BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hoa Nở, Xuân Về Và Những Kỷ Niệm

19 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 1210)
Hoa Nở, Xuân Về Và Những Kỷ Niệm
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Ở đâu cũng vậy, mùa Xuân được báo hiệu bằng trăm hoa đua nở với muôn màu, muôn sắc tươi thắm. Vùng tôi ở cũng thế, tràn ngập đầy hoa; hai bên đường đi, người ta trồng những cây cao chừng bốn năm mét, cách đều nhau, cho những bông màu tím nhạt trông rất đẹp và thật quyến rũ. Trong vườn nhà nào cũng trồng hoa đủ loại, nào là tulip, violette, penseé, clématite, magnolia, cognassier, rosier, camélia, tỏa hương thơm ngát (cũng giống như vườn hoa của Vĩnh Chánh có hình đăng trong bản tin tháng 10/2008.) Sáng sớm là chim chóc hót vang trong vườn báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Như đã có dịp nhận xét một đôi lần qua các bài đăng trong các số báo trước đây, ở Pháp mùa Xuân thật đẹp và đầy sức sống. Mọi vật và con người như được tìm lại nhịp sống sau một thời gian ngủ Đông dài ghê gớm, nhất là năm nầy ở Châu Âu mùa Xuân như ngắn lại vì những ngày tháng lạnh lẽo, buốt giá vẫn còn ngự trị. Với nắng Xuân tràn ngập cây cỏ, hoa lá bừng dậy một cách mãnh liệt đua nhau đâm chồi, nẩy lộc, rồi trổ hoa, khoe sắc.

Nhưng ở Việt Nam quê nhà trước năm 1975, hoa nở Xuân về, không mấy làm lòng người hớn hở vui tươi vì hồi ấy đất nước còn chiến tranh loạn lạc. Một mùa Xuân Mậu thân 1968 đầy khói lửa và tang tóc vẫn còn bàng bạc đây đó. Và mỗi độ Xuân về mọi người ai cũng nơm nớp lo sợ những cuộc pháo kích. Chiến tranh tàn khốc đã mang đi bạn bè, thân thuộc, và để lại muôn vàn tiếc thương, đau khổ và ngậm ngùi. Tác phẩm điêu khắc “Tiếc thương” được dựng lên hồi đó là một minh chứng cụ thể cho tình cảm của người dân miền Nam dành cho các anh chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tự do.

Hồi Mậu thân, tôi nhớ là đang học năm thứ tư Y Khoa Huế. Lê Viết Thọ và tôi cùng trực đêm 30 ở Bệnh viện trung ương. Vừa đến thì đã có mặt Thọ. Thọ cho tôi biết là tất cả các tỉnh thành toàn miền Nam đều bị đánh phá và pháo kích. Riêng Huế chưa bị đánh và vẫn còn yên tĩnh. Hai đứa bàn với nhau nếu như vậy thì thế nào Huế cũng bị đánh đêm nay; sở dĩ chậm đi là vì “lý do kỹ thuật!” Cả hai bèn xin phép về báo tin cho gia đình rõ rồi trở lại Bệnh viện. Quả đúng như dự đoán, một giờ sáng mồng một Tết, tiếng súng lớn nhỏ nổ vang trời khắp cả thành phố và hai đứa chúng tôi đều bị kẹt không trở lại được Bệnh viện. Sau đó, tôi phải sống một thời gian nữa ở Huế trong cảnh bom đạn trước khi trường dời vào Nam.

Nhân dịp xem DVD “Lá thư từ chiến trường” do Trung tâm ASIA thực hiện, tôi đã không cầm được nước mắt (cũng như một số khán giả đang ngồi xem.) Điều đó đã gợi nhớ những hy sinh lớn lao của người chiến sĩ:

Hoa nở, Xuân về
Thương anh lính chiến …

Tôi không biết tác giả các câu thơ trên là của ai, nhưng tôi rất thích và đã gây cảm hứng cho tôi viết bài này.

Cũng một mùa Xuân nữa: đó là vào dịp Hành Quân Lam Sơn 719. Quân Y Liên Đoàn biệt phái cho Lữ Đoàn Thiết Giáp và tôi có mặt trong đoàn quân. Đơn vị di chuyển và lúc ban đầu dừng chân ở Lăng Vu, một địa danh gần A Lưới, Khe Sanh giáp biên giới Lào. Xuân về nhưng không có mai rừng, không bánh chưng, mứt gừng, hay hạt dưa. Tuy thế vẫn cảm thấy không khí Tết đang ở đâu đây rất gần với mình. Vùng hành quân, sáng có nắng ấm, chiều thì mây bao phủ kín các ngọn đồi chung quanh; cách nhau khoảng 10m đã không trông thấy nhau. Tối thì trời rét, nằm nghe tiếng sương rơi trên lá, trên poncho mà lòng chạnh nhớ quê nhà. Có những chiều im tiếng súng, đứng trên đồi Lang Vu, nhìn về phía dưới thung lũng là đường số 9 (đường nối liền với Savannakhet của Lào,) rồi thị trấn Đông Hà, xa hơn chút nữa là Thị xã Quảng Trị, rồi xa hơn nữa là xứ Huế thương yêu với biết bao nhung nhớ vui buồn của đời học sinh, sinh viên.



Với dòng Hương Giang lững lờ trôi, có cầu Trường Tiền soi bóng, rồi Đại Nội, Ngự Bình thông reo, đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, cửa bể Thuận An với cát vàng rực rỡ. Đó là những danh lam thắng cảnh của Huế mà kỳ nghỉ hè nào cũng đều có dịp đi vui chơi, cắm trại cùng bè bạn. Không quên con đường Lê Lợi chạy dọc dòng Hương Giang với hai hàng phượng vĩ đỏ thắm, có những tà áo trắng với mái tóc thề của các nữ sinh Đồng Khánh và còn nhiều nữa: là những ngày mưa kéo dài rả rích, ướt át làm gợi nhớ những hình ảnh “mưa trên cây sầu đông” của Nhã Ca. Rồi tiếng rao của thằng bé bán bánh mì nóng và dòn mỗi đêm xen lẫn với tiếng rao của “O” bán hột vịt lộn. Nhớ những lúc ngồi học bên ngọn đèn dầu (vì bị cúp điện) nghe tiếng mưa rơi ngoài mái hiên cùng tiếng ễnh ương kêu trong vườn sao mà tha thiết quá!

Quên làm sao được những trưa hè nằm nghe tiếng ve kêu trong cành lá. Những chuyến đò ngang sông Hương, lúc chiều về, nước sông lung linh phản chiếu sắc trời trông thật quyến rũ. Đêm về, những câu hò, khúc ca “Nam ai,” “Nam bình” được cất lên và khách nhàn du trong khung cảnh sông nước hữu tình, lòng mong ước thời gian trôi chậm lại như ước mong của thi hào Lamartine trong bài “Le lac” với câu thơ bất hủ “Oh temps, suspends ton vol,” vì “đêm thì ngắn, tình thì dài” như ý tưởng của Nhạc sĩ Dương thiệu Tước trong “Đêm tàn Bến Ngự.” Thật là tuyệt cú mèo!
Đấy là những đặc trưng của Huế, chỉ có những người sinh ra, lớn lên sống với Huế mới cảm nhận được những điều đó, và dù ở phương trời xa xôi nào đi nữa cũng nhớ về Huế vì những hình ảnh và âm thanh ấy.

Giờ đây, hoa nở, Xuân về trên đất khách, tôi lại nhớ về quê cũ, nhớ những ngày Xuân đầm ấm của tuổi thơ, những kỷ niệm của một thời, và nhớ nhất là đêm ngồi thức cùng anh chị trong nhà để canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng với tiếng nổ tí tách của củi đang cháy. Lúc ấy mọi người đều yên lặng vì đang chờ đợi nàng Xuân chầm chậm đến với ước mong một năm mới được an bình.

Paris, Xuân 2009

Nguyên Thức

Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn