BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghề văn, lòng thành và ngộ nhận

03 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 1220)
Nghề văn, lòng thành và ngộ nhận
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Khi ngồi vào bàn viết, gõ những chữ đầu tiên trong ngày, nghề văn, tôi đã gõ luôn mấy chữ lòng thành và ngộ nhận. Quả thế, dường như không có nghề nào mà người ta theo đuổi có nhiều trường hợp xảy ra ngộ nhận như nghề văn. Bà cô già của tôi, vào những năm đầu thập niên ‘50 ở Saigon, cô cháu gặp nhau trong một ngày giỗ kỵ của họ Nguyễn làng Đồng Văn, đã hỏi tôi, “Anh Nam bây giờ làm gì đến đâu rồi?” “Thưa cô cháu theo nghề văn nghề báo.” “À! Thế anh theo cái nghề chết đói đó hả? Quý báu gì.”








Bìa cuốn sách của Lê Quí Đôn trong có chương “Văn Nghệ Chí.” (Hình: Viên Linh cung cấp)

Ngay từ nhỏ, tôi được cái tính nhường nhịn. Lúc lớn vài năm đầu thập niên ‘60, trong một bữa ăn tại tòa soạn của tuần báo Kịch Ảnh, có chủ nhiệm chủ bút Quốc Phong Nguyễn Văn Hanh, Mai Thảo Nguyễn Đăng Quý, chúng tôi bàn tới những chủ đề sắp tới, những nhân vật liên hệ trong ngành nghề, ai đi gặp ai phỏng vấn ai, thì kết quả sẽ tốt nhất, cả hai người đều chỉ tôi đi gặp người này, đi gặp người kia, mà ý của hai anh dân Nam Định này nói giống ý nhau nên đưa ra câu trả lời giống nhau: “Để Viên Linh.” “Nó encaissé giỏi.” Chịu đòn giỏi, dịch theo nghĩa bóng. [Tự điển Larousse song ngữ bỏ túi viết: encaissé: deep, sunk.] Một võ sĩ quyền Anh chịu đòn giỏi là cứ để đối thủ đấm lung tung vào vai vào thân mình, để “chui” vào nách địch thủ, đợi tới lúc đối thủ đã ngừng hay phải ôm lấy mình để thở, mới giáng cho nó một cú “upper cut,” hay một đòn hiểm không ai nhìn thấy. Đứng xa nhìn vào thì người xem đều thấy anh thua, nhưng khi chuông reo, anh đứng vững trên hai chân, tới hiệp cuối cùng, đó mới là lúc kết quả được công bố.

Tôi đã đọc những cuốn sách về “nghề viết văn” của Nguyễn Hiến Lê, của Vũ Ký, của Phạm Văn Diêu, của Phạm Thế Ngũ,... vài người nữa không nhớ tên, nặng phần giáo khoa, phân tích kỹ thuật câu cú, trích dẫn những bài mẫu, những “bài đọc thêm,” kể cũng có ích cho một lớp học trò nào đó, gần hơn là của Dương Quảng Hàm, người đầu tiên viết về văn học sử Việt Nam tổng quan và kỹ càng hơn cả. Cao viễn và bác học hơn có “Văn Nghệ Loại” của Lê Quí Đôn, “Văn Tâm Điêu Long” của Lưu Hiệp,... Trước khi viết tiếp những suy nghĩ hay kỷ niệm của minh, xin trích dẫn đôi điều tản mạn...

2. “Viết một cuốn sách là làm một nghề cũng như chế tạo một cái đồng hồ. - La Bruỳere”

Một anh bạn tôi, thấy tôi viết cuốn này, mỉm cười, hỏi :

-Viết văn mà cũng là một nghề ư?

Tôi cũng mỉm cười, đáp :

-Anh chưa nói hết ý, song tôi đã đoán được. Có phải anh cho viết là truyền bá tư tưởng, giãi bầy nỗi lòng của mình? Nếu viết văn là một nghề chẳng hóa ra nghĩ đến việc đem bán cái tâm tư là cái đáng quý nhất trong con người để cầu sự ấm no cho xác thể? Nếu quả anh nghĩ vậy thì tôi xin hỏi lại anh: dạy học như anh bây giờ và tôi hồi trước cũng là đem bán những hiểu biết, tư tưởng - cả lòng yêu trẻ nữa - để lấy một số lương, vậy thì tại sao dạy học anh nhận là một nghề mà viết văn anh lại không chịu nhận?

Anh bạn tôi đó không phải là người độc nhất nghĩ lầm như vậy đâu. Trong xã hội chúng ta hiện nay, mười người chắc có sáu bảy người còn giữ cái thiên kiến ấy. Họ cho viết văn không phải là một nghề vì nghề đó còn mới mẻ ở nước ta quá: từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, ông cha ta tuyệt nhiên không hề nghe nói đến nghề viết văn và nghề nầy “chỉ xuất hiện vào hồi mà Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Phạm Quỳnh bắt đầu sinh nhai bằng ngòi bút viết báo.” (Nguyễn Hiến Lê).

3. Theo đoạn văn trên, nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê viết nghề văn “chỉ xuất hiện vào hồi mà Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Phạm Quỳnh bắt đầu sinh nhai bằng ngòi bút viết báo.” Câu ấy có 6 chữ quan trọng: nghề văn-ngòi bút- viết báo; tức là nghề văn xuất hiện không bằng một cuốn sách hay những cuốn sách, mà từ một trang báo. Vậy văn chương xuất hiện từ báo chí, làm văn có từ khi người ta làm báo, xét trong văn chương Âu Mỹ cũng thấy như thế, Mark Twain làm báo và văn của ông đăng trên tờ báo ông làm, từng kỳ, rồi sau này mới in thành sách. Hồi trước 1975 ở miền Nam hầu như những tác phẩm ăn khách nhất đều là truyện đăng báo, rồi mới in thành sách, không ông chủ nhiệm tờ báo nào mời các ông nhà văn không ăn khách viết truyện cho mình hết, trừ phi lầm lẫn. Đò Dọc của Bình Nguyên Lộc xuất hiện trên báo rồi mới thành sách sau. Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, Bà Chúa Hòn của Sơn Nam, Chân Trời Tím của Văn Quang, Cho Mượn Cuộc Đời của Thanh Nam, Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo, v.v... đều là những truyện đăng báo ăn khách rồi sau mới in thành sách. Nhưng có những nhà văn nổi tiếng mà lại không ăn khách từng kỳ - hai chữ “từng kỳ” có ý nghĩa giá trị riêng của nó, “ăn khách” có ý nghĩa giá trị riêng của nó, “nổi tiếng” có ý nghĩa giá trị riêng của nó, không cái nào hơn cái nào, nhưng có nhà văn được cả ba thứ, có nhà văn chỉ được hai thứ, và có nhà văn chỉ được một thứ. Nguyễn Đình Toàn nổi tiếng nhưng truyện dài anh viết trên báo Chính Luận bị ngưng ngang; Võ Phiến nổi tiếng chê các truyện dài viết từng kỳ là rẻ tiền và ông không có truyện dài nào ăn khách cả, và hình như ông chỉ nổi tiếng ở tạp văn hay truyện ngắn. Tôi mời Thanh Tâm Tuyền viết truyện dài cho các tờ báo tôi điều hành nhiều lần, nếu tôi nhớ không lầm, ông không hoàn tất được bất cứ truyện dài nào đăng báo. Khi đang viết truyện “Đào Thoát,” ông nói không viết tiếp được nữa, tôi đành viết cái bố cáo xin lỗi độc giả, “Thanh Tâm Tuyền đào thoát.”








Bìa sách nói về nghề viết văn của Nguyễn Hiến Lê. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Trở lại với câu văn của Nguyễn Hiến Lê, việc sinh nhai bằng ngòi bút viết văn trên báo chỉ bắt đầu bằng Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Phạm Quỳnh.

Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) người Hà Đông, con nhà nông ra Hà Nội làm ăn, xin được việc kéo cái quạt trần trong một trường học (loại quạt vải to như chiếc chiếu treo trên cao, có dây buông xuống, phải có người kéo - buông đều tay để tạo ra gió mát cho những người trong phòng). Không được học, song thầy dạy học trò tới đâu, cậu thuộc tới đấy; do đó được một ông thày giúp cho vào học luôn trong trường Thông Ngôn. Cuối năm Nguyễn Văn Vĩnh đậu đầu, trở thành chánh thông ngôn cho một quan sứ Pháp. Năm 1905 ông Vĩnh bắt đầu viết bài tiếng Pháp cho các tờ Courrier d' Hải Phòng và Tribune Indochine. Năm 1907 ông làm chủ bút Đăng Cổ Tùng Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, thành lập Hội Trí Tri và góp phần sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1913 ông làm chủ nhiệm chủ bút báo của chính mình: Đông Dương Tạp Chí.

Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) người Sơn Tây, con nhà Nho. Năm 1907 ông viết một bài bình luận thế sự bằng tiếng Hán gửi cho một tờ báo ở Hương Cảng (theo Từ điển Văn học bộ mới, Hà Nội, 2000), bài được đăng. Sau đó Tản Đà cộng tác thường xuyên với Đông Dương Tạp Chí, và viết văn thơ dịch sách cho nhiều báo khác từ Bắc vào Nam. Ông cũng tự xuất bản báo An Nam Tạp Chí của mình song thiếu quản trị hoặc không đủ độc giả mua báo nên vẫn phải viết thuê cho các báo khác.

4. Trong lúc nói chuyện “vui buồn nghề báo” với cử tọa ngày Sinh Nhật 20 Năm Khởi Hành, 11, 2015, tôi có kể lại sơ sài ngày tác phẩm đầu tiên của mình được xuất hiện trên mặt báo, một ngày nào đó năm 1953 và đó là tờ Tiếng Dân tại Hà Nội. Chuyện xảy ra vẫn còn rõ ràng trong tâm trí. Chỉ hai ngày sau cái truyện ngắn viết một mạch được gửi tới tòa báo (tôi đạp xe qua tòa soạn, đâu ở đường Gambetta, bỏ xấp giấy trong phong bì vào cái hộp thư), chỉ hai ngày sau, giở tờ Tiếng Dân ra, cái truyện đã chiếm nguyên Trang Xã Hội của tờ báo. Cuối truyện có mấy dòng Nhắn Tin, đại ý: Mời ông Nguyễn Nam tới tòa soạn, ở số...đường... lãnh 150 đồng nhuận bút truyện ngắn này.

Tôi tới ngay chiều hôm ấy. Lúc bước vào tòa báo Tiếng Dân, chỉ thấy một ông đang co cả hai chân lên ghế, và góc phòng gần cái cửa thông sang phòng trong, có một cô mặc áo dài xanh lơ đang ngồi sau bàn, dáng là thư ký. Người đàn ông đứng tuổi, cỡ 50, tay trái đang cầm chiếc que đã châm lửa, hai đầu gối thu gọn gần tới mang tai, nhướng mắt nhìn tôi tay phải cầm cái ống điếu thuốc lào làm bằng hai gióng tre, hút vào một hơi âm thanh ròn rã. Ông nội tôi cũng hút thuốc lào nhưng bằng bát điếu ngà có chạm trổ xà cừ, ống hút là một ngọn trúc nhỏ nhắn vàng óng, đầu bịt bạc. Ông nhà báo Tiếng Dân nhướng mắt rồi hất hàm, không nói được một lời. Đợi lúc ông mê man nhả khói, tôi mới nói lớn:

-Thưa ông tôi tới lãnh nhuận bút.

Ông lắc đầu, xua tay:

-Về bảo bố cậu tới lãnh mới được.

-Thưa ông bố tôi mất rồi. Tôi ngô nghê trả lời.

-Thì bảo anh cậu tới lĩnh...150 đồng to lắm.

Tôi biết rõ số tiền đó lớn như thế nào. Trước khi mẹ tôi ở quê nhà thị trấn Đồng Văn mua cho tôi cái xe Peugeot dura (bằng nhôm nhẹ), tôi chỉ được phát 2 đồng một ngày, kể cả tiền mua vé tàu điện hai lượt đi về từ góc Phố Huế lên trường Chu Văn An gần Hồ Tây.

-Nhưng thưa ông, tôi viết cái truyện ấy.

-Có chứng minh thư không?

Ông nhìn tôi nghiêm nghị quan sát, nhưng đưa tay ra cầm cái thẻ học sinh tôi có từ năm ngoái, lúc học đệ thất. Ông vẫn nhìn tôi, mở ngăn kéo lấy ra một cái phong bì:

-Đếm cẩn thận nhé. Rồi ký nhận đủ vào đây.

Ông xoay cuốn sổ ra, tôi viết hai chữ “nhận đủ” sau khi ngó mớ giấy bạc lớn nhất trong đời.

Tôi biết ngay từ lúc đó tôi sẽ không làm nghề gì khác ngoài nghề viết văn. Ngay cả làm thơ tôi cũng có thói quen đòi nhuận bút. Có nhiều người hỏi tôi sao thấy tôi ít có bài trên các báo dù thơ hay văn, chuyện giản dị là thơ hay văn đối với tôi cũng phải có nhuận bút. Viết là nghề tôi đã chọn từ lúc 14 tuổi rưỡi.

Viên Linh

Nguồn Người Việt




Chú thích

1. Nguyễn Hiến Lê: Nghề Viết Văn, tác giả tự xuất bản Sài Gòn 1969.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn