BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77531)
(Xem: 63340)
(Xem: 40787)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vũ Trọng Phụng và Việt Cộng

12 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 2034)
Vũ Trọng Phụng và Việt Cộng
53Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.34
Thời người Pháp làm chủ nước Việt Nam – tiếng văn huê là “bảo hộ” – người Việt Nam phải đóng tiền thuế thân mỗi năm. Dân làng đóng tiền thuế cho lý trưởng, lý trưởng nộp tiền thuế cho chánh tổng, chánh tổng mang tiền thuế lên nộp ở tỉnh. Người đóng tiền thuế được cấp một thẻ gọi là “thẻ thuế thân.” Người dân Bắc Kỳ phải mang thẻ này theo mình. Người dân vi phạm tội gì, nhẹ như ban đêm đi xe đạp không đèn, đái đường, bị phú lít chặn bắt, phải trình thẻ thuế thân. Không mang thẻ theo là bị bắt nằm bót.

Impot Personnel Indigene: Thuế Thân bản xứ.


Đấy là chuyện tiền thuế thân ở Bắc Kỳ. Không biết việc tiền thuế thân ở Trung Kỳ, Nam Kỳ những năm trước 1945 ra sao. Tôi cũng không biết người dân Bắc Kỳ đến tuổi nào – 18, 20 tuổi – là phải có thẻ tuế thân, trên toàn quốc có bao nhiêu người phải có thẻ thuế thân. Tôi nhớ – dường như – thời xưa chỉ đàn ông mới có thể thuế thân, đàn bà không phải đóng thuế thân, không có thẻ thuế thân.

Tấm ảnh Thẻ Thuế Thân của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng năm 1938 cho thấy giá tiền thuế thân năm ấy là 2$50 – 2 đồng bạc và 50 xu – Những năm xưa nhiều người dân nghèo Bắc Kỳ không có 2$50 xu đóng tiền thuế thân mỗi năm. Những người này can tội lậu thuế. Tôi không biết những người dân Bắc Kỳ không thẻ thuế thân khi bị bắt, bị xử phạt ra sao.

Năm tôi 10 tuổi – 1940 – tôi được thấy tấm Thẻ Thuế Thân của ông bố tôi. Thẻ giấy cứng, mầu xanh lá cây. Tôi không biết những tấm carte này có giá trị trong bao nhiêu năm.

o O o

Nhà văn Vũ Trọng Phụng chỉ có một cô con gái – cô Vũ Mỹ Hằng – cô Hằng lấy chồng, có con, chết sớm. Chồng cô, người con rể của ông Vũ, là ông Nghiêm Xuân Sơn. Ông Sơn được hưởng những khoản tiền vợ ông được hưởng nhờ những tác phẩm của ông bố vợ.

Bản tin trên Web:

Ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng cho biết gia đình đã có đơn yêu cầu, Hội Nhà Văn VN năm 2003 cũng có công văn gửi Bộ Văn Hoá và TP Hà Nội xin cho Khu Tưởng Niệm Nhà Văn Vũ Trọng Phụng thành Di tích Nhà nước.

Khá lâu, tôi không gặp ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể văn hào tả chân Vũ Trọng Phụng tại Hà Nội. Nghe đâu từ hồi chị Vũ Mỹ Hằng, vợ ông, con của ông Vũ Trọng Phụng, qua đời – Tháng 11 năm 1996 – ông Sơn ở miết trong Sài Gòn, khi có công chuyện mới về Hà Nội. Nhà cửa, đất cát ông giao cho vợ chồng chị Lan, cô con gái của ông trông nom.

Hồi trước Tết vừa rồi, bỗng thấy quán rượu “Số Đỏ” đầu ngõ bị đập bỏ, xây lại thành ngôi nhà ba tầng, tôi thấy lạ, bèn hỏi chị Lan, chủ quán rượu, và biết ông Sơn đã về Hà Nội.

– Chuyến này có lẽ bố cháu về ở hẳn đấy ông ạ. Bố cháu bảo năm nay phải lo lễ sinh nhật thứ 95 cho ông ngoại cháu.

Nghe chị Lan nói, tôi được biết: Nhà văn họ Vũ sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, tháng 10 này tròn 95 năm sinh và 68 năm mất của ông .

Lần đến thắp hưông viếng nhà văn Vũ Trọng Phụng sau đợt rét Nàng Bân, tôi thật bất ngờ khi gặp ông Sơn cởi trần, quần xà lỏn, đang cùng anh con trai và thằng cháu ngoại hí húi trồng cây, nhổ cỏ ngoài phần mộ. Dáng người nhỏ nhắn, gưông mặt hiện lên vẻ lịch lãm và hiền hậu, lại luôn mang cặp kính trắng, ông Sơn có phong thái một học giả hơn là một người làm vườn.

– Bác chủ quan quá, mặc áo vào kẻo cảm lạnh — Tôi nói sau khi đáp lễ — Phải đến thất thập mới đạt đến tuổi trời.

– Bẩy mươi hai rồi đấy chú ạ. Tôi ẩn tuổi ông bố vợ tôi, tôi kém ông cụ đúng hai giáp.

Thì ra cả tôi và ông Sơn cùng tuổi Tý. Tôi kém ông Sơn một giáp. Cùng tuổi Tý mà sao người tài trong tấm ảnh cẩn trên đá hoa cương bia mộ kia lại chỉ được hưởng dưông có 27 năm? Tài tình chi lắm cho trời đất ghen?

Thi hào Nguyễn Du từng viết thế. Và đôi câu đối viếng người tài họ Vũ do nhà văn Đồ Phồn viết trong đám tang ngày lạnh giá năm 1939 ấy được khắc hai bên mộ chí kia, cũng da diết thế:

“Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua Giông tố tưởng thêm Số đỏ.

Số độc đắc văn chưông vừa trúng thế, bỗng Dứt tình Không một tiếng vang”

– Không mấy người có số phận chìm nổi như ông cụ bố vợ tôi chú ạ — Ông Sơn thổ lộ — Đến đời ông cụ là ba đời độc đinh. Giống vợ tôi, ông cụ mất bố từ năm một tuổi.

Trong giấy khai sinh của ông cụ mà chúng tôi còn giữ trong nhà thờ kia, tên ông nội vợ tôi là Vũ Văn Lân, bà nội vợ tôi là Phạm Thị Khách. Hồi còn sống, bao nhiêu lần vợ chồng tôi đã về Mỹ Hào, Hưng Yên tìm gốc tích nhưng chỉ tìm thấy và xây được phần mộ ông nội cụ Phụng… Ân hận nhất của tôi cho đến bây giờ là không biết mộ bố cụ Phụng nằm đâu… Riêng mộ bố vợ tôi, phải sau bốn lần di dời, ông cụ tôi mới được về nằm ở mảnh đất bên ngoại này…

– Lần đầu tiên là đám tang từ ngôi nhà số 73 phố Cầu Mới về nghĩa trang Quảng Thiện…

Tôi nói và bỗng nhớ đến bài “Một đêm họp đưa ma Phụng” của Nguyễn Tuân. Mấy nhà văn bạn Vũ đang chơi bên Gia Lâm thì được tin Vũ mất. Tảng sáng, không còn tiền, họ đi bộ qua cầu sông Cái về Cầu Mới, rồi nhập vào đám tang đưa tiễn Vũ về nơi an nghỉ ở nghĩa trang làm phúc Quảng Thiện.

– Năm 1955, nghĩa trang Quảng Thiện giải tỏa để lập Khu công nghiệp Thượng Đình, phần mộ ông cụ được di về khu đất đầu làng Giáp Nhất, nay là địa điểm Truyền hình cáp. Rồi máy bay B52 Mỹ đánh bom khu ấy. Gia đình lại chuyển mộ về nghĩa địa Quán Dền. Năm 1988, một phần nghĩa địa Quán Dền phải giải toả làm mương và làm đường, gia đình xin với chính quyền địa phương dời mộ ông cụ về khu đất của gia đình…

– Vậy là chính mảnh đất này là hương hỏa của bên vợ nhà văn?

– Vâng. Thổ đất này là của cụ Cửu Tích, một nhà tư sản có cửa hàng thuốc ở phố Hàng Bạc. Bà mẹ vợ tôi, cụ Vũ Mỹ Lương , tên thường gọi là bà Gái, là con người vợ thứ tư của cụ Cửu Tích. Hồi ấy, cụ Phụng cùng với bà mẹ thuê nhà ở phố Hàng Bạc.

Mến tài năng và lòng hiếu đễ của nhà văn, bà Cửu Tích đồng ý gả cô con gái yêu, nổi tiếng xinh đẹp nhất làng Mọc và cả đất Hà thành cho nhà văn danh tiếng. Đám hỏi và đám cưới của bố mẹ tôi, người trong làng bây giờ còn nhớ. Nếu chú muốn tôi đưa chú đến hầu chuyện cụ Nguyễn Bá Đạm, nhà ở gần đây…

Đi hết cái ngõ sâu có hàng rào ô rô dẫn lối, bỗng gặp một khuôn viên rộng chừng năm trăm mét vuông có ngôi biệt thự hai tầng nằm giữa vườn cây tĩnh lặng. Cả cụ ông và cụ bà đều ngoại tám mươi, tóc trắng như cước, phong thái như những ẩn sỹ, tiếp chúng tôi hết sức ân cần lịch thiệp.

Tôi nghe danh cụ Nguyễn Bá Đạm, người sưu tầm tiền cổ, hiện vật cổ, bạn thân của những Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân và nhiều danh sĩ đã lâu, nhưng bây giờ tôi mới được gặp cụ. Dáng người cao, đôi mắt sáng, cụ Đạm còn giữ nguyên vẻ quắc thước, thông tuệ, giống như bức chân dung mà danh họa Bùi Xuân Phái vẽ tặng cụ treo trên tường kia.

Nghe nói, cụ Phái từng vẽ mấy chục bức chân dung về cụ Đạm. Số tranh ấy giờ có giá bạc tỷ. Lại nghe nói cụ Đạm còn giữ nhiều thư và bút tích của Nhà văn Nguyễn Tuân.

– Dạ thưa cụ, chắc cụ còn nhớ đám cưới Nhà văn Vũ Trọng Phụng…

– Tôi là người hâm mộ tài văn của cụ Phụng từ hồi còn trẻ – Cụ Đạm chậm rãi kể lại như lật giở những trang hồi ức – Mê văn ông cụ tới mức, có quyển sách mới của Vũ Trọng Phụng là tôi đến mượn chị Gái đọc ngấu nghiến. Nhà tôi với nhà chị Gái gần nhau.

Tôi kém tuổi chị Gái, kém nhà văn Vũ Trọng Phụng chục tuổi, là bậc đàn em. Hồi ấy tôi mười sáu tuổi. Lần đầu trong đời tôi được thấy một đám cưới to và sang trọng như thế.

Nhà gái, ông bà Cửu Tích giàu có danh giá thì ai cũng biết: Anh cả Vũ Kim Bảng có hiệu thuốc ở Đường Láng, anh Vũ Bồi Chinh có cửa hiệu bánh ngọt ở Cầu Đất, Hải Phòng, anh Vũ Cự Chân chủ hiệu thuốc cam Hàng Bạc nổi tiếng. Chú rể là một nhà văn nghèo tiền nhưng danh tiếng nổi như cồn.

Tôi nhớ lễ ăn hỏi trước đám cưới nửa tháng. Nhiều nhà trong làng được biếu một bánh chưng, một bánh dày, một gói nem kèm quả cau và lá trầu vấn danh. Ngày 23 tháng 1 năm 1938, lễ cưới của nhà văn Vũ Trọng Phụng và chị Vũ Mỹ Lương diễn ra như trong tiểu thuyết. Suốt từ chợ Cống Mọc đến cổng làng Giáp Nhất, người xem đông nghịt. Mười chiếc ô tô con sơn đen nối đuôi nhau. Từ cổng làng, đoàn rước dâu xuống đi bộ.

Chú rể Vũ Trọng Phụng mặc áo đoạn, đội khăn đóng, đi giày Gia Định. Đoàn nhà trai nhiều người mặc complê, thắt cravát, trong đó có nhiều ông nhà văn nổi tiếng. Tiếng pháo nổ giòn mừng đón nhà trai. Lễ rước dâu được cử hành ngay tại ngôi nhà ngang trên phần đất nhà tưởng niệm bây giờ.

Cô dâu, bà chị Gái của tôi, ngày cưới đẹp như hoa hậu. Chị lộng lẫy duyên dáng trong chiếc khăn vành dây màu lam, hoa tai đầm, cổ đeo kiềng vàng, áo dài màu hồng, chân đi giày nhung đen cẩn hạt cườm. Chú rể, cô dâu cùng bước tới trước bàn thờ gia tiên làm lễ. Lại một tràng pháo nổ. Đúng giờ hoàng đạo, nhà trai xin phép rước dâu về phố Hàng Bạc…

Tôi cố mường tượng ra đoàn rước dâu qua cổng làng Giáp Nhất. Đi sau một cụ già râu tóc bạc phơ, áo sa màu lam , cầm hương nghi ngút, là chú rể nhà văn của chúng ta đi giữa hai chàng phù rể. Rồi cô dâu tiếp sau, đi giữa hai nàng tố nữ phù dâu, tay cầm quạt che mặt. Trên mắt nàng hình như có ngấn lệ. Không biết nàng quá hạnh phúc hay nàng thương cha mẹ vì phận gái xa nhà…

Có ai ngờ ngấn nước mắt ấy, chỉ chưa đầy hai mươi mốt tháng sau, tức ngày 13/10/1939, đã trở thành giọt thương phu trích lệ, khóc cho nỗi đau hai mươi nhăm tuổi đời đã thành sương phụ!

– Trong thú chơi sưu tập suốt mấy chục năm, bây giờ đã 86 tuổi, tôi đắc ý nhất là đã chuộc lại được tấm thẻ nhà báo và cuốn sổ biên đồ mừng cưới của Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Nghe cụ Đạm nói, tôi giật mình, tưởng như người chơi đồ cổ bỗng tìm thấy một bảo vật thời Lý Trần.

– Dạ, con đang nghe cụ…

– Chuyện này liên quan đến một học giả đã mất mấy năm nay, mà vì lý do tế nhị tôi muốn chú giấu tên, nay ta cứ gọi là ông T. Hồi ấy tôi thường giao du với ông T. và thấy ông T. có hai bảo vật kia của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Với tình cảm rất ngưỡng vọng nhà văn, lại là người biết rõ giá trị của hai bảo vật, tôi tìm mọi cách để ông T. nhượng lại. Cuối cùng tôi phải đổi một bức sơn dầu hề chèo mà danh hoạ Bùi Xuân Phái đã cho tôi để có được cuốn sổ và tấm thẻ nhà báo của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Tôi khoe với chị Hằng và anh Sơn về chuyện này. Tôi bảo sẽ tặng lại hai vợ chồng, nhưng với điều kiện khi nào con gái và con rể cụ Vũ Trọng Phụng xây được nhà tưởng niệm cho bố…

– Dạ, thế còn bức tranh? Tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái giờ ở đâu, thưa cụ?

Cụ Đạm trầm ngâm vẻ buồn rầu:

– Tiếc rằng người ta đã bán mất… Tôi được biết ông Tuấn ở Sài Gòn đã mua bức tranh chân dung ấy với giá 6.000 đôla. Buồn hơn nữa là sau này, nghe anh Sơn nói, chính chị Hằng và anh Sơn đã cho ông T. mượn tấm thẻ nhà báo và cuốn sổ tay để làm tài liệu nghiên cứu. Rồi ông T. “quên ” không trả.

Tôi không buồn mà chỉ thở dài.

– Chú biết là tôi mừng khi chuộc được hai bảo vật ấy như thế nào không? – Cụ Đạm lại hào hứng nói — Cuốn sổ chỉ bằng bàn tay thôi, nhưng đọc những gì ghi trong đó, sẽ nhận ra cốt cách của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông ghi lại tất cả những gì bạn hữu, người thân đã mừng đám cưới vợ chồng ông . Ghi để nhớ ơn và rồi để trả nợ.

Tôi thấy ông cộng tất thảy được 63 đồng tiền mặt và rất nhiều hiện vật, câu đối tặng, trong đó lớn nhất là 7 đồng nộp tiền cheo cho làng của bà Cả Viên, chị ruột cô dâu.

Tục làng ngày ấy, con gái lấy chồng người làng phải nộp cheo 5 đồng, lấy chồng thiên hạ phải nộp 7 đồng. Tiền cheo ấy để làng mua gạch lát đường hoặc xung vào các việc công ích. Nói thêm để chú dễ hình dung nhé. Một đồng ngày ấy bằng một trăm xu, bằng hai trăm chinh. Hai đồng mua được một tạ gạo, ba đồng một chỉ vàng, đi xe điện từ Cầu Mới đến Bờ Hồ mất ba xu…

Để ghi nhớ công ơn của Nhà văn Vũ Trọng Phụ, con cháu ông đã quy hoạch trên nền đất cũ của gia đình 300 mét vuông, có sổ đỏ, tường bao quanh, bao gồm nhà tưởng niệm, khu mộ phần, sân vườn và nhà khách, thành một khu Tưởng nhớ Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Tôi cảm tạ cụ Đạm rồi trở lại Nhà Tưởng Niệm Nhà văn Vũ trọng Phụng để xem những di vật.

Ông Nghiêm Xuân Sơn trịnh trọng lấy chìa khóa mở tủ. Quả là ông con rể quí của Nhà văn đang như người chủ một bảo tàng tư nhân độc đáo và quí hiếm. Tấm giấy khai sinh viết bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và Việt của Nhà văn Vũ Trọng Phụng từ 95 năm trước vẫn còn nguyên vẹn với dấu triện đồng sắc nét. Hai tấm thẻ nhà báo, đều có ảnh nhà báo Vũ Trọng Phụng đóng đấu nổi.

Bút tích của nhà văn họ Vũ, bằng bút chì đỏ, bút chì than và bút mực, thoáng hoạt và rắn rỏi như mới viết hôm qua, ghi: Nguyễn Tuân đi thuê ô tô ở Hàng Bông. Ngô Tất Tố và Phạm Cao Củng mừng bức trướng “Hồng diệp thi thanh”. Ông Nguyễn Văn Đa, chủ nhiệm báo Phụ Nữ Thời Đàm mừng câu đối.

Nhà xuất bản Mai Lĩnh in tặng 110 giấy báo hỉ và mừng câu đối:

“Ngoài bể sóng vang, mây tối ngán thay đời thiết huyết

Trước vườn hoa nở, đuốc hồng vui có bạn quần thoa”.

Đái Đức Tuấn mừng một bài thơ lồng trong khung kính. Hai anh em Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp mừng hai dò hoa thủy tiên. Ngọc Giao, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch mừng ba chai vang Emer Pháp. Vũ Đình Liên mừng một hộp thuốc lá Lucky v..v…

– Sao bác không xin Nhà Nước lập một bảo tàng tư nhân? — Tôi quá choáng ngợp bởi những bảo vật mà mình đang thấy trước mặt — Hay là bác định dành tặng Bảo tàng Nhà văn đang sắp hoàn thành?

Thấy tôi nói như gãi trúng chỗ ngứa, ông Sơn mở lòng:

– Thú thật với chú, tôi thu xếp từ Sài Gòn về sống luôn ở đây cũng vì việc này. Lâu nay tôi thấy tôi có lỗi với ông cụ và với nhà tôi. Cũng là vì bôn ba sinh kế, vì phải lo dạy con cái…

Ông Sơn dừng lại. Tôi đoán ông đang nghĩ đến những chuỗi ngày rất dài đã qua. Làm rể nhà văn mà không hề biết mặt bố vợ. Yêu cô con gái độc nhất của Nhà văn họ Vũ năm cô 16 tuổi, khi đó cô Hằng cùng với bà nội và mẹ đẻ là ba người đàn bà sống dựa vào nhau bằng mẹt hàng chợ Cầu Mọc và nghề đan, khâu vá thuê.

Ông Sơn cưới vợ, ở nhà vợ, ông tự học lấy bằng sư phạm và kỹ sư kinh tế. Mấy năm là chiến sỹ thi đua ngành đường sắt, có bố đẻ tham gia tiền khởi nghĩa, là bộ đội Điện Biên Phủ, cựu đảng viên, nhưng ông Sơn bao lần xin vào Đảng mà không được. Chỉ vì ông có ông bố vợ là nhà văn tác giả những “tác phẩm phản động, đồi trụy,” bị ghi sổ đen, bị cấm in, cấm đọc…

– Nhiều người bảo rằng cụ Vũ Trọng Phụng được người con rể lo cho rất chu tất…

Ông Sơn vội chữa:

– Tôi thì lại nghĩ tôi chưa làm được là bao. Khi bước vào tuổi bẩy mươi, tôi thấy thời gian của mình không còn nhiều. Không thể để công việc cho các cháu được chú ạ. Liệu mình có sống được bao năm nữa mà lo kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông cụ? Cho nên, tôi đang gấp rút lo kỷ niệm 95 năm vào tháng 10 này…

Vừa rồi tôi có chương trình đi thắp hương viếng những người âm, những ông bạn văn của ông cụ. Tơi đã đến kính báo các cụ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao. Sắp tới tôi sẽ đi thắp hương viếng cụ Vũ Đình Liên, cụ Hoàng Thiếu Sơn…

– Để mời các cụ về dự lễ 95 năm kỷ niệm Nhà Văn Vũ Trọng Phụng?

– Vâng. Nhưng việc chính là tôi muốn kính báo với các cụ rằng, từ hồi Nhà văn Vũ Trọng Phụng được Nhà nước chiêu tuyết, cho lập tên đường phố, sách được tái bản, con cháu đều được hưởng lộc, đều có chút của ăn của để.

Để ghi nhớ công ơn của cụ, con cháu đã quy hoạch trên nền đất cũ của gia đình 300 mét vuông, có sổ đỏ, bao gồm nhà tưởng niệm, khu mộ phần, sân vườn và nhà khách, thành một khu tưởng nhớ Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

– Nghe nói còn có cả Giải thưởng Vũ Trọng Phụng…?

– Một số bạn hữu và những người hâm mộ ông cụ cũng khuyên tôi làm thế. Chúng tôi dành dụm từ số tiền nhuận bút tái bản sách của cụ, cùng tiền cho thuê nhà, đất, được hơn trăm triệu đồng, dự tính nhờ thêm anh em bạn bè, làm một số suất học bổng cho học sinh giỏi văn và giải thưởng hằng năm cho một tác phẩm phóng sự xuất sắc…

– Một ý tưởng quá hay bác ạ — Tôi nói — Nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước… cũng đã có giải thưởng do gia đình các ông ấy lập. Việc này bác cứ đề đạt, Nhà nước và xã hội sẽ đồng tình.

– Còn việc này nữa. Gia đình đã có đơn, Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2003 cũng đã có công văn gửi Bộ Văn Hoá và chính quyền thành phố Hà Nội xin công nhận khu tưởng niệm ông cụ thành Di tích Nhà nước. Chúng tôi chỉ xin chứng nhận thôi. Đất đai cùng mọi cơ sở vật chất gia đình chúng tôi xin tự lo tất. Cái chính là chúng tôi xin Nhà nước cho ba chữ…

– Ba chữ gì hả bác?

– Ba chữ “Cấm vi phạm.” Tôi muốn phòng xa. Tôi muốn tất cả con cháu sau này không đứa nào được nhòm ngó chia chác khu linh thiêng này. Đất ở đây nay giá vài chục triệu đồng một mét vuông. Ba trăm mét vuông này là cả chục tỷ đồng…

Ông Hồng Minh Tường viết tiếp:

Nhân đây tôi muốn được thưa lại với nhà thơ cách mạng Tố Hữu về câu đại tự của ông viết năm 1949 được gia đình khắc trang trọng trên phần mộ nhà văn:

“Vũ Trọng Phụng không phải nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng.”

Ngay từ những năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã là nhà văn của người lao khổ. Càng đọc tác phẩm của ông ta càng thấy rõ điều đó. Nếu ông không bị lao lực bệnh tật mà qua đời năm 1939, chắc chắn trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, như các ông bạn văn của ông, những Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân… ông đã đứng trong hàng ngũ những người cách mạng.

Làng Mọc, 23/4/2007

Người viết Hoàng Minh Tường.

Công Tử Hà Đông: Tháng Ba 2015, tôi tìm được bài viết về Nhà Văn Vũ Trọng Phụng trên đây trong Internet. Tôi đăng nguyên văn bài viết để quí vị đọc. Quí vị đọc trang Web này nhiều vị không có thì giờ, điều kiện tìm kiếm trên Mạng như tôi.

Khi đăng bài này tôi muốn nói lên chuyện tác giả Hoàng Minh Tường viết: “Ngay từ những năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã là nhà văn của người lao khổ. Càng đọc tác phẩm của ông ta càng thấy rõ điều đó. Nếu ông không bị lao lực bệnh tật mà qua đời năm 1939, chắc chắn trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, như các ông bạn văn của ông, những Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân… ông đã đứng trong hàng ngũ những người cách mạng.”

CTHĐ: Năm 1956 anh già Hoàng Văn Hoan, người đảng viên cộng sản có tuổi đảng cao hơn tuổi đảng của Hồ Chí Minh, lên tiếng kết tội :

“Vũ Trọng Phụng làm việc cho Mật Thám Pháp, Vũ Trọng Phụng được Mật Thám Pháp chi tiền, cho xe ô tô đưa đến tiệm hút thuốc phiện. Vũ Trọng Phụng viết nhiều bài vu các Đảng Cộng Sản Nga.“

Lời tố cáo không được đăng báo, chỉ là bản viết tay của Hoàng Văn Hoan, truyền tay trong giới văn nghệ Hà Nội. Và tất cả những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị cấm đọc, cấm xuất bản, cấm lưu hành trong nhiều năm.

Phải chăng người viết Hoàng Minh Tường có ý tảng lờ như không có việc Hoàng văn Hoan kết tội láo Nhà Văn Vũ Trọng Phụng?

Theo tôi, nếu Vũ Trọng Phụng còn sống trong năm 1946, ông đã bị bọn Việt Minh bắt, đem đi thủ tiêu, cho đi mò tôm, tức cho đi trôi sông mất xác, như năm ấy chúng đã giết các ông Khái Hưng, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật.

Những năm 1935, 1936, Vũ Trọng Phụng đã thấy trước cái Họa Cộng Sản, ông viết nhiều bài tố cáo bọn Cộng Sản Nga gây rối loạn trên thế giới. Những bài viết tố cáo Cộng Sản của Nhà Văn họ Vũ hiện nay vẫn còn trong những thư tịch ở Hà Nội. Bọn Cộng Hà Nội cố tình không nhắc đến việc Nhà Văn lên án những việc làm của bọn Cộng Nga, chúng làm như không có việc đó. Có thể viết ngay từ những năm 1935 Nhà Văn Vũ Trọng Phụng đã thấy chủ nghĩa cộng sản là bậy bạ, bọn đảng viên Đảng Cộng Sản Nga là bọn ác ôn. Ông là Nhà Văn Việt Nam Thứ Nhất chống Cộng Sản.

Viết “Nhà Văn Vũ Trọng Phụng đứng chung hàng ngũ với những tên bồi bút Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố là việc mạ lỵ tác giả Giông Tố, Số Đỏ ..v…v..”

Nhà Văn qua đời năm ông 27 tuổi. Người đời sau gọi ông là “ông cụ.” Tôi thấy kỳ kỳ.

Hoàng Hải Thủy

Nguồn https://hoanghaithuy.wordpress.com/2015/04/13/vu-trong-phung-va-viet-cong/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn