BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72825)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thơ kháng chiến và vài dấu mốc

29 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 1261)
Thơ kháng chiến và vài dấu mốc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Giai đoạn 1945-49, tinh túy của thơ kháng chiến là lòng yêu nước, đến khi cộng sản thắng Quốc Dân Đảng ở Tầu, từ 1949-54, thơ kháng chiến Việt đỏ bầm màu Máu Đấu Tố. (Bài này có hai phần, phần A: viết về bối cảnh của đề tài giai đoạn chín năm kháng chiến; Phần B: Thơ và thi sĩ kháng chiến chính thống.)

Thanh Niên Sinh Viên Tự Vệ Thành Hà Nội, là thanh niên sinh viên trí thức trẻ, đa số chỉ có gậy gộc, có người còn mặc đồ lớn, đội mũ phớt. (Hình trong “A Chronicle of The War,” Tess Press, N.Y., 2003)


I. Thơ Việt Nam 1945-54: một thời kỳ, hai giai đoạn

Viết về một giai đoạn thi ca của một nước là công việc của một ban nghiên cứu, một bộ phận chuyên ngành, một nhóm sưu tầm phân loại thơ, một viện văn học; nhưng ban nào, bộ phận nào, nhóm nào, viện nào trên tiêu chuẩn thành lập và sinh hoạt cũng nhất thiết cần qui tụ được những cây bút mà lương tri, sự nhận thức tối thiểu phải hiển lộ sự công bằng, đạt mức đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn văn-học-sử căn bản, và đặt quyền lợi đất nước lên trước hết; trên bất cứ một đảng chính trị nào. Điều này chưa từng xảy ra ở miền Bắc Việt Nam từ sau 1954, và chưa từng có ở Việt Nam từ sau tháng 4, 1975. (Do đó, xin nhắc nhở các bạn trẻ khi cầm bút nghiên cứu về văn học Việt Nam, trước tiên là cần sưu tầm tài liệu liên hệ ở ngoài nước: những gì đang có trong sách vở xuất bản tại miền Bắc từ sau 1954 phần lớn là không đáng tin. Hãy kiếm tìm tài liệu trong dân dã, những bản thảo chưa in, những sách vở cũ trong thư viện nước ngoài, và nhất là những tài liệu nơi gia đình hay thân hữu các nạn nhân. Thế hệ sau phải sửa lại, phẩm bình lại văn học sử - ở đây chỉ nói tới thơ - bằng tất cả các nguồn như vừa nói, hầu nói ra được sự thật như sự thật tại thân, sự thật khoa học, sự thật ở trên mọi cương lĩnh ý thức hệ.)

Trước hết, Thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1954, Thơ Kháng Chiến, có phải là sản phẩm của cuộc kháng chiến do sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam mà có, như họ tự nhận? Tự nhận mình lãnh đạo, nhưng những bài thơ kháng chiến hay nhất lại chỉ được phổ biến ở dưới vĩ tuyến 17, còn rất ít người ở miền Bắc được đọc, vì bị cấm. Những bài thơ ấy không có một chút ảnh hưởng nào của lãnh đạo, hay nói cách khác: lãnh đạo không công nhận những bài thơ ấy, chỉ có quần chúng chấp nhận những bài thơ ấy. Có sự mâu thuẫn ấy là vì kháng chiến có hai giai đoạn: I (45-49) và II (50-54). Giai đoạn I là lúc chưa có các cố vấn Tầu; giai đoạn II là sau khi Mao Trạch Đông đuổi được Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thach ra Đài Loan, Trung Cộng ép HCM chặt hơn, đẩy miền Bắc sâu hơn vào quỹ đạo đỏ, đấu tố xảy ra ngay cả khi Việt Minh chưa chiếm được nửa đất nước.

Những bài thơ kháng chiến hay nhất, tồn tại cho tới giờ, và mãi mãi là những bài làm trước 1950. Đa số các tác giả những bài thơ ấy không còn được cầm bút, và đã /hay còn/ nếu không ở trong các nhà tù, các trại tập trung lao động, thì vẫn bị công an văn hóa theo dõi, hạch hỏi, ngay trong thế kỷ XXI. Những người cầm quyền hiện nay không thể hãnh diện cái mà họ không có, cái mà họ đã tàn phá hủy diệt, như họ tàn phá hủy diệt thơ kháng chiến chính thống, người kháng chiến chính thống thuộc giai đoạn 45-49. Vì thế mà trong năm bảy bộ tuyển tập thơ đồ sộ đã xuất bản ở Việt Nam, không có tuyển tập nào về Thơ Kháng Chiến 45-54. Thơ ấy được tồn tại phổ biến là do độc giả miền Nam, báo chí miền Nam, trong văn học văn chương miền Nam từ 45 tới 54, và tại hải ngoại sau 75. Thơ ấy không thuộc về chế độ hiện tại, mà thuộc về Việt Nam từ lúc nó được sáng tác cho tới bây giờ, ở ngoài chế độ và thể chế hiện hữu. Những bài kháng chiến in trong sách vở Hà Nội phần lớn là những bài đã có chỉ đạo, làm từ 1950 về sau.

Hãy nhớ hàng chục năm nhục nhằn đói khổ và bị bẻ bút của những Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Huyền Trân, Văn Cao, Trần Dần, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Hoàng Tố Nguyên, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Yên Thao... Hãy nhớ hàng chục năm bị quên lãng, bị cấm phổ biến của những bài thơ nhan đề Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến, Màu Tím Hoa Sim, Đèo Cả, Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc, Tỉnh Giấc Chiêm Bao, Trường Ca Sông Lô, Đêm Liên Hoan, Tống Biệt, Tha La Xóm Đạo, Phạm Thái, Nhà Tôi...

Hãy nhớ sự việc đã xảy ra cho những bài thơ kháng chiến và tác giả những bài thơ ấy sau 1954 cũng đã và đang xảy ra cho thơ văn miền Nam sau 75. Cho nên vấn đề thẩm định thơ văn ngoài chế độ luôn luôn cần phải nhìn lại, phải trải ra, và mỗi người một chút, góp phần mình vào sự bảo tồn văn học sử chính thống của dân tộc, không phải chính thống với đảng cộng sản. Trả lại và lưu lại cho người dân, những thế hệ sau, những tinh hoa của chủng tộc, dù ở miền nào, phía nào của lãnh thổ. Văn hiến ngàn đời không một triều đại, một chế độ nào - nhất là tạo lập bằng dối trá và vũ lực - có thể nhân danh gì để sửa đổi, thêm bớt. Văn hóa văn chương nghệ thuật của một thời đại là hoa trái phong vận của thời đại đó, những thế hệ tinh hoa của xã hội cộng đồng đó, kẻ cầm quyền - nhất là kẻ cầm quyền về từ rừng núi đầm bãi - có phán-định đánh giá thu-dụng hay phá hủy tận tình đến đâu, cũng chỉ là những vó ngựa gươm giáo Mông Cổ giữa các kinh thành văn minh nhân loại: vó ngựa dày xéo và gươm giáo tàn sát sẽ lặng lẽ biến mất hay bị đồng hóa, và những kinh thành rực rỡ của nhân loại mãi mãi còn, và càng ngày càng nhiều thêm.

Trong khi tìm hiểu Chín Năm Thơ Kháng Chiến Dân Tộc, sẽ còn được nói tới bởi tác giả này, chúng tôi gửi quí văn hữu, quí bạn đọc một câu hỏi, mong ước trong tương lai chúng ta sẽ có thêm nhiều tiếng nói, nhiều góp ý, nhiều tài liệu đóng góp, và một đúc kết vô tư, và đúng với tiến trình hình thành tự nhiên của dòng thơ ấy. Câu hỏi gửi tới các văn hữu, bạn đọc, như sau: -“Xin anh chị một phát biểu về Thơ Kháng Chiến Dân Tộc giai đoạn 1945-1954: Tinh túy trong thơ của giai đoạn này với các thanh niên thi sĩ (*) là lòng yêu nước, tình quê hương, hay ý thức hệ chủ nghĩa, hay gì khác? Anh chị nghĩ thế nào, tìm thấy gì về vai trò (hay vị trí) của thơ (hay thi sĩ) trong vận động của cách mạng, của thời thế, của đời sống?” Câu trả lời gửi cho chính bạn. Khi bạn trả lời rành rọt câu hỏi ấy cho chính mình, bạn đã nắm vững vấn đề “Thơ Kháng Chiến Dân Tộc.”

(* Chú thích câu hỏi: Gọi “thanh niên thi sĩ” vì khi bắt đầu giai đoạn chín năm kháng chiến, 1945, họ đều vừa qua hai mươi tuổi, trừ Trần Huyền Trân sinh 1913, Hữu Loan sinh 1916. Những người khác: Quang Dũng sinh 1921, Nguyễn Bính sinh 1918, Thâm Tâm sinh 1917, Trần Dần sinh 1924, Hoàng Cầm sinh 1921, Vũ Anh Khanh sinh 1926, Hoàng Tố Nguyên sinh 1929.)

2. Một vài dấu mốc thời sự

Đã hơn nửa thế kỷ qua, nhiều sự việc đã bị phai mờ trong trí nhớ, mặt khác đối với thế hệ đương thời, có nhiều sự việc mà hai ba thế hệ sau chưa từng một lần đọc biết, nên chúng tôi thấy cần phải tóm tắt lại dưới đây một số ngày tháng ấy, như để cùng ôn lại chuyện cũ mà chúng ta đang nói tới:

9 tháng 3, 1945: “Từ 20 giờ, Nhật đã nổ súng dữ dội ở Hà Nội và khắp Đông Dương, đánh quân đội Pháp. [*Lúc ấy Đông Dương, trong có Việt Nam, là thuộc địa của Pháp; toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Decoux. Nhật, một trong ba nước thuộc phe phát xít, quân phiệt với Đức và Ý, đang xâm lăng thế giới.]... Decoux bị Nhật giam giữ tại dinh Norodom, Sài Gòn. Ở rất nhiều nơi, quân Pháp hàng ngay. Nội đêm nay, Nhật làm chủ tình thế.” (Đoàn Thêm, 1945-1964, Hai Mươi Năm Qua. Các trích dẫn ở dưới cũng từ cuốn sách này.)

11 tháng 3, 1945: “Viện Cơ Mật của triều đình Huế tuyên bố: Hiệp Ước Bảo Hộ 1884 bị bãi bỏ, Việt Nam khôi phục chủ quyền.”

19 tháng 8, 1945: “Quân Nhật vẫn canh gác trên nhiều ngả đường ở Hà Nội. Biểu tình lớn trước Nhà Hát Lớn, để nghe tuyên bố của Mặt Trận Cứu Quốc của Việt Minh.”

2 tháng 9, 1945: “Các đại biểu Nhật ký văn kiện đầu hàng trước Tướng Mac Arthur trên chiến hạm Missouri của Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh ra mắt dân chúng tại bãi Cột Cờ Hà Nội...”

6 tháng 9, 1945: “Phái bộ quân sự Anh [đại diện phe Đồng Minh] tới Sài Gòn giải giáp quân Nhật.”

9 tháng 9, 1945: “Quân đội Trung Hoa [đại diện phe Đồng Minh] bắt đầu tới Hà Nội để giải giáp quân Nhật.”

15 tháng 9, 1945: “Rất nhiều quân Tầu tới Hà Nội; tổng số sẽ là 180,000 người, thuộc các lộ quân Vân Nam và Quảng Tây. Một phần bộ đội của Việt Nam Quốc Dân Đảng [nghe nói trong có nhà thơ Quang Dũng] và của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cũng từ Trung Hoa về Hà Nội.

28 tháng 9, 1945: “Lễ đầu hàng của quân đội Nhật tại Đông Dương, trước Tướng Lư Hán và đại diện đồng minh, ở dinh toàn quyền cũ.”

30 tháng 9, 1945: “Theo nhiều tin đồn, Tướng Tiêu Văn và Tướng Lư Hán đã nhận nhiều quà tặng như bộ đồ hút thuốc phiện bằng vàng. [của HCM, để làm lơ cho CSVN dễ bề hoạt động.]

5 tháng 10, 1945: “Tướng Leclerc [Pháp] tới Sài Gòn với một số quân, và tuyên bố sẽ bình định Nam Bộ.” [Mồng 6: Pháp đổ bộ Vũng Tầu. Mồng 9: Pháp chiếm Tây Ninh. 25 tháng 10: Pháp chiếm Mỹ Tho. 28: chiếm Gò Công. 29: chiếm Vĩnh Long. 30: chiếm Cần Thơ.]

11 tháng 11, 1945: [Dưới nhiều áp lực, và để đánh lạc lối dư luận, HCM làm một chuyện chỉ Mạc Tư Khoa có quyền làm:] Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán.”

28 tháng 1, 1946: “Tướng Anh Douglas Gracey [đại diện Đồng Minh] chuyển giao quyền hành cho quân đội Pháp và rời khỏi Sài Gòn.”

[Trong khi đó Pháp đã chiếm thêm rất nhiều tỉnh, kể cả ở miền Trung, và Pháp đòi đưa quân ra Bắc, nhưng các tướng Tầu [đại diện Đồng Minh] nói còn đợi lệnh Tướng Mac Arthur.]

16 tháng 2, 1946: “HCM tiếp Sainteny và nhận nguyên tắc điều đình với Pháp: Việt Nam có thể đứng trong Liên Hiệp Pháp.”

2 tháng 3, 1946: [Thấy tình hình nguy kịch, HCM đành thỏa hiệp với các đảng phái quốc gia để lập một Chính phủ Liên hiệp chống Pháp.] Chủ tịch: HCM, cộng sản. Phó chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách). Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng. Ngoại vụ: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (Đại Việt). Cố vấn: Vĩnh Thụy (Bảo Đại).

6 tháng 3, 1946: “HCM ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, cho Pháp đổ bộ lên trên vỹ tuyến 16 để thay thế Tầu giải giáp quân Nhật.”
[Sau hiệp định này, các đảng phái quốc gia tổ chức biểu tình phản đối HCM, và Pháp.]

19 tháng 5, 1946: “Cao ủy D'Argenlieu tới Hà Nội gặp HCM. Có lịnh treo cờ, vì nghe nói hôm nay là ngày sinh nhật chủ tịch.” [Những ngày tiếp theo, Pháp tiếp tục chiếm đóng nhiều tỉnh thành khách của Việt Nam, trong khi ấy vệ quốc quân (đa số là quân Việt Minh của Võ Nguyên Giáp) tấn công bộ đội Việt Cách ở các nơi. Ông Nguyễn Hải Thần lại cùng một số bộ đội Việt Quốc, Việt Cách lánh sang Trung Hoa. Việt Minh đánh Việt Quốc ở Phủ Lạng Thương và Lạng Sơn. 11 tháng 7, 1946: các đảng viên các đảng phái Quốc Gia bị quân Võ Nguyên Giáp lùng bắt khắp nơi, ngay cả ở Hà Nội.]

1 tháng 11, 1946: “Theo báo Cứu Quốc, hơn 300 người bị bắt ngày 29.10 và đa số sẽ bị án trí.”

20 tháng 11, 1946: Nổ súng tại Hải Phòng giữa Pháp và Việt Minh.

3 tháng 12, 1946: Lính Nhảy Dù Pháp phá phách Phòng Thông Tin Hà Nội.

19 tháng 12, 1946: Nổ súng tại Hà Nội giữa Thanh Niên Tự Vệ Thành và quân Pháp. [Bộ đội Việt Minh đã ngầm rút hết từ hôm trước, theo lệnh Võ Nguyên Giáp.]

Đêm 19 tháng 12, 1946, Hà Nội nổ súng

Thanh Niên Sinh Viên Tự Vệ Thành Hà Nội, đa số chỉ có gậy gộc, nhưng chiến đấu hăng hái vì nhiệt tình yêu nước. Họ chết nhiều vì xông vào khu nhà của người Pháp ở, và người Pháp đã biết trước, từ trong bắn ra trong khi xe tăng thiết giáp của họ chạy ruồng trên đường phố bắn rà. Sau khi Tự Vệ Thành rút lui, cuối tháng 2, 1947, Pháp trả thù người Việt, bắt giết la liệt khắp nơi trong thành phố. Theo Hoàng Văn Đào, trong sách Việt Nam Quốc Dân Đảng, nội trong một căn hầm cạnh Tòa án Hà Nội có vài ngàn cái xác. Đa số Tự Vệ Thành là thanh niên sinh viên trí thức trẻ, còn bộ đội cộng sản ở vòng ngoài và ngay trưa hôm sau đã lên xe rút hết vào rừng sâu. Hoàng Cơ Thụy trong Việt Sử Khảo Luận trích cuốn sách của anh bộ đội tên Ngô Văn Chiêu cho biết “quân đội chính qui được lệnh rút khỏi Hà Nội từ ngày 25 tháng 11, để chỗ cho Tự Vệ thay thế.” (VSKH, trang 2136). Cũng VSKL trích theo sách Cao Thế Dung “Quân số Tự Vệ khoảng 8000 người đại đa số là thanh niên sinh viên và học sinh với lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chết cho nền độc lập của Tổ quốc.” Thiệt hại nhân mạng trong trận Hà Nội, theo VSKH: “Về phía Pháp, từ 18 tháng 12, 1946 tới 8 tháng 3, 1947 có 1300 người bị chết hay mất tích, 2500 người bị thương (Yves Gras, tr.173). Về bên Việt: Tự Vệ và thường dân chết vô kể, quân đội chính qui [của Võ Nguyên Giáp] đã không tham chiến để được bảo toàn lực lượng.” (tr 2146). Giáo Sư Dương Quảng Hàm từ trần trong khoảng thời gian này. Hôm sau mới có lệnh Toàn Quốc Kháng Chiến của Việt Minh ban hành từ Nam Bộ.]

20 tháng 12, 1946: “Lịnh kháng chiến từ Hà Nội, ban hành ở Nam-bộ.” (Đoàn Thêm, 1945-1964, Hai Mươi Năm Qua)

3. Tình hình văn nghệ trong vùng kháng chiến

Tinh thần kháng chiến yêu nước bột phát những năm '45, '46 không kéo dài được bao lâu vì dần dần người ta biết được Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một đảng viên cộng sản. Một vài cuộc đấu tố “khuôn mẫu” cũng đã được dựng nên trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, ví dụ như cuộc đấu tố gia đình cô Nhu ở Thanh Hóa: cha mẹ cô từng nuôi bộ đội đánh Tây, nhưng bị qui kết là địa chủ, hai ông bà bị chôn sống, chỉ để lộ cái đầu trên mặt đất, rồi các cán bộ hò hét đám bần cố nông chửi rủa, và cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu của hai con người yêu nước và yêu bộ đội ấy, cho đến khi họ bị răng bừa cào nát. Cán bộ cộng sản ra lệnh dân làng không được cho cô con gái địa chủ ăn uống, khiến cô phải đi mót đồ ăn thừa trong các đống rác ngoài chợ. Phẫn nộ vì việc ấy, nguyên chính ủy Sư Đoàn 304 Hữu Loan đã cởi bỏ binh phục bộ đội, đi tìm gặp cô Nhu, và lấy cô làm vợ, để cưu mang. Đó là bà Hữu Loan ngày nay, đã 75 tuổi. (Khi bài này được viết ra).

Việc làm của nhà thơ là hành động phản kháng cực kỳ quyết liệt, cực kỳ thách đố. Việc làm này - và những hành vi hay thái độ tương tự, ở những tầm mức nhỏ hơn - đã phân chia “giới văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến làm hai phái.” [Xin xem bản chụp từ cuốn Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc.]

Cuộc kháng chiến đã bị phản bội từ trong trứng nước. Dân tộc, tổ quốc ngay từ đầu và cho đến bây giờ, chỉ là cái bình phong của đảng cộng sản, và của cán bộ cao cấp cộng sản, cũng như của các cơ chế, kể cả chính phủ, mặt trận, quốc hội, cộng sản. Nhân bản (ở đây là tình cảm về còn người trong thơ,) phải bị cán bộ CS, như cán bộ Tố Hữu, lên án. Không phải các trí thức văn nghệ sĩ kháng chiến không biết như thế sớm, nhưng hầu như họ đành phải chọn một thái độ: cắn răng chịu đựng cho tới khi đánh thắng thực dân Pháp. (Họ cũng cắn răng chờ đánh thắng Mỹ sau này.) Họ đã bị nhiều thứ vũ khí độc hại khác nhắm vào, chết một cách khác: chết âm ỉ hay chết dần mòn, bởi những người thuộc nửa bên kia, những Tố Hữu, Xuân Diệu, tác giả những câu văn vần dưới đây:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ/Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,/Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin bất diệt. (Tố Hữu)

Tiếng đầu lòng con gọi Sít ta lin. (Tố Hữu)

Khen ngợi Liên Xô, Tố Hữu viết:

Thuở anh chưa ra đời
Trái đất còn nức nở
Nhân loại chửa thành người
Đêm ngàn năm man rợ.
(Tố Hữu, Bài Ca Tháng Mười, 1950)

Anh ở đây là Liên Xô. Liên Xô ra đời năm 1917. Nhưng giấy mực đâu để viết về những “tài thơ” và về tâm địa một con người cỡ ấy?

Anh em ơi! Quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động, đến giờ tan xương
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quì gục xuống, đọa đày chết thôi

(Xuân Diệu)

Bởi vậy, viết về Thơ Kháng Chiến Dân Tộc Chín Năm 1945-1954, chủ yếu là viết về bốn năm đầu, 45-49; không thể viết về những người như Tố Hữu, Xuân Diệu, và những người đã chọn ý thức hệ yêu-nước-là-yêu-xã-hội-chủ-nghĩa, tiêu đề hiện nay, 2007, vẫn in trên bìa báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn ở Hà Nội.

Viên Linh

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn