BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77130)
(Xem: 63214)
(Xem: 40615)
(Xem: 32254)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Võ Phiến: Nghìn Năm Mây Trắng Lê Thê

05 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1323)
Võ Phiến: Nghìn Năm Mây Trắng Lê Thê
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41
Trọn đời nhà văn Võ Phiến (1925-2015) là những trang giấy, nơi đó ông đi nhiều hơn ngồi, ông động nhiều hơn tĩnh, ông gây bất ngờ cho độc giả nhiều hơn là lưu giữ sự lặng lẽ trên giấy.

Và chính đời ông cũng đã trải qua những chuyến đi xa, những chuyến đi ảnh hưởng tới trọn văn nghiệp của ông, khi rời thành để tham gia Việt Minh chống Pháp, rời bỏ bộ đội để về thành khi thấy không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản, rời Miền Trung để vào Sài Gòn, và rời đất nước năm 1975.

Trong đó, tiền định đã nằm sẵn trong bút hiệu ông chọn: Võ Phiến là cách gọi khác của Viễn Phố, tên người thiếu nữ đã trở thành vợ ông, và rồi đi bên ông trọn đời. Một Phố thật xa đã trở thành chuyến đi dài cho định mệnh của ông, và là một nguồn cảm hứng lớn trong ngòi bút của Võ Phiến.

Không chỉ là nhửng chuyến đi cụ thể, Võ Phiến khi viết văn đã đóng vai người đi thám sát, ông nhìn, ông ngó, ông quan sát, ông đứng dậy để nhìn phía sau nhân vật chính, ông cũng nghiêng người xuống để nhìn cổ tay thon của một thiếu nữ trong truyện hay bước vào bếp một tiệm hủ tiếu để nhìn ông chủ băm thịt, trụng nước sôi… Và ông đi cùng tận các ngõ ngách tâm lý của nhân vật -- một cách viết rất là Pháp trong một ngòi bút rất là Việt.

Khi Võ Phiến cầm cây bút lên, với ông đó là những chuyến đi – và kể lại những chuyến đi được ông nhìn bằng cặp mắt xuyên ba cõi.

Nghĩ như thế nào về Võ Phiến? Với tôi, văn nghiệp của ông là những cánh đồng xanh, nơi đó ông dẫn độc giả qua các vườn kỳ hoa dị thảo, và khi đọc ông, chúng ta có thể đọc đi đọc lại một trang, thậm chí một đoạn văn mà vẫn thấy ưa thích và nhận ra có điều để học. Với tôi, văn nghiệp Võ Phiến cũng là một ngọn núi, nơi nhiều nhà văn có thể ngước lên nhìn và tự nhủ, sao cứ mãi thấy bóng mát của ông lẩn khuất trong ngòi bút của mình.

Tôi đã nghĩ như thế, trong buổi chiều, trong ngày cuối đời của nhà văn Võ Phiến hôm Thứ Hai 28-9-2015 khi chở nhà văn Nhã Ca tới một bệnh viện Santa Ana, nơi nhà văn 90 tuổi đang nằm bệnh, với tình thân vợ con ông vây quanh.

Chiều ngả bóng xuống. Tôi chở nhà văn Nhã Ca về tòa soạn Việt Báo. Trên đường First St., nắng chiều chói vào mắt, nhiều lúc không thấy rõ phía trước và mơ hồ cả các đèn ngã tư. Thảng thốt trong lòng tôi tiếng nói mơ hồ, “Nắng sắp tắt rồi.”

Nhiều phút sau đó, bà Viễn Phố điện thoại cho chị Nhã Ca rằng nhà văn xứ Bình Định vừa ra đi lúc 7 giờ tối.
*


Từ trái: Võ Phiến, bà Viễn Phố, và đôi hạc trên kệ tủ phía sau


Những bài thơ thường được Võ Phiến ưa thích cũng là về những chuyến đi. Đặc biệt là bài thơ ông sáng tác khi họa sĩ Ngọc Dũng bệnh, và ông dùng làm mẫu thiệp từ biệt cho chính ông.

Nơi trang đầu thiệp này là chữ "Tạ Từ" -- và nơi góc phải, dưới thấp trang này là hình chân dung ký họa Võ Phiến.

Nơi trang ba Thiệp Tạ Từ là bài thơ ngắn và chữ ký, toàn văn là:

“Đến
Mải miết ra đi đâu tính đến
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm rồi cũng đến
Đến rồi sao?
XI. 1998”

Bài thơ dùng trong thiệp cũng là về một chuyến đi. Đi, hay đến, cũng là một hành vi động.

Nhà văn Nhã Ca đã dùng điện thoại chụp ảnh thiệp này, và ghi email giải thích rằng Thiệp Tạ Từ là do chính Võ Phiến thiết kế::

“Tấm thiệp này anh tự làm và trình bày và in sẵn. Hôm nay chị Viễn Phố tìm ra, đã cùng với nhà văn nữ Trùng Dương bỏ vào từng phong bì suốt từ trưa đến mấy tiếng đồng hồ mới xong và để sẵn vào thùng, sẽ đem ra để ở nhà quàn phát cho mọi người như lời từ giã của nhà văn...”

Hóa ra, nhà văn Võ Phiến rất mực chu đáo. Sửa soạn cho một chuyến đi xa, và sẽ để lại cho bằng hữu còn lạp một tấm Thiệp Tạ Từ, trong đó ghi lại bằng thủ bút và chữ ký của ông. Hình như, không có gì là bất ngờ đối với Võ Phiến: trọn đời ông là một cuốn sách lạ, được mở ra cho trần gian đọc, và cuối cùng, ông khép lại trang cuối bằng tấm Thiệp Tạ Từ.
*


Võ Phiến ngồi. Phía sau, từ trái: Nhã Ca, bà Viễn Phố, phu nhân của nhà văn Ngự Thuyết, phu nhân của nhà vănVũ Đình Minh.


Chu đáo là thế. Cho nên văn của Võ Phiến cũng rất mực chu đáo, y hệt như không có gì thoát ra khỏi đôi mắt của ông.

Nhà phê bình Thụy Khuê trong một bài bình luận trên Đài RFI đã tin rằng trong mắt Võ Phiến đã có sẵn kính hiển vi, trích:

“Tóm lại, hai yếu tố chính xây dựng nên nghệ thuật của Võ Phiến là con mắt và chi tiết, và những chi tiết nào đáng chú ý nhất đối với ông? Đó là những điểm trên thân thể con người: từ cánh tay nõn nà của đức Phật, hay cánh tay trần của Dung, đến đôi mắt cú vọ của Bình xoáy vào mâm cơm, hoặc sợi lông mũi hay vết nẻ trên gan bàn chân của anh Bốn Thôi... tóm lại, những chi tiết tầm thường nhất trên thân thể con người, không mấy ai chú ý, đều được Võ Phiến chiếu kính hiển vi vào và ông đã làm nên truyện lớn...”(ngưng trích)

Nhà văn Võ Phiến nghĩ gì về đôi mắt nhìn xuyên mấy cõi của ông?

Trong tùy bút tựa đề “Cô Quì còn không” đăng trên Tiền Vệ, hình như Võ Phiến đã tự nói về cặp mắt tinh tế của ông, trích:

“...Thuở thơ ấu ta đã có mắt tinh vi, thấy được con dế trốn dưới cỏ, thấy ổ sáo con nằm sâu trong bộng cây, thấy từng cái kẹo trong túi áo của bà nội bà ngoại... Chớm tuổi đôi mươi thì ta có mắt thần.

Gậy tiên chỉ vào, hòn đất hoá cục vàng. Gậy tiên quí vậy nên cực hiếm, nên huyền hoặc. Mắt thần càng quí hơn, nhưng mỗi người mỗi có. Con bé hàng xóm vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn tranh nhau trái me trái ổi cãi cọ chí choé; lớn lên, một ngày nào đó ta được trao cho mắt thần, trông lại con bé bỗng ngẩn ngơ: Cô Quì đây rồi.

Cô Quì xuất thế, mọi sự đổi thay. Ta vừa mở cánh cửa bước sang một cuộc đời khác. Ta trông ánh sáng cách khác, nghe tiếng gió thổi cách khác. Ta biết những cảm xúc mới lạ, những cảm xúc chưa từng. Nhìn lại từng bộ phận nhân thể của chính mình, ta ngỡ ngàng. Ta không còn nhận ra ta nữa: ta thay đổi từ vóc vạc, giọng nói, cho tới cái hơi thở. Ta như con rắn lột da, thành con rắn khác.

Ta đối với ta còn thế, huống hồ đối với người khác. Cho nên cô Quì là một khám phá: dẫu gần gũi cũng hoá ra mới lạ. Làm ta ngây ngất, mê tơi. Nhờ mắt thần, mỗi chàng trai đều có được một cô Quì tuyệt vời.

Nguyên một sự thay đổi ở ta đã thế, huống hồ lại có sự thay đổi cùng lúc về phía cô Quì. Thì ở cô cũng có chứ sao không? Đến tuổi ấy, cô mở mắt trông ta, bỗng ngạc nhiên, bỗng đắm đuối. Ta đã thành một cậu Quì rồi. Cô ấy với cậu ấy, chao ôi!”(ngưng trích)

Đôi mắt Võ Phiến thần kỳ như thế. Chỉ một thoáng nhìn, cõi trần gian này bỗng hóa thành một cõi đắm đuối dị thường, chao ôi!
*


Thiệp Tạ Từ, trang 1 và trang 3.


Đó là nói về một cõi tình. Khi nói về một cõi bếp núc tiệm mì hủ tiếu, Võ Phiến cũng viết rất mực dị thường. Ông vào thẳng trong bếp của tiệm, ông nhìn, ông ngó, ông nghe, ông ngửi...

Trong tùy bút “Rụp Rụp,” Võ Phiến nhìn thấy dàn bếp núc trở thành một sân khấu của một điệu vũ lạ, trích:

“...Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.

Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, không vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.

Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v. Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Động tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động....”(ngưng trích)
*

Nhà thơ Du Tử Lê trong bài viết “Hành Trình Văn Chương Võ Phiến” đã ghi nhận, trích:

“...Đó cũng là thời gian giới văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam, hiện diện một cách lấn lướt, ồn ào ở hầu hết mọi sinh hoạt VHNT: Từ báo chí tới thơ, văn, âm nhạc, phát thanh, hội họa, kịch nghệ…

Do đấy, tôi không biết vì lý do tế nhị, hay bắt nguồn từ một nguyên nhân nào khác, một số nhà văn có ảnh hưởng lớn thời đó, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Trần Phong Giao…đã đồng tình chọn nhà văn Võ Phiến, như một tài năng văn xuôi, đại diện cho những cây bút miền Trung. Và, nhà văn Bình Nguyên Lộc là ngọn cờ đầu của văn xuôi miền Nam…

Sinh thời, cố thi sĩ Nguyên Sa cũng biểu đồng tình với chọn lựa vừa kể, khi ông nhấn mạnh, đó là chọn lựa mang tính “quần bình ba miền đất nước”. Hoặc dí dỏm hơn khi ông dùng cụm từ “nhu cầu cân bằng sinh thái”....”(ngưng trích)
*


Từ trái, Nhã Ca, Võ Phiến; Võ Phiến, bà Viễn Phố.


Đúng rằng Võ Phiến là tài năng văn xuôi Miền Trung. Nhưng sẽ không nói đủ về ông, nếu bỏ qua cái nhìn chính trị của Võ Phiến, người một thời tham gia kháng chiến với Việt Minh, và rồi bỏ về thành khi thấy không phù hợp với tâm hồn nhạy cảm của ông.

Nhà phê bình Nguyễn Quốc Trụ trong bài viết tựa đề “30 Tháng Tư, Đọc Lại Võ Phiến” đã nhìn thấy một mảng đời Võ Phiến rời bỏ, từ bỏ cuộc kháng chiến chống Pháp... vì không chịu nổi bạo lực cuồng tín, nơi đó con người bị tổn thương nhân danh cách mạng.

Nguyễn Quốc Trụ viết, trích:

“...Võ Phiến nhận ra bóng ma ám ảnh, của "cái mã tấu" ở phía sau những người Cộng Sản cuồng tín, như trong phần tiểu sử đã dẫn, "sau Cách Mạng Tháng Tám, ở Huế, Võ Phiến gia nhập bộ đội một thời gian ngắn, rồi vào đội Tuyên Truyền Xung Phong, hoạt động khắp các tỉnh miền Trung. Giữa 1946, từ Bình Định ông ra Hà-nội học trường trung học Văn Lang. Tháng Chạp, 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Võ Phiến về lại Bình Định, tham gia sinh hoạt văn hóa kháng chiến... dạy học... sinh hoạt chung với lớp cán bộ cuồng tín ấy, càng ngày ông càng chán ngán, cuối cùng thành 'phản động' hẳn...". Chi tiết về phản động hẳn, Võ Phiến chưa từng viết lại, theo như tôi biết, nhưng tác phẩm ông viết trong thời gian này không dính tới "khí hậu chung của thời cuộc".

Vả chăng, nấp sau chiêu bài kháng chiến chống Pháp, trong không khí bừng bừng của cả nước thời kỳ 1945, ít người nhận ra con quỉ hận thù, nhưng những tác phẩm "không dính đến khí hậu chung của thời cuộc" cho thấy một điều: bằng trực giác của một nhà văn, Võ Phiến đã nhận ra, nơi bạo lực tổn thương con người, cũng tổn thương ngôn ngữ...”(ngưng trích)
*


Võ Phiến ngồi. Từ trái, Ngự Thuyết, Vũ Đình Minh


Nhà văn Ngô Thế Vinh, trong bài “Bốn Mươi Năm Võ Phiến Nhà Văn Lưu Đầy” đã nhắc tới một bài viết -- được nhà văn họ Ngô xem như một bạch thư của Võ Phiến, một bài viết dẫn tới cơ nguy có thê bị Việt Cộng ám sát.

Ngô Thế Vinh kể, trích:

“...Võ Phiến viết Bắt Trẻ Đồng Xanh, đăng trên Bách Khoa tháng 10 năm 1968, tựa đề từ cuốn sách dịch của Phùng Khánh Phùng Thăng The Catcher in the Rye của nhà văn Mỹ J.D. Salinger, nhưng nội dung bài viết thì lại nói về kế hoạch cộng sản miền Bắc đưa trẻ em từ trong Nam ra Bắc huấn luyện rồi sau đó đưa trở về miền Nam. Cộng sản cũng đã làm như vậy sau khi ký hiệp định Geneve 1954. Võ Phiến viết:

“…trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc… họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh…”

“Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai hoạ xẩy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.”(Võ Phiến, Bắt Trẻ Đồng Xanh, Bách Khoa 10/1968)

Bắt Trẻ Đồng Xanh hoàn toàn không phải là tuỳ bút hay truyện ngắn mà là một bài chính luận, một bạch thư tố cáo dã tâm của người cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ thực sự muốn có hoà bình, nếu có hoà đàm thì đó chỉ là bước hoãn binh chiến lược, họ vẫn chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác. Bài viết như một tiên tri, một báo động đã thực sự gây chấn động dư luận bên trong cũng như ngoài nước, với cái giá Võ Phiến phải trả là bị Việt Cộng lên án, và cả hăm doạ tính mạng tiếp sau cái chết của ký giả Từ Chung tổng thư ký báo Chính Luận, do bị đặc công CSVN ám sát. Theo Lê Tất Điều, đã có lúc Võ Phiến nghĩ tới tạm lánh xuống vùng Hoà Hảo, một khu được coi là miễn nhiễm với mọi xâm nhập của cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao, Võ Phiến có thời gian làm giáo sư văn chương trường Đại học Hoà Hảo, Long Xuyên....”(ngưng trích)
*

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trong bài viêt “Một Ngôi Sao Trên Vòm Trời Văn Học, Nhà Văn Võ Phiến (1925-2015)” đã ghi nhận về một hình ảnh Võ Phiến, trích:

“...Mô-tả cách viết của Võ Phiến, Trùng Dương nói khá chính-xác:

“Mặc thời đại vi tính với Internet, anh vẫn viết tay. Tôi còn nhớ có lần nghe anh nói anh phải cảm ơn thấy da thịt của tay mình tiếp xúc với mặt giấy mới yên tâm sáng tác được, hay một ý tưởng tương tự. Tôi hình dung mặt tờ giấy đối với anh có lẽ cũng giống như cái security blanket đối với nhiều trẻ nhỏ. Nhưng từ vài năm nay anh không viết nữa. Một đời gắn liền với chữ nghĩa bỗng như hụt hẫng, thừa, chị nói với riêng tôi, nước mắt ứa ra. Anh không biết tại sao mình sống lâu như vậy. Tôi vỗ về cánh tay trái mới té gãy và còn băng bột của chị. Chị rất sợ lỡ phải đi trước anh, vì không biết ai sẽ chăm sóc anh được như chị chăm sóc anh. Chị không muốn con cái phải bận tâm nhiều về cha mẹ già. Hôm chị té gẫy tay, mãi sau khi đi bác sĩ băng bó xong, đến tối mấy người con mới hay…”...”(ngưng trích)
*


Từ trái: bà Ngự Thuyết, GS Bảo Xuyến, bà Viễn Phố


Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết “Tìm Hiểu Thế Giới Nhân Vật Của Võ Phiến” đã viết, trích:

“...Nhân vật của Võ Phiến, trong suốt thời kháng chiến, chứng nghiệm được ý nghĩa của những cái vụn vặt, tầm thường, tình cờ, bình dị. Chứng nghiệm được ý nghĩa của cuộc sống, và quyền được sống với những cái vụn vặt, tình cờ, bình thường. Họ thức giấc, nên trở thành kẻ nguy hiểm cho chế độ. Nhiều người bị sỉ nhục, bi bêu giễu, bị tù tội. Nhiều người bị khai trừ - Họ thành kẻ lạ, kẻ ở trọ.

...Nhưng đã quá muộn rồi! Chút trần gian mòn mỏi chờ đợi ấy, không thể ở kiếp này cho Bốn Thôi và đám bạn bè của anh, "Tiểu thế giới" của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!”(ngưng trích)

Nhà văn Vũ đình Minh trong buổi ra mắt “Tuyển Tập Võ Phiến” dày 1080 trang xuất bản năm 2006 đã nhận định:

"Yếu tố chính khiến truyện Võ Phiến có chỗ đứng cho đến ngày nay, là giá trị nhân bản thể hiện trong đó."

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đến từ Úc cũng trong buổi ra mắt sách trên đã nói:

"Phong cách tùy bút bàng bạc khắp tác phẩm của ông, bởi đằng sau tuyện hay bài phê bình, có 1 nhà tùy bút.Và sau lưng nhà tùy bút có nhà nghiên cứu văn học!"

Nơi khác, Nguyễn Hưng Quốc nhận định về Võ Phiến như sau:

“Theo tôi thì Võ Phiến là một trong những nhà văn lớn nhứt của Việt Nam trong nửa sau của Thế Kỷ 20. Xin lưu ý là tôi dùng chữ Việt Nam chớ không phải là Miền Nam hay là hải ngoại; trong phạm vi cả nước thì Nam cũng như Bắc, quốc nội cũng như quốc ngoại...”
*

Trong những ngày cuối đời, nhà văn Võ Phiến vẫn tỉnh báo, vẫn vui cười. Trong nhiệm vụ một nhà báo, tôi vẫn quan sát tin tức về nhà văn tiền bối này. Và tôi vui khi được nghe kể về những khoảnh khắc an lạc cuối đơì của ông. Và tôi quan ngại, khi thấy có ai ở xa tận quê nhà không có cơ duyên đọc đầy đủ về ông và đưa ra các nhận định phiến diện. Rồi tôi nghĩ, dĩ nhiên, Võ Phiến là một ngọn núi, và rồi cái nhìn nào cũng có thể chỉ là cái nhìn phần mảnh, bất toàn.

Võ Phiến vẫn vui trong những ngày cuối đời, có khi lãng đãng. Những bạn văn thường tới thăm nhà văn Võ Phiến và chị Viễn Phố là GS Bảo Xuyến, ông bà nhà văn Vũ Đình Minh, ông bà nhà văn Ngự Thuyết.. Nhà văn Nhã Ca có ghi âm mấy đoạn nói chuyện của vợ chồng nhà văn Bình Định, trong đó có một chỗ chị Viễn Phố kể về đôi hạc bên nhau, trưng bày trên nóc tủ kính... Trong đó, chị Viễn Phố nói rằng, hạc ông sắp đi rồi, chỉ còn hạc bà thôi... Ngậm ngùi.

Nơi đây, xin ghi lại bài thơ tựa đề “Về” của nhà văn Võ Phiến làm năm 1975, khi ông rời Việt Nam, lúc tròn 50 tuổi. Toàn văn bài thơ như sau:

“Về
Ra đi tuổi chẵn năm mươi
Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về
Ngàn năm mây trắng lê thê
1975.”

Tựa đề bài viết này, xin mượn 6 chữ cuối của bài thơ trên.

Xin trân trọng từ biệt nhà văn Võ Phiến. Ông là những cánh đồng xanh, ông là một ngọn núi lớn. Trong tôi.

Phan Tấn Hải

Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn