BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ Về Cam Hòa

19 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1320)
Nhớ Về Cam Hòa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tháng qua có người bạn về Nha Trang (VN) thăm nhà, khi trở lại Houston chị biếu tôi năm cái bánh tráng xoài. Sở dĩ chị tặng năm cái, vì mỗi cái to bằng cái Pizza cỡ lớn và nặng trình trịch, cho nên mang qua bên Mỹ thì quả là “của một đồng, công một lượng”.

Tôi chắc độc giả không mấy người được dịp nếm qua món nầy, vì nó thuộc thổ sản địa phương mà ngay chính tôi trước năm 1975 cũng không được ăn.

Thường thường những món bánh tráng để ăn chơi, chúng ta chỉ thấy bánh tráng làm bằng bột gạo có rắc mè, khi ăn phải nướng lên (người Bắc gọi là bánh đa), có bánh tráng ép chuối từng lát trên mặt để ăn sống, có bánh tráng gạo trộn với nước cốt dừa khi nướng lên thơm phức, có bánh tráng phồng làm bằng bột nếp để gói xôi, nhưng chưa thấy bánh tráng xoài xuất hiện trước năm 1975.

Tôi nghĩ thầm, có lẽ sau cuộc đổi đời của tháng Tư đen tối, những người dân địa phương trong hoàn cảnh túng cùng (cơm còn phải độn thêm khoai sắn, tiền đâu mà mua xoài ăn chơi), họ đã nghĩ ra một món ăn chơi mới để có thể tiêu thụ cả một rừng xoài thuộc các vùng Cam Phúc, Cam Hòa. Địa danh nầy toàn là đất cát trắng pha đất thịt, nằm giữa thành phố Nha Trang và thị xả Cam Ranh. Giống xoài trồng nơi đây trái không lớn, hình dáng trông giống loại xoài Gòn ở trong miền Nam. Thịt bở, vị không ngọt thanh, nên chỉ bán cho dân ở hai vùng Cam Ranh và Nha Trang tiêu thụ, bởi các loại xoài trong miền Nam chở ra như xoài Tượng, xoài Thanh Ca, xoài Các mang tới đây, tuy ngon hơn nhưng giá rất mắc, vì công chuyên chở đường bộ, dễ dập, dễ hư.

Xoài trồng ở vùng Cam Hòa, Cam Phúc (cách cảng Cam Ranh khoảng 20 cây số và Nha Trang 30 cây số), trái tròn, to bằng cái chén ăn cơm, hột to nhưng có mũ khi còn xanh, nếu ta muốn ăn sống chấm nước mắm đường. Lúc chín, xoài có mùi thơm, thịt nhiều sớ, tuy ngọt nhưng khi cắt ra nó chảy nước.

Trước năm 1975, bạn hàng đến mua mão ở các vườn rồi chở ra bán lại cho các bạn hàng lẽ tại chợ Đầm (Nha Trang), hoặc chở ra Ba Ngòi (Cam Ranh).

Lần đầu tiên nhìn thấy bánh tráng xoài, tôi ngồi suy đoán. Có lẽ sau năm 1975, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu thốn xăng dầu di chuyển nên những nhà vườn trồng xoài đã nghĩ ra món bánh tráng nầy, để người ta có thể ăn dần, hoặc có thể mang đi xa bán chăng? Xoài có lẽ được xoay nát, trộn chung với bột gạo, đổ vào khuôn hấp chín rồi đem phơi nắng cho thật khô. Thoạt nhìn hình thức của cái bánh tráng, thấy không có gì hấp dẫn mời gọi, chỉ thấy một màu vàng chóẹ dầy cui như một miếng da bò, chỗ đậm, chỗ lợt. Bánh to bằng một cái mâm nhỏ, nặng khoảng 300 gram. Khi ăn xé ra miếng nhỏ, cuốn tròn lại rồi đưa vào miệng nhai chầm chậm, sẽ ngửi thấy mùi xoài chín thơm thoang thoảng và vị chua chua ngọt ngọt thấm dần trong đầu lưỡi, ăn hoài không thấy chán.

Tôi nhâm nhi năm cái bánh tráng nầy trong suốt hai tuần lễ vào nửa đêm khi rời khỏi máy điện toán, vì hai chén cơm chiều đã tan loãng trong dạ dầy. Miếng bánh tráng xoài của người bạn từ Nha Trang mang về, khiến tôi nhớ đến bánh tráng khoai mì, bánh tráng chuối và nhiều kỷ niệm của một nơi chốn đã từng đặt chân trong một quảng đời hoạn nạn sau năm 1975.

Xin hầu kể bạn đọc như một tâm sự xẻ chia.

* * *

 Sau năm 1975, tôi bỏ Sàigòn chạy về một xã nhỏ gần hải cảng Cam Ranh (cách thị xã Nha Trang chừng 30 cây số), vì sợ phải đi “học tập”, khi nghe tiếng loa kêu vang trên hệ thống phóng thanh; tất cả quân nhân, viên chức của chánh thể VNCH cũng như nhân viên của các cơ quan Quân Sự (MACV) Dân Sự Hoa Kỳ (USOM) (USAID) đều phải trình diện.

Một ông làm cơ quan USAID- Sàigòn cùng thời với tôi, đã đi trình diện. Ông khai chi tiết tên họ những nhân viên làm chung và nhà cửa ở đâu…Cô bạn gái ở kế nhà ông chạy đến báo cho tôi hay, sau khi thấy năm bảy người chung Sở, nhận giấy của Công An Phường mời đi học tập. Cô ta hỏi tôi phải làm gì, trình diện hay trốn? Sau cùng chúng tôi chọn giải pháp thứ hai. Chồng đi “học tập”, mình mà đi “học tập” nữa, thì con dại giao cho ai coi? Nguyễn thị Bạch lên xe đò chạy về một quận nhỏ ở miền Nam. Tôi leo xe đò chạy về một xã nhỏ thuộc miền Trung, vì những năm cuối tôi làm việc tại Phan Rang và Nha Trang nên mới có dịp quen biết, qua lại với nhiều người dân sinh sống trong vùng nầy. Một số đã từng làm chung với tôi.

Sở dĩ tôi chọn xã Cam Hòa là vì tuy không có điện nước, nhưng nhà cửa ở đây rất khang trang, đều là nhà ngói, tường xi măng vững chắc, dân cư hiền hòa, đạo đức. Dân trong làng là người di cư năm 1954, đến từ các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An. Họ vào Nam lập nghiệp theo chân Cha xứ. Tất cả đều theo đạo Công Giáo, mỗi đêm giáo dân đọc kinh vang rền cả xóm. Trong làng có chợ, có nhà thờ, có trường tiểu học, có nghĩa địa. Dân cư sinh sống bằng nghề cào tôm nếu làm nghề biển, hoặc là nhà vườn (xoài và dừa), số còn lại đi làm cho các cơ quan dân sự, quân sự Hoa Kỳ tại cảng Cam Ranh hoặc Nha Trang.

 Trước năm 1975, làng rất yên bình. Mờ sáng, xe của các hãng sở Hoa Kỳ từ Cam Ranh đến tận làng rước dân đi làm, chiều đưa về. Có lẽ nhờ vậy đời sống dân cư trong làng đều có mức độ cao, dư ăn dư để.

Sau khi Cộng sản từ Bắc vào cưỡng chiếm miền Nam, dân số trong làng tăng lên vì sĩ số con, cháu, rể - trước đây là vợ con lính - đổ về đoàn tụ với gia đình. Người theo ghe hành nghề chài lưới, kẻ vác cuốc đào xới sống đời nông dân. Cuộc sống của họ không yên vì sau khi chiếm toàn bộ miền Nam, chính quyền CSVN ra lệnh kêu gọi các viên chức chế độ cũ mang theo đồ dùng trong sáu tháng để đi học tập cải tạo. Vì vậy, dân số trong làng có rất đông phụ nữ, đa số là vợ sĩ quan, thuở ấy đều san sát tuổi 25 đến 35, chạy về đây tá túc bên Nội, hoặc bên Ngoại trong khi chồng đi vào nhà tù CS.

Như mọi nơi, chính quyền CSVN cử cán bộ đến “dạy dỗ” dân mỗi chiều bằng cách, gom dân trong làng đến một địa điểm ấn định. Tất cả mọi người ngồi bệt xuống đất trong một khoảnh vườn nào đó, để cho anh hoặc chị cán bộ ngồi chồm hổm trên ghế cao, dạy chính trị và đường lối sinh hoạt của người dân phải tuân hành trong chế độ Cộng Sản. May mắn thay, trong làng đều có người theo đạo Công Giáo, chống CS tối đa, nên không có cán bộ nằm vùng trên rừng về điềm chỉ, bươi móc ai là công nhân viên của chế độ cũ. Mọi người dân trong xã, che tai, bịt mắt nhưng dang tay rộng để bảo bọc cho nhau trong hoàn cảnh khốn cùng.

****

Tôi đến Cam Hòa vào tháng 8 năm 1975 và gia nhập vào sinh hoạt của làng trong vòng tay thân mến của mọi người. Chủ nhật đi nhà thờ thấy Cha xứ cai quản giáo phận như tinh thần của người cha già trong một gia đình. Ông sẳn sàng gọi tên từng người ra trước bục thánh để quở mắng chuyện anh giáo dân nầy lỡ tay đánh vợ, hay la rầy một số phụ nữ ăn mặc mỏng manh, hở hang khi vào nhà thờ. Ông cũng sẳn sàng đập roi lên lưng lũ trẻ con nếu tình cờ bắt gặp chúng đánh lộn ở trường học, hay trong cuộc chơi trước sân nhà, ông luôn cố vấn đám phụ nữ trẻ- những người vợ lính cũ có chồng đi tù cải tạo những lời khuyên giải ân cần nếu cần phải vấn ý.

Tôi ở cạnh nhà của một phụ nữ tên Vẽ, dáng thon thả, mặt mũi cân phân, có đôi mắt rất đẹp. Chị trạc tuổi tôi, con gái thứ của một gia đình đông anh chị em. Nhà của chị lớn, rộng và đẹp nhất nhì trong làng. Đa số các anh chị em của Vẽ đều làm sở Mỹ, có hai người anh là Hạ Sĩ Quan Địa Phương Quân. Tôi đế ý thấy Vẽ có một đứa con gái khoảng năm sáu tuổi, lai Mỹ rất xinh. Con bé ngoan ngoãn theo mẹ đi nhà thờ cuối tuần mặc những cái áo đầm rất đẹp, trong khi Vẽ luôn mặc áo dài trắng hoặc đen. Vẽ cởi mở và hồn nhiên, vui vẻ với mọi người và rất quí mến tôi. Cả hai chúng tôi trạc tuổi nhau, nhưng lúc nào Vẽ cũng gọi tôi bằng chị, xưng em ngọt sớt. Mỗi lần nghe loa phóng thanh kêu đi học tập chính trị ở cuối làng, Vẽ qua nhà rủ tôi đi cho có bạn. Mỗi gia đình phải cử một người tham dự. Tôi gọi thêm năm bảy chị cùng hoàn cảnh đi cùng, và cả nhóm tụ họp thành một vòng tròn 10 người, gọi là một Tổ, để ngồi bàn luận và chia xẻ ý kiến theo ý muốn của tên cán bộ CS đến giảng dạy.

Những buổi học tập như vậy kéo dài từ 1 giờ đến 5 giờ chiều, trong khung cảnh lộ thiên, dưới bóng cây của một rừng xoài, gió thổi xào xạc. Mọi người ngồi dưới đất khoanh tay bó gối. Tên cán bộ ngồi trên ghế, lâu lâu co chân kiểu nước lụt, phì phà điếu thuốc rê thao thao thuyết giảng. Tôi thấy ai nấy ngó xuống đất đăm chiêu làm như lắng nghe nhưng thật ra chẳng ai nghe gì hết, vì các tên nầy nói như cuốn băng cassette được thâu sẳn rồi phát ra, lập luận giống hệt như nhau. Tôi thấy Vẽ nhìn mải miết mấy gốc xoài. có chùm trái đong đưa, thỉnh thoảng kín đáo nhìn tôi. Một bữa kia, đề tài của cuộc học tập và thảo luận là “Mỹ đã gây những tội ác, những đau khổ gì cho đồng bào VN”.

Sau một hồi trình bày, tên cán bộ ngó lanh quanh một vòng, thấy Vẽ như không chú ý vào việc học tập, nên chỉ vào Vẽ mà lên giọng:

-Chị kia! Chị kể một thí dụ về tội ác của những tên giặc Mỹ.

Có lẽ quanh năm ở trong ngôi làng nhỏ không biết gì về thế giới bên ngoài, có lẽ sức học của một phụ nữ vừa hết bậc Tiểu Học khiến Vẽ không thể đan cử một thí dụ nào để nói dối, có thể vì Vẽ có chồng là một người lính Hoa Kỳ và là một người thật thà, nên Vẽ đứng dậy trả lời gọn lỏn:

-Tôi thấy người Mỹ đâu có làm tội ác gì đâu!

Tên cán bộ đập bàn, Vẽ lúng túng tiếp tục diễn tả:

-Từ ngày Mỹ đến đây, gia đình tôi ai ai cũng có việc làm. Cha mẹ tôi có được nhà ngói, tường gạch, sân xi măng ..

Mọi người nín thở nhìn tên cán bộ, nhìn Vẽ. Tên cán bộ hằn học la lối, nào là Mỹ rải thuốc khai hoang làm đất hư không trồng trọt được, gây quái thai cho phụ nữ đang mang thai, Mỹ bắn chết cả làng Mỹ Lai ..Mọi người nhìn nhau, không ai tin lời tên cán bộ. Người dân trong làng đều tin Chúa và tin Cha. Nếu Cha nói đúng thì đúng. Mình bỏ xứ sở chạy vào đây cũng vì CS, thì làm sao mà tin CS. Dân trong làng nầy xây nhà ngói hết là nhờ Mỹ, thì Mỹ làm gì có tội ác. Đó là lời của một phụ nữ lớn tuổi ngồi cạnh tôi thì thào.

Trên đường về hôm đó, tôi đi cạnh Vẽ để nghe Vẽ kể lại câu chuyện hôn nhân của nàng và người lính trẻ Hoa Kỳ:

-Jack biểu em đi về nước với ảnh, nhưng em không nỡ bỏ cha mẹ già, không rời xa gia đình được. Tụi em làm lễ cưới có Cha sở chứng giám.

Ngày hôm sau, Vẽ mang hình chồng cho tôi xem và tôi tự nguyện cố vấn cho Vẽ vài câu trả lời nếu như buổi học kỳ tới, tên cán bộ vặn vẹo lại câu chuyện tuần rồi. Chúng tôi thân nhau qua buổi chiều ngồi dưới bóng cây xoài “học tập chính trị”. Tình cảm ngày càng thắm thiết, nhờ những buổi trưa nồng mùa hạ, khi tôi ôm con gái nhỏ, buồn thiu, nhìn thằng con trai đu đưa cây xoài mà miệng nhấm nháp mấy trái chùm ruột, nhớ về căn nhà tiện nghi ở Nha Trang.. Tôi cảm động khi thấy Vẽ lăng xăng chạy qua, tặng chai nước mắm nguyên chất do gia đình nàng tự tay làm. Lúc ấy Vẽ thì thào:

-Nhà em có ghe đi cào tôm, chắc có lúc sẽ tính chuyện bỏ nước ra đi bằng ghe quá chị à.

Tôi nhìn nàng trân trối, vì chuyện vượt biên bằng thuyền lúc đó chưa xảy ra rầm rộ như khi có phong trào chánh quyền CS đưa người Việt gốc Hoa ồ ạt ra khỏi nước, để chiếm gia sản của họ một cách hợp pháp mấy năm sau đó.

Những ngày tháng “trốn lánh” đi học tập của tôi trôi qua hết sức nặng nề, căng thẳng trong khung cảnh sống của miền quê, không điện, không nước, không nhà thương. Giả như hai con bị bệnh thì chắc cũng giao mạng cho Chúa cho Phật lo mà thôi. Buổi tối, trải chiếu nằm dưới đất, tắm rửa thì ra giếng để mẹ con cùng kỳ cọ. Ăn uống qua loa cho đầy bụng, hôm nào trời lạnh quá, đốt bếp than lên để sưởi.

Hai mươi chín tuổi đầu, cả đời đi qua sống trong tháp ngà, biết cái gì mà lo cho tròn bổn phận?

Tháng sau, Vẽ đưa tôi ra đầm Thủy Triều cách nhà không bao xa để xem ghe của gia đình. Tôi theo chân nàng, đi qua năm bảy chục căn nhà chỉ trồng toàn xoài và dừa. Đường đi quanh co nhưng phong cảnh rất đẹp. Lòng tôi lúc đó như tơ vò, buồn lo trăm thứ nên không thảnh thơi mà ngắm cảnh xem người. Tới bờ đầm, tôi thấy có hàng chục chiếc ghe lớn, nhỏ bỏ neo, cắm sào đậu san sát trên mặt biển rộng không có sóng. Nước trong đầm phẳng lặng, nơi đã nuôi sống hằng trăm gia đình với những mẻ tôm lớn nhỏ. Con lớn nhất bằng ngón tay trỏ, con nhỏ nhất thì như con tép nhảy tanh tách dưới ánh nắng mặt trời. Tôi nhìn chiếc ghe nhỏ xíu, tự hỏi làm sao mà vượt biên. Vả lại cũng chẳng biết chi là biển với sóng, vì cả đời chưa bao giờ bước lên ghe một lần nào nên không dám có ý kiến, chỉ lắng nghe như sự chia xẻ với bạn. Tôi hỏi:

-Chừng nào mới đi?

Vẽ thì thầm:

-Đợi ông anh lớn đi học tập về đã. Anh chỉ là Thượng Sĩ thôi, nhưng làm ngành An Ninh thành ra phải đi học tập hơi lâu. Ảnh về là gia đình em đi liền. Ghe đủ chỗ cho 15 người trong nhà.

Tôi xiết chặt tay bạn nhìn biển, nhìn trời xanh, nhìn màu xanh của lá. Nắng trải dài trên mặt biển êm ái của một cái đầm nhỏ. Nhưng, biển sẽ ra sao ở ngoài khơi?

Mùa xoài chín đã tới. Năm đó trong vườn của Vẽ có chục gốc xoài, Vẽ không bán mão cho bạn hàng vô hái sạch cây như mọi năm, mà mướn người hái, rồi gánh ra chợ bán. Tôi đi bộ hai tay thong thả, trong khi Vẽ gánh một gánh nặng kĩu kịt mà vẫn thong dong. Vẽ bảo:

-Kiếm thêm chút nào hay chút đó, thời buổi khó khăn quá. Chị có định làm gì không, chứ ngồi ăn như thế nầy núi cũng lở!

Tôi theo Vẽ ra chợ làng ngồi quan sát cảnh bán hàng để học hỏi kinh nghiệm mua bán, vì cả một đời đi qua chỉ quần áo lượt là, sáng xách ô đi, tối xách ô về, bận rộn với con số và chữ nghĩa, chưa bao giờ biết gồng gánh mua bán giữa chợ đông.

Mùa xoài hết, đã bước sang năm 1976, các bà vợ sĩ quan trong làng bắt đầu luống cuống, vì chồng vẫn chưa về trong khi nghe lệnh rằng chỉ mang đồ dùng đủ 6 tháng mà thôi. Mấy tháng sau lại nghe tin mấy ông sĩ quan bị đưa ra Bắc! Thế là ai nấy thu vén, lo bắt tay kiếm sống nuôi con, chờ nghe lệnh cho phép đi thăm nuôi tiếp tế cho chồng.

Lúc nầy chính quyền địa phương đã thôi bắt dân tụ tập học tâp chính trị vì mải lo bắt đồ buôn lậu, vì tất cả guồng máy kinh tế đều tập trung trong tay chính quyền. Cái gì cũng lậu: xăng dầu, than củi, ngũ cốc, rượu trà, cà phê, thuốc lá, kể cả thịt heo, mỡ dầu …Các bà trong nhóm vợ sĩ quan lúc đó đều đang ở tuổi 25-30, con một hai đứa, đều còn nhỏ dại. ..Trong đó có Ninh đeo xe đò ra tận Cam Ranh mua thúng, rổ về gánh đi bán lẻ. Chương đi mua heo quanh vùng đưa về Long Khánh bán. Hà sang một sạp ngồi bán vải trong chợ làng. Tôi lính quýnh không biết phải mua bán cái gì để đốt thời gian mỗi ngày một dài. Muốn về nhà cha mẹ ở Saigon thì sợ bắt đi học tập, vì đã có thời gian khá dài làm việc cho cơ quan Viện Trợ Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID.

Khung cảnh Cam Hòa rất đẹp. Khí hậu mát mẻ bốn mùa. Cả một ngôi làng bao quanh trong màu xanh cây lá. Nhà nào cũng có dăm bảy cây xoài, hàng chục cây thanh-long, hai ba cây chùm ruột vì loại đất nầy thích hợp với các loại cây kể trên. Họ cũng có một khoảng vườn để trồng khoai mì, lấy khoai ăn độn với cơm hoặc xay ra làm bột để bán, lấy hèm nuôi heo. Lúc đó gạo tự dưng khan hiếm, nghe đồn chính quyền cho chở hết gạo trong Nam ra Bắc vì quốc lộ 1 phía sau làng, xe nhà binh chạy ầm ì suốt ngày đêm, chở đầy nhóc vật dụng được phủ bạt che kín. Nhà máy xay khoai mì bỗng trở nên đông khách. Khoai mì dễ trồng, cứ chặt hom từng khúc dài hai gang tay, đừng cho dập mắt rồi cấm nghiêng xuống đất, không cần phải tưới nước. Sáu tháng sau nhổ khoai lên. Nếu đất tốt, khoai cho củ lớn. Đất xấu, củ ốm nhom dài thòng. Người ta nhổ khoai lên, lột vỏ, ngâm nước vài ngày cho sạch mũ, xong đem đến nhà máy xay nát. Sau đó ngâm bột khoai mì trong nước lạnh, thay nước mỗi ngày cho đến khi tinh bột lắng đọng trong đáy thao. Đem bột nầy trải mỏng, phơi khô trên miếng tôn lợp nhà dưới ánh nắng khoảng mười ngày. Sau đó cho bột vào túi ny lon đem bán ở các vùng xa như Long Khánh, Sàigòn ..Người dân dùng bột khoai mì để nhồi làm bánh thay bột nếp, trong đó có bánh ít đậu xanh, bánh bột lộc (nhân tôm thịt). Khi luộc hoặc hấp chín, bột trong khe, ăn dai dai. Trong miền Nam, bột khoai mì cũng được dùng rất nhiều như: bánh lọt (chè đậu xanh bánh lọt) ..Cũng có người dùng bột nầy thay bột gạo, pha nước lã để làm bánh tráng, thay bánh tráng gạo, ăn cũng ngon. Cũng từ năm 1976, dân trong làng nghĩ ra món bánh tráng chuối, bằng cách xắt chuối chín (chuối Sứ) từng lát mỏng, xếp lên trên mặt bánh tráng khoai mì, đậy miếng ny lon lên, rồi dùng khúc cây tròn nặng, lăn qua lại, ép cho lớp chuối nầy dính chặt vào bánh tráng. Sau đó đem phơi khô trên những vĩ tre. Lúc ăn nướng trên lửa than, bánh dòn và thơm phức.

Một lần đang ngồi xem một gia đình ép chuối vào bánh tráng, Vẽ đến gọi tôi ra bảo:

-Tuần tới hai chị em mình đi buôn gà. Đi không?

-Buôn gà mà buôn làm sao?

-Đi quanh trong làng nè, mua gà rồi mang ra Nha Trang bán.

-Ừ! Buôn thì buôn.

Hôm sau, tôi và Vẽ đi lòng vòng trong làng để tìm mua gà. Dân trong làng đều quen biết với Vẽ nên họ rất vui vẻ, dễ dãi trong chuyện mua bán. Vẽ xem lông, xem cẳng, chu miệng thổi lông, xem hậu môn gà rồi trả giá. Tôi hỏi:

-Thổi làm chi vậy?

-Nếu hậu môn nhỏ, màu hồng là gà non chưa đẻ, nếu có phân trắng dính vào là gà bị bịnh.

Vẽ xách cân theo, móc chân gà lên, kéo cân rất rành nghề, tính tiền. Tôi chỉ việc trao tiền cho người bán, xách phụ gà vớI Vẽ mang về nhà.

Trong hai ngày liền, thu mua được khoảng 30 con gà, nhét đầy trong ba cái lồng tre, mang về để trên sân xi măng của nhà Vẽ. Buổi chiều Vẽ bảo:

-Trưa mai xe đò Cam Ranh đi ngang qua làng khoảng hai giờ trưa, chị ăn cơm xong theo em, mang gà ra Nha Trang.

Tôi ầm ừ cho Vẽ vui vì mấy ngày làm bạn với đám gà, mùi hôi của gà làm cho tôi lợm giọng, tôi muốn bỏ cuộc mà không dám nói, sợ Vẽ buồn.

*****

Buổi trưa nắng chang chang, cho hai con ăn uống no nê, dặn dò đủ điều rồi đi qua nhà của Vẽ, lòng nặng như khối đá vì chưa từng bỏ con ở nhà cả ngày!

Hai chị em ì ạch kéo ba lồng tre đựng gà ra ngã ba đường cái, đứng chờ xe đò. Mặc cho Vẽ cò cưa trả giá tiền công phí chở ba lồng gà với bầy gà kêu ỏm tỏi, tôi đăm chiêu ngắm mấy trái xoài non lòng thòng đong đưa, nghĩ đến cuộc đổi đời bi thảm, buồn da diết trong lòng. Tôi muốn trở vào khi nghĩ đến hai đứa con đang ngồi chơi không có .. Mẹ! Đứa con trai 8 tuổi, đứa con gái lên 2. Mặc dù dặn thằng con trai đừng cho em đến gần cái Giếng, nhưng lòng cứ vẫn vơ lo sợ, vì tuổi nó quá nhỏ, có biết gì đâu nếu như em gái nó té xuống giếng!! Nghĩ tới, nghĩ lui, tôi muốn quay về nhà, nhưng không nỡ lòng bỏ bạn với mấy cái lồng gà giữa nắng trưa đốt cháy da mặt.

Tôi mua hai cái bánh tráng chuối nướng, leo lên xe, chia hai rồi hai chị em ngồi nhai. Chuyến xe đò giữa trưa vắng vẽ, không đông hành khách nên rộng rãi thoải mái, nhưng vì xăng khan hiếm mắc mỏ, nên tài xế phải pha thêm dầu hôi, thành thử ống khói phun ra đen thui, khiến mặt mày hành khách lem luốt, nhất là ở hai lỗ mũi.

Một tiếng đồng hồ sau thì xe vào bến Nha Trang. Bạn hàng bu quanh cò kè trả giá. Họ trả đúng giá mua của mình nên Vẽ không chịu bán. Vẽ phân bua với tôi:

-Đi buôn thì phải có lời mới bán.

Tôi cười trừ vì chẳng biết i tờ gì mà cho ý kiến, nên tôi nói:

-Mình thì sao cũng được! Tùy ý bồ, vì bồ quen chuyện mua bán.

Nhưng nửa tiếng sau, bạn hàng tản lạc đi hết mà chẳng có ai trả cao hơn để có thể bù lại chút công lao của hai ngày trời chúng tôi đi mua quanh trong làng. Vẽ tức tối bảo:

-Bốn giờ chiều họp chợ. Hai chị em mình đem ra chợ Đầm bán lẻ.

Tôi lạnh cả chân tóc. Chợ Đầm cách bến xe khoảng hai cây số, làm sao mà đưa ba cái lồng tre nầy tới đó? Chợ Đầm cũng là nơi mà năm trước đây, tôi đi chợ có người lái xe, có cô người làm đi theo xách giỏ. Tôi bàn với Vẽ:

-Hay bán đại cho rồi, đi về kẻo tối.

Vẽ dùng dằng:

-Không có lời, lỗ cả tiền xe từ Cam Lâm ra đây. Mình chịu khó một chút thôi mà. Trước sau gì chiều tối cũng về tới nhà.

Vẽ đòi kêu xe ba bánh gắn máy, chất ba lồng tre lên rồi mình leo lên xe mà ngồi chung. Tôi dẫy nẩy đòi đi bằng hai chiếc xích lô cho nó ..lịch sự. Vẽ chìu ý tôi nhưng nói:

-Đúng là tiểu thơ đi buôn!

Tôi giả vờ không nghe, gọi ngay xích lô mặc cả. Nửa tiếng đồng hồ sau, xe tới chợ Đầm. Khung cảnh đã rộn rịp cho buổi chợ chiều. Tôi đội nón lá sùm sụp, tóc không xỏa ngang vai óng ả, mà bới ngược lên đỉnh đầu. Tôi tiếc là không mang theo chiếc kính đen đeo mắt theo, nhưng nghĩ lại, có bà nào đi buôn gà mà đeo kính thời trang không?

Vẽ đặt ba cái lồng tre giữa một khoảng đất trống, gỡ nón lá xuống quạt lấy quạt để cho khô những giọt mồi hôi lấm tấm trên màu da rám hồng xinh đẹp. Tôi có cảm thấy nóng nhưng không dám mở nón lá ra quạt, vì sợ ..gặp người quen. Chỗ nầy là chợ bán lẽ nên không có bạn hàng mua sĩ. Những người mua sĩ họ mua ngay bến xe, nên chỉ mấy phút sau là có người xách giỏ đi chợ ngừng lại, hỏi mua gà. Tôi luống cuống nói với Vẽ - mà tôi chắc rằng Vẽ không hiểu nỗi cảm giác của tôi - một người sa cơ lỡ vận, trở lại nơi chốn mà năm trước đây mình đã từng xênh xang áo mão, nay trong hoàn cảnh chua chát của một chị bán ..gà! Tôi hấp tấp:

-Thôi! Vẽ ở đây bán được bao nhiêu thì bán, nhiều hay ít gì thì cũng nên bán hết cho rồi. Mình lại đằng kia thăm bà cô, có gian hàng bán trầu cau một chút.

Vẽ đang vui vì thấy có người đến mua, thấy tôi dễ dãi trong chuyện mua bán sao cũng được nên gật đầu.

Tôi hấp tấp bỏ đi một khoảng xa, rồi đứng lại. Lòng ân hận vì không chung tay sát cánh với bạn trong việc mua bán, nhưng tự nhủ lòng, chiều về nếu Vẽ có chia tiền lời làm đôi, tôi sẽ không nhận.

Cả nửa năm dài, tôi ở lì trong cái xã nhỏ, tuy cách Nha Trang không xa, nhưng đâu hiểu những thay đổi của những sinh hoạt ngoài phố, đâu biết rằng moi người đồn nhau rằng chính phủ sẽ đổi tiền với số lượng đếm trên đầu người ghi trong Tờ Khai Gia Đình. Dân chỉ nên lưu giữ đồng hồ Nhật và vàng, để dễ trao đổi mua bán. Tôi bị chụp tay bởi một người đàn ông lạ mặt.

-Đồng hồ Seiko hả, bán không?

Tôi đeo trên tay chiếc đồng hồ hiệu Seiko có ngày, tháng mà bộ đội VC rất mê thích gọi là đồng hồ có hai cửa sổ. Năm 1973 tôi mua với giá 30 ngàn. Tôi hỏi:

-Mua bao nhiêu?

Người đàn ông vừa trả lời, vừa nắm cổ tay tôi, săm soi nhìn cái đồng hồ:

-Nếu thiệt đúng Seiko, tôi trả cho cô ba chỉ vàng.

Tôi nghĩ mình còn một cái đồng hồ mạ vàng nữa rất đẹp, nên tôi đi theo anh ta đến cái quầy thuốc lá ở gần đó, lột đồng hồ đưa cho xem và nhận ba chỉ vàng không kỳ kèo, vì thật ra lúc đó tôi đâu biết giá của nó lên tới năm chỉ vàng. Người đàn ông trạc 40 tuổi đưa ba chiếc nhẫn trơn và xì lửa gaz cho tôi xem để chứng minh là vàng thật và nhấn mạnh rằng, ông ta mua bán đàng hoàng. Ông nói:

-Tôi đoán cô là vợ sĩ quan phải không? Nhà chắc còn nhiều đồ đạc lắm, nên khi nào có cần bán thứ gì thì nhớ đến đây kiếm tôi. Tôi tên Cường.

À thì ra là vậy! Ông ta nói như vậy là vì đã có nhiều chị em bán đổ bán tháo đồ đạc trong nhà, để nuôi chồng nuôi con. Sau nầy khi cần tiền tôi đem bán ba cái nhẫn mới biết, vàng có pha kim loại khác vì khi đưa vào lửa gaz lâu, thấy nó màu xanh chứ không đỏ rực như vàng nguyên chất 24 kara. Khi bán cho người, họ hơ lửa sơ thôị chừng thực sự mua vào thì họ xì lửa kỷ hơn thiếu điều chiếc nhẫn muốn ..chảy thành nước, để biết vàng tốt vàng xấu, trả giá khác nhau.

Khi tôi trở lại chỗ cũ thì trong lồng chỉ còn 10 con gà. Tôi bảo Vẽ:

-Mình vừa bán cái đồng hồ…

Tôi đưa cổ tay trống rỗng cho Vẽ xem và nói tiếp:

-Thôi đi về được rồi, mang mấy con nầy về ăn!

Vẽ mở mắt to nhìn tôi kêu lên:

-Trời ơi! Bán đồng hồ rồi hả, uổng vậy?

Tôi trả lời:

-Ăn không cả năm rồi, phải bán đồ mới có tiền mua gạo chứ.

Trên đường trở lại bến xe, tôi gặp bà cô họ, tôi kể chuyện bán đồng hồ với giá ba chỉ vàng, cô tôi dậm chân kêu trời rồi bảo:

-Mai mốt mua bán đừng có ra chợ trời, tụi nó lưu manh tráo vàng thiệt, vàng giả dễ như không, coi chừng mất của.

Chúng tôi mang gà lên xe đò, trở về làng thì trời đã tắt nắng. Hai đứa con tôi lem luốc đang chơi dưới bóng cây xoài, chạy ù ra mừng rỡ khi thấy mẹ về. Tôi ôm con, nước mắt ứa, lòng đau nhói. Tôi thấy hết sức mệt mỏi sau một ngày đường nên nói với Vẽ:

-Mang hết gà về bên nhà Vẽ đi, mai rồi tính.

Vẽ lắc đầu:

-Mai để em mang ra chợ làng bán, kiếm thêm chút nào đỡ chút đó, chứ hai đứa mình làm sao ăn hết mười con gà?

Đêm hôm đó gà chết hai con! Mấy con còn lại cũng lắc la, lắc lẻo không cách chi mà mang ra chợ bán được, nên trời tờ mờ sáng Vẽ gọi tôi qua nhà, giọng rối rít:

-Chị qua nhà em ngay, tụi mình làm thịt, kho tiêu chứ nó bị bịnh ..dịch rồi.

Hai chị em chôn hai con gà chết, làm thịt mấy con gà bị bịnh xong, là tôi không muốn ăn vì mùi gà bịnh dễ sợ lắm, tanh hôi vô cùng! Trong làng không có điện, nên làm gì có tủ lạnh mà cất ăn dần. Tôi nói với Vẽ:

-Mình mang về một con thôi, còn lại Vẽ để bên nầy vì nhà bồ đông người. Chuyến nầy lỗ nặng, để mình chịu hết cho.

Vẽ lắc đầu, nhất định chia đều tiền lỗ cho cả hai rồi nói:

-Kỳ tới mình đi buôn củ hành ..Nếu rủi bán không kịp, không hết, thì nó không hư thúi, nó không bịnh hoạn.

Tôi bật cười và sợ thịt gà cả năm trời sau chuyến đi buôn đó. Người con gái quê nầy thật dễ thương vì hai tuần sau đó, Vẽ cù rũ:

-Đi! Đi Phan Rang, vô tận vườn mua củ hành, củ tỏi. Em có bà con ở đó nên em rành lắm, chị đi với em cho có bạn. Em thích chị lắm.

Tôi thương Vẽ một mình cô đơn nên nên tiếp tục sánh vai. Vẽ đưa cho tôi một số tiền để tôi cất vào trong lưng gọi là chung vốn. Vẽ bảo tôi may một cái túi nhỏ để đựng tiền, rồi cho vào lưng quần, cột lại cho chắc!

Giữa trưa nắng gắt, nàng rủ tôi ra ngã ba đón xe hàng, mà người ở miền nầy gọi là xe ba-lua. Chúng tôi ngồi dưới bóng mát một cây xoài lớn, gió thổi hiu hiu, chợt trong không gian vắng vẻ, có tiếng gà trưa eo óc gáy, nghe sao mà buồn thảm quá! Cuộc đời của chúng tôi không biết sẽ trôi dạt ra sao trong hoàn cảnh nầy? Đang mơ màng, tôi thấy Vẽ đứng bật dậy, cầm nón lá chạy ra đường vẫy tíu tít, thì ra cô đang ra dấu đón xe ngừng lại. Khi đó tôi mới biết xe ba-lua là những chiếc xe tải của chính quyền CS, chở hàng từ Sàigon lên Ban Mê Thuột cho nhà nước, khi trở về xe không nên tài xế và lơ xe muốn kiếm thêm tiền, bằng cách nhận chở heo và hàng hoá cho dân đi buôn trong các làng, về Long Khánh hoặc Sàigòn. Hơn nữa đi xe nầy tiền xe nhẹ hơn là xe đò. Vả lại lúc đó muốn mua vé xe đò giá chính thức phải có giấy phép đi đường của nhà nước và phải ra tận bến xe lúc tờ mờ sáng.

Lần đầu tiên trong đời, tôi leo lên trên thùng của một chiếc xe vận tải, phải có một người đứng phía trên kéo tay mới ..nhảy lên được, rồi ngồi bệt xuống sàn xe, cạnh những sọt tre đựng heo, đựng gà và người ngồi lẫn lộn. Xe chạy chậm thì nhức đầu vì mùi xăng dầu, xe chạy mau thì các sinh vật đang ngồi trong xe lắc qua lại như bà cốt lên đồng. Nhưng dân đi buôn- toàn là dân đi buôn vì thời cuộc-nên họ nói với nhau đủ thứ chuyện lúc mà tin tức khắp nơi đều bị nhà nước CS bịt kín, vùng nào biết theo vùng đó mà thôi. Vì thế, nên mình ngồi nghe cũng đỡ thấy sốt ruột vì con đường dài; quên mất mùi heo, mùi gà, mùi mồ hôi nồng nặc. Cũng may là từ đó ra Phan Rang chỉ độ hai tiếng đồng hồ nên cũng chưa đến nỗi nào! Thôi thì muốn học khôn trong đời sống phải chịu trải qua những hoàn cảnh, nhờ đó mà có kinh nghiệm. Đã nói là đổi đời mà! Giờ nầy các ông trong trại tù cải tạo cũng phải gánh nước, hốt phân!

Chuyến đó, vừa đi vừa về trong ngày, chúng tôi mua được ba bốn bao bố củ hành, củ tỏi. Lại đeo xe ba-lua chở hàng về, nhưng xe chỉ ngừng ở ngã ba, đường đi vào làng. Tôi đứng canh hàng cho Vẽ chạy về nhà lấy gióng gánh ra, để gánh về. Đêm hôm đó, ê ẩm cả châu thân, tôi biết thế nào là nỗi khổ của người dân lao động của cuộc sống buôn gánh, bán bưng! Buổi tối, tôi nằm bên hai đứa con khóc thầm, không biết mình xoay trở ra sao trong cuộc đời đổi mới này!

Ngày hôm sau hai chị em, gánh ra chợ làng bán. Mua một đồng bán giá hai đồng nhưng vẫn lỗ chổng kềnh. vì hành tỏi mỗi ngày một khô đi, nhất là dưới ánh nắng mặt trời. Mua sĩ một bao cả trăm kí lô, khi bán lẻ thì cân từng gram một.

Khi bán ra, cân thì phải cân giác cho người mua kẻo tội nghiệp (ai cũng khổ như mình mà!).

Tôi ra chợ, ngồi bên Vẽ cho có bạn, tôi chẳng biết kéo cân, chỉ biết gói hàng giúp cho Vẽ. Thời gian nầy trong làng có hai gia đình xuống ghe vượt biển đi tìm tự do. Thoát được hay không chưa biết, chỉ thấy nhà của họ bị công an khóa chặt và cắm bảng cấm vào. Một cô dâu, nghe nói là vợ của một ông Thiếu Úy đã đi học tập, uống thuốc chuột tự tử vì đứa con gái 2 tuổi được bà nội cho ăn trái Sa-bô-chê, bị mắc cái hột trong cuống họng. Bà nội móc ra cách nào mà cháu bé tắt thở! Người mẹ trẻ tìm về thiên đường với niềm hy vọng gặp con gái! Tin nọ, tin kia làm tôi quay quắt như người lên đồng. Ngày nào cũng thơ thẩn trong vườn, thấy thời gian sao mà dài quá.

Bán cả tuần mới xong mấy bao hành tỏi, tôi chia tiền lỗ với Vẽ và nói:

-Chắc cũng yên ổn rồi, mình phải về lại Sàigòn sống, vì còn có cha mẹ chị em. Chúc Vẽ thành công trong chuyến đi.

Vẽ buồn bả:

-Ghe em chỉ đi trong đầm thôi, ra biển chắc không đủ sức. Em phải móc nối kiếm ghe đánh cá ngoài Ba Ngòi, rồi gia đình em từ đầm Thủy Triều đi ra, chắc nhiêu khê lắm.

* * *

Không ngờ đó là lần tôi gặp Vẽ sau cùng. Bẩy tháng sau, khi tôi trở lại ngôi làng nhỏ nầy để kiếm Vẽ hỏi về chuyện vượt biên thì tôi được dẫn ra nghĩa địa, lặng người khi nhìn 15 ngôi mộ sắp hàng dọc, kề bên nhau. Tôi nghe kể lại: ghe cào của Vẽ ra tới cửa biển, neo chờ ghe lớn đến rước, thì gặp sóng lớn. Ghe lật úp. Toàn bộ người trong ghe đều chết thảm, xác trôi vào tận Ba Ngòi. Được dân báo tin nên Cha xứ đến nhận lãnh, đem về chôn ngay trong nghĩa địa của làng.

Tôi đứng dưới bóng cây xoài đầy trái đong đưa, nhìn qua nhà của Vẽ nay đã bị chính quyền niêm phong. Tôi nhớ lại những ngày dài bó gối ngồi học chính trị và tiếng Vẽ khúc khích cười. Tôi nhớ làn da đỏ hồng và đôi mắt xinh đẹp của người bạn cũ. Tôi nhớ đứa con gái nhỏ lai Mỹ, lông mi dài cong vút chạy lăng quăng đón mẹ về, lòng tôi nát tan. Khung cảnh làng xưa, hôm nay buồn bả tiêu điều. Rất nhiều nhà đóng cửa niêm phong vì họ không chấp nhận chế độ CS. Họ đã thoát đến bờ bến tự do hay đã nằm xuống trên biển Đông làm mồi cho cá, hay là nạn nhân của bọn hải tặc?

Sáng sớm hôm sau, tôi một mình đi băng qua nghĩa địa, cắt đường để ra Quốc lộ 1 đón xe về Sàigòn. Những thánh giá đứng trước đầu mỗi ngôi mộ, như những cánh tay buồn bã dang ra, gợi hình Chúa bị đóng đinh. Mười lăm ngôi mộ của gia đình Vẽ vẫn nằm đó, như hôm qua….

Tôi đi giữa những hàng mộ chí chập chùng. Trời đầy sương mù, lạnh buốt. Cát trắng lún dưới mỗi bước chân. Nước mắt nhạt nhòa, tôi đến trước mồ của Vẽ, đặt tay lên bảng gỗ, vuốt ve tên của nàng. Nước mắt đầm đìa, tôi đọc một đoạn kinh, cầu nguyện cho nàng được siêu thoát, khấn nguyện Vẽ hãy phù trợ cho tôi, cũng như tất cả các chị em phụ nữ trong làng, có thêm nghị lực để vượt qua những cảnh khốn khổ trong cuộc đổi đời./

Hoàng Minh Thúy (tháng 7, 1995)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn