BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chút Tình Mong Manh

17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1748)
Chút Tình Mong Manh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Hôm nay tôi làm người “viễn khách” trên chính quê hương mình. Trở về thăm lại Vũng Tàu sau nhiều năm xa cách, đôi lúc tôi cũng tự hỏi “Vì đâu và vì sao mà nhiều người phải rời bỏ quê hương dắt díu nhau đến xứ người sống đời tị nạn?” Hỏi để mà có hỏi, chứ tự trong thâm tâm tôi cũng đã có câu trả lời. Đó là do tập đoàn lãnh đạo CSVN bắt đầu một cuộc trả thù tàn bạo và dã man nhất đối với quân nhân QLVNCH và công nhân viên chức chế độ cũ, đưa dần dân tộc tới chỗ diệt vong.

Ngày xưa, gần cầu Cây Khế, sắp bước vào ranh giới Vũng Tàu, có một tấm biển chào đón du khách:

Trăng, nước, gió, mây, dương rũ bóng.
Vũng Tàu cảnh sắc đẹp như mơ...

Vũng Tàu 1967-68, Hình: Michael Holt


Nhưng hôm nay thì đã khác xưa rồi, Vũng Tàu đón tôi về như một người khách lạ. Những kios dễ thương ở bãi trước và bãi sau đã biến mất, thay vào đó là những công trình du lịch với mục đích duy nhất là moi tiền của Việt kiều khi về nước. (Một danh từ mới xuất hiện sau này để chỉ những người phải bỏ nước ra đi.) Tôi không nằm trong số người về VN “du lịch”, nhưng tôi cũng đã có mặt nơi đây để làm tròn nghĩa vụ đối với đấng sinh thành.

Tuổi thơ của tôi đã gắn chặt với Vũng Tàu mang nhiều kỷ niệm. Tìm lại những hình ảnh cũ, tôi đã đi một vòng ngang qua những chốn ngày xưa tôi quen biết, như ngôi trường tôi đã học, như Linh Sơn Cổ Tự mà hằng tuần tôi đã cùng các bạn sinh hoạt, vui đùa bên mái hiên chùa. Giờ thì mái ngói chùa đã phủ rêu phong, trải bao đời sương gió. Sư ông trụ trì đã viên tịch ở tuổi 80. Cô Bảy không con cái, sống nương nhờ cửa Phật, ngày xưa thường hay nấu cơm cho chúng tôi ăn, cũng đã mất. Sau cuộc đổi đời tàn bạo và khắc nghiệt nầy, chị Bột - người huynh trưởng của đoàn Oanh Vũ - cũng đã vào chùa, ngày ngày nghe câu kinh, tiếng kệ. Ngôi trường vẫn còn đó, nhưng tường bên ngoài đã được tô sơn nhếch nhác với nhiều khẩu hiệu nhố nhăng.

Những con đường thân quen, những địa danh ấm áp, đã bị chia ngang xẻ dọc. Ngọn hải đăng giờ đây đã quá già nua... không còn đủ sức soi đời trên biển đêm. Thích Ca Phật Đài, nơi thu hút rất nhiều khách thập phương, giờ phải mua vé vào cổng. Nơi đây lại còn cấm mang theo máy ảnh, khiến du khách muốn chụp hình kỷ niệm thì thì phải trả với giá cắt cổ.

Với tôi, Vũng Tàu giờ đây biển không còn hát... Đứng trên dinh Thành Thái nhìn ngang ra biển, nơi đó có hòn đá ngầm, tôi không còn nghe tiếng sóng vỗ như mời gọi những đôi tình nhân hò hẹn vào những đêm chờ nước rút.

Xuôi dòng ký ức tìm về kỷ niệm của một thời ấu thơ, đầy cực khổ, đầy nắng gió, nhưng cũng đầy ắp tình cảm tử tế giữa người đối xử với người, tôi tưởng như mới xảy ra ngày nào.

- Sau lưng nhà nghỉ mát công chức, có quán ăn Thanh Đạm của gia đình tôi, chuyên nấu thức ăn miền biển, mở cửa 7 ngày. Ngoài giờ đi học, tôi cũng phụ giúp gia đình buôn bán. Tôi còn nhớ mãi lời của một người lính trận đến quán của chúng tôi đã từng hỏi:

- Xin cô giới thiệu món ăn của quán này. Có món gì đặc biệt?

- Thưa ông, nơi đây chúng tôi có cơm chiên Thanh Đạm, canh “sún” (canh chua, nấu với tương hột và sả ớt, dưới dạng lẩu và ăn với bún), và chuối “bom”,...

- Cô chủ nhỏ giới thiệu món ăn nghe dễ thương thật. Món đặc biệt của quán, sao toàn là súng với bom không vậy?

Người lính chiến ấy vẫn thường đến quán Thanh Đạm dùng cơm, mỗi khi đơn vị về dưỡng quân ở hậu cứ. Để rồi có một ngày, trong cuộc hành quân sau cùng, người Lính đó ra đi chẳng trở về. Sau nầy nghe đâu anh đã đền nợ nước!!!

- Tôi nhớ quán kem Anh Đào có Mai Anh và Trang Đào, hai người bạn thời trung học của tôi.

- Tôi nhớ quán bi da Thanh Cảnh với những bàn bi da như nam châm lôi cuốn thanh niên, có Kim Chi và Kim Phụng, hai người bạn mới lớn của tôi, cũng đã từng làm ngây ngất bao chàng trai đa tình.

- Tiệm hình Kim Phượng đã cho tôi những tấm hình đầu đời để dán vào lưu bút ngày xanh.

- Tiệm may Thăng Long đã có người bạn chung lớp là Nghiêm Hoàng Mai, có người yêu là SQ/ TĐ4/ TQLC, nhưng sau nầy lập gia đình với một huấn luyện viên trường truyền tin. Bạn tôi giờ này đang định cư ở Florida.

- Gần nhà tôi có rạp xi-nê Võ Ngọc Chấn, rạp Duy Tân... là những nơi có nhiều bóng tối, che chở cho những nụ hôn thầm...



Để rồi hôm nay... Tôi nghe lòng mình hoang dại. Gặp lại người xưa... biết nói sao cho vừa!!!

Điền Trang của tôi “với một thời đã yêu và một thời đã chết” đang đứng trước mặt tôi. Đã gần 50 năm rồi còn gì. Có phải chính anh đó không? Người bạn tuổi tròn trăng của tôi, bây giờ quá già - già hơn số tuổi - đến nổi tôi nhận không ra, khi gặp nhau trong một buổi họp mặt với bạn bè của một thời trung học Vũng Tàu.

Gặp lại Điền Trang, ký ức xa xưa bỗng hiện về như đang xảy ra trước mắt. Đó là những kỷ niệm buồn mà chúng tôi cố gắng quên và cũng là lý do khiến chúng tôi chia tay nhau vĩnh viễn. Chàng xuất thân từ trường TSQ. Khi chúng tôi quen nhau thuở đó, chàng đã ra trường và đang phục vụ ở SĐ21/ BB. Một lần về phép, chúng tôi lén lút hẹn hò bên ghế đá công viên. Mẹ tôi đang từ quán ăn Thanh Đạm, đột nhiên trở về nhà, không thấy tôi. Bà tức tốc bao xe ngựa đi tìm... chung quanh nhà thờ, sân chùa Tịnh Độ, những kios ở bãi trước... Cuối cùng Bà cũng tìm được tôi. Bà tịch thu giấy phép, căn cước quân nhân của chàng. Sau 2 ngày năn nỉ, Mẹ tôi mới trả lại giấy tờ, báo hại lần đó chàng về đơn vị trễ phép bị phạt. Phần tôi nào đã được yên thân. Mẹ tôi bắt tôi đến trước bàn Phật, thắp nhang và hứa từ nay xin chừa, sẽ chăm chỉ học hành không còn hẹn hò đi chơi để Mẹ phải lo lắng nữa...

Chúng tôi bặt tin nhau từ dạo ấy. Đôi lúc tôi cũng thầm trách,

- “Tại sao chàng cố chấp?”

Còn Mẹ tôi nữa... Sao Người lại khó khăn với con cái như thế? Phải chăng vì Ba tôi mất sớm, Mẹ phải vất vả nuôi dạy con cái nên tính tình quá khó khăn? Ngày tôi vào trường Nữ Quân Nhân cũng vậy, tôi đã bị mẹ đánh tới tới nát 2 cây chổi lông gà, không cho vào lính. Ấy thế mà tôi cũng gan, lì, ở hết 8 năm. Đã là con người, ai cũng có khối óc, trái tim, và nguồn rung cảm của tâm hồn...

- “Sao Mẹ không thông cảm cho con?”

Chúng tôi đã mất nhau cũng vì tự ái của tuổi trẻ. Ký ức đau thương nầy đã từ lâu tôi luôn quyện nó vào tim và xem như một kỷ niệm buồn!

Chúng tôi đã ứa nước mắt khi gặp lại nhau. Cả hai giờ tóc đã ngả màu sương. Tôi muốn hỏi:

- Anh bây giờ làm gì? Cuộc sống gia đình ra sao? Có hạnh phúc không?”

Tôi được biết qua bạn bè, Điền Trang sống lặng lẽ bên đời vốn quá nhiều bon chen, vật chất. Trong cuộc sống riêng tư, Anh là người chậm rãi và điềm đạm. Anh như đã quá xa những nuối tiếc của một thời mới lớn, đang chán chường nếp sống hiện tại, và cũng chẳng nghĩ đến tương lai.

Bạn của tôi đó, giờ đây với một thân hình già nua, mang đủ thứ bịnh trong người, nhất là chứng bịnh Gout luôn hành hạ mỗi khi thời tiết thay đổi, đang kiếm chút tiền chạy ra chợ mua vài viên thuốc uống cho đỡ đau nhức qua ngày đoạn tháng... Trời ơi! Nửa mảnh đời còn lại chàng sẽ làm gì và sẽ được gì? Bên nầy chúng tôi vẫn luôn cố gắng giúp đỡ bạn bè mỗi khi có thể. Tôi thường sinh hoạt với hội đồng hương Vũng Tàu vốn có nhiều liên lạc với những người bạn xưa cũ ở VN, vậy mà tuyệt nhiên tôi vẫn không hề nghe tin tức gì của Điền Trang, ngoại trừ lần nầy khi tôi về thăm lại quê hương.

“Người ơi gặp lại làm chi? Trăm năm biết còn có chút duyên gì hay không?”

Điền Trang ơi! Bất chợt có ngày nào, anh đọc được những dòng nầy, xin hãy tưởng tượng như thế nầy:

-Tôi đang ở một mình bên sườn đồi, có dòng suối nho nhỏ và cỏ xanh êm ả. Lá vàng khô sẽ quạt mát hồn tôi những chiều...

Tôi ở đó, sẽ nhớ đến từng CÁI NHỚ và NỖI NHỚ nào đậm mãi trong hồn. Tôi sẽ gởi nó theo những chòm mây xám vẫn bay ngang trên đỉnh đầu, để mang đi và rớt rụng bên những khung cửa sổ... bởi vì nơi đó đã có những “thương yêu”.

Nếu có duyên nợ ở kiếp sau thì xin hãy cho chúng tôi:

“Nếu là chim, xin được làm chim liền cánh,
Nếu là cây, xin được làm cây liền cành,
Nếu là người, xin được sống cho tình yêu...” 

Bên ngoài một vài tiếng kêu của loài chim ăn đêm chợt vang lên. Thỉnh thoảng cơn gió về khuya lùa qua khung cửa sổ, khiến tôi rùng mình thoáng lạnh và bàng hoàng tỉnh mộng, trở về với thực tại của mình. Xin vĩnh biệt tình hồng! Nếu có phút giây nào chợt nghỉ đến Anh, tôi sẽ thầm gọi hai tiếng “CỐ NHÂN”.

Cuối năm 2014.

Thạch Thảo

Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Bảy 20157:00 SA
Khách
Ai đó đã thốt lên rằng "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời hết vui khi đã ..." Nhưng... theo tôi đây là một cuộc tình đẹp và tình ơi xin hãy...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn