BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77532)
(Xem: 63340)
(Xem: 40787)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gã sinh viên Luật nửa mùa

05 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1653)
Gã sinh viên Luật nửa mùa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
( gửi Trường Luật và những người Luật Khoa )

“cũng đành thương lấy một thân

văn chương nửa chữ nông dân nửa cầy”. (ng.tự)

Việc tôi đỗ đượcTú tài II năm 1966 và sau đó ghi danh học tại trường Luật Khoa Sài gòn chừng như là cả một biến cố trọng đại trong cuộc đời tôi. Không gì thì cũng bắt đầu là một sinh viên năm thứ Nhất ban Cử nhân chứ chơi sao. Ấy, chả là bố tôi vẫn thường hay nói gia tộc nhà tôi không phát về khoa bảng, may ra thì cũng chỉ dừng ởTú đơn Tú kép mà thôi, và lá số tử vi của tôi thì chẳng ăn được một cái khoản cỏn con nào nơi đường khoa cử hoạn đồ cả. Không biết sự thật là như thế hay chỉ tại vì thấy ông con mình từ khi bắt đầu to xác một chút, cứ lơ ma lơ mơ làm sao ấy trong việc học hành nên bố tôi đã phải nói hờ sẵn vậy cho chắc ăn để khỏi thất vọng sau này. Bố tôi cũng còn vớt vát rằng thôi thì có thêm được tí chút chữ nghĩa nào cũng là tốt, chỉ cốt nhất đừng để cho ai có thể khinh mình, cho dù họ chẳng ưa thích gì mình. Có lẽ cứ đinh ninh là vậy nên cái điều này nó đã ám vận thật sự vào tôi thì phải. Và rồi kết cục thì cũng được hơn hai năm ngắn ngủi, chữ nghĩa nhà Luật còn dở dở ương ương, tôi lặng lẽ chào thầy giã bạn mà rời trường và chỉ là cái nhà anh sinh viên Luật nửa mùa, không thể nào đi hết được con đường tình ta định đi như sự hớn hở dự trù ngay lúc đóng tiền nhận lấy tập Cours dầy cộp mới tinh, còn thơm mùi mực trong ngày đầu tiên ở trường Luật… Tuy vậy, cứ tưởng rằng cái sự nửa mùa ấy chỉ là chút gió thoảng mây bay vèo qua đời mình rồi xong ngay vậy thôi, nào ngờ đâu vẫn lại là nguồn cớ dây mơ rễ má vương vấn với bao con người Luật Khoa khác, theo tôi suốt bao tháng năm đi lên đi xuống, cho đến tận bây giờ,nhiều khi là những kỷ niệm ân tình ơn nghĩa khó quên là khác. Cái sự nửa mùa nhà Luật của tôi và cái sự vương vấn ấy nó tuần tự nhi tiến thế này đây, xin được thưa lại bằng những nhớ quên theo với tháng năm…

*

Nhẽ ra cứ như tôi theo bên Văn khoa thì đời tôi có thể khác đi được chăng, vì mấy ông bạn giời đánh đã luận bàn cho tôi rằng một con người sớm có tí chút hơi hám tài hoa văn chữ như tôi, từng có thơ truyện đăng báo từ hồi đệ Nhị, dù chỉ là trang Văn nghệ cuối tuần của Nhật báo, và là chuyên gia viết thư tình thuê, làm luận văn mướn cho bạn cùng lớp thì việc nên học Văn khoa là rất phải đạo rồi,cần gì phải suy nghĩ tính toán gì nữa. Thật sự, khi vừa có kết quả kỳ thi Tú tài II, tôi cũng đã cầm trong tay quyển Đường vào Đại học , xoay qua lật lại trang trước trang sau nhiều lần đấy chứ. Thế nhưng những nẻo đường các ông anh đi trước đã tận tình hướng dẫn trong ấy thơm tho và ngát hương lắm, chừng như không có chân bước cho một con người chí cùn lực cụt, học hành thì ngơ ngáo bốn chữ ra mới có ba chữ vào như tôi. Mà nữa, cứ nghĩ bụng, có tí chữ vặt thì ăn được ai, văn chương chữ nghĩa nhà trường thứ thật đâu phải chuyện chơi. Vậy thôi thì cứ Luật khoa cho chắc ăn và xong việc, có lẽ quanh đây chẳng riêng mình. Với lại ngành Luật cũng ác liệt lắm chứ đâu phải chỉ là dành cho loại chuột chạy cùng sào như tôi. Tôi cũng tự an ủi rằng chắc tại anh chị em trong nhà vẫn cứ cho tôi là đứa hay cãi mà lại cãi chầy cãi cối và lý sự cùn nữa nên đã vô tình đưa đẩy tôi thập thò nơi con đường Duy Tân cây dài bóng mát ấy chăng. Rườm rà huê dạng một chút như vậy cho ra vẻ ngon lành về cái việc do đâu mà tôi đi học Luật…

Chẳng biết cái tật đầy chơi,vơi học của tôi thuộc loại nết đánh chết không chừa cứ giữ cùi dừa bánh đa hay sao mà hồi vừa lên đệ Thất ở trường Nguyễn Khuyến ngay ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, thì cùng với việc làm quen những con số của Phương trình bậc nhất, tôi cũng thông thạo luôn cả cái việc tính toán từng đường cơ nơi mấy bàn bi da bên kia đường. Rồi thì tiếp theo những năm tháng sau đó nữa của cuộc đời, vừa mới nhi nhoe được cái nhãn hiệu sinh viên cà tèng, còn đang bắt đầu đánh vật với đống cours dầy đặc chữ nghĩa lạ hoắc, rối tinh beng… Pháp chế sử, Luật Hiến pháp,Quốc tế công pháp, Dân luật, Kinh tế…tôi cũng đã quen dần luôn cái việc cứ dăm ba buổi là phải tạt qua cà phê Pasteur ngồi phì phèo dăm ba điếu Bastos đờ luých, mắt thì lim dim mơ màng để mà nghe ông Đoàn Chuẩn – Từ Linh Gửi gió cho mây ngàn bay, không thì cũng là Lá đổ muôn chiều, Thu quyến rũ, Tình nghệ sĩ hay Chuyển bến …gì đấy. Quanh quẩn cứ thế chả thấy chán. Rõ thật tuổi trẻ lãng mạn quá xá, nhiều hôm quên cả giờ quay lại giảng đường là chuyện thường. Chừng như cái việc cứ phải cà phê cà pháo là một thứ ma lực truyền nhiễm hay lây khó hiểu nào chăng đối với những nhà anh mới lớn như tôi vào thời đoạn này. Cũng may lúc ấy chưa thịnh hành lắm cái nhà ông Trịnh Công Sơn như vài năm sau đó…

Nhiều lần ở đấy, tôi còn ra vẻ lõi đời điệu nghệ hơn khi ngậm cái pipe Dunhill cũ, đã thuổng được của bố mình,lừng khừng phun khói cối thuốc 79 trộn Half and Half thơm lừng cả quán, cứ như là một ông văn nghệ sĩ thứ thiệt không bằng. Cũng may, chung quanh toàn người tử tế, không có người anh em giang hồ nào để mà bị coi là làm ngứa mắt nhau. Của đáng tội,làm dáng cho ra vẻ như vậy thì cũng chỉ vì cùng thời gian này tôi đã có chút giao kết thân tình với mấy ông bạn hơn tuổi làm thơ viết văn như Nguyễn Mai, Tô Duy Khiêm, Phan Lạc Giang Đông, Phạm Thiên Thư, Phổ Đức…và tham gia tí tỉnh văn nghệ báo chí với các huynh đệ bên ngoài ở bán nguyệt san Quần Chúng, từ bộ cũ với Trần Nguyên Sơn , Hoàng Thụy Kha, Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Văn Đệ …và nhóm anh em bên Việt Tấn xã, rồi đến bộ mới chuyển đổi sang Văn học – Thời đàm với các anh Cao Thế Dung, Khải Triều, Chu Vương Miện, Bùi Đức Uyên, Đỗ Đức Thịnh…

Và rồi cũng với cái nhãn hiệu sinh viên Luật, dù là hạng bét, chừng như tôi cũng mạnh dạn hơn lên khi la cà chỗ này nơi nọ.Nhiều nhất và thường xuyên là khu triển lãm nhà tiền chế trống trơn còn để lại khi đã chấm dứt thời gian trưng bầy từ nhiều năm trước đó, nằm sau lưng trường Văn Khoa cũ, lọt thỏm trong tứ giác Gia Long, Công Lý, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực. Ở đấy là nơi đóng quân của Ban Văn nghệ SVHS Nguồn Sống(Hoàng Cơ Trường), góc bên kia là CPS (Chương Trình Phát triển Sinh Hoạt Học đường),có cả Du ca nữa thì phải và rất nhiều thứ khác nữa, tôi không nhớ hết. Nhưng tôi vẫn nhớ ở nơi đấy hàng ngày, nhất là chiều tối đều tưng bừng rộn rã những trận đấu Bóng chuyền thân hữu, tiếng Guitar bập bùng những nhịp điệu tươi trẻ và những bài dân ca hay những bài hát Sinh hoạt tập thể quen thuộc khi ấy. Tôi cũng còn nhớ dẫy nhà gần phía cổng đưởng Gia Long là nơi chỗ trú ngụ của rất nhiều ông sinh viên bụi đời, vô cùng máu me thơ văn và đa phần gốc tích trên cao nguyên hay từ miền Trung phiêu bạc vào, như ông Hoàng Ngọc Tuấn chẳng hạn. Cũng kế cận đấy có cái chòi lá dựng tạm bợ giữa sân, là nơi hình thành quán cà phê Văn, mở cửa vào buổi tối (khi thành lập, tôi nhớ dường như mỗi cổ phần đóng góp là 500 đồng thời giá lúc ấy). Có lẽ đây là chỗ bắt đầu xuất hiện dòng nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly cùng với Ca khúc Da vàng đã làm vàng da một thời tuổi trẻ và một thời đạn bom…

Tôi cũng có thêm nhiều mối giao hảo thân tình mới bên Văn Khoa với các anh Bùi Đức Uyên, Đỗ Đức Thịnh, Đào Trường Phúc… và Quốc Gia Hành Chánh với Đinh Quang Tuệ, Hà Vĩnh Yên, Phạm Trần Anh, Nguyễn Tầm…. Tôi cũng có lui tới sinh hoạt chỗ Sinh viên Công Giáo tại Trung tâm Phục Hưng ở đường Nguyễn Thông với Linh mục Tuyên úy Nguyễn Long Tiên, nhưng không duy trì được thường xuyên cũng chỉ vì cái tính tật nửa vời ăn mày khốn khổ,chứ nếu mà cứ đều đặn náu thân ở nơi đây thì việc học hành may ra đã có thể được cứu rỗi…Thôi thì thôi chỉ là vậy thôi, thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi…

*

Quay trở lại với trường Luật là nơi ghi dấu sâu đậm một thời tuổi trẻ tôi dù ngắn ngủi, với biết bao kỷ niệm êm đềm, những hình ảnh, từng buổi sinh hoạt,khuôn mặt những bạn hữu thân yêu. Ngoài những buổi chăm chỉ ngồi nghe giảng, ghi chép bài vở trong cái Giảng đường luôn luôn ken kín người như một xuất chiếu phim ăn khách và được nhập tâm những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn đầy lôi cuốn, nơi những ngày tháng khởi đầu ấy, để rồi sau này đã giúp ích cho tôi thật nhiều. Tự nhiên tôi thấy yêu mến và gần gũi với cái vẻ cũ kỹ đã qua những năm tháng thời gian dài của ngôi trường , lối kiến trúc cổ xưa hơi nặng nề , những bức tường vôi vàng ệch nhiều chỗ loang lổ ố xỉn. Nhiều hôm không còn giờ học của năm thứ nhất, chung quanh im vắng lạ thường. Tôi đi tha thẩn qua những hành lang,từng khung cửa im lặng. Bên trong thư viện, những sinh viên lớp trên ngồi cặm cụi ghi chép.Có lần tôi vào ngồi trong cái giảng đường nhỏ nơi góc khuất ở dẫy cuối. Nhìn lên bảng đen to đùng trước mặt, chung quanh là những dẫy bàn ghế lặng thinh cũ mèm, trong thứ ánh sáng yếu ớt của mấy bóng đèn trên trần, tự dưng tôi liên tưởng đến một ngôi trường tiểu học nào đó trong sách Quốc văn giáo khoa thư. Tình cờ sau này đọc tiểu sử Trường mới được biết thời Pháp thuộc, nơi đây đúng từng là một trường học, một trường tiểu học … Nhiều hôm ,cứ như một anh học trò cả quỷnh mới lớn, khi đi qua chỗ góc sân trường, tôi cúi nhặt mấy cánh hoa đại rụng đầy dưới gốc giữa những tiếng cười khúc khích của mấy cô nàng nào đó chung quanh…

Tôi không còn nhớ nổi là do đâu và khởi đi từ đâu mà tôi đã có mặt trong một nhóm mấy chục anh chị em mà thành phần gồm đủ các lớp, có cả những người Ban Cao học và đang đi Tập sự rồi, nhưng đông nhất vẫn là đám lau nhau năm thứ Nhất chúng tôi. Hình như đây là Nhóm sinh viên được tập hợp duy nhất lúc đó thì phải. Trong những buổi gặp gỡ sơ giao ban đầu, tôi nghe loáng thoáng sự bàn thảo về việc tương trợ giúp nhau học tập và sau đó thì có cả nhiều lần tranh luận sôi nổi rằng tuổi trẻ sẽ phải làm gì giữa hiện tình đất nước, thấy như lý tưởng cách mạng đang sục sôi gọi mời đâu đây chung quanh gần lắm… Tôi còn nhớ được, này những Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Đức Tiến, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Mỹ Lộc, Đoàn Văn Xuyên, Nguyễn Thị L.,Nguyễn Thị Ch., Bùi Thị Th .H.,…. và nhiều người lớp trên như Nguyễn Đình Phúc, Ngô Văn Tấn, Hoàng Cơ Môn,Đào Trọng Vinh, Hà Ngọc Phúc Lưu….HNPLưu chính là cánh chim đầu đàn, lúc đó chàng đang học Cao học và cũng đang đi Tập sự. Một người hơi nhỏ con đấy nhưng sức làm việc thật đáng nể. Tôi gọi bạn mình là “Thủ lãnh Văn chương Luật khoa đoàn” vì nhóm chúng tôi còn thực hiện tờ báo Ý Thức bằng kỹ thuật Ronéo thôi,chừng hai ba tháng ra một số,mỗi số đâu cũng hơn trăm trang và bài vở thì đủ loại từ tiểu luận ,thời đàm ,thơ văn,tin tức sinh hoạt sinh viên…khoảng hai trăm ấn bản mỗi kỳ và được các bạn trong trường đón nhận với sự yêu mến. Một tay HNPLưu lo toan cáng đáng mọi chuyện, nhất là về chi phí thực hiện, kể cả chi phí cà phê thuốc lá cho bạn hữu, tôi chỉ phụ giúp phần bài vở.Những lần gần đến kỳ ra báo, tôi ngồi sau yên xe Vespa của Lưu và hai chúng tôi cứ chạy suốt cả ngày, có đêm tôi đã đến ngủ lang trên căn gác nhà Lưu ở Trần Quốc Toản để cùng tính toán sắp xếp bài vở và làm “ma két”. Tôi nhớ mãi một lần trong năm 1967 thì phải ,vì tình hình và không khí tranh cử kỳ Bầu cử Ban Đại Diện Sinh Viên Luật Khoa niên khóa đó,được tin phía đối phương( liên danh Nguyễn Đăng Trừng) cũng sắp ra báo, HNPLưu quyết định báo nhà phải xuất hiện trước kỳ hạn để kịp thời dành ưu thế, ủng hộ mạnh mẽ cho liên danh nhà mà thụ ủy là anh Chu Văn Viện, sinh viên ban Cao học và cũng đang đi tập sự Luật sư. Mấy đêm liền tôi phải đến ngủ luôn tại nhà in Ronéo nằm gần cuối đường Phan Đình Phùng để sẵn sàng có đủ bài vở trám trang kịp thời. HNPLưu vừa lo cung ứng thêm bài thu thập được, vừa lo tiếp tế cà phê, thuốc lá và bánh mì cho tôi mỗi đêm. Kết quả như mong muốn, báo đã có mặt trước đối phương cả hai ba ngày. Tôi nhớ mãi khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười tươi vui của các bạn mình buổi sáng rộn rã hôm ấy ở sân trường…

Ngoài việc báo bổ thì những buổi tụ họp gặp gỡ nhau cũng là bao nhiêu điều chuyện để nói nhắc. Không hẳn là theo một định kỳ rõ rệt, nhưng tôi nhớ những buổi như thế cũng thường xuyên lắm, nhất là vào dịp tất niên thì không thể nào thiếu được. Khi thì tại nhà của một anh chị em nào đó trong nhóm mà phòng khách rất rộng hoặc có mảnh sân vườn đủ chỗ cho khoảng hơn hai ba chục con người,ở khu Bàn cờ hay vùng Tân định, có khi trên Phú nhuận hoặc Chí Hòa..và cả những lần đi dã ngoại nữa. Lần nào cũng có chủ đề thảo luận sôi nổi và rồi sau đó là liên hoan nhẹ với bánh trái, chè ngọt, giải khát…do mọi người cùng mang tới chung góp, đăc biệt qua sự sắp xếp khéo léo của các chị các cô. Hẳn nhiên là chẳng bao giờ thiếu đi không khí văn nghệ trẻ trung vui tươi với những bản tình ca, những bài hát sinh hoạt quen thuộc và cả cái chất lãng mạn tuổi trẻ qua những Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ của Quang Dũng, Mầu tím hoa sim của Hửu Loan, Nhà tôi của Yên Thao… hay có tí chút kiêu bạc để làm dáng nữa khi hòa lẫn mình vào những dòng chữ hiển hiện biết bao hình ảnh của chí lớn giang hồ, bàng bạc trong Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính hay Khúc ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn, một nhà văn đương thời khi ấy, rất quen thuộc và được yêu mến.

Tôi nhớ mãi lần họp trại tại khu vực chùa Ma Ha Ca Diếp ở Thủ Đức vào thời khoảng cuối 1968, đã diễn ra gần như một ngày sinh hoạt Hướng đạo. Chúng tôi đã say sưa trao đổi ý kiến về hiện tình đất nước, những trò chơi sinh hoạt tập thể lôi cuốn và bữa ăn trưa ngoài trời đầy thi vị. Cũng không thể nào quên được hình ảnh nhiều anh chị quần áo đã ướt mèm, run như cầy sấy nhưng vẫn chưa chịu lên bờ,cứ tiếp tục vui thích lóp ngóp lội bì bõm giữa lòng con suối nhỏ gần khu vực nhà Chùa, chảy quanh co giữa những lùm cây rậm rạp ở buổi trưa hôm ấy.

Tôi cũng ghi khắc mãi lần tham dự trại tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Chí Linh Vũng Tầu tiếp sau đó ít lâu. Chính lần này đã tác động rất mạnh và thấm sâu tận cùng trong tâm khảm một gã thanh niên thành phố chưa có một định hướng gì rõ rệt cho đời mình như tôi. Mấy ngày đêm, chúng tôi đã sinh hoạt gần gũi với các Khóa sinh từ khắp mọi miền đất nước về đây thụ huấn. Đỉnh điểm là Đêm Suy Tư, một nghi thức sinh hoạt đặc biệt và quan trọng trong chương trình huấn luyện. Trời xẩm tối, các Khóa sinh từ khắp các Tổng đoàn, trong ánh lửa bập bùng và ngọn đuốc nhỏ trên tay,hừng hực khí thế hát vang hành khúc tiến về Vũ đình trường chính của Trại. Phần khai mạc ngắn gọn qua nhanh, ánh lửa trại từ đống củi chất cao bắt đầu bừng cháy sáng. Chung quanh lặng thinh giữa trời đêm im ắng, trên cao sâu thẳm đầy sao lấp lánh, gió từ hướng biển lùa về lành lạnh. Từ những cái loa phóng thanh gắn ở đâu đó, qua một giọng nam trầm hùng rất đều đặn, vọng lên từng lời thì thầm như đang kể chuyện rồi chuyển sang nhắc nhở, gọi mời ân cần và thiết tha,có lúc lại là một thôi thúc dồn dập…đưa người khóa sinh đi qua những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc và rồi đối diện trước một quê hương đang trong cơn binh lửa, một nông thôn nghèo đói khổ hạnh muôn trùng bây giờ… những câu hỏi, những vấn đề được đặt ra và chờ đợi sự trả lời cụ thể bằng các việc làm ở phía trước. Có lúc, tôi bị xúc động mạnh và đã phải vùi sâu hai tay vào lớp cát lạnh bên dưới. Sáng hôm sau, trong khi các khóa sinh làm bài thu hoạch ở các phân trại như một hình thức luận văn đúc kết thì chúng tôi được nghe Đại tá Nguyễn Bé, Chỉ huy trưởng Trung Tâm, thuyết trình tại một hội trường dã chiến. Đại để cũng một nội dung như đêm qua nhưng ông khai triển và nhấn mạnh nhiều đến đối tượng là thành phần sinh viên tuổi trẻ chúng tôi. Khi kết thúc buổi thuyết trình, ông tặng mỗi người chúng tôi bộ sách gồm 2 quyển : “ Thuyết Chung Thủy” và “ Dã tràng” gói ghém và gửi gấm những suy tư, những hoài bão của một con người luôn thao thức về hiện tình đất nước mà tác giả là chính ông : Tường Vân Nguyễn Bé. Riêng tôi còn được anh Viết Chung, Trưởng đoàn Văn công Chí Linh, dúi thêm cho mấy tập bài hát sinh hoạt Xây dựng Nông thôn vì anh vốn là bạn thân thiết với người anh rể tôi từ thuở thiếu thời…

Rất có thể, lần đi trại thật nhớ đó cũng bắt đầu bàng bạc hình thành một trong các dấu chỉ cho khúc quanh đời tôi sau đấy ít lâu.

*

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở trường Luật, tôi cũng không thể quên tình bạn thật êm đềm và đẹp đẽ với H.Th., mà tưởng như chỉ có thể của thời Trung học mới lớn. Tôi cũng chẳng nhớ được rõ ràng là chúng tôi đã bắt đầu thân quen nhau như thế nào. Có thể là từ buổi sáng hôm ấy tại giảng đường, sau ngày khai giảng cũng lâu rồi, trong khi ở góc nào thì cũng đã kín đặc người và tôi đang ngơ ngáo đảo lên ngược xuống bên ngoài lối đi, và có lúc tiến đến gần mấy dẫy ghế phía trên, định tâm chỉ ngó tìm mấy ông bạn. Ngỡ tưởng tôi muốn tìm chỗ,ở giữa đám đông ồn ào chật cứng ấy, bỗng dưng có một người con gái khẽ mỉm cười thân thiện,đưa tay ra dấu cho tôi cái ghế còn trống bên cạnh chưa có ai ngồi và lấy lại túi xách đặt ở đó ôm vào lòng..Như một phản xạ tự nhiên không thể làm gì khác hơn, tôi lách người bước vào và lúng túng ngồi xuống. Cô nàng mình ghé tai tôi nói khẽ rằng giữ chỗ cho người bạn nhưng giờ này không thấy đến. Tôi chưa kịp ngỏ lời cám ơn thì thầy Tăng Kim Đông cũng đã đi vào và giờ học bắt đầu. Giọng của thầy vẫn rất to khỏe qua hệ thống phóng thanh nhưng hôm ấy tôi chẳng còn nghe được thầy nói gì về bài học Quốc tế Công pháp cả. Mở rộng tập cours, tôi cũng nguệch ngoạc ghi chép,đánh dấu chỗ nàychỗ nọ, nhưng tâm trí thì đi tuốt luốt ra mãi đẩu đâu bên ngoài thì phải. Thỉnh thoảng khẽ liếc nhìn người ngồi cạnh bên mình để tìm cái núm đồng tiền mới thoáng thấy hồi nẫy mà đầu óc thì quay cuồng lung tung với đủ thứ câu hỏi. Vóc dáng ấy, cái sống mũi dọc dừa, khuôn mặt thanh tú nghiêng nghiêng , đáy mắt đen láy thoáng vẻ tinh nghịch, một bờ vai tròn đầy thả mái tóc thề xõa nhẹ trên mầu tím than tà áo dài sao mà ngẩn ngơ xao xuyến quá. Tôi nhớ là đã xé mẩu giấy hí hoáy ghi vội vài dòng chữ, xem ra cải lương vớ vẩn vô cùng, đại ý nói bâng quơ về một con thuyền giang hồ vừa lạc vào được nơi bến đỗ bình yên, và cũng kịp với tay để vào trang sách của cô nàng mình trước khi tập cours được gấp lại lúc chuông báo hết giờ reo vang…Và thế rồi bỗng khi không cô nàng mình ấy đã trở thành thân quen với tôi từ lúc nào không hay.

Thời gian qua đi và sang tới năm học sau rồi cả đến lúc tôi từ giã H.Th. để nhập ngũ, chúng tôi vẫn chỉ là bạn thân thiết của nhau , một tình bạn thật đẹp,tôi cứ luôn cho là thế và xua đi mọi thứ ý nghĩ khác. Ngoài những lúc gặp nhau trong giờ học ở giảng đường, những mẩu chuyện qua lại vu vơ khi ngồi chờ thầy vào lớp, thỉnh thoảng tôi cũng rủ H.Th.đi tham dự sinh hoạt nhóm. Không thường xuyên nhưng nhiều lần sau buổi học, tôi để xe lại trường và cùng đi bộ với H.Th.dọc theo con đường Phan Đình Phùng và đứng đợi xe buýt tại trạm nơi góc ngã tư Trương Minh Giảng.Tôi đưa H.Th. về đến cổng nhà trong con hẻm rộng gần rạp xi nê Văn Lang rồi trở ngược ra đường đón chuyến buýt quay lại trường lấy xe.Tôi không mấy tin tưởng vào chiếc Solex cũ kỹ của mình vì nó rất thường hay trở chứng bất tử lắm nên chưa bao giờ đưa H.Th. về bằng xe cả. Đó là chưa nói đến cái yên sau thì tang thương ngẫu lục vô cùng. Phần khác H.Th.lại luôn luôn mặc áo dài đi học nên rất ngại sợ việc ngồi sau xe gắn máy và đã quá quen thuộc chuyện chỉ đi về bằng xe buýt đằng đẵng suốt những năm tháng Trung học ở Gia Long. Tôi nhớ mãi đoạn đường ấy với hàng cây chạy dài và những buổi trưa rất nhẹ trên cao, có gió trải hoa nắng lỗ chỗ dưới từng bước chân chúng tôi. Tôi nhớ những khuôn mặt bạn hữu thân quen chạy xe qua dưới lòng đường, ngoảnh đầu lại vui tươi giơ cao tay vẫy chào. Tôi mỉm cười chào lại và rồi nhìn sang để bắt gặp nét thẹn thùa bối rối thật dễ thương của H.Th. Có lần cuối năm gần Tết,cũng trên đoạn đường ấy, trời bỗng trở gió và thoáng se lạnh,một cơn gió bất chợt lùa qua nhẹ thôi nhưng cũng khiến tôi hơi rùng mình. Tôi đã định đi sát vào hơn và nắm lấy tay H.Th. nhưng không biết sao lại thôi… Tôi biết là H.Th. vẫn lặng lẽ nhặt nhạnh lưu giữ những bài viết của tôi đã đăng tải ở báo này báo nọ và rất nâng niu từng câu thơ, vài dòng chữ vẩn vơ mà tôi thường ngẫu hứng bất chợt viết vào một trang nào đó trong mấy tập cours của H.Th., như một cách phơi trải thi vị hóa và bóng bẩy xa xôi về một vơi đầy thương nhớ, nhớ thương. Thế nhưng chưa một lần nào tôi thật sự rõ ràng nói lời tình yêu với H.Th. cả…

Cái buổi tối cuối cùng ,tôi đến H.Th. chào từ giã để ngày mai đi trình diện nhập ngũ. Lúc tiễn tôi ra về, bịn rịn mãi bên nhau nơi cánh cổng, H.Th xúc động và bối rối lắm, đã thật nghẹn lời khi tần ngần đưa cho tôi cái bật lửa Ronson và run giọng dặn tôi bớt hút thuốc. Trong bóng tối dịu dàng của ánh đèn sân và thoang thoảng hương hoa đêm phảng phất đâu đấy chung quanh, tôi biết rằng nếu khi ấy tôi nói một điều gì đó về tình yêu, hò hẹn và đợi chờ…H.Th. sẽ đổ gục vào vai tôi và òa vỡ trong nước mắt. Tôi cũng đã định tâm vỗ về H.Th.một chút và như thế sẽ được một lần ôm chặt lấy H.Th…nhưng sao rồi lại thôi, sau một thoáng nghĩ nhớ rất nhanh. Rất thật lòng, đã nhiều lần trước đây,trong tôi cũng vẫn từng luôn có những lúc rạo rực, khao khát mãnh liệt thật tự nhiên của một gã con trai. Nhưng trước một H.Th. thanh khiết quá, trong veo và thật dịu hiền,tôi đã luôn tự nhủ và kiềm chế mình để đừng có một chút gì,dù nhỏ nhất, làm hoen ố và xúc phạm đến H.Th.

Tôi bần thần lấy xe,không hạ cần để nổ máy và lặng lẽ nhấn bàn đạp chiếc Solex. Chẳng ngoảnh lại, tôi cũng biết là ánh mắt H.Th vẫn còn đang dõi theo xa vời vợi…Tôi cũng không biết rằng chúng tôi sẽ xa nhau mãi mãi từ hôm ấy. Và như vậy, nơi tôi đã có chăng một lỗi lầm nào không.

Chẳng phải tôi là người đành tâm vô tình không nhận biết hay hững hờ với tình cảm của H.Th.đã luôn ân cần dành cho tôi. Nhưng như thể là tôi vẫn cứ bị ám ảnh trong một thứ liên tưởng mơ hồ nào đó về sự bấp bênh sẽ đến trong đời mình, nhiều khi chao đảo cả chút ít tự tin vừa lóe sáng bất chợt. Trường hợp của D. và C., những người bạn tôi thân thiết từ năm đệ Nhất ở trường Hưng Đạo có thể cũng luôn là một nhắc nhở gần gũi cho tôi về tình yêu và trách nhiệm. Họ đã yêu nhau cuồng nhiệt biết mấy,cũng lãng mạn và thi vị biết mấy, quấn quit bên nhau không rời và sau cùng của đam mê cháy bỏng là sự hình thành của một bào thai nơi người mẹ còn quá trẻ để hiểu biết phải làm gì. Không đủ can đảm thú nhận với gia đình vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến thế giá ông Bố nghiêm khắc của C, các bạn tôi đã chọn một giải pháp phiêu lưu và liều lĩnh, D. đưa C. đi trốn,bỏ luôn việc học hành. Chàng và nàng thuê một căn gác nhỏ gần khu tôi ở và bắt đầu cuộc sống gia đình mà chưa đủ được độ chin cần thiết để tạo lập. Tôi vẫn thường tới đó để cùng chia sẻ và cảm nhận với bạn mình từng nỗi âu lo sợ hãi về cuộc sống, nhiều nhất vẫn là những giọt nước mắt u uẩn của C.vào những buổi tối D. gửi C. cho tôi để tạt về nhà tìm cách xoay xở thêm ít tiền từ bà mẹ rất nuông chiều con cái.

Tôi cũng còn nhớ biết về hoàn cảnh chính gia đình tôi nữa. Bố tôi thì luôn trầm lặng như một người bất đắc thời bất đắc chí kể từ sau biến cố 1.11.1963, đã khiến ông như một kẻ thất bại vì mất đi nhiều thứ gì đó. Tôi hiểu và cảm thông với ông. Mấy anh chị lớn thì tản mác xa rời chỗ này nơi nọ với cuộc sống riêng. Dưới tôi còn bốn năm đứa em tuổi nhỏ học hành. Gánh nặng trong nhà chồng chất lên vai mẹ tôi. Bà tất tả ngược xuôi đây đó, xoay xở đủ mọi thứ cách buôn bán để có thể lo toan cho cả nhà. Trằn trọc trên căn gác nhỏ mỗi đêm, tôi vẫn luôn tự tra vấn mình và loay hoay với thật nhiều những câu hỏi mà không thể tìm được câu trả lời nào khả dĩ. Tôi cũng luôn nhớ về cái hoài bão mà tôi hằng ấp ủ và cũng biết là còn xa xôi lắm.

Rất thật lòng, chắc chắn tất cả những điều ấy đã làm tôi chấp chới ,nhiều khi ngập ngừng bâng khuâng về một chọn nhận để gọi tên tình bạn hay tình yêu với H.Th. Không biết như vậy có là một sai lầm và thiếu sót hay chăng. Một người bạn thân tình nói rằng dường như tôi đã chịu ảnh hưởng của thứ tình yêu lãng mạn trong không khí tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Yêu thương nhau nồng nàn tha thiết đấy, nhưng lại cứ mơ hồ lo sợ rằng không thể mang đến hạnh phúc cho nhau nên giữ mãi thinh lặng trong một thứ giới hạn vô hình nào đó, chẳng dám thổ lộ một điều gì để rồi xa cách và tan vỡ…Không hiểu đã quá thi vị hóa và liên tưởng đến chuyện của chúng tôi bay bổng như thế nào mà bạn tôi nói thế và định nhắc về nhân vật nào trong Đời mưa gió, Lạnh lùng, Đoạn tuyệt hay là Tiêu Sơn tráng sĩ…Nhưng dẫu sao thì chuyện của tôi và H. Th. dưới mái trường Luật khoa nơi những ngày tháng ấy đã chỉ có thế mà thôi.

Gần năm mươi năm trôi qua rồi, có nhiều lần ký ức thoáng vọng về cũng làm bồi hồi xao xuyến lắm. Không biết vào khoảnh khắc này ở một nơi chỗ nào đó, H.Th.đã ra sao và có còn nghĩ nhớ một chút gì chăng về ngày tháng xưa cũ ấy… Với riêng tôi, cũng đã từng phải thành thật khai báo lý lịch trích ngang về đời mình trong một dịp họp mặt đông đủ cả nhà. Lúc vừa nghe xong cái đoạn có hình bóng H.Th. ở trường Luật này, mấy đứa con lớn của tôi tủm tỉm cười. Nhìn vào những ánh mắt và kiểu cười ấy, tôi biết chắc bọn hắn đang thầm bảo nhau rằng sao mà hồi ấy ông bố mình có thể cù lần đến vậy. Nhưng cũng còn có một tiếng hắng giọng khác, rồi cái chậc lưỡi và thở dài đánh sượt, kèm theo lời nói bâng quơ rằng sao người ta lại may mắn đến thế. Và rằng sao mà cái hồi ấy tôi không sa vào rồi chết đuối luôn trong đôi mắt người Luật khoa nào đó cho xong để người này khỏi khổ. Thế đấy,có bà vợ nào mà bỏ qua được đâu cái việc nhất định phải sưu tra cho rõ ràng về sự ái tình trong cuộc đời của ông chồng , và rồi sau đó thì …cứ y như rằng lúc nào cũng thấy bóng bà Hoạn Thư quen thuộc thoáng qua bên ngoài cửa sổ (không cần xét đến trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa đến mức độ trầm trọng phải truy cứu trách nhiệm tình sự)…. Nhưng tôi biết chắc đây chỉ là một phát biểu xa xôi về người ta của ngày tháng cũ và người này muốn bầy tỏ quan điểm lập trường thế thôi, bởi cái người này ấy cũng vì quá yêu thương và đã sẵn sàng chấp nhận tất cả khi về làm vợ một anh chàng nửa mùa, chẳng ra gì như tôi. Để rồi ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi qua mau và người này ấy đã để lại tất cả tuổi xuân mình bên bờ thời gian, khổ hạnh biết mấy, héo hon biết mấy khi bồn chồn,thấp thỏm dõi trông và nhẫn nhục đồng hành,cay đắng và cơ cực, luôn là tất cả mọi chia sẻ cam chịu, đi theo đến tận cùng những nẻo đường lưu đầy tù tội của chồng,liên tiếp và đằng đẵng những tháng ngày mỏi mòn trải dài suốt từ nơi này chốn nọ,sau cái ngày 30 tháng 4 đau thương ấy, từ Hóc Môn ra đến Phú Quốc về lại Long Giao, ngược xa tít tắp ngoài Yên Bái, lên tận cùng Lào Cai rồi lại xuôi xuống Vĩnh Phú của đất Bắc xa biền biệt. Và rồi chặng cuối của tháng năm dài thương khó chừng như lên đến đỉnh điểm là từ cái đêm rạng sáng ngày 2.5.1984, tôi bị bắt và bị giam ở Phan Đăng Lưu rồi chuyển sang Chí Hòa trong vụ án mà nhà cầm quyền Cộng sản truy tố với tội danh “Tuyên truyền Phản Cách mạng”, thường được biết đến qua những bài viết sau này của anh Hoàng Hải Thủy dưới tên gọi “Những tên biệt kích cầm bút” có các anh Doãn Quốc Sĩ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Duy Trác, chị Lý Thụy Ý, cô bạn trẻ Nguyễn Thị Nhạn…và khi ra tòa nhận thêm bản án 4 năm tù, tiếp sau gần 6 năm tù cải tạo trước đó…Ngoài anh Duy Trác xuất thân trường Luật, và là một Luật sư bên cạnh một tiếng hát tài hoa, trong vụ án này còn có bóng dáng những con người Luật Khoa khác,ở những góc cạnh khác và tôi xin được nói tới nơi phần sau…

Tôi đã cố gắng phân bua để tự biện hộ rằng ông bà xưa có nói về duyên số và cũng kèm theo là duyên nợ nữa. Đã là số thì va vào đâu đành âu vào đấy, còn nợ thì dù không biết vay mượn như thế nào thì thôi vẫn cứ trả nốt đi cho xong. Trường hợp này có còn gì để khiếu nại và cũng không thể xin hồi tố. Có lời tuyên phán chung thẩm là không muốn nghe giọng lưỡi của kẻ lý sự nửa mùa. Rõ khổ thân cho gã sinh viên Luật khoa nửa mùa. Thường khi thì một câu nhịn sẽ là chín câu cự, nhưng thôi thì, thà để người cự ta còn hơn ta cự người, khỏi ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.

Xin được cám ơn hạnh phúc yêu thương đã có thật, hạnh phúc yêu thương vẫn luôn luôn có cả trong những khổ đau nghiệt ngã của đời.

*

Một buổi sáng đầu tháng ba năm 1969 ấy, tôi đi trình diện nhập ngũ Khóa 3/69 Thủ Đức. Cả một ngày trời quanh quẩn trong khu chờ đợi của Quân trấn Saigon để sẽ được chuyển xuống Trung Tâm Tuyển Mộ & Nhập Ngũ Quang Trung, trong tôi có một thứ cảm giác khó tả vô cùng. Khi thì thật thanh thản nhẹ nhàng, có lúc lại thấy mình như rơi hẫng vào một thứ bâng khuâng thấp thỏm và thẫn thờ làm sao. Một sự khủng hoảng dịu dàng và im lặng. Tôi hút thuốc liên tục và trong trí tưởng lướt qua từng khuôn mặt thân quen. Tôi cũng chợt nhớ đến mấy người bạn gần gũi đã dang dở rời trường trước tôi. Một Vũ Văn Tín, dân xóm đạo Tân Chí Linh, lêu nghêu trên một thước bẩy chứ không ít hơn,có kiểu phóng Lambretta rất cao bồi, vào học chưa quá nửa đường thì bỏ ngang để thụ huấn Khóa 22 Võ Bị ĐàLạt dạo cuối 1966, được vài tháng thì giải ngũ vì bị thương tật trong khi tập luyện . Xếp bút nghiên và xếp lại cả bộ quân phục, văn võ đều bỏ lại một bên đời. Người khác nữa mà thật tình tôi không biết gọi là bạn hay chỉ là sự quen biết: Lê Hiếu Đằng, con người mà sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 được nói đến qua tin tức báo chí là Tổng Thư ký của Liên Minh Dân tộc Tranh thủ Hòa bình, còn sinh viên văn khoa Trần Triệu Luật là Phó Tổng Thư ký, và Chủ tịch là Luật sư Trịnh Đình Thảo…. Tôi cũng đã bàng hoàng, chẳng ngờ rằng hai con người mà tôi từng có giao tiếp ít nhiều này lại là như thế. Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé đến Văn phòng Tổng Hội Sinh Viên ở số 4 Duy Tân ngồi hút thuốc và tán gẫu chuyện văn chương với Trần Triệu Luật nơi căn phòng nhỏ nhìn ra phía đường Hồng Thập Tự. Cho đến sau 1975, qua một bài báo của Lê Hiếu Đằng, tôi được biết là Trần Triệu Luật đã chết trong mật khu chỉ một thời gian ngắn từ khi vào đó vì không chịu nổi những thiếu thốn và bệnh tật. Đây là chuyện dễ hiểu vì Trần Triệu Luật rất gầy gò ốm yếu sẵn rồi. Với Lê Hiếu Đằng thì cũng có điều để nói. Anh cùng năm với tôi và hơn tuổi tôi một chút thì phải. Tuy chúng tôi ít giáp mặt nhau trên trường nhưng gặp nhau thường xuyên vào buổi tối ở Thư viện Đắc Lộ, đường Yên Đỗ vì cùng đến học bài tại đây. Anh ở trọ gần đó,tôi nhớ là trong con hẻm bót Cảnh sát Đặng Văn Bắt, cách ngã tư Công Lý & Yên Đỗ khoảng trăm thước. Suốt thời gian ở Đắc Lộ,thỉnh thoảng ra băng ghế đá ngoài sân ngồi nghỉ, chúng tôi hút thuốc và vẫn thường chuyện trò qua lại. Lê Hiếu Đằng, dáng người cao, to khỏe và rất thâm trầm. Tôi vẫn cứ nghĩ rằng đó là tính chất của thanh niên miền Trung chăm học như những người bạn miền Trung khác mà tôi quen biết. Tôi nhớ một lần ngồi cạnh nhau trong phòng, Lê Hiếu Đằng đã cầm xấp tài liệu in bằng ronéo, nội dung nói về Việt Nam Quốc Dân Đảng và Duy Dân bên chồng sách của tôi, chắc ngỡ tưởng là tập cours bài học, đem về trước mặt rồi lật nhanh đọc lướt mấy trang và đặt trở lại ngay chỗ cũ, thoáng nhìn sững vào tôi rồi lại chú tâm xuống trang sách. Tôi vẫn nhớ cái ánh mắt ấy nhưng cho tới nay tôi vẫn không thể hiểu nó ẩn chứa điều gì… Những năm tháng cuối đời của Lê Hiếu Đằng ra sao thì như đã biết, nhưng với tôi, tôi cứ nghĩ rằng chắc hẳn là Lê Hiếu Đằng đã phải thức tỉnh từ lâu lắm rồi, và sao mà mãi mới có sự lên tiếng muộn mằn đến thế. Thôi thì đấy cũng là một vài trong số những con người đã rơi vào vũng lầy huyễn tưởng của cái chủ thuyết quái thai ở một thời đoạn lịch sử bi thương của đất nước và gây ra biết bao khổ họa cho dân tộc…

*

Những ngày tháng mồ hôi quân trường, từ giai đoạn một dưới Quang Trung cho đến thời kỳ huấn nhục trên Thủ Đức đã cuốn trôi từng khoảnh khắc riêng tư và mọi thứ suy nghĩ, nhớ quên. Và trong thời gian thụ huấn ở Trường Bộ Binh ấy, tôi cùng Trung đội và nằm cạnh giường với anh Nguyễn Sĩ Hùng, một Luật sư thuộc Luật sư đoàn Huế, đã nhập ngũ theo Lệnh Tổng động viên. Anh là con trai trưởng của Giáo sư Khoa trưởng Luật khoa Huế Nguyễn Sĩ Hải. Biết tôi có tí chút dính dấp đến nhà Luật , chừng như anh cũng có thiện cảm hơn so với mấy anh em khác. Anh hay nói kể với tôi về Huế của anh và những ước mơ dự tính cho mai sau. Tôi nhớ mãi cái giọng nói trầm rất chắc khỏe mỗi buổi tối, qua đủ mọi thứ chuyện tâm tình cùng anh. Anh ngỏ ý thật tiếc về việc tôi bỏ học nửa chừng và ân cần bảo rằng nếu mai rồi mãn khóa mà được ra đơn vị nào ngoài Huế hay gần đó thì nên cố gắng ghi danh đi học lại vì các Giáo sư Luật Khoa Huế rất nâng đỡ các sinh viên quân nhân công chức cho dù không thể đến giảng đường thường xuyên được. Thêm nữa , biết đâu chả chừng lại thành giai tế xứ Huế cũng nên. Anh cười tủm tỉm kể chuyện vui về mấy cô em tuổi học trò trong gia đình và dòng tộc rồi đoan chắc rằng một tên Bắc kỳ như tôi sẽ dễ dàng chinh phục mấy o mình ngoài nớ. Tôi lấy làm cảm động và khoái trá lắm nhưng cũng có nói với anh về một kỷ niệm nhớ đời ở Huế mới rồi chưa lâu gì. Đấy là lần đi giang hồ vặt ra Huế sau hai đợt biến cố đau thương Mậu Thân 1968 khoảng vài tháng , phiêu lưu ký để thêm dịp tiếu ngạo vui chơi đấy nhưng vẫn lấy cớ thăm ông anh cả là Sĩ quan liên lạc phục vụ tại Căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ngoài Phú Bài. Trong những ngày lang thang qua từng con phố Huế mưa dầm dề và gió lạnh, suốt từ ngày này sang ngày nọ ấy, chả biết lớ ngớ sao mà tôi lại gặp gỡ và quen với mấy cô bạn H.H., rồi N.Hg. và T.V…dân Văn khoa và Luật khoa Huế cũng đang còn học hành dở dang, vừa mới dọn nhà về cư ngụ gần căn phố mà ông anh tôi ở trọ, cuối đường Lê Lợi. Các ông bố công chức bị Việt cộng thảm sát trong những ngày Tết Mậu Thân kinh hoàng ,nhà cửa bên kia sông Hương trong Thành nội lại tan hoang vì chiến cuộc nên lúc đó các cô chao đảo và khủng hoảng vô cùng. Tìm khuây khỏa, các cô rủ nhau mở quán cà phê bên Gia Hội, nơi chỗ tôi vẫn hay ghé đến, không thường xuyên thì cũng phải cách ngày. Đầu đuôi câu chuyện từ đấy mà ra, nhưng có lẽ là tại cái nhà ông Trịnh Công Sơn vì ông ấy viết những tình khúc tuyệt vời quá. Có người thích bài này và có người thì yêu bài kia, mà cái sự yêu thích khác nhau ấy lại xẩy ra ở cùng một nơi chỗ ,một thời điểm cho nên mới trở thành cớ sự. Tôi thì rất yêu những hình ảnh và cung bậc của Ru em từng ngón xuân nồng và chả hiểu là do đồng cảm hay có tâm trạng gì mà mấy cô quán chủ trẻ trung vui tính dễ thương cũng cùng chung một ý thich như vậy. Mỗi khi tôi ghé quán, dù đang còn bản gì dở dang, thì cũng sẽ được thay liền sang cái bài mà chúng tôi có chung cảm nhận này. Ngặt một nỗi là còn có một ông khách đặc biệt khác, cũng rất trung thành và thường xuyên đến quán bằng xe Jeep có cần câu máy truyền tin vắt vẻo trên mui và lon lá trên cổ áo. Ông lại chỉ thích một Diễm xưa và mỗi khi bước vào quán là luôn luôn yêu cầu phải được nghe ngay bài này. Không hiểu tại thái độ của chàng hoặc một lý do nào nữa mà yêu cầu này ít khi được đáp ứng mau chóng, có lần còn bị bỏ qua luôn. Chẳng biết ông quan nhà binh nhận định tình hình như thế nào mà sau cùng như thể người định trút tất cả sự hậm hực và bực dọc vào tôi. Nhiều lần lên tới đỉnh điểm,vì đến quán cùng lúc và lại ngồi cạnh bàn nhau trong quán, tôi đã phải nhận lấy tia nhìn nặng nề và những lời nói bâng quơ hàm chứa nhiều ẩn ý xa xôi nào đó. Thật là oan ôi ông địa và họa vô đơn chí. Nhưng vì đằng sau tôi có một hậu phương đông đảo vững chắc luôn sẵn sàng yểm trợ nên không khí mỗi ngày thêm nặng nề. Khi biết được việc này, ông anh tôi bắt thu xếp khăn gói quả mướp và tôi rời Huế liền khi, chẳng còn kịp giã từ mấy câu với các cô bạn mới…Nghe xong câu chuyện, anh Nguyễn Sĩ Hùng cười, bảo tôi sao mau rét thế, đúng là cái thứ chưa biết trói gà chứ mong gì đến trói cho chặt được…

Khi mãn khóa, anh nhận nhiệm sở ngoài Tòa án quân sự Đà Nẵng. Sau này, mỗi khi đi công tác ra đây, tôi đều ghé thăm anh. Có lần,đứng bên ngoài khung cửa nghe tiếng anh đang oang oang quát tháo mấy chàng quân phạm,tôi ngó đầu nhìn vào. Anh ngước mắt trông thấy liền nheo nheo mắt làm hiệu. Rồi khi ra quán ăn cơm với nhau, tôi hỏi anh về số phận mấy ông quân phạm này. Anh từ tốn nói,nhiệm vụ là phải như thế,nhưng chỉ với những trường hợp vi phạm nặng về hình sự thì đành phải truy tố ra Tòa hay dùng một biện pháp cứng rắn, còn thường ra chỉ cảnh cáo và cho về đơn vị. Anh trầm giọng bảo, lính tráng họ khổ quá,lại học hành ít, nhiều khi túng quẫn lỡ làm bậy, nên phải thật cẩn thận và cảm thông khi luận định từng trường hợp để mở cho họ một ngõ thoát . Một con người bao dung và nhân hậu biết mấy. Thế rồi năm tháng qua đi và biết bao đau thương khổ hạnh dồn dập đổ xuống trên đất nước và từng gia đình cũng như mỗi một con người. Cho đến mãi đầu năm 1999, tạm yên ổn cuộc sống sau những tháng năm bầm dập, qua lui tới chỗ này chỗ nọ và tôi nghe biết loáng thoáng là anh đã mất từ lâu, người thì nói trên đường di tản tháng 3/75, người thì nói dưới lòng đại dương sâu thẳm…Chỉ chắc một điều là chị Hoàng Mỹ Đức, một đồng nghiệp và cũng là bà xã anh mà tôi từng có dịp gặp trước đây, cùng hai cô con gái của anh chị đều theo nghề của bố. Tôi biết điều này qua một vài người bạn sinh hoạt trong giới luật gia ở thành phố. Tôi cũng định tâm tìm hỏi địa chỉ để đến thắp cho anh một nén tâm nhang nhưng cứ chần chừ rồi lại thôi. Nhớ anh thật nhiều, anh Nguyễn Sĩ Hùng quý mến.

*

Tôi cũng còn một niềm vui òa vỡ bất ngờ khác nữa, cũng tại khu đồi Tăng Nhơn Phú này. Mãi cho đến cái hôm vừa gắn Alpha xong và cả Khóa đang ồn ào lui tới chuyện trò í ới nhau tại địa điểm tập trung chờ xe ngoài Vũ đình trường để đi phép, tôi mới được gặp và biết ra Hà Ngọc Phúc Lưu cũng động viên nhập ngũ cùng một khóa với tôi. Thật xúc động quá, tự dưng như có một thứ hạnh phúc gần gũi nào đó vừa đến. Từ đấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại có với nhau một chút buổi tối cà phê ở Khu gia binh hay trên Câu lạc bộ Sinh viên sĩ quan. Ngày mãn khóa, HNPLưu ra đơn vị là Tòa án Quân sự tại Nha Trang và tôi về phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân tại Bộ Tư Lệnh ở Tân Sơn Nhất. Và cũng mỗi lần ra Nha Trang công tác, tôi đều luôn ghé thăm ông bạn là Phó Ủy viên chính phủ, tuy cùng lon lá nhưng lớn chức hơn nhiều. Khoảng đầu năm 1974, HNPLưu đã giúp tôi một việc còn phải nhớ mãi không thôi. Tôi có người em rể, cũng là bạn tôi thời đi học. Anh chàng đang từ Quân đội biệt phái sang Cảnh sát và tùng sự tại Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Quận Lệ Trung Pleiku. Một đêm, ở đây không biết là do phá hoại hay bất cẩn dầu đèn thế nào mà đã phát cháy dữ dội. Vì ngoài sân đang có mấy chục phuy xăng mới bắt được từ đám con buôn trên đường đi tiếp tế cho Cộng quân trong rừng nên sức công phá của lửa thật tàn khốc hơn nữa. Gần như toàn bộ đơn vị đều bị thiêu rụi, thiệt hại nhiều vũ khí ,đạn dược và hồ sơ. Cũng còn vớt vát được chút ít là do người em rể tôi kịp gom tất cả các hồ sơ Mật thoát ra ngoài. Vì là sĩ quan có cấp bậc cao nhất trong đêm đó nên anh chàng nhận lấy trách nhiệm…Thật may mắn,vào buổi trưa hôm ấy,đúng lúc Quân cảnh Tư pháp giải giao chàng từ Pleiku ra Nha Trang và vừa xuống máy bay thì cũng là khi tôi làm xong thủ tục tại Trạm Hàng Không Quân sự đang đi ra để lên chuyến bay này về lại Sàigòn vì đã xong công tác. Chạm mặt nhau tại chân cầu thang ngoài sân đậu và hỏi han vội được chút đầu đuôi manh mối, tôi quay trở lại phố và đón HNPLưu tại Tòa để nói về trường hợp người em rể tôi. Chúng tôi mới chia tay nhau hồi sáng sau bữa điểm tâm và chầu cà phê. Lưu nói cứ yên tâm vì thông thường sẽ thụ lý các vụ loại này và ngay chiều nay ông em rể tôi sẽ được đưa đến đây để thẩm vấn sơ khởi. Tối đó, găp lại nhau, tôi thở phào nhẹ nhõm vì Lưu bảo đã xem qua hồ sơ cung từ và nói sẽ hướng dẫn anh chàng khai báo lại theo hướng thuận lợi hơn và bảo tôi cứ việc về, không có gì phải lo nghĩ nhiều. Rồi sau mấy tháng ở Quân lao Nha Trang, chàng ta ra Tòa nhận bản án treo, giáng một cấp và trả về Quân đội. Và suốt thời gian ở Quân lao ấy, nhờ có cái ô lớn là HNPLưu nên chàng cũng được đỡ vả phần nào so với các Quân phạm khác. Mỗi lần cô em tôi từ Sàigòn dẫn con ra thăm bố, Lưu đều lấy xe đích thân đưa vào Trại giam và gia đình cô em tôi được thăm gặp nhau tại Văn phòng Quản đốc thay vì ngoài Khu thăm nuôi theo lẽ thường tình. Tôi luôn nhớ mãi những ân cần thân thiết của bạn mình…Nhưng thôi âu cũng là mệnh số, sau trận đánh mở màn của Cộng quân vào Ban Mê Thuột đầu tháng 3/1975 ấy, chàng sĩ quan quân phạm hồi ngũ mới được vài tháng, theo đơn vị là một cánh quân thuộc Sư đoàn 23Bộ binh, từ phi trường Phụng Dực lui binh về đến Khánh Dương thì mất bặt luôn tin tức. Cô em tôi trở thành góa phụ từ đấy…

Cho mãi đến mãi đầu năm 2000, trong một lần HNPLưu từ Cali về thăm quê nhà, chúng tôi mới gặp lại nhau lần đầu tại Sàigòn sau hơn hai mươi năm cách xa và tiếp đó vào tháng 3/2007, tôi mới có dịp gặp Lưu thêm một lần bên Cali, vừa sau khi đến Hoa Kỳ muộn màng và ngụ cư ở Houston ,rồi có chuyến đi đây đó thăm gặp anh chị em trong gia đình và bạn hữu thân tình. Chừng như bạn tôi không già lắm so với tuổi của những người cùng niên tuế. Có lẽ không nặng gánh và vướng bận việc thê nhi chăng. Sang Mỹ rất sớm, xoay sở đủ thứ nghề kể cả cái nghề khá dài lâu liên quan đến Kế toán và thuế vụ, gặp gỡ và giao tiếp với thật nhiều người ở nhiều môi trường, nơi chỗ khác nhau, thế mà sao cũng chả có được tí tình yêu nào ra hồn để mà vắt vai cho chặt không bị rơi tuột, để mà giữ lấy đời nhau cho có một cõi đi về. Đến tận bây giờ bạn tôi vẫn là một anh giai già vui tính yêu đời, cứ như một tiêu dao đạo sĩ đây đó và sống thanh thản một mình trong căn nhà đẹp đẽ to đùng, sân trước vườn sau, cùng vài anh khuyển hữu. Đấy cũng là một chọn lựa riêng tư trong cuộc sống, nào ai hiểu được. Tôi vẫn đọc bài của HNPLưu trên trang mạng Hội Ái hữu Luật Khoa và chừng như bạn tôi là một trong những người viết rất nhiều, thật đều và rất khỏe…

*

Tôi không được như các bạn mình khi vào học ở trường Luật, nhưng với chút ít kiến thức nhỏ nhoi qua thời gian ngắn ngủi ở đó, cũng đã trang bị và giúp tôi thật nhiều trong công việc. Chỉ ít lâu sau khi về phục vụ tại Phòng Kế hoạch Chính Huấn/ Văn phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư Lệnh Không Quân, tôi được giao nhiệm vụ Biên soạn Tài liệu Học tập Chính trị và là Thuyết Trình viên trong các lần đi công tác Tổ chức những buổi Học tập Chính trị ở các đơn vị Không quân. Chính những bài học về Kinh tế, về Karl Max, các lý thuyết và tiến trình dân chủ và nhất là những bài trong môn Quốc Tế Công Pháp của thầy Tăng Kim Đông, đã giúp tôi quảng diễn và lý luận thêm vững chắc các nội dung bài viết, tạo nên sự chú ý nơi người nghe tôi trình bầy các đề tài. Tôi thật nhớ đến đợt thuyết trình vào mấy tháng cuối năm 1972. Khi đó chiến trường càng thêm khốc liệt và chính tình thì cũng vô cùng phức tạp chung quanh Hòa đàm Ba Lê vẫn còn đang tiếp diễn. Dư luận rộ lên việc Việt Nam Cộng Hòa bị chính phủ Hoa Kỳ áp lực và thúc ép ký kết một Hiệp định bất lợi, dù Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn luôn ra sức phản bác,từ chối. Và theo dự trù của người Mỹ, Hiệp định Paris sẽ được ký kết vào khoảng cuối tháng mười năm 1972 chứ không phải là 27 tháng Giêng năm 1973 như sau này. Nhân dân và Quân đội cần phải được thông suốt về chính nghĩa và lập trường quốc gia . Một đợt Học tập chính trị được phát động sâu rộng để chống lại luận điệu ngang ngược và ngông cuồng của Cộng sản khi họ cứ ra rả về vấn đề chủ quyền và nền độc lập thống nhất của đất nước. Không quân của tôi cũng cũng được phổ biến và phải thực hiện tinh thần chỉ đạo ấy. Trong nội dung chính của bài viết chủ lực để thuyết trình của mình, tôi đã trở ngược thời gian, lấy Hiệp định Genève 20.71954 mà xác định rằng bản chất cuộc chiến của Quân dân miền Nam là một cuộc chiến tự vệ chính nghĩa, chống lại sự xâm lăng của Cộng sản do tay sai là chính quyền Hànội và biến tướng tiếp theo là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và cái gọi là Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, vẫn luôn đang ra sức tiếp tục tiến hành bằng mọi thủ đoạn, quân sự thì cuồng vọng khát máu, bên cạnh những luận điệu chính trị bịp bợp xảo ngôn. Tôi đưa dẫn chứng rằng, cho dù Hiệp định Genève 1954 có quy định Vĩ tuyến 17 chỉ là lằn ranh quân sự tạm thời chia đôi hai miền Nam Bắc, nhưng trong thực tế đã vô hình trung có 2 quốc gia riêng biệt theo đúng tinh thần Quốc tế Công Pháp khi dựa vào định nghĩa về một quốc gia với các yếu tố là : lãnh thổ – dân tộc – chính quyền. Cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Cộng sản,thủ đô là Hànội và Việt Nam Cộng Hòa,thủ đô là Sàigòn, đều hội đủ ba yếu tố đó và mỗi bên đều được quốc tế thừa nhận như là một quốc gia thực sự, khi có sự trao đổi ngoại giao cũng như ký kết các hiệp ước hay gia nhập các Tổ chức quốc tế. Không thể vì Việt Nam Cộng Hòa khước từ việc Hiệp thương để tiến đến Thống nhất đất nước, một điều mà Hiệp định Genève có nói đến, mà Bắc Việt được quyền tiến hành cuộc chiến hầu mong thực hiện điều này. Hiệp định cũng không nói tới một giải pháp quân sự nào cả. Cuộc chiến do Hànội phát động và ngụy tạo hình thức vỏ bọc bên ngoài nhân danh nhân dân miền Nam tự võ trang đứng lên, chính là sự xâm lăng rõ rệt, với những chứng cứ không thể nào chối cãi. Ông Trung Tá Trưởng phòng tưởng là tôi phịa ra lý luận này nên tôi đã mang tập cours Quốc Tế Công Pháp của Thầy Tăng Kim Đông mà tôi còn giữ được,có đoạn nói về Quốc gia, để giải trình. Tôi cũng không quên kèm theo quyển “Việt Nam nơi chiến trường trắc nghiệm vũ khí và chiến lược chiến thuật “ của Luật sư Nghiêm Xuân Hồng.có nói đến vấn đề tương tự như vậy. Xếp tôi nói với anh em trong phòng rằng tay này được đấy. Không hiểu ông muốn diễn tả điều gì về tôi, nhưng tôi đã tự nhủ thầm rằng mình cũng đâu đến nỗi tệ,dù chỉ là một anh chàng Luật Khoa nửa mùa…

*

Nửa đêm mùng một rạng sáng ngày mùng hai tháng Năm 1984, một lũ sai nha đùng đùng vây kín chung quanh và trước cửa nhà rồi ập vào đọc Lệnh Khám xét và bắt khẩn cấp tôi với tội danh “ hoạt động gián điệp phá hoại tư tưởng”. Trước sự hoang mang lo sợ tột độ của mẹ tôi và gia đình, tôi thật bình thản vì biết họ vẫn âm thầm theo dõi bủa vây tôi từ mấy tuần rồi và đã chuẩn bị sẵn sàng. Qua bếp lửa mỗi ngày, tôi đã kịp thời đốt hết tất cả bản thảo thư từ có vấn đề theo cảm quan của tôi…Thành thật mà nói và không phải quá lời, tôi có được sự bình thản và tự tin giữa một hoàn cảnh như vậy, một phần là đã qua gần sáu năm lưu đầy khổ ải trui luyện dầy dạn rồi…nhưng phần khác chính là trong một khoảnh khắc, tôi đã nhớ đến tí chút chất Luật Khoa của mình, dù chưa trọn hảo. Cái tí chút Luật khoa ấy đã thầm nhắc tôi bình tĩnh, không được phép tỏ ra nao núng… Nhìn bộ mặt câng câng của lũ côn đồ oắt con ngay khi bọn chúng vừa ào vào nhà, tôi đã giận run người. Đến khi nghe những tiếng loảng xoảng rơi đổ đồ đạc và những bước chân dậm thình thịch trên căn gác gỗ nhỏ hẹp của vợ chồng con cái tôi , tôi nhìn thẳng vào mặt viên Sĩ quan an ninh Trưởng toán ngồi đối diện với tôi nơi phòng khách và nói rằng chắc chẳng có những gì mà các ông đang mong muốn tìm ra đâu, xin đừng gây phiền phức quá đáng cho người già và đàn bà con trẻ còn ở lại khi tôi sẽ phải ra đi. Tôi cứ nghĩ là anh ta sẽ phản ứng, trái lại, bằng giọng nói Hànội nhỏ nhẹ rất từ tốn , anh ta bảo tin lời tôi và lệnh cho một tên khác cũng ngồi gần đấy lên thông báo cho lũ trên gác nhẹ tay và mau kết thúc việc lục soát. Sau gần hai giờ đồng hồ chúi mũi xục xạo trên căn gác nhỏ chưa đầy ba mươi thước vuông của vợ chồng con cái tôi và khuân xuống hai thùng các tông lỉnh kỉnh hình ảnh, sách vở thư từ và nhiều trang bản thảo viết dở dang, rồi ghi chép Biên bản và mọi việc mới chấm dứt. Sau đó họ thông báo là sẽ đưa tôi về Trại giam Phan Đăng Lưu. Có một tên lấy còng chuẩn bị khóa tay tôi nhưng viên Trưởng toán giơ tay bảo không. Tôi thật cảm kích và vẫn còn nhớ tên anh này : Lương Đức Tự. Tôi cũng còn nhớ cả tay phụ tá người miền Nam đêm hôm đó là Lê Mạnh,hung hăng và lấc cấc nhất bọn, mà chỉ hơn một năm sau tôi lại thấy mặt ở Chí Hòa,vì ăn bẩn và tranh giành chia chác nhau không đều sao đó nên bại lộ và cùng đi tù cả đám. Có anh em ở cùng phòng giam với tôi biết hắn trước 75 là một tên sinh viên tranh đấu bên Văn Khoa…Thời gian sau này được gặp nhau, kể lể về cái đêm hôm ấy ở mỗi gia đình, anh Hoàng Hải Thủy cười bảo, cũng thật hay khi có ông Tự kia đi bắt ông Tự này…

Và rồi diễn tiến của vụ án đã được các hiền huynh của tôi, anh Duy Trác và nhất là anh Hoàng Hải Thủy, sau khi sang đến Hoa Kỳ, đã viết và đăng tải rất nhiều bài liên quan đến vụ án gọi là “ Những tên Biệt kích cầm bút”, thực ra chỉ là nhan đề một quyển truyện vụ án, loại văn chương khá phổ biến lúc bấy giờ. Tôi chỉ nói thêm một chút về sự có mặt của những con người Luật khoa trong đó, cách riêng là anh Triệu Quốc Mạnh, người đã bào chữa cho anh em chúng tôi nơi phiên Tòa cuối tháng Tư năm 1988 ấy ,mà anh Hoàng Hải Thủy chưa nhắc đến nhiều. Tôi còn nhớ trước ngày xử khoảng hơn tuần, khi chúng tôi đã được tống đạt cáo trạng ( bản cáo trạng đã được thay đổi tội danh và sau mấy lần Tòa đình phiên xử), anh Triệu Quốc Mạnh đã vào Chí Hòa tiếp xúc với anh em chúng tôi. Anh tự giới thiệu và thẳng thắn nói anh chỉ là người yêu nước, không phải là đảng viên. Anh vào đây do ý muốn của phía gia đình chúng tôi, tuy nhiên nếu chúng tôi cảm thấy không thoải mái anh sẽ ra về ngay. Nhưng theo anh,sự có mặt của anh trong phiên tòa sẽ có lợi hơn cho chúng tôi. Anh Duy Trác im lặng không nói gì, riêng anh Hoàng Hải Thủy thì bầy tỏ rằng nếu chúng tôi được tôn trọng thì mọi việc sẽ ổn, bằng không thì sẵn sàng phản ứng quyết liệt liền, muốn ra sao thì ra. Anh Mạnh cười bảo cứ bình tĩnh và tin tưởng nơi anh. Trên đường về lại phòng giam, anh Hoàng Hải Thủy nêu nhận định rằng chắc nhà cầm quyền muốn hòa hoãn nên cử người vào thăm chừng và đấu dịu trước chăng. Sau này khi ra tù tôi gặp lại gia đình và Ngô văn Tấn,bạn tôi, mới biết điều đó không đúng…

Hôm phiên Tòa xử anh em chúng tôi, sau phần luận tội nặng lời bằng thứ luận điệu giáo điều ấu trĩ quen thuộc của viên đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố, anh Triệu Quốc Mạnh đã thật mạnh mẽ trong phần bào chữa và tranh luận. Anh phản bác tất cả sự buộc tội có tính cách áp đặt với chúng tôi. Tôi nhớ những ý chính mà anh lập luận trước Tòa . Anh cho rằng anh em chúng tôi là những người cầm bút tự do, không phải là đảng viên, không thuộc về bất cứ một Hội Văn học Nghệ thuật nào của nhà nước nên không thể bị chi phối bởi các đường hướng chỉ đạo về Báo chí và Văn nghệ của chính quyền, và do đó trong trường hợp này không thể gọi là có sự vi phạm gì để mà kết tội. Đặt vấn đề an ninh quốc gia ở đây ,khi các bài viết, các sáng tác, dù được đăng tải ở báo chí hải ngoại, là nâng hàng quan điểm không đúng chỗ, vì phải xem xét và phân tích, đánh giá đúng mức nội dung của các bài,các sáng tác này. Có lúc căng thẳng anh đã từng đập mạnh tay xuống mặt bàn. Viên cán bộ giữ quyền công tố chắc đã không thể ngờ được tình hình này và tỏ ra thất thế rõ ràng. Người Thẩm phán chủ tọa phiên Tòa là Chánh án Nguyễn Thị Thu Phước cũng không thấy biểu lộ thái độ gì, kể cả khi có tiếng vỗ tay đâu đó của số lượng người ít oi được phép ngồi tham dự trong phòng xử. Chừng như anh Triệu Quốc Mạnh đã có dịp phơi trải một ẩn ức nào đó nữa của riêng anh.

Không biết có nên nêu thêm một chút chi tiết thú vị là viên thư ký phiên Tòa hôm ấy, Nguyễn Phi Long,cũng một ông sinh viên Luật khoa dở dang vì biến cố 30.4.1975. Sau này có lần gặp nhau đầu hẻm vì ở cùng Khu cư xá kiến thiết Cổng xe lửa số 6, anh ta đã nói với tôi điều này. Gần đây, qua tin tức báo chí trong nước được biết anh đã trở thành Thẩm phán xử án và ngồi ghế Chánh án trong các phiên Tòa sơ thẩm…

*

Ra tù, tôi có lên văn phòng Đoàn Luật sư gặp anh Triệu Quốc Mạnh để thay mặt các anh em nói lời cám ơn. Anh niềm nở tiếp đón và ân cần hỏi han, chuyện trò thân tình. Tôi nói có biết anh là Biện lý Tòa sơ thẩm Gia định dạo mới mở năm 1973 trên đường Bạch Đằng vì thỉnh thoảng ghé đến Văn phòng Luật sư của anh Chu Văn Viện phía đối diện chênh chếch bên kia.Anh cũng nhắc lướt qua cái không khí chung quanh ngày 30 tháng 4 mà anh có một vai trò lúc đó và nói thôi chuyện cũ cứ tạm thời để qua một bên. Lúc tiễn tôi ra về anh nói thỉnh thoảng lên đây anh em trò chuyện, không nên trao đổi gì nhiều ở những nơi đông người, nhất là các vấn đề chính tình, thời sự, dễ bị làm phiền. Anh còn nhắc tôi nghỉ ngơi ít lâu cho khỏe, cũng có mấy chỗ làm tư nhân quen biết vẫn luôn cần người, anh sẽ sẵn sàng giới thiệu. Sau đó,không biết lần bào chữa cho anh em chúng tôi có gây ảnh hưởng gì hay không mà sinh hoạt của anh vẫn thường gặp nhiều trở ngại, như vụ xử dụng giáo trình trong phân khoa Luật mới mở sau này mà anh được giao phụ trách ngay từ lúc đầu, hay trước đấy là những lùm xùm quanh chức Giám đốc sở Tư pháp, có loáng thoáng tên anh nhưng rồi lại rơi vào tay Phan Công Trinh…

Khi ghé đến Ngô văn Tấn, tôi hiểu rõ hơn về sự có mặt của anh Triệu Quốc Mạnh trong vụ án với vai trò Luật sư biện hộ… Lúc các gia đình cùng nhận được thông báo về việc tham dự phiên Tòa sắp mở,nhà tôi có đi gặp các chị Duy Trác và Dương Hùng Cường cũng như Chị Hoàng Hải Thủy để thăm hỏi, bàn thảo, nhưng các chị không có ý kiến gì nên đã chủ động tìm đến Ngô Văn Tấn…

Ngô Văn Tấn hơn tuổi tôi , học trên nhiều lớp, khi tôi vào năm đầu thì anh vừa xong Cử nhân và lên Cao học. Anh cũng rất yêu thơ văn và vẫn coi tôi như bạn ngang hàng từ khi chúng tôi gặp gỡ và biết nhau trong Nhóm Ý Thức ở Trường Luật thời gian đó cho đến mãi tận bây giờ. Anh vẫn nhớ và rất thích thú với cái tên Anh Vọi mà chúng tôi đặt cho anh trong lần đi Trại ngoài Vũng Tầu, vì vóc dáng cao to vượt trội các bạn hữu của anh. Không thân thiết,ít ai biết một hoàng đai Vovinam ấy là một tay Luật khoa thứ thật hay ngược lại. Khoảng giữa năm 1981, sau khi đi tù về, tôi tình cờ gặp lại anh ngoài phố mới biết anh cũng bị kẹt lại sau 1975, không đi được. Và rồi thỉnh thoảng vợ chồng tôi vẫn đến nhà thăm gia đình anh,các cháu còn nhỏ vì anh lập gia đình muộn mới trước đó ít năm. Anh làm bên Bảo hiểm thời gian dài rồi gia nhập Đoàn Luật sư thành phố ngay khi được thành lập theo lời mời của anh Nguyễn Đăng Trừng, vốn quen biết nhau từ lâu hồi còn học ở Trường và cũng vì anh không dính dáng đến quân ngũ trước 1975 hay vướng mắc vấn đề lý lịch đối với chính quyền…

Khi tiếp nhà tôi, Tấn nói anh chỉ được phép nhận những vụ án Kinh tế, tuy vậy cứ để mọi chuyện cho anh. Tôi biết sự lo lắng của nhà tôi, từ việc sau khi vào Phan Đăng Lưu, tôi bị biệt giam lâu quá, mãi gần tám tháng sau mới được cho ra tập thể, để có thể bắt đầu được nhận thăm nuôi, tiếp tế của gia đình. Trong khi đó tất cả những người khác trong vụ án thì chưa hết một Lệnh tạm giam là 4 tháng đã kết cung và sang tập thể ngay. Tôi cũng không hiểu do chứng cứ thu thập được hay các hướng điều tra của đám An ninh như thế nào mà hồi đầu họ chĩa mũi dùi vào tôi kỹ quá như thế. Thêm vào đấy, kể cả trong những loạt bài báo đăng tải nhiều kỳ bên ngoài nữa, như trên tờ Tuổi Trẻ hay Tuần Tin Tức cùng thời gian ấy dưới cái tên “Trận đánh không tiếng súng” mà sau này khi in thành sách để xuất bản mới đổi thành “Những tên biệt kích cầm bút”, cũng hay nói nhắc đến tôi với nhiều chi tiết dựng đứng, khiến cả nhà hoang mang lắm…Tấn kể lại với tôi rằng sau hôm gặp nhà tôi, có đem sự việc lên trao đổi ở Văn phòng Đoàn Luật sư, anh Nguyễn Đăng Trừng mau mắn và sốt sắng tiếp nhận ngay, nhưng rồi sau đó thì chính anh Triệu Quốc Mạnh đã dành nhận lấy vai trò Luật sư bào chữa cho anh em chúng tôi trước Tòa như đã biết. Thời gian này, đây là một việc khá tế nhị và không dễ dàng gì…Chỉ dám trong một góc độ riêng tư, cá nhân tôi hằng luôn ghi nhớ những thâm tình của những con người Luật Khoa ấy.. .

Tôi vẫn duy trì thường xuyên sự giao hảo thân tình gần gũi anh em với Ngô Văn Tấn. Văn phòng Luật sư của anh trên đường Mạc Đĩnh Chi hay văn phòng Công ty bảo hiểm Viễn Đông mà anh kiêm nhiệm một chức vụ trong Hội đồng quản trị là nơi chỗ tôi vẫn lui tới luôn. Mấy năm gần đây, khi tôi đã tới ngụ cư ở Houston này, trong lần sang Cali thăm hai ông con trai đang du học, Bố con Tấn đã cùng kéo nhau ghé qua thăm tôi, thật cảm động quá. Anh em hàn huyên đủ mọi thứ chuyện trò,chia tay nhau Anh Vọi chỉ ân cần dặn tôi rằng nhớ đừng bỏ quên chuyện thơ văn chữ nghĩa. Cám ơn ông và thật nhớ vô cùng Tấn ơi…

*

Trước đây khi còn ở quê nhà, tôi vẫn thường hay đi qua ngôi trường Luật ngày xưa ấy rất nhiều lần mà sao vẫn thật dửng dưng xa lạ, chẳng thấy có được chút xao xuyến nào để mà gợi nhắc về một thời ở nơi này, dù ngắn ngủi dở dang nhưng cũng bao điều quên nhớ, những khuôn dáng nhạt nhòa ẩn hiện vẫn từng lẩn khuất nằm sâu đâu đó trong trí nhớ nhỏ nhoi nơi dòng ký ức tháng ngày. Có thể vì một đất nước đã bị đổi tên, những con đường thân thuộc và ngôi trường cũng đã bị đổi tên, trở thành một thứ dị ứng phản xạ, muốn đẩy xóa mọi thứ, làm cho xa cách tất cả, cho dù vẫn lả đấy, vẫn nơi chỗ này.

Và thế rồi bỗng bất chợt ở một khoảnh khắc nào đó nơi đất lạ quê người, như có tiếng gọi từ một cảm thức òa vỡ làm cho bao điều tưởng chừng đã ngủ vùi trong quên lãng của tận cùng ký ức lại ùa về thật hân hoan. Có phải vì cái lạnh giá rét buốt và từng cơn mưa bụi bay bay giữa mùa Đông tha hương vời vợi ở Houston này, lùa những bâng khuâng hoài nhớ vào từng ngóc ngách thời gian xưa cũ ấy, gọi về tất cả và ân cần bầy biện tất cả ra đây, hiển hiện rõ ràng đến thế, sao mà rưng rưng quá đỗi.

Trường Luật ngày tháng ấy của tôi ơi. Một thời tuổi trẻ của tôi ơi. Có còn không nơi chỗ nào nữa những quên nhớ nhớ quên. Diệu vợi biết mấy và xa xăm quá mất rồi…

ngọctự.

Nguồn http://t-van.net/?p=21890
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn