BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77531)
(Xem: 63340)
(Xem: 40787)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đời Ơi Tôi Khóc...

15 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1634)
Đời Ơi Tôi Khóc...
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Tôi khóc khi tôi bị kéo tuột ra khỏi bụng mẹ để chào đời. Mẹ bảo tôi khóc nhiều lắm, khóc đến tím cả mặt mày thân thể mới chịu im .

Lạ thật , mắt vẫn còn nhắm, tay chân quơ quào vô thức, dây rốn chưa được cắt...vậy mà đã khóc. Lạ hơn nữa, nếu không khóc, không chịu khóc thì sẽ bị bà mụ, ông đỡ xách ngược hai chân dựng ngược đầu xuống, vỗ vào mông, đánh vào đít, móc cả họng cho đến phải khóc, phải bật ra mấy tiếng tu oa !

Tôi không hiểu, cũng không đủ trí khôn để hiểu, để thắc mắc tại sao con người phải tu oa khi chào đời. Vì có lẽ cuộc sống kham khổ, công việc đa đoan, gia đình bận rộn nên không ai có thì giờ để giải thích cho tôi. Tôi quên bẵng đi theo thời gian cho đến khi khôn lớn, tôi nghe người ta thường than "Đời là bể khổ”, tôi mới bắt đầu có một khái niệm, một suy nghĩ về tiếng tu oa ấy. Tôi cũng đọc được từ kinh, sách báo Phật và tôi được giải thích. Tôi hiểu và tự nhiên đâm ra oán giận cái bà mụ đỡ đã lạm quyền đã đặt để cái số phận cay nghiệt tự đâu trên thân phận con người bằng cách xách ngược đầu, đánh vào mông, móc cả họng người ta ra để nghe cho có được mây tiếng tu oa kia. Phải không? Nếu không khóc, không tu oa thì đời đâu có khổ.!

Từ đó tôi như ám ảnh về một số phận oan nghiệt đang chờ tôi đâu đó ở những ngày sắp đến trong cuộc đời. Có thấy không người ơi, nếu không tu oa thì tôi đâu phải khóc khi bị đặt ở đầu gióng bên này (bên kia đầu gióng là em tôi) để người ta gánh chị em tôi đi tản cư trước năm 1945 để tránh giặc Pháp càn quét giết hại, để tuổi thơ tôi tung tăng theo làn đạn, tiếng bom của giặc, phải chui xuống hầm trú ẩn - nhiều khi mưa, hầm bị ngập nước đến đầu gối, chân hỏng trong nước với trùn, dế lềnh khênh .... tránh những làn đạn bay xé gió cắt cành cây làm lá rụng tơi bời ...

Rồi ngày gia đình tôi quày quã trở về quê cũ Qui nhơn trên mấy chiếc xe đò của Ba tôi vào ngày đình chiến, tôi những tưởng cuộc đời tư nay sẽ được bình yên hạnh phúc. Nhưng không, tôi lại khóc ngày gia đình tôi di tản năm 1973 .....rồi lại quay về. Lại hy vọng bình yên. Nhưng cũng không. Tôi lại khóc năm 1975 lúc gia đình tôi vừa đưa tiễn Ba tôi đến nơi an nghĩ cuối cùng cũng là lúc chúng tôi tất tả vô nam trên chiếc tàu Pháp sau những ngày thất lạc nhau tại Phan Rang trong hỗn loạn. Tôi ngước nhìn trời cao khi nghĩ ngày xưa gia đình tôi tản cư để tránh giặc Pháp, giờ này tàu Pháp giúp chúng tôi di tản để tránh giặc là kẻ thù của Pháp ngày xưa và của cả dân miền nam ngày nay .

Qui Nhơn - 1967


Tôi ngồi trên boong tàu cao mà ngẫm nghĩ thấy thấm thía cái vòng lẫn quẩn của cuộc đời và cái cay nghiệt là những con người đã đối xử tàn nhẫn với nhau trên tàu bởi miếng ăn, bởi cái đói, bởi lòng tham vô tận, bởi những trái tim không nhân ái... Nỗi ám ảnh hải hùng ấy không phai nhạt được với thời gian và trong tâm khảm tôi dù thời gian đã đi qua, qua rất lâu!

Và tôi đã khóc, khóc sưng cả mắt khi gia đình tôi tất cả trở về Qui nhơn, chỉ còn gia đình nhỏ bé của tôi ở lại Saigon - cư xá Thanh Đa. Tôi khóc như ngày mai không còn được khóc nữa khi vợ chồng tôi suốt đêm ngồi ngoà “ban-công” để bàn tính cách nào cho ba mẹ con tôi sống được với cái chế độ mới như sương mờ khói ảnh này. Chúng tôi gục đầu nhau mà khóc. Biết sống làm sao nếu họ trả thù . Và... "anh đi có về không" với hai đứa con chỉ mới sáu và bốn tuổi , không tiền bạc, không thân thích ở cái cư xá Thanh Đa mịt mờ xa lạ... Tiếng nức nở, tiếng thút thít nghẹn ngào hoà quyện khói thuốc vấn vương đến mờ sáng ...

Rồi tôi tiễn chồng tôi đi ở tù .

Con tôi ngây thơ tội nghiệp, ríu rít hớn hở như chim non nắm tay cha tiễn ra tận đầu ngõ Thanh Đa, không biết cha đi ở tù, vui cười dặn dò Ba đi chiều về nghe Ba, nhớ mua kẹo cho con nghe Ba. Chồng tôi đi thẳng không một lần quay đầu lại. Tôi biết anh không dám quay lại sau cái siết chặt vai tôi với môi hôn vội vã, nước mắt chúng tôi đã lưng tròng .

Và chúng tôi xa nhau từ ấy. .

Hình như không riêng chồng tôi mà cả miền Nam đều tin rằng chỉ đi cải tạo mười ngày. Tôi thì không. Tôi vừa làm muối sả, muối ớt, muối đậu, kho mắm ruốt, xếp áo quần mền chăn vừa nói mười ngày là mười năm đó anh ơi ! .

Mười ngày biền biệt, mười ngày mẹ con tôi ngóng trông, vẫn biền biệt bóng chim tâm cá. Tôi không thể tưởng tượng được chồng tôi giờ này đang ở đâu trên cái đất nước đau khổ này dù tôi đã lặn lội nắng mưa đi khắp nơi kể cả những nơi đóng quân của họ. Vẫn mù khơi sau mười ngày! Rồi một tháng, hai tháng, hai năm, ba năm, bốn năm....,tôi không thể còn tưởng tượng được chồng tôi đang ở đâu - nhìn đâu cũng không có!

Vào một buổi chiều tôi nghe có tiếng ai gọi bên dưới lầu tôi đang ở - ông phát thư . Có thư nè cô Oanh ơi! Tôi như bay xuống ba tầng cầu thang . Hụt hơi vì mệt và vì hồi hộp, tôi lại như muốn xụm xuống vì mừng - thư của chồng tôi Lê Quang Phú, tên Phú nằm ngay ngắn trên góc trái của bì thư !

Tôi lại khóc, khóc vì dù không biết nơi ở nhưng đã có tin còn sống. Nhưng lại khóc nhiều hơn khi lá thư với lời kêu cứu “anh muốn được chết bên mẹ con em, bên gia đình. Anh không muốn bỏ thây ngoài đất Bắc. Anh chỉ còn ba mươi tám ký ... "

Vậy là mẹ con tôi vội vã lo để dành, sắm từng món một thức ăn, thuốc men, quần áo....dắt díu nhau lên xe lửa ra Hà Nội, đổi xe lên Yên Bái - Cao Bằng thăm nuôi , mà tận cùng trong tâm tưởng không hình dung được nơi ấy là nơi nào trên bản đồ Việt Nam. Nhưng mẹ con tôi cứ đi. Đi thì phải tới . Đi với lòng hăm hở. Tôi một mình với hai đứa con nhỏ dại, với hai trăm ký lô thúc ăn, thuốc men, quần áo.....lặn lội trèo non, vượt suối băng ngàn, lê lết mười bốn cây số đường rừng với cơn nắng như thiêu như đốt, bụng đói mệt lã rả rời...(dĩ nhiên mẹ con tôi đi bộ!) Thương chồng, thương cha, chúng tôi ráng xách những nải chuối nặng trĩu đôi vai, đôi tay gầy bé nhỏ, khi đến nơi chỉ còn nửa trái vì quá nặng, quá mỏi mẹ con tôi đành phải kéo lê trên mặt đất !

Rồi mẹ con tôi cũng đến nơi sau năm ngày đi tàu từ Nam ra Bắc và một ngày đi bộ đường rừng. Mẹ con tôi suốt những ngày gian nan ấy chỉ ăn toàn khoai mì thay cơm vì khi đoàn tàu dừng lại tại các ga, những người bộ đội tràn xuống - loáng một cái không còn một thứ gì - cơm không đủ cho họ cả ngàn người. Mẹ con tôi làm sao mà chen lấn được với họ!

Tôi lo con sẽ bị bịnh nên nói với chúng để Mạ lấy lon sữa và gói mì cho hai anh em con ăn đỡ đói... Nhưng Mạ ơi, Ba ở tù khổ lắm, không có gì ăn đâu, để dành cho Ba ... Tôi ôm con nước mắt chảy dài. Biết trách ai đây hỡi cao xanh !

Gặp nhau mà chết đứng, mà nghẹn ngào. Nước mắt không dám tuôn . Bởi nắm tay, ôm nhau khóc là không được thăm nuôi. " Cớ sao lại khóc? Bộ cải tạo khổ lắm sao? Oán trách chế độ phải không? ". . Tôi đã dặn chồng đừng phạm nội quy của họ, bởi công khó của ba mẹ con không thể đánh đổi bởi những giòng nước mắt đáng ra được được tự do tuôn trào. Tự do đã bay theo mây gió tận đâu đâu rồi. Nên không được khóc hay ôm nhau. Nhưng chồng tôi đã can đảm cầm tay tôi ! Tôi hết hồn rút tay lại. Nhưng không kịp nữa rồi. Họ đã nổi giận, tiếng quát đã vang lên. Chúng tôi bị bắt buộc ngồi ở trên cùng gần sát cán bộ thay vì được ngồi ở dưới cuối bàn. Nói gì được nữa bây giờ ngoài em ráng làm việc nuôi con thay anh. Ba Mẹ anh em khoẻ hết phải không em... Anh ráng học tập tốt để mau về với gia đình. Chỉ chừng ấy là đã hết giờ thăm nuôi !!!. Tiếng người cán bộ quản giáo cất lên lạnh lùng vô cảm.

Chúng tôi nghẹn ngào đứng dậy và một lần nữa, chồng tôi đã bất chấp tất cả để cầm tay tôi nói anh yêu em và ráng nuôi con thay anh .

Nhưng có một nỗi đau làm xót cả lòng chúng tôi. Con tôi đã hất tay chồng tôi ra, trốn sau lưng tôi khóc, nhất định không cho cha chúng ôm bồng. Chúng tôi cố mấy con tôi vẫn nhất mực không" không, không phải là Ba mình. Ba mình đẹp trai lắm. Đây là ông đạp xích lô!". Chúng tôi cố nuốt nước mắt, nhưng nước mắt vẫn trào tuôn . Sự đau lòng này đã làm chạnh lòng người nữ cán bộ. Chị ta đã quên đi mình là cán bộ cách mạng phải không được nương tay với kẻ thù, phải nghiêm, phải xa cách, phải không được uỷ mị không được bộc lộ tình cảm. Người nữ cán bộ đứng chứng kiến hoàn cảnh đau lòng này chắc đã đánh động vào trái tim.... cách mạng của chị nên vội bước tới cầm tay con tôi với lời lẽ tôi không ngờ được thốt ra từ cửa miệng của một con người cọng sản - này cháu bé, đây là bố cháu đấy mà, cháu ngoan cho bố cháu ôm cháu đi nào...Nhưng con tôi vẫn nhất quyết không là không. Tôi thật sự mũi lòng, khóc và cảm ơn chị ta. Chắc chị cũng đã là mẹ !

Làm sao trách con hay la con được khi thấy cha mình như bộ xương ma, chỉ còn ba mươi tám ký, đội chiếc nón lá rách, tay chống cây gậy khập khiển đi ra và thời gian đâu chỉ mấy ngày, mấy tháng, vài năm, mà đã mấy năm rồi. Ra đi con tôi chỉ bốn tuổi, ngày gặp lại đã chín tuổi! Con tôi đã nhìn cha mình qua những bức hình ngày xưa ....

Chúng tôi đành chia tay nhau. Anh lầm lũi quay vào trại. Anh như chết đứng trên kia đồi nhìn xuống mẹ con tôi, không dám để tay vẫy xuống. Bóng anh mất hút bên kia đồi như không hề hiện hữu trên cõi đời này !

Mẹ con tôi quay về Nam với đoạn đường dài thăm thẳm như bước vào cõi địa ngục mà khi đi chúng tôi vì yêu chồng, thương cha nên không biết mình đang đối diện với cái chết bất cứ lúc nào, chỉ với cõi lòng háo hức, nôn nao, bồi hồi vì sắp được gặp nhau- cõi địa ngục với trộm cướp như rươi, tay dắt díu hai đứa con lội qua sáu con suối, một cái mãng gập ghềnh theo tay chống của anh Lộc (anh vui vẻ tự giới thiệu mình, biết chồng tôi. Anh hăng hái giúp mẹ con tôi khiêng đồ lên mãng và không quên thương xót tặng cho mẹ con tôi chén nước trà của anh mang theo kèm một lon ghi-gô cháo nóng . Tôi xúc động đến ứa nước mắt khi nghĩ mình được gặp lại Nước miền Nam thân yêu của mình đã mất. Tôi chỉ được gặp anh hai lần rôi mất hút. Không biết giờ này anh ở đâu. Cho dẫu thời gian đã không quay lại, nhưng tôi không bao giờ quên anh - Nước miền Nam Việt Nam mà anh là một phần thực thể. Tôi trăm năm cảm ơn anh đã cho tôi một niềm tin vào con người dù ở hoàn cảnh nào cũng còn có những người tốt và hãy đấu tranh để mà tự cứu mình, để sống .

Tôi lại khóc một năm sau đó khi giao đứa con trai mười ba tuổi cho người bà con đi vượt biên (mẹ con tôi cùng đi với nhau mấy lần trước nhưng không thoát). Nước mắt chảy hoài khi cầm tờ điện tín báo con đã đến Thái Lan bình yên! Hai mẹ con tôi lại lặn lội qua con đường địa ngục cũng với thức ăn, thuốc men, quần áo đi thăm chồng, thăm cha và cũng để báo tin cho chồng tôi biết con trai lớn đã vượt thoát được. Tiếng tiếng cười của chúng tôi như xé núi, xé mây, theo gió vang vọng khắp trời. Họ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt liếc ngang, quái dị - chắc chồng bà ấy cải tạo tốt nên họ cười vang thế !!!

Đêm hôm ấy, sau khi chồng tôi quay vào trại, cho các con ngủ yên, tôi ra ngồi cạnh bờ suối gần lán. Ánh trăng soi vằng vặc trải khắp núi rừng trong cái bao la tĩnh mịch của đất trời, bàng bạc hơi sương. Tôi như lạc vào một cõi không phải cõi trần gian tôi đang trú tạm - tôi bước vào cõi mơ một mình. Một mình tôi ngồi đây. Một mình. Một mình nghe tiếng thở dài của mình và của chồng bên kia đồi trong đêm.... Trăng ơi, đêm ơi hãy ôm tôi, hãy ôm lấy tôi cho tôi không khóc vì tôi ở đây chồng ở bên đó. Sao đành cho tôi là người vợ trẻ vẫn xuân thì! Tôi giật mình tỉnh giấc mơ khuya theo tiếng gió xạc xào len qua khóm lá. Tôi bỗng thấy một điều gì đó len nhẹ vào tâm tư bâng khuâng lo lắng. Tôi thảng thốt khi nhận ra rằng chồng tôi sẽ chịu đựng thế này được bao lâu nữa. Liệu tôi có còn kiếm được tiền để tiếp tục thăm nuôi thường xuyên qua con đường địa ngục khổ ải trần gian này? Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp ....

Như giàn dệt cửi, con thoi đưa theo bước chân đạp và tay đưa của người thợ dệt, tôi lắc lư trầm bổng theo tay đưa và chân đạp của thời gian và cuộc sống để nuôi con, nuôi chồng. Tôi đã khóc tức tửi hai tháng trời sau ngày chồng tôi đi ở tù, tôi vì cái chân cà nhắc vì bong gân và bị sẩy thai.

Khốn khổ vô cùng nhưng phải đứng dậy thôi Oanh!. Tôi đứng dậy và quên mình, quên mình là ai để bước tới phường xin đi dạy học xin vào tổ hộp đan len, mây tre lá, dệt thảm .....Nhưng "chị cứ về rồi chúng tôi sẽ báo cho chị biết sau nhé..." NHÉ đến mòn cả dép, đến chai cả mặt vẫn Nhé, tôi tuyệt vọng và bắt đầu sợ hãi thật sự. Làm sao đây, làm sao có việc gì làm để sống? . Làm sao ! ! .

Tôi ngu mà không biết. Ngu lắm, ngu không thể tưởng tượng được mình là thứ ác ôn, có nợ máu với nhân dân (Cảnh sát là thành phần bị cho là nguy hiểm nhất đối với chính quyền) mà đi xin việc ở phường. Mi có thấy mi ngu chưa ?

Không thể nào để cho con thoi nằm yên trên khung cửi, phải dệt cho xong cây vải cuộc đời! Tôi nằm im một ngày, rồi đứng dậy thay áo quần tươm tất đàng hoàng rồi nắm tay hai đứa con đi. Mẹ con tôi lang thang từ con phố này qua con phố khác, chân mỏi rã rời, bụng đói đến nhẹ tênh... Bỗng như một phép lạ, tôi nhìn thấy người bạn năm xưa ở Qui nhơn. Tôi mừng quýnh quáng như gặp Cha gặp Mẹ. Bởi đã mấy tháng qua tôi sống với những người xa lạ chung quanh, không dám tiếp xúc, không dám đến gần. Chỉ toàn xa lạ. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ với nước mắt vì chúng tôi là những người chạy giặc từ Qui nhơn vô Saigon tưởng không còn để gặp hôm nay sau một tháng lăn xả, tranh đấu tận cùng sức lực với hoãng loạn trộm cướp, hiểm nguy của buổi giao thời.

- Chị có làm gì không ?

- Không, chị không làm gì cả. Không biết làm gì thì đúng hơn .

Cô ấy cười .

- Vậy chị có tiền không ?

- Không, nhưng mà có. Có một chút xíu thôi có được không ? .

- Không được, nhưng thôi chị cứ ra em coi giúp cho .

Tôi cầm tay bạn mà run như năm xưa nắm tay người yêu lần đầu. Lần nắm tay này vì vui mừng mình được cứu sống .

Chúng tôi chia tay nhau hẹn gặp theo lời hẹn của bạn .

Tôi thu xếp lo cơm nước, ra bài tập cho hai con ở nhà làm, chiều về tôi kiểm soát. Dặn dò con nhất thiết không mở cửa cho ai vào nhà rồi tất tả ra xe lam đi Saigon. Trời hỡi, con đành phải cắn răng bỏ con ở nhà một mình không ai trông coi để đi kiếm miếng ăn, sự sống cho bốn người - một ở trong tù và ba ở ngoài tù .

- Chị đứng đây chờ em hỉ .

Tôi đứng chờ, đứng chờ, đứng chờ rục rã hai chân nhưng không dám bước ra khỏi cái vòng tôi tự vẽ để đứng. Nếu bước ra thì sự sống sẽ không còn ! .

Cô vẫn vẫy tay cười chào tôi mỗi khi ra vào căn nhà trước mặt có cái hẽm nhỏ vừa cho một người bước vào. Lạ quá , sao lại đi ra rồi lại đi vào, có khi một người, hai người đàn ông hay đàn bà len lén nhìn trước ngó sau rồi bước vô bước ra. Cô ấy vẫn cười nhìn tôi .

- Xin lỗi em để chị đứng chờ lâu. Chị đến đây em giới thiệu người quen để chị sau này có thể một mình tự lo được, có gì em sẽ giúp .

Tôi bỗng buộc miệng sau cái rùng mình. .

- Em ơi, chị không thể làm cái nghề này được. Chị cảm ơn em nhiều lắm hỉ. Chị chào em chị về .

- Chị nói gì vậy. Tại sao không thể làm được. Em dở thua chị mà còn làm được huống chi chị - nhưng em ơi, chị không thể .

Tôi chào bạn ra về, nhưng bạn đã vội nắm tay tôi kéo lại với ánh mắt không hiểu tôi muốn nói cái gì .

Sau một phút nhắm mắt như cố tìm lý do tại sao tôi chối từ lời giúp đỡ, bỗng bạn tôi túm lấy tôi "Á à, thôi em hiểu rồi. Chị nghĩ em làm nghề....tầm bậy hả. Trời ơi, không phải đâu, em bán thuốc tây lậu ! .

Tôi lại quýnh quán rối rít xin lỗi bạn về điều suy đoán của mình vừa ứa nước mắt .

Vậy là tôi gia nhập đoàn quân thuốc tây lậu từ đấy. Tôi bây giờ thật sự là con thoi đưa trên con đường từ Thanh Đa qua Saigon ngày hai buổi sáng tối. Tôi len lõi trong đám xuân xanh ấy với đầy đủ thành phần trong xã hội - bác sĩ, kỷ sư, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, có học, không học đủ, lao động chân chính, nhà giáo.... Con đường rất ngắn nhưng không ngắn cho cả mấy trăm con người đứng chụm lại từ các nẽo trên khắp mọi miền của miền Nam thân yêu - con đường ngắn chỉ có mấy trăm mét là thủ đô của người mất nước sa cơ .

Không lâu sau đó các con tôi ra phụ giúp Mẹ lấy hàng giao cho khách. Bóng nhỏ con tôi lọt thỏm trong dòng người hối hả tìm sống. Nói sao cho vừa nỗi khổ của con tôi ngày ấy. Tuổi thơ của con tôi đó, bữa đói bữa no trong vòng tay Mẹ ốm gầy, đã hết sức bơi trong dòng xoáy của của cuộc đời mới lạ không phải của mình để cứu chồng cứu con, cứu mình .

Trước lúc ra đi chồng tôi đã dặn, nếu không trở về quê cùng Mạ, anh chị em thì thôi hãy nấu nồi bún bò hay thúng xôi bán để nuôi con chờ anh về. Cho đến một ngày được phép viết thư, tôi kể cho chồng nghe tôi đang làm gì, chồng tôi mừng lắm. Tôi nghe trong gió có tiếng anh run rẩy reo vui. Anh căn dặn tôi hãy đóng cửa “pharmacie” cẩn thận trước khi ra về kẻo bị trôm! Tôi ôm tôi vừa khóc vừa cười- tôi gạt anh mà nào anh có biết. " Pharmacie de la hien " là cái nhà thuốc tôi xây trong không khí để gạt chồng, cho anh yên tâm mà ở tù. "De la hien" là mái hiên của người ta cho đứng nhờ, khi vui cho đứng khi buồn đuổi đi !

Bán thuốc tây là một tội trọng, bị bắt phải ở tù lâu năm. Tôi phải hết lòng cảnh giác với công an, kinh tế thị trường . Sự cảnh giác đi vào trong mơ với nỗi sợ hãi nếu chẳng may bị bắt thì ai nuôi con nuôi chồng giùm cho. Người ta gọi chúng tôi là lũ chợ ruồi- bởi công an thấp thoáng từ xa, ở đây đã như cánh đồng ma, không một bóng người. Công an đi thì không biết ở đâu lại vo ve tiếng người. Hú vía may quá không bị bắt! Không là ruồi thì là gì nữa hỡi anh .

Thôi suy mà chi, nghĩ mà chi , cứ sắm vai với quần áo người ta đưa sẵn. Quên đi, quên hêt đi dù có huy hoàng ngày đó. Tôi từ mang guốc, bị rượt đuổi ngày bao nhiêu trận, té lên té xuống, đổi guốc thành sandal. Sandal chạy kịp, còn chạy nhanh hơn nữa. Đời vui như câu hát cải lương khi ly biệt, khổ đau và đoạ đày. Tôi càng ca bài ca vọng cổ buồn khi nhân viên cũ của chồng tôi ra tận chợ trời sau mấy ngày đứng bên kia đường theo dõi tôi: "Bà hãy về nhà chứ không ai biết mình là ai đâu. Đứng ở đây sao tiện " .

À thì ra là vậy, các anh nghĩ chắc tôi muốn che mắt người chế độ mới- chính quyền mới thì đúng hơn- các anh nghĩ vợ chồng tôi ngày xưa ăn hối lộ tiền nhiều lắm thì đứng ở đây không tiện là phải. Tôi cười mếu máo, phải chi tôi có tiền thì tôi đâu có phải mặt mày nám đen nám đỏ, chạy bay cả giày mất cả guốc, thở như sắp chết, bỏ con cho cái nhà vô tri trông coi .

Đời là một vỡ kịch, đời kịch, kịch đời, tôi đâu có ngu mà đánh đổi cái giá quá đắt như vậy cho mẹ con tôi. Tôi thà chết chứ đâu dám đặt mình trong cái kịch đời đó .

Con thoi vẫn nhịp nhàng đưa dù có lúc chậm lại bởi cái tay cái chân mỏi, nhưng vẫn đều đặn ngày một ngày hai, tháng trước tháng sau, năm này qua năm nọ. Từ nhà ra chợ, về lo cơm nước, giặt giũ, tính sổ coi tiền lời tiền vốn, xong là một giờ sáng mới được nằm xuống cho cái lưng được giản ra, cho đôi chân được duỗi thẳng sau một ngày rã rời,.quày quả đi thăm nuôi một thân một mình lầm lũi như con chồn hương trong đêm. Mà cám dỗ thì túc trực chung quanh luôn mời gọi níu kéo không có lúc buông tha. Nhưng không, phải cương quyết đứng vững .

Tôi nghĩ đời không là một vở kịch thử nghiệm mà chỉ xin có được một số thời gian nào đó để mình hoàn thành ước nguyện. Tôi thử thời vận và thách thức số phận bằng một cuộc vượt biên đường bộ qua ngã Campuchia. Bị bắt gửi trả lại Vietnam sau khi chi tiền cho công an. Thời vận vẫn còn làm ngơ .

Chồng tôi đã được chuyển về miền nam, trại Z30D Hàm Tân - Thuận Hải. Lại bới xách hàng tháng. Nơi nào Nam Bắc cũng phải lo toan, tính toán - ba giờ sáng đã thức dậy để cho kịp chuyến xe với tay xách nách mang từ lầu ba xuống bến xe lam rồi qua xe đò ở chợ Bà Chiểu lấn chen.

Chồng tôi được thả ra thời gian sau đó.

Niềm vui chưa trọn thì tôi lại đưa chồng tôi vào vỡ kịch đóng nốt cùng tôi - hai cha con lại dắt díu nhau đi vượt biên. Bị bắt và được ở tù lại cho đủ... mười năm như tôi đã nói với chồng khi nghe thông báo của uỷ ban quân quản kêu gọi ra trình diện học tập cải tạo khi trước. Lại thăm nuôi miệt mài . Hai tội Nguỵ và phản động vượt biên như cơn lốc xoáy chồng tôi vào giữa, tung lên hất xuống rồi đổ ập xuống vai tôi . Cơn lốc chưa tan, tôi lại xông ra chống lại. Tôi nghĩ con người bao giờ cũng bị cuộc đời vùi dập nên khi trong hoàn cảnh nào ta xũng phải đứng lên, chen vào mà kiên định xoay trở, trở xoay ngay cả khi ta đón chờ niềm vui hoặc sự đau khổ săp đổ ập xuống đời mình, ta vẫn còn đâu đó tronng ta cái tình yêu cuộc sống thật nồng nàn và chân chất . Chính đó đã là cứu cánh trong ngày tháng mù mờ không định hướng, không hy vọng .

Tôi lại khóc tiễn con trai út đi vượt biên. Lại khóc lại cười khi nhận tin con đến Thái Lan bình yên. Trời Phật vẫn còn thương gia đinh bé nhỏ của tôi .

Tôi bởi không tin vào cộng sản, nên mới tìm đủ mọi cách để đưa các con và chồng ra khỏi nước trước khi quá muộn. Chương trình HO có đó rồi lai không . Không rồi lại có - mù mù mờ mờ như phỉnh như dụ mọi người. Tôi mệt mỏi theo dõi và ráng tin vào những bản tin của họ, của nỗi háo hức của những người là máu mủ ruột thịt của chính quyền miền Nam thân yêu .

Chương trình im như thó, hoàn toàn im. Vậy là chúng tôi lại ra đi. Và cuối cùng chồng tôi cũng thoát được qua Philippine. Đêm tiễn chồng tại cầu Bình Triệu, tôi đứng bên hông chiếc xe đò, với tay nắm lấy tay chồng nước mắt như mưa. Xe chạy, chồng tôi cố quay đầu nhìn tôi lần cuối. Rồi mất hút trong đêm. Tôi đứng chơ vơ một mình giữa trời khuya Bình Triệu hắt hiu ngọn đèn đường vàng võ . Trời hỡi, lần tiễn này có được như lần tiễn hai con? Tôi hoảng hốt, tôi chết điếng trong lòng. Không, tôi không muốn phân ly, chia lìa như thế này. Ai xui ai khiến và vì ai. Vì ai nên nỗi ! .

Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên cầu Bình Triệu một mình, lại một mình với trăng sao vời vợi trên cao, với con gió khuya bàn tay lạnh vỗ về tôi. Tôi khóc rưng rức vì thương cho chồng, cho con và thương chính cho thân tôi một mình thật sự đêm nay. Cái thân cò trắng làm sao có thể chịu đựng được những vùi dập lớn lao và đau đớn kia. Tôi ngồi ở mạn cầu cho đến khi nghe tiếng còi xe vang lên trong đêm cùng tiếng lao xao chuyện trò của người đi làm sớm .

Tôi giật mình thảng thốt. Trời sáng rồi! Về thôi. Giờ này chắc xe chạy đến Biên Hoà rồi. Về thôi. Một người thân quen khi nghe tôi kể chồng tôi đã đến Phi, người đã kinh ngạc kêu lên "Trời ơi , vậy bây giờ nhà có bốn người ở... bốn nước!” Tôi cũng giật mình thảng thốt vì nỗi nhớ, nỗi cô đơn đã đánh thức cái tôi lạnh lùng trong những mưu toan, tính toán cuộc đời như một trò chơi. Không ai tin bốn người tôi mỗi người một nước? Chắc không. Nhưng có đó. Con trai lớn ở Mỹ, con trai út ở Thái Lan, chồng ở Phi và tôi ở Việt Nam! Chuyện như cổ tích, như giấc mơ dài không thức dậy . Tôi đã nói rồi mà - đời vui như câu hát cải lương !

Đời ơi , tôi đâu muốn thế. Đâu ai muốn “thà tử biệt chứ ai lại sinh ly”. Tôi chỉ muốn được sống như xưa của tôi - như xưa có cha có mẹ có anh có chị có em, quay quần hạnh phúc bên nhau. Tôi đâu muốn thế này. Nhưng tôi phải sống, đấu tranh cật lực để mà sống như một diễn viên trên sân khấu, tôi sắm đủ mọi vai tuồng với trái tim đầy nhiệt huyết để giữ vững niềm tin nhất định. Nhất định một ngày nào đó ta sẽ đạt được, hoàn thành mông ước của mình. Chưa biết bao giờ nhưng nhất định sẽ được.

Và trong cái mơ hồ chập chờn của tâm thức, của trái tim dẫu đã bị xói mòn bởi nhọc nhằn, đói khổ vẫn còn đó niềm tin vào tôn giáo rất mãnh mẽ. Mạnh mẽ đến nỗi tôi cho rằng tôi xin là được - cho chồng cho con, cho tôi được an bình và niềm tin của tôi đã được Ơn Trên nghe thấy .

Chỉ có điều tôi nghiệm ra rằng con người được sinh ra với tiếng khóc thay cho tiếng cười đã là một biểu hiện của khổ đau nhất định. Cái biển trầm luân con người phải có để trầm mình mà chơi với số phận! Số phận không giống nhau nhưng ràng buộc khó thoát có khi tưởng như không thể mang vác nổi. Không mang vác nổi thì kéo lê kéo lết. Không mang nổi thì buông, buông thì ... không buông. Kéo số phận trên đôi vai gầy ròm rõi mà đi dù số phận nặng lắm số phận ơi !

Tôi khóc nhiều nhưng tôi hạnh phúc và sung sướng bởi tôi đã hoàn thành cái trách nhiệm của một con người được sinh ra, được đặt vào một thế giới không phải của mình. Một thế giới bị choáng đầy lừa lọc, dối gian đầy cạm bẫy của những người nói cùng một thứ tiếng.

Nhưng giờ đây tôi đang ở trên chín tầng mây, mười tầng gió. Tôi chao lượn, len lõi trong khóm lá cành cây, trên muôn hoa vàng rực rỡ.

Gió ơi, mây ơi, chim chóc ơi... hãy về đây cùng hát với ta, cùng nhảy múa quay cuồng với ta và hãy lắng yên một chút để nghe ta nói: "Ta đã hoàn thành mộng ước của ta. Các ngươi có nghe ta nói không, ta nói ta đã được các con bão lãnh và gia đình ta đã sum vầy đoàn tụ một nhà sau hai mươi năm chia lìa xa cách. Có ai nghe không? Hai mươi năm biền biệt nay một nhà. Hai mươi năm chứ không phải hai ngày hai tháng hai năm đâu nghe .....

Tôi nghe gió cười nghiêng ngữa cùng hoa, cùng chim chóc, cùng nắng ấm hanh vàng tựa như mùa Xuân trên quê hương thân yêu xưa ......

Nước mắt tôi, tôi khóc. Nhưng giờ này nước mắt tôi biến thành những giọt mưa Xuân tắm rửa bụi trần, tắm rửa nỗi nhọc nhằn, cô đơn và chờ đợi dù đã qua một nửa đời người, của tôi .

Đời ơi tôi khóc. Lần cuối của một thuở xa xưa và hôm nay.

HUỲNH THỊ KIM OANH - (Vợ K1 Gà Tre Lê Quang Phú)
Nguồn Cảnh Sát Quốc Gia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn