BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72818)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chỉ Còn Là Kỷ Niệm

08 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1362)
Chỉ Còn Là Kỷ Niệm
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy…..


(Thu Sầu của Lam Phương )

Tiếng hát của cô ca sĩ thân quen phát ra từ cái speaker nhỏ, một bản nhạc mà người bạn của anh đã gởi đến cho em hôm nay, bài hát mà ngày xa xưa em vẫn thường hát mỗi khi nhớ đến anh, trong những tháng ngày anh hành quân ở những vùng đất hoang vu xa thăm thẳm, những vùng đất mà cái tên gọi thật xa lạ với em như, Gio Linh, Neakluong, Kongpong Trabek, chiến khu D, Hố Bò, Bời Lời…v..v.. Những vùng đất mà khi thư anh viết gởi về, em chưa kịp học thuộc địa danh nơi anh đóng, thì đơn vị anh đã chuyển quân qua vùng đất khác .

Anh yêu dấu!

Thế là mình đã mất nhau hơn 30 năm rồi đó anh, hơn một nửa đời người và cũng là gần một phần ba thế kỷ phải không? Vậy mà em cứ ngỡ như là vừa mới mất anh ngày hôm qua, có lúc ngồi nghe lại một bản nhạc mà ngày xưa vẫn cùng ngồi bên nhau nghe, nhắm mắt lại tìm chút dư hương , để em tưởng chừng như anh vẫn đang ở bên em.

Cuộc sống ở đây thật khô khan và con người như một cái máy, sáng dậy đi làm vào đến sở là làm một hơi, đến giờ nghỉ giải lao thì chạy ra cafeteria, uống vội một ly café xong rồi lại vào làm tiếp, hết giờ thì về, leo được lên cái xe thì lo chạy thật nhanh . Rồi còn lo cố gắng sao cho kịp lúc vì nếu chậm trễ thì freeway kẹt có khi tới hai tiếng đồng hồ mới về được đến nhà, thay vì chỉ mất 45 phút do đó em cũng không có thời gian để nhớ đến anh, để ôn lại những gì còn nằm trong ký ức nhỏ bé của em. Hôm nay trời vào thu, mây mù bao phủ cả khung trời thương nhớ của em, làm cho tim em co thắt lại, cho lòng em quay quắt nhớ thương anh, nhớ về những ngày xưa thân ái, thuở em còn là một cô học sinh của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, trong những buổi ra chơi đã cùng chúng bạn vây quanh cái gánh hàng rong của bà Ba bán cóc , ổi , soài , những quả cóc, quả ổi, trái soài xanh dòn được đem ngâm với nước cam thảo vàng ngậy bên cạnh chén muối ớt đỏ tươi, khiến bọn con gái tụi em nuốt nước miếng ừng ực khi ghé vào gánh hàng này, những ngày tháng cặm cụi với bài vở để học thi từng cá nguyệt , những ngày tháng lần chuyền tay nhau những cuốn tiểu thuyết tình cảm nói về những mối tình của lính, có những mối tình kết thúc rất đẹp, nhưng cũng có những mối tình kết thúc một cách bi đát dở dang để khi đọc xong đứa nào đứa nấy hai mắt đỏ hoe .Thế mà em vẫn mơ được làm người yêu của lính .

Và trong những buổi học gần cuối năm chúng em rất là bận rộn cho buổi tất niên, ban biên tập thì các chị lo sáng tác, ghi chép, biên soạn, nào hình ảnh , bài vở ...v..v…cho tờ báo xuân , ban văn nghệ lo những chương trình ca vũ nhạc kịch , ban tổ chức thì lo thu tiền , bán vé , sổ số giúp vui , thì bà giám thị bước vào lớp để chuyển giao thông cáo mới của bà hiệu trưởng là “tất cả các học sinh lớp 10 và 11 ban A, B, C toàn trường , mỗi người hãy thêu một cái khăn tay và viết một lá thư để ủy lạo các anh chiến sĩ nhân dịp xuân về, nội dung của bức thư là khích lệ, và tri ân các anh chiến sĩ đã hy sinh cho chúng ta có những tháng ngày êm ấm, lời thư không được ủy mị, đưa tình hay lãng mạn, và cấm không được ghi tên cùng với địa chỉ của người gởi, ai phạm luật sẽ bị trừ đìểm hạnh kiểm và đương nhiên lá thư sẽ không được gởi đi “ .

Anh ơi! Anh có biết gì không, chỉ có một trang tập giấy học trò thôi mà em đã viết hằng bao đêm, từng chữ em nắn nót, chau chuốt từng câu văn và sau bao lần đắn đo suy nghĩ em đã đánh bạo ghi vào góc trái của trang sau tên họ, lớp học và tên trường , em nghĩ rằng nếu chẳng may nhà trường kiểm thư và bắt được, thì coi như thư này không tới tay anh, nhưng nếu may mắn lọt thoát vòng kiểm soát của ban giám học thì em sẽ có được cơ hội quen anh, quen một người lính mà em hằng mơ ước được quen, em cũng tự hỏi anh là ai ? Một người lính TQLC, hay lính Nhẩy Dù, hay là lính Biệt Động Quân?

Một chiều mùa thu năm sau, đứng trên hành lang lầu hai trước cửa lớp 12A2 nằm phía bên tay phải của nhà trường, cùng dãy với văn phòng giám thị và phòng giáo sư, nghe tiếng nhốn nháo xầm xì của một đám bạn học, chúng nó vây quanh một ông lính, đứa tròn mắt dáo dát tìm, đứa thì che miệng cười khúc khích, có đứa quay lưng bỏ đi, em tò mò bước lần xuống, đến gần thì thấy một người lính tuổi chừng 29 hay 30 da ngăm đen, có gương mặt hơi vuông, đôi mắt to sâu và cặp lông mày rậm đen, miệng cười nửa miệng, cái đáng nhớ nhất là vầng trán của anh có một cái gì vừa kiêu hãnh, vừa lì, trên vầng trán là cái mũ beret mầu xanh, trong bộ quân phục rằn ri mầu lá cây rừng trông thật dữ tợn, em nhìn thấy trên tay áo anh là tấm huy hiệu thêu hình con chó sói đen với hai chữ Sói Biển .Thấy em mãi chăm chăm nhìn vào tay mình, anh lính như sực nhớ ra, chìa ngay ra trưóc mặt em, và miệng lắp bắp hỏi ….” Tôi muốn kiếm cô .Phờ..i …. “ mắt em chợt hoa đi, đầu óc choáng váng, tim đập mạnh, tai lùng bùng không nghe được anh nói gì nữa cả, khi nhận ra nét chữ trên phong thư đó chính là nét chữ của em, chính là cái thư mà em đã viết vào cuối mùa thu năm ngoái .

Anh yêu dấu!

Thế là thư từ qua lại với những lời khuyến khích, dặn dò của anh đã làm em cố gắng chăm học hơn, cố gắng không nhớ đến anh để trong lớp học không phải cắn bút hằng giờ ngồi thừ người nhìn qua cửa sổ, để không bị đỏ mặt khi bị ai kia bắt gặp. Nhưng rồi thì mọi sự khó khăn cũng qua “thánh nhân đãi kẻ khù khờ “ và em đã may mắn thi đậu trong kỳ thi năm đó, cô học sinh trung học của anh ngày nào đã ngang nhiên trở thành một cô sinh viên, em đã bắt đầu là người lớn rồi, em đã không còn ăn quà vặt nữa, đã không còn cười ngả nghiêng với bạn học ở trước cổng trường, em đã may cho mình những chiếc áo dài mới mầu vàng bằng những hàng nội hóa tơ óng ả, em đã mua cho mình một đôi giầy cao gót để thấy em cao hơn và em đã ôm quyển tập vào trước ngực thay vì phải cầm một cái cặp da to tướng, như những chị sinh viên mà em đã nhìn thấy trong lần đi ghi danh ở trưòng đại học Luật Khoa.

…”Cô sinh viên hay buồn, thường nhắc nhở những chiến công, chuyện nước mắt ướt sân trường đại học, chuyện anh riêng anh riêng anh, ôi! Đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh “…..Thế là từ lúc nào đó mình đã yêu nhau phải không anh? với những lần về phép ngắn ngủi, những lần đưa đón, anh đã kể cho em nghe những chuyện hành quân băng rừng lội núi, còn em kể cho anh nghe những tháng ngày nhớ anh quay quắch ở giảng đường, con đường Duy Tân cây dài bóng mát là chứng nhân của tình yêu chúng mình, những chiều dạo phố tay trong tay trên đường Lê Lợi, rồi băng qua Nguyễn Huệ, bên cạnh những tiếng nói thân quen, tiếng rao bán hàng, những tiếng hát của Duy Khánh, Chế Linh ….” từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ tìm người thương thăm người thương, chân nghe quen từng viên sỏi đường mòn….” vang ra từ trong một quán nhạc với những bản nhạc nói về lính làm cho em thêm niềm hãnh diện khi đi bên anh, ngước mặt nhìn lên anh đi bên cạnh, mái tóc dài phủ trán, quá tiêu chuẩn 3 phân của nhà binh rồi đó, và đôi giầy saut dính đầy bùn đất hành quân, với bộ quân phục rằn ri không thẳng nếp, kề tai anh em nói nhỏ

-Trông anh giống như người rừng

Siết nhẹ tay em anh quay sang nói lớn

-Người rừng vậy đó! Chứ có người mê chết đi thôi

E thẹn dấu mặt vào vai anh, đấm nhẹ vào lưng để tỏ ý bất bình khi thấy có những người đi trên đường đang quay lại nhìn em.

Đường Duy Tân - Sài Gòn (06/1969)


Rồi niềm vui, tiếng cười chưa dứt thì tiếp theo là những đêm chia tay đầy nước mắt, một ông nhạc sĩ nào đã viết “ …mai anh đi rồi , em có buồn không em ??? “ sao ông lại hỏi một câu thừa thãi như vậy ? buồn quá chứ còn gì nữa, buồn chứ sao không buồn, người xưa có câu “cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi” , hay ông Phạm Duy cũng có viết… …”.anh trở về trên đôi nạn gỗ , anh trở về hòm gỗ cài hoa , anh trở về bằng chiếc băng ca trên trực thăng sơn mầu tang trắng …anh ơi !..”

Anh yêu dấu!

Rồi những lá thư tình mầu tím lần lượt gởi đi, và trong cái hộp đựng bánh biscuit đã ăn hết bánh, thay vào đó là những lá thư viết từ KBC….có những cái thư đã nhầu nát, có cái thì chữ viết bị lem vì những giọt mưa hay những giọt mồ hôi của anh, có cái còn dính cả đất bùn nơi anh hành quân, có cái bị cháy xén vì sự sơ ý của những tàn thuốc, nhưng vì là thư của lính như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có nói …”thư của lính, thư không được dài như mơ ước đâu em, nhưng thư của lính chấm dứt ở đây sau khi đề thêm hai chữ “Hôn em” ….

Tất cả những thứ đó giờ đây là những gì yêu quí nhất của anh mà em còn giữ được, trong đó còn có cả chiếc khăn tay mà em đã thêu cho anh trong lần ủy lạo mùa xuân năm nào, cái khăn tay mà lúc nào cũng nằm trong túi áo trận của anh, đã theo anh đi qua khắp bốn vùng chiến thuật, đã thấm biết bao nhiêu là giọt mồ hôi của anh, đã ở bên anh trong những lần sinh tử chỉ cách nhau đường tơ kẻ tóc. Cái khăn tay mà bạn anh đã cầm về cho em trong ngày tải thương anh về Tổng Y Viện Cộng Hoà, và có luôn cả một tờ đơn xin cưới chỉ còn một nửa trong túi áo trận của anh

….Đơn xin cưới một tờ đơn xin cưới,
Anh thảo rồi anh lại xé em ơi …..
Bởi không muốn người yêu nhỏ bé,
Một sớm nào thành góa phụ thơ ngây….


(thơ Hà Huyền Chi)

Anh yêu dấu!

Dù muốn hay không, thì cô sinh viên ngày nào của anh, giờ ngồi đây nhìn về bên kia bờ đại dương, cách nhau nửa vòng trái đất vẫn nhớ đến anh, để em đã rưng rưng nước mắt khi nghe những người đi vượt biên đi sau kể lại khi bọn giặc cộng vào họ đã đuổi các anh ra để dành chỗ cho thương binh của họ, từ trong cổng chính của TYVCH các anh đã phải dìu dắt lẫn nhau đi, kẻ bị thương lủng bụng dìu người bị cưa chân với những viết thương còn đang chảy máu, lếch thếch đi bên cạnh những ống nước biển, những ống giây còn dính mắc quanh người.

Giờ đây những người bạn của anh, có người đã vượt biên đến được mảnh đất này bằng diện tỵ nạn, có người bị đi học tập thì đến bằng dìên H.O. Còn anh được gì? một phần thân thể đã làm quà cho quê hương, đem máu xương để giữ mầu cờ vàng ba sọc đỏ, các anh sống thật cô đơn trên quê hương, không binh chủng, không đơn vị, không bạn bè, không người yêu và ngay cả cái quyền làm người cũng không có, phải chăng định mệnh đã quá khắt khe với chúng mình phải không anh.

Ngày tháng trôi qua
Hai mảnh đời còn lại
Cô phụ bên đường đời và……
Người lính buồn trên chiếc xe lăn …..


Viết cho thương phế binh Mũ Xanh
Phi-Yến

Nguồn Thủy Quân Lục Chiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn