BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiều Văn Nghệ Do Hội Cựu SVQG Hành Chánh Tổ Chức - Những Điều Xúc Động Bất Ngờ

05 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1091)
Chiều Văn Nghệ Do Hội Cựu SVQG Hành Chánh Tổ Chức - Những Điều Xúc Động Bất Ngờ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cuối tháng 4, hình như còn lưu luyến muốn giữ mùa Xuân ở lại, những cơn gió mang khí lạnh thổi đều trên các hàng cây dọc đường miền Nam California làm cho các tàng lá rung động mạnh, và khơi dậy bao kỷ niệm êm ái trong các trái tim lãng mạn. Ngày xưa ấy, những buổi văn nghệ chỉ có một sân khấu đơn giản, không trang điểm nhiều và những tiếng hát trầm ấm hay vút cao của các ca sĩ chỉ được lan qua những chiếc “microphone” thô sơ, làm thiếu đi tiếng vọng ngân dài như thời hiện đại. Tuy nhiên, các buổi văn nghệ ấy lại khắc sâu vào tâm khảm người nghe mãi cho đến bây giờ, không suy chuyển mấy vì đó là tiếng hát quê hương.

Đã tưởng sẽ không còn được hưởng những giây phút trầm lắng ấy nữa, nhưng khi đến nghe chiều văn nghệ do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh tổ chức tại hội trường VNCR, đường Moran, con đường báo chí Việt Ngữ, thuộc thành phố Westminster, ngày Chủ Nhật 26 tháng 4 năm 2015, để tưởng niệm Tháng Tư Đen, người mang nhiều tâm sự sẽ lại thấy những tình cảm xưa cũ trào dâng, và có lẽ cao và thấm sâu hơn xưa nhiều, bởi đây không phải là một buổi văn nghệ bình thường, chỉ hát cho nhau nghe, mà là một buổi văn nghệ đặc biệt có một tư tưởng chủ đạo: “Tưởng niệm 30 tháng 4 và 40 năm nhìn lại”! Những bản nhạc, những tiếng hát sẽ được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ những ngày đất nước yên bình đến chiến tranh, rồi xa quê, rồi thương nhớ, uất hận, để cuối cùng là lòng tự tin của người dân Việt dâng lên, hứa hẹn sẽ cùng nhau trở về đất Mẹ trong sự vinh quang của lá cờ Tổ Quốc.

Điều đáng nói là sự trình bầy công phu trên sân khấu cũng như trên bức tường đối diện cửa ra vào do đồng môn Ngô Ngọc Trác chuẩn bị đã nói lên tinh thần của những đứa con tuy xa quê vẫn một lòng nhớ đến đất nước: một lá đại kỳ 8 feet giăng ngang, như chào đón những đứa con yêu của tổ quốc, và trên sân khấu, bức hình lớn gần 5 feet, “Tượng Tiếc Thương”, ghi lại cảnh người lính ngồi với cây súng trên đùi đang dõi mắt xa xăm làm cho nhiều khán giả chợt thấy chân khựng lại. Rồi những Youtube, Slide Show các hình ảnh thân thương của Saigon, của Việt Nam yêu quý, thích hợp với từng tư tưởng của các bản nhạc được trình bầy, khiến khung cảnh hội trường như mờ đi, biến thành một nơi nào không thật. Khán giả vừa nghe, vừa nhìn, vừa thấm nhập vào âm thanh của lời ca, và tiếng đàn của đồng môn Nguyễn Phú Hùng, người nghệ sĩ không chuyên nghiệp, nhưng chơi đàn với tất cả tâm hồn mình, thấy thân thể mình như lang thang, mờ nhạt trong không gian xưa cũ, nhớ lại tháng 4 Đen năm ấy… hãi hùng, tuyệt vọng, và đau đớn như trái tim đã bị nứt ra tan tác…


Chiều văn nghệ.



Chương trình khai mạc với những nghi lễ chào cờ, mặc niệm do đồng môn Phạm Đức Thạnh hướng dẫn một cách nghiêm trang. Sau đó, đồng môn Ngô Ngọc Vĩnh giới thiệu Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Trần Bạch Thu chào mừng quan khách tham dự, rồi tiếp theo là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trần Ngọc Thiệu đọc bản Lên Tiếng, “Trong suốt 40 năm qua, bằng lừa dối và bạo lực, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thất bại hoàn toàn về mọi mặt; nhất là về chính trị, kinh tế, giáo dục, và ngoại giao. Trong khi dân chúng ngày càng lầm than khốn khổ, một giai cấp mới “tư bản Đỏ” lại xuất hiện từ phe nhóm đảng viên lãnh đạo, đang sống xa hoa phung phí với nhiều tài sản khổng lồ hàng tỷ Mỹ kim do tham nhũng, bóc lột, buôn dân bán nước... Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 và Thỏa thuận Thành Đô năm 1990, đã lột trần tội phản quốc của nhà cầm quyền Hà Nội.” Do đó, Hội kêu gọi “đồng bào trong nước kiên trì đấu tranh” trong khi đó, “hậu phương hải ngoại tích cực yểm trợ tiền tuyến trong nước hoàn thành sứ mạng cứu nước.” Bản Lên Tiếng này, một lần nữa, khẳng định lập trường của các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, những người từng phục vụ trực tiếp cho chế độ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Ngay sau Bản Lên Tiếng, không một phút “thời gian chết”, chương trình âm văn nghệ bắt đầu dưới ánh đèn mờ vừa đủ soi dung nhan các ca sĩ đang cất tiếng hát bằng cả tâm hồn mình. MC Đặng Mạnh Hùng và “Stage Manager” Nguyễn Văn Sáu đã dắt khán giả cùng trở lại những ngày còn yên bình với bản “Bức Họa Đồng Quê” của Văn Phụng do ban hợp ca Thu Vàng trình bầy, rồi đột nhiên vui tươi hẳn lên qua bản “Ghé Bến Saigon” do Lâm Dung, Ngọc Quỳnh trình diễn, làm người nghe bồi hồi như đang đặt chân lên đất Saigon thân yêu với chợ Bến Thành, với Nhà Thờ Chính Tòa và Thảo Cầm Viên êm ả. Cũng từ sự hội ngộ của người Saigon, người khắp nơi trên đất miền Nam, dòng nhạc lại nhắc chúng ta về tinh thần dũng cảm của dân Việt qua bản “Hội Nghị Diên Hồng” do ban Phố Núi Pleiku trình bầy.

Lịch sử sang trang. Bầy chim bỏ xứ ra đi, tung đôi cánh đi tìm Tự Do, chờ ngày phục hận. Khi ra đi, hành trang chỉ là trái tim nứt vỡ, và tiếng hát nức nở của Túy Hoa với bản “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển”, làm cho không gian như đọng lại, như âm u với những con người liều chết biển Đông, thà làm mồi cho cá, còn hơn làm nô lệ cho Cộng Sản. “Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn. Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương. Anh chôn, chôn mối tình chúng mình. Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương

Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non”. Để rồi, sau khi đến được bến bờ Tự Do, từ phương xa ấy, bên kia biển Thái Bình, người xa quê lại ngào nghẹn nhớ về những ngày xưa thân ái và họ gửi tâm hồn qua bản “Tình Hoài Hương” do Bích Huyền trình bầy. Với giọng ca thiên phú, Bích Huyền đã làm cho những con người có mặt trong phòng sinh hoạt như mê đi, trôi đi, bay đi trên những đám mây mơ mộng, nhớ nhà... Sau tiếng hát phiêu lưu của Bích Huyền, đột nhiên giọng ca của Kim Yến cất lên, dào dạt, vừa tràn đầy sức sống vừa xót xa, nức nở qua bản “Một Lần Miên Viễn Xót Xa”.

Và, sau khi tiếng hát Kim Yến ngưng lại, khán giả lại có dịp xem lại hình ảnh mình qua một “clip” phim tài liệu do anh Hội Trưởng Trần Bạch Thu sưu tầm, nói về những chiếc thuyền vượt biên mong manh, như chiếc lá giữa biển khơi, những thân xác phụ nữ, thiếu nữ èo oặt lả đi như xác chết, được khiêng, dìu, bế lên bờ Tự Do, và những cặp mắt trẻ thơ ngơ ngác, vì vừa chết đi, lại sống lại.Tiếng khóc chia lìa đứt đoạn. Tiếng gọi trong hư không. Hai bàn tay chắp lại vái lấy vái để tứ phương cho ai? Cho người thân đã lìa đời trong đau thương, uất hận? Cho đất mới, trời mới? Cho cả dân Việt đang chìm đắm trong bể khổ Cộng Nô?

Rồi các tiếng hát lại tiếp tục. Người kể chuyện lần này là Ngọc Hoa, cô đã kể lại chuyện “Chiếc Cầu Đã Gẫy” trước tấm “slide” về một chiếc cầu thân thương từng nâng các bàn chân Việt Nam đi qua. Từ sự nhớ lại cây cầu, mà Thanh Nguyên, giọng ca Soprano hiếm quý, ma mị, dẫn người thưởng ngoạn trở về tâm sự của người “Xa Quê Hương”, “khi bước chân đi, trên bến chia ly.. cánh chim lướt bay ngàn lối… xa bóng quê hương, đi tới muôn phương… lắng nghe lá khô, người ơi!” Rồi “Hận Ly Hương” do Ngọc Quỳnh tiếp nối làm cho tình cảm người nhớ quê càng thêm chua xót.


Chiều văn nghệ.



Để trả lời cho lời hát đẫm nước mắt của người xa quê ấy, thì người ở lại, không giống như những ai mong nhận quà từ nơi xa xôi ấy, người nhạc sĩ Trần Quang Lộc,còn ở Saigon, lại viết thư trả lời thư của người em ở xa, không muốn nhận quà của em, vì em không thể nào cho anh được những gì anh đang thiếu thốn: sự Tự Do, và Tình Cảm chân thật của con người. Đồng môn Phạm Đức Thạnh làm cho người nghe bồi hồi với bản “Trả lời Thư em”: “Sài Gòn giờ đã thay tên. Cũng như em đã đổi họ năm nào. Sài Gòn vui buồn dấu trong tim. Chỉ biết thương nhau bằng ánh mắt nhìn. Sài Gòn bây giờ sống hôm nay, còn sáng hôm sau hỏi lại ơn đời. Sài Gòn quen dần bước chân xiêu. Chỉ biết nuôi nhau bằng nụ cười héo hon …”

Vì thế, mà “Em vẫn mơ một ngày về”, Lâm Dung thay mặt cho nhiều tâm hồn, nhất định rằng sẽ có một ngày em trở lại quê hương, nối lại tình thân khi trước. Vừa khi tiếng hát dịu dàng của Lâm Dung ngưng lại, chợt giọng ca trầm ấm, trữ tình của đồng môn Huỳnh Nhân Hậu bỗng xót xa, “Đêm nhớ về Saigon”: Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa. Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa. Ai sầu trong quán úa? Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song. Mắt người tình một trời mênh mông. Gợi bao nhiêu cho cùng.. Yêu me một khối tình quê. Yêu em từng bước tình si. Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về..”

Đang lúc lãng đãng bềnh bồng, chợt những tiếng hát hợp ca hùng tráng của ban Tù Ca Xuân Điềm dồn dập cất lên bài “Tổ Quốc Nghìn Năm”, thay thế hàng trăm ngàn tiếng chân dội trên đất, gọi Mẹ Việt Nam dang tay đỡ những đứa con đang trôi nổi phương xa.

Nói đến Mẹ…Trời ơi! Nhớ mẹ hiền quá đỗi! Nhớ con sông hiền, nhớ hàng tre cũ, nhớ tiếng sáo diều, và nhớ giọt nắng bên thềm. Nhớ và nhớ. Đang lúc nhớ tận cùng đó, tiếng hát Liêu Trai của Bích Thủy lại cất lên, người ca sĩ kể lại “Đêm Nhớ Trăng Saigon”: “Đêm về trên chiếc xe qua. Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hành Xanh. Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè. Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do. Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè. Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường…”

Từ nỗi nhớ đó, mà có lời hỏi thăm người còn ở lại quê xưa. “Ai trở về xứ Việt, Thăm giùm ta, người ấy ở trong tù. Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc. Thay giùm ai, màu trời âm u..” Người hỏi thăm là ca sĩ Vân Phương, thuộc gia đình Quốc Gia Hành Chánh, muốn chuyển một bức thư cho những kẻ bất hạnh, không được hưởng không khí Tự Do, và muốn chia xẻ một phần tâm tư của kẻ xa quê hương cho người ở lại biết rằng vẫn có hàng triệu trái tim còn chung nhịp đập với nhau.

Rồi Ngọc Quỳnh và Lâm Dung lại trở lại, cùng hát vang bài “Tiếng Gọi Phố Phường”, để chuẩn bị cho đồng môn Trần Văn Lương tha thiết gọi: “Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này.Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài. Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.

Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền. Vì đất nước đang còn ưu phiền.

Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên…” Bản “Đêm Nguyện Cầu” do đồng môn Nhạc Sĩ Trần Văn Lương đã mời gọi ngay mọi đồng môn có mặt lên hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, chấm dứt buổi chiều văn nghệ đầy xúc động, luyến lưu và nhớ tiếc khi hội trường vẫn còn gần đầy người tham dự. Tất cả đều mong một ngày quê hương sạch bóng quân Cộng, để tình cảm của toàn thể dân Việt, tại hải ngoại cũng như ở quê nhà được chan hòa trong một tình yêu duy nhất: Tình Yêu Tổ Quốc Việt Nam bất diệt.

Chu Tất Tiến

Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn