BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nha Trang - Nỗi Nhớ - Đời Người

11 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 1441)
Nha Trang - Nỗi Nhớ - Đời Người
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Một ngày đầu tháng 6/2014, tôi ra Nha Trang. "Ra" là bởi vì tôi là người Sài Gòn, từ Sài Gòn tôi đi. Tôi cảm nhận được cái nắng, cái nóng khi xe ra đến Phan Rang, Ninh Thuận. Càng nắng hơn khi dừng lại Cà Ná để ăn cơm. Thằng cháu nhỏ loi nhoi: "Ăn cơm ở quán có biển con mới chịu". Ăn cơm không đòi cá thịt mà đòi quán có biển. Nó muốn nhìn thấy biển. Dễ thôi. Ở đây chỗ nào chẳng thấy biển? Biển đẹp nữa là đằng khác. Và thằng nhóc đã rất vui vẻ ăn cơm... với biển !!!

Phải, biển đẹp. Cà Ná đẹp. Cam Ranh càng đẹp hơn. Biển xanh, rất xanh, và cát trắng, rất trắng. Ngồi trên xe tôi mê mải nhìn. Vịnh Cam Ranh là một trong những cảng nước sâu đẹp nhất Đông Nam Á, đã từng là căn cứ Hải Quân của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Thấy biển lại nhớ tới Hải Quân. Nhớ một con tàu. Nhớ một con người. Tôi mang nỗi nhớ đó từ biển Cam Ranh, và như thương tình tôi, biển đã theo tôi ra tới Nha Trang.

Nha Trang có con đường Duy Tân đẹp nhất với hàng cây dương được cắt tỉa công phu. Đường đã thay tên: Trần Phú. Tôi nhớ bài hát có câu: " ...Đường chẳng riêng hai chúng mình, nên khi vắng anh đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm." Tôi đi tìm gì ở thành phố biển này, nơi anh đã từng sống một thời tuổi trẻ hào hùng? Mỗi góc phố, con đường, từng chùm hoa, ngọn cỏ như còn vương vấn bóng hình ai, nên cứ mỗi đợt sóng xô, biển lại trào dâng nỗi nhớ.


Trên con đường đã thay tên có ngôi trường SQHQ một thời vang bóng. Biết bao chàng trai trẻ "vốn dòng hào kiệt" đã từ ngôi trường này bước thẳng lên các chiến hạm, về các Hải đội, các đơn vị Hải quân...Và không ít chàng đã trở thành kỷ niệm đẹp của nhiều người con gái.




Đường Độc Lập - Nha Trang

Bà chủ quán cà phê gần trường cho biết "thỉnh thoảng có một vài ông tóc đã hoa râm về đứng trầm ngâm trước cổng trường, nhìn vào rồi lặng lẽ quay đi." Bà cho rằng đó là mấy ông Sĩ Quan Hải Quân VNCH từng học ở đây về thăm lại trường xưa. Tôi nhìn bà, thấy tóc bà cũng đã hoa râm, tự hỏi không biết bà có kỷ niệm với một ông "hoa râm" nào đó không? Tôi đã lầm lủi bỏ đi mà không dám đọc cho bà nghe mấy câu thơ:


"...Khi về thăm trường cũ
Ta tóc đã hoa râm
Khi về thăm người cũ
Cỏ xanh chỗ em nằm...
"

Như một anh nông dân nghèo vừa trúng đất, dù có học làm sang đủ kiểu vẫn không sao giấu được cái gốc "ruộng" của mình, Nha Trang giống như vậy. Những dự án lấn biển để xây các khu đô thị mới, các khu Resort 4, 5 Sao...đã gần như băm nát Vịnh Nha Trang xinh đẹp, và các lối kiến trúc đa phong cách, đủ thể loại đã góp phần phá vỡ cảnh quan xinh đẹp vốn có của Nha Trang. Thành phố Nha Trang là nơi có nhiều người Nga ở nhất Việt Nam. Họ trốn các cơn bão tuyết lạnh giá ở quê hương họ để sang Việt Nam tìm chỗ trú ẩn. Họ chọn Nha Trang biển xanh cát trắng làm nơi tắm nắng. Và cuối cùng, ngoài những đứa trẻ con lai Trung Cộng, lai Hàn Quốc... Nha Trang lại có thêm trẻ lai Nga tóc vàng mắt xanh. Ngoài món bún cá truyền thống, Chợ Đầm Nha Trang có thêm nhiều hàng quán bán rượu Vodka, bánh mì đen, trứng cá hồi, xà-lách Nga...và khách hàng Nga không phải người nào cũng lịch sự, cũng hào phóng như "Anh Cả Đỏ" một thời, họ cũng sẵn sàng buôn gian bán lận, họ cũng góp phần vào bức tranh toàn cảnh Nha Trang những nét chẩm phá với gam màu u tối.

Tôi ra Cầu Đá, nơi diễn ra cuộc "lui binh" cách đây gần 40 năm của Hải Quân VNCH.

Tôi về bãi Tiên.


Tôi đi ngang Đồng Đế, nghe trong gió còn vang vọng những bước chân Tân Binh năm nào trên quân trường nắng cháy.


Tôi lên Hòn Chồng.


Tôi qua cầu Xóm Bóng, nơi có những con thuyền neo bến buồn hiu.


Tôi đứng nhìn Tháp Bà trầm ngâm, rêu phong như phế tích.


Tôi đến phố nhậu đêm Bờ Kè, khu Xóm Chài cũ. "Đường Bờ Kè" là do chủ các quán nhậu và dân chơi tự đặt tự kêu. Đường chưa có tên. Đêm Bờ Kè là vô tận, và các loại hải sản Nha Trang đều có mặt tại đây. Tôi đã có một đêm trải nghiệm với ốc, sò, ghẹ, mực, cá tươi lẫn cá khô. Tôi đã có một đêm "ngồi đồng" ở Bờ Kè Quán với vài người bạn Nha Trang, uống cạn những ly bia như muốn uống cạn nỗi buồn. Tôi buồn gì nhỉ? Tôi nào có đánh mất tình đầu ở đây đâu? Tôi chỉ là du khách. Nhưng sao nhìn thấy biển lòng tôi lại đầy ắp nỗi ngậm ngùi?


Từ Bờ Kè Quán tôi phóng tầm mắt ra cây cầu mang tên Trần Phú. Biển đã không còn xa. Biển đã được con người kéo lại gần, thành đất liền. Biển gần là thế nhưng tôi không nghe thấy tiếng sóng rì rào. Âm thanh hỗn độn của quán nhậu đã lấn át tất cả. Cuối cùng tôi chỉ còn nghe tiếng sóng lòng tôi va đập. Hồi ức về một thời thơ dại với một người lính biển khiến tôi nhói lòng khi thấy biển.


Tôi rời Bờ Kè Quán khi đã nửa đêm. Tôi không lên xe ô tô, tôi bảo cô bạn Nha Trang chở tôi bằng chiếc xe tay ga đi một vòng ra đường Duy Tân. Tôi thích gọi tên đường Duy Tân hơn Trần Phú. Ở Sài Gòn, trường Luật khoa nơi tôi học cũng nằm trên đường Duy Tân. Duy Tân là một ông vua yêu nước mà. Vậy là tôi và anh có chung một tên đường dù ở khác thành phố, dù bây giờ "đường đã thay tên."

Mai tôi sẽ rời Nha Trang để về lại Sài Gòn. Còn một đêm này tôi lang thang giữa thành phố biển không Anh. Tôi muốn thở trong bầu không khí mà ngày xưa anh từng thở. Tôi muốn đi lại con đường mà anh đã từng đi. Tôi muốn ôm bụi hoa dại ven đường Duy Tân như anh đã từng ôm bờ vai tôi nhỏ bé. Một lần cho một đời người.

Nha Trang ơi, sao cứ như hạt bụi trong mắt tôi ngày về?


KIM CHI
(Sài Gòn tháng 6/2014)

Nguồn Biển Khơi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn