịch sự. Lúc cô bước vào lớp, tôi đã mở to cặp mắt nhìn cô trân trối, rồi huých đứa bạn gần bên hỏi:

“Ê, sao cô giáo này lại mặc đồ ở nhà đi dạy vậy bồ?”

Đứa bạn tôi cũng gật đầu đồng tình, thì thầm:

“Ờ mặc đồ kỳ quá há!”

Nhưng tôi đâu có biết chỉ một năm sau thôi, những chiếc áo dài ở trong trường học từ từ biến mất, các cô giáo miền Nam cũng ít mặc áo dài đi dạy. Chính mẹ tôi đã sửa áo dài thành áo bà ba ngắn cho tôi mặc đi học. Sự nghèo khổ bắt đầu lan tràn lên cả miền Nam, khi cái “ác” của chính quyền CS ngày càng lộ hẳn ra với chính sách xiết chặt bao tử của người dân, bằng cách ban hành “tem phiếu” mua lương thực. Nhất là trong đợt vơ vét “đánh tư sản” và “đổi tiền”. Sự ác đâu đã dừng lại ở đó, nó vẫn còn tiếp nối sau chuyện cướp đoạt tài sản và nhà cửa “vắng chủ” là đuổi người dân đi vùng kinh tế mới lập nghiệp.Vì thế, đã có biết bao nhiêu người phải bỏ nước ra đi, phiêu liêu mạng sống trên biển cả, quyết tâm tìm đến bến bờ tự do, dù biết cái giá họ trả cho sự tự do ấy thật quá đắt!!!

Chứng kiến được chừng ấy cái ác khởi sự từ những năm đầu hoà bình, thì tuổi học sinh của tôi làm sao có được cái nhìn cuộc đời màu hồng và những ước mơ xanh cho tương lai. Tôi chỉ thấy một chân trời đen tối đang bủa vây trước mắt ngày càng gần, theo gánh nặng cơm áo oằn trên đôi vai gầy của mẹ, cùng với nỗi thương nhớ, lo lắng và xót xa cho sự “bặt vô âm tín” của cha tôi. Cả nhà ai cũng hoang mang không biết cha tôi đang ở đâu, sống chết ra sao trong lần đi “trình diện học tập” lẽ ra chỉ một tháng thôi như nhà nước đã thông báo? Mà bấy giờ thì đã một năm rồi!! Tôi quá chán ngán đường lối giáo dục tôi đã phải theo đuổi. Có nhiều lần tôi rất muốn bỏ học, nhưng mỗi khi thấy những giọt nước mắt của mẹ, tôi lại không dám. Nhìn lại hai năm trung học dưới thời CS với sự sa sút tinh thần trầm trọng như thế, tôi cứ tưởng rằng mình đã không thể hoàn tất nổi bậc trung học trong hoàn cảnh nghèo đói, thảm thê của gia đình tôi nói riêng và cả miền Nam nói chung.

Hai mươi năm ngụp lặn trong cuộc sống cơ cực dưới chế độ CS. Tôi nào có biết đến hình ảnh hỗn loạn trước ngày Saigon thất thủ ra sao? Hàng trăm ngàn người đổ xô bám máy trực thăng, hay chen chúc nhau chờ đợi để lên tàu ra khơi như thế nào. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4, thì trên T.V, báo chí, truyền thanh tôi chỉ toàn nghe tôi toàn nghe những luận điệu tiếp tục lập lại như con vẹt về những “chiến thắng” cũ, cho đến khi tôi rời khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu để định cư trên đất Mỹ.

Một góc Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975.


Đất nước tự do đã mang lại ánh sáng cho tôi, mở rộng tầm nhìn ra ngoài thế giới. Tôi rất vui được nhìn thấy hình tượng người lính VNCH bên lá cờ vàng ba sọc đỏ bay cao phất phới. Và rất tự hào cho sức mạnh trong cộng đồng người Việt đang sinh sống ở hải ngoại, đã gìn giữ, phát triển lá cờ vàng ngày càng bay xa hơn. Bến bờ tự do còn cho tôi được nghe những âm thanh thổn thức từ trái tim của triệu người dân Việt. Tuy sống đời lưu vong, lòng vẫn hướng về quê hương, mong đợi sự tự do, dân chủ và nhân quyền cho muôn dân. Mỗi tháng 4 đến, tôi lại thấy được nỗi đau hồi tưởng, ngậm ngùi qua những câu chuyện về đời lính, những hồi ký người tù “cải tạo”, những hình ảnh của biết bao thuyền nhân trên youtube, cùng nhiều bài hát như “Cha 54, con 75”, “Đêm Chôn Dầu Ra Biển”, “Người Di Tản Buồn”, “Nhớ Mẹ”... đã tràn lên trong tôi một cảm xúc buồn đau, cay đắng để tôi thấm thía được ý nghĩa 3 chữ “ngày Quốc Hận”. Ôi, nỗi hận lòng từ một ngày tháng tư xưa cũ mà bóng mây đen vẫn còn giăng kín bầu trời Việt Nam mãi tận hôm nay. Tôi đau xót cho quê hương , tôi ghê sợ, tôi khinh bỉ những luận điệu, tuyên truyền cho sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng, và một sự bóp méo lịch sử trơ tráo để bao che tội ác của họ. Song, với phương tiện thông tin ngày càng cao, sự tàn ác đó không thể nào che dấu được mãi dưới ánh mặt trời. Tôi không hiểu hết được dụng ý, hay mưu đồ trong chính sách “hòa hợp, hòa giải dân tộc” của chính quyền CS đã đưa ra tới hải ngoại. Họ muốn hoà hợp, hoà giải làm sao khi họ, những nhà lãnh đạo vẫn chưa hoà hợp được với người dân trong nước. Họ nhún nhường quân Bắc thuộc, hà hiếp dân lành, bắt bớ, đánh đập những người trẻ tuổi yêu nước, đã dám mang tiếng nói trung thực đấu tranh cho chủ quyền của quê hương, nhân quyền cho con người, và tự do, no ấm. Họ kết án những người yêu nước ấy là tội phạm với tội danh hết sức buồn cười là “tuyên truyền, chống phá nhà nước XHCN, nói xấu, bội nhọ chế độ…” Nếu theo dõi tin tức thường xuyên trong nước, không ai không thể xót xa,và căm phẫn cho trường hợp của cô Nguyễn Hoàng Vy, một blogger đã bị công an bắt, chỉ vì cô đến dự cuộc xử án của ba người bạn blogger là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải. Cô đã bị hành hạ, tra khảo rất đồi bại. Trời ơi, những con người mặc trên mình bộ quân phục đại diện cho chính quyền để bảo vệ dân, thế mà họ đã làm gì với danh nghĩa đó, họ làm công việc trái ngược với đạo lý, mất cả tính người. Tôi cảm thấy uất nghẹn quá! Chân lý thiện thắng ác đã ở đâu, sao mấy chục năm dưới chế độ CS tôi vẫn chưa thấy bao giờ? Có sự quả báo nhỡn tiền nào cho những cái ác đang ngự trị trong cả một khối người CS cầm quyền kia không? Còn bao nhiêu số phận trẻ tuổi bị giam cầm oan ức, nào nhạc sĩ Việt Khang, nào những blogger, những Lê Anh Hùng, Nguyễn Viết Trung … Ôi đất nước Việt Nam có thể nào cứ hoài đắm chìm trong một chân trời đen tối?

Trước mắt tôi bây giờ là một khung trời xám ngắt do những ngày mưa tuyết dầy đặc kéo đến phủ trắng xóa cây cối, cảnh vật. Mây đen chồm tới từng mảng dầy ở phía xa bên những gợn mây xám, báo hiệu một cơn mưa giông sắp đến. Nghe tiếng ù ù của sấm rên trong mây, gợi lên cho tôi nỗi đau quặn thắt về một chân trời đen tối của ngày đổi đời tháng 4 kinh hoàng hơn tiếng sấm bây giờ. Nơi đây, dù màu mây đen đang cuồn cuộn phủ đầy một góc trời trông thật buồn bã, ủ ê vì đã thiếu vắng nắng ấm mặt trời suốt mấy ngày. Nhưng nó cũng chỉ là khoảng ngắn đen tối do thời tiết giông bão mùa đông mang đến. Tôi vẫn có không khí tươi lành để hít thở, có ánh sáng tự do trong đời sống và linh hồn. Tôi có quyền viết lên những gì tôi muốn viết, nói ra những điều tôi muốn nói. Còn trên quê hương tôi ngày nay, ẩn náu phía sau một Sàigòn hào nhoáng, hoa lệ với vẻ đồ sộ bên ngoài của những ngôi nhà cao ngất ngưởng, đó là bao nhiêu mảnh đời nghèo đói. Những người già, em bé, kẻ tàn tật lê la trên khắp ngõ phố xin ăn. Không khí ô nhiễm một màu đen bệnh hoạn của sự băng hoại đạo đức nhanh tới mức không ngờ. Thêm một không khí bạo lực của gông xiềng chờ chực khắp nơi để xích lại những ai dám bày tỏ sự phẫn nộ với công quyền.

Ôi, thương thay cho đất nước Việt Nam, thảm họa tối đen này sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa???

Thiên Lý (Farmington, một ngày bão tuyết 2013)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn