BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73234)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Làng tôi và Mẹ tôi

16 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1091)
Làng tôi và Mẹ tôi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Quê tôi là hai ngôi làng bé xíu nằm giữa con sông phụ lưu của dòng Đồng Nai tên là rạch Đông và đường quốc lộ số 1 đoạn chạy ngang Hố Nai, Biên Hòa. Đây là hai ngôi làng cổ của đồng bào miền đông Nam bộ mà những người miền Bắc di cư năm 1954 vào an cư lập nghiệp. Những người dân di cư muộn màng hay là những ngươì di cư chậm chân, thiếu mắn mắn …điều ấy tôi chưa có thời giờ đủ để tìm cho ra ngọn ngành. Chỉ biết một điều, vùng đất này khổ qúa.

Từ quốc lộ số 1, đoạn chợ Hòa Bình, Hố Nai. Có một con đường đất dẫn bước chân người đi xuống thấp dần. Chừng hơn một cây số ngoằn ngoèo sẽ tới một cái dốc có tên gọi là dốc Cao. Những năm 1967-1973 con dốc này đi rất khó. Trơn trượt vào mùa mưa và gió lốc bốc bụi mù mịt vào mùa nắng. Đây là biên giới của vùng được gọi là ánh sáng đất Hố Nai với vùng thâm u mang tên Đồng Lách là nơi tôi được Mẹ sinh ra cho làm một con người. Những năm 1968, 1975 con đường này, Mẹ tôi thường đi bộ, đầu đội một cái thúng thường là rất nặng.

Nhà thờ Hố Nai - Biên Hòa 1971


Mẹ tôi người quê làng Hành Thiện. Mẹ không biết gánh gồng mà chỉ dùng cái đầu để chuyên chở những thứ Mẹ cần mang vác. Cái thúng trên đầu Mẹ, có khi tôi phải đỡ xuống, nếu không sẽ rơi đổ những thứ linh tinh ra ngoài. Từ chai mắm đến củ hành. Từ phên đường đến bọc mì chính…và cả những cân gạo. Mẹ tôi dựng một cái quán bán hàng tạp hóa linh tinh trong hai ngôi làng này từ ngày rời xứ Bắc vào miền Trung rồi lang bạt vào đến đây. . . Ngày ấy, tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi là sức lực nào mà Mẹ có thể chất ngần ấy thứ lên đầu, đi bộ gần 4 cây số trên con đường loằng ngoằng sỏi đá, cây cối xơ xác vào những tháng hanh, nhưng lại rậm rì âm u đầy khủng bố vào mùa nước lũ!

Tôi đã đi trên con đường ấy cho những tháng ngày học hành dang dở. Chiến tranh ở nơi đây không là chuyện đùa. Thủa mới lập làng, những trai làng có học hành tốt được khuyến khích trau dồi sư phạm để đứng lớp cho lớp đàn em. Thủa ấy thật là đẹp trong trí nhớ mờ nhạt của tôi.

Những đoàn trai tráng áo quần đen, nón vải đen vành cứng, rất hăng hái và tự tin trong những buổi thao dợt quân sự thể thao giữa khoảng sân rộng lớn bên cạnh ngôi Giáo Đường lợp tôn đang dỡ ra xây cất lại. Những bước chân thẳng tắp. Những bắp tay bồng súng tự nhiên vững chãi. Những nụ cười rạng rỡ và những tiếng hô Việt Nam muôn năm. Ôi, đẹp làm sao! Những người thanh niên đàn anh đàn chị đầy sức sống, như những người dũng sĩ tuyệt vời trong con mắt trẻ thơ của tôi.

Thanh Niên Cộng Hòa, tôi không hiểu vì nguyên cớ gì mà những hình ảnh thời ấy của đoàn thanh niên cộng hòa lại đã kịp in dấu vào tâm hồn măng sữa của tôi, giữa một vùng núi rừng bạt ngàn tre trúc xen lẫn những cây vú sữa, cây sung, cây me cây soài cổ thụ hơn trăm năm tuổi vơí hàng hai, ba vòng tay người ôm cho mỗi gốc. Giang sơn của tôi, tuổi thơ thần tiên vơí những buổi trốn học lang thang dọc dài theo những con suối bắt chim bẫy khỉ. Không biết chung quanh mình đang chiến tranh rất tàn nhẫn. Không biết bàn chân Mẹ từng đêm đau nứt toác gót thanh xuân! Mẹ tôi, nụ cười vơí hàm răng đen bóng, vơí màu áo nâu muôn đời không đổi và vơí vành khăn đen tròn Mẹ cuộn quanh đầu làm nền cho chiếc thúng ngặt nghèo cơm áo chồng con. Người đàn bà nghe bảo là đẹp một thời của làng Hành Thiện xa xăm nào đó tận đất Bắc liêu trai; mà mỗi lần Mẹ kể, cũng chỉ là câu chuyện của một con sông, câu chuyện của người con không được học chữ lẫn trong những đứa con được học chữ. Sau này lớn khôn, tôi mơí hiểu được nỗi buồn tủi của Mẹ khi không được học chữ. Chị em Mẹ, bà này bà kia, vàng bạc choáng ngợp từ bộ ghế đến dáng đi. Riêng Mẹ, ngày con vượt biên Mẹ dấu dắt được mỗi đôi bông tai hồi môn ngày cưới. Đôi bông tai chị của Mẹ chê là đã đổi màu, cười nhạt khi Mẹ run run mở khăn đưa cho bác làm hàng đặt cọc vượt biên cho thằng con út đang lao đao trước cửa ngục tử hình! Mẹ tôi ơi! Giờ này, có ai đó tìm được đôi bông tai ngày nào, có phải chết con cũng giành lấy cho bằng được, Mẹ có biết không?

Mẹ không được học chữ trong khi ông Ngoại là nhà Nho lẫn Tây học, có học trò và làm nhà thuốc. Ông Ngoại dạy từng con chữ cho ngươì ta và Mẹ chỉ còn biết học lóm học lỏm câu được câu chăng! Ông Ngoại có nhiều bà và có lẽ, Mẹ là con của ngươì bà hiền lành thiếu thốn nhất. Giờ này, con chỉ biết suy đoán vậy thôi. Tất cả đã bỏ con mà đi.

Nhớ ngày Mẹ quá cảnh ở phi trường CDG Paris. Anh gọi cho con, ấp úng bảo là mượn cạc telephone của người hướng dẫn, bảo con ra phi trường được không? Để Mẹ nhìn thấy được con!

Cả anh cả Mẹ, đều là những con ngươì còn quá mới vơí xã hội này! Mẹ và anh đâu biết rằng vơí chỉ 1 giờ quá cảnh, sao có thể gặp được người ngoài phi trường? Lần ấy, tiếng Mẹ hụt hẫng đến thảm hại : « Mẹ tưởng Mẹ được ở vơí con, ở gần con … nên Mẹ mơí đi! ». Lòng con lúc ấy lại dồn mọi tập trung cho một cuộc trở về. Tình nhà, con nghiến răng gạt phăng…

. . . Để lần về thăm con. Mẹ từ Mỹ xa xôi, con thấy bóng Mẹ thoáng lướt qua sau những hàng dừa ảo ảnh; các cháu cáng Mẹ trên một chiếc ghế! Lần ấy, cuối cùng Mẹ con cũng không được gặp nhau! Con nuốt hận thù vào gan ruột, hình dung bóng Mẹ được cáng ra xe, dập dình hằng trăm cây số đường La Hai Phú Yên để ra quốc lộ số 1 xuôi về phương Nam và đáp máy bay trở lại Mỹ với chiếc ghế nằm dành cho người bệnh tật, bỏ lại phía sau, trại tù A20 vơí đứa con út ít ngang tàng của Mẹ. Sức chịu đựng của Mẹ thật là vô biên.

*
…Làng tôi, đất đai cằn cỗi. Ruộng phèn bám đỏ ối những móng chân con người. Làng tôi, cua cá ê hề trong vùng lau lách nhưng chẳng mấy người được hưởng. Ai cũng sợ chiến tranh! Hai ngôi làng nhỏ, ban ngày lính quốc gia, ban đêm lính cộng sản …mãi đến 1971 mới bớt đi tình hình xôi đậu này, nhưng bù vào, phi cơ oanh kích, tác xạ hầu như hàng ngày vào khu rừng Trị An- Rạch Đông. Những cuộc xâm nhập và những xác người. Những tiếng mìn claymore và những tiếng xích sắt xe tăng san bằng những bờ ruộng quanh làng! Từng tràng đại liên 30 xé rách không gian tĩnh mịch, từng tràng đại liên 50 ùng ục dội cắm vào màn đêm từ những chiếc xe tăng lạnh lùng! Cả một tuổi thơ tôi là âm thanh gầm rú của máy bay phản lực, của đại liên và đại pháo.

*

. . . Mẹ nấu món ăn nào cũng mặn. Những người Nùng đi săn được hươu nai biếu Mẹ cân thịt ngon. Mẹ kho mặn. Cân thịt lợn rừng biếu xén Mẹ cũng kho mặn, thậm chí thịt con kỳ đà Mẹ cũng …băm to kho mặn! Có lẽ, đơì Mẹ, Mẹ chỉ biết mỗi món kho và món luộc. Và món nào cũng mặn.

Mẹ trồng những cây rau đay quanh năm trổ đọt mới để con cả đời phải mãi mãi thèm một bát canh rau đay cà pháo nơi đất khách quê người. Nhớ có lần trong cuộc hành trình dài trên đất Mỹ. Một người bạn tâm giao hỏi con : « Anh thích món gì nhất, em nấu cho anh ăn …», chẳng một giây suy tính, con nói ngay :« Canh rau đay! ». Buổi trưa hôm ấy, đi xa về là môt bát canh rau đay trên bàn, bát cà pháo trắng dòn và một chút mắm tôm, một đĩa thịt lợn kho khô rang như muối! Ôi, toàn là thứ con của Mẹ cực kỳ thích. 14 năm đã trôi qua. Bữa cơm ấy chưa khi nào mờ phai trong trí óc hỗn độn của con. . . và cũng như Mẹ, người bạn tâm giao ấy đã rời con mà đi, cho đời con thêm một vết dao cứa sâu vào tâm khảm …

*
Quê tôi, ngôi làng vơí những con đường bậc thang bùn sâu tơí bụng. Vơí đồng bào Nùng sống quây quần không cần nhà vệ sinh. Vơí đầu làng bùn đọng đầy mùi phân trâu. Khi con ra đi những con đường bậc thang đã không còn, nhưng đàn trâu đông đảo vẫn bám chặt vị trí đầu làng. Bây giờ, ba mươi năm đã trôi qua từ ngày con xa quê hương, không biết hình ảnh hoang dã ấy có còn không? Mong sao, ngôi làng cũ hiền hòa đã không còn chiến tranh, cũng hòa được vào nếp sống tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn.

. . Mẹ. Những dòng chữ đầu con viết về Mẹ, kể từ khi Mẹ không còn nữa. Kể từ lần gặp sau cùng nơi cổng nhà tù Đầm Đùn Lam Sơn Thanh Hóa. Lần ấy, Mẹ cười hiền lành khoe hàm răng trắng. Con hỏi Mẹ :

- Sao răng Mẹ lại trắng? .
- Ừ, họ xin con ạ. Mẹ cho luôn!
- Ai lại đi xin răng của Mẹ?
- Nhà thương, mấy người bác sĩ ấy. Họ bảo lạ nên họ xin, rồi họ lấy hết. Mà chả đau tí nào. . .

Mẹ tôi. Mẹ đã « một già một trẻ bằng nhau » lúc nào mà Mẹ chẳng biết. Con xót xa nhìn Mẹ. Manh áo tù chắp vá, cổ chân còn đỏ hoen hoẻn vết cùm chưa phai. Mẹ nhìn con. Nhìn xuống đôi chân của thằng con út ít rồi nước mắt đoanh tròng.
- Mẹ chắc chỉ gặp được con lần này. Mẹ già rồi… Mẹ có đi, con cũng đừng buồn. Cứ vậy con nhá. . .

Cứ vậy con nhá!

Lời Mẹ dặn sao mơ hồ quá, bao giờ con mơí hiểu được cho hết lời người Mẹ chưa từng biết đến con chữ nhưng cả một đời là sự tận tụy và thương yêu chồng con, bản quán. Một bản quán con chưa từng một lần về đến, dù đã hơn năm mươi năm của một đời người .

Paris 10. 4. 2013

Phạm Văn Thành
Nguồn Blog Phạm Văn Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn