BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

'Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta'

29 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 2773)
'Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta'
58Vote
414Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.422
Hai mươi năm Văn Học Miền Nam là một cụm từ định mệnh, năm 1973 đã có tới hai tập sách biên khảo dùng cụm từ này khi miền Nam còn tồn tại, một là nhà văn Nguyễn Đông Ngạc khi anh làm một bộ sách để đời - chữ này tôi dùng rất cân nhắc và thấy không có chữ nào đúng hơn: “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, hai mươi năm văn học miền Nam 1954-1973,” Sóng xuất bản, và “Nhà Văn Miền Nam Hiện Đại, từ chia cắt 1954 đến ngưng bắn 1973,” do Cao Huy Khanh viết, Hiệp Phố in ấn; nhà xuất bản này do Viên Linh chủ trương, cuốn sách mới in tới trang 232 thì tất cả tan vỡ, nhưng 232 trang sách ấy vẫn còn nhớ đã đăng hết từng kỳ trên tạp chí Thời Tập, cũng của Viên Linh. Vì tên hai cuốn sách đều quá dài, nên bài này sẽ gọi là cuốn Nguyễn Đông Ngạc-Sóng, và cuốn Cao Huy Khanh-Thời Tập. Đây là hai bộ sách cần thiết một khi các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu Văn Học Miền Nam.








Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc (1939-1996). (Hình: Viên Linh cung cấp)

Nguyễn Đông Ngạc, Sóng - truyện ngắn của 45 tác giả, 794 trang

Nguyễn Đông Ngạc là tên thật cũng dùng làm bút hiệu, anh sinh ngày 10 tháng 9, 1939 tại Phúc Yên (Bắc Việt), cựu học sinh Chu Văn An. Có đăng thơ và truyện trên Thái Độ, Văn Học, Đất Nước, Hành Trình, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Tìm Hiểu. Anh cho biết, “Đa số các bài viết đều lấy chất liệu từ đời sống thực tế nhất là cuộc chiến tranh hiện tại có từ đời cha ông còn kéo dài cho tới bây giờ. Các bài đăng thường bị cắt xén. Chưa có tác phẩm nào được xuất bản.”

Ngoài sinh hoạt văn chương, anh là giáo sư trường Trung Học Cộng Đồng Quận 6, Sài Gòn. Trong tuyển tập do chính mình thực hiện, anh tự chọn một truyện ngắn hay nhất của mình - cũng là điều anh yêu cầu tương tự với các tác giả khác - tự phát biểu về truyện ngắn ấy, rồi tự viết tiểu sử, tự ký tên xác nhận bên dưới.

Quan niệm của Nguyễn Đông Ngạc về truyện ngắn anh chọn đăng trong tuyển tập như sau:

“Về nội dung: bất cứ đề tài nào của thơ, của truyện dài cũng có thể là đề tài của truyện ngắn. Nhưng vì là truyện ngắn nên tình tiết, ý tưởng phải thật chọn lọc và có tính cách quyết định hơn. Truyện ngắn gần giống như thơ Đường ở nội dung. Về hình thức: phần này theo tôi là phần quyết định sự thành công hay thất bại của truyện ngắn (nhất là loại truyện ngắn không có cốt truyện và là phần xác định sắc thái của một tác giả, phần khám phá và làm mới truyện của một người viết). Còn nghĩ và viết như thế nào là sự lựa chọn của một người và dĩ nhiên truyện ngắn hay phải là truyện làm cho người đọc thích: và chịu được sự thử thách của thời gian. Hiện nay, tôi quan niệm: quá khứ, hiện tại, tương lai là một dây chuỗi không thể tách rời và tôi đã chọn cách diễn tả không phân biệt rõ ràng từng thời gian. Người đọc sẽ thấy cả ba thời gian lẫn lộn kể cả không gian nữa. Một người trong cùng một lúc có thể sống - nhờ ý nghĩ, nhờ trí tưởng tượng, nhờ kinh nghiệm - ở mọi nơi và mọi thời gian. Phần lớn truyện của tôi đều có bút pháp của truyện Đỉnh Cao Sương Mù, là một truyện viết với mối ám ảnh của chính tôi về chiến tranh.”

Đó là những gì về Nguyễn Đông Ngạc, tác giả và người thực hiện cuốn sách, cho tới nay 40 năm đã qua, thời gian cho thấy cuốn sách đã trở thành một tác phẩm cổ điển, cho giới nghiên cứu trường ốc giáo khoa cũng như cho giá trị nội tại của nó đối với cảm quan giới thưởng ngoạn. Về kỹ thuật chọn chữ, dàn trang, folio in ấn và sự trình bày, Phạm Hoán đã tăng giá trị ấn phẩm đến mức nghệ thuật cao trong ngành xuất bản Sài Gòn; giá trị ấy còn nguyên dù đem so với các ấn phẩm Việt Nam hiện nay.

Về chủ trương và tấm lòng tâm nguyện của mình với văn học miền Nam, Nguyễn Đông Ngạc viết:

“Đây [Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta] là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho tự do và những giá trị nhân bản. Những người của phần đất bên này Bến Hải. Bốn mươi lăm truyện ngắn của bốn mươi lăm người viết văn trong khoảng 20 năm từ 1954 đến 1973 là bốn mươi lăm vì sao đời đời chiếu sáng trời đêm, là sông biển, núi rừng đời đời làm hùng vĩ quê hương. Cái công việc phải bỏ cả đời mới hoàn thành được, nhà xuất bản Sóng vô cùng hãnh điện đã được thực hiện công trình của bốn mươi lăm cuộc đời ấy.

Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống đã mất hay sắp đến của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc. Bạn đọc sẽ thấy rõ từng sắc thái nhà văn qua tiểu sử, truyện ngắn và quan niệm về truyện ngắn của mỗi người. Có thể nói trong cuốn sách này gồm đủ các khuynh hướng văn học miền Nam và các bạn đọc chắc sẽ dễ dàng nhận biết và thẩm định được từng giá trị sau khi đọc xong bốn mươi lăm truyện ngắn. Đáng lẽ nhà xuất bản phải viết bài tổng quan về truyện ngắn nói chung và truyện ngắn của mỗi nhà văn nói riêng với tinh thần phân tích, tổng hợp rồi đưa ra quan điểm của nhà xuất bản. Nhưng vì một vài lý do, ấn bản lần thứ nhất chúng tôi không muốn có trên trang đầu cuốn sách bài đó, chúng tôi xin để quyền phê bình cho độc giả và các nhà phê bình. [...] Sóng sẽ cố gắng cho dịch những truyện ngắn tiêu biểu trên của văn học miền Nam ra ngoại ngữ vì tin rằng về thơ và truyện ngắn chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hơn thế để đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại và chứng tỏ cho thế giới biết tới những giá trị “hữu xạ” nhưng không “tự nhiên hương” của chúng ta chỉ vì sự không được phổ biến của ngôn ngữ, văn tự và bị lấn át bởi những ầm ĩ của chiến sự và chính trị giữa các phe phái, nên miền Nam đã phải chịu những thua thiệt, ngộ nhận của một số quốc gia “thiếu sự mở rộng tầm mắt” không thể chấp nhận được.

Bốn mươi lăm nhà văn miền Nam tự chọn 45 “truyện ngắn hay nhất” của mình ra sao?

Đây là những tác giả và những truyện ngắn điển hình:

-Bình Nguyên Lộc: Rừng Mắm.
-Doãn Quốc Sỹ: Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều.
-Duyên Anh: Con Sáo Của Em Tôi.
-Dương Nghiễm Mậu: Cũng Đành.
-Hồ Hữu Tường: Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp.
-Mai Thảo: Cửa Sau (1)
-Mặc Đỗ: Tình Thương Trong Ngoặc Kép.
-Nguyễn Đức Sơn: Ý Tưởng Chiều Tà.
-Nguyễn Mạnh Côn: Lời Nguyện Trong Không.
-Nguyễn Sỹ Tế: Dòng Sông Xanh.
-Nguyễn Thị Hoàng: Tan Theo Sương Mù.
-Nguyễn Thị Thụy Vũ: Lòng Trần.
-Nguyễn Thụy Long: Ngày Tháng Buồn Hơn.
-Nguyễn Xuân Hoàng: Một Người Ngồi Trong Ghế Bành.
-Nhã Ca: Truyện Cho Những Tình Nhân.
-Nhất Hạnh: Cửa Tùng Đôi Cánh Gài.
-Nhật Tiến: Tặng Phẩm Của Dòng Sông.
-Sơn Nam: Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.
-Thanh Nam: Vai Phụ.
-Thanh Tâm Tuyền: Dọc Đường.
-Thảo Trường: Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục.
-Thế Uyên: Căn Nhà Của Mẹ.
-Túy Hồng: Lòng Thành.
-Viên Linh: Ngôi Nhà Tôi Đã Ở.
-Vũ Khắc Khoan: Người Đẹp Trong Tranh.
...

Bộ sách còn có chân dung tất cả các tác giả qua ống kính của một trong ba bốn nhiếp ảnh gia hàng đầu của Việt Nam: Trần Cao Lĩnh.

Trong những ngày trước 1975, Nguyễn Đông Ngạc thường đi một chiếc xe gắn máy tới thăm tôi tại nhà in Phúc Hưng trên đường Nguyễn Trãi ở Chơ Lớn, nơi đặt tòa soạn tạp chí Thời Tập. Anh có cái trán gồ bướng bỉnh, mái tóc dài óng ả thơm mùi thuốc “vang lừng” bốc ra từ cái ống vố, hút hay không hút. Trò chuyện với anh rất hào hứng, thoải mái, do anh có những bình phẩm chừng mực, phát biểu cũng chừng mực nhưng nhất định không khuôn thước. Con người ấy rất tài tử. Tôi từng đến thăm anh tại nhà, dường như ở gần Đại Học Vạn Hạnh, lần ấy gặp chị Nga nằm trên võng giữa nhà, chị là con gái bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh. Có lần tôi chở anh trên Lambretta dự định đi thăm nhà văn Nhất Linh, nhưng rồi cả hai la cà ở Cơm Gà Siu Siu bên kia đường xe lửa gần đó rồi mải mê nói chuyện, xem giờ, lắc đầu, rồi ra về. Lúc tôi làm thư ký tòa soạn nhật báo Tranh Đấu, thấy anh có tấm hình ông Trí Quang có chữ ký tặng, tôi nhờ anh trao cho ông Trí Quang đâu 7 câu hỏi của một cuộc phỏng vấn nhiều vấn đề thời cuộc, trong có vấn đề Nạn Đói, anh rất thích thú. Bài phỏng vấn dự trù chỉ đăng trên báo Tranh Đấu số đầu, không ngờ hôm ấy, nó xuất hiện một lúc trên 15 tờ nhật báo khác. Sau này tôi qua Montréal Canada, gặp bạn đã tục huyền với Nguyên Ngọc, được biết chị Nga qua đời vì bệnh não từ trước ở Sài Gòn. Chị Nguyên Ngọc hát hay như một ca sĩ lành nghề, tôi đã nghe mấy bài chị hát trong một buổi văn nghệ đông cả trăm người hôm ấy. Ngày 18 tháng 2, 1996, vài giờ trước giao thừa Bính Tý, sau khoảng 10 năm rời Việt Nam qua Canada, Nguyễn Đông Ngạc ngã xuống sau khi cùng vợ từ ngoài phố về, mới leo lên lầu hai căn nhà chung cư. Chị Nguyên Ngọc cho tôi biết như thế qua điện thoại. Anh mê man cho tới khi tới bệnh viện và không bao giờ trở dậy nữa. Cũng mạch máu não.

Chưa có truyện xuất bản thành sách, Nguyễn Đông Ngạc rất thành công khi làm nhà xuất bản, trong có các truyện dịch Chuyện Tình (Love Story của Erich Segal), Một Ngày Cho Người Yêu (Goodbye Columbus! của Philip Roth), Những Cuộc Tình Không Trở Lại (nhiều tác giả ngoại quốc), Buổi Sáng Cuối Cùng (Women In Love của D.H.Lawrence). Dịch giả các truyện này là nhà văn nữ Phan Lệ Thanh.

Em mang tiếng hát vào đời
cho mình nguồn hứng cho người niềm vui
cũng là góp chút vẽ vời
quên đi những cái mệt nhoài vô duyên
(Thơ Nguyễn Đông Ngạc)

Con ta chết tuổi thôi nôi
Cha ta ngồi chết nụ cười
trên môi
Vợ ta mạch máu vỡ đôi
Ta nuôi hai đứa con côi trưởng thành.

Quanh ta người chết ngổn ngang
Chết bom đạn chết hòa bình không tên
Ta từ cõi chết ngoi lên
Cái tâm ta bỗng bình yên lạ thường.
(Thơ Nguyễn Đông Ngạc)

Có nhiều nhà xuất bản in cả chục cuốn sách, chỉ mong có một cuốn thành công để đời mà không toại nguyện, Nguyễn Đông Ngạc chỉ in khoảng 5 cuốn của người, lại có một cuốn trở thành cổ điển sẽ còn lại mãi mãi, đạt được chữ “để đời” anh từng nói.

(Tháng 10, 2015)

Viên Linh

Nguồn Người Việt
Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Năm 20213:21 CH
Khách
Toi muon mua quyen NHUNG TRUYEN NGAN HAY NHAT CUA QUE HUONG CHUNG TA. HAI MUOI NAM VAN HOC MIEN NAM 54-73 (800 TRANG). XIN CHO TOI DIA CHI DE DAT MUA.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn