BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm sự với các bạn

24 Tháng Sáu 200612:00 SA(Xem: 1447)
Tâm sự với các bạn
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Trước khi tôi từ giã VN, một thân hữu ở Mỹ viết Email, yêu cầu tôi mua hộ một số CD, DVD. Tôi biết chắc chắn, muốn cho CD và DVD qua khỏi Hải Quan phi trường Tân Sơn Nhất, có hai cách: một là đem những CD, DVD này đến cơ quan kiểm duyệt thuộc Sở Văn Hoá Thông Tin, đóng lệ phí xin kiểm duyệt, hẹn ngày tới nhận gói văn hoá phẩm đã niêm phong; hai là hối lộ cho nhân viên Hải Quan khi đưa hành lý qua máy kiểm soát. Cả hai cách này, tôi đều không ưa. Nên tôi trả lời anh bạn, là rất tiếc tôi không thể thực hiện lời yêu cầu đó được.

 Rất may cho tôi, là tôi không cả nể, và đã có can đảm từ chối. Một số người cứ tưởng mình có thể xếp CD, DVD theo chiều đứng trong vali, thì khi qua máy, máy sẽ không "nhìn" thấy, và sẽ không trở ngại gì.

 Một số bạn khác cho là nếu lấy giấy carbon bọc từng đĩa CD, DVD lại, giấy carbon sẽ làm cho những đĩa này tàng hình (???), và máy kiểm soát sẽ không thấy được !

 Có người cho rằng bây giờ Nhà Nước đổi mới rồi, Hải Quan không còn làm khó dễ bà con Việt Kiều về thăm nhà nữa.

 Một thân hữu của tôi đã lầm tưởng như vậy! Bà mua một số CD, DVD ở nhà sách quốc doanh trên đường Nguyễn Huệ, kèm theo vài DVD Thúy Nga Paris, Asia ,.. bán rẻ rề (không đến 2 đô la một cái) ở hầu hết những tiệm băng nhạc tại Saigon. Bà bỏ tất cả số dĩa nhạc này vào vali. Ngày rời VN, bà đẩy vali đến quầy vé, làm thủ tục check in. Nhân viên hãng hàng không cân xong, gắn dấu hiệu, cho hành lý lên vòng chuyền, chuyển ra máy bay. Bà yên trí, bước ra khu vực chờ đợi lên phi cơ. Khoảng nửa tiếng trước giờ khởi hành, bà nghe thấy tên mình trên loa phóng thanh. Họ yêu cầu bà trình diện Phọ̀ng Hải Quan Sân Bay gấp. Bà tất tả trở lại đó. Người ta yêu cầu bà mở va li, cho bà thấy mấy chiếc CD, DVD bà mua về Mỹ làm quà cho con cháu. Người nữ cán bộ Hải Quan hỏi bà có giấy phép mang những thứ này ra khỏi VN không. Bà hỏi lại “Mấy băng nhạc này bán công khai ở Nhà Sách, đầy đường đầy phố, sao lại phải có giấy phép?” . Người cán bộ nói “Tôi chỉ hỏi bà có giấy kiểm duyệt hay không, bà trả lời đi”.

Bà nói không, và cho chị cán bộ biết bà khỏi cần đem theo những thứ đó nữa.

Bà bảo, bà sẵn lòng bỏ lại, và yêu cầu chị cán bộ tịch thu đi . Nhưng người cán bộ Hải Quan không bằng lòng tịch thu. Chị cười mỉa mai “Chúng tôi lấy mấy của nợ này làm gì, hở bà?”

 Chị cho biết bà đã vi phạm luật, đã mang văn hóa phẩm chưa kiểm duyệt ra khỏi nước. Chị yêu cầu bà chờ chị làm biên bản vi phạm, và trình cấp lănh đạo xử lý!

 Bà bực mình lắm, vì biết chị cán bộ Hải Quan trạc tuổi con bà muốn làm khó dễ. Bà biết, nếu chờ “làm biên bản, trìnhcấp trên xử lý”, chắc chắn bà sẽ trễ chuyến bay về Mỹ. Nên bà đành móc bóp, đưa mấy chục đô la cho chị nhân viên Hải Quan Nhà Nước, và xin được “nộp phạt”.

 Chị cán bộ Hải Quan “thông cảm” ngay lập tức. Nhận tiền xong, chị bỏ tất cả tang vật vào lại va li. Từ xưng “Tôi”, chị chuyển thành xưng “Con”, cám ơn rối rít, và chúc bà lên đường mạnh giỏi!

 Cán bộ Hải Quan Tân Sơn Nhất dùng đủ mọi chiêu thức để bà con Việt Kiều lòi tiền ra !

 Điều đáng ghi nhận ở đây, là họ chỉ dám áp dụng những mánh khoé đó với người gốc Việt thôi. Những khách da trắng mũi lõ, tóc quăn thường không phải trải qua những cái lắt nhắt khó chịu đó.

 Một anh bạn tôi rời VN với mấy bức tượng điêu khắc bằng gỗ để trong vali.

 Cán bộ Hải Quan khám hành lý, hỏi “Anh có giấy phép xuất khẩu không? Anh biết Nhà Nước cấm phá rừng chứ?”

  Anh bạn tôi hỏi lại “Mấy bức tượng con con này mà phá rừng nỗi gì? Anh cho tôi gặp cấp lãnh đạo cuả anh.”

  Người nhân viên Hải Quan trả lời “Tôi có đủ thẩm quyền giải quyết cho anh. Anh đòi gặp lãnh đạo của tôi cũng vô ích!”

  Bạn tôi yêu cầu anh cán bộ tịch thu. Anh ta nói mình không có quyền tịch thu, chỉ có quyền làm biên bản, và yêu cầu bạn tôi ngồi đây, chờ anh ta làm biên bản.

 Bạn tôi ngồi đó chờ, thấy anh cán bộ chẳng làm gì hết, cứ ngồi sờ cằm, và nhìn lên trần nhà.

 Biết ý anh ta, bạn tôi hỏi “Thế bây giờ anh muốn cái gì nào?”

 Anh cán bộ trả lời ngay “Thôi, anh cho em chai rượu!”

  Bạn tôi nói “Tôi không có sẵn rượu ở đây.”

  Anh Hải Quan chỉ tay về phía cửa hàng Duty Free ở gần đó và nói “Năm phút nữa, em gặp anh ở đấy.”

  Bạn tôi bước sang cửa hàng, thấy chai rượu đề giá $54, lấy xuống, đem ra quầy trả tiền, thì đã thấy anh cán bộ chờ sẵn ở đó.

 Anh ta không đụng đến chai rượu, chỉ ra hiệu cho cô thu ngân đút bọc giấy đựng rượu vào gầm bàn, vơí giấy tính tiền bạn tôi đã trả gắn bên ngoài. Có lẽ anh cán bộ sẽ nhận sau, hoặc gửi cô ta bán lại.

 Với chiêu bài “Bắt Văn Hóa Chưa Kiểm Duyệt” tại sân bay Tân Sơn Nhất, các cán bộ Hải Quan ở đây làm ăn rất khấm khá !

 Ông thủ tướng CSVN có lần đặt vấn đề tại sao số du khách quốc tế đến VN ít hơn các nước Đông Nam Á khác, mặc dù Tổng Cục Du Lịch VN đã đưa ra nhiều chương trình thật hấp dẫn để thu hút du khách.

 Có lẽ đã đến lúc các giới chức có thẩm quyền ở VN nên xét lại, và cải tiến cách làm việc của những cán bộ thừa hành của họ tại tất cả các cơ quan thường tiếp xúc với du khách và người VN ở ngoại quốc về thăm nhà, để chấm dứt, hoặc giảm thiểu những tệ trạng làm khó khăn, gây phiền nhiễu, khó chịu cho đồng bào lâu lâu mới về quê hương một lần, mà về rồi, không muốn trở lại nữa !

 Riêng tôi, khi đưa túi xách tay vào máy kiểm soát, tôi cũng chẳng biết là mình đã để chiếc máy thu băng nhỏ và vài cuốn minicassette trong đó. Khi người cán bộ Hải Quan yêu cầu tôi đứng riêng ra, hỏi “Trong túi này có CD, DVD gì không?”, tôi vẫn tin nơi sự “vô tội” của mình, mạnh bạo đáp “Không, chẳng có gì cả !”

 Và tôi lần lượt lôi ra từ trong túi ra cho anh ta xem những chiếc bánh ít nhân đậu xanh, mấy chiếc gương sen tươi đầy hột, hai ổ bánh mì thịt nguội...

 Lúc đó, thật tình tôi không biết rằng mình đã đem theo thứ đồ quốc cấm, là mấy cái minicassette thu tiếng nói của những đồng bào tôi đã có dịp tiếp xúc trong lúc tháp tùng chuyến đi cứu trợ của MS Bảo!

 Chiếc máy kiểm soát của Hải Quan ở phi trường Tân Sơn Nhất tối tân không thua bất cứ chiếc máy nào ở những phi trường quốc tế khác. Chắc hẳn nó đã nhìn thấy mấy cuộn minicassette của tôi !!

 Nhưng rất may cho tôi, một hành khách đi phía sau tôi đã để lên dây chuyền một túi xách đựng khá nhiều DVD vừa bị máy phơi ra trên màn ảnh !

 Người cán bộ Hải Quan thấy tôi đã lôi ra gần hết những vật trong xách tay, nên bảo tôi bỏ đồ vào lại, và quay ra khai thác con mồi thứ nhì, coi bộ béo bở hơn.

 Thực ra, nếu không có người hành khách ấy cứu nguy cho tôi, và nhân viên Hải Quan nhìn vào túi xách, thấy mấy cuộn băng nhỏ xíu đó, chắc chắn tôi sẽ gặp rắc rối không ít !

 Từ kinh nghiệm này, tôi xin nhắn các thân hữu, nếu có về VN, chẳng nên nhận mang sang Mỹ cho ai bất cứ một loại văn hoá phẩm nào, nhất là cassette, CD, DVD, ...vì các bạn không đoán biết được những phiền nhiễu sẽ gặp với Hải Quan ở phi trường Tân Sơn Nhất đâu.

  Quê Hương ở Nơi Nào?

  Tại sao mỗi lần về VN, gặp lại những người cùng dòng giống, nói chung một tiếng mẹ đẻ, các ông các bà công an ở Hải Quan Tân Sơn Nhất, rồi ra trình diện các vị công an Phường nơi tạm trú, tôi đều có cảm giác bất an, lo sợ?

 Phải chăng những năm tháng bị ngược đãi, kỳ thị, phân biệt đối xử, tù tội... trên quê hương, sau 1975, luôn luôn có bóng dáng những người công an phường, công an quận, công an tỉnh... ẩn hiện?

 Lần từ giã VN, tháng 5, 2006, trước khi vào khu vực chờ lên máy bay, tôi trình passport cho môt viên đại úy công an Hải Quan. Tôi nhớ rõ ràng tên ông ta là Phạm Đăng Lâm, vì cùng tên với một nhà ngoại giao VNCH trong thập niên 60, 70. Đứng trước quầy làm việc của viên công an này, tôi đã bỏ mũ, cầm trên tay, đưa giấy tờ cho ông ta, và cất tiếng:

 - Chào ông !

 Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, rắn chắc, mặt mũi đen đủi, đằng đằng sát khí. Không nói một lời, cũng không ngước lên nhìn, viên đại úy công an giật lấy passport, bên trong có tờ giấy khai màu vàng, lẳng lặng kiểm soát hồ sơ của tôi trên màn hình computer.

 Chừng năm bảy phút sau, ông ta quăng passport lên quầy, trả lại tôi, hất tay ra hiệu cho tôi đi.

 Tôi nói:

 - Cám ơn ông !

 Người sĩ quan công an VC nghếch mắt nhìn đi nơi khác, không nhận tiếng cám ơn.

 Tôi thầm nghĩ, nếu Bộ Công An thuyên chuyển ông đại úy này về pḥòng điều tra tội phạm, hoặc nơi cần đánh đập, tra tấn "bọn phản động, chống đối Nhà Nước", thì có lẽ thích hợp với khả năng của ông ta, và có lợi cho Nhà Nước hơn.

 Thái độ của ông công an Hải Quan mang tên Phạm Đăng Lâm, và những ông bà công an Phường nơi tôi tạm trú, hạch hỏi tôi rời VN năm nào, ra đi theo diện nào, tại sao về tới nhà chiều hôm qua không trình diện ngay, lại chờ đến sáng nay... khiến cho niềm háo hức, mong trở lại thăm quê hương trong tôi đã không còn tha thiết như trước đây nữa.

 Tôi thường tự hỏi tại sao, khi về đến phi trường Tom Bradley, Los Angeles , người sĩ quan Sở Di Trú lại lịch sự, niềm nở hỏi thăm tôi đã đi những đâu, và còn nói “Welcome Back!”; trong lúc trở lại quê hương VN thân yêu, mình lại được người đồng chủng đối xử như vậy

 Vậy thì quê nhà tôi, đất nước tôi ở đâu . Đâu mới là nơi chốn tôi cảm thấy thoải mái, không lo sợ khi đến và đi ?

 *


* *


 Một tác giả nào đó, tôi không nhớ tên, đã viết đại ý “Quê hương không phải luôn luôn là nơi bạn đã mở mắt chào đời, nơi thân nhân, bạn bè bạn đang sống, nơi bạn đã lớn lên, và có những kỷ niệm vui buồn.

  Quê Hương là bất cứ nơi nào bạn được chấp nhận, không bị xua đuổi, kỳ thị.

  Đó là nơi, mỗi đêm đặt mình nằm xuống, nghe tiếng chó sủa, bạn không nghĩ ngay đến chuyện công an sắp sửa gõ cửa, còng tay bạn mang đi.

  Đó là nơi con cháu bạn có cơ hội phát triển hết mức những tiềm năng của chúng, mà không sợ bị kỳ thị, chèn ép, vì cha mẹ chúng đã lỡ thuộc về lớp người bại trận...”

  Pasadena, tháng 6, 2006

 Vũ Trung Hiền
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn