BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cái Nhà Rông

04 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 1247)
Cái Nhà Rông
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Theo thông lệ, vào khoảng ngày mười chín, hai mươi mỗi tháng bên ban tài chánh đã lo xong bảng lương cho đơn vị. Tôi có bổn phận mang tất cả bảng lương đó về Sài gòn. Đi bằng Phi cơ hàng không dân sự. Lần nầy không biết trở ngại chuyện gì tỉnh cho tôi đi bằng Phi cơ quân sự. Đi lúc hai giờ sáng.

 

 Chiếc xe Deep của ban tài chánh chở tôi ra phi cảng Kontum. Bước xuống xe, tôi xách hành lý đi thẳng vô nhà ga. Nơi phòng đợi có hai dãy ghế, ở nơi đó đã có bốn bà soeur ngồi co ro sát vào nhau. Thoạt trông các Soeur còn khá trẻ, mặc áo màu xanh, bên cạnh các soeur là một mớ các ống tre lồ ô... Không cần hỏi tôi cũng biết đó là đàn "T' Rưng". Một loại đàn bằng ống tre mà người Thượng chơi bằng cách chụm hai lòng bàn tay lại, vỗ... vỗ... Thấy tôi bước vào, các soeur đồng loạt đứng lên, trên mặt các soeur tỏ vẻ mừng rỡ:

 

 - Ông cũng đi về Sai gòn? Chúng tôi ngồi ở đây cả tiếng đồng hồ nhưng chẳng thấy người phụ trách...

 

 - Dạ! Tôi đi công tác ở Sai gòn. Còn mấy soeur về đâu?

 

 - Chúng tôi về số 38, Tú Xương...

 

 Vậy là sẽ đi cùng chuyến bay! Tôi đi tìm người phụ trách. Tôi bước ra khỏi nhà ga, ngọn đèn vàng hắt hiu rọi ánh sáng nhờ nhợ loang ra cổng... Bên hông nhà ga có chiếc xe đưa rước của hãng hàng không dân sự đang đậu ở đó. Màn đêm tối om, sương núi rơi nặng nề lạnh ngắt. Người lính gác nói:

 

 - "Nửa đêm, bên hàng không dân sự làm gì có ai trực".

 

 Tôi xem lại vé... Đúng hai giờ... Chiếc phi cơ quân sự đã đến, đó là chiếc C - 47, đến trễ mười phút. Chúng tôi có năm người được hướng dẫn lên phi cơ, bên trong lòng phi cơ rộng thênh thang... Người nhân viên phi hành nói:

 

 - "Chuyến bay hôm nay sẽ ghé nhiều nơi... Đây là "công ước Warszawa", mỗi người giữ một bản".

 

 Phi cơ rời phi trường kontum lúc hơn hai giờ sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ phi cơ, chỉ là màn sương mù. Phi cơ quân sự động cơ ồn ào, dằn xóc chứ không êm như phi cơ hàng không dân sự. Phi cơ đáp xuống Phú Bổn chừng hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó cất cánh bay xuống Qui Nhơn. Ở Qui Nhơn chúng tôi phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ nữa mới cất cánh đi vô Nha Trang. Đến Nha Trang chúng tôi mới biết trên đường bay động cơ của phi cơ bị hỏng... Vậy là chúng tôi phải chờ phi cơ sửa chữa... Đúng năm giờ chiều mới cất cánh bay tiếp vô phi cảng Tân Sơn Nhất.

 

 Tôi nhìn bốn bà soeur trẻ, bà nào bà nấy mặt mũi bơ phờ, có bà còn bị ói... Mấy bà cho biết đây là lần đầu tiên đi du ngoạn xa, và cũng là lần đâu tiên đi phi cơ lại nhằm phi cơ quân sự! Mỗi lần phi cơ đáp xuống phi cảng tôi phải lo chạy đi mua thức ăn nước uống cho các bà. Chỉ nơi chốn cho các bà đi vệ sinh. Tự nhiên tôi trở thành một... "tiếp viên" ngoài luồng.

 

 - Các soeur mang nhiều hành lý như vậy chắc là ở lại Sai gòn thời gian lâu? Tôi hỏi:

 

 - Một bà soeur nhanh miệng nói:

 

 - Măng tre le ở trong, chứ hành lý có bao nhiêu đâu...!

 

 Thì ra mấy bà soeur nầy cũng biết "đi buôn", hay là mang cho người thân? Riêng tôi, lâu nay tôi thường mang măng khô về cho bà dì ở Phú Nhuận bán dùm kiếm thêm lợi tức! Lần nầy tôi về Sai gòn - ngoài măng khô ra còn có một cái "Nhà Rông" nhỏ, để tặng cho cô người yêu. Chiếc phi cơ đáp xuống phi cảng Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ đã là sáu giờ tối. Chúng tôi được đi "ké" xe của hãng hàng không dân sự Tân Sơn Nhất đưa hành khách về nhà ga ở đầu đường Phạm ngũ lão. Tôi kêu taxi chở bốn bà soeur về 38 Tú Xương. Lần đầu đi phi cơ quân sự C- 47, lại đáp xuống nhiều nơi nên thân thể mệt đứ đừ. Tôi nghĩ giờ nầy mà về nhà người bà con thì chưa chắc đã... "yên thân". Tốt nhất nên tìm khách sạn ngủ một giấc khi nào lo xong công việc hãy tính sau. Tôi kéo hành lý đi lại đường Nguyễn An Ninh, con đường ngắn chủn nằm bên hông chợ Bến Thành. Tôi thấy cái tên khách sạn Hoàng Yến, tôi vào thuê một phòng. Cất hành lý, tắm rửa. Tôi xuống phố uống vài chai bia con cọp rồi trở về khách sạn đánh một giấc.

 



 

 Công việc ở bộ giải quyết nội trong một buổi là xong, chờ hai ngày sau trở lại lấy chi phiếu. Thời gian còn lại tha hồ hẹn hò với người yêu... Tôi đi tà tà đến thương xá Tax, vào đó mua một cái kẹp cravate,... cũng có ý nghĩ mua cho nàng người yêu một cái "soutien" nhưng ... ngần ngại. Tôi cuốc bộ đến Bưu Điện Sài Gòn. Dãy hộp thư lưu trữ nằm bên hông bưu điện trên đường Nguyễn Hậu. Con đường nầy cũng ngắn chủn. Trong lòng tôi hồi hộp bởi lần nào về cũng không báo trước. Bước từng bước lên mấy bậc, nhìn vô khung cửa nhỏ bên trong không thấy tà áo dài trắng với mái tóc "bum-bê" như mọi khi. Tôi đứng tỳ tay vô cái bệ khung cửa sổ chờ, mắt nhìn ra phía ngoài mơ mơ, màng màng...

 

 - Chào anh!

 

 Tôi nghe giọng nói quen quen của cô bạn làm chung với người bạn gái. Tôi quay đầu lại chào và hỏi - Hà, cô ấy đâu rồi?

 

 - Chị Hà xin phép nghỉ hai ngày. Em nghe chị Hà nói: "Đưa mẹ đi chùa - bên kia bến phà...". Tôi thất vọng ra mặt...!

 

 Thùy, tên cô bạn của Hà, thấy tôi ủ dột, nên nói:

 

 - Hay... là anh cho em địa chỉ. Em sẽ tìm chị Hà, cho chị ấy biết anh đã vào Sai gòn và có đến... Cô nàng ngửa tay ra...

 

 Tôi cười nói:

 

 - Có lần nào anh về Sai gòn mà thiếu quà cho cô em đâu?

 

 - À hén...! Vậy anh cho địa chỉ của anh đi! Nhanh lên!

 

 Tôi cho địa chỉ ở khách sạn. Tôi đi lang thang trên phố Lê Lợi tìm mua một vài băng nhạc rồi trở về khách sạn nằm thở dài thườn thượt... Đương nằm suy nghĩ viễn vông... ngủ lúc nào không hay... Có tiếng gõ cửa...? Như một cái lò xo tôi bật dậy chạy ào ra... Đúng là Hà. Nàng đứng đó! Vẫn chiếc áo dài trắng! Vẫn mái tóc bum bê! Nhưng vẻ mặt lạnh lùng đến phát khiếp... Nàng nhìn tôi từ đầu đến chân... quày quã bỏ đi một hơi, một nước xuống đường. Tôi đóng cửa hối hả chạy theo... Nàng đi vào quán nước, ngồi xuống. Tôi biết ý nàng lâu nay vẫn thích uống nước cam vắt. Tôi gọi một ly, đến kéo ghế ngồi đối diện phân trần...


 

 - Sao anh không về Phú Nhuận, mà thuê khách sạn? lại còn cho Thùy bạn em biết nữa. Như vậy có... xấu hổ không? Em không đến thì không được mà đến thì... tức anh ách trong lòng...

 

 Thì ra là tại lý do nầy. Tôi nhanh trí "đổ thừa" - Do công tác cấp bách... Hơn nữa là lần nầy có mang quà là cái "nhà rông". Đóng gói cồng kềnh, sợ về Phú Nhuận e bất tiện.

 

 - Quà Nhà Rông anh để ở đâu? Em không thèm đi lên trên cái... khách sạn "quỷ quái" đó đâu nha!

 

 Tôi quay về khách sạn đem "Nhà Rông" xuống. Nàng tươi tỉnh nhưng không cười. Nàng hỏi:

 

 - Quà cho Thùy có không anh?

 

 - Có!

 

 - Vậy thì em sẽ ghé chỗ Thùy, giờ nầy Thùy còn làm việc. Ngày mai anh đến nhà em ở Gò vấp lúc tám giờ rưỡi sáng. Anh có thích đến nhà em không?

 

 - Tôi nhận lời, nhưng trong lòng hơi thắc mắc? Mấy lần trước không cho về nhà. Sao lần nầy...?

 

***

 

 Tôi đến Gò Vấp đúng giờ. Nàng rất vui vẻ chứ không làm mặt "ngầu" như ngày hôm qua. Nàng dẫn tôi vào phòng khách. Thấy một bà lớn tuổi ngồi trên ghế, trông đẹp người, bà mặc áo dài. Tôi cúi đầu chào bà mà trong lòng rất hồi hộp... Bà nhìn tôi thật lâu, rồi quay qua bảo Hà rót nước... Bà chỉ ghế tôi ngồi đối diện. Tôi thấy thái độ, lời nói của bà có vẻ thân thiện chứ không như tôi nghĩ - "sẽ gặp một bà chằng lửa" nên yên tâm. Hà giới thiệu qua lại... có lẽ bà biết về tôi nhiều hơn là tôi biết về bà - Bà lên tiếng hỏi:

 

 - Cậu đóng quân ở Kontum bao lâu rồi? Tôi nhớ không lầm thì tháng nầy ở trển sắp hết mùa mưa...?

 

 - Dạ thưa...! Đúng vậy, đã sắp hết mùa mưa! Cháu đóng quân ở Kontum hơn năm năm rồi.

 

 - Lâu vậy sao...? Bà hơi ngạc nhiên!

 

  Bà đứng lên mở gói quà mà tôi tặng cho Hà. Đôi tay bà run run mở từng mối dây, cắt từng miếng bìa carton bao chung quanh. Tôi có ý định đến giúp bà nhưng Hà liếc mắt, lắc đầu... Hà đi lại đứng gần tôi, nói nhỏ: "Đừng lên tiếng". Khi cái Nhà Rông được tháo tung, bà bưng để lên bàn, bà thò tay vào túi áo lấy xâu chìa khóa đi đến bên hông tủ thờ, mở cửa tủ lôi ra một cái Nhà Rông đã cũ, trông xiêu vẹo thảm hại... Bà để hai cái gần nhau. Cái nhà rông của tôi tặng cho Hà to đẹp gấp ba lần cái nhà rông cũ của bà. Bà nhìn hai cái Nhà Rông thật lâu... rồi bà quay sang thắp nhang trên bàn thờ. Bây giờ tôi mới để ý thấy trên bàn thờ có một tấm ảnh đã ố vàng... Người đàn ông trong tấm ảnh là quân nhân, đội mũ, trông còn trẻ. Tôi thấy đôi vai của bà rung rung... Bà đã khóc? Tôi không hiểu chuyện gì...? Tôi thấy Hà chạy lại dìu bà ngồi xuống ghế, bà lấy chiếc khăn rằn vắt trên cổ lau nhanh mấy giọt nước mắt. Bà nhìn tôi, nói:

 

 - Xin lỗi cậu! Tại tôi quá xúc động...! Hai con ngồi xuống đi! Bà đổi giọng kêu tôi bằng con. Bà bắt đầu kể:

 

 - "Bởi con cũng là lính tác chiến nên tôi mới trải tấm lòng. Ngày xưa, lúc tôi còn là nữ sinh, tôi có quen một người lính qua mục "Tìm bạn...". Không biết anh đi lính gì mà lại phải đổi ra tận Kontum? Thật tình mà nói tôi cũng không hình dung ra Kontum nằm ở đâu trên Cao nguyên, mặc dầu nhìn trên bản đồ vẫn thấy... Một thời gian sau, chúng tôi hẹn gặp nhau. Lấy điểm hẹn ở hồ Con Rùa. Tôi mặc áo dài trắng có gắn cái bông hồng trên mái tóc, trên ngực áo còn có tên... Anh nói sẽ xách cái Nhà Rông của người đồng bào Thượng, nho nhỏ làm kỷ niệm buổi sơ giao gặp mặt. Tôi cũng không hình dung ra nổi cái Nhà Rông, nhưng tôi thích món quà ngồ ngộ đó. Chúng tôi nhận ra nhau, hạp nhãn, và cũng có thể nói hạp tính tình nữa... Từ đó, tình yêu giữa hai chúng tôi càng ngày càng mãnh liệt. Anh về thăm tôi, hoặc tôi ra Kontum thăm anh, có khi tôi ở lại với anh hai ba ngày... Những lần anh về Sai gòn, anh có dẫn tôi qua Thủ Thiêm thăm mẹ anh. Mẹ anh già yếu, mắt mờ ở với người con gái. Bà thương tôi lắm! Khi nhớ anh tôi hay qua nhà ở vài ngày chăm sóc cho bà... Và, hai "mẹ con" cũng hay ôm nhau mà khóc mỗi khi nhớ anh...". Nói đến đây bà ngưng, có lẽ bà xúc động?

 

 Tôi cùng người bạn gái buổi tối thường chở nhau ra bến Bạch Đằng ngồi nhìn qua bên kia bờ Thủ Thiêm. Nàng thích ăn món bò bía, nàng mua và rủ tôi cùng ăn... Tôi chưa qua bên kia Thủ Thiêm bao giờ. Tôi rất muốn qua bên đó cho biết. Chúng tôi xuống phà, lần đầu tiên tôi đi phà... Nàng rành đường, nàng dẫn tôi đi một đoạn ngắn quanh chợ, chợ ban đêm vắng hiu chỉ còn mấy gian hàng gần nơi trạm bán vé qua phà là có ánh đèn điện... Nàng hấp tấp nắm tay tôi trở về. Nàng thỏ thẻ rằng: nàng và mẹ nàng thường xuyên qua bên đó: Đi chùa và thăm người cô ruột. Tôi ngỏ ý muốn đi theo, nàng hẹn tháng sau tôi về sẽ cùng đi.

 

 Thời gian công tác của tôi sắp hết. Nàng lại hẹn tôi ra bến Bạch Đằng. Nàng hỏi tôi có muốn nghe tiếp cậu chuyện của mẹ không? Tôi nói - rất muốn nghe. Nàng kể:

 

 - Cha em tử trận, được tin... nhưng lúc ấy bà nội em đang bịnh, mắt lại lờ mờ, còn cô em còn đang đi học lại thân gái còn nhỏ, làm sao biết đường mà ra tận Kontum nhận xác... Mẹ em biết cha em chết, bà điếng hồn...! Bởi trong bụng bà đang mang thai em, mà trên danh nghĩa chưa phải vợ chồng với cha em. Hơn nữa còn sợ gia đình, giòng họ, bạn hữu, người đời... Mẹ em suy nghĩ cả tháng mới quyết định gom hết thư từ hình ảnh - nói hết cho bà nội biết sự thật cái thai trong bụng là giọt máu của cha. Nghe tin, bà nội tự nhiên hết bịnh, bà ngồi dậy mừng rỡ ôm mẹ mà khóc... Mẹ em âm thầm lên Kontum tìm đến đơn vị của "chồng". Cũng may là khi cha em còn sống mẹ có lên trển thăm cha vài lần nên người trong đơn vị còn nhớ và nhận ra mẹ. Họ chỉ cho mẹ nơi chôn cất cha em. Mẹ nhờ người ta đắp mộ cho cha chắc chắn, dựng bia cho cha em xong rồi mẹ trở về Sai gòn sinh em. Hai năm sau mẹ ẵm em đi cùng bà cô của em trở lên Kontum bốc mộ cha đem về chôn ở An-Lợi-Đông. Thủ Thiêm là quê nội của em đó. Mẹ em quê ở Long An, lên Sài gòn học rồi quen cha. Sau khi cha em chết. Mẹ sợ mang tiếng không dám về quê, mẹ mua căn nhà nho nhỏ ở trong xóm lao động Gò Vấp, sinh em và ở vậy cho đến bây giờ.

 


 

 ***
 Nhà Rông - như anh đã thấy... Khi lớn lên, em hỏi mẹ nhiều lần về cái Nhà Rông? Mẹ cứ hứa lần hồi rồi mới kể cho biết - Đó là món quà tình yêu đầu đời của mẹ, mẹ nâng niu gìn giữ như mạng sống của mẹ. Em suy nghĩ rất nhiều về món quà của mẹ và hình dung về cha, nhưng đành chịu, em chỉ biết cha qua những tấm hình - cha mặc bộ quân phục thật hào hùng. Mẹ nói - em giống hệt cha, bà nội, cô út cũng nói như vậy... Ngày em biết anh qua con nhỏ bạn cùng lớp. Nó nói: "Địa chỉ nầy của một người lính". Em không biết KBC 6235 đó... ở vùng nào? Khi nhận thư anh, em mới biết anh ở Kontum. Em bấn loạn tâm thần... "Trời, mình lại rơi vô trường hợp của mẹ khi xưa nữa rồi...!". Nhưng em nghĩ... người nào phận nấy, biết đâu mà lường, nên em mạnh dạn viết thư về anh cho đến lúc chúng ta hẹn gặp nhau... Khi nghe mẹ kể về kỷ niệm cái Nhà Rông - món quà tình yêu của cha mẹ, em mới chú tâm: săm soi, xem xét, ngắm nghía cái Nhà Rông để trên bàn thờ xưa nay. Em nghĩ: Lúc trước chắc chắn là rất đẹp và được nâng niu, trìu mến. Giờ thì... đã quá cũ lại xiêu vẹo, bong tróc... trông thật thảm thương...! Em nhìn cái Nhà Rông..., em nhìn ảnh cha..., em nhìn mẹ một đời cô đơn mà nước mắt chảy dài....! Em thầm hứa với cha là sẽ tìm một cái Nhà Rông thật mới, thật đẹp để tặng cho cha và an ủi mẹ lúc tuổi già. Món quà "Nhà Rông" em xin anh là... xin để tặng cho cha em đó! Anh có giận em không? Anh có cảm thấy rằng: đã bị... em "lường gạt" anh không? Nếu anh cho đó là có "tội" thì em sẽ quỳ xuống xin tạ tội với anh vậy!

 

 Nước trên bến sông Bạch Đằng đang lớn, ánh sáng từ bóng đèn đường hắt xuống giòng trôi thấp thoáng vài cụm lục bình đung đưa chen qua hông mấy chiếc thuyền bươn bã ngược dòng. Cơn gió lạnh từ dưới sông thổi thốc lên đẩy chúng tôi xích lại gần nhau. Chỉ còn đêm nay nữa thôi! Ngày mai, chúng tôi lại chia tay để rồi chờ, và chờ cho đến con trăng sau mới gặp lại. Thân là lính tác chiến, chiến tranh tựa bóng tối, rình rập cướp đi sinh mạng, tài sản bất cứ lúc nào. Biết đâu, tôi cũng tử trận như cha nàng, rồi nàng cũng như mẹ - lặp lại một "bi kịch" đầy tang thương, sóng gió...

 

 Tôi choàng tay qua siết bờ vai nàng thật chặt, một sự yên lặng chỉ còn nghe từng con sóng vỗ bờ... Hai trái tim chúng tôi cũng đang thổn thức lẫn nuối tiếc từng giây, từng phút trôi qua. Bất chợt nàng nhắc:

 

 Anh không giận em nữa chứ?

 

 Tôi, vuốt... vuốt... tóc mái tóc "bum-bê"! Nghiêng người cúi xuống khẽ hôn nàng, cái hôn giã từ thật si mê đằm thắm... Nàng không phản đối còn khe khẽ hát:

 

 ... Từ kbc viết gửi về em. Riêng tặng người yêu nụ hôn thương mến. Mai anh về kể chuyện nhà binh. Lính xa nhà nhớ cô nhân tình. Chuyện vui ngày cưới chúng mình...

 

 - Làm sao mà anh giận em kia chứ, khi cha em cũng là một người lính tác chiến như anh. Không thân thuộc thì cũng còn có cái tình "Huynh Đệ Chi Binh"! Huống hồ bây giờ... chúng ta có nhau. Anh cảm phục, anh trân trọng tấm lòng hiếu thảo của em đối người cha mà em chưa một lần thấy mặt! Mẹ em là một người phụ nữ trung-trinh-tiết- liệt...! Anh vô cùng hãnh diện khi được biết món quà "Nhà Rông" đã đem lại niềm an ủi và cũng là kỷ niệm - cho... hai thế hệ!

 

 Đưa nàng về nhà. Tôi bước lại gần bàn thờ thắp cho "người lính" một nén nhang... Và, tôi đã thấy cái Nhà Rông cũ đã được... tháo rời ra, bó lại gọn gàng, cẩn thận xếp vô bên trong lòng cái Nhà Rông mới - đặt bên cạnh tấm ảnh người quá cố! ./.

 

 

Trang Y Hạ

An Đông, Sai gon 1988

Mấy ngày đạp ba gác
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn