BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thằng Cầm

28 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 1752)
Thằng Cầm
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Một dạo, tôi được sếp giao một công việc không chính thức và rất chung chung, không theo một văn bản pháp quy nào: theo dõi hoạt động của cơ sở đào tạo nghề B thuộc cơ quan tôi nhưng cách chỗ chúng tôi làm hơn 20 km. Tôi nhận thêm một việc mà không được tính thêm lương hay thù lao, mỗi lần xuống cơ sở B chỉ được thanh toán mỗi tiền đi đường và lưu trú. Được cái khi đến nơi thì được cơ sở đó đãi những bữa ăn khá tươm so với những bữa ăn tập thể ở cơ quan tôi, và khi cơ sở đó liên hệ để mở được vài lớp đại học thì người phụ trách cơ sở đó đồng ý để tôi dạy một môn kỹ thuật, nhờ đó có thêm được ít đồng.

Một hôm, sau giờ dạy, tôi đang ngồi chuyện trò với mấy người ở cơ sở B thì thấy một nhân vật chưa quen mặt đi vào. Có người quay ra giới thiệu với tôi đó là Cầm, cán bộ giảng dạy ở đó. Tôi nhìn mặt Cầm, và trong lòng gợn lên một cảm giác khó chịu ít thấy.

Đó là một người hơi thấp nhưng mập và chắc. Mặt hắn khá rộng, da mịn và trắng như con gái, nhưng quai hàm thì bạnh ra đến mức nhìn thấy phản cảm. Đôi môi hắn rất mỏng, giống như khi nặn ra hắn thì “bà mụ” không chủ làm cái mồm, sau đó mới lấy dao sắc khía ra, rồi vuốt mép trên một chút để thành cái chỏm môi nhọn nhọn, không ăn nhập với cặp môi khía. Cằm hắn như có ai vuốt cho bẹt ra và kéo về phía trước, làm cái miệng như móm, trong khi hai hàm rằng khá chắc. Cái mũi của hắn có thể hình dung như một cái mũi vốn khá đẹp, nhưng bị ấn cho ngắn bớt, to ngang thêm, hơi thấp xuống, và làm gần tịt hai lỗ. Nhưng nét đặc trưng nhất trên mặt hắn là đôi mắt. Chúng rất cạn, lòng đen không rõ, không có độ lồi vồng ra ở giữa mà gần như phẳng, không long lanh, không linh hoạt mà gần như bất động, lại hơi xếch, giống như vẽ trên các bức tượng gỗ. Đôi lông mày khá xa mắt cũng hơi xếch và phẳng, giống như xịt keo vào rồi miết xuống, càng làm đôi mắt trông khó chịu hơn. Còn mái tóc…? Khỉ thật, tôi không thể nào nhớ ra mái tóc hắn như thế nào, hói hay không hói, và kiểu chải ra sao. Có lẽ vì những nét kia đã gây cảm giác quá khó chịu đến mức tôi hoàn toàn không nhớ đến mái tóc hắn nữa.

“Em chào anh Sâm”, Cầm nói với vẻ thân mật dường như chúng tôi đã biết kỹ nhau rồi. Tuy nhiên, đó không phải cái giọng suồng sã như thường gặp. Cầm phát âm thẽ thọt mà tỉa tót, rất giống đàn bà và thể hiện rõ vẻ muốn lấy lòng. Cái giọng thẽ thọt và tỉa tót đó lại càng tương phản với cái cơ thể chắc mập của hắn, cũng không ăn nhập với đôi quai hàm bạnh ra và cặp mắt vô hồn. Tôi thấy ghê ghê trong người. Tôi chào đáp lễ, cố không thể hiện sự khó chịu.

“Anh biết không, anh trùng tên với bố em đấy”, Cầm nói. Tất cả đều cười. Tôi cũng hơi cười cười theo mọi người, nhưng càng thêm khó chịu. Thú thật, nếu không ngại người chung quanh bảo tôi cực đoan hoặc quá khó tính, có lẽ tôi không bao giờ bắt chuyện với một người như hắn.

“Anh dạy tuyệt vời. Sinh viên nó ca ngợi anh lắm.” Cầm nói tiếp. Tôi không biết đáp lại thế nào, đành cười gượng, chắc lúc đó mặt tôi trông méo mó thảm hại.

*

Vài tháng sau, tôi lại đến cơ sở B để “kiểm tra” và dạy. Trong lúc ngồi chuyện vãn với vài người, tôi lại thấy Cầm đi đến. Lần này thấy hắn ăn mặc bảnh bao hẳn lên, da dẻ hồng hào, người hơi mập ra, mặt đầy thêm, trông có vẻ rất thỏa mãn. “Anh Sâm”, Cầm nói, không có vẻ săn đón như lần trước, nhưng cái kiểu phát âm thẽ thọt tỉa tót thì không thay đổi.

“Mới cưới vợ.” Một người nói và đưa mắt về phía Cầm. Tôi nhìn hắn, thấy mặt hắn bạnh thêm ra, mắt hơi nhìn xuống, nhưng không phải vì ngượng, mà vì ở hắn thì đó là điệu bộ thay cho cái lim dim mắt tỏ ra mãn nguyện.

“Thế à? Chúc mừng.” Tôi nói nhưng không chìa tay. Tôi ngại chạm vào da thịt hắn vì cảm thấy ghê ghê, đồng thời không muốn tỏ ra ít nhiều thân thiện.

“Lấy con trung tướng tư lệnh quân khu nhé.” Một người khác giới thiệu tiếp.

“Thôi, thế này”, Cầm nói. “Bây giờ mời các anh và các bạn đến nhà tôi chơi, uống nước, nói chuyện tiếp.”

Thấy mọi người chưa đứng lên ngay, Cầm túm tay vài người lôi dậy. Khi mấy người đã đứng dậy thì hắn đẩy lưng từng người, thúc giục.

Nhà Cầm thực ra là gian đôi của nhà tập thể mà sếp của cơ sở B phân cho vợ chồng Cầm trước khi cưới mấy ngày. Nhà bố mẹ Cầm thì ở xa, còn nhà bố mẹ vợ Cầm thì cách đó 4-5 km, nhưng đôi trẻ muốn có không gian riêng nên xin ở nhà tập thể, trong khi chưa kịp làm nhà riêng ở ngoài. Trong nhà, đồ đạc bóng lộn và gần như không thiếu thứ gì, kể cả ti-vi, tủ lạnh, xe máy. Trước cái thời mà những kẻ khá giả nghĩ ra câu “Ti-vi, tủ lạnh, hon-đa – Thiếu ba thứ ấy không ra hồn người” thì cái gian nhà đầy tiện nghi đó đặt vợ chồng Cầm lên vị thế cao chót vót phía trên đầu chúng tôi. Vừa vào đến cửa, những người mới đến lần đầu xuýt xoa, thì thầm với nhau và không giấu vẻ ngưỡng mộ (bên trong có thể có cả ghen tị).

“Chào…”, Nhung vợ Cầm nói.

Tôi liếc nhanh. Nhung trạc 22-23, người đậm, có đôi quai hàm gần giống của Cầm. Nhưng những nét còn lại thì khác hẳn. Đôi mắt khá đẹp long lanh lửa dục. Vòng 1 và vòng 3 của cơ thể khá lớn nhưng vòng 2 nhỏ. Dáng người và các chuyển động của cơ thể thể hiện nhựa sống dồi dào và ham muốn rừng rực.

“Em ơi lấy nước anh đào của tây trong tủ lạnh… đãi các anh mỗi người một ly.” Cầm nói khi vợ chào khách chưa dứt lời. Vài người nhìn nhau thán phục.

Khi gần chục vị khách chen nhau ngồi vào bộ “xa lông” và bắt đầu nhấm nháp một thứ nước trái cây cao cấp mà họ chưa bao giờ biết mùi, Cầm nói:

“Nước đóng hộp phân phối cho cụ nhà mình đấy. (“Cụ nhà mình” ý nói bố vợ hắn.) Của Ba Lan. Cán bộ cao cấp thường xuyên được cung cấp nhiều thứ đồ ăn đồ uống với đồ dùng hàng ngày của Tây. Cả nhà dùng thoải mái.”

Rồi Cầm mở cánh tủ nhỏ, lấy ra gói 555 hộp vuông, trịnh trọng mở ra chìa cho từng người. Nhiều người cầm điếu thuốc với vẻ rụt rè và như đang trong mơ.

Mấy phút sau, Cầm nói:

“Tôi phải cho các ông nếm thứ này. Cực độc.”

Rồi hắn mở tủ giới thiệu với chúng tôi mấy bình rượu “độc”, trong đó tôi nhớ có một bình rượu sâm (Cao Ly hẳn hoi), một bình gồm mấy loại tinh hoàn.

“Cụ bà nhà mình bảo Nhung đưa cho mình uống để đáp ứng cái ấy cho đủ đô.”

Mặt Cầm lại đầy vẻ mãn nguyện và thèm muốn. Rồi hắn hạ giọng thầm thì: “Nhung nhà tôi cái khoản ấy mạnh lắm, làm rất say sưa, mình cũng sướng.”

Hắn lấy chai rượu tinh hoàn ra cùng với mấy cái li nhỏ, rót cho mỗi người khoảng vài cc và nói tiếp:

“Các ông uống đi, mấy phút sau thấy nó phát huy tác dụng ngay.”

Tôi và vài người không uống, còn mấy anh kia thì xài rất hào hứng.

“Em ơi, Mi-lu có vẻ đói rồi đấy. Em mở hộp pa-tê cho nó ăn đi.” Cầm lại gọi vợ. “Trộn cho nó ít bột bê một, loại của Tiệp ấy nhé.”

Mi-lu là con chó con, giống Tây hay Nhật gì đó. Vào cái thời mà viên chức nhà nước ốm nặng muốn xin hay mua mấy viên vitamin nội cũng khó mà được, những câu nói của Cầm với vợ hắn giống như bỉ báng mọi người.

Lát sau, ra khỏi nhà Cầm, tôi hỏi người đi bên cạnh:

“Ông ấy cưới vợ nhanh thế.”

“À, nhanh, nhưng hắn đã có ý đồ từ trước.” Người kia nói. “Con Nhung thiếu điểm môn của hắn, hắn gạ tối đến phòng hắn để hắn giảng thêm cho. Mấy lần thế rồi thông báo cưới nhau. Cô kia máu, tối đến có hai người chắc hắn gạ và xong luôn. Còn hắn thì chắc chắn hắn nhắm cái cơ ngơi và thanh thế của ông tướng.”

*

Bốn năm sau, tôi vẫn còn đến cơ sở B, nhưng chỉ còn đến dạy chứ không “theo dõi hoạt động” của nó nữa. Khi đến nơi, tôi ghé qua nhà Hãn, một cán bộ giảng dạy mà tôi đã khá thân ở đó. Đến đó, tôi lại gặp Cầm. Bấy giờ, nhờ uy bố vợ, hắn đã có chức tước kha khá ở cơ sở B. Tuy nhiên, nghe nói ông giám đốc cơ sở B đang nhức nhối vì mang tiếng bởi những việc làm vô lối của hắn, trong đó có chuyện ăn tiền của những người xin về cơ sở B và của sinh viên, và làm hỏng rất nhiều việc của cơ quan. Lần này thì hắn đến nhà Hãn trước, và có ba-bốn người khác cũng đang ở đó. Nhác thấy hắn đang nói chuyện gì đó với vẻ vừa bí hiểm vừa căm tức lại vừa hả hê, tôi thấy ớn, định quay lui, nhưng Hãn đã thấy tôi và gọi tôi vào.

Khi tôi bước vào, Cầm ngoảnh mặt ra nhìn tôi, nói “anh” rồi tiếp tục câu chuyện. Tôi nghe không thật chăm chú vì còn bận nhìn cái bộ mặt hắn đang thể hiện cái vẻ gì đó rất ti tiện. Thật kỳ lạ, mặc dù nhìn vào cái mặt hắn tôi thấy khó chịu, nhưng khi hắn nói, tôi cứ phải nhìn – hóa ra cái ti tiện cũng có sức hút kiểu gì đó, đặc biệt là cái mặt hắn bây giờ.

“… Tôi bắt cô ta cởi hết quần áo, nằm lên giường, giạng chân ra. Rồi tôi vạch cửa mình cô ta ra, tôi lấy đèn pin tôi soi. Các ông biết không? Âm đạo cô ta vẫn còn nhớt tinh dịch…”

Đến đó thì tôi bị câu chuyện của hắn thu hút. Nói thật là thường thì tôi ghét nghe những chuyện bẩn thỉu, nhưng câu chuyện của hắn có những chi tiết “độc” nên tự nhiên gây chú ý. Lắng tiếp, tôi hiểu rằng hắn đang nói về quan hệ giữa vợ hắn với một gã đàn ông khác, không khốn nạn bằng hắn, nhưng về “khoản ấy” thì trội hơn hắn nhiều, đủ để đáp ứng vợ hắn. Chính hắn thì gần đây các loại rượu kích dục cũng không giúp được hắn có đủ sức “đương đầu” với vợ nữa. Và hắn coi đôi “gian phu dâm phụ” là tột cùng của sự tởm lợm. Cái pha soi đèn vào âm đạo vợ là hắn thực hiện tối hôm qua, sau khi giả vờ đi chơi xa và bất ngờ quay về, thấy vợ từ nhà “con dê đực” đi ra.

“Các ông biết không, cái gì của nhà, cô ta cũng đem cho thằng đó hết. Nó đã khỏe như trâu, máu như dê, mà các thứ rượu của tôi cô ta cũng đem cho nó…” Cầm nói. Hắn nói “rượu của tôi” nhưng ai cũng hiểu đó là bố mẹ vợ cho, chứ hắn thì lấy đâu ra.

Một lúc sau, Cầm đứng dậy chào mọi người. “Tôi phải đi loan báo cho cả thiên hạ biết những cái xấu xa của con dê cái ấy, xong rồi ly dị.”

Khi Cầm đi khỏi, tôi hỏi chung mấy người còn lại:

“Ơ, mà tay này sao dám hỗn với vợ thế? Sợ bố mẹ vợ thế cơ mà?” 

“Đúng thế”, Hãn nói. “Mà chuyện này tay này đã biết từ trước, cách đây gần năm, nhưng lúc đầu vẫn im lặng, coi như không có chuyện gì. Bây giờ thì bao nhiêu uất ức phải nén nhịn lâu nay bung ra hết. Anh biết vì sao không?”

“Chịu”, tôi nói.

“Vì ông Bằng (bố vợ Cầm) thất thế rồi.”

Tôi “à” một tiếng. Ra thế.

“Ông Bằng thất thế đến mức bọn ủy ban phường cho hẳn người đến dỡ cái nhà làm lấn đất. Thằng con trai nghịch súng cướp cò, bị thủng đùi, đưa vào bệnh viện, nó chủ để cho mất máu nhiều, sau đó không cứu được, chết. Đứa con gái bé đang học cấp ba thì có bầu rồi bị người yêu bỏ,… Nói chung nhà ấy đến kỳ mạt vận, nhiều chuyện thảm hại. Những chuyện thối tha giờ cũng lộ ra. Tay Cầm vào nhà đó góp thêm một nhân vật độc đáo cho vở tuồng. Giờ thì nát hết rồi.”

Ngay chiều hôm đó, tôi được chứng kiến cảnh bà vợ ông tướng ngồi sau xe máy, dẫn mấy cái xe ba gác (như trước thì phải đi xe con dẫn theo xe tải) đến nhà Cầm, dọn hết đồ đạc vốn là của hai ông bà, đem đi. Bà ta vừa chỉ huy mấy người dọn đồ, vừa la lối chửi bới Cầm. Không thấy Nhung xuất hiện.

“Đồ chó cái già. Cái nhà vô phúc…” Vẫn với cái giọng thẽ thọt tỉa tót lọt qua cặp môi mỏng dính, Cầm lẩm bẩm chửi lại, nhưng chắc mụ kia không nghe.

Tối đến, khi Cầm đang ngồi trước cửa không ánh đèn thì thấy ba tay đàn ông có vẻ hung tợn đi xe máy đến. Sau khi nhìn vào tận mặt Cầm để khỏi xác định nhầm, ba tay đó cho Cầm một trận huỳnh huỵch. Ban đầu, Cầm la lối kêu cứu, rồi van lạy, sau đó rú lên những tiếng rợn người. Mấy người chạy đến la lên để can, nhưng vô tác dụng. Mấy phút sau, ba tay đàn ông lên xe vù đi. Hàng xóm xốc Cầm đưa vào nhà, bật đèn lên, thấy người Cầm mềm nhũn, máu mồm máu mũi chảy lênh láng, hỏi không nói được, chỉ thoi thóp thở.

Khi đến bệnh viện, người ta xác định Cầm bị gãy ba xương sườn và bị chấn thương sọ não.

Suốt mấy ngày tôi ở cơ sở B, đi đâu cũng chỉ thấy mọi người bàn về chuyện của Cầm.

*

Mấy năm sau, tôi tình cờ gặp Hãn trên một chuyến tàu. Sau khi đổi chỗ với người ngồi cạnh Hãn, tôi bắt đầu hỏi thăm về vợ con Hãn và những người quen ở cơ sở B mà bấy giờ đã nâng cấp thành trường đại học. Rồi tôi tò mò hỏi Hãn về Cầm.

“À đấy, mình cũng định nói với ông chuyện ấy. Đúng là nhân vật quá đặc biệt. Vụ bị vợ cắm sừng, bị mẹ vợ sai người đánh thì ông biết rồi. Sau đấy một năm thì hắn nhờ người bà con xin chuyển về Hà Nội, rồi cậy cục xin đi làm đội trưởng xuất khẩu lao động ở Nga. Sang đó, nghe bảo hắn xử sự với công nhân trong đội của hắn rất tệ. Mấy người bị ốm hắn cũng bảo với quản lý của tây là không sao, rồi cứ bắt người ta đi làm. Một hôm có người bị sốt, loáng choáng, rơi từ trên cao xuống, bị chết. Không may cho hắn đó là người bà con của vụ trưởng. Ông này bày cho người nhà người bị chết kiện hắn, hắn bị triệu về nước và ra tòa, tù mất ba-bốn năm. Trong tù nghe nói vì xử sự đểu nên bị mấy thằng tù anh chị đánh cho thành ngây dại. Bây giờ ra tù rồi, hắn cứ đi lang thang, nhặt các thứ ở đống rác ăn, vừa đi vừa lảm nhảm. Có vài lần hắn trở lại chỗ bọn tôi. Hắn vẫn còn nhớ vài người. Có lúc hắn bảo hắn đang nghiên cứu quản lý lao động ở nước ngoài. Lúc khác lại bảo đang nghiên cứu tìm ra một loại máy chiếu, cứ chiếu vào người đàn bà là biết có tinh dịch trong âm đạo hay không…”

“À, thế đứa con? Ở với ai?” Tôi hỏi.

“Hiện giờ thì tôi không biết”, Hãn nói. “Nhưng hồi mới bỏ nhau vài tháng thì nó ở với tay Cầm. Ra tòa, tay Cầm nói Nhung ngoại tình, không có quyền nuôi con. Nhung thì cũng không kiên quyết đòi nuôi, nên tòa xử theo ý Cầm. Mấy tháng sau, có lần tôi về Hà Nội, tình cờ gặp Cầm. Hắn đưa mình đến nhà. Mình cứ bị ám ảnh mãi, trong lúc mình với hắn đang nói chuyện, con bé, dạo đó hơn 3 tuổi, gọi “Bố ơi” rồi nói: “Bố ơi, con ghét con Nhung” và rơm rớm nước mắt. Mình hiểu đó là lúc nó nhớ mẹ, nhưng lại nhớ ra lời bố nó “dạy” là không được gọi người đó là mẹ, mà phải gọi là con Nhung, vì con Nhung xấu lắm. Rất lạ là con bé này có vẻ rất ít giống bố mẹ. Nhìn nó rất đáng thương. Sau đó thì mình nghe nói hắn đưa con bé về quê cho ông bà nội nuôi, còn hắn thì lang chạ khắp nơi…”

MICHAEL LANG

Nguồn Lề Bên Trái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn