BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77185)
(Xem: 63239)
(Xem: 40640)
(Xem: 32277)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chén Cơm Phiến Mẫu

12 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 2036)
Chén Cơm Phiến Mẫu
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
“Thằng ngụy là con nhà ai,
Ăn cơm thì ít,
sắn khoai thì nhiều,
Ăn rồi còn cất trong niêu,
Để khuya để sớm để chiều mà ăn.”

Bài sấm ngụy tặc này tôi thuộc lòng thời còn Pháp thuộc. Trẻ con hát đùa ghẹo nhau, nghịch ngợm; người lớn hát nâng niu chọc cười con nít. Trong bài dùng bất cứ tên đứa trẻ nào. Thời đó chưa có Ngụy. Có chính phủ Pháp bảo hộ, có chính phủ Nam Triều (Triều Đình Huế), có quan lại: Tổng Đốc, Tuần Vũ…, công chức: ông Tham, ông Phán…, lính tráng, hương lý, nhân dân nhưng chưa có bầy họ Ngụy. Chính phủ Nam Triều nhà Nguyễn là hợp pháp, và các hiệp ước ký nhận sự bảo hộ của người Pháp, tuy ép buộc song nhất thời cũng có giá trị. Năm 1945 vua Bảo Đại thoái vị, triều Nguyễn không còn, Việt Minh (Cọng sản) lên, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc do Chủ Tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trên cả nước. Qua năm 1947-48, quân đội Pháp trở lại, Việt Minh chạy vào bưng (chiến khu), vua Bảo Đại trở về làm Quốc Trưởng. Việt Minh kháng chiến, chữ Ngụy bắt đầu xuất hiện, và đến sau 1954 chia vĩ tuyến 17, Cọng Sản nắm quyền Miền Bắc, còn Miền Nam coi như toàn bộ là Ngụy. Việt Cọng gọi họ là Mỹ - Ngụy, lính Ngụy là lính của chế độ Miền Nam bất hợp pháp, cọng tác với Mỹ, bán nước cho Mỹ. Tuy nhiên Ngụy thời đó có ăn cơm thịt cá như thường. Mãi cho đến sau 30 tháng Tư 1975 thì mới ứng nghiệm câu sấm: “Thằng Ngụy là con nhà ai? Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều. Ăn rồi thừa cất trong niêu, để khuya, để sớm để chiều mà ăn”. Ngụy khoai sắn đã khổ, Ngụy cải tạo càng bi thảm: “thân hình chỉ còn da bọc xương, hoặc phù thủng, vì thiếu ăn, thiếu sinh tố” (“Bác sĩ trong tù”, Tôn Thất Sang, Tập San ĐHYKHuế Hải Ngoại 2006, tr. 57).

“Bát cơm phiếu mẫu” là sự tích Hàn Tín, một trong Tam Kiệt đời Hán Sở Tranh Hùng: Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà. “So tam kiệt ai bằng Hàn Tín, một tay thu muôn dặm nước non…” Hàn Tín là Đại Nguyên Soái nhà Hán đã phá tan quân Sở Bá Vương (Hạng Võ) giúp Lưu Bang dựng nên cơ nghiệp nhà Hán, bốn trăm năm, (Trưng Trắc, Trưng Nhị, Tô Định, Mã Viện là khoảng giữa đời nhà Hán, 200 năm sau). Phiếu Mẫu là bà lão giặt vải. Chử Nho “Phiếu” có nghĩa giặt, tẩy. Chén cơm Phiếu Mẫu chỉ việc Hàn Tín lúc hàn vi phải đi câu, một hôm đói bụng được bà lão giặt vải cho ăn một chén cơm. Sau khi làm nên công danh, hiển đạt, Hàn Tín đem cho bà lão ngàn lượng vàng để tạ ơn bà. Tính ra nay cũng gần cả triệu Mỹ Kim, hoặc một tòa biệt thự sang trọng.

Chuyện này có tương tự chuyện cổ tích “Ăn quả khế, trả cục vàng”. Cha mẹ giàu có qua đời. Người anh việc cớ có gia đình, giành tất cả ruộng vườn của cải, chỉ để cho em một túp lều tranh, có một cây khế ngọt. Hàng ngày có một con qua lớn tới ăn khế. Người em than vãn thì quạ bảo: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi 3 gang mà đựng”. Và hôm sau chim đến chở anh ta đi lấy vàng đầy túi ở một thung lũng xa. Sau đó người em trở nên giàu có lớn.Chuyện còn dài, nhưng phần sau không ăn nhập gì đến bát cơm Phiếu Mẫu.

Các câu chuyện dưới đây, có thể không đúng hẳn như tích xưa, chỉ là “tá” (mượn) hoa hiếu Phật” nhưng có nhiều liên quan đến Ngụy, Huế, Trường Y, đất nước.

Trong thời chiến, trước 1975, tôi sống ở Miền Nam, có lúc ở nước ngoài (du học) và ra ngoại quốc nhiều lần. Tôi không làm chính trị, mặc dù đó cũng là một quyền cơ bản của mọi công dân, nhưng vẫn có những nhận xét chính trị và luôn đi bỏ phiếu mỗi kỳ bầu cử (vô hình chung làm chính trị ??) để xử dụng quyền dân làm chủ, có nghĩa làm chủ lá phiếu bầu, có quyền quyết định lãnh đạo, vận mệnh đất nước, mà gồm 2 phần bất khả phân: quyền bỏ phiếu (cử tri) và quyền nhận phiếu (ứng cử). Thiếu một thì dân (làm) chủ chỉ là què quặt, đã hư danh, giả dối mà còn có phản tác dụng “dưỡng gian trợ ác”. Sau 75 tôi được dự học các khóa hè chính trị, kinh tế Mác lê do Viện Đại Học tổ chức cho các cán bộ giảng Ngụy (TS 006, Tr. 144). Tôi học ham, thích đọc sách thêm, ưa đối chiếu so sánh, biết người biết ta, và cảm thấy rất vững chắc về lý luận Cách Mạng, nói năng trơn tru như nói tiếng Mẹ đẻ, tuy nhiên không bao giờ sử dụng, chỉ là để giúp kiến thức về nhận xét, đánh giá diễn tiến chính trị.

Trước 75, ở Miền Nam, tôi nhiều lần đi bỏ phiếu bầu Tổng Thống, Quốc Hội, Trưng Cầu Dân Ý. Tôi nhận thấy có dân làm chủ thực sự, y hệt như các bầu cử tôi chứng kiến ở các nước ngoại quốc dân chủ Tây Phương (Hoa Kỳ 11/1968, Úc 12/1973…). Bầu cử, ứng cử, lúc đó ở Miền Nam cả hai nói chung tự do, công bằng, dân trí cao, tự biết cách chọn mặt gởi vàng. Do đó tôi xác nhận chính quyền Cọng Hoà Việt Nam được thành lập rất hợp pháp, đại diện thực sự cho đa số nhân dân (và do đó cả toàn dân) và có quyền kết bạn với các quốc gia thân hữu, không ai là Ngụy lúc đó. Việt Cọng gọi họ là Ngụy Quyền là sai.

Sau 75 ở Miền Nam, tôi cũng nhiều lần đi bầu Quốc Hội, song nhận thấy giả dối, không có dân làm chủ, vì quyền ứng cử bị vi phạm công nhiều. Cán bộ Cách Mạng tụ tập nhân dân, giảng giải bài bản quyền tự do bầu cử, ứng cử “ở nước ta, bầu cử, ứng cử tự do: người muốn ứng cử có quyền nộp đơn. Địa phương gồm chính quyền, Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cọng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Phụ Nữ Cứu Quốc…họp xét đơn để loại các thành phần xấu, gây rối phá hoại dân chủ, lý lịch không rỏ ràng, rồi chuyển đơn lên ban bầu cử…”. Qua các lớp chính trị ấy, nhân dân giác ngộ và tỉnh ngộ cũng nhiều và thông cảm với lời cưỡng biện của cán bộ (TS. 06, Tr. 144) mặc dầuhọ dễ dàng nhận ra ngay là trò bịp bợm, khác hẳn xưa bầu cử tự do đúng nghĩa họ từng biết và làm! Dân, họ không ngu, được buộc là ngu, và biết sống ngu để yên thân, tránh phiền nhiễu: “Ngu si hưởng thái bình và hạnh phúc”. “Ignorance is bliss”, đời là thế.

Tuân thủ chủ thuyết “tam quyền phân lập”, “Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân Dân làm chủ”, nhiều ngày trước bỏ phiếu, Đảng đã ban hành pháp lệnh ấn định thành phần Quốc Hội nhiệm kỳ tới để bảo đảm tuyệt đối dân chủ, cân đối hài hoà các thành phần trên toàn quốc: lấy bao nhiêu bách phân nam nữ, tuổi tác, kinh thượng, trí thức, công nông, tôn giáo, công an, quân đội, đảng phái, v.v… Danh sách ứng cử viên được quy định bao gồm toàn bộ đảng viên Cọng sản, chính diện hoặc trá hình. Dân sẽ theo đó, chọn cáo hoặc hồ, tránh lang gặp sói, bầu người đại diện cho Đảng, Nhà Nước (TS.06, Tr. 144) y hệt thời xưa Vua ban giải lụa, chén thuốc độc, thanh gươm cho chọn một, như là một ân huệ của quân vương (được chết toàn thi). Tôi thấy rỏ ràng lối bầu cử cọng sản “tam ban triều điển” đó tạo ra những cơ cấu bất hợp pháp, gian lận: Ngụy Quốc Hội, Ngụy quyền CHXHCN Việt Nam và Ngụy Hiến Pháp. Tôi nghĩ chân hiến pháp là cần đem trưng cầu dân ý vì đây là một vấn đề trọng đại cho toàn thể nhân dân, mang tính lâu dài. Chủ thuyết Cọng Sản thì có gì hay ho mà giành, độc tôn, áp đặt. Ngụy hiến pháp của họ tốt xấu? Họ buộc nhân dân yêu nước là yêu CHXN sai hay đúng? Bây giơ họ còn gì để biện minh cai trị một mình. Cải nhau suốt buổi cũng vô ích (sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ai cũng giữ ý kiến của mình, ai cũng phải: TS. 06, Tr. 239). Để phân xử ngã ngũ vấn đề, có 2 cách:

1. Độc đoán, dùng võ lực áp đặt ý kiến

2. Dân chủ, dùng lá phiếu người dân (làm chủ) quyết định, ai được lòng dân, trong thời điểm đó, là đúng. Công luận là trọng tài. Điều 4 Hiến Pháp CHXHCN VN (1992) viết coi như có 3 vế:

Vế 1. Đảng Cộng sản VN, độI tiền phong giai cấp Công Nhân VN,

Vế 2. Đại biểu trung thành (?) Quyền lôi của giai cấp Công Nhân, Nhân Dân lao động và của cả Dân Tộc (??), theo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng HCMinh.

Vế 3. Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Nhận xét- Ngôn từ sai lầm nguyên tắc, lẫn lộn quan hệ giữa phương tiện, nguyên nhân và kết quả:

Vế 2 chỉ là cương lĩnh chính trị, minh định lập trường, hứa hẹn, nhằm tranh cử.

Nguyên nhân thật sự dẫn đến vế 3 là: Các đảng viên Cọng sản ra tranh cử, đều nhất loạt trúng cử ở mỗi nhiệm kỳ bầu cử quốc hội, từ sau ngày CS cướp chính quyền 1945. Đảng thắng cử, nắm quốc hội, lãnh đạo, quản lý. Thông thường, phương tiện và nguyên nhân (dẫn đến kết quả) không nhất thiết song hành. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có đảng Cọng Sản Mác Lê,có toàn bộ vế 2, họ ráo riết tranh cử song mỗi lần chỉ nhận được một số phiếu nhỏ của dân chúng, do đó không lãnh đạo. Toàn câu chưa hoàn chỉnh: thiếu túc từ thời gian: nhiệm lỳ lãnh đạo bao lâu, nhiều ít, suốt đời? Và lãnh đạo duy nhất? Nhiệm kỳ thẩm quyền quốc hội? Xét thêm về các vế: Công nhân đã có Công đoàn, Nghiệp đoàn họ trực tiếp bầu ra, danh chính ngôn thuận, hữu hiệu. Cọng sản chỉ mượn danh, khai man lý lịch. Nhiều tổ chức khác, có thể theo gương Cọng Sản, lập ra một đảng cũng tên Cọng Sản.

Vế 2 có nghĩa chỉ bao gồm thành phần trung kiên với đảng C.Sản. Đa số còn lại: “sĩ nông công thương, trí phú địa hào, tôn giáo tín ngưỡng, bầy họ Ngụy cũ”…hoặc không theo ai, hoặc khiếp đảm chủ nghĩa Dao Mác Lưỡi Lê, tư tưởng ăn theo Hồ ông. Trung thành hay không còn xét việc làm mới tỏ rõ.

Vế 3: của riêng nhóm nói trên thuộc chủ nghĩa Mác- Lê- Hồ.

Điều 4 Hiến Pháp CHXHCN VN viết lỏng lẻo, sai lầm và không cần thiết. “Hữu tặc cải chi”, sai lầm thì sửa đổi, sửa cả đời, đó là ưu điểm có tính vượt trội của đảng Cọng Sản, không đảng nào có được vì sai là xuống, có người thay (đảng là cha mẹ, sai không thay được). Tuy nhiên về hiến pháp thì lại khác, mặc dầu điều 4 HP là tiêu đề, cội nguồn của bao nhiêu tệ trạng trong Xả hội VN hiện tại. Sửa điều 4 là tự sát, chỉ một câu nói đó cũng biết lòng dạ con người Cọng Sản: “tri nhơn, tri diện, tri tâm”.Song le, “sửa Hiến Pháp không là TA tự sát (như họ sơ). Đem trưng cầu, ấy chính Đảng quang vinh” (như họ xưng). “Dục cầm cô túng”, trước buông sau bắt, Đảng sẽ quang vinh có lại tất cả sau khi hỏi ý kiến dân.

Tôi lại nhận thấy Đảng và Nhà Nước có lối lập luận, chưa biết đúng sai, nhưng y hệt nhà nước Bảo Hộ thời Pháp thuộc: dân trí Việt nam trình độ rất thấp, bầu cử phải chỉ định an bài, tránh kẻ xấu lường gạt. Đúng là dân có Đảng như nhà có nóc, cần Đảng kềm kẹp, khai hóa. Sống đô hộ, nương tựa lâu dài, nhân dân Việt nam thích nghi với sự giám hộ suôt đời. Họ có hoặc còn có truyền thống dân trí cao, tự lập, quật cường không? Trong hoàn cảnh hiện thời, sau năm 1975 cũng khó có lại dân trí cao, hiểu biết rộng. Học như đi thuyền, không tiến tất thoái. Mặt khác, “có danh sư mới có cao đồ”. Lãnh đạo Đảng dù có thiện chí, nhưng xuất thân ít học, không thể là danh sư. Chủ thuyết Mác Lê, đỉnh cao trí tuệ loài người, dùng được trong nước, trấn áp hiệu quả. Tuy nhiên đó không phải là dân trí cao. Xem ra muốn dân trí cao phải lén lút tự mình học hỏi, lén nhờ thiên hạ chỉ điểm trong một thế giới Cách mạng thông tin bùng nổ gây phiền nảo cho các lãnh đạo đơn đảng ở một vài nước còn sót lại vì lợi bất cập hại. Cho dù “Đạo (dân trí) cao nhất xích ma cao nhất trượng” Thì cũng như Pháp thời Bảo Hộ, 80 năm chẳng ai dại dột “chỉ đường cho hưu chạy” để tự đào hố chôn mình. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, tôi nghĩ nhân dân Việt Nam nên luôn sẳn sàng tư thế phải buộc sống tự lập, tránh ỷ lại, ngại sẩy nhà ra thất nghiệp, nếu chẳng may Đảng không còn đó để bao biện. Sinh, Lảo, Bệnh, Tử, cái chết không chừa một ai. Đảng tuy vô địch, song lẽ trời là vậy, không có gì trường cửu, có khi lại bất đắc kỳ tử, đột ngột, trước khi nghé đã thành trâu.

Dũng sĩ Achilles trong thần thoại Hy Lạp tưởng là vô địch. Lúc lọt lòng bà mẹ cầm chân nhúng ông xuống nước sông Styx ở Âm Phủ, cho nên người ông xương đồng da sắt, dao kiếm không đâm thủng. Duy chỉ có gót chân phải là nơi bà mẹ túm chân con thì không có nước sông thấm vào và đó là chổ tử huyệt của ông. Về sau, có người mách, ông tử trận vì một mủi tên độc bắn đúng vào đó. Giang Nam Tứ Hữu trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, tài trí vẹn toàn, song lại có nhược điểm quá đam mê Cầm Kỳ Kiếm Họa nên bị thảm vong (Kim Dung). Ở Việt Nam hiện thời, dưới Ngụy quyền Cọng Sản CHXHCNVN, tham nhũng đại tràn, đó là điều tất yếu của chế độ. Các lãnh đạo Đảng, cán bộ Đảng rất giàu có. Thôi thì cũng được. Ngày xưa vua Sở đi săn đánh mất cung, có người xin đi tìm, vua gạt đi mà nói: “thì cũng là một người nướcSở nhặt được, có mất đi đâu!”. Các ông Cọng sản không giàu thì người khác giàu. Cũng là người Việt Nam ta cả. Công người ta!. Tuy nhiên tự xưng CHXHCN, Độc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc, rồi để đại bộ phận nhân dân sống lầm than nhục nhã là một trọng tội đối với đất nước, một ngụy quân tử được một chế độ ngụy quyền sói đội lốt cừu (a wolf in sheep’s clothing) bao che để tốn tại, chỉ có Cọng Sản mới làm được. Có người thấy Cọng sản tham nhũng xả láng thi lấy làm mừng rỡ, lập luận rằng: thì ra họ cũng có chổ yếu, có họa diệt thân; Nhân tham tài (tiền tài) tắc tử. Điểu tham thực tắt vong.

Cộng sản tuy vô địch, nhưng “Tài (tiền tài) giả thân chi tai (tai họa)”, sẽ bị hủy diệt vì tử huyệt đó: “Đảng tham thực tắc vong”. Có bài vè: Nghe vẻ như ve, Nghe vè cướp sản, Mấy ông lập đảng, Cộng sản tài nguyên, Bạc tiền bỏ túi, (là túi sáu gang). Trở lại với chuyện cổ tích ban đầu: quạ ăn khế trả vàng, người anh tên Đảng sau đó cũng được quạ chở đi lấy vàng, song tham lam, bất kể lời quạ dặn, may túi sáu gang để sẽ giàu có hơn em, lại thêm vàng cầm tay, nhét bọc. Chim khuyến cáo, anh (Đảng) làm ngơ. Chim bay qua biển, chở nặng, gió to, hơi chao cánh, anh tay bận cầm vàng, mất thăng bằng, rơi xuống biển, tay vẫn giữ chặt vàng, và túi sáu gang tròng ở cổ, chìm nhanh xuống biển, chim không kịp cứu. Bất đắc kỳ tử!!? Có người đa sầu đa cảm, nghe kể chuyện ngậm ngùi đề vịnh:

“Trải qua một cuộc bể dâu. Những người trông thấy làm đau đớn lòng”

Rồi cảm khái lang bang:

“Lạ gì chức sắc tự phong. Trời xanh quen thói màu hồng đánh ghen.”

Nghĩ lại: bỏ túi sáu gang, Hiến Pháp điều bốn đều là Tự Sát, thà chết (giàu) còn giữ chúng trong tay. Cũng phải “It takes one to know one” đồng thuyền đồng hội mới hiểu trọn đạo lý thâm sâu này.

CHÉN CƠM ĐỔI ĐỜI

Những tháng đầu tiên sau tháng 4/1975, công chức cũ Ngụy quyền sống trông thấp thỏm lo sợ, chưa biết tai họa giáng xuống lúc nào. Sau dần chuyển qua những năm tháng dài dằng dặc thở dài than vắn, lòng uất hận. Rồi Tết Bính Thìn 1976 rùng rùng kéo đến. Phe Ngụy chẳng bụng dạ nào mà đón xuân. Phe Cách Mạng thì đây là Xuân chiến thắng. Các cơ quan Đảng, Nhà nước nghe nói được tiêu chuẩn mua thêm một ít thực phẩm thịt, nếp, kẹo, thuốc lá ở cửa hàng quốc doanh để liên hoan mừng xuân. Trường Y cũng có chiêu đãi. Nghe truyền miệng hôm đó, CBCNViên đến trường mỗi người mang theo chén và đôi đũa. Trước đó, đôi lần đi bộ từ Trường đến Bệnh Viện, tôi vẫn gặp các cán bộ trẻ, độc thân, tay cầm đôi đũa và một chén đi về phía Trường. Sau vài lần tôi hiểu là họ đến bếp ăn tập thể của Trường. Rồi thấm thoát ngày chiêu đãi đến, ít chục người. Chẳng lể nghi bày vẽ. Thức ăn vừa phải, chẳng sang trọng, một hai miếng thịt, canh gì đó quên mất, xôi, sau đó là kẹo, thuốc lá hút. Đạt tiêu chuẩn. Dù cao lương mỹ vị cũng thế thôi, trong hoàn cảnh Tết năm đó, nếu là Ngụy thứ thiệt. Bửa tiệc bắt đầu, mọi người hỷ hả mời nhau tô canh chung, muỗng chung, dùng muỗng chan vào chén cơm riêng, đũa riêng gắp các thức ăn trong dĩa chung. Ăn xong, cũng chén đó dùng uống nước chè hoặc nước vòi máy. Tôi không nhớ có rượu. Nếu có thì cũng dùng chén đó, đa dụng. Ăn xong tự mình ra vòi nước rửa sạch chén đũa của mình đem về, còn tái dụng nhiều lần. Nhà bếp lo phần dọn dẹp, rửa muỗng, tô (đọi). Công việc làm trơn tru gọn gàng, suôn sẻ. Cán bộ Cách Mạng vắng ít, cán bộ Ngụy vắng nhiều người hơn vì thông tin không rỏ ràng. Nhiều người cũng đã về quê, buổi chiêu đãi sát ngày quá.

Ở miền Bắc, lúc đó và suốt thời chiến các cán bộ công nhân viên ăn bếp tập thể phải tự túc chén đũa và tem phiếu gạo. Đi công tác xa, cũng phải mang theo chén đũa, tem gạo trong hành trang nếu không muốn nhịn đói. Các thức ăn thì tùy theo túi tiền mỗi người, canh toàn quốc giá cũng rẻ thôi. Tôi chưa hề ăn canh này. Cũng có thể vẫn ăn nhưng không ngờ đến. Toàn quốc là toàn nước, ăn liền. Đó là những cốc nước lạnh nhiều khi bỏ thêm cục nước đá, mà khi đi ăn tiệm, thực khách vẫn gọi để thay canh, vừa ăn vừa uống, nếu không muốn dùng các thứ nước ngọt hoặc bia. Nhiều gia đình Nam Bộ vẫn làm như vậy ở bửa cơm nhà. Cách làm dùng chén đũa riêng của mình cũng có khía cạnh tốt là bảo đảm vệ sinh. Dù thiếu nước rủa sạch chén đũa, nhất là ăn uống ở các quán, gánh vỉa hè. Cũng không quá nghiêm trọng, tránh được “bệnh tòng (theo) khẩu nhập”. Có lần tôi đi Ấn Độ 1964 tại New Delhi rồi đi ăn tiệm với GS Ng. Hữu (YK Sàigòn) thấy mấy bà Ấn Độ ăn mặc có vẻ phu nhân, chỉ dùng đầu mút mấy ngón tay, móng sơn đỏ sẩm, bốc cơm từ đĩa vào miệng nhanh gọn không rơi rớt. Như thế lại không cần đem theo chén đũa; đạo cao hơn một bậc. Đó cũng là một cách “use your hands” (TS.06, Tr. 243. VV Phác). Song xữ dụng mục tiêu khác. Ở Bắc Mỹ, và ngay ở cả Sài gòn hiện nay, trong các buổi họp mặt party gia đình thân quyến, các thực khách thường đóng góp mỗi nhóm tự mang đến một, hai món ăn chung phần. Đó là một cách làm rất tốt, chia sức lao động, nếu áp dụng mang thêm chén đũa hoặc dao nĩa riêng, thì là hoàn hảo. Ở miền Bắc, thời chiến còn có một tập tục tốt khác: đó là hủ gạo kháng chiến. Mỗi gia đình trước khi vo gạo ở rá, thì bốc một nắm bỏ vào hủ gạo đã được Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến phường, xả, khu phố…đem đến đạt trong nhà. Cũng có thể có hủ gạo kháng chiến lớn ở quán ăn, hàng cơm, bếp ăn tập thể cơ quan. Cứ hàng tháng một hai lần, Ủy ban cho người đến lấy gạo. Một nắm gạo bốc ra thì mỗi người trong gia đình chỉ nhịn một tý xíu, song góp gió thành bảo, Ủy ban có một số gạo lớn để nuôi quân. Nếu tập tục đó được đem áp dụng ở Bắc Mỹ thì ít nhất cũng là một khẩu phần giảm mập hữu hiệu. Tiếc thay mỹ tục hủ gạo kháng chiến và tự túc chén đũa đó rất phổ biến nay đã mất dần và có cơ tuyệt chủng. Trường Y Huế đã chiêu đãi tập thể hình như chỉ một lần đó mà thôi. Cũng là bát cơm Phiếu Mẫu đầu tiên, “đổi đời” Ngụy. Về sau mỗi dịp gì thì tùy các Bộ Môn lo liệu nội bộ.

Tuy vậy Trường cũng có nhiều dịp chiếu cố đến đời sống khó khăn của CBCN Viên: lao động tăng gia sản xuất trồng lúa, rau muống quanh Trường, sắn Cồn Tiên. Đọc bài “tính sổ một đoạn đường” của GS VĐ Đài (TS. 06, Tr. 10), thì tuy có mặt này mặt kia, nhưng cói chung, phiến diện mà xét, thì ban lãnh đạo Trường cũng có thái độ tốt, nâng đỡ. Tôi nói đây cũng chỉ là “tỉnh trung thị tinh” đáy giếng xem sao.

Hồi đó ở Huế, tắt điện liên miên. Bệnh Viện Huế và Trường Y lại được ưu tiên, có điện thường xuyên. Tiêu chuẩn điện của các hộ dân là mỗi tuần hai ngày mà điện lại tắt tắt đỏ đỏ, ma ma phật phật, khi tỏ khi mờ. Đêm đến, cả khu vực tối om, thỉnh thoảng có ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu hắt ra, từ các nhà dân. Tuy vậy “trời sinh trời dưỡng”. Tôi ở đường Hai Bà Trưng, góc Nguyễn Huệ, bên hông Trường, được Trường cho phép câu một đường dây điện dài 50 mét từ nhà bếp sau Trường men theo bờ ruộng, hàng rào vào nhà tôi. Nhờ thế, mỗi tối trong nhà luôn có 2 ngọn điện, khỏi trả tiền, đủ sáng để trong nhà sinh hoạt, con cái học hành, đứa chị học Đồng Khánh, đứa em còn ẳm trên tay, sau này lớn lên sẽ được nghe các chị kể lại hoàn cảnh gia đình lúc đó. Như thế suốt thời gian tôi ở Huế, tôi suy nghĩ ban lãnh đạo cũng có bụng tốt trong việc này và đó là một ân huệ của Trường dành cho một cán bộ giảng Ngụy, giúp giảm khó khăn trong đời sống. Tôi vẫn nhớ chuyện này và xem sự cưu mang đó cũng ó ý nghĩa như một bát cơm Phiếu Mẫu.

CHÉN CƠM THỦY PHÙ

Đó là vào khoảng 1976. Trường thông báo đi khám bệnh xã Thủy Phù ba ngày. Sáng tám giờ rưỡi cho đến chiều. Thông cáo ngắn gọn, không nói gì thêm. Tôi chuẩn bị bộ môn, sắp đặt trong khoa rồi hỏi đường đi. Cứ theo quốc lộ từ Huế, về phía sân bay Phủ Bài, quá sân bay bảy cây số, tất cả khoảng hai mươi cây số thì rẽ phải phía núi, đi theo đường dất hương lộ khoảng một cây số nữa là đến đình làng Thủy Phù nơi đặt bản doanh công tác.

Sáng đó, trời tốt, mát mẻ, và tốt luôn trong các ngày kế tiếp, tôi tự động đi xe đạp thẳng từ nhà hăn hái trực chỉ lên Thủy Phù. Tôi mang theo một ít đồ khám bệnh, hình dung sẽ bận bịu suốt ngày vì lượng bệnh nhân rất đông; khám chuyên khoa đâu phải khám Nội mà đi tay không! Đạp xe khá nhanh, xe đạp thứ tốt mua từ đời Ngụy, nên chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ là đến. Tôi còn nhớ rỏ hình ảnh của tôi lúc đó, khi thẳng lưng, khi cong lưng, ra sức đạp riết, có khi ngược gió mà chẳng thấy mệt nhọc gì. Lúc đi thì rất vững tâm vì thì giờ rộng rãi, còn cả ngày trời, chiều về có lo lắng trong bụng cứ cầu sao cho đừng đứt xích xẹp bánh, giữa đường không có thợ sửa, mà trời lại sắp tối. Khi đi và về, tôi đều đi một mình, tránh giao thiệp chuyện trò. Hôm đầu, chẳng biết tôi có đến trể không mà đình làng được dành làm trụ sở đoàn y tế chỉ thấy lơ thơ vài người, chắc người ta đã phân tán vào các hộ dân công tác. Tôi cứ ngỡ sẽ thông báo tụ họp dân ra đình làng khám bệnh vừa tiện lợi lại rôm đám.

Đình làng khá lớn nhưng trống rỗng, không trang hoàng gì, bích chương biểu ngữ công tác khám bệnh cũng không có. Các đồ thờ phượng dọn đi đâu sạch chỉ còn một bàn nhỏ cũ kỹ mới kê, đặt ở một góc đình, gần cửa để làm bàn giấy cho đoàn. Ngó trực vào chính diện trong sâu, nữa tối nữa sáng, thì ra còn một bàn thờ cao sơn son thiếp vàng trên đặt mỗi chân dung Chũ Tịch Hồ Chí Minh trong bộ y phục lãnh tụ, và một ngọn cờ đỏ sao vàng cắm đàng sau. Trước kia chắc là thờ vị thánh Hoàng làng này, nay “Thước sào cưu chiến” (ổ chèo bẻo tu hú chiếm). Không khí trầm lặng, nặng nề.

Tôi cứ đứng chờ ở đình, đi lại hoặc đến ngồi ở ghế đặt cạnh bàn nhỏ, cái gì đến sẽ đến, tin tưởng sẽ có lắm việc để làm. Chỉ nói thí dụ riêng về mắt thì nhân dân đau mắt nhiều vô kể. Chương trình phòng chống mù lòa là một trọng điểm của Bộ Y Tế, chủ yếu là: - ở trẻ nhỏ, lé và nhất là thiếu sinh tố A, gây quáng gà khô mắt đẫn trẻ em đến nhập học trường Mù rất nhiều ở Việt Nam;

1. ở người lớn, đau mắt hột sinh ra mí cặm lông xiêu, quẹt mãi vào hư mắt. Ở miền Bắc có nhiều đoàn y tế chuyên về thôn quê mổ cặm, đánh hột năm này qua năm khác. Ở Bệnh Viện Huế cũng mổ mí cặm luôn tay. Mù lòa gây ra do bệnh mắt hột quan trọng vào bậc nhất thời đó.

2. ở tuổi già, chính giữa tròng mắt thường có một đốm tròn vo, đục hoặc trắng bạc, cản ánh sáng. Người miến Bắc văn chương chữ nghĩa gọi đó là đục nhân mắt, thì cũng phải biết nhân mắt là cái gì trước tiên. Người miền Nam giàu có, ưa kim cương hột xoàn, cà rá, thì gọi đó là hột cườm, cườm mắt, khô để phân biệt với cườm nước (glaucoma). Người Huế, bình dân, ít tiền bạc, coi mặt đạt tên, gọi là vảy cá. Nôm na, dễ hiểu, nhưng kém chính xác, cái gì cũng vảy cá đó có thể là bệnh khác, như sẹo ở tròng mắt. Khi nhập viện, thì hồ sơ bệnh ghi là Đục Thể Thủy Tinh, viết tắt là đục T3 (ba chữ T), cũng có thể viết theo tên Tây: Cataract.

Khám điều tra bệnh, nếu gặp trường hợp thì gởi về nằm bệnh viện Huế mổ. Bộ môn nào chẳng thế. Tuy nhiên cũng sắp đến giờ Ngọ mà chẳng thấy động tĩnh, chẳng thấy ai khám ai, “trước sau nào thấy bóng người”. Vắng lặng. Đứng xớ rớ hồi lâu cũng thấy đã làm tròn bổn phận, rảnh thì giờ tôi đi quanh quẩn vào nhà dân chúng, hỏi chuyện vài ông già bà cả dăm câu rồi đi lần ra vườn, rẽ bụi bờ băng nhà này qua nhà kia, ngắm nhìn các cây khế, ổi, mít xanh tươi, những luống rau khoai môn đẹp đẽ, mà lòng cảm khái nhớ lại nhữn kỷ niệm xa xôi thời thơ ấu, lúc thanh bình, về quê chơi, ở lại cả tuần, chạy qua các thửa ruộng, vườn, xuống bến, ra đình, đến chợ làng, lúc nhỏ cái gì cũng đẹp, thi vị, thần tiên. Thấy đã đến giờ ăn, tôi hỏi đường ra quán bên đường, ngồi uống nước ăn trưa. Tôi có đem theo tiền. Quán cũng có vài người đang ngồi, tôi không bắt chuyện, nhưng ngẫm nghĩ: hay là tôi có sự lầm lẫn về ngày giờ kế hoạch của trường đề ra! Cũng vô lý, trước khi đạp xe đi Thủy Phù, tôi hỏi lại kỷ lưỡng ngày giờ địa điểm, tôi thường hay cẩn thận, duy chỉ không hỏi gì đến kế hoạch công tác, lúc cần sẽ được cho biết, tôi nghĩ thế. Kế hoạch quốc gia phải bảo mật. Và tôi tin tưởng. Dặn đến thì đến, không giao việc thì ngồi chơi. Thiên lôi không chỉ, khỏi đánh. Biết đâu đó lại là kế hoạch.

Ngồi chơi rồi đến ba bốn giờ chiều, ban đầu định ở lại đêm, song thấy không cần thiết, và có vẻ không bắt buộc, tôi lại đạp xe về, sáng mai đi lại. Như thế luôn trong ba ngày. Sinh viên chắc cũng có người về kẻ ở. Ai ở lại chắc cũng có đàn hát các bài ca Cách Mạng (chiến thắng). Nhưng tôi cũng chỉ đoán mò thế thôi. Về phần tôi, tôi có hiện diện là được, như mà cứ ở nhà làm việc tại khoa thì cũng chẳng sao. Nhưng biết đâu! Mà cũng hay, tôi vô tình đến nỗi sau đợt công tác ba ngày, tôi không hề theo dõi diễn biến, cho đến mới đây đọc bài viết “tính sổ một đoạn đường” của GS VĐ Đài trong TS ĐDHYK Huế Hải Ngoại 2006, thì tôi mới vỡ lẽ là kỳ đó Trường Y đã phối hợp với Ty Y Tế điều tra bệnh tật ở xã Thủy Phù và bộ môn Sinh Hóa có tham gia và phát hiện có nhiều ca tiểu đường mà không biết (TS 06, Tr.10). Bệnh gì chứ bệng tiểu đường thì ở thôn quê Việt Nam đại chúng, và dễ phát hiện ở khắp nẻo đường, bất kỳ lúc nào, bất kể lượng đường huyết cao thấp, đặc biệt là ở trẻ em. Tật này chủ yều cần điều chỉnh.

Ngày cuối cùng nghe báo miệng, xã Thủy Phù chiêu đãi đoàn Y Tế vào buổi chiều, để đoàn còn chuẩn bị dụng cụ đồ nghề (!) ra về. Tôi cũng rán ở lại đến cùng, và nhớ hình như có ăn vài miếng thịt gì đó, không nhiều lắm nhưng ngon miệng. GS Võ Đ Đài thì có mô tả rõ hơn: “Nhân dân Thủ Phù đã đải chúng tôi một bửa ăn thật ngon gồm có những miếng thịt heo dày mỡ chấm nước mắn (TS.06, Tr.10). “Tăng đa chúc thiểu”, sư nhiều cháo ít, không phải ai cũng có miếng thịt to lớn đó; nhân viên, sinh viên hôm đó cũng đông. Lúc ấy tôi rất thích ăn những miếng mỡ heo luộc to bự, ăn không suy nghĩ. Nay vẫn thích nhưng phải kiêng cử, chỉ ăn miếng nhỏ. Cũng trong đoạn đó GS Đài cho biết mỗi tháng trường bắt thăm phân phối thịt, ai cũng mong được một phần có nhiều mỡ đem về rán ra để dành ăn lâu. Tuy vậy nhiều mỡ thì bớt thịt, hữu lợi tất hữu tệ. Mỡ có thể dùng để rán, song cũng có thể dùng dầu dừa, lạc…Hồi đó cũng chẳng có ai ăn đồ chiên xào. Sống như con a míp độc bào, là bảo đảm tránh bệnh tật, dòm ngó…

Lúc đó, tôi suy nghĩ trong ba ngày công tác ở Thủy Phù, tôi chẳng làm gì cả, chỉ đi ra rồi đi vào, hết vào lại ra, như trong ngày 8 tháng 3 của các chị em Phụ Nữ, thơ mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ ở Việt Nam “Hôm nay mồng 8 tháng Ba, chị em Phụ Nữ kẻ ra người vào. Có anh gác cổng đứng chào, chị em Phụ Nữ hết vào lại ra”, tôi không khám bệnh ai, đoàn y tế không chẩn bệnh phát thuốc, không đem lợi lộc gì cho nhân dân xã Thủy Phù, điều tra bệnh tật rồi cũng chẳng có phương án kế hoạch gì giúp đỡ, mà lại bày vẽ đòi hỏi xã Thủy Phù làm heo gà chiêu đãi. Thực là “cha mẹ nói oan, ủy ban bắc ép”. Nhân dân sau năm 75, nghèo xác xơ, bữa cơm bữa cháo phụ thêm bobo, khoai sắn mà phải bấm bụng chiêu đãi tiệc tùng, “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Tôi nghĩ đó là sáng kiến cải tiến của mấy ông Đảng Ủy và Ủy Ban Nhân Dân xã hoặc nếu có thêm thì của Ty Y tế chứ không liên can gì đến trường Y. Đó là một bửa tiệc không có ý nghĩa, hoặc chỉ có ý nghĩa “miếng ăn là miếng tồI tàn”. Như vậy là sách nhiễu nhân dân, mầm mống tham nhũng manh nha rồi sẽ phát triển rầm rộ như nấm sau mưa, thoát tầm kiểm soát, tham nhũng “trăm hoa đua nở”. Bữa ăn ở xã Thủy Phù có phải là bát cơm Phiếu Mẫu không? Có! đối với tôi. Tôi vẫn kết cỏ ngậm vành nhân dân xã Thủy Phù.

Lê Bá Vận

Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn