BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73340)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ánh Đam Mê Trong Thơ Lưu Nguyễn Đạt

17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1209)
Ánh Đam Mê Trong Thơ Lưu Nguyễn Đạt
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cách đây 16 năm, nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt đã dành cho tôi một cơ hội phát biểu về tập thơ Vùng Cao Nước Ẩn của anh. Dịp đó, tôi có nói như thế này:

“Tôi đọc Vùng Cao Nước Ẩn của nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt không phải để phê bình, mà để đi tìm một sự đồng cảm, để khám phá một khía cạnh riêng tư sâu thẳm nào đó trong tâm hồn tác giả. Việc khám phá này có thể thành công hay thất bại vì, việc đọc thơ cũng như xem tranh, là việc làm rất chủ quan. Chủ quan đến độ ta có thể hiểu sai cả ý của tác giả. Nhưng tôi cho cái đẹp là ở chỗ người thưởng ngoạn có hoàn toàn tự do hiểu theo ý mình. Đôi khi còn đem cả tâm tình mình vào thơ của người, rồi tự vẽ vời ra cho mình một thế giới mộng mơ huyền ảo!”

Đâu ngờ, lần này tôi lại có cơ duyên lên đây thưa chuyện cùng quý vị về tuyển tập đồ sộ, LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ NĂM MƯƠI NĂM, trong đó có tới 8 tập mà Vùng Cao Nước Ẩn mới chỉ là tập đầu, ngoài ra còn các tập Hồn Nước, Ca Tụng Niệm, Như Hoa, Nắng Đêm, Thơ Xanh, Ân Tình, Sóng Gào, với một con số đáng nể, tổng cộng là 670 bài. Ai đã từng đọc thơ Lưu Nguyễn Đạt chắc cũng có thể đồng ý với tôi là thơ anh không phải là loại thơ mà mình có thể đọc thoáng qua mà nắm bắt được hết ý nghĩa của nó. Với một thời gian ngắn tôi không thể đọc ngấu nghiến 670 bài, vì thế mấy nhận định của tôi sau đây chỉ có thể dựa lên trên vài cảm tưởng, nhiều hơn là một sự nghiên cứu tường tận.

Thưa quý vị,

Đi tìm cái “đam mê” trong nhà thơ họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt thiết tưởng không mấy khó. Chỉ cần nhìn vào những việc anh đã và đang làm thì biết. Sơ sơ ta cũng có thể kể tờ tam cá nguyệt san Cỏ Thơm, anh sáng lập và chủ trương một thời gian trước khi nó được chị Nguyễn Thị Ngọc Dung tiếp nối, và tờ báo đến ngày hôm nay đã được 20 tuổi. Anh ngưng làm Cỏ Thơm để lập ra tập san Tư Tưởng Việt. Sau Tư Tưởng Việt là trang mạng Việt Thức, một công trình bền bỉ ít nhất là mười năm nay rồi, nhưng hình như chưa đủ, anh còn đang tính đẻ ra thêm một tờ Tuyển Tập Nhân Văn nhằm quy tụ những cây bút lớn, cả ở trong lẫn ngoài nước. Song song với tất cả các công việc kể trên là thơ và hội họa. Năm ngoái, anh cũng đã ra mắt bà con tập thơ song ngữ Lời Của Cát / Paroles de sable. Thử hỏi, nếu không là người đam mê thì ai có thể làm được nhiều việc đến như thế?

Tuy kể ra như vậy nhưng tôi sẽ cố gắng không lệ thuộc vào đời sống hiện thực của nhà thơ để mà hiểu thơ của anh. Là vì…, tôi lại phải xin trích một đoạn trong bài nói về Vùng Cao Nước Ẩn: “Tìm hiểu đời sống thực của nhà thơ làm gì, vô ích! Bởi vì cái giống thi nhân nó lạ lắm! Hình như họ không có tuổi. Họ không bao giờ ngừng say sưa mơ mộng, cho dù họ có đạt được cái gì họ kêu gào, họ nằng nặc đòi cho bằng được rồi, họ vẫn cứ tiếp tục đắm đuối, ra riết, vấn vương… ”

Tôi xin được chứng minh điều tôi vừa nói bằng mấy câu thơ sau đây:

anh nhắm mắt để tìm em
để đòi em từ vùng cao nước ẩn
nhưng em vốn dòng sông dài
lặng lẽ nghiêng màu
thung lũng hồn anh.
(“Sớm Nở Môi Hồng” – Tr. 24)

Bây giờ, xin mời quý vị hãy mở cuốn sách ra mà coi. Ngay đầu sách, một bức hình giai nhân chiếm cả một trang với dòng chữ đề: Lưu Nguyễn Đạt, Dòng Thơ 50 Năm… và Phùng Thị Hạnh, người cùng tôi sống Dòng Thơ 50 Năm này.”

Thế nghĩa là thế nào nhỉ? Người ở đây rồi mà vẫn còn cứ “đòi”! Nhưng được cái là thơ Lưu Nguyễn Đạt kín đáo, thanh nhã… chứ không sôi nổi, khêu gợi như nhạc Nguyễn Đức Quang: “Lòng đòi tình vật vã khôn nguôi”!

Gần 700 bài thơ với nhiều đề tài khác nhau, nhưng với 15 phút Ban Tổ Chức dành cho tôi, tôi chỉ có thể nói tới phần, mà theo tôi, nổi bật trong cuốn sách, đó là thơ tình của anh. Và tuy gọi là “thơ tình” xin độc giả cũng đừng trông đợi những dòng thơ phũ phàng hay thô bạo như trong thơ Xuân Diệu (“Hỡi xuân nồng ta muốn cắn vào ngươi”). Hoặc nồng nàn, rạo rực như trong thơ tình Nguyên Sa (“Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn”) và đặc biệt, không dâm tục tương tự như một vài bài hát cuối đời của Phạm Duy? Phải chăng vì anh là một họa sĩ nên cái đam mê của anh, dù là với bóng giai nhân, song vẫn không là thứ đam mê nhục dục mà là cái đam mê hình nét, sắc màu, bố cục… nghĩa là khá trừu tượng?

Ta cũng không bao giờ được thấy bóng dáng toàn thân “người tình” trong thơ tình Lưu Nguyễn Đạt, mà chỉ thấy ánh mắt, bờ môi, làn tóc xõa… vẽ nên bằng những nét đan thanh, ẩn hiện, quấn quyện vào thiên nhiên có núi cao, vực sâu, có sông nước, sương khói, trăng sao, mưa nắng…

em vừa là sao là sông vắng
là cả hồn trăng cả vực đau
cả mùa đông đợi lòng xuân nắng
cả ánh môi em hội ngộ lâu
(Tên Em- Tr. 151)

Hoặc:

xót thương sao đủ ngàn mi mời mộng
ngọn núi xanh cao vút cuối mưa mong
suốt một đời dòng sông là câu chuyện
của tình sâu ẩn ngấm mắt chiều không
(Ngàn Mi – Tr. 291)

Hoặc:

kìa ai nhặt bụi sao trời
để tình lóng lánh vợi vời trong đêm
để mơ thêu tóc mây mềm
so đo ngọn cỏ mọc trên vực hồn
(Kìa Ai – Tr. 322)

Về cấu trúc thơ Lưu Nguyễn Đạt thì nhìn thoáng ta tưởng như thơ tự do, nhưng thực ra chỉ là thơ cổ điển, nghĩa là về hình thức vẫn là thơ lục bát hay bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ. Cái mới ở thơ anh là anh chơi trò cắt câu, thí dụ:

hôn em cuối góc môi hồng
làn hương thấm đọng
giữa vòng tử sinh

nối vương tơ tóc bình minh
ánh thương phảng phất
lung linh biển trời

yêu em hồn nước chơi vơi
sóng khuya bờ đá
đón mời vuốt ve

ý sâu thăm thẳm muôn bề
nụ hoa hé nở
đam mê cuối đời

(Bài “Cuối góc môi hồng” – Trang 231)

Có phải rõ ràng là thơ lục bát không? Mà còn là lục bát khá chỉnh nữa. Nhưng nhìn trên trang giấy thì do cách anh sắp xếp thành ba hàng nên ta sẽ không có cảm-tưởng đó là lục bát.

Đối với tôi, mỗi bài thơ của thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt là một tòa lâu đài được trang trí bằng các “viên quặng” lóng lánh, rực rỡ muôn màu, khiến cái gì trong mắt tôi cũng lóa lên, nhập nhòa, mờ ảo… Tôi gọi nó là “viên quặng” vì nó không hiện hữu trên mặt đất này! Mỗi “viên quặng” đó là mỗi “con chữ” được anh chau chuốt cầu kỳ bằng thuật đảo ngữ như trong câu: “bạn truyền tư tưởng người về/ quê hương tắt lửa bến mê hoặc huyền.” Bài Quên Chi (tr. 477); “lạc lia vẫy cánh hồn thiêng/ thời gian hụt hẫng man miên buốt hồn” (Bài Vẫn Xa – tr. 585.); “cánh chim xõa trắng vợi vời/ giọt sương đọng nhẹ buông lời vuốt ve.” (“Quyện Hương” – Tr. 572)

Và bằng cách “đẻ chữ”mới như: “môi hồng sao buốt lần hôn trợ/ tạm biệt vòng ôm đau đớn quơ” (Nước Thẳng Người Nghiêng – Tr. 393). Hay: “hà nội đâu đây son phấn vôi khè/ một ngàn năm lẻ phượng đỏ hồ tê.” (Paris Khăn Trắng. Tr. 524).

Tôi tin rằng các chữ “lần hôn trợ”, “đau đớn quơ”, “vôi khè” với “hồ tê” hay các chữ tương tự đây đó khắp trong tác phẩm sẽ làm cho không ít độc giả phải khựng lại, chau mày, bóp trán, một điều có lẽ người đọc biếng nghĩ sẽ không dễ đến với anh. Song là thi sĩ, có lẽ anh cũng phải có quyền sáng tạo, thử thách, đùa nghịch với sản phẩm của anh hầu khám phá ra một con đường riêng cho mình… Thành công hay không còn tùy ở góc độ thẩm thức của người đọc, song mức độ “đam mê” của người nghệ sĩ thì hiển hiện, không thể chối cãi!

Về “câu/ chữ” thì tôi đắc ý nhất với nhận định của nhà biên khảo Trần Bích San ở phần “Lời Của Bạn, Lời Chân Tình” nơi cuối sách, khi ông “dán nhãn hiệu” cho Lưu Nguyễn Đạt là “phải lòng chữ nghĩa,” là “làm tình với chữ nghĩa”, là “phù thủy của chữ nghĩa.” Ông cũng so sánh thơ Lưu Nguyễn Đạt với những quan niệm thơ của André Breton và Paul Valéry, tức là của những nhà thơ Pháp hậu tượng trưng. Tôi nhận thấy thơ Lưu Nguyễn Đạt không nồng tình như thơ Baudelaire, hay trắng trợn dục tình như thơ Pablo Néruda, một nhà thơ Chilé, nhưng anh cũng đã làm tới 9 bài lấy hứng từ các nhà thơ này.

Một độc giả khác, LinhThyNguy, theo tôi nghĩ, cũng nhận định khá đúng khi viết:

“Đây là những bức tranh thủy mạc, mờ ảo sương khói trên đường đi tìm một thế giới thần tiên của thi nhân. Phảng phất và bàng bạc đâu đây, một bóng hồng, một ánh mắt, một bờ môi, mong manh như gió thoảng, như mây trôi, chợt ẩn chợt hiện, rồi sau cùng, cũng phôi pha theo kỳ hận của thân phận con người.”

Huỳnh Thục Vy, một nhà Dân Chủ trẻ hiện ở Việt Nam, cũng rất gần sự thật khi cô khẳng định:

“Thơ mà không phải chỉ đơn giản là thơ. Thơ ông ảo như mộng, đôi khi khiến người đọc choáng váng như trong cơn say; nhưng từng lời thơ lấp lánh vẻ diễm tình của thiên nhiên tươi đẹp; ngọt ngào như lời yêu thương của đôi lứa; nhưng cũng chứa chan lòng bi mẫn đối với con người và cuộc đời.”

Phần tôi thì lại rất thích thú với bài “Mùa Thương” nơi trang 307, với cách ông thách thức người đọc bằng các câu thơ không viết hoa chữ nào hết, dù là chữ đầu câu, dù là tên người, tên nơi chốn… để… động não người đọc phải biết, phải đoán, chứ không chỉ đọc lướt mà rồi bỏ qua được:

tranh bùi phái mọc rễ buồn nhân loại (1)
ánh chagall bay bổng giữa trời loang (2)
râu cung trịnh bạc màu như suối nắng (3)
nét cao uyên đồi trọc vẫn còn hoang (4)

ta lưu nguyễn dạ hà đêm ảo vắng
mực thơm say đảo ngữ núi thành sông
em huyền diễm áo bay vì mưa lạnh
đọng dư âm ngây ngất cả thiên đường

Một bài thơ chỉ có 8 câu mà đòi hỏi độc giả phải biết khá nhiều về hội họa cận hiện đại VN và thế giới. Phải biết “bùi phái” là Bùi Xuân Phái, họa sĩ hàng đầu của Việt nam chuyên vẽ Phố cổ Hà Nội. Phải biết Chagall là Marc Chagall, họa sĩ Pháp gốc Nga chuyên vẽ những tranh mộng mơ, hoang tưởng. Cũng tương tự như ta phải biết “cung trịnh” tức Trịnh Cung, họa sĩ ở Việt Nam vừa mới có triển lãm hồi đầu năm nay, hay “cao uyên” tức họa sĩ Ngy Cao Uyên ở ngay Hoa Thịnh Đốn, vùng chúng ta đang ở. Cuối cùng, “lưu nguyễn” thì hiển nhiên là Lưu Nguyễn Đạt, tác giả bài thơ này. Mỗi câu đều nêu lên được một hai đặc điểm của từng họa sĩ. Bài thơ này luôn thể tự thú rằng, thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt của chúng ta cũng là một họa sĩ tài danh ngang ngửa!

Thưa quý vị,

Trước khi tôi chấm dứt bài nói hôm nay, xin mời quý vị cùng tôi làm một bài toán:

— Nếu trường hợp một người có tài mà không có đam mê thì có chuyện gì xẩy ra? Chẳng có chuyện gì xẩy ra, phải không ạ?

— Còn ngược lại, trường hợp một người có đam mê mà lại không có tài thì sao? Thì có thể là một tai vạ lớn cho người chung quanh! Tỷ như một người mê chơi nhạc, thích đánh trống, thổi kèn… mà lại không có khiếu, thì tội cho nhà hàng xóm biết chừng nào!

— Còn trường hợp một người vừa có tài lại vừa có đam mê thì… ắt phải là như tác giả thi phẩm đồ sộ LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ NĂM MƯƠI NĂM, quý vị đang cầm trên tay. Mong quý vị chiều nay về nhà thưởng thức thi phẩm và khám phá thêm nhiều điều mới lạ khác nữa.

Trương Anh Thụy

Nguồn Việt Thức

[1] Bùi Xuân Phái
[2] Marc Chagall
[3] Trịnh Cung
[4] Ngy Cao Uyên)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn