BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Màu Than Của Đêm

02 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 1382)
Màu Than Của Đêm
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Ba chiếc xe thồ, mỗi chiếc chở ba bao tạ than, trọng lượng của mỗi xe tệ lắm cũng trên hai trăm ký lô. Mỗi xe thồ có hai người thay phiên nhau cầm lái và phụ đẩy... Từ trong rừng - lúc nầy đã là năm giờ chiều, đoàn người ăn vội vàng vài củ khoai lang, khoai mì nướng chấm với: muối đậu phộng có thêm đường. Không cao lương mỹ vị nhưng mọi người ăn rất ngon lành, không ăn thì không có sức mô mà đẩy xe than đến vựa để bán trong đêm nay.


  Trời miền Đông, vùng Căn Cứ cuối năm nắng cháy lẫn gió nồm nam thổi liên tu bất tận, cây cối thiếu nước lại thêm gió lùa xơ xác trông thật tội nghiệp. Ban đêm gió vẫn còn sốt sắng thổi, nhưng yếu hơn... Vùng đất rừng vào mùa khô, sau khi thu hái hoa màu xong người dân hầu như hết việc làm, chỉ còn cách vô trong rừng: cưa cây, cưa củi, đốt than, chặt tre, lấy mây, đục máng heo, đem ra chợ bán kiếm chút ít tiền lo sắm sửa cho ba ngày tết... Khổn nỗi... phải lén lút! Nếu không lén lút, lỡ "may mắn" gặp các anh cán bộ "kiểm rừng" là coi như - bị tịch thu sạch hết... Ba chiếc xe thồ chở than hì hục đẩy vượt đường rừng lúp xúp chạy gần hai giờ mới về đến gần bìa làng. Đoàn người dừng chân nghỉ ngơi bên bờ suối cạn. Đi ban đêm trời mát lại thêm gió mùa rứa mà trên lưng áo mỗi người đều ướt nhẹp mồ hôi, đoàn người lấy bình nước mắc trên xe đạp thồ ra chuyền cho nhau uống ừng ực... Uống xong tất cả ngồi bên vệ đường thở dốc... Một người trong bọn họ nói:

 

 - Mấy củ khoai mì, khoai lang, rơi rớt dọc đường hết rồi anh hai ơi!

 

 Người đàn ông - anh hai, làm "đoàn trưởng" ngước nhìn lên bầu trời đầy sao... Cơn gió của đêm dịu mát hong mồ hôi trên lưng áo, áo chưa khô còn hơi, ỉu... ỉu... Anh ta hỏi:

 

 - Mấy giờ rồi rứa hè?

 

 - Bảy giờ! Một người trả lời có cái giọng giống: Kim Mao Sư Vương!

 

 - Bộ... muốn "họ" biết anh em ta đi bán than lậu chắc?

 

 - Xin lỗi anh hai! Tại cái mỏ... ếch kêu oang oang... của em sửa hoài mà hổng được...

 

 Trên nét mặt khắc khổ của người anh Hai đượm vẻ đăm chiêu, lo lắng... Anh ta đứng lên căng mắt nhìn về hướng con đường quanh co hẹp tré đi tắt ở phía sau làng. Từ con đường tắt nầy có thể "vượt trạm" nếu có người dẫn đường đi suôn sẻ chừng một giờ là đến chỗ vựa "thu mua" than. Trong lòng người đàn ông anh hai cũng đã nghĩ đến chuyện "Sau khi bán được số than sẽ dẫn các em tìm một nơi ăn uống, lai rai vài xị rượu cho ấm lòng quân tử lúc thất thế sa cơ...".

 

 Người anh hai nói:

 

 - Các chú em đói lắm phải không? Ráng chịu đựng khoảng một giờ nữa,... bán than xong chúng ta sẽ đi giải quyết chuyện cái bao tử. Anh cũng đói lắm rồi!

 

 Ba chiếc xe thồ than đã giấu trong mấy bụi chuối... Một bóng đen lù lù càng lúc càng gần, cái bóng đen đi đến vừa đúng chỗ "hẹn", anh ta: ngó... ngó... chung quanh không thấy ai. Cái bóng đen đưa tay lên, búng: Tróc... Tróc...Tróc...! Thì ra, đó là tín hiệu... Tức thì người anh hai từ trong bụi chuối bước ra, nói:

 

 - Răng mà trễ như rứa hỉ? Đã qua bảy giờ tối rồi, đi trễ quá "chó" sủa om sòm mấy anh "kiểm rừng" phát giác là chết cả đám.

 

 - Không răng... Bữa ni mấy ổng đang bận bịu công việc - ăn đám thôi nôi đứa con trai của chủ vựa than... Em dẫn mọi người đi đường tắt chừng hơn nửa giờ là ung dung băng qua đường cái quan thẳng ra phía sau nhà - người của chủ vựa than đợi ở đó, họ sẽ cân mua nhanh gọn... Anh hai khỏi lo, thằng em đã "ba-rê" hết trơn rồi.

 

 Người anh hai ra lệnh cho đoàn xe lăn bánh. Đúng là lộ trình đã có quân "tế tác" điều nghiên kỹ lưỡng nên cuộc "hành quân đêm" không gặp chướng ngại vật hay địch quân phát giác. Khi gần đến nhà chủ vựa than, đoàn quân tỏ ra căng thẳng, hồi hộp... Không hồi hộp làm răng được, đi bán than chui mà...! Ánh đèn măn-xông từ trong nhà chủ vựa hắt ra chiếc xe hơi có cái thùng sắt to kềnh đeo lủng lẳng phía sau đuôi trông rõ mồn một. Trong nhà; tiếng cười, tiếng nói, tiếng cụng ly chan chát... Vọng thinh âm ồn ào xoáy vô màn đêm đến nỗi con dế ngoài vườn sợ sệt nằm im không dám gáy... Con chó vệnh ngồi phía trước hiên vẻ mặt vênh váo, hớn hở! Trong lòng nó rộn ràng bởi được một bữa vui lây cái đám thôi nôi con của chủ nhà, nó say sưa - hít... hít...! Ngửi ngửi... mùi thịt nướng thơm lừng, mơ... mơ... cục xương nên quên mất nhiệm vụ canh gác...

 

 Sau ngày "hòa bình - thống nhất"! Xe đò bỏ xăng dầu, chạy bằng thứ nhiên liệu mới, đó là than củi! Chiếc xe nào cũng có cái thùng sắt to tổ tía đeo lòng thòng nơi đít xe, người lơ xe ngồi phía sau thỉnh thoảng cầm cái cục canh bằng gỗ: - gõ... gõ... vô thùng than. Nhất là lúc xe bò lên dốc yếu lửa anh lơ xe càng gõ dữ tợn... Bụi than khói bay ra phủ đầy trên đầu, đầy trên cổ, đầy trên quần áo hành khách... Thời đại nầy, không có mấy ai dám mặc quần áo trắng đi xe than bao giờ. Xe than chở gỗ súc: gỗ lim, gỗ căm xe, gỗ trắc, gõ đỏ, gõ bông lau, bằng lăng... chất kín trong lòng xe chạy thẳng về Hố Nai, Biên Hòa bán cho các tiệm mộc. Hành khách đi xe đò ngồi đối mặt nhau trên hai dãy băng ghế dọc theo thân xe, chân gác lên trên các súc gỗ được che chắn bằng tấm bạt và giỏ xách của hành khách... để ngụy trang. Che là che cho có chứ tất cả các trạm đều đã được bôi thuốc, nên xe chạy trơn tru... Đôi khi cũng có bị "ách"! Lý do: ngoài ý muốn...

 

 Cung cấp than cho các nhà xe là người đốt than. Người chủ xe mua than không phạm pháp. Người đi đốt than, bán than mới là kẻ phạm pháp, bởi - Tội phá rừng! Người anh hai và người dẫn đường - sau khi cân bán than xong, liền chạy thẳng ra điểm hẹn với đồng đội đang đợi... Trong lúc ngồi nhâm nhi chút rượu, người anh hai nói:

 

 

 - Thời nhà Trần, đã ba lần đánh tan giặc Nguyên chạy trối chết về tàu. Một đạo quân xâm lăng khét tiếng hung bạo, chưa có một quốc gia nào dám đương đầu chống lại... Vậy mà, vua tôi nhà Trần bằng "Hội Nghị Diên Hồng" đã viết một trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam nghìn đời lưu dấu sử xanh! Một trong các tướng đánh giặc Nguyên giỏi thời nhà Trần có danh tướng Trần Khánh Dư. Ông tướng nầy giỏi thì có giỏi thật, không cần phải bàn cãi mần chi! Ông có để cho hậu thế một câu nói nổi tiếng mà người Việt Nam thường cho là nói "thẳng như ruột ngựa":

 

 "Tướng soái là chim ưng, dân lính là vịt. Dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ".

 

 Có lẽ do câu nói nầy mà - các tướng lãnh, quan chức các đời kế tiếp hiểu sai ý nghĩa trong câu nói thẳng thắn của ông nên bắt chước để: hành dân, xem người dân như: vịt, hoặc tệ hơn vịt....! Chẳng những hành dân mà còn hành cả người trong thân tộc của họ nữa! Cũng may là chỉ có một ông danh tướng nói, chứ nhiều ông danh tướng - mỗi người nói một câu "rất hay và thẳng thắn" như ông danh tướng Trần Khánh Dư thì các thế hệ cháu con "bắt chước" làm sao cho hết.

 

 "Dân lính là vịt, vịt phải nai lưng ra làm và đóng thuế cho các quan phụ mẫu hưởng thụ, quan phụ mẫu sẽ kiểm soát vịt từ: vật chất đến tinh thần. dân lính là vịt chỉ biết - ăn và lao động... Ngoài ra, không cần chi phải biết ba cái thứ tào lao thiên địa "tự do - nhân quyền - chủ quyền..." gì ráo. Tất cả đã có người khác lo..."!

 

 Lúc ông danh tướng Trần Khánh Dư "bãi chức" về quê đi buôn bán than. Không biết ông danh tướng có ép giá để mua than giá rẻ của đám bần dân rồi đem đi đầu cơ tích trữ trục lợi hay không? (thời đó than củi chỉ để dùng chi việc nấu ăn, sưởi ấm, chứ không dùng làm nhiên liệu chạy xe đò như bây chừ). Một vị lãnh tụ giỏi, hay một vị tướng, dù tài ba đến đâu - nếu không đức độ, không lòng nhân, thì dù có lưu danh thiên cổ - người đời vẫn không trọng vọng... Có trọng vọng đi chăng nữa cũng chỉ là... ngoài mặt, hoặc bắt ép phải trọng vọng chứ trong lòng không "khẩu phục tâm phục". Ông danh tướng Trần Khánh Dư đâu có biết rằng người bần dân (vịt) trực tiếp đốt than, đốt cho ra được một mẻ than cực khổ biết chừng nào! Bởi từ chỗ người dân không có đất để canh tác, hoặc có đất nhưng chỉ vài ba công, trong khi gia đình lại đông con thành thử làm nông không đủ sống buộc phải vô rừng đốt than, cưa củi..., dù biết rằng làm như vậy là phạm tội phá rừng. Người đốt than củi hít phải khói bụi độc hại từ bụi tro than cho nên thân thể của họ bị nhiễm nhiều thứ bịnh, cọng với sức nóng từ lò lửa than, lâu ngày huyết trong người - khô, bầm... ói máu ra mà chết!

 

 Người anh hai nhớ lại câu hát ru của mẹ:

 

 Chim quyên xuống đất ăn trùn

 Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than

 

 Ông danh tướng Trần Khánh Dư "về vườn" sớm, lo đi buôn bán than chứ không trực tiếp đốt than, cho dù ông có trực tiếp đốt than đi chăng nữa thì ông cũng không phải là người lỡ vận... Ông danh tướng đã có cơ may và còn nhiều cơ may từ quyền lực phong kiến nhà trần ưu ái phong tặng... Ngày xưa có thể - chế độ phong kiến không có các cán bộ "kiểm rừng" nên ông quan danh tướng Trần Khánh Dư đi mua bán than công khai mà không sợ mấy ông kiểm rừng bắt phạt, tịch thu... Người dân nghèo thuở trước - đốt than kiếm sống hằng ngày coi bộ thoải mái hơn thời bây chừ? Thời bây chừ nghề đốt than thủ công khó kiếm ăn quá, bởi lúc nào cũng sợ bị phạt, bị tịch thu, vì - tội phá rừng! Tội phá rừng còn gọi là: Lâm tặc! Đủ loại lâm tặc cao thấp, lớn nhỏ ngang nhiên đi phá rừng giữa ban ngày ban mặt... Không phá rừng thì biết lấy cái chi mà sống đây hử...? Đốt than, người dân chỉ đốt mấy cây gỗ nhỏ kiếm ăn theo kiểu cò con, vậy mà còn sợ bị bắt, phải trốn chui, trốn nhủi. Cây gỗ lớn, cây danh mộc "lâm tặc chúa" cưa đi hết từ trước rồi! Nghề đốt than thủ công không có khó, chỉ tốn công đào đắp một cái lò cho chắc chắn, sử dụng nhiều lần để đốt. Đến khi lò sập, củi xa - tìm tới chỗ khác đắp lại lò mới. Cái cực là... phải đi bán chui cho người ta mua công khai để dùng vô việc thay thế xăng dầu... Than tuy đen nhưng đó là vàng đen của rừng! Người dân không ai dám lấy than sử dụng vô việc bếp núc.

 


 

 Thương cho người lính miền Nam không có ai được cái hân hạnh "bãi chức" như ông danh tướng Trần Khánh Dư để về nhà đi buôn bán than rong chơi khắp thiên hạ...! Binh lính miền Nam "quăng súng đầu hàng trở thành - ngụy tay sai bán nước cho đế quốc Mỹ xâm lăng"! Nghĩ mà xót xa cho đời trai tráng quá thiệt thòi đến tội nghiệp... Thời tuổi trẻ đi lính lội núi băng rừng tìm giặc mà đánh! Một mớ bỏ thây nằm trong nghĩa trang, một mớ mất tích chưa tìm thấy xác, dẫu có tìm thấy xác thì cũng nằm chung một nấm mộ ! Người còn sống cũng phải vô rừng chịu cảnh "cải tạo", cũng bỏ thây trên rừng một mớ! Hết thời gian "cải tạo" một mớ cũng phải vô rừng đốt than, làm rẫy mà sống! Đó là chưa kể hàng nghìn anh chị em thương phế binh sống lây lất giữa chợ đời... Đường cùng, không phá rừng chẳng lẽ... chịu chết đói?


 

 Mọi người ăn uống vui vẻ nhưng không say vì ngày mai còn phải chăm lo mấy cái lò than... Trong lúc chờ than chín còn phải lo đi cưa củi dự trữ, canh chừng các anh "kiểm rừng" phát giác hốt sạch thì úp niêu. Mỗi khi bốc than ra khỏi lò đem đi bán, phải thông báo cho người dẫn đường đi trước "rà mìn mở đường". Người dẫn đường phải là người thân hoặc bạn chí thân, quen biết và giao du rộng - thuộc lòng các nẻo đường ngang, đường dọc kể cả những con chó... Quan trọng nhất là phải dò xem để biết được đường đi nước bước các ông "kiểm rừng"... Tìm hiểu: "giờ nầy, anh ở đâu"? Có đi "phục kích" hay rủ nhau đi ăn nhậu...? Nhậu ở đâu? Để khi đi "hành quân đêm" không sợ bị phục kích... Đôi khi cũng bị kế "Dương đông kích tây" bởi tiếng chó sủa...! Người dẫn đường còn phải liên lạc với chủ vựa than ngày giờ mua than nhất định, giá cả rõ ràng, chắc chắn. Gặp trường hợp khẩn cấp cần có tín hiệu thông báo cho nhau, nếu giải quyết không được thì - rút rựa chặt dây vứt bỏ than, vát xe lên vai chạy thục mạng mỗi người chạy mỗi ngã đường đừng để bị bắt thì khốn khổ cho cái thân...! Đã từng xãy ra trường hợp như vậy rồi...! Con người sao giống y chang loài đớp muỗi âm thầm bay đi ăn trong đêm tối không một tiếng kêu. Loài đớp muỗi còn được tự do bay qua bay lại, tự do bay đi tìm cái ăn không sợ bị bắt nạt... Màu than đen hòa cùng màu đêm đen âm u, đoàn quân thồ than lờ mờ nhìn theo lưng người dẫn đường hối hả lao về phía trước bất kể đường sá gập ghềnh sỏi đá, hục hang, chỉ mong sao cho mau mau đến nơi an toàn! (Biết có được an toàn hay không nữa?). Trên đường đi miệng ngậm tăm, không ai nói với ai một lời. Đôi tai luôn cảnh giác mọi tiếng động, không gian yên lặng đến nỗi nghe rõ hơi thở hồng hộc của nhau... Từng giọt mồ hôi lăn dài trên trán, thấm nhẹp vô lưng áo dù đang đi giữa trời đêm gió cuốn bụi đường!

 

 Có một lần, người anh hai được người dẫn đường dẫn thồ than qua một làng khác. Nơi đó, vựa than mua than giá cao... Ba chuyến xe thồ than đẩy chạy như bay trong đêm đen... Bỗng từ trong kiệt vắng nhảy ra một người đàn ông dáng đi nghiêng ngả, nói cái giọng nhừa nhựa:

 

 - "Tao... là... là... "cha" của thằng "kiểm rừng" đây! Tụi bay dám bắt mấy bao than của tao hử? Ngày mai tao lên Trạm... là có chuyện đó...! Tui bay nghe rõ chưa hử...?".

 

 Người dẫn đường bật tín hiệu cho đoàn xe thồ than phía sau tấp vội vô hàng rào dâm bụt, tất cả đứng chết trân như tượng đá, nín thở, mắt nhìn chăm chăm, thủ thế... chờ nghe hiệu lệnh tiếp theo... Có lẽ người đàn ông say rượu? Chân bước nghênh ngang xiêu vẹo, đầu cúi gầm đi lướt qua, miệng lảm nhảm:

 

 "Một ngày nào... anh chết đi... em nhớ mua cho anh cái ... hòm... Nghe dặn rằng... đừng có cúng... đừng làm gà... đừng mời ai cả... em... ơi... !".

 

 - Thiệt là... hú hồn, hú vía...! Đoàn người đi bán than nhịn cười bởi gặp phải người say...! Mọi người nghĩ... có thể là mấy bữa trước anh ta bị - các thầy "kiểm rừng" chặn bắt lấy hết than nên anh ta uống rượu cho vơi đi bớt nỗi buồn thế sự...?

 

 Bán than xong, người anh hai thở dài buồn bã, than thở với mấy người em:

 

 - Mình làm ra cục than quả là quá cực! Buồng phổi lúc nào cũng chứa khí carbon độc hại, mặt mày, quần áo, thân thể, bụi than quyện với mồ hôi dính đen thui đen thủi. Đêm tối chở than đi bán kiếm tiền mua gạo lại lén lút như - thằng rình trộm trâu... Người giàu có họ mua trữ - hàng tấn than, trữ hàng chục khối gỗ... để sờ sờ ra đó... Không một ai dám đụng chạm đến, không một ai đến bắt hay "tịch thu"? Cuộc sống luôn luôn có sự nghịch lý như vậy...! Trên đường đi bán than chúng ta chẳng những sợ: người say rượu phá bỉnh mà còn sợ cả mấy con chó sủa ma... Thân phận chúng ta hiện nay có thua chi "con vịt" của ông danh tướng Trần Khánh Dư thời nhà Trần ngày xưa...?

 

 Lần bán than đó, người anh hai và mọi người nhớ đời. Dù đã gần nửa đêm, người anh hai không quay trở về nhà mà lại đi tìm: mua rượu ngon, mua mồi ngon...! Đoàn người kéo rốc trở vô rẫy - ngồi trong chòi uống rượu đàn hát vui vẻ thâu đêm một bữa ra trò... "...Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn"! Câu nói của người xưa thật đúng nghĩa...

 

 Thương thay cho số phận anh hùng lỡ vận, mạt kiếp phải lên rừng đốt than! Đốt than hay đốt cuộc đời trong màu than của đêm. Đi bán than - lần hồi... bán, sạch-sành-sanh tuổi đời hư hao buồn tủi? ./.

 

Trang Y Hạ

Miền Đông - mùa đông 1984

Nhớ Phú!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn