BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hà Nội của chàng trai vừa lớn

06 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 1712)
Hà Nội của chàng trai vừa lớn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thuở nhỏ, ở một phố vắng tỉnh lỵ buổi trưa, tôi thường được nghe người vú em ru con chủ nhà bằng những câu:

Con cò đỗ cọc cầu ao
Ăn sung sung chát ăn đào đào chua
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông lên Hà Nội thấy vua đúc tiền

Hà Nội, nơi thăm thẳm nghìn trùng của thằng bé con, nơi chẳng bao giờ nó cần biết tới, nghĩ tới, không ngời lại có mối liên hệ mật thiết với những đồng trinh, đồng xu, đồng hào rủng rỉnh trong túi áo nó. Những đồng tiền đánh đáo. Vua đã đúc tiền ở Hà Nội cho nó đánh đáo. Vua nào đúc tiền nhỉ ? Này đồng trinh Khải Định. Nọ đồng xu, đồng kẽm Bảo Đại. Vua đã đúc tiền ở Hà Nội. Và khi thằng bé con thua đến đồng xèng cuối cùng thì nó bắt đầu mơ ước có đôi cánh của con cò. Để bay lên Hà Nội. Đền chỗ vua đúc tiền. Lượm một túi đem về đánh đáo thả cửa. Hà Nội, tôi bắt đầu dệt giấc mơ đặt chân lên miền đất vua như những người theo đạo Thiên Chúa nghèo khổ hoài mong có lần tới thánh địa Jérusalem.

Giầu xứ quê không bằng ngồi lê Hà Nội

Hà Nội càng ngày càng quyến rũ tôi. Cơ hồ viên kẹo ngậm mãi không tan mà chỉ thấy tăng thêm chất ngọt tuyệt lạ. Ngồi lê Hà Nội sướng hơn giầu nứt đố đổ vách ở xứ quê, tôi có quyền nghĩ rắng bị đi ăn mày ở Hà Nội, trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình vẫn cứ là hoàng tử. Rồi Hà Nội thâm nhập vào hồn tôi bằng sự tích Thăng Long đời Lý, bằng huyền thoại rùa Thần trả gươm vua Lê.

Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Hàng Một hàng Đường hàng Muối trắng tinh.
Từ ngày ta phải lòng mình.
Bác mẹ đi rình đã biết mấy phen.

Hà Nội, bây giờ, là vùng đất của tình yêu, của chàng trai "phải lòng" cô gái. Những ba mươi sáu phố hẹn hò, lẩn trốn, bác mẹ rình mãi cũng khó bắt gặp. Hà Nội lý tưởng ghê. Nơi ấy, vẫn cách xa tôi dù tôi yêu nó thiết tha, yêu nó qua những câu thơ gọi tên nó của Nguyễn Bính :

Sáng nay sau một cơn mưa lớn
Hà Nội bừng lên những nắng vàng

 Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn sô

 Hôm qua có chuyến tàu xuôi
Định về Hà Nội lại thôi không về

 Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng trót để một tơ vương

 Đó là những câu thơ trong thi phẩm Lỡ Bước Sang Ngang mà tôi cho là những câu thơ hay nhất. Vì có Hà Nội. Ôi, Hà Nội tuyệt vời, Hà Nội tôi chưa biết, Hà Nội trong giấc mơ xanh. Hà Nội, một nhạc sĩ vẽ ra giùm tôi:

Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long
Đây Đông Đô
Đây Hà Nội
Hà Nội mến yêu

Hà Nội đẹp sao ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng
Hồng Hà tràn đầy Hồng Hà cuốn tràn đầy sóng ngàn lời dâng
Hà Nội vui sao những cửa dầu ô tíu tít gánh gồng
Đây ô Chợ Dừa kia ô Cầu Rền là áo xanh mơ
Hà Nội phơi phới sống vui phố hè
Bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào
Xen quanh rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây hồ
Hàng Đào ríu rít hàng Đường hàng Bạc hàng Gai...

 Nhưng Hà Nội ấy đã cháy. Lửa kiêu hùng đã đốt cháy Hà Nội. Lửa của những tấm lòng trai Hà Nội noi gương Hoàng Diệu. Hà Nội cháy khi tôi chưa kịp tới. Hà Nội thắp sáng một trời quê hương kháng chiến. Và tôi nghe Hà Nội ầm vang:

 Tiếng hô xung phong
Căm hờn sôi
Gầm nòng súng
Bụi đường réo
Cuốn khô xác thù
Từng thịt máu tung
Từng bờ tường mái hiên
Từng mô đất từng căn gác
Từng khu phố từng khe cống
Hà Nội vùng đứng lên
Sông Hồng reo
Hà Nội vùng đứng lên...

 Hà Nội cháy. Và Hà Nội bỗng gần tôi gang tấc. Người Hà Nội rời Hà Nội mang theo Hà Nội "đi tìm chân trời nơi miền quê". Tôi được hít hà hương thơm Hà Nội. Nghe nụ cười ngạo nghễ của Đinh Hùng :

Ta cười lên gọi Thăng Long
Lửa thiêu tâm sự máu hồng chiêm bao
Ngày về chuyển bước trăng sao
Đã nghe mạch đất dạt dào núi sông...

 Như cùng hẹn về chiếm lại Hà Nội trong tay thù với Chính Hữu :

Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dậm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về. Trở về chiếm lại quê hương ...

 Và tưởng mình đang ở thác lũ kéo quân về :

 Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
...

Chúng ta ươm lại hoa
Sắc hương phai ngày qua
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu...

 Hà Nội, thành ra, là một lớp khói lãng đãng trong hồn đào thơ ấu của tôi. Tôi nhớ thủ đô hơn người thủ đô. Tôi mong trở về thủ đô hơn người thủ đô. Và tôi đã đặt chân lên miền đất vua như một giáo dân nghèo khổ đặt chân lên đất Chúa. Năm ấy, tôi mười bẩy tuổi.

 ***


Rộn ràng cơ hồ đứa con nít nhà quê lần đầu tiên đi chợ phiên. Đó là tôi mười bẩy tuổi lần đầu tiên biết mặt Hà Nội. Cảnh phồn hoa làm chói mắt tôi, làm choáng váng hồn tôi. Tôi nhìn cái gì cũng mới lạ. Từ cây kem đậu xanh Cẩm Bình ở Duy Tân đến tách cà phê Giảng ở Cầu Gỗ. Hà Nội đẹp. Hà Nội sang. Hơn cái tỉnh lỵ nhỏ bé, cái tỉnh lỵ đồng chua nước mặn của tôi. Tôi đi tìm những Hà Nội trong thơ, trong nhạc đã quyến rũ tôi, đã tạo dựng giữa trái tim tôi một lâu đài thèm khát. Tôi đã hoài công. Chẳng có gì ghê gớm như tôi đã vọng tưởng. Hà Nội, chắc chắn, chỉ còn tuyệt vời ở sự trông lên ngày ngày của con cò thuở nhỏ. Một thành phố ta đã đến là một phố ta sẽ chán. Người ta thích nói tới hồ Hoàn Kiếm, tới đền Ngọc Sơn, tới cầu Thê Húc. Người ta rắc sương mờ lên hàng liễu bờ hồ. Người ta thả mộng kín bờ hồ Tây.

 Người ta tiểu thuyết hóa bụi mưa, khói thuốc. Nói chung, cái thường tình của con người là chỉ thấy "chỗ quê hương là đẹp hơn cả" khi rời xa, khi quê hương đã trở thành nơi vĩnh biệt. Kỷ niệm không tự nó bốc khói. Phải đợi nhóm lửa. Kỷ niệm về một thành phố, Hà nội chẳng hạn, phải chờ có dịp, đúng lúc nó mới tỏa những đợt khói nhớ nhung, tưởng tiếc. Và nhớ nhung và tưởng tiếc nào chả ru hồn người ? Hãy nghe một nhà văn tưởng tiếc tiếng chuông tầu điện sáng sớm mùa đông tự ngoại ô Bạch Mai bò vào thành phố. Hãy đọc một nhà văn nhớ nhung ông tầu già bán lạc rang bên hồ Gươm và cùng ông ta nhai những viên lạc ròn tan, bùi ngậy, nóng hổi giữa chiều cuối thu. Hà Nội đã tuyệt vời như thế. Chỉ tuyệt vời như thế khi ta chưa biết gì về nó. Và ta sẽ thả hồn ta lãng du cùng Trần Quang Dũng "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

 Đọc mấy giòng trên, người ta có thể nghĩ tôi không yêu mến Hà Nội. Không yêu Hà Nội làm sao tôi đã chứa trong óc biết bao câu thơ, lời nhạc có hai tiếng Hà Nội ? Bởi quá yêu Hà Nội nên tôi đã thất vọng vì Hà Nội. Quả thật, Hà Nội đã không tuyệt vời đúng với ý tôi. Giá đừng bao giờ tôi biết Hà Nội ? Tôi trách tôi như thi sĩ Nguyễn Bính trách người yêu :

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

 Hương đồng gió nội của tôi là tấm lòng yêu mê mệt một thành phố tôi đã cùng con cò đứng trước cổng chùa trông lên Hà Nội thấy vua đúc tiền. Hương đồng gió nội ấy bay đi thật nhiều. Một người Hà Nội chính cống sẽ miệt thị tôi : Nó biết gì về Hà Nội mà viết về Hà Nội. Viết về Hà nội như thế nào ? Kể lể một thời thơ ấu bơi thuyền ở hồ Tây, nô đùa ở Nghi Tàm, Quảng Bá, ăn bánh tôm ở Cổ Ngư, uống cà phê ở Tùng, Giảng, ăn phở ở Hàng Than, dạo phố ở Hàng Đào, câu cá ở Thuyền Cuông, hẹn hò ở Láng... Hà Nội không lẽ chỉ có "tóc thề thả gió lê thê", không lẽ chỉ có áo mầu tung bay. Và, không lẽ chỉ có trường Trưng Vương nối tiếng em nào cũng đẹp ? Người ta đua nhau tưởng tiếc những thứ đó, những thứ mà tôi nghĩ không phải là linh hồn Hà Nội. Theo tôi, linh hồn Hà Nội phải là những đêm "sống cho Hà Nội, chết cho Hà Nội" của những chàng trai Hà Nội kiêu hùng một thuở. Người ta đích thực có kỷ niệm về một thành phố lịch sử khi người ta trở thành sự cần thiết cho thành phố lịch sử ấy. Và đó mới là kỷ niệm đáng phơi bầy. Ngoài ra là những kỷ niệm bình thường. Như ta tưởng tiếc bất cứ một nơi chốn bình thường nào khác.

 Tôi không ở trong số những người cần thiết, những người làm đẹp Hà Nội nên không muốn tưởng tiếc cái bề nổi của Hà Nội, dù tôi đã có vài năm làm học trò lêu lổng khắp chốn Hà Nội. Với tôi Sàigòn đáng ngợi ca hơn Hà Nội. Sàigòn đang cho tôi hơi thở, đang cho tôi sự sống. Ta nên dành cho dĩ vãng đổ nát một tiếng thở dài. Là đủ. Hà Nội đã đổ nát. Đổ nát toàn diện. Thành phố ấy đã đổi đời. Một người đã nói giùm ta sự đổi đời cay đắng đó :

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy canh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm bóng cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

 Viết thêm một triệu trang thương nhớ Hà Nội bằng thừa. Tám câu của Bà Huyện Thanh Quan đã đủ ngàn năm tưởng tiếc một thành phố văn vật "rầy đã lên đồng, nơi thì nhà cửa nơi trồng ngô khoai" !

 DUYÊN ANH

(Tháng 3-1973)

Tuổi Ngọc số 99

 

 
Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Sáu 20147:00 SA
Khách
Văn phong của DUYÊN ANH thật tuyệt ..
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn