BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73330)
(Xem: 62240)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ Nguyễn văn Minh

21 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1401)
Nhớ Nguyễn văn Minh
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Tôi biết Nguyễn văn Minh năm 1964

Nhờ cuộc đảo chinh năm 1963, tướng Dương văn Minh lật đổ chính quyền Ngô đình Diệm, chúng tôi được ân xá. Lâu lắm rồi, tôi về thăm nhà, thăm quê hương Quảng ngãi. Ông Phạm đình Nghị, nguyên thầy dạy tôi ở trường trung học Lê Khiết và cũng là người cùng ở tù với tôi ở Côn đảo, được sự đồng ý của trung tá tỉnh trưởng, tổ chức 1 cuộc nói chuyện giữa tôi với học sinh tại hội trường toà tỉnh. Nói là học sinh trong tỉnh, nhưng thực ra chỉ nói chuyện với số học sinh các lớp lớn tại thị xã. Tôi không có đề tài nhất định, học sinh ưng nói cái gì, tôi nói cái đó. Phần nhiều đề nghị tôi nói về tù, nhất là tù ở Chí hoà và Côn đảo. Buổi nói chuyện rất cởi mở, rất vui, và cũng từ đó, tôi cảm thấy mến hơn thương hơn lớp tuổi trẻ ở quê nhà. Buổi nói chuyện vừa chấm dứt, Minh cùng 1 số bạn khoản 10 người gặp tôi. Vóc người nhỏ, ốm yếu, nhưng đặc biệt có cặp mắt to, sáng . Chính cặp mắt to, sáng sắc sảo này đã thu hút tôi, chứ không phải tôi thu hút Minh . Từ đó tôi có thêm 1 số bạn trẻ, và tôi xem Minh như 1 người em. Minh thiết tha nói với tôi “Mời anh ra cho biết nhà em”

Là 1 cái nhà tranh lụp xụp, sát lề quốc lộ phiá bắc ngoại ô thị xã, nơi hết đèn đường. Phòng phía trước còn gọi là nhà trên, giữa phòng 1 cái bàn vuông , mặt bàn gỗ dợp hết nước sơn , 4 cái ghế đẩy sát vào bàn , có lẽ lâu lắm không có người ngồi. Phía trong sát vách là cái bàn thờ, rất cũ kỷ và sơ sài. Vào trong nữa, 1cái giường tre rộng , nơi ngủ, và cái bếp và ảng nước.Có lẽ Minh hơi ái ngại về túp nhà tranh lụp xụp của mình, cho nên tôi nói “tản cư mà ở như thế này là tốt rồi, cha mẹ tôi phải tá túc với bà chị, còn tôi chưa có chỗ ở.” Minh vui vẻ đáp: “Em mời anh ra là ra chỗ này , chỗ riêng của em, chỗ em làm thơ và viết lách anh ạ”.

Nơi đây không thuộc về nhà nữa, một tấm ván làm cầu dẫn ra một cái nhà sàn nhỏ. Thật ra như 1 cái chòi giữ bắp ở nhà quê, nó nằm trên 4 cây trụ chôn dưới vực sâu của cánh đồng bắp, ở đó vừa đủ kê 1 cái bàn nhỏ và 1cái giường 2 người nằm. Tối hôm đó có trăng , cả 1 cánh đồng bắp rộng, trông ra xa ánh trăng mờ đục, nhìn như không có biên giới. Gió thổi mát dười dượi. Minh pha café rót ra 2 cái cốc lớn, tôi uống café không đường . Rồi Minh bắt đầu kể cho tôi nghe những ngày còn nhỏ khổ cực. Minh mất mẹ lúc quá nhỏ, cho nên không thể hình dung mẹ như thế nào. Quán người Quảng nam. Từ lúc đi chập chững Minh theo cha đi nhiều chỗ. Minh cũng không biết cha làm việc gì, nhưng không ở một nơi nào lâu, rồi lại phải dời đi nơi khác. Trên đường đi kiếm sống cha Minh gặp người vợ thứ hai và sinh thêm 1 gái 1 trai .Minh xem 2 em như em ruột và dì như mẹ. Cha Minh ốm yếu, làm việc không đủ nuôi gia đỉnh, mới mười tuổi Minh phải kiếm việc làm để nuôi thân. Minh rất hãnh diện từ nhỏ đã tự nuôi sống mình , có lúc theo 1 gánh hát làng để làm những chuyện lặt vặt trong đoàn hát. “Những ngày đó thật lý thú anh ạ, đúng là giang hồ, nay vùng này mai vùng khác , có nơi ở lại nửa tháng, các chị các chú trong đoàn, thuơng em lắm, còn bảo em, họ sẽ tập em đóng tuồng, rồi anh biết sao không, gánh hát bị các gánh khác cạnh tranh, lỗ lã đến nỗi tan hàng, có 1 số đào kếp không tiền xe về quê, em lang thang hai ngày mới về đến chợ Hàn chỗ ba em ở.” Rồi Minh kể khi vào Quảng ngãi, tối tối làm nghề chỉ số ghế cho người xem chiếu bóng trong 1 rạp chiếu bóng của người bà con. ..Minh kể chuyện 1 cách hồn nhiên, không oán trách không hận đời,trái lại rất tự hào từ tấm bé đã tạo 1 cuộc đời tự lập. Nhưng tôi rất cảm động, và cảm thấy mến thương Minh hơn, không ngờ con người học sinh trẻ tuổi ốm yếu này đã trãi qua những ngày quá khổ.

Minh rất thích thơ, thích làm thơ. Đêm đó tôi được nghe một số thơ của Minh và anh cho biết nếu có tiền sẽ cho in tập thơ với cái đề là lạ, tập thơ “Đốt Tuổi”. . Năm đó, anh vừa đậu tú tài bán phần, đang xin dạy ở 1 trường tư trong thị xã, người ta hứa nhưng chưa có lớp. Sau đó Minh đi lính , rồi làm hội đồng tỉnh Quảng ngãi. Trong thời gian đó, anh làm tờ tuần báo “ Trước Mặt” nhờ sự đỡ đầu về tài chánh của ông tỉnh trưởng. Rồi Minh tích cực xây dựng QNNT với chúng tôi. Không còn cách gì tích cực hơn nữa, gần như anh dành hết thì giờ cho công việc giáo dục này

Minh cưới vợ. Một đêm anh Tạ Ký , Tôn thất Trung Nghĩa , Cam duy Lễ và tôi uống bia ở Chợ Đũi , gần đến giờ giới nghiêm, Ông Chu Tử đột ngột đến, tôi biết chắc có việc gì ông mới đến giờ này. Không bao giờ dông dài, Chu Tử vào ngay vấn đề “Đây là chỗ anh em , tôi muốn nhờ anh Liệu về nói với Minh, Phan nhự Thức, tôi muốn gả con Ng., con tôi cho nó. Hôm tôi ra thăm trường nghĩa thục của các anh, gặp Minh trong mấy ngày đó tôi thích nó quá, cho nên tôi muốn nó làm rể tôi. Anh Liệu về giải thích cho Minh rõ ý tôi, tôi biết anh em ngoài đó quí anh lắm, đây là việc hệ trọng nhé anh Liệu, vì tôi có linh tính tôi sắp chết rồi, và trước khi lìa đời tôi muốn con Ng. có chồng.” Tôi ngắt lời : “ Tôi làm theo ý anh, nhưng xin anh bỏ cái ý nghĩ sắp chết , anh còn phải sống lâu lắm, anh muốn chết trời chưa cho anh chết đâu, anh bị 6 viên đạn vào đầu mà không chết thì bây gìờ chết sao được, hơn nữa anh phải sống để lo tờ Sóng Thần chứ , để chưởi bọn tham nhũng chứ.”.

Tôi về thuật lại không sót 1 lời, không cần suy nghĩ, Minh cho biết nhiều lần vào Sài gòn ghé tòa báo Sóng Thần có gặp Ng. có nói chuyện với cô ta, bây giờ ông Chu Tử có ý chân tình như vậy, vả lại cha Minh muốn Minh có vợ, ông bảo trước khi nhắm mắt về với ông bà, ổng muốn anh có vợ, vậy thì rất thuận tiện , vậy chấp nhận đề nghị của ông Chu Tử.

Năm 1975, Minh bi cộng sản bắt đi cải tạo hơn 8 năm. Con người ốm yếu da bọc xương vẫn còn tồn tại để về, cũng là điều lạ. Về nhà anh cũng như phần đông anh em khác, phải tiếp tục sống những ngày cùng cực khổ sở, nhưng Minh càng khổ hơn vì anh quá ốm yếu. Minh phải làm những việc nặng nề quá sức anh trong 1 nhà máy làm nước đá. Và cũng từ đó, người vợ anh thương mến, trong đó có nặng tình ông Chu Tử và người cha đáng thương của anh, bỏ anh để có chồng khác. Tôi, người từ những ngày mới gặp nhau đã xem Minh như một người em đáng kính , đáng thương, một người bạn thân, một đồng chí,…nhưng tôi không phàn nàn Ng, bởi vì một cô gái ở đô thị, luôn luôn chứng kiến những cảnh sống xô bồ, nhứt là trong 1 xã hội nạn tham nhũng lên đến cao độ, 1 số người giàu có quá nhanh như 1 phép lạ, làm cho cô gái này choáng váng, thì làm sao chấp nhận cuộc sống thiếu thốn cuả Minh. Đối với Ng. , Minh có những đức tính không thể chấp nhận được như hút thuốc rất nhiều , uống rượu nhiều, làm thơ, viết lách chiếm nhiều thì giờ, dao du bạn bè nhiều quá, và nhất là tích cực làm những công tác xã hội, và sau cùng, anh xem đồng tiền quá nhẹ.

Thế mà sau này Minh được một người con gái chấp nhận cuộc đời anh, bao dung anh, dù trong hoàng cảnh nghiệt ngã hơn nhiều. Tôi chưa được gặp người con gái đó để tỏ lòng kính phục , vì cô ta đã thật sự đặt tình yêu thương lên trên hết, vì cô ta hiểu được chân nhận cái giá trị của Nguyễn văn Minh. Từ đó, tuy vẫn nghèo khổ thiếu thốn, nhưng vợ chồng anh sống rất hạnh phúc, và sinh được 1 đứa trai.Trong những thư anh viết cho tôi anh cho biết anh thương , quí đứa con trai không còn cách nào diễn tả hết được. Anh đang viết cuốn sách đề là “Đứa con đầu lòng”, bởi vì theo anh,.. trên cuộc đời này không có cái gì quí hơn đứa con trai đầu lòng.

Thế nhưng định mệnh ác nghiệt, anh đang chuẩn bị hồ sơ để đưa cả gia đình đi Mỹ, thì phát hiện bị ung thư yết hầu . Anh viết thư cho biết nếu đến Mỹ kịp anh hi vọng có thể chửa được bịnh. Nhưng làm sao hiểu được Thượng đế muốn gì. Sau đó 1 thời gian ngắn Minh qua đời .

Được tin Minh chết, tôi buồn quá. Minh ra đi bỏ lại những mộng ước chưa thành. Vợ anh viết thư cho tôi kể những ngày cuối cùng của Minh và 1 bài thơ cuối cùng của anh.

Tôi tưởng tôi không còn có thể khóc nữa, nhưng tôi đã khóc suốt mấy đêm, tội cho Minh quá, một cuộc đời nghèo khổ, vất vả nhưng rất nhiều mơ mộng, nhưng mộng chẳng thành, một mơ ước anh thường đề cập là in 1 tập thơ nhưng chẳng bao giờ thành đạt. Rồi anh phải bỏ lại một người vợ, nhất là đứa con trai anh quí nhất trên đời, đứa con trỡ thành 1 tác phẩm “Đưá con đầu lỏng”

Minh rất nhiều bạn, với người nào anh cũng đối đãi rất nhiệt tình, nhưng những người bạn thân gần gủi với anh như anh Chế Quân, người bạn giúp đỡ anh nhiều nhất, người bạn từ thuở còn rất nhỏ, anh Lê văn Nghĩa, anh Trần hữu Huy, Hà nguyên Thạch, Đinh hoàng Sa, Võ hữu Cảnh….Trong số này các anh Nghĩa, Sa, Huy đã qua đời.

Trong khoảng đời sau cùng Minh ở trong 1 cái nhà nhỏ trong 1 khu vườn rộng ở rất xa thành phố Sài gòn. Anh cho biết nhờ sự đảm đang của người vợ anh mới có được mái nhà anh rất yêu thích tuy ở xa Sài gòn.

Những tháng sau cùng, không còn đi lại được, vẫn sáng, vẫn chiều, vẫn tối, mọi vật đều nhàm chán , dửng dưng với anh. Rồi những ngày Tết đến, mùa Xuân đến, từ người đến cây cỏ đều đổi thay, khí hậu và vạn vật hình như cũng khởi sắc , cùng với con người trừ riêng anh.

Vẫn vạt nắng long lanh cùng gió mới

Lá xanh tươi vươn đón buổi khai mùa

Cây mai già trổ hoa vàng phơi phới

Giọng con cười thơm phức tiếng chào thưa.

Bịnh càng nặng, càng hành hạ đày đọa anh. Vợ anh cho tôi biết, anh chịu đựng quá sức, nhiều khi nghiến răng, nín thở, nước mắt chảy dài trên gò má, anh nhất định không rên la, không than thở, chẳng những không muốn để cho con biết, mà còn muốn dấu luôn với chị nữa. Nhiều lúc nhìn sự cố gắng gần như đứt hơi của anh để không rên la, chị khó chịu quá, chị nói với anh cứ rên lên đi, cứ la lên đi, cứ khóc lên đi may ra dịu bớt nỗi đau nhức, nhưng anh vẫn mấy ngón tay bám chặt vào thanh giường , nghiến răng nhắm nghiền mắt chịu đựng, không một tiếng thở than.

Ta trằn trọc suốt đêm dài đợi sáng

Dấu cơn đau vội vả mở tay choàng

Con lên tám mắt cười tròn khoan rạng

Mừng tuổi con ta chúc chóng lớn ngoan.

Gặp toàn những nghịch cảnh , những trở ngại trên việc sinh nhai. Là một người không có sức khỏe, lại gặp cuộc sống quá khổ cực, rồi lại thêm 1 vợ, 1 con, rồi trách nhiệm của người cha, người chồng, làm cho anh ngày càng chới với. Lòng tự ái của con người, lòng thương vợ con không làm cho anh bỏ cuộc, anh đã bán phở, bán hũ tiếu bên lề đường để nuôi con. Anh cần phải sống để làm việc, dù những việc lao động thấp kém nhất, nhưng định mệnh khắc nghiệt với anh, tử thần không tha anh. Vô phương cứu chữa, anh phải chết. Cái chết tiến dần , xâm lấn dần trong người anh. Thật là thê thảm , bởi vì đầu óc anh còn sáng suốt, còn minh mẩn, anh cảm nhận tròn vẹn nỗi đổ vỡ kinh hoàng của anh khi anh chết. Với anh , quả thật cái chết là 1 cái gì huyền bí, bí mật quá, khủng khiếp quá. Cái chết là một đám đen kinh hoàng đột nhiên chụp phủ lên người, rồi đưa đến những hậu quả thê thảm nhất. Và cuối cùng cái chết, là điều loài người không tránh được, liên tục xảy ra, ngoan ngoãn chấp nhận, nhưng không để lại một kinh nghiệm , một hiểu biết gì hết. Minh rùng mình chấp nhận và sợ hãi, vì một điều anh biết chắc là sau khi anh chết, cái gì đến với người vợ yếu, đến với con thơ anh. Anh không dám nghĩ tiếp, nhưng cái ý nghĩ kinh khủng ấy cứ xâm lấn trong đầu anh, cứ hiện ra rõ rệt như sờ mó được một vật thực trước mắt, vợ anh con anh triền miên trong cuộc đời khổ cực, cô quạnh heo hút

Đất dẫu cằn tre nguyện che măng mọc

Bổng vô tình định mệnh chém ngang vai

Tre bật gốc rồi gió mưa tới tấp,

Mẹ dìu con lầm lũi trọn đêm dài

Thưa thật, tôi choáng váng khi đọc hai câu thơ trên, và tôi khóc ở 2 câu dưới:

Tre bật gốc rồi gió mưa tới tấp

Mẹ dìu con lầm lũi trọn đêm dài

Tám chữ giản dị “Mẹ dìu con lầm lũi trọn đêm dài” là hình ảnh thê thảm nhất, là bức tranh u buồn nhất của đời Minh, là tiếng than khôn cùng, là 1 kết quả cực kỳ bi đát . Anh dùng chữ “ dìu” đắc thể quá, chính xác quá, bởi vì khi anh chết, trong hoàng cảnh cay nghiệt, vợ anh không đủ sức bảo vệ đứa con yêu quí nhất của anh, và con anh còn quá tấm bé, chưa có thể giúp gì cho mẹ. Cho nên mẹ không đỡ được con và con cũng chưa đỡ được mẹ, chỉ nương vào nhau , dựa vào nhau tức là dìu với nhau mà sống cho trọn cuộc đời còn lại đơn côi . Chữ “lầm lũi” cho chúng ta thấy hai mẹ con âm thầm sống trong lãng quên, trong cô đơn tăm tối : “Mẹ dìu con lầm lũi trọn đêm dài”. Rất nhiều người khi chết họ buồn thật vì là sự vĩnh biệt ngoài mong muốn, nhưng họ có thể an tâm tin tưởng con cái họ vững tiến lên, thế hệ kế tiếp sẽ tốt đẹp. Riêng Phan nhự Thức Nguyễn văn Minh quá mệt mỏi , không có một chút ánh sáng le lói nào ở tương lai, cho nên chỉ thấy cảnh đời ở tương lai của vợ con anh vô cùng tăm tối “lầm lũi trọn đêm dài”. Tôi đã khóc khi đọc câu thơ trên, bởi vì thật ra nó không còn ở lĩnh vực ngôn ngữ nữa, nó là tiếng khóc, tiếng than, nó là máu từ trái tim của Minh tuông ra rồi chết. Tôi đã đọc những lời thơ cuối cùng của cụ Phan bội Châu, của Cao bá Quát của Lê trung Đình, những lời ngang tàng, hùng hồn tin tưởng ở ngày mai, tôi cũng có đọc Cung oán, Chinh phụ ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh và cả Tự tình khúc, đó là những câu thơ hay thật, có khi bi đát thật, nhưng chưa có câu nào làm cho tôi phải khóc như câu thơ của Nguyễn văn Minh

Mẹ dìu con lầm lũi trọn đêm dài” …Anh Vũ Hồ ơi ! Trần thục Ngữ, Chế Quân, Võ hữu Cảnh, Hà nguyên Thạch …

Còn 4 đoạn 4 câu nữa, theo tôi là những câu thơ hay . Chúng ta thấy rõ cái thân phận của con người bị bỏ rơi bị đẩy ra ngoài lề của cuộc đởi. Vũ trụ, thời gian, vạn vật luôn luôn vô tình với sự sống chết của con người.

Trời đất mãi xoay vần nên chẳng biết

Xuân cứ về hoa nắng vẫn long lanh

Mai nở vàng cây đâm chồi lá biếc

Có ngờ đâu mạch đất nứt tan tành

Tre chưa già đành chờ ngày bật gốc

Cõi vô thường cõi độ lượng bao dung

Biến đất phì nhiêu bón măng mới mọc

Đóa tre xanh vươn trọn cuộc vô cùng

Thơ ta nguyện rạng từng lời khai bút

Con xếp làm tiền mừng tuổi đầu năm

Quấn quýt bên ta vẫn cười vẩn hát

Dẫu nan y bệnh nghe nhẹ ta nằm

Mặt trời lên chiếu măng đời ngà ngọc

Chim tập chuyền vừa thả một tin vui

Con hãy ra vườn cao tay hái lộc

Cắm vào thơ ta Xuân đỡ ngậm ngùi

Mạch thơ vẫn như còn rộn rịp, hồn thơ không phải của người sắp chết. Thế mà Nguyễn văn Minh đã thực sự vĩnh biệt chúng ta.

Viết khi nghe tin Nguyễn văn Minh qua đời

Nguyễn Liệu

Nguồn Quảng Ngãi Nghĩa Thục
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn