BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ Bác Duyên Anh

28 Tháng Mười Một 199912:00 SA(Xem: 1649)
Nhớ Bác Duyên Anh
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Sự ra đi của nhà văn Duyên Anh là sự mất mát vô cùng lớn lao của hàng triệu độc giả yêu mến người. Mỗi người quen biết nhà văn Duyên Anh đều có những kỷ niệm riêng với người. Riêng tôi, một kẻ được vinh dự gọi người là bác, được may mắn ở gần người một thời gian ngắn thôi, nhưng đã học hỏi được rất nhiều nơi người. Bố tôi, nhờ duyên may, đã gặp, và trở thành người em kết nghĩa của người. Do đó, anh em chúng tôi được phép gọi người là bác.

 Từ khi còn ở bậc trung học, tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết của bác như Bồn Lừa, Thằng Vũ, Mơ Thành Người Quang Trung, v.v…Càng đọc nhiều sách bác viết, tôi thấy trình độ hiểu và viết tiếng Việt của tôi càng ngày càng khá hơn. Nhất là, những truyện của bác đều khơi dậy trong tôi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt. Tôi mãi mãi biết ơn bác Duyên Anh, vì bác đã cho tôi niềm hãnh diện được làm người Việt Nam. Những tư tưởng trong tiểu thuyết của bác đã nhắc nhở tôi trách nhiệm đối với tổ quốc Việt Nam thân yêu, và nhen nhúm trong tôi ngọn lửa đấu tranh cho đất nước, mục tiêu mà cho đến nay, tôi vẫn còn đang theo đuổi.

Dịp may đến thật không ngờ, khi bố tôi cho biết bác sẽ đến ở với gia đình chúng tôi một thời gian. Tôi thật không thể tưởng tượng được là tôi sẽ được gặp chính tác giả của những tác phẩm tuyệt diệu mà tôi đã từng yêu thích!

Và tôi cũng chẳng ngờ, chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi bác sống với chúng tôi, tôi đã học được từ nơi bác những đức tính quý báu, mà tôi tin, sẽ giúp ích cho tôi suốt cả cuộc đời.

Đức tính đầu tiên tôi học nơi bác là sự kiên trì. Bác bị liệt bên phải, chỉ sử dụng được tay trái thôi. Vậy mà tôi thấy bác vẫn ngồi viết, dù bác viết rất chậm, và rất khó khăn, cả buổi mới được vài ba trang. Bác rất vui tính. Bữa ăn tối nào ở gia đình tôi cũng rộn ràng tiếng cười, nhờ những câu chuyện vui, đôi khi cả truyện tiếu lâm nữa, bác kể cho chúng tôi nghe. Bác sống rất giản dị. Nhu cầu của bác, tôi để ý, chẳng có gì, ngoài mấy gói thuốc lá. Bác ăn mặc cũng rất đơn sơ. Tôi chẳng bao giờ thấy bác thắt cà vạt. Giầy dép, thì bác chỉ dùng có một đôi thôi. Đi chỗ nào, bác cũng chỉ xỏ chân vào, cài sợi quai có velcro qua, là sẵn sàng ngay. Ăn uống, đối với bác, chỉ là chuyện phụ. Có gì, bác ăn nấy, chẳng khi nào bác đòi hỏi, hay phê bình món ăn ở nhà tôi bao giờ cả, bởi vì gia đình tôi sống rất khiêm tốn, ăn uống cũng giản dị thôi.

Buổi sáng, bác dậy thật sớm, ngồi vào bàn viết văn ngay. Rồi bố mẹ tôi đi làm, anh em chúng tôi đi học, bác ở nhà, tiếp tục làm việc. Đến trưa, bác dùng cơm với thức ăn mẹ tôi để sẵn cho bác. Buổi tối, bác luôn luôn chờ cả nhà về họp mặt đông đủ, để dùng cơm tối với chúng tôi. Đôi khi, có những người bạn, hay độc giả yêu mến bác, đến rủ bác đi chơi. Nhưng đến chiều tối, bác đều nhờ họ chở về nhà tôi. Rất ít khi bác đi ăn tiệm với những người đó, dù họ sẵn sàng đãi đằng bác ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền. Bác thường bảo chúng tôi, bác thích ăn cơm tối ở nhà tôi hơn, vì bác muốn được hưởng không khí gia đình ấm cúng.

Một đức tính khác của bác, tôi rất khâm phục, là bác rất khiêm tốn, nhã nhặn đối với chúng tôi, những đứa cháu của bác. Tôi không ngờ, một nhà văn lừng lẫy như bác, người không sợ bất cứ một sức mạnh và quyền lực nào, mà khi nói với chúng tôi điều gì, bác luôn luôn nhẹ nhàng, dịu ngọt. Bác luôn luôn sẵn sàng lắng nghe chúng tôi, và vui vẻ, hết lòng chỉ bảo bất cứ khi nào chúng tôi cần hỏi bác điều gì.

Khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 1996, khi hay tin Việt Nam bị lũ lụt gây thiệt hại nặng, và đồng bào đang lâm cảnh đói lạnh, một số anh em trẻ và tôi quyết định đi quyên góp cứu trợ bão lụt. Lúc đó, vì không đồng ý với việc làm của chúng tôi, một số người trong cộng đồng đã chẳng những không tiếp tay, lại còn chống lại việc cứu trợ chính đồng bào mình đang khốn khổ tại quê nhà.

Tôi bối rối, không biết nên hành xử thế nào. Nhớ đến bác, tôi gọi điện thoại, hỏi ý kiến bác. Bác đã ủng hộ, và khuyến khích tôi nên làm hết mình, vì đó là một công việc chính đáng. Bác nói "Tuổi trẻ làm việc, không có gì phải sợ hết. Thấy cái gì chính đáng và đúng, thì cứ làm, đừng sợ gì hết."

Sự ủng hộ và khuyến khích của bác đã khiến tôi mạnh dạn, quyết tâm cùng các anh em tiếp tục quyên góp cứu trợ, mặc dù bị chỉ trích, nghi ngờ. Kết quả, là chúng tôi đã quyên góp được một số tiền, tuy không nhiều lắm, nhưng cũng đủ giúp được một số lớn đồng bào trong nước vơi bớt cơn đói lạnh.

Còn rất nhiều kỷ niệm khác về bác Duyên Anh mà tôi không thể nào kể ra hết được. Nhưng những lời dạy bảo của bác, suốt đời tôi chẳng thể quên.

Sau khi bác qua đời, bố mẹ tôi đã đặt ảnh bác lên bàn thờ, nơi gia đình tôi thờ Đức Phật và ông bà nội ngoại của tôi. Đã nhiều lần, tôi đứng trước chân dung của bác, hứa nguyện với anh linh bác, rằng tôi sẽ làm hết mình để xứng đáng làm một người tuổi trẻ Việt Nam, như bác đã từng kỳ vọng.

Chắc chắn, một ngày không xa, nơi chốn cao vời nào đó, bác sẽ mỉm cười mãn nguyện, khi nhìn những người tuổi trẻ Việt Nam trong Đoàn Quân Tân Tây Sơn trở về xây dựng một nước Việt Nam tự do, thanh bình, và hùng mạnh, như bác đã hằng mơ ước. Suốt cả cuộc đời.

Nguyễn Lê Gia
Westminster, tháng 11, 1999
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn