BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73398)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiếng hát của Hà

06 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1509)
Tiếng hát của Hà
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nếu bảo rằng tôi yêu tiếng hát của Hà vì đó là tên của me tôi thì không hẳn là đúng nhưng vào lứa tuổi mười ba mười bốn, mỗi khi nghe tiếng hát Hà Thanh từ chiếc radio nhỏ xíu trên bàn học, tâm hồn tôi chợt dạt dào như có một bàn tay dịu dàng đang vỗ về cho tâm hồn thơ dại của mình. Rồi một liên tưởng nhẹ và êm như nhung sang đôi mắt đen hiền và đẹp của me, tự nhiên tôi bỏ dở bài đang học chạy đi tìm ôm vai me và nói: “Me ơi. Hà Thanh hát hay quá!” Nếu vào lúc me tôi bận thì chỉ chăm chú làm công việc dở dang và tán thành vắn tắt: “Ừ, lo học bài đi!” Chỉ vậy thôi cũng làm tôi vui trở về bàn học và thả hồn vào tiếng hát trong suốt mềm dịu của người ca sĩ dễ thương mà tôi thấy rất gần gũi với mình.

Không biết là tiếng hát của Hà Thanh đến với tôi từ bao giờ. Từ khi lớn lên, biết mơ mộng và suy tư thì tiếng hát đó đã theo tôi như hình với bóng. Dĩ nhiên là tôi cũng hâm mộ rất nhiều ca sĩ khác có những nét gần với Hà Thanh, như Lệ Thanh thời đó, như Mai Huơng của dòng nhạc tiền chiến, và như Ánh Tuyết sau này… nhưng tiếng hát của Hà vẫn là kỷ niệm qua những chặng đời êm đềm hay sóng gió.

٭٭٭٭٭٭٭٭٭٭٭


 “Khi ấy em còn thơ ngây đôi mắt chưa vương lệ sầu cười đùa qua muôn ánh trăng đắm xinh đôi môi hồng thắm. Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai…”. Nhạc phẩm “Thơ ngây” mà tôi quên tác giả thật là đáng trách. Đó cũng do thói quen của quần chúng vô tình với người soạn nhạc mà chỉ biết có người hát mà thôi!... Hà Thanh hát nhạc phẩm này bằng sự rung động của một cô gái mới lớn với bao nỗi bồi hồi thể hiện qua tiếng hát nhẹ và trong sáng như giọt sương sớm trên nụ hồng chưa nở. Điều kỳ lạ là khi mười bốn tuổi tôi tìm ra trong bài hát này qua tiếng hát trinh nguyên của Hà Thanh một cảm nhận mới mẻ và thường tự hỏi mình rằng “Khi ấy” có phải là lúc này không hay thời gian chưa tới hoặc đã qua rồi? Tự hỏi nhưng không cần tìm câu trả lời để rồi miên man trong cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng và muốn thời gian dừng lại ở đây… Rồi khi mười sáu mười bảy nghe lại bài hát này cũng do Hà Thanh hát thì nụ hoa xưa đã hé nở theo cùng mùa xuân thức giấc. Tiếng hát Hà Thanh bây giờ trở thành nàng xuân duyên dáng đang mơ mộng đợi chờ một cái gì đó thiết tha mà nàng cũng chưa biết… Rồi mười chín đôi mươi êm đềm trôi theo con suối mùa xuân cũng là lúc chiến cuộc leo thang.

 

Ca sĩ Hà Thanh


Khói lửa chiến trường đã mang tiếng hát Hà Thanh đến với người chiến sĩ cũng như người hậu phương qua biết bao mất mác đau thương. Có lẽ Hà Thanh đã chia xẻ cùng nhạc sĩ Nguyễn văn Đông nhiều nhất. Là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà và cũng là một nghệ sĩ, Nguyễn văn Đông đã hòa mình vào nỗi đau của người lính xa nhà thời chinh chiến qua các nhạc phẩm: Mấy dặm sơn khê, Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ, Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp, Nhớ một chiều xuân… Có nhạc phẩm hình như chỉ dành cho tiếng hát Hà Thanh. Là một ca sĩ lừng danh của xứ Huế, Hà Thanh đã lôi cuốn quần chúng bằng những tình khúc dành cho Huế mà thôi. Thật vậy, còn ai ngọt ngào hơn khi hát Khúc tình ca xứ Huế: “Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương, lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương. Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương. Ngỡ ngàng khách thấy lòng buồn mênh mang…”

Thế nhưng tiếng hát cuả Hà Thanh còn bay xa hơn theo với thăng trầm của thời cuộc. Tiếng hát trong vắt như một hơi sương thể hiện được nhân sinh quan của lớp người trai thời ly loạn: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi...” Nghe Hà Thanh kết thúc bài hát: Còn nhiều anh ơi… sẽ thấy dạt dào cảm xúc với cái triết lý giản dị như hơi thở kiếp người… Bằng tiếng hát, Hà Thanh đã mang lại sự bình yên cho tâm hồn.

Hãy nghe “Nhớ một chiều xuân”: ‘Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người. Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ. Người nơi xa xăm phương trời ấy, người còn buồn còn thương còn nhớ. Nắng phai rồi em ơi’… Có phải đây là lời nhắn gởi của người chiến sĩ miền xa về em gái hậu phương hay là tâm sự của người viết nhạc gởi về tiếng hát tuyệt vời xứ Huế… Dù đây chỉ là cảm nhận của người ái mộ tiếng hát Hà thanh nhưng không phải là hoàn toàn sai. Tiếng hát hòa nhịp với tiếng lòng một cách tài tình như vậy thì chắc chắn có lúc con tim của người hát cũng phải thổn thức mà thôi. Tuyệt vời ở chỗ ranh giới của cuộc đời vẫn rõ nét mới tạo nên được sự rung động mãnh liệt cho người sáng tác và người thể hiện bằng những lời hát nhẹ nhàng nhưng sâu đậm trong lòng người qua nhiều năm tháng.

Khi mà chiến trường sôi động thì chắc chắn rằng “Bản tình ca hàng hàng lớp lớp” phải được gần gũi và thương yêu vì đó là một bối cảnh rất cảm động của những lứa đôi trước giờ chia ly. Họ xót xa lưu luyến nhưng giữ vững niềm tin vào lý tưởng chiến đấu cho tự do và hạnh phúc của dân tộc: “Còn đây đêm cuối cùng, nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em. Người đi giúp núi sông. Hàng hàng lớp lớp chưa về, người người nối tiếp câu thề dành lấy quê hương….”

Khi nghe Hà Thanh hát: “Hỡi người anh thương, chưa tròn thề ước, nhưng tình đất nước đâu phải chi cho mình dệt mộng thắm duyên tơ. Phương trời anh đi, xa xôi vạn lý, đêm nằm gối súng chung ánh trăng cho người này gợi nhớ thương người kia…Và xin em hiểu rằng, người đi giúp nước nào màng danh chi cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy…” Giọng hát ngọt mềm như những lời vỗ về làm khô đi dòng nước mắt tiễn đưa đã lắng đọng trong lòng chúng ta qua bao năm tháng. Đời ai cũng phải trải qua nhiều cuộc chia ly, những nỗi đau của tiễn đưa rất khó mà nguôi ngoai nếu không tìm ra cho mình những an ủi thích hợp. Với tôi thì tiếng hát Hà Thanh là niềm an ủi ngọt ngào.Vết thương lòng dù xót xa đến mấy tiếng hát Hà Thanh cũng xoa dịu được bằng những thương yêu vỗ về nâng đỡ. Tiếng hát cũng là người, chị cách tôi cả chục năm ở trường Đồng Khánh nhưng bất cứ khi nào nhắc đến Hà Thanh là lớp đàn em chúng tôi đều thấy hãnh diện về một đàn chị tài hoa làm rạng danh cho trường Đồng khánh và cho Huế.

Hà Thanh có một ngoại hình rất Huế, một hình dáng mảnh mai, một nụ cười tươi tắn, một đôi mắt sáng ngời thông minh và bản chất hiền hậu. Dù cuộc đời chị không được êm đềm cho lắm, nhưng nét đằm thắm hiền hòa vẫn còn mãi nơi cô gái Huế có tiếng hát trong sáng êm đềm như một dòng sông.

Ngày xưa khi còn học Đồng Khánh tôi đã từng được đi tập văn nghệ với chị Liên Như và Bạch Lan, em gái của chị Hà Thanh, tôi thường nhìn hai người chăm chú để có cảm giác sung sướng như được gặp người ca sĩ danh tiếng này. Mãi về sau vào ngày Hội 100 năm QHĐK tôi mới được hân hạnh gặp chị lần đầu và lần cuối trong đời. Quả thật y như những gì tôi tưởng tượng về chị đều đúng. Chị vẫn mảnh mai hiền hậu với đôi mắt sáng và nụ cười tươi. Nhất là giọng hát ngọt ngào mềm dịu chưa có ai thay thế. Nghe Hà Thanh hát bài Cô nữ sinh Đồng Khánh của Thu Hồ tôi bồi hồi cảm xúc thấy rằng qua tiếng hát Hà Thanh, chúng tôi-những cựu nữ sinh Đồng khánh-như hiền hơn, đẹp hơn và nhất là như bụi thời gian chưa một lần chạm vào gót chân hồng đang ríu rít trong sân trường vào giờ ra chơi.

Tiếng hát đã bay xa vào hư vô nhưng dư âm vẫn còn mãi trong lòng mỗi chúng ta, những người yêu thương tiếng hát của Hà.

Để tưởng nhớ nữ ca sĩ Hà Thanh.

CAO THANH TÂM 3/2014

Nguồn http://ykhoahuehaingoai.com/99do/tiengHatCuaHa.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn