BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72828)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghề văn: quán xá và ngộ nhận

10 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 1114)
Nghề văn: quán xá và ngộ nhận
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
1- Ngành nghề nào cũng có nhiều mặt, như một ngôi nhà thế giá mở cửa hướng Đông Nam và những căn nhà khác không chọn được ánh sáng mặt trời, do tình thế hoàn cảnh do thời gian dựng nghiệp hay lúc sa cơ lỡ vận, một kẻ chân ướt chân ráo táp vào đâu đó cho qua cơn giông bão đường xa lỡ chuyến, hay lúc hiểm nghèo tối tăm mặt mũi, hoặc bám được vào một tấm ván lênh đênh, bị dòng hạ lưu cuốn hút lúc tỉnh ra mừng rỡ thấy mình nằm trên một mớ lục bình trôi nổi dập dềnh còn sống, thôi thì sống được là may, làm gì cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi. Văn chương báo chí là nghề tự do, ai vào cũng được, không cần xuất trình chứng minh thư, nhất là văn chương lưu vong hải ngoại những năm đầu, quần thể ông cũng là thằng, trí thức một xã hội tan rã làm cu-li rửa bát quét đường cho một tập thể doanh nhân trù phú. Và chỉ cần năm trăm tự biên tự diễn cậu trở thành nhà bình luận, cô trở thành thi sĩ, thiếu gì các tờ báo nhất là báo mạng đăng liên tiếp trường kỳ những “bài thơ” không niêm không luật, không âm điệu, chỉ có ý nghĩ, đừng nói tới thi ngữ hay văn phong.

 








Ký giả Lê Kim Đính thời còn cộng tác với The New York Times, cùng tác giả Viên Linh trên tàu du ngoạn chạy bằng hơi nước trên sông Hudson, New York, 1978. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Còn nhớ năm 1982 tôi tới Phở Ngon ở góc đường Ward và Bolsa, chỗ nhà hàng Kim Sơn bây giờ, chủ quán là Cao Thi, em ruột người bạn học của tôi hồi ở Sài Gòn, gặp Mai Thảo ở đấy. Hồi 1978 còn ở miền Đông, một người bạn nay đã quá cố là anh Lê Kim Đính làm cho tờ New York Times và tôi đã lái xe đưa Mai Thảo từ Virginia lên New York, đúng ra là New Jersey ngoại ô thành phố, trao anh vào tận nhà người anh ruột của anh là ông cựu Thẩm Phán Nguyễn C.Q.

Mai Thảo và tôi ngồi ngoài xe, anh Đính cầm mảnh giấy có ghi địa chỉ tiến vào một ngôi nhà nọ. Lúc ấy đã hơn 10 giờ tối. Cửa mở hé rồi đóng lại ngay, tôi nghe tiếng nói của một người đàn ông Việt. Đính quay ra, đứng lại cách xe vài chục thước, gọi tôi. Có gì đây chỉ chúng tôi biết nên anh mới vẫy tôi ra. Lạ lắm. Đúng nhà ông Q. nhưng ông nói như mắng mình. Làm sao bây giờ? Làm sao là làm sao? “Ổng này nói tại sao các anh lại đến nhà tôi?” Anh Đính vốn rất ít nói, lúc ở Saigon anh thuê một căn phòng trên đường Catinat, gần Quốc Hội, còn vợ con ở trang trại ở Thủ Đức, nuôi hai con chó berger cao lớn. Chỉ biết Đính làm cho nhật báo New York Times, nên ngay 1975 anh được báo này bảo trợ mang về cư ngụ ở Queens, tôi có tới nhà một bận. Nhà anh đầy bạn, nhưng cũng không tiện mang Mai Thảo về, còn Mai Thảo lại vừa từ nhà tôi lên đến đây. Từng cùng làm chung một tòa soạn, một phòng, cho hai tờ báo khác nhau, từ 1961 tới 1966, là Kịch Ảnh và Nghệ Thuật, tôi có dịp gặp bà cụ mẹ anh Mai Thảo, có lần cụ ngồi cả giờ ở tòa báo, tôi có biết người anh kế của Mai Thảo là Nguyễn Đăng Viên, song chưa bao giờ được gặp người anh cả, quyền huynh thế phụ của anh, là người đang trách chúng tôi ngay trong căn nhà kia. Cuối cùng chúng tôi kết luận, chuyện của họ mình không cần biết, mình chỉ giúp đưa bạn tới đây, tìm ra ngôi nhà mà bạn muốn đến, cứ đưa bạn vào trong nhà là mình hoàn tất nhiệm vụ. Đợi cho Mai Thảo khuất sau cánh cửa, cửa đóng lại, chúng tôi rời New Jersey.

Bốn năm sau gặp lại tại Nam Calif., Mai Thảo khác hẳn, giọng pha men, tiếng lè rè, bên cạnh là mấy cậu nhỏ cười nói to tiếng. Lúc chỉ còn hai người, tôi phàn nàn sao anh lại ngồi rượu chè với họ, anh tặc lưỡi: “Thì nó mời mình đi. Mình có lái xe đâu. Nó lại...” Anh phác tay chỉ lên mặt bàn đầy ly chén. Đó lại là lúc mới bắt đầu, sau này Mai Thảo uy quyền hơn trong vương quốc của anh, anh không nói nữa, mà chỉ cần phán bảo, chỉ trỏ là việc gì cũng xong. Anh từng nói anh có cả trung đội tài xế đưa đón ở khắp các phi trường quốc tế, toàn là các văn thi sĩ có tiếng hải ngoại. Họ tụ tập tưng bừng trên tờ Văn của tác giả “Cửa Sau,” nhưng lạ thay, từ khi ông qua đời, lớp các văn thi sĩ này không còn thấy đâu nữa. Họ biến đi chẳng khác gì âm binh khi phù thủy đã không còn nữa.

Làng văn làng báo không phải chỉ có thế, đó chỉ là bề mặt của một khu ngoại thành có treo đèn kết hoa. Thế nhưng từ đó đã giăng mắc rất nhiều ngộ nhận về thế giới những người thực sự sống bằng nghề cầm bút, là những người không có thì giờ la cà nơi quán xá, nhà hàng ăn, tiệm cà phê,... đời sống của họ, nơi ngoại thành, cách biệt hẳn với đời sống trật tự của những gia đình bình thường, hay của những người chọn nghề văn, những người làm việc không phải 8 tiếng một ngày, mà thường khi trên 10 tiếng một ngày.

2- Có một lớp nhà văn ngang tuổi nhau, sàn sàn một lứa, ra vào quán xá ngày xưa, “cô hàng nước,” lại rất lãng mạn, không kể tráng sĩ Lê Liêm ra vào quán xá của người thanh nữ trong Bến Nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh. Chàng vượt sông vào đất giặc, như Kinh Kha nhập Tần làm thích-khách mưu giết bạo chúa Tần Thủy Hoàng, nàng chống cửa liếp ngôi quán bên sông, chờ chàng trở lại; mà gió thu phong đã qua, mưa đông cắt thịt đang về, còn chàng vẫn không thấy bóng...

Lớp đầu tiên là các thi sĩ say sưa chính khí, những người lo việc nước, việc thời thế, “tám phương trời khói lửa, một mũi dao sang Tần” (Vũ Hoàng Chương), ra đi tìm chiến hữu để mưu việc xoay lại cơ đồ:


Nhượng Tống:

Dứt tiếng ly ca ném chén vàng,
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang
Biết đâu tìm thấy người trong mộng
Khéo não nùng thay chuyện dọc đường...
Ơn nặng chưa đền cho đất nước
Tình riêng tạm gửi với văn chương.
(Từ Giã Tuyên Quang)

Nguyễn Bính:

Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây?
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì Áp Tiết thiêu văn tự,
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây!
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời!
(Bài Hành Phương Nam)

Đặng Đình Hồng:

Cho xin bát nước, cô hàng
Uống vào kẻo nửa dặm trường còn xa.
Thưa cô tôi khách không nhà
Quán chiều là chốn thiết tha tôi ngồi.

Quán chiều xưa đã lạnh rồi
Quán chiều xưa đã nhạt mùi phấn hương.
Thưa cô tôi kiếp gió sương
Con chim lạc cánh tìm đường về đây.
(Trước Cảnh Hoang Tàn)

Lớp các thi sĩ lãng mạn trong quán tha phương có thể kể ra “tam anh” thời tiền chiến, thơ họ một khi đọc lên, lòng trai rộn rã chuyện ra đi. Thi sĩ không phải tráng sĩ, mà lên đường vì chuyện tâm huyết nào đó.

Thâm Tâm:

Bọn ta một lớp lìa nhà
Cháo hàng cơm chợ ngồi ca lúa đồng.
...
Trai lận đận gái long đong
Chờ mong khắc khoải nản lòng dăm ba
Nẻo về gốc mẹ cỗi cha
Thuyền ai nặng chở món quà đắng cay.
(Tráng Ca)

Trần Huyền Trân:

Gối mãi đêm dài trên trên bút giấy
Chong đèn chung cạn một tâm tư
Giờ như quán vắng khi tàn khách
Đâu những cồn mây tóc rối bù.
(Hết Cố Nhân)

Đỗ Hữu:

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.

Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi! Thương nhớ biết bao nhiêu!
(Sầu Ai Lao)

Những bài thơ quán xá thời Văn học Miền Nam trước 1975:

Vũ Hoàng Chương:

Tuổi hoa ngồi rũ quán chùa,
Đường ngang dọc những lá bùa rủ rê.
Lửa chen hơi gió tạt về
Lọt tai xác ướp: trận mê hồn nào?

Chỉ e vàng chói cửa vào
Cửa ra: núi kiếm rừng đao mịt mờ.
Đáy ly từng giọt bơ vơ
Theo nhau rụng xuống giấc mơ đen dần.

Trông ra gái Sở trai Tần
Dòng xe cuồng chữ nối vần thơ điên
Nốt đàn nghe toàn màu đen
Chợt xanh chợt đỏ mắt đèn mồ côi.

Thấy chăng “dạ lệnh” truyền rồi,
Làm sao - chủ quán - nuốt trôi sầu này?
Chớ cười duyên, chớ xoa tay,
Rằng: mê-hồn-trận ai bày, hỏi chi!
(Ngồi Quán, Sài Gòn 1969)

Viên Linh
Lệ tôi dấu tích tôi mòn
Lên cao tiếng biển xưa dồn ngón tay
Xuống rồi quẹo ngả nào đây
Quán thưa buồn tạt bụi đầy ghế con.

Ra rồi dốc đá chon von
Trông trường giang rộng nghĩ còn quanh co.
Thôi qua con lộ sương mù
Hồn im nghe chuyến xe đò về không.
(Dấu Tích, Sài Gòn 1960)

Thành Tôn:

Vào đây ghế quạnh, khuya người
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian
Quầy trơ, mắt biếc ngỡ ngàng
Thuyền ai đỗ bến lòng nàng bâng khuâng.
Hồn ta trải gió đầy sân
Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao
Vào đây bàn nhẵn, câu chào
Quen như thân thể, lạ nào chén ly.
Đời nhau, khói thuốc quên đi
Bên tai cổ nhạc lầm lì canh tân
Trên kia dáng bé tần ngần
Lời yêu chậm nói, tình gần tay trao.
Vào đây đèn đủ hanh hao
Bóng ai theo đến kẻ nào quay lui
Cúi đời trên chén ly, khuya
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng
Ngồi thần, góc quán mông lung
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai.
Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Vòng qua nhịp lặp, kim mài giọng quen
Mòn hao sợi tóc trăm năm
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau.
Ngậm lòng. Quán vắng, ơn nhau
Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn
Vào đây như một đức tin
Khói tan đóm thuốc, đời vin tay nào.
Miệng cười kín nụ lao đao
Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai
Trách gì ý lỡ lời sai
Cho nhau góc quán đêm dài dung thân.
Thôi em, trả đó tình gần
Ta xin bóng chiếc, đời cần, nhau đâu?
Vào đây ghế quạnh, khuya nhàu
Tình như cổ tích đời sau kể thầm.
(Nói Với Cô Bé Ngồi Quán, 1998)

Viên Linh

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn