Ở ngoài khơi thị xã Vũng Tàu --- cách bờ biển khoảng 20 hải lý --- 4 giờ chiều rồi mà ánh nắng vẫn còn gay gắt. Trên mặt đại dương xanh biếc, những cơn sóng bạc đầu nhấp nhô từ xa chạy đến, vỗ vào chiếc tàu American Racer, tạo thành những tiếng kêu "lõm bõm". Đây là chiếc tàu dân sự thứ nhì --- sau chiếc Green Board --- được chính phủ Hoa Kỳ thuê đến biển Đông, phối hợp với chiến hạm Mỹ, chạy dọc theo bờ biển VN, cứu vớt dân chúng VN đi lánh nạn Cộng Sản. Sau khi chiếc tàu American Racer đã "chất đầy" người tỵ nạn --- kể cả vài ngàn người từ chiếc Green Board chuyển sang -- thì nhổ neo, rồi lấy hướng đi về phía Subic Bay, Phi Luật Tân.
Từ trên boong tàu American Racer đi xuống tầng 1, tầng 2, rồi tầng cuối, chỗ nào cũng chặt cứng người và người. Trẻ thơ thiếu sữa, gào khóc thảm thương. Người lớn mệt mỏi, ngồi ủ rũ một nơi. Ai nấy, quần áo tả tơi, vẻ mặt u sầu. Nhiều cảnh thương tâm diễn ra. Nơi thì phụ nữ ngồi ôm con, sụt sùi khóc chồng mới tử nạn. Chỗ thì đàn ông nằm úp mặt xuống sàn tàu để che dấu thương đau khi gia đình tan nát. Chuyện bất hạnh của mỗi người có phần khác biệt, nhưng tựu chung vẫn là thân phận của người dân mất nước đi tỵ nạn. Khi chạy thoát ra biển thì họ chấp nhận, tàu Mỹ, hay tàu của bất cứ nước nào cứu vớt, chở đi đâu thì đi, miễn là thoát khỏi thảm họa Cộng Sản.
Trong tâm trạng ấy, Bình và Thu Mai ngồi trầm tư trên boong tàu. Ngày cũng như đêm, lúc nào hai người cũng lo sợ cho gia đình: Bên nội ở chung cư Minh Mạng và trại Tam Hà; bên ngoại ở Thị Nghè, Sài Gòn. Kế tiếp là Tuấn và Diễm Hiền; Thảo và bé Hạnh. Liệu Diễm Hiền và Thảo, có thể thoát khỏi thảm cảnh đoạn trường hay không?
Làm sao Bình quên được thảm cảnh "nước mất nhà tan" ngày 30-4-1975? Chiều hôm ấy, chuyện xẩy ra trên chiếc Tuần Dương Hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, giống như cơn ác mộng. Bình cảm thấy chua xót và ngỡ ngàng. Lịch sử sang trang, đầy rẫy tai họa. Cuộc sống biến đổi đột ngột và đau thương chưa từng thấy.
Không ngờ, sau khi thoát nạn, bay đến chiếc Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge, Tuấn lại quyết định táo bạo, lấy chiếc UH, "đơn thân độc mã " bay trở về Sài Gòn --- giữa lúc thành phố này đang bị VC tiến quân chiếm đóng! Liệu Tuấn có tránh khỏi đạn phòng không của chúng bắn hạ hay không? Nếu Tuấn bị tử nạn, hoặc bị VC bắt, gia đình họ Hoàng chỉ còn lại Diễm Hiền, Thảo và mấy đứa trẻ thơ. Trẻ thơ và phụ nữ "chân yếu tay mềm" mà sống trong chế độ Cộng Sản sắt máu, làm sao thoát khỏi thảm cảnh đoạn trường?
Ngược dòng lịch sử, Bình vẫn còn nhớ, mỗi lần Cộng Sản chiến thắng, lại thêm một lần dân chúng VN chạy tán loạn. Điển hình là năm 1954, sau khi Cộng Sản thắng trận Điện Biên Phủ, đất nước chia đôi, có khoảng một triệu đồng bào miền Bắc đã lũ lượt, di cư vào Nam tỵ nạn. Trên con tàu Serpent --- chuyến tàu chở gia đình Bình cùng gia đình Tuấn và hàng ngàn người đồng cảnh --- không ai đếm xuể, có bao nhiêu gia đình tan nát: Con lạc mất cha, vợ lạc mất chồng, anh chị em mỗi người một ngả khi chạy trốn Cộng Sản. Chẳng thế mà các nạn nhân, vừa bước lên tàu vào Nam, vừa khóc mếu thảm thương.
Thế rồi, 20 năm sau, lịch sử lại tái diễn. Khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam --- chúng gọi là "Đại Thắng Mùa Xuân" --- hàng triệu đồng bào hoảng hốt, tìm đường lánh nạn. Nhưng lánh nạn bằng cách nào và chạy đi đâu bây giờ? Thảm cảnh diễn ra từ đầu tháng 4 năm 1975 đến nay, kể ra không hết. Ở bến tàu, ở phi trường, dọc theo quốc l từ miền Trung vào miền Nam, tổng Cộng mỗi ngày có hàng trăm ngàn người, chen lấn nhau, đạp lên nhau, tranh giành nhau lên tàu thuỷ, lên phi cơ, hay liều chết, dùng những chiếc thuyền bé nhỏ, vượt đại dương!
Nhiều người từ Kontum, từ Pleiku chạy ra Đà Nẵng. Cộng Sản chiếm Đà Nẵng, họ chạy vào Sài Gòn. Cộng Sản chiếm Sài Gòn, họ chạy lên Tây Ninh, băng qua biên giới, rồi vượt cả ngàn dặm rừng núi ở bên Cao Miên, để đến Thái Lan. Họ chấp nhận muôn vàn chông gai trên đường lánh nạn. Có thể gặp thú dữ, có thể gặp Khờ Me Đỏ dã man tàn ác. Chỉ vì trong thâm tâm, họ đã lựa chọn: Thà chết còn hơn kéo dài cuộc sống lầm than trong chế độ Cộng Sản!
Đó là thật sự lịch sử. Đó là hệ quả sau cuộc chiến --- xâm chiếm miền Nam --- do Cộng Sản khởi xướng: Máu và nước mắt của đồng bào lai láng khắp nơi. Từ cuối tháng 4 đến nay, ai có thể làm thống kê, tổng kết xem mấy chục ngàn người đã bị vùi thây nơi biển cả? Có bao nhiêu người được cứu sống? Dọc theo bờ biển miền Nam --- thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy và Phước Tuy -- mỗi ngày có mấy chục ngàn người đi vượt biển?
Hầu hết người tỵ nạn đều sử dụng tàu gỗ bé nhỏ, dân chài dùng để đánh cá trên sông. Mỗi chiếc chỉ chở được vài chục người là nhiều. Làm sao những tàu gỗ, lại có thể vượt đại dương, nhất là khi gặp sóng gió? Đấy là chưa kể chủ tàu tham lam, "nhét" người trên tàu chặt cứng như "cá hộp". Vì khi vượt biển, mỗi người phải trả cho chủ tàu dăm ba "cây vàng". Kết quả là sau khi ra khỏi bờ biển khoảng vài chục hải lý, những chiếc tàu gỗ ấy, không gặp chiến hạm Mỹ, hay tàu buôn của các nước khác cứu vớt, thì chuyện bị sóng gió lật úp là điều hiển nhiên.
Bình nhớ mãi "đêm lịch sử 30-4-1975" trên chiếc Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge: Nhìn lên bầu trời, không một ánh sao; nhìn xuống mặt biển, chung quanh "tối đen như mực". Trong khi tiếng máy của con tàu hoà với tiếng gió biển kêu "ù ù" thì Thu Mai ngồi ôm con, sụt sùi khóc. Nghe âm thanh ai oán, Bình càng cảm thấy đau lòng. Nhưng anh biết làm gì để an ủi Thu Mai? Không biết đến bao giờ, nàng mới gặp lại cha mẹ, chị em và bạn hữu?
Suốt đêm hôm ấy, Bình không thể nào ngủ được. Có khi Bình đứng dựa vào thành tàu "trầm tư mặc tưởng" hết giờ này qua giờ khác. Có khi Bình thẫn thờ, đi lang thang trên boong tàu như kẻ mộng du. Lúc nào mệt mỏi, Bình ngồi một chỗ, đăm chiêu nhìn xuống mặt biển như bị "ma quỷ thôi miên".
Đến sáng hôm sau, Bình cùng đồng bào tỵ nạn --- trên chiếc Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge --- di chuyển sang chiếc tàu dân sự Green Board. Vừa bước chân lên con tàu này, Bình gặp Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân VN; Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh Sư Đoàn III KQ. Nhiều Tướng Tá khác mà Bình thường gặp trong các cuộc hành quân trước đây, cũng đi trên chuyến tàu này. Trông người nào cũng buồn thảm như nhau. Khi mất nước, tất cả đều là nguời tỵ nạn. Họ được cấp phát phần ăn "dã chiến" --- thực phẩm đóng hộp của quân đi Mỹ --- mỗi ngày hai lần. Chỉ tội nhiệp cho các trẻ thơ, không có sữa nên gào khóc thường xuyên. Trường hợp như bé Châu mới sinh được 3 tháng, Thu Mai phải lấy nước đường --- ở trong hp trái cây --- cho Châu uống.
Kế tiếp là nỗi khổ của phụ nữ và cụ già. Vì sợ hãi cầu vệ sinh "lộ thiên, treo lủng lẳng trên cao", nên nhiều người đã phải nhịn ăn, nhịn uống mấy ngày liên tiếp. Chuyện xẩy ra chỉ vì Green Board là tàu chở hàng hóa. Nên khi "chất đầy" mấy ngàn người tỵ nạn, thủ thủy đoàn phải dùng gỗ, đóng 2 dẫy cầu vệ sinh lộ thiên --- dọc theo hai bên con tàu và cách xa mép tàu cả năm bẩy mét. Mỗi lần gặp gió lớn và sóng biển nhấp nhô, người sử dụng phải bám chặt tay vào mấy thanh gỗ, nếu không thì rất dễ dàng, bị gió hất xuống biển. Đấy là chưa kể, sóng gió thường xuyên làm dẫy cầu gỗ thô sơ này lắc lư, kêu kẽo kẹt, nghe như sắp sửa gẫy! Nhất là về ban đêm vắng người, trời tối đen, gió thổi vù vù, người nào sử dụng loại "cầu treo" này mà bất cẩn, rơi xuống biển thì không ai biết đến.
Mặc dù, tình trạng của 2 dẫy cầu vệ sinh "ngặt nghèo" như thế, nhưng Bình vẫn không dám quả quyết, đó là nguyên nhân làm cho ông Ba --- người tỵ nạn trên tàu Green Board --- bị thiệt mạng. Vì khi chạy trốn Cộng Sản, mấy lần ông Ba sa vào thảm cảnh kinh hoàng, nên tâm thần bị khủng hoảng. Như vậy, có thể chính ông Ba đã tự ý đâm đầu xuống biển để kết liễu cuộc đời.
Dù giả thuyết này đúng hay sai, nạn nhân còn lại vẫn là bé Kim 8 tuổi --- cô gái út của ông --- đang sa vào thảm cảnh đoạn trường. Từ tàu Green Board chuyển sang tàu American Racer, Bình đã chứng kiến bé Kim, lúc ngồi sụt sùi khóc, lúc đứng bên thành tàu, nói lảm nhảm. Nhiều người có thiện tâm, đến hỏi chuyện bé Kim để an ủi, nhưng không thể nào xoa dịu được nỗi đau thương của cô bé. Không hiểu vì quá mệt mỏi, hay vì nước mắt đã cạn khô, bây giờ bé Kim không kêu khóc nữa! Cô bé đang nằm thoi thóp thở, trông giống như bệnh nhân trong cơn hấp hối.
Bình còn nhớ, cách đây mấy hôm, trên tàu Green Board, hai cha con ông Ba ngồi khóc lóc thảm thương. Khi Bình đến hỏi chuyện, tìm cách an ủi thì ông Ba mếu máo, kể lể sự tình liên miên suốt mấy tiếng đồng hồ.
*
Gia đình ông Ba có 4 người, cư ngụ tại Đà Nẵng. Khi thành phố này bị VC tấn công, ông hoảng hốt, phải mua vé phi cơ chợ đen, để đem vợ con vào Sài Gòn lánh nạn. Nhưng không may, trong lúc gia đình ông đang xếp hàng, bước lên phi cơ thì VC pháo kích tới tấp. Hành khách chạy tán loạn, giẫm cả lên nhau. Chiếc phi cơ đậu bên này căn nhà vòm thì đạn nổ ngay ở bên kia. Sỏi đá, cát bụi văng tứ tung. Vợ ông và cậu con trai bị thương, nằm giẫy dụa trên vũng máu --- ở gần cửa phi cơ, ngay bên cạnh ông. Trong lúc kinh hoàng, ông Ba và bé Kim bị "biển người" chạy ùa tới, xô đẩy vào phi cơ --- không thể nào cưỡng lại được. Ngay sau đó, cửa phi cơ khép kín. Chiếc phi cơ "hoảng sợ", chạy ra phi đạo, cất cánh.
Thế là hai cha con ông, kêu gào thảm thiết, ngỏ lời van xin phi hành đoàn cho trở lại Đà Nẵng để nhận xác chết của người thân. Nhưng không ai có thể đáp ứng được ý nguyện của các nạn nhân. Vừa đến Sài Gòn, ông Ba cùng bé Kim, thuê xe lại nhà "Bác Hai". Cả nhà "Bác Hai" xúc động khi nghe ông Ba khóc lóc, kể lể sự tình. Họ tìm cách an ủi, nhưng không ai có thể giúp được ông Ba trở về Đà Nẵng. Vì các tỉnh miền Trung hồi trung tuần tháng 4 năm 1975, đang bị VC tấn công nên đường xá bị tắc nghẽn. Ông Ba không còn cách nào, đành phải ở lại nhà "Bác Hai". Hết ngày này sang ngày khác, bé Kim thì nằm trên giường, sụt sùi khóc. Còn ông Ba thì quẫn trí, nhiều lúc như người điên, ngồi trong phòng một mình, lẩm bẩm kể lại chuyện kinh hoàng ở phi trường Đà Nẵng.
Đến đêm 28 rạng ngày 29-4-1975, VC pháo kích tới tấp vào phi trường Tân Sơn Nhất và thành phố Sài Gòn. Khu nhà "Bác Hai" bị trúng đạn. Lửa cháy bùng lên làm cả xóm hoảng hốt. Ông Ba cùng bé Kim theo gia đình "Bác Hai", chạy thoát thân vào Chợ Lớn. Nhưng sau, họ lại đi theo "Chú Tư", chạy ra khu bến tàu Sài Gòn.
Khi đến nơi, họ bị "cuốn theo chiều gió": Nhìn thấy đồng bào chen lấn nhau, leo lên chiếc sà-lan thì họ làm theo --- chạy đi đâu cũng được, miễn là thoát ra khỏi thảm hoạ Cộng Sản. Khi chiếc sà-lan chạy ra gần đến cửa biển, không ngờ gặp VC núp bên kia bờ sông, bắn tới tấp. Hai cha con ông nằm xẹp xuống sàn. Chung quanh ông: Máu, nước mắt, tiếng kêu gào... và xác người chết ngổn ngang. Trong giây phút kinh hoàng, hai cha con ông Ba không còn hồn vía gì nữa. Mãi đến khi chiếc sà-lan chạy thoát ra ngoài biển, ông Ba mới biết: "Chú Tư" và gia đình "Bác Hai" không còn người nào sống sót. Ông Ba và bé Kim, thêm lần nữa, ôm mặt khóc "hu hu" bên cạnh xác chết của người thân --- nằm cong queo trên vũng máu. Phía trước ông là mấy người bị thương, lúc kêu khóc, lúc rên hừ hừ. Chỉ dăm phút sau, họ tắt thở. Nhóm thanh niên trên sà lan không biết làm gì hơn là đẩy xác các nạn nhân xuống biển.
Sau nửa ngày lênh đênh trên biển cả, chiếc sà-lan mới gặp chiếc tàu chiến của Hạm Đội Mỹ cứu vớt. Nhiều người tưởng là thảm hoạ đã qua. Nhưng không ngờ, khi hai cha con ông Ba chuyển sang tàu Green Board, chuyện bất hạnh kế tiếp lại xẩy đến.
Lần này, chẳng có ai dám quả quyết: Vì ông Ba bất cẩn, khi sử dụng loại cầu vệ sinh "lộ thiên, treo lủng lẳng trên cao", nên bị sóng gío hất xuống biển? Hay vì chuyện kinh hoàng --- ở phi trường Đà Nẵng và trên chiếc sà-lan --- khiến ông mang bệnh tâm thần, nên đã tự ý đâm đầu xuống biển để kết liễu cuộc đời? Bình không biết, giả thuyết nào đúng. Nhưng sau khi chuyện xẩy ra, anh chứng kiến, bé Kim vừa đi tìm cha, vừa sụt sùi khóc.
- Ba cháu... ba cháu, đêm hôm qua đi đến dẫy nhà cầu này nè ... Cháu đợi hoài ... đến sáng, đi tìm nhưng chẳng thấy ba cháu đâu.
Bé Kim sụt sùi, kể lể sự tình rồi lẩn thẩn hỏi Bình:
- Chú có nhìn thấy... ba cháu ở đâu không?... Hay ba cháu rớt xuống biển rồi?
Bình muốn tạo hy vọng, nói an ủi bé Kim:
- Ở trên boong này, chú không thấy. Cháu theo chú, thử xuống tầng dưới xem sao, biết đâu ba cháu "đi lạc" ở dưới đó? Bình ngậm ngùi, nhìn đôi mắt bé Kim đỏ hoe: Thân gái mới 8 tuổi đầu, bơ vơ không nơi nương tựa, cuộc đời sẽ phiêu dạt về đâu? Anh dẫn bé Kim, lần lượt đi xuống tầng 1, tầng 2 để "tìm ông Ba".
*
"Câu Chuyện Kinh Hoàng" kể trên, kết thúc thương tâm như vậy, ám ảnh Bình mấy ngày vừa qua. Từ tàu Green Board chuyển sang tàu American Racer, Bình vẫn còn thấy bé Kim, có lúc ngồi sụt sùi khóc, có lúc đứng ngơ ngác, nhìn hết nơi này đến nơi khác rồi nói lảm nhảm. Như mấy lần trước, Bình và Thu Mai đến an ủi bé Kim. Nhưng lần nào bé Kim cũng "dạ, vâng", hoặc gật đầu, hoặc lắc đầu. Cuối cùng, bé Kim ôm mặt khóc lóc nức nở. Bây giờ, chắc hẳn là bé Kim đã kiệt sức, nên nằm co ro, thoi thóp thở.
Trong khi đó, con tàu biệt xứ --- American Racer --- vẫn tiếp tục lướt sóng, chạy về phía Subic Bay. Trên boong tàu, Bình đứng nhìn cảnh biển khơi lúc chiều dần tàn. Màn đêm đang từ từ buông xuống. Thêm một ngày buồn thảm trôi qua. Thế nhưng, nỗi gian truân của gia đình Bình, của hàng trăm ngàn người tỵ nạn, của cả dân tộc VN vẫn còn kéo dài. Nhìn xuống mặt đại dương, lờ mờ trong bóng tối, Bình trông thấy những làn sóng bạc đầu nhấp nhô từ xa chạy đến, vỗ vào con tàu, tạo thành những tiếng kêu "lõm bõm".
Âm thanh ấy và cảnh biển khơi, kéo dài từ hôm 30-4-1975 đến nay, cùng với nỗi hận sầu vong quốc, đã in sâu vào tâm trí Bình. Anh không ngờ, miền Nam lại sa vào thảm hoạ Cộng Sản mau chóng đến như thế! Hàng chục năm, Quân Lực VN Cộng Hoà đã chiến đấu kiên cường. Không ai dám nghĩ là đoàn quân ấy lại tan rã, trong khoảng 1 tháng. Kể từ khi VC xé bỏ Hiệp Định Ba-Lê, tấn công vào thành phố Ban Mê Thuột, thảm cảnh diễn ra ở miền Nam, không khác nơi địa ngục là bao. Hàng chục triệu người, sa vào cảnh "đổi đời", đột ngột và đau thương, ngoài sức tưởng tượng của Bình:
Gia đình Tuấn chỉ là trường hợp điển hình cho hàng triệu gia đình sa vào thảm cảnh ly tán, biệt phương.
Gia đình ông Ba chỉ là trường hợp điển hình cho hàng trăm ngàn gia đình sa vào cảnh kinh hoàng trên hành trình tỵ nạn Cộng Sản.
Bé Kim chỉ là trường hợp điển hình cho hàng trăm ngàn trẻ thơ, phải sống trong thảm cảnh đoạn trường, cuộc đời bơ vơ, không nơi nương tựa.
*
Suốt mấy ngày lênh đênh trên biển cả, hàng ngàn người tỵ nạn trên con tàu American Racer, đã đến Subic Bay --- căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ ở Phi Luận Tân.
Lúc con tàu cập bến, Bình đứng trên boong, ngơ ngác nhìn đường phố: Xe chạy tấp nập, nhà cửa khang trang. Cuộc sống thanh bình "nơi xứ lạ quê người" làm anh chạnh lòng, nghĩ đến VN với thảm cảnh chiến tranh máu lửa; với nỗi kinh hoàng khi dân chúng đi lánh nạn; với nỗi thống khổ của bản thân, gia đình, đồng đi và đồng bào từ khi thảm hoạ Cộng Sản lan tràn. Còn nỗi buồn nào thê thảm hơn thế nữa không?
Trong tâm trạng ấy, Thu Mai ôm bé Châu, ngồi ủ rũ --- ngay phía sau Bình. Bên cạnh nàng là Phượng. Cô bé 2 tuổi, sau nhiều ngày không có sữa uống thì níu áo mẹ, kêu khóc thảm thiết:
- Mẹ ơi! Về nhà... về nhà với bà... uống sữa!
Nghe giọng trẻ thơ gào khóc, đòi "về nhà với bà, uống sữa", Thu Mai xúc động. Nàng nghẹn ngào, nói với con:
- Không về nhà được đâu!... Không còn gặp bà được nữa! Bà ở tuốt Thị Nghè, Sài Gòn... xa lắm... Con nín đi!
Mặc dù nói với bé Phượng như vậy, nhưng đôi mắt nàng ứa lệ. Thu Mai tự hỏi, đến bao giờ nàng mới có thể trở về Thị Nghè để gặp lại cha mẹ và chị em?
Bé Phượng vẫn khóc nức nở:
- Bố ơi! Về... về nhà với bà! Đừng đi nữa... về nhà, uống sữa!
Khi nghe tiếng trẻ thơ gào khóc, đòi về nhà, tình yêu quê hương trong lòng Bình dâng lên. Anh thở dài, rồi cúi xuống ôm bé Phượng vào lòng:
- Hồi nãy nghe mẹ nói, con có hiểu không? Nhà mình ở Sài Gòn... xa lắm... không về được nữa.
Bồng con lên, anh đưa tay chỉ bâng quơ về phía chân trời xa thẳm, rồi nghẹn ngào nói với đứa bé:
- Nhà mình ở Sài Gòn... xa lắm... ở tuốt phía chân trời kia kià... Đi tàu thủy mấy ngày, mấy đêm mới đến được!
Trong khi ấy, có chiếc chiến hạm của Hải Quân VN Cộng Hoà từ ngoài khơi, chạy vào cập bến Subic Bay. Lúc đến nơi, con tàu thả neo, đậu gần chiếc American Racer. Không lâu sau, tiếng ồn ào gọi nhau xen kẽ với tiếng hô "nghiêm, nghỉ" trên chiếc chiến hạm ấy vang lên. Bình ngạc nhiên, nhìn thấy nhiều toán quân nhân cùng đồng bào tỵ nạn ở trên con tàu ấy, đi qua đi lại, rồi xếp thành hàng ngang, hàng dọc. Anh thầm hỏi:
- Họ tập họp trên boong tàu làm gì? Chắc hẳn là họ xếp hàng xuống tàu để xin vào căn cứ Hải Quân Mỹ, tỵ nạn Cộng Sản?
Bình đang thắc mắc thì không ngờ, tiếng hát bài Quốc Ca Việt Nam vang lên:
"Này công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi... Đồng lòng cùng đi... hy sinh tiếc gì thân sống".
Nhìn lá Quốc Kỳ Việt Nam màu vàng 3 sọc đỏ, từ Đài Chỉ Huy của chiếc chiến hạm, từ từ xuống thấp, Bình hiểu là Thuỷ Thủ Đoàn cùng đồng bào đang làm lễ Hạ Cờ --- trước khi trao chiếc chiến hạm ấy cho Hải Quân Hoa Kỳ. Anh vội vàng, nắm tay Thu Mai, kéo nàng đứng dậy. Cả trăm người trên boong tàu American Racer cũng tự động làm theo.
"Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên... làm sao cho Núi Sông... từ nay luôn vững bền..."
Nghe giọng hát nghẹn ngào, nhiều lúc đứt quãng, của các Quân Nhân đứng chung quanh, hoà với tiếng khóc của trẻ thơ và tiếng gió biển thổi vù vù, Bình và Thu Mai không thể nào cầm được nước mắt. Nhiều người xúc động mạnh, ôm mặt khóc hu hu. Trong thảm cảnh "nước mất nhà tan", mọi người đều ngầm hiểu, VN Cộng Hoà đã xụp đổ, Quân Lực VN Cộng Hoà đã tan rã. Đây là buổi chào cờ cuối cùng, "vĩnh biệt" VN Cộng Hoà? Thoáng qua trong trí nhớ của Bình, hình ảnh những buổi lễ chào cờ trang nghiêm, khi ở vũ đình trường Lê Lợi tại Trường Võ Bị Quốc Gia, khi ở sân cờ Bộ Tư Lệnh Không Quân, hoặc trong ngày Quốc Khánh ở Sài Gòn, chưa có lần nào Bình bị cảm kích như lần này.
"Công dân ơi!... Mau làm cho cõi bờ... thoát cơn tàn phá... vẻ vang nòi giống... Xứng danh... nghìn năm... giòng giống Lạc Hồng".
Khi bài Quốc Ca "Tiếng Gọi Công Dân" vừa chấm dứt, anh em Quân Nhân cùng đồng bào tỵ nạn trên con tàu Greenboard, nghẹn ngào nhìn nhau qua làn nước mắt: Quần áo tả tơi, dáng điệu bơ phờ và đều mang tâm trạng, hận sầu vong quốc như nhau!
*
Trên boong tàu, nhiều người xúm lại, kể lể tâm sự ồn ào. Bình ngồi im lặng bên cạnh Thu Mai. Tâm trí anh bị chìm đắm trong thảm cảnh "nước mất nhà tan".
"Dương Văn Minh đã dâng miền Nam cho Cộng Sản! Hắn đã kêu gọi Quân Đội VNCH buông súng"!
Thế là đất nước chúng ta, từ Bắc vào Nam, sa vào ách cai trị của "đoàn quân Quốc Tế Vô Sản Mác-Lênin" do Nga Tàu điều khiển.
Thế là dân tộc chúng ta từ Bắc vào Nam, phải cúi đầu "thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt".
Thế là đồng bào chúng ta, từ Bắc vào Nam, "làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm", nhưng cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc!
Đó là "thành tích" của đảng CSVN. Sau 30 năm chiến tranh máu lửa, chúng đã "thống nhất đất nước": Hai miền Nam Bắc, cùng đặt dưới ách nô lệ Mác-Lênin. Hai miền Nam Bắc cùng lầm than nghèo khổ như nhau.
Nghĩ như vậy, uất hận trong lòng Bình lại dâng lên. Anh thầm hỏi:
- Hàng chục năm trôi qua, Quân Lực VN Cộng Hoà chiến đấu kiên cường, tại sao đến ngày 30-4-1975 lại thảm bại? Vì giới lãnh đạo VN Cộng Hoà yếu kém? Hay vì thế lực ngoại bang xếp đặt?
Cả hai đều đúng. Trong lúc VN Cộng Hoà bị Hoa Kỳ cúp viện trợ, Quân Đội không có đủ vũ khí thì làm sao miền Nam nhỏ bé, có thể đương đầu với đại khối Quốc Tế Cộng Sản? Không những thế, đa số các cấp lãnh đạo thời Đệ Nhị Cộng Hoà, đều là những kẻ bất xứng, về nhân cách cũng như về khả năng. Phe nhóm "Tướng Tá Phản Loạn" như Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ và Đỗ Mậu là những nhân vật điển hình.
Ngược lại, hình ảnh của các vị Tướng Lãnh khả kính như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ cùng Đại Tá Trần Văn Hai và Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, lần lượt thoảng qua trong tâm trí của Bình. Gần gũi với anh nhất hình ảnh của Th/T Lê Anh Tuấn -- người bạn học cùng lớp suốt 7 năm trời qua hai mái trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An. Nên khi nghe tin Th/T Tuấn tuẫn tiết ngày 30-4-1975 cùng với các liệt vị kể trên, Bình xúc động mạnh.
Đồng thời, hình ảnh các Hoa Tiêu đã chiến đấu rất can cảm, như Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh và Nguyễn Du, cũng lần lượt hiện ra trong ký ức của Bình. Trong phi đoàn 219, nhiều Kingbees xuất sắc, đã gẫy cánh mà anh em Không Quân thường nhắc đến, kể ra không hết:
Nguyễn Phi Hùng, anh em Kingbees thường gọi là "Hùng Râu Kẽm", đạt được nhiều chiến tích lẫy lừng. Tất cả anh em Biệt Kích Lôi Hổ -- đã từng gởi mạng sống vào tay ông -- đều còn nhớ. Có lần ông chở toán Biệt Kích, đáp phi cơ giữa chiến khu, bị VC bắn trúng vai, máu chảy ướt đẫm cả cánh tay. Ông Hùng vi vàng giao cần lái cho Hoa Tiêu phụ, rồi móc khăn từ túi áo ra, bịt vết thương lại. Sau khi làm xong, ông tiếp tục lái phi cơ trở về căn cứ.
Nguyễn Thanh Giang, bản tính ngang tàng và có tinh thần "hiệp sĩ". Nhiều lần ông bay với Tuấn, thả Biệt Kích vào sào huyệt VC ở phía Bắc sông Bến Hải. Có lần ông bay với Bình, bị liên thanh VC bắn hàng chục viên vào thân phi cơ, trông lỗ trỗ tựa như tổ ong. Cuối cùng, ông Giang bị bắn rơi xuống đồi 31 trong trận Hạ Lào năm 1970.
Trong lúc Bình đang ngồi im lặng, hồi tưởng những kỷ niệm trong đời quân ngũ, kèm theo hình ảnh của Tuấn cùng anh em Hoa Tiêu ở Biên Hoà thì trên máy vi âm của con tàu American Racer vang lên:
- Xin quý vị lưu ý! Quý vị hãy chuẩn bị sẵn sàng. Khoảng mươi phút nữa, quý vị sẽ xuống tàu. Theo mũi tên màu da cam, quý vị đến phòng đợi để đáp phi cơ, đi tới các trại tạm trú. Ở bên dưới con tàu American Racer, phía bên tay trái, có phòng riêng dành cho Quân Nhân VN Cộng Hoà, cởi bỏ quân phục -- thay quần áo dân sự.
Đỗ Quốc Anh Thư
(Xin xem tiếp phần 2: Wake Island, Hòn Đảo Lưu Đầy)
Gửi ý kiến của bạn