BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 65583)
(Xem: 59657)
(Xem: 36972)
(Xem: 29251)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thương Nhớ Ba Tôi - Nỗi Đau Thương & Niềm Uất Hận - 35 Năm và 2 Tháng

24 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1495)
Thương Nhớ Ba Tôi - Nỗi Đau Thương & Niềm Uất Hận - 35 Năm và 2 Tháng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sau 8 năm chờ đợi hồ sơ bảo lãnh được chấp thuận, cuối cùng, vào ngày July 4th, 2010, tôi khoan khoái đặt hai bàn chân xuống phi trường Lax, rồi sau đó, trong khi chờ đợi nhân viên Sở Di Trú gọi tên, tôi làm một nghi lễ nho nhỏ là cởi giày ra, đặt hai bàn chân trần của mình lên nền gạch bóng loáng của đất nước Hoa Kỳ, một đất nước tự do, miền đất hứa qua bao năm đợi chờ.

Đến tối, cả gia đình tôi sum họp bên mâm cơm đơn giản của Má, những chén cơm trắng nóng hổi vây quanh dĩa cá nục kho tiêu và tô canh bắp cải với thịt nạc bằm tiêu, thơm lựng… Trong không khí ấm cúng của khung cảnh đoàn tụ, có những lúc mọi người cùng im lặng, nghĩ đến Ba tôi và thương xót ông vô cùng. Giá mà Ba tôi có sức khỏe khá hơn, giá mà ông đừng bị những phẫn nộ và những ray rứt dồn nén vào nội tâm, thì có lẽ giờ này ông vẫn còn sống – bên vợ con, bên những người thân yêu.

*

Ba tôi là Thiếu Tá Công Binh. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông là Trưởng phòng Tu bổ Tiện nghi, khu Quân Sản Tạo Tác Saigon, trại Đào Duy Từ, trên đường Nguyễn Tri Phương. Ba tôi toại nguyện với mái ấm gia đình bên người vợ hiền và đàn con được gần gũi bên nhau..


Di Ảnh Cố Thiếu Tá Công Binh Nguyễn Văn Đức là thân phụ của tác giả.

Sau biến cố tang thương, vào một ngày nóng bức của tháng 6, năm 1975, ông nhận được tờ giấy, yêu cầu ông “phải có mặt tại trường đại học Phú Thọ, tập trung ở đó một tháng để học tập cải tạo”.

Cứ ỷ y là chỉ bị tập trung có một tháng, trường đại học lại gần nhà, Ba tôi không hề chuẩn bị bất cứ điều gì cho một hành trình mà ông sẽ ra đi mãi mãi, không bao giờ quay trở về mái nhà xưa. Ông mặc áo sơ-mi, quần tây, đôi giày màu đen bóng loáng và xách một cái va-ly nhỏ, trong đó chỉ đựng vài bộ quần áo cùng mấy món đồ cá nhân lặt vặt. Ông nói với anh Hai tôi (Thiếu úy Pháo Binh “đề-lô”):
-Ba đi trước nghen. Tháng sau chắc là tới lượt con đó.

Anh Hai tôi dắt xe Honda ra khỏi cổng để chở Ba tôi đi. Trước khi leo lên yên sau của chiếc xe, Ba tôi xoa đầu từng đứa con và nói:
-Mấy đứa ở nhà ngoan hỉ. Tháng sau Ba về.

Hôm sau, Má tôi biểu anh Hai tôi chở tới cổng trường đại học Phú Thọ để xem tin tức của Ba tôi ra sao. Má tôi chết lặng trước hai cánh cổng sắt mở toang hoác, trước câu trả lời của một tên bộ đội trẻ đứng ở bên trong, “bọn sĩ quan VNCH được chở đi từ lúc nửa đêm rồi”, còn chở đi đâu thì hắn không biết.

Những ngày tiếp theo, cả gia đình tôi sống trong sự chờ đợi và lo lắng. Nhưng rồi miếng cơm manh áo đã cuốn mọi người trôi theo cơn bão đói khát kéo dài triền miên. Mỗi tháng, gạo bán cho từng đầu người là chín ký. Mỗi tháng, vải bán cho từng đầu người là hai mét. Mỗi tháng cả nhà chỉ được mua nửa ký thịt ba rọi… Má tôi vì phải nuôi một bầy con tám đứa mà nhận làm đủ mọi công việc, từ róc mía cây đến vấn thuốc lá sợi đem ra chợ trời bỏ mối.

Có một lần Má tôi gói bánh ú, nấu chín, sắp vào giỏ khoảng vài chục cái, biểu tôi mang ra bến xe Pétrus Ký (ngay ngã bảy) bán. Tôi vâng lời. Buổi sáng hôm đó, tôi rời khỏi nhà lúc năm giờ. Bầu trời trên đầu còn tối đen. Những ngọn đèn vàng chạch rọi cái bóng lẻ loi của tôi nghiêng nghiêng xuống mặt đường. Vài chiếc xe đạp từ sau chạy tới. Một gã đàn ông buông ra lời chọc ghẹo thô tục làm tôi sợ hãi đến co rúm người và suýt bật khóc. Tôi đi bộ từ con hẻm Cơ Cứu Hỏa dọc theo đường Nguyễn Tri Phương. Ra tới chợ Cá, tôi băng qua đường Lý Thái Tổ để đi thẳng tới bến xe Pétrus Ký. Trên đường đi, rất nhiều lần tôi há to miệng tập rao một câu mà không tài nào rao được. Hễ vừa thốt lên chữ “Ai…” là nước mắt lại chảy ra. Tôi cứ im lặng như vậy – như một đứa con gái câm, chỉ biết chìa cái giỏ bánh ú ra trước mặt “ông đi qua bà đi lại” mà không nói được một lời mời chào.

Đến chín giờ sáng, tôi không bán được một cái bánh ú nào mà đầu óc đột nhiên quay mòng mòng vì chóng mặt. Tôi lủi thủi xách giỏ bánh ú còn nguyên về nhà. Vừa thấy mặt Má, tôi òa khóc nức nở. Má tôi hiểu ngay, cất giọng an ủi: “Thôi, không bán được thì thôi, cả nhà mình ăn bánh ú thay cơm”.

Cuối năm 1975, gia đình tôi nhận được lá thư đầu tiên của Ba tôi. Ai nấy mừng quýnh mừng quáng, la hét, giành nhau mở cái phong bì để xem có đúng là nét chữ của Ba không. Đúng rồi! Đúng là nét chữ của Ba rồi! Qua địa chỉ ghi trên phong bì, chúng tôi biết Ba đang bị nhốt trong trại tập trung ở Suối Máu, Biên Hòa. Từ đó, mỗi tháng chúng tôi nhận được một lá thư của Ba. Không cần phải nói, mọi người trong xóm cũng biết là gia đình chúng tôi vui mừng đến chừng nào vì từ nay chúng tôi có thể biết được chút ít tin tức của Ba tôi. Lá thư của Ba tôi là nguồn sống vô biên cho gia đình tôi trong ngày tháng cơ cực, bất hạnh.

*

Tháng 9 năm 1976, tức là sau 15 tháng chờ đợi mỏi mòn, gia đình chúng tôi nhận được giấy báo cho phép đi thăm nuôi Ba tôi lần đầu tiên. Trong giấy báo chỉ cho ba người lớn được vào cổng, con nít lóc nhóc thì mấy đứa cũng được. Gia đình tôi có ba người lớn (Má tôi, người anh thứ ba và người chị thứ tư) cùng bốn đứa con nít, chỉ riêng tôi là dở dở ương ương, không biết phải xếp vào loại gì, nhưng tôi cũng hăng hái đi theo mọi người.

Vì hết thảy gia đình tôi có tám người, Má tôi thuê nguyên chiếc xe lam để họ chở đi lên Suối Máu. Sau khi trình giấy tờ, gia đình tôi đi theo mọi người tới một nơi được rào kỹ, bên trong là một dãy nhà bằng tre nứa được chính tay “mấy ông cải tạo” dựng lên. Đó là dãy nhà dành cho “thăm nuôi”.

Đứng chờ khoảng nửa tiếng, đột nhiên có người kêu t
-Mấy ổng kìa! Mấy ổng kìa!

Hàng trăm người cùng nhốn nháo lên:
-Đâu? Mấy ổng đâu?
-Kìa! Đang băng qua con suối nhỏ đó!
-A! Đúng rồi! Mấy ổng kia kìa!
-Mấy ổng đang xếp hàng một đi băng qua suối đó!

Gia đình tôi cũng nhốn nháo theo họ, tất cả cùng nhón chân, nghểnh đầu, nghiêng ngó, để cùng tìm kiếm hình ảnh Ba tôi. Tìm mãi, tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng chúng tôi cũng nhận ra. Trời ơi…, Ba tôi đó sao, một ông già ốm nhom ốm nhách, đen thui như một người Thượng, đang gánh hai cái thúng nhẹ tưng băng qua suối giữa một đoàn người ốm trơ xương và quần áo rách bươm… Tôi nhìn Ba tôi, chết lặng, nước mắt tuôn rơi!

Sau khi “mấy ông cải tạo” đi vào trong dãy nhà hết rồi, hai người mặc đồ bộ đội lững thững đi tới cánh cổng đóng chặt, trên tay họ cầm một xấp giấy tờ để gọi tên người nhà của “mấy ông cải tạo”. Hàng trăm người ở bên ngoài này tự động im lặng, lắng nghe. Những tiếng hô “Có”, “Có”, “Có”, vang lên không ngớt. Đám người ở bên ngoài thưa dần. Tới lượt họ gọi tên “người nhà của ông Nguyễn Văn Đức”, Má tôi hô to “Có” và quýnh quáng thúc giục chúng tôi xách đồ đạc đi qua cổng tre thật nhanh. Bỗng nhiên một tên bộ đội nắm cánh tay tôi, kéo lại và đẩy tôi ra ngoài cổng. Vừa đẩy tôi đi, hắn vừa nói:
-Con nhỏ này ở lại! Nhà bà thừa người rồi!

Tôi hét lên:
-Má ơi! Cho con vô thăm với!

Má tôi quay lại, van xin hai tên bộ đội cho tôi vào, nhưng chúng vẫn lạnh lùng khoát tay ra lệnh cho Má tôi dẫn cả nhà đi vào trong đi.

Tôi đứng bên ngoài, vừa nhớ Ba, vừa thương Ba, vừa sợ hãi, vừa tủi thân, vừa uất ức, vừa giận dữ, nên tôi cứ đứng khóc suốt. Thấy vậy, vài người lớn cũng bị kẹt lại ở bên ngoài lên tiếng năn nỉ giùm. Họ nói, “tội nghiệp con nhỏ quá, mấy anh cho nó dzô gặp Ba nó một chút đi, mấy anh làm ơn làm phước đi…”. Hai tên bộ đội gườm gườm nhìn họ, không nói gì cả.

Tôi cố gắng nín khóc, quẹt nước mắt, nhón chân nhìn chằm chằm vào bên trong. Rồi. Như một phép lạ. Hình ảnh Ba tôi xuất hiện nơi cửa. Ông làm bộ như đang định đi ra ngoài làm gì đó, xong rồi quay người đi vào. Trước khi biến mất vào bên trong, ông kín đáo giơ bàn tay lên để vẫy tôi. Nhìn thấy hình ảnh người cha thương yêu, tôi lại òa lên khóc, kêu t “Ba ơi! Ba ơi! Ba ơi!” Những người lớn bị kẹt lại ở bên ngoài không kềm được sự thương cảm, họ cũng khóc theo nữa, mắt người nào người nấy đỏ hoe.

Còn mười lăm phút trước giờ thăm nuôi chấm dứt, bất chợt một tên bộ đội đi tới cánh cổng, mở hé ra và nói với tôi: “Cho mày vào đấy! Chạy vào nhanh lên!” Không đợi cho tên bộ đội kịp suy nghĩ lại, tôi len người qua khe cửa nhỏ xíu rồi lao nhanh vào như một con sóc. Không, không phải tôi chạy. Mà là tôi bay. Hai bàn chân chừng như không chạm đất. Hai bả vai chừng như có mọc cánh. Chỉ trong một chớp mắt, tôi sà vào hai cánh tay xương xẩu của Ba tôi, ôm chặt lấy Ba tôi, nước mắt trào ra như mưa, như gió. Tôi cứ bấu lấy lưng Ba, chỉ sợ buông thả những ngón tay ra thì Ba sẽ biến mất. Thấy tôi khóc quá, một số người quay lại nhìn. Ba tôi nói nhỏ vào tai tôi:
-Con nín đi. Nếu con khóc, Ba sẽ bị họ la đó.

Vừa nghe Ba tôi nói xong, tôi nín liền ngay lập tức. Nín bặt. Nín câm. Nín thinh. Nín như cái TiVi đang bù lu bù loa đột nhiên bị cúp điện. Rồi sau đó, tôi cứ cầm lấy bàn tay đen đúa, xương xẩu của Ba tôi mà hun, mà hít. Lúc đó tôi cầu xin mười lăm phút cuối cùng của buổi thăm nuôi kéo dài thành mười lăm giờ, mười lăm ngày, mười lăm năm…, để tôi không bao giờ phải xa Ba tôi nữa.

*

Giữa tháng 10 năm 1976, Má tôi nghe phong phanh là Ba tôi bị bệnh nặng – tin tức thông qua một số bà đi thăm nuôi chồng về, nhắn lại.

Ngày 25 tháng 10 năm 1976, có tin dữ bay về: “Ông Đức chết rồi!”. Má tôi không tin, nhưng vẫn tìm đến nhà của mấy bà bạn mới đi thăm nuôi chồng về, để hỏi han tin tức. Tất cả những bà bạn mới đi thăm nuôi về đều nói với Má tôi: “Chồng tui nói ông Đức chết rồi!”, “Chồng tui nói đích thân chồng tui đào huyệt chôn ông Đức đó!”

Ngày 27 tháng 10 năm 1976, Má tôi thuê nguyên một chiếc xe lam, dẫn cả gia đình tôi tới trại “học tập cải tạo” ở Suối Máu để yêu cầu họ xác nhận là Ba tôi đã chết cách đây 3 ngày! Thoạt đầu, họ chối phắt. Nhưng khi Má tôi làm dữ lên, và chúng tôi cũng ùa tới, la hét om sòm cùng với Má tôi, thì cuối cùng họ mới xác nhận là Ba tôi đã qua đời vào chiều tối ngày 24 tháng 10 năm 1976 vì bệnh kiết lỵ! Rồi họ chỉ chỗ Ba tôi được chôn cất.

Đó là một bãi đất hoang mà lúc đó dân địa phương gọi nôm na là nghĩa trang của “mấy ông cải tạo”. Trên đó có bốn nấm mộ hãy còn mới. Nấm mộ của Ba tôi là mới nhất, lớp mặt đất ở trên cùng hãy còn màu đậm đen. Nấm mộ được đắp sơ sài, phía trước là một cây cọc gỗ, trên đó là tấm bảng gỗ có những dòng chữ được viết nắn nót bằng bút mực:

NGUYỄN VĂN ĐỨC
Mất ngày 24 tháng 10 năm 1976
Tức mùng 4 tháng 9 năm Bính Thìn

Đứng trước nấm mồ, tai ương chụp xuống những xác thân chết lặng, tiếng khóc và nước mắt!

*

Tháng 9 năm 2010: Hôm nay tôi sống trên đất nước Mỹ được hai tháng rồi. Thời gian còn quá ngắn để có thể nói lên được một điều gì nhưng tin là những ngày sắp tới sẽ thật sự là những ngày tốt đẹp. Tôi sẽ có một việc làm ổn định. Tôi sẽ xin thi vào quốc tịch Mỹ và tôi sẽ bảo lãnh gia đình “con trai một” của tôi qua đây – như cách đây tám năm, Má tôi đã bảo lãnh tôi. Tương lai và tất cả mọi chuyện vẫn còn nằm ở phía trước, còn chiều nay, tôi sẽ chạy qua nhà Má tôi ăn cơm tối và việc đầu tiên tôi làm là khoe to với Má tôi một tin vui: “Má ơi! Con vừa mới thi đậu bằng lái xe!”

Ngồi bên mâm cơm, tôi ước gì có Ba, hạnh phúc biết bao nhiêu. Ba đã yên nghỉ bên kia bờ Thái Bình Dương, xa cách tất cả người thân. Ba ơi! Lúc nào con cũng cảm thấy thiếu vắng hình ảnh kính yêu của Ba trong cõi đời nầy.

MAI ĐỨC
Ý kiến bạn đọc
24 Tháng Chín 20107:00 SA
Khách
Chiến chinh nhà xum họp. “Thống nhất” lại biệt ly Bây giờ mãi xa quê Người vẫn mãi chia ly Uyen Minh
02 Tháng Mười 20107:00 SA
Khách
Chúc cô Mai Đức may mắn bảo lãnh gia đình "con trai một" qua đoàn tụ thành công. Và xin cô Mai Đức không bao giờ quên Cộng Sãn đã giết Cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Đức...Đừng quên !!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn