BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39391)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Song Linh, một thời để yêu, một thời để chết

15 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 1104)
Song Linh, một thời để yêu, một thời để chết
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thời thanh niên ở Sài Gòn có một cuốn phim đã ghi lại sâu đậm trong lòng nhiều khán giả trẻ tuổi, trước hết là ở cái nhan đề: Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết (Le Temps d'Aimer, le Temps de Mourir).

Còn nhớ đó là khoảng 1960, miền Nam vừa bước vào thời chiến tranh trận địa, tuy rằng những năm trước đó người ta đã chết vì bom vì mìn, giặc nước đã phá sập cầu, bóc vỏ đường rầy xe lửa, phục kích lặt vặt nơi những vùng rừng núi, những miền khỉ ho cò gáy. Thanh niên thành phố nhất là ở Sài Gòn, đã yêu văn chương lại có phim ảnh nhập cảng từ Tây phương, hẳn không thể bỏ qua một cuốn phim lãng mạn đau thương phỏng từ tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Erich Maria Remarque, thực hiện bởi những tên tuổi Douglas Sirks và Jean-Luc Godard, do tài tử John Gavin đóng vai chính. Ernst Graeber, (Gavin), một thanh niên Đức phục vụ tại mặt trận Nga trong Thế Chiến Thứ Nhất, nhân kỳ nghỉ phép trở về quê làng mình, chứng kiến cảnh điêu tàn, phân ly, nhưng may mắn còn gặp lại hai người bạn thiếu thời, trong có Elizabeth, con gái một bác sĩ từng tham gia kháng chiến. Họ làm đám cưới. Trong chiến tranh, những kỷ niệm thiếu thời đằm thắm thêm với tình yêu, tuy có thấy sự mong manh, nỗi đe dọa vô thường. Rồi Gavin hết phép, trở lại mặt trận, để chết. Một viên đạn lẻ loi nào đó, nổ từ một kẻ vô danh nào đó, và chàng gục xuống, không còn bao giờ nữa chàng trở lại với quê hương có người vợ mới cưới đang chờ mong,... Có một thời để yêu, có một thời để chết, nhưng với tuổi trẻ trong chiến tranh, thời để yêu cũng là thời để chết. Cuốn phim ấy đã chiếu mãi trong trí tưởng của tôi hơn nửa thế kỷ qua. Cả tình yêu cả sự chết.

Nhà văn, cố Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Song Linh (1940-1970), tử trận
ngày 24 tháng 1, 1970 tại Kiến Phong. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Cùng với nó, trong tôi có nhiều Ernst Graebert của quê hương, những thanh niên ưu tú những chiến binh chết trẻ, mang danh tính Việt Nam. Họ tên là Y Uyên, thiếu úy, gục ngã trong một trận phục kích bên ngoài đồn Nora Phan Thiết năm 1969. Là Hoài Lữ ôm súng chết dưới cột cờ đồn Tà Bà vùng Bình Chánh chỉ trước Song Linh vài tháng. Song Linh, đại úy Thủy Quân Lục Chiến, bị mìn treo trên cây phát nổ khi chiếc trực thăng anh ngồi cùng viên cố vấn Mỹ hạ xuống mặt trận Kiến An, Kiến Phong, 1970.

Các nhà văn hy sinh ngoài mặt trận đương nhiên có bàn viết ngoài mặt trận: Đó là chiếc ba lô, đó là bất cứ một mặt phẳng nào to bằng tờ giấy, hay nửa tờ giấy. Có người viết dưới ánh hỏa châu, có người viết dưới ánh trăng.

“Tôi viết những dòng này khi đang nằm sấp trong mùng. Chiếc giường kê bằng hai cánh cửa bị xuyên lủng bằng nhiều miểng ‘ô buýt.’ Người ta bỏ đi đâu mất cả. Có lẽ đã về lánh nạn tại miệt quận Kiên Long. Nhà cửa vườn tược vẫn là những cảnh hoang tàn cố hữu mà tôi đã gặp từ thuở ấu thơ qua những ngày tản cư ngoài Bắc, và qua cả những năm chiến trận miền Nam. Và không biết còn mãi tận bao giờ?... Tôi đang nằm viết trong đêm. Nơi xóm Cạnh Đền. Hỏa châu thoi thóp từ một đồn bót nào trong lãnh thổ Kiên Long [Kiến Phong]. Con rồng lửa đang phun những cầu vồng đạn lửa đỏ từ trên trời xuống một trận địa. Một đơn vị bạn nào đang chạm địch đâu đây. Nhìn qua mùng dưới ánh đèn bấm chập chờn. Muỗi từng đàn đậu đen như thóc và bay liệng lao xao. Năm Căn, Cái Nước, Cà Mâu, Mũi Ông Trang, muỗi đâu có đến nỗi hằng hà sa số bằng đây. Những con muỗi đen thật bé, nhưng đã đậu vào da thịt thì nhất định không thèm tìm lỗ chân lông, mà chích liền tức khắc, đau đến nỗi phải nhỏm lên... Bởi vậy mới có nhiều trẻ nít ca hát om sòm:
Chốn nao như chốn Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền nghền như bánh canh.”
(Song Linh, Muỗi Cạnh Đền Và Những Hoài Niệm Bâng Khuâng, Khởi Hành bộ cũ, số 42, Sài Gòn, 1970)

Song Linh tên thật Nguyễn Văn Nghiêm, sinh ngày 15 tháng 12, 1940 tại Nam Định Bắc Việt. Năm 1952 theo học trường Thiếu Sinh Quân tại Hà Nội. Sau Hiệp Định Genève anh di chuyển theo trường vào Mỹ Tho rồi đến Vũng Tàu. Xuất thân khóa 2 Sĩ quan đặc biệt Nha Trang. Từ 1 tháng 2, 1962 đến 6 tháng 4, 1965 phục vụ lần lượt tại các Tiểu Đoàn 32 và 39 BĐQ. Thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến ngày 1 tháng 4, 1965. Theo chân đơn vị, anh đã tham dự nhiều trận đánh dữ dội trên khắp bốn vùng chiến thuật. Năm 1966 anh du học Hoa Kỳ trong 38 tuần lễ, tại tiểu bang Texas và Virginia. Song Linh ngã gục tại chiến trường Kiến Ẩn, Kiến Phòng ngày 24 tháng 1, 1970. Chức vụ cuối cùng là cố thiếu tá. Anh được gắn nhiều huân chương, trong có Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Nhà văn Song Linh bắt đầu viết từ 1959-1960 cho các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Chỉ Đạo, Thế Kỷ 20, Khởi Hành. Tác phẩm đầu tay đã in thành sách là tập truyện ngắn Thức Giấc Nửa Khuya do cơ sở Văn xuất bản, tự truyện đầu tiên và cuối cùng là Muỗi Cạnh Đền anh đem tới tuần báo Khởi Hành khoảng một tuần trước khi tử trận.

Đây là một bản văn đặc biệt, lần đầu Song Linh viết về bạn hữu - là các nhà văn khác - và nói ra cảm nghĩ của anh về việc đọc và viết như thế nào. Có những nhà văn trong quân ngũ phê bình về những người ở hậu phương, Song Linh trái lại. Anh viết:

“Bây giờ, tôi chỉ còn cái an ủi cuối cùng, là lâu lâu được đọc một vài cuốn sách, một vài mẩu truyện nơi một vài tạp chí, những đoạn tạp ghi, xuôi dòng trong một nhật báo được cung cấp không đều đặn theo những chuyến trực thăng bay vào đồng ruộng qua những lần tiếp tế. Đọc mà thấy nhớ những bạn bè xa cách, đọc mà thấy thán phục những người sau lưng, bên trong thành phố. Họ đã làm được những điều thật hay, thật đẹp, thật hữu ích, mà mình nghĩ không bao giờ có dịp để làm thử hoặc làm nổi. Một tiểu thuyết hay, một nét vẽ thần, một cánh nhạc mềm cũng là xương máu, não tủy hậu tuyến, như xương máu chiến sĩ ngoài mặt trận, đã làm mình bâng khuâng, hiu hắt không thôi.”

Nhưng Song Linh không hài lòng với một số cung cách anh nhìn thấy trong giới văn nghệ: “Tôi chỉ phàn nàn có một điều, giữa lúc chiến cuộc đẫm máu, đất nước đã tang thương cùng độ, người làm văn chân chính có thể đã xoa dịu một phần nào cho những niềm đau khổ. Hoặc là nhân chứng trung thực nhất dẫn đường vào lịch sử tương lai. Giữa đám cỏ hoa hương sắc, sao không khỏi có những chùm cỏ dại lan đầy. Thời thế suy vi thì bao giờ ma giáo cũng hoành hành, lấn áp chính phái. Văn chương cũng vậy. Nó không phải là một hãng chế vật dụng. Vì vậy nó kỵ những sự mập mờ đánh lận con đen, và làm con niêm giả mạo. Độc giả họ không dễ tính như mình tưởng đâu. Dù dân mình có cái bổn tánh cố hữu dễ mến là ‘chín bỏ làm mười.’ Nhưng với văn nghệ họ nghiêm khắc lắm. Họ sẵn sàng chửi rủa thậm tệ kẻ nào cầm nhầm văn người khác...”

Xin dùng đoạn văn của chính Song Linh viết để kết luận bài này: “Tưởng rằng còn một chỗ nhỏ bé và thanh tịnh duy nhất để dung thân cho các ‘nhà văn An Nam khổ như chó,’ là nơi chốn văn chương nghệ thuật. Ấy vậy mà cũng có các ‘đấng ma giáo len lỏi vào làm những điều bất lương bất chính...Tôi phải lấy một câu của Tồn Tử cũ mèm mà áp dụng vào đây. Là con nhà võ biền dù mới vào đời cũng được thầy chiến thuật dạy rằng, ‘Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng’ làm châm ngôn căn bản. Vậy thì làm văn cũng phải có cái khí phách, cái ý thức cái liêm sỉ và lương tâm v.v... của kẻ sĩ mới được. Bởi vì phần tinh thần nó nặng lắm. Nếu tự xét không làm được thì xin các đấng hãy lùi về làm phu vác gạo. Chứ đừng trộm đạo văn người hay ‘xí xọ’ nọ kia. Bởi chốn văn chương đâu phải là phường ảo thuật. Nhờ các ngài tý.” (tháng 12, 1969)

Viên Linh

Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn