BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đoàn Quân Mũ Đỏ (3)

01 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1562)
Đoàn Quân Mũ Đỏ (3)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Khung trời nơi đây toàn một màu xanh mát dịu. Màu xanh thẫm từ những rặng núi Chư Ba phía đông nam, như được gắn chặt xuống chân trời. Mầu xanh lạt của những đồi cây non bên quốc lộ 21. Xen lẫn những rừng gồi mé trước, từng hàng thông vươn lên. Màu xám bạc của thân cây làm rõ hơn màu xanh um của lá. Khói xanh lơ từng cuộn bốc lên mái nhà sàn trong buôn M’Găm. Màu xanh tươi của những đồi chè, cà phê, của cỏ non và lúa “con gái” dưới thung lũng. Màu xanh rong của những dòng suối rêu, của những thứ giây leo vươn ra từ hốc đá. Màu xanh biếc của nền trời trong vắt. Tất cả là những màu xanh. Nếu không có trụ cây số ven đường, ghi: Ban Mê Thuột 87 km, thì du khách có thể nghĩ mình sắp tới Lâm Viên.

Đoàn Quân Mũ đỏ đang tham dự cuộc hành quân Thần Phong 3, sinh hoạt trong những màu xanh ấy, giữa khí hậu tuyệt vời, pha gió biển từ Nha Trang-Ninh Hòa, pha gió núi cao nguyên. Anh em chiến sĩ hân hoan vì đã khai thông được quốc lộ 21, con đường huyết mạch nối Khánh Hòa với Ban Mê Thuột. Cuộc hành quân này được tiến hành, vì từ tháng 3.1965, áp lực địch gia tăng dọc theo quốc lộ. Quyết tâm của địch, theo tin tình báo, là cô lập miền cao với các tỉnh duyên hải Trung Việt. Triệt đường tiếp tế thủy, bộ Saigon-Nha Trang, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc phân phối thực phẩm, hàng hóa cần thiết đến đồng bào Darlac, Quảng đức và một phần Pleiku, Phú Bổn. để thực hiện các chủ trương trên, đối phương gia tăng đào đường, giựt sập cầu, phá hoại quốc lộ 21. Chúng phục kích, bắn quấy rối quân xa, chặn đường, kiểm soát xe đò, tịch thu hàng hóa. địch xua quân từ mạn Bắc xuống, gởi đơn vị trinh sát của trung đoàn 95 điều nghiên nhiều khu vực hai bên quốc lộ 21. Ta dự đoán, chúng có thể đánh giao thông vận động chiến cấp trung đoàn.

Trước khi cuộc hành quân Thần Phong 3 khai diễn, con đường huyết mạch nói trên hầu như bị tắc nghẽn. Bốn cây cầu xi măng cốt sắt , từ đèo Phụng Hoàng đến Dục Mỹ bị giựt sập. Vài đoạn đường bị đào lên. Nhiều hoạt động phá rối của các toán du kích lẻ tẻ. Tất cả tạo nên tình trạng bất an trên quốc lộ này.

Giá sinh hoạt địa phương tăng vùn vụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân chúng hai bên quốc lộ và nhất là trên thị trấn Ban Mê Thuột. Hầu hết các trường học bị đóng cửa, trong đó có trường tiểu học quận lỵ Khánh Dương. Học sinh không đủ cơm ăn, làm sao đi học? Thời gian đầu, quận Khánh Dương còn cho các em ăn bữa trưa, sau đó vì thực phẩm ngày càng khan hiếm, bữa trưa không được tiếp tục, các em nghỉ học luôn.

Để bẻ gãy kế hoạch tấn công kinh tế của Cộng Sản, đồng thời quân bình sinh hoạt cho đồng bào Cao Nguyên và dọc theo quốc lộ 21, cuộc hành quân Thần Phong 3 được khai diễn vào ngày 24 tháng 8 năm 1965.

Đoàn Quân Mũ đỏ được giao trọng trách chiếm giữ các điểm cao, giữ an ninh và chế ngự địch trên quãng đường quan trọng nhất, từ cây số 60 cách Ban Mê Thuột về tới Ninh Hòa. Lực lượng Mũ đỏ gồm bộ tư lệnh, ngoài 6 tiểu đoàn Dù - trong đó có tiểu đoàn 1 mà Thái đang phục vụ, 5 đơn vị vị yểm trợ cơ hữu của Dù, kể cả Trung đội pháo gồm 4 khẩu 106 ly, còn được tăng cường:

-6 khẩu 105 ly của Thủy Quân Lục Chiến.

-4 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly của Pháo Binh.

Sau khi tung lực lượng vào trận địa, từ 24/8/1965,Bộ Tư Lệnh Dù di chuyển từ Dục Mỹ đến Khánh Dương để tiếp tục chỉ huy cuộc tiến quân, và kiểm soát việc sửa đường sá, cầu cống bị Cộng Sản phá hoại.

Chỉ sau 3 ngày hành quân, các đơn vị Dù đã hoàn toàn chế ngự địch, giải tỏa xong quốc lộ 21.

Sáng sớm ngày 28/8/1965, đứng trên một ngọn đồi, Trung úy Nguyễn Hoàng Thái - mới được đặc cách thăng cấp tại mặt trận -có thể nhìn đoàn xe từ phía Khánh Dương dần tới và quan sát sinh hoạt của các chiến hữu trong đại đội mà anh chỉ huy, thay thế vị đại đội trưởng tiền nhiệm du học ngoại quốc. Thái tự nhủ là mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của thượng cấp và lòng mến thương của chiến hữu thuộc quyền.Thái đưa mắt đảo một vòng, qua những căn lều của các anh em.

Đầu tiên là lều của Thượng sĩ Đại đội, anh chàng Trung sĩ nhất Đoàn Hữu Bách cũng mới được thăng cấp, vẫn cố chứng tỏ đủ sức khỏe để tham dự hành quân. Thái chỉ đồng ý cho Bách đi, khi việc di chuyển không mấy khó khăn. Bách là một Hạ sĩ quan ưu tú, tận tâm phục vụ.

Cạnh Thái là Trung đội Chỉ huy và súng nặng do Thượng sĩ nhất Trần Minh Ký. Ký đã nhảy hơn 80 lần, sau 15 năm quân vụ. Trung đội này vẫn đủ các khuôn mặt: Sáu “A lô” truyền tin với ANPRC 10, Hải “xung phong”, Mão “kều”.

Chiếc lều bên hốc đá là của Trung đội trưởng Trung đội 1: Thiếu úy Trịnh Quốc Lạc. Trung đội mà Thái đã từng chỉ huy này còn những khuôn mặt quen thuộc, đều mới được thăng cấp: Trung sĩ Bản, Hạ sĩ nhất Mười, Hạ sĩ Quế.

Phía bên kia là nơi đóng quân của Trung đội 2, do Thiếu úy Nguyễn Văn Lễ làm Trung đội trưởng.

Mé trái đồi là Trung đội 3 của Chuẩn úy Đinh Duy Minh.

Trải qua mười mấy chuyến đi khắp các mặt trận trên 4 vùng Chiến thuật, Thái đầy niềm tin vào tinh thần kỷ luật, chiến đấu, ý chí quyết thắng của tất cả chiến hữu mang vinh dự của đoàn Quân Mũ đỏ. Vinh dự khiến các anh em quên đi những thiếu thốn vật chất, những vất vả, gian lao. Với số lương khiêm nhường hàng tháng, họ lại xuất trại liên miên nên việc ăn uống một chốn đôi quê rất tốn kém. Cho dù thượng cấp đã gia tăng các hoạt động của ngành QuânTiếp Vụ, với nỗ lực nâng cao mức sống của chiến sĩ và gia đình, anh em vẫn còn phải chịu đựng nhiều thiếu thốn. Thế mà họ vẫn tươi cười, vẫn sẵn sàng hy sinh cho nhiệm vụ. Thái chưa bỏ qua một dịp may nào có thể giúp đỡ các gia đình binh sĩ nghèo không đủ tiền chi dùng hàng tháng.

Thái đang mải mê suy nghĩ thì có tiếng gọi từ phía sau:

- Thưa Trung úy!

Thái quay lại. Thượng sĩ Bách vừa đặt 2 vỏ đạn đại bác 105 ly xuống cạnh chân, vừa vui vẻ nói:

- Trung úy, trên Tiểu đoàn mới cho hay để trình lại với Trung úy: khoảng trưa mai, Ủy Ban Bảo Vệ Chiến Trường tỉnh Khánh Hòa sẽ hướng dẫn một phái đoàn đến đây thăm lính “dù” hành quân. đại đội mình lo tổ chức cấp thời đón tiếp. Trung úy coi, mình cần sửa soạn ra sao cho kịp?

Thái lắc đầu:

- Sửa soạn gì đâu? Mình đang hành quân chớ đâu phải ở hậu cứ. Vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi sẽ đón và mời phái đoàn tới bộ chỉ huy Tiểu đoàn, sau đó sẽ hướng dẫn họ thăm các đơn vị.

Bách hỏi tiếp:

-Như vậy, đâu cần thuyết trình gì...

-Nhất định là không. À, ông xin mấy vỏ đạn này làm gì?

-Dạ, tôi đang định nhờ Hạ sĩ Hải đánh bóng để cắm bông đặt bàn thờ nơi các vị Tuyên Úy sẽ làm lễ. Trung úy đã chỉ thị cho tôi là đại đội mình chọn địa điểm chung cho Tiểu đoàn.

Thái cười:

- Ông phải kiếm thêm 2 vỏ đạn nữa, vì có 2 bàn thờ ở 2 địa điểm mà!

- Dạ, lát nữa tôi lên Tiểu đoàn, Pháo đội kế đó thiếu gì vỏ đạn.

Bách dè dặt nhìn đại đội trưởng:

-Trung úy biết chừng nào mình về Sài Gòn chưa? Thái ngạc nhiên:

-Sao lần này ông lại hỏi vậy?

-Tôi nóng lòng về dự đám... hỏi của Trung úy! Thái cười:

-Vội gì, thế nào cũng có ông, vì ông là tay phù rể mà tôi đã lựa chọn, nếu ông không từ chối. Bách vui vẻ:

-Tôi rất vinh dự.

-Nhưng cũng còn phải chờ giấy phép.

-Đám cưới mới cần giấy phép, Trung úy!

rồi hạ giọng:

-Thế là Trung úy sắp ra ...ở riêng. đâu còn luôn gần anh em nữa! Thái lại cười:

-Đúng là thiên hạ ích kỷ ghê gớm. Thế còn mấy ông cứ để tôi chèo queo một mình rồi dọt về với bà xã, như vậy mấy ông cũng đâu có luôn sống với tôi?

Bách chống chế:

-Nhưng chúng tôi cần có Trung úy bên cạnh. Thái vỗ vai Bách:

-An tâm! Dù lập gia đình, tôi cũng sẽ dành thì giờ sinh hoạt với anh em. Nói vậy chớ chuyện ở riêng còn lâu lắm. Ông hiểu rõ hơn tôi, thời buổi này nuôi thân chưa xong, tiền đâu mà cưới vợ?

Bách đồng ý ngay:

- Phải tốn kém thôi, Trung úy. Lo đám cưới, lo chỗ ở, nếu không muốn được cấp nhà trong trại, hoặc xin vô cư xá Sĩ quan Chí Hòa.

Thái giơ tay:

-Việc đó mình tính sau. Năm giờ chiều nay, ông mời các Trung đội trưởng tới gặp tôi để nói chuyện qua về cuộc viếng thăm trưa mai.

-Tôi phải có mặt không, Trung úy?

-Dĩ nhiên.

Bách chào Thái rồi xách hai vỏ đạn 105 ly chạy xuống ven đồi.

Qua một lùm gồi rậm, Bách nghe rõ tiếng Hải “xung phong” đang “đấu” với Hạ sĩ nhất Mười. Bách phải đến lều của Mười vì Hải đang ở đây. Có thể hắn đã đoán chừng “ngài” Thượng sĩ đại đội sắp đến nhờ chùi bóng đôi vỏ đạn làm lộc bình cắm hoa, nên “lẩn” trước!

Giọng nói của Hải oang oang:

- Cậu chưa tin, nhưng tớ tin vô cùng.

Bách mỉm cười ngồi vô lùm cây để nghe ... lén.

Có tiếng anh chàng Mười lắp bắp:

-Tin... là tin thế nào?

-Thì tin có một Ngọc Hoàng Thượng đế, Ông Trời hay một vị Thần, Thánh, Phật, Tiên... hoặc như bên Công Giáo, một đức Chúa Trời. Nói tóm lại là một vị cai quản mọi việc trên trời dưới đất, sắp xếp mọi sự cho có thứ tự đàng hoàng, không cho loạn xà ngầu, lộn xộn...

Giọng Mười... ngang phè:

-Lộn xộn thế nào:

-Thì ... lộn xộn, chớ còn thế nào nữa. Tại vợ cậu đẻ nhiều quá nên ... người cậu “mụ” đi đó!

-Đẻ nhiều, nhiều đứa kêu là ... tía. Còn hơn cậu bị vợ bỏ, mồ côi, thiệt là ... tội nghiệp!

-À! Thế mà lại... tốt. Thằng này lãnh đồng nào xài đồng nấy. Còn hơn bao kẻ lãnh bao nhiêu, bà Xã thu đủ, chỉ ban cho mỗi tháng vài “bò” đủ mua ... kem đánh răng!

Bách phì cười, nhổm lên chạy vô lều.

Mão “ kều” hô lớn:

- Nghiêm!

Bách kẹp vỏ đạn vô bên nách, giơ tay chào lại rồi lớn tiếng:

-Nghỉ! Các cậu đấu cho vui, nhưng cấm không gây ra xích mích, mất lòng nhau. Mười đỡ lời:

-Thưa Thượng sĩ, chúng tôi đang nói dóc.

Mười chỉ chiếc thùng gỗ - cũng là thùng đạn đại bác:

-Mời Thượng sĩ ngồi tạm.

Bách đặt hai vỏ đạn xuống:

- Có việc nhờ ... Vua đánh Bóng đây! Còn một cặp nữa, tôi sẽ đem tới. Mình phải chuẩn bị hai bàn thờ dành cho Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo và đại đức Tuyên Úy Phật Giáo. Một bên, ông Cha làm lễ ngày Chúa Nhựt. Một bên ông Thầy cầu siêu cho hương linh Tử Sĩ...

Hải cười vui:

-Tôi đã đoán trước, thế nào cũng lãnh “áp phe” này mà, Thượng sĩ cứ để đó cho tôi. rồi nhìn qua Mười:

-Lại có anh Mười tiếp tay, cũng lẹ thôi!

Mười lườm Hải, nói với Bách:

- Sáng mai sẽ mang lên Thượng sĩ.

-Liệu kịp không? Hải trả lời:

-Không kịp, cũng phải kịp. đến tối mà chưa xong, thì đêm nay tiếp tục. Nếu... Thượng sĩ miễn cho mỗi người 2 giờ gác đêm thì ... hay quá!

Bách đứng lên:

- Lại thêm... điều kiện nữa, nhưng thôi, cũng được. Nhớ sáng mai lên tôi sớm. Hai cậu qua ấp M’Găm mượn hai chiếc bàn khiêng ra các địa điểm hành lễ, lau chùi cho sạch. trải toile de tente lên, kiếm hoa cắm vô hai “lộc bình” luôn...

Anh chàng Mười nhún vai:

-Ngó bộ vụ miễn gác đêm cũng không “ngon ăn” đâu, Thượng sĩ! Bách bước ra. Mười đứng nghiêm, toan cất tiếng hô thì Bách đã giơ tay:

-Khỏi chào. Thuốc đánh đồng và bông gòn để sẵn trong vỏ đạn. Anh em liệu xài cho đủ! Hải nhìn theo Bách, nói với Mười:

-Mình biết ngay là có... chuyện, khi ổng đi xin ba cái vỏ đạn này về, lại kiếm đâu ra lọ thuốc đánh đồng nữa. đúng là tránh trời không khỏi nắng!

Mười cười:

-Ai biểu cậu thường tự hào là tay đánh bóng kèn đồng số... dzách? Làm tớ cũng bị vạ lây! Hải lắc đầu:

-Tự hào gì đâu! Bữa ở hậu cứ, tớ thấy anh chàng cai kèn cầm chiếc bu dích loang lổ không giống...

ai, bèn ra tay nghĩa hiệp. Thượng sĩ nhà ta trông thấy, thế là có cái gì bằng đồng cần đánh bóng cho đẹp, ổng cũng bắt tớ ... mần!

Mười ngắt lời:

- Rồi bữa nay, ổng kéo luôn tớ vô, cho có cặp. Thôi thì cứ coi như là ... được đi. Cũng là cái giá phải trả cho hai giờ gác đêm!

Hải vui vẻ:

-Chẳng cho, cũng chẳng được. À, hồi nãy, tụi mình đang bàn tới đâu rồi vậy?

-Chuyện Ông Trời, Thần Thánh...

Hải reo lên:

- Đúng rồi, để tớ kể tiếp chuyện đó cho cậu nghe. Nào, mình lấy... đồ nghề ra, mỗi người một vỏ đạn nha!

Chợt Hải nhăn mặt:

-Cha Thượng sĩ này... keo qiá, có chút xíu bông gòn thế này, làm sao đủ... uýnh? Mười nói:

-Để tớ lấy vài miếng dạ cũ vẫn dùng đánh giầy, cũng tốt chán!

Hải đổ chút dầu ra miếng bông gòn rồi làm ra vẻ trịnh trọng:

-Tớ tin có Trời. đúng là “Không Trời, ai ở với ai”? Hồi mấy năm trước, lần tớ tham dự một “sô” đêm trên bãi Củ Chi...

-Rồi sao?

-Cứ từ từ. Trong khi chờ đợi các toán sau nhảy xuống, tớ được nghe câu chuyện rất đáng ghi nhớ này, do mấy “cha” đại đội khác nói với nhau:

“Một trự đang nằm xả hơi dưới gốc cây bã đậu. Chợt một trái bã đậu nẻ khô rớt trúng trán y. Cho là chuyện bình thường, y cũng chẳng cần để tâm. Thốt nhiên, một ý nghĩ thoáng qua, y toát mồ hôi, lẩm bẩm:

“ - Nếu không phải là trái bã đậu vừa rớt trên trán mình, mà là trái... mít tổ chảng, thì mình... tiêu rồi!...”

Anh chàng Mười cười sặc sụa, ngắt lời Hải:

-Chuyện... tào lao! Tại sao lại ví dụ ...nếu đó là trái mít, cho mệt óc? Hải cáu:

-Lảng nhách! đang nói ngon trớn là cậu phá làm tớ cụt hứng. Không thèm kể nữa! Mười năn nỉ:

-Tớ xin lỗi.

Hải tiếp tục:

“Lúc đó, có một tên khác góp chuyện: “Cũng như đứa nào nhảy sô đêm mà làm rớt nón sắt, chẳng may rơi trúng đầu mình trong lúc đang đấu láo thế này, thì cũng ... nát!” Tớ đang lưu ý... vấn đề coi tụi nó còn “đấu thêm gì không, thì nghe tiếng Đội xếp Toản: “Kể ra ông Trời cũng thiệt chu đáo. nên mới sanh ra trái bí rợ với những sợi giây mong manh nằm dưới đất. Nếu cây bí rợ cao như cổ thụ, trái nó rớt xuống trúng đầu thì ... mệt lắm.” Lại có một kẻ góp chuyện: “Thế sao Trời lại sanh ra cây mít, có cây cao mấy thước? Trái mít tổ chảng, gai góc cùng mình, nó rớt trúng đầu thì...” Đội xếp Toản cười hì: “Vậy mới nói, Ổng chu đáo mà. Các cậu phải biết, khi trái mít xanh thì không đời nào rớt được. Còn khi chín, cuống nó vẩn dính chặt thân cây, như cái đinh bù loong đóng vô cứng ngắc, chỉ các múi mít nứt ra, rơi lẻ tẻ xuống. Múi mít trúng đầu ăn nhằm gì!” Cả bọn vỗ tay ào ào!

- Còn nữa, mấy cậu biết không, trái sầu riêng không bao giờ rụng vào ban ngày. Bằng không ba cái gai nhọn hoắt của nó cắm vô đầu người ta, chịu sao thấu! Chưa nghe ai giải thích hiện tượng trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm!

Mười vỗ tay, nghe Hải gật gù nói tiếp:

-Từ đó, tớ tin tưởng ở Trời. Tớ kêu ổng là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

-Thế còn từ trước, cậu không tin tưởng hay sao?

-Có tin, nhưng không vững. Tớ theo đạo Ông Bà. Tớ cho rằng Đạo nào cũng tốt, cũng dạy người ta ăn ngay ở lành. Có điều, từ khi tin tưởng vào một đấng Tối Cao, tớ mới nhận ra rằng, nếu không có một bàn tay vô hình duy trì mọi thứ tự trên vũ trụ, thử hỏi, một ngày kia bọn mình nhảy ra khỏi cửa máy bay mà không được trọng lực trung tâm trái đất hút xuống, cứ bay đi vòng vòng thì có chết... đói không?

Mười tán thành:

- Đúng như dzậy! Hoặc giả, sau khi mình nhảy ra, người mình lại không rớt xuống, cũng đập vô thân máy bay... tan xác!

-Tớ có thêm cậu là... đồng chí rồi đó, khỏi sợ bà con chê ... chỉ có mình tớ lẩn thẩn! Vừa lúc đó, Bách bước vô:

-Thêm hai vỏ đạn nữa. Các cậu yên trí... chùi cho bóng!

Hải đứng lên:

Dạ, xong ngay, Thượng sĩ! Còn vụ miễn gác đêm, Thượng sĩ đừng quên nha! Bách xoay mình trở ra:

- OK! Mười cười:

-Cậu... ra điều kiện như vậy, không sợ ổng giận sao?

-Từ ngày lên làm... Thượng sĩ Đại đội, ổng... dễ thương hơn, ít khi giận ai! rồi Hải đổi giọng:

-Chút xíu nữa tớ quên mất. cậu pha giùm ly cà phê cho Đại đội trưởng đi. Mình nghỉ tay một lát, cơm xong ta lại tiếp tục.

-Đồng ý.

Hải ra khỏi lều, leo lên đồi. Phía “nhà” Thái có ánh đèn 6 volts của điện trì B.A. 275.

Hải nói một mình:

-Giờ này cơm nước xong, chắc ổng đang viết thư cho... người đẹp! Thoáng thấy Hải ló đầu vô, Thái hỏi ngay:

-Mấy cậu ăn cơm chưa?

-Dạ chưa, Trung úy. Tôi vừa biểu Hạ sĩ Mười pha cà phê đưa lên Trung úy. Thái xua tay:

-Thôi khỏi, các cậu dùng đi.

-Trung úy cần gi nữa không?

-Không. Cậu đi ăn kẻo đói bụng.

Hải chào Thái rồi qua lều bên cạnh. Thái nghe tiếng Sáu “ A lô”:

- Cậu đi đâu mà mất mặt thế. Phần cơm để trong “gà mèn” đó. Ánh sáng ngọn đèn nhỏ vừa đủ chiếu sáng tấm ảnh bán thân của Mai đặt trên chiếc kệ làm bằng két đạn pháo. Cặp mắt Mai dịu dàng nhìn Thái. Chàng lật phía sau ảnh, đọc lại không biết bao nhiêu lần, những dòng chữ của Mai:

-”Em gởi anh hình ảnh của em. Để anh cho em theo anh trên những bước đường anh đi. Để lúc nào em cũng được ở bên cạnh anh.

Mai của anh.”

Tấm ảnh này do Mai tặng Thái khi chàng còn đang nằm điều trị trong khu Ngoại Thương 4, Tổng Y Viện Cộng Hòa, do vết thương bởi đạn súng cối 82 ly ngoài vùng 1 Chiến thuật.

Khi được di tản về đó, cụ Năm và Mai cùng vợ chồng Định đã chờ Thái tại Phòng Nhận bệnh. Thấy Thái vẫn tươi cười, Mai mừng đến chảy nước mắt. Vì đang trong dịp nghỉ hè nên hầu như ngày nào Mai cũng xuống thăm Thái.

Con đường Sài Gòn-Biên Hòa tuy không xa lắm, nhưng Thái thấy nếu ngày nào Mai cũng xuống thăm mình thì cũng mệt, lại thiếu sự săn sóc cụ Năm. Thái đã dặn Mai, không nên đi thăm hàng ngày như vậy. Lần nào Mai cũng mỉm cười vâng dạ, nhưng rồi cứ khoảng 4 giờ chiều, lại thấy Mai có mặt tại Ngoại Thương 4.

Mai nói nhỏ bên tai Thái:

- Đã tưởng vâng lời anh, bữa nay không tới. Nhưng... nhớ quá, đừng rầy em nha!

Thái không biết phải nói thế nào nên chỉ im lặng nhìn Mai. Có lần Thái cầm tay Mai, muốn nói tất cả nỗi lòng của mình, nhưng Mai đã giơ một ngón tay:

-Đừng, anh! Anh đừng nói ra những điều anh muốn nói. Bởi em đã nghe bằng trái tim rồi! Lúc trao tấm ảnh bán thân này cho Thái, Mai nhìn vào mắt chàng:

-Chừng nào em muốn trông thấy anh, chỉ cần em nhắm mắt lại là hình ảnh anh hiện ra rõ nét và mỉm cười với em. Nên em chẳng cần giữ ảnh của anh. Em chắc khi anh muốn thấy em, cũng chỉ cần nhắm mắt lại, như thế. Nhưng bữa nay em đưa tấm ảnh nảy cho anh là để...

Thái đỡ lấy tấm ảnh trong lúc Mai ngưng nói. Chàng coi những hàng chữ phía sau.

Mai nói tiếp:

- Đó, anh đã đọc rồi!

Cả hai cùng cười.

Tuyệt nhiên, trong suốt 2 tuần gần nhau tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, và cả 3 ngày Thái lên Biên Hòa thăm cụ Năm và Mai, thăm vợ chồng Định, chưa ai thốt ra một tiếng “Yêu”. Cả khi có những phút giây âu yếm, Thái định nói thì Mai lại ghé vào tai chàng:

- Đừng nói, anh! Em đã cảm nhận, đã nghe rồi!

Thái thì thầm qua hơi thở:

-Sao em chưa nói với anh? Mai mở to mắt:

-Em đã nói, ngay từ bữa chia tay với anh tại bến xe đò Sài Gòn-Biên Hòa! Nói bằng trái tim em. Em chắc rằng anh cũng đã cảm nhận. Nhưng rồi cũng có ngày, chúng ta sẽ thốt ra những lời đó. Ngày ấy đang tới, phải không anh?

Nói đến đây, Mai ngưng lại. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt nàng. Mai cúi đầu, nhìn xuống.

- Sau khi xuất viện, chắc anh còn được nghỉ ít ngày. Nhưng anh muốn lên đường ngay khi sức khỏe cho phép. Em đừng buồn!

Mai ngẩng đầu lên:

- Không bao giờ em buồn về việc anh lại tiếp tục lên đường. Bởi đó là nhiệm vụ của anh mà em cũng dự phần khuyến khích anh thêm. Nhưng dù sao thì nhi nữ thường tình, em vẫn lo ngại...

Thái cười:

-Em cứ an lòng. Điều lo ngại chính của anh là sự lo ngại của em.

-Không phải em lo ngại về những bất trắc trên chiến trường. Bởi em tin vào số mệnh. Anh ra đi rồi sẽ trở về với em. Em tin tưởng sắt đá như vậy. Không biết do đâu mà em có được niềm tin ấy.

Ngưng một lát, Mai nói tiếp:

- Em chỉ sợ những ngày xa nhau, em thiếu một phần sống vì vắng anh. Không phải vì nhiệm vụ của anh. Mà là khi gần nhau, anh trả cho em phần sống ấy. Anh xa em thì em thiếu một sinh hoạt tâm linh nào đó, vậy thôi. Nhiều lúc em cho rằng có xa nhau mới hiểu rõ và mới đo được bản lĩnh của mình. Thế mà xa nhau thì phải nhớ đến ... quay quắt!

Thái gật đầu:

- Anh biết. Anh cũng có những cảm nghĩ gần giống em. Có thể vì anh là quân nhân nên sự nhớ nhung chỉ ở một mức độ nào. Vì anh còn bổn phận và trách nhiệm. Điều chắc chắn là anh chỉ có một nỗi nhớ nhung ấy.

Giọng nói của Mai trở nên nhẹ nhàng, tha thiết:

- Em... xin chia sẻ những cảm nghĩ của anh. Và em cũng chỉ có một nỗi nhớ nhung ấy

Thái mường tượng nghe tiếng Mai văng vẳng đâu đây, trong tiếng thông reo vi vu của đồi núi cao nguyên. Chàng đặt ảnh Mai xuống rồi cầm bút viết thêm vào trang nhật ký ngày...:

-Nhớ Mai nhiều, thiệt nhiều. Mão “kều” lấy ống nhòm nhìn về phía quốc lộ rồi quay lại Sáu “A lô”:

-Một Jeep, hai xe du lịch, hai đốt cát, hai GMC. Hình như có cả mấy cái đùi bò trên chiếc xe sau cùng!

Sáu “A lô” tươi cười:

- Cậu đúng là... thần hốc! Người ta cần coi phái đoàn có khoảng bao nhiêu người, cậu lại để ý đến tặng phẩm!

Mão gật gù:

- Đừng nóng, đâu có đó. Phái đoàn đang lên đồi. Một, hai, ba, bốn sĩ quan đi đầu. Có ông đeo một hoa mai bạc. Chừng vài ba chục bà và cô, mấy hướng đạo sinh...

Đột nhiên Mão la tiếp:

-Chết... mẹ rồi! Sáu “A lô” gắt:

-Cái gì mà cậu la lối vậy? Mão hạ giọng:

-Có một nàng mặc áo dài màu tím nhạt, trông giống bà xã sắp cưới của ông Đại đội trưởng nhà mình!

-Suỵt, cậu nói tùm lum không sợ ổng phiền sao? Ai biểu với cậu là ổng sắp cưới vợ?

Mão chép miệng:

-Thì nghe tụi nó nói.

-Phái đoàn còn ai nữa không?

-Lối 10 hướng đạo sinh “sói con”.

Sáu “A lô” đứng lên, gỡ lấy ống nhòm từ tay Mão:

-Để tớ coi. Cậu nói lộn xộn, chẳng biết phái đoàn có khoảng bao nhiêu người! Mão lẩm bẩm:

-Bao nhiêu người thì lát nữa họ lên đây, tha hồ... đếm. Mắc mớ gì phải tính trước?

-Mắc mớ chớ sao không. Là Trung úy Thái muốn biết số quan khách, để tiện mời họ chia thành từng toán nhỏ, có thể thăm nhiều nơi cùng một lúc. Như vậy đỡ mất thì giờ, vì phái đoàn còn đi thăm các đơn vị khác nữa.

Mão gật đầu:

- Hiểu! Thế còn tặng phẩm họ cho đơn vị mình vẫn còn trên xe, tớ thấy họ vô... tay không!

Sáu “A lô” làm ra vẻ hiểu biết. Anh chàng - lâu lâu ban ơn cho anh em một vài cục BA 30 - hích khuỷu tay qua phía Mão:

- Xí! Thì ra cậu hổng hay gì hết ! Lát nữa đây, Thượng sĩ Bách sẽ cùng đại diện các Trung đội ra tiếp thu... sạch trơn cho coi.

Mão “Kèu” thắc mắc:

-Sao không để họ đem tới chỗ mình như các lần trước? Sáu lưỡng lự:

-Tớ nghe ông Thái dặn Thượng sĩ Bách là cứ để quà tặng ngoài xe. Mình ra nhận sau. Như vậy để cho anh em mình có cái nhìn chung là chỉ cần đồng bào đến với chiến sĩ bằng một tấm lòng. Chúng ta bao giờ cũng hoan nghênh, và hết lòng biết ơn, dù họ có cho quà hay không cũng vậy.

Mão cười:

-Nhưng có tặng phẩm vẫn... khá hơn. Lần này, tớ thấy đồ chất đống trên xe. Bọn mình “phẻ” rồi! Sáu cười theo:

-Dĩ nhiên là nếu được quà kỷ niệm, thư hậu phương, được ...ăn, mình sẽ biết ơn họ nhiều hơn!

-Tớ thì giản dị lắm. Cứ có quà tặng đến cùng một lúc với sự có mặt của phái đoàn, bà con ta sẽ... cảm động ngay.

-Đồng ý, nhưng nếu một phái đoàn chỉ đến ủy lạo... xuông thì mình không ... cảm động sao, nhất là khi họ thiệt tình mến thương mình mà vì lý do nào đó không thực hiện được quà tặng?

Mão kều huýt một tiếng sáo:

- Sáu à! Cậu làm truyền tin mà ăn nói đâu thua gì bên tâm lý chiến, có thể ... mần luôn... ban 5 mà do thiếu người, Đại đội trưởng nhà ta vẫn phải kiêm nhiệm đó!

Sáu “A lô” hất hàm về phía Thái - đang cùng các sĩ quan Trung đội trưởng xuống dốc đồi để đón phái đoàn - nói tiếp:

- Này, tớ trông rõ cô áo tím rồi. Người đẹp này có dáng điệu tự nhiên lắm, nhưng không phải cô Mai đâu.

Bỗng Mão kêu lên:

-Hình như Đại đội trưởng ngoắc tay về phía mình?

-Đúng đó! Tớ mắc trực máy. Cậu lại ngay coi ổng cần gì không?

Mão vội vã chạy đến bên Thái, vừa lúc sĩ quan ban 5 Tiểu đoàn ngỏ lời với phái đòan:

- Kính chào Thiếu tá và quý vị trong phái đoàn. Đây là Trung úy Nguyễn Hoàng Thái Đại đội trưởng Đại đội 11 và các sĩ quan Trung đội trưởng.

Trong lúc Thái và các Trung đội trưởng giơ tay chào Phái đoàn, sĩ quan Tâm lý chiến Tiểu đoàn nói vào máy có loa khuếch đại cầm tay:

- Tôi hân hạnh được giới thiệu với Trung úy Thái và các sĩ quan Đại đội 11. Đây là Phái đoàn Ủy Ban Bảo vệ Chiến trường tỉnh Khánh Hòa, do Thiếu tá Tiểu khu trưởng hướng dẫn, tới thăm các đơn vị Nhảy dù đang tham dự cuộc hành quân Thần Phong 3. Sau đây, Thiếu tá Trưởng phái đoàn sẽ giới thiệu các quý vị trong phái đoàn với chúng ta. Xin mời Thiếu tá.

Vị sĩ quan cao cấp - mang bảng tên PHAN trên bộ đồ trận - đỡ lấy máy vi âm. Ông giơ tay về phía những người cùng đi:

- Thưa quý vị sĩ quan và chiến sĩ có mặt:

Đây là các sĩ quan Tiểu khu Khánh Hòa.

Tiếp theo là:

-Quý bà trong ủy ban Bảo Trợ Chiến trường tỉnh Khánh Hòa.

-Quý bà trong Hội Bảo trợ Gia đình Binh sĩ Tiểu khu Khánh Hòa.

-Ông Trưởng ty và các anh chị em đại diện ty Thông tin Khánh Hòa và Thị xã Nha Trang.

-Các nữ sinh viên Nông lâm Bảo Lộc đang trong thời kỳ thực tâp tại Nha Trang trước khi ra trường.

-Trung úy Trưởng ban Xã Hội và các Nữ Trợ tá Tiểu khu.

-Các em Hướng đạo sinh Nha Trang.

Vị Trưởng phái đoàn chỉ tay ra phía quốc lộ, nói tiếp:

- Ngoài kia còn một số các cô Y tá, Trợ tá và các chị em trong Tỉnh đoàn Xã hội Khánh Hòa đang trao những tặng phẩm của đồng bào Khánh Hòa và Thị xã Nha Trang kính tặng Chiến sĩ tham dự cuộc hành quân Thần Phong 3...

Thái đăm đăm nhìn người con gái mặc áo tím: Tôn nữ Diệu Khanh, còn kêu là bé Hằng của kinh thành Huế ngày xưa, đang đứng chung trong đám các sinh viên Nông Lâm. Thái đã nhận ra Diệu Khanh khi mới xuống đồi. Hình ảnh “bé Hằng” bao giờ cũng nổi bật trong bất cứ một đám đông nào. Điều làm Thái ngạc nhiên là không hiểu sao Diệu Khanh lại có mặt trong phái đoàn viếng thăm hôm nay. Cô nàng biết Thái ở đây để xin tháp tùng theo hay theo học trường Nông Lâm trên Bảo Lộc và đang thực tập tại thị xã Nha Trang? Ngay sau khi sĩ quan Tâm lý chiến giới thiệu Thái với phái đoàn, Thái vừa giơ tay chào là bắt gặp ngay cặp mắt của Diệu Khanh.

Thái quay lại nói với Mão “kều”:

- Cậu đến chỗ Thượng sĩ Bách, nói sau khi trao tặng phẩm cho các Trung đội trưởng, cần đem đồ giải khát đến địa điểm đã ấn định.

Mão chưa kịp chạy đi thì Thái đã dặn với:

- Nhớ phải có đủ ly giấy.

Đến khi Thiếu tá Trưởng phái đoàn giới thiệu các học viên Nông Lâm, Thái lại bắt gặp cặp mắt êm dịu như ngày nào của Diệu Khanh. Hình như cô nàng có cúi đầu chào Thái, và hình như Thái có gật đầu chào lại.

Có tiếng vị sĩ quan Tâm lý chiến:

-Trung úy Thái có muốn nói gì với phái đoàn không?

-Xin để lát nữa. Bây giờ tôi xin phép đề nghị với Thiếu tá và quý vị: Phái đoàn chia thành năm toán. Mỗi toán thăm một Trung đội. Sau đó, chúng tôi kính mời Thiếu tá và Quý vị dùng giải khát tại Rừng Thông để đại diện binh sĩ các Trung đội có dịp hân hạnh được tiếp xúc với Phái đoàn.

Thiếu tá Phan giơ tay xem đồng hồ. Ông nói với mọi người:

- Bây giờ là 11 giờ trưa. Sau khi chia toán, chung ta đi thăm địa điểm đóng quân của các Trung đội trong khoảng sáu mươi phút. Đúng mười hai giờ, mình tập trung tại khu RừngThông...

Thái đỡ lời:

-Ngay trên đỉnh đồi này. Các vị Trung đội trưởng của chúng tôi sẽ hướng dẫn Quý vị. Vị trưởng phái đoàn tươi cười nói tiếp:

-Chúng tôi có đem theo phần ăn trưa cá nhân, xin ăn chung với các chiến sĩ có mặt. Thái tỏ vẻ hoan hỉ:

-Thế thì vui quá. Tiểu Đoàn đã có ý kính mời Thiếu tá và phái đoàn dùng bữa trưa, nhưng thấy không thực hiện chu đáo được, nên không dám ngỏ lời với Thiếu tá.

-Anh em đang trong vùng hành quân, làm sao đãi khách được. Kìa, anh chị em đã chia xong các toán. Nào, chúng ta cùng đi.

Trong toán do Thiếu tá Phan cầm đầu, cũng có đủ thành phần, lại có Diệu Khanh. Thái nghĩ rằng “bé Hằng” đã ngỏ ý xin đi theo toán này vì biết thế nào Thái cũng phải đi với vị Trưởng Phái đoàn.

Thái nói với Lạc:

- Rồi đó, anh Lạc. Chúng mình mời Thiếu tá và phái đoàn tới địa điểm đóng quân Trung đội 1 của anh thôi.

Lạc “dạ” rồi hướng dẫn mọi người qua sườn đồi phía tây.

Diệu Khanh đến gần Thái:

- Anh!

Thái làm ra vẻ tự nhiên:

-Thấy bé Hằng từ xa rồi. Sao biết anh đang hành quân ở đây? Cô nàng cười rất tươi:

-Khanh đâu có biết. Chỉ hay là sẽ đi thăm các chiến sĩ Nhảy dù thôi. rồi Diệu Khanh ngập ngừng:

-Nào ngờ, trái đất quả thiệt... tròn, phải không ông anh... bặt tăm tin tức? Thái không trả lời, hỏi lại:

-Khanh học trường Nông Lâm ở Blao?

-Đâu có! Thái cười:

-Thế mà anh đang có ý nghĩ là Khanh sắp làm Trưởng ty Nông Vụ tại một tỉnh nào đó! Cặp mắt Diệu Khanh chớp chớp:

-Dễ sợ!

-Sao Khanh lại đi với mấy cô sinh viên?

Khanh xua tay:

-Anh đừng kêu là sinh viên, mấy cô không chịu đâu!

-Nghe vị Trưởng Phái đoàn kêu vậy, nên anh bắt chước.Khanh ở Nha Trang lâu chưa? Diệu Khanh chưa kịp trả lời thì Thiếu tá Phan đến gần. Nàng vội nói:

-Thưa bác, Trung úy Thái là anh cháu.

Vị sĩ quan lớn tuổi trợn mắt:

-Vậy sao?

-Dạ! Trung Nam Bắc một nhà, thưa bác. Thiếu tá Phan phì cười nói với Thái:

-O này liến thắng lắm. Không ai nói lại o đâu. Trung úy Thái phải lấy quyền làm anh trị o mới được. Mọi người theo Lạc ghé thăm Trung đội 1.

Khanh hỏi Thái:

-Hồi nãy, anh muốn biết Khanh ở Nha Trang lâu chưa, chừ xin trả lời: Khanh ở Đồng Đế, chỉ qua cầu Xóm Bống là tới... Nha Trang!

Thái tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng lại nói:

- Mình thăm anh em đã, lát nữa tiếp tục.

Khanh vâng lời, đến chỗ đóng quân của Trung đội 1. Thái bước theo. Nhìn dáng dấp Diệu Khanh, tự nhiên Thái có cảm giác đang đi phía sau... Mai.

Trong lúc thăm hỏi, trò truyện với binh sĩ Dù, thỉnh thoảng Diệu Khanh vẫn nhìn lại Thái. Nàng thấy Thái đang dặn dò một hạ sĩ quan điều gì. Sau đó viên hạ sĩ quan này vội vã chạy lên đỉnh đồi. Diệu Khanh đoán chừng là Thái kêu nhân viên chuẩn bị việc đón Phái đoàn trên Đồi Thông cho chu đáo.

Nàng đến cạnh một người lính trẻ. Anh ta gài trên nắp túi áo ba cây viết: - Sao anh nhiều viết thế?

Một chiến sĩ đứng bên cạnh đỡ lời:

-Nhà... thơ đấy, thưa cô! Diệu Khanh vui mừng:

-Anh...

Người có ba cây viết tự giới thiệu:

-Tôi là Tú, Trương Ngọc Tú.

-Anh có làm thơ?

Người lính trẻ không trả lời vào câu hỏi: - Thưa ... Tôn Nữ Diệu Khanh!

Người đẹp ngạc nhiên:

-Anh biết tên tôi? Tú gật đầu:

-Lần tham dự cuộc nhảy dù biểu diễn trên sông Hương, tôi đã được gặp cô một lần. Hồi đó Đại đội trưởng chúng tôi còn mang cấp Thiếu úy, làmTrung đội trưởng Trung đội 1.

Diệu Khanh reo lên:

-Tôi nhớ ra rồi, phải bữa đi thăm Lăng Tự Đức, có anh đi theo không?

-Dạ. Cô đã ngâm bài thơ... “Ớ Thị Bằng ơi đã mất rồi...” cho chúng tôi nghe.

Thế mà tôi không nhận được anh. Xin tha lỗi. Dạo này anh làm thơ thường không?

-Tú nhìn qua người bạn bên cạnh: - - Thưa, Hạ sĩ Hân chuyên phá tôi. Lâu lâu tôi mới làm được một bài, nhưng...

-Sao anh? -

-... nhưng làm xong, lại thấy không bằng lòng với mình!

Hân góp chuyện:

-Thưa cô, anh Tú giấu tài đó. Thơ của anh có đăng báo mà. Khanh nhìn Tú:

-Theo tôi, anh làm thơ mà thấy chưa bằng lòng với mình là anh còn tiến xa.

-Cảm ơn cô.

Có tiếng loa phóng thanh từ trên đồi thông:

- Chúng tôi kính mời Phái Đoàn. quý vị đại diện sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ các đơn vị tới địa điểm đã ấn định để dùng bữa trưa. Lưu ý các bạn trong đơn vị đem theo phần ăn cá nhân.

Mọi người vui vẻ lên đồi. Khanh đến gần Thái:

-Chắc anh ngạc nhiên là tại sao Khanh lại ở Đồng Đế? Thái gật đầu:

-Vì anh tưởng thế nào Khanh cũng đã trở về Huế, sau lần gặp đó. Khanh ngần ngại:

-Anh còn giận Khanh? Thái rất tự nhiên:

-Không. Mấy lần anh định viết thư cho Khanh, để Khanh hiểu anh hơn, nhưng anh lại e Khanh không còn ở chỗ cũ nữa. Vì Khanh có cho anh biết tin gì đâu! Vả lại, anh còn e ngại là việc liên lạc thư từ có thể làm phiền lòng Khanh... và...

-Anh cứ nói tiếp.

-... và nhất là trong thâm tâm, bao giờ anh cũng cầu mong cho Khanh được nhiều hạnh phúc. Khanh cười chua chát:

-Hạnh phúc? Cảm ơn anh vẫn nghĩ những điều ân huệ cho Khanh, nhưng kẻ bạc phước như Khanh...

-Khanh không có hạnh phúc sao?

-Cũng gần như vậy. Câu chuyện khá dài. Khanh mong sẽ có dịp được gặp lại anh. Chừng nào anh về Sài Gòn?

Thái im lặng. Chàng nghĩ đến Mai. Nếu gặp lại Khanh thì câu chuyện lại phiền phức thêm mà chẳng giải quyết được gì cả.

- Khanh hỏi anh...

- Chưa biết bao giờ cuộc hành quân này mới chấm dứt. Mà dù có chấm dứt, cũng có thể tiếp tục qua cuộc hành quân khác. Khanh cũng hiểu, đời lính làm sao biết được ngày mai! Từ bốn phía, đoàn người đang tập trung trên đỉnh đồi. Dưới bóng thông, hai dẫy bàn trải vải bạt xếp sẵn nhiều ly giấy cạnh những chai nước ngọt. Phần ăn cá nhân lần lượt được đặt trên bàn.

Thái mời vị Trưởng Phái đoàn đứng bên cạnh máy vi âm rồi lên tiếng:

- Tôi hân hạnh được giới thiệu với các anh em trong Đại đội, Thiếu tá Tiểu khu trưởng Tiểu khu Khánh Hòa, Trưởng Phái đoàn và cũng là Chủ tịch Ủy ban Bảo trợ Chiến trường tỉnh Khánh Hoà, có vài lời cùng chúng ta. Xin mời Thiếu tá.

Vị Trương Phái đoàn tươi cười:

-Cảm ơn anh. Ông nói vào máy:

-Thưa Trung úy Đại đội trưởng, quý vị sĩ quan, các chiến sĩ Đại dội 11, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù.

Hôm nay, phái đoàn chúng tôi tới đây, mang theo niềm hân hoan của đồng bào tỉnh Khánh Hòa - nhất là bà con ở hai bên quốc lộ 21 - về những thành quả mà các chiến sĩ Mũ Đỏ đã đạt được, trong cuộc hành quân giải tỏa con đường huyết mạch này. Thành công của quí vị đã trả lại nguồn sống cho các địa phương và cho cả đồng bào những tỉnh cao nguyên vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi các sinh hoạt trên quốc lộ này.

Vô cùng phấn khởi trước tin đã giải tỏa quốc lộ 21, mấy ngày trước đây, đông đảo bà con tràn về Nha Trang, với nhiều tặng phẩm nhờ chúng tôi chuyển tặng Đoàn Quân Mũ Đỏ, với lòng biết ơn sâu sa QLVNCH đã có những đơn vị ưu tú luôn sẵn sàng Vì Dân phục vụ. Chúng tôi hiểu rằng quà tặng chỉ là vật chất, làm sao đền đáp được những hy sinh to lớn của các chiến sĩ. Nhưng đây là thể hiện những tấm lòng thiết tha thương yêu gửi đến các anh em. Xin các anh em vui lòng ghi nhận những tấm lòng tha thiết ấy.

Phái đoàn chúng tôi chân thành gửi lời chào thăm các anh em và bửu quyến. Cầu chúc các anh em sức khỏe và còn lập nhiều chiến công lẫy lừng hơn nữa.

Nhiều tràng pháo tay liên tiếp nổi lên khi ông giơ tay chào mọi người và bước tới bàn dành riêng.

Thái đến cạnh máy vi âm.

Khanh đứng bên các học viên Nông Lâm, lắng nghe giọng nói quen thuộc của Thái:

- Kính thưa Thiếu tá và quí vị. Thay mặt các chiến hữu trong đại đội, tôi xin cảm tạ Phái đoàn đã không quản đường xa, đem tới cho chúng tôi những niềm yêu thương của đồng bào Khánh Hòa, những lời khích lệ quí báu cùng những món quà tình nghĩa. Chúng tôi xin ghi nhận tất cả niềm ưu ái mà đồng bào và quí vị đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi nguyện gắng công nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của đồng bào và quí vị.

Cũng xin Trung úy Sĩ quan Tâm lý chiến Tiểu đoàn đạo đạt lên Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, lòng biết ơn của Đại đội 1 đã được vinh dự tiếp nhận cuộc viếng thăm này.

Một lần nữa, quân nhân Đại đội 1 chân thành cảm tạ quí vị.

Tất cả mọi người đều vỗ tay. Khanh nghĩ là Thái sẽ đến bên nàng, nhưng anh chàng lại tới chỗ Thiếu tá Phan. Khanh thấy Thái cầm ly nước giải khát nâng cao. Có tiếng nói từ loa phóng thanh:

-Kính mời Thiếu tá và quí vị dùng bữa trưa. Vài bạn trẻ chúng tôi xin hát góp vui. Chờ khi tiếng vỗ tay ngưng, xướng ngôn viên nói tiếp:

-Để mở đầu, đây là giọng ca của bạn Giang Sơn qua nhạc phẩm “Những Cánh Hoa Trời” nhạc Tô Quí Thy, lời Lê Thuận, phỏng theo ý thơ “Tâm Sự Người Chiến Binh Mũ Đỏ” của Hồ Tân Dân. Bài hát này dành kính tặng Thiếu tá Trưởng Phái đoàn và các vị trong Phái đoàn Uỷ ban Bảo trợ Chiến trường tỉnh Khánh Hòa.

Xin mời bạn Giang Sơn ca, bạn Minh Tốn đệm “Ghi ta”.

Một loạt pháo tay hưởng ứng.

Thiếu tá Phan nói với Thái:

-Đàn ngọt, hát hay. Đâu thua nhà nghề. Anh em đi hành quân mà cũng đem theo đàn sao?

-Dạ không. Họ mượn đàn bên quận lỵ Khánh Dương từ hồi chiều.

-Tiểu đoàn sinh hoạt văn nghe thường không anh?

-Thưa, khi lâu ngày vắng bóng Biệt đoàn Văn Nghệ trung ương, các anh em tự tổ chức lấy, tự biên tự diễn để giúp vui cho các buổi liên hoan.

Thiếu tá Phan vui vẻ:

- Cuộc sống đơn vị chiến đấu thiệt là vui nhộn. hèn chi trên nét mặt chiến sĩ, tôi đều thấy vẻ hân hoan.

Đưa mắt nhìn ra chỗ Diệu Khanh, ông hạ giọng:

- Anh Thái đến nói chuyện với cô em đi.

Thái hơi ngần ngại nhưng cũng làm ra vẻ tự nhiên:

- Xin phép Thiếu tá.

Đến dãy bàn trước mặt, Thái giơ tay vẫy Khanh. Cô nàng đã lui ra phía sau, đang đứng tựa lưng vào một cây thông. Tuy làm ra vẻ đang chăm chú nghe một nữ hướng đạo sinh hát giúp vui, nhưng nàng vẫn theo dõi Thái.

Khanh mỉm cười đến bên Thái.

-Khanh ăn gì chưa?

-Khanh không đói.

Thoáng thấy Thái cau mày, Khanh nói tiếp:

-Hình như anh không mấy bằng lòng khi phải gặp lại Khanh? Thái lắc đầu:

-Khanh cũng biết là không phải vậy. Bao giờ anh cũng coi Khanh như một người em ruột thịt. Ngày còn ở Huế, anh đã nói với Khanh như vậy. Đến khi...

Khanh ngắt lời Thái:

-Khanh xin lỗi anh. Khanh đã nhận tất cả những điều lầm lỗi mà số phận đã đưa Khanh vào những con đường không may mắn. Nên chi, bữa nay Khanh không còn có những nguồn an ủi mà trước kia anh vẫn dành cho Khanh. Thực ra, chính Khanh đã tự làm mất đi những nguồn an ủi ấy, tuy rằng nếu anh biết được một đôi điều u uẩn, có thể anh đã không xa lánh Khanh! Sở dĩ Khanh không thổ lộ với anh những u uẩn chất chứa trong lòng, vì Khanh hiểu được vị trí của mình trong tâm hồn anh. Đó cũng chính là lý do khiến Khanh bỏ đi trước... Anh có nghe Khanh nói không?

-Khanh cứ tiếp tục.

Khanh chép miệng:

- Nhưng thôi. Nếu còn được gặp lại anh trong một khung cảnh khác, Khanh sẽ nói. Về Sài Gòn, anh còn cho phép Khanh đến thăm anh nữa không?

Thấy Thái lưỡng lự, Khanh mỉm cười:

-Chắc anh đã có ... chị Thái rồi?

-Chưa, nhưng ...

Khanh hóm hỉnh:

-Chưa, nhưng cũng sắp..., phải không anh?

-Có thể nói như vậy.

Khanh im lặng. Lại những tràng pháo tay nổi lên sau một bài hát.

-Thưa Trung úy...

Thái quay lại phía sau:

-Ông Bách, có gì không?

-Thưa, chương trình viếng thăm chấm dứt, Thiếu tá Phan ngỏ ý cho Phái đoàn trở lại Nha Trang. Thái gật đầu;

-Để tôi đưa tiễn.

rồi chàng quay lại Khanh:

- Anh xin lỗi Khanh. Cảm ơn Khanh đã đến thăm hôm nay. Nếu có dịp vô Sài Gòn, Khanh cứ đến gặp anh.

Khanh vẫn im lặng. Nàng chậm chạp bước theo Thái.

***


Sau khi đơn vị trú quân tại một ngọn đồi gần Dòng Thánh Phan Xi Cô (Nha Trang), Thái điện thoại cho Thiếu tá Phan. Một giọng nói quen thuộc từ đầu giây bên kia làm Thái ngạc nhiên:

-Ủa! Hiếu hả?

-Rồi sao, Thái?

-Sao cậu lại ở nhà Thiếu tá Tiểu khu trưởng?

-Đại đội mình đang lau chùi máy truyền tin. Mình rảnh nên ghé thăm chú Phan.

-Cậu là cháu ổng?

-Cháu họ thôi, nhưng máu loãng còn hơn nước lã mà.

Thái hạ giọng:

-Cho mình nói chuyện với Thiếu tá.

-Chú Phan chưa về tới. Cậu cần gì vậy?

-Nhờ cho địa chỉ một người quen của Thiếu tá.

-Ai vậy? Nếu là dân xứ Huế, có thể mình cũng biết.

-Tôn Nữ Diệu Khanh! Hiếu cười trong máy:

-Bạn của cô bồ Nha Trang của mình đó.

-Tốt lắm, nói đi.

-Cậu đang ở dưới dốc dòng Phan Xi Cô phải không? Mười lăm phút nữa mình tới.

-OK!

Bỏ ống thính cơ xuống, Thái lẩm bẩm:

- Anh chàng Hiếu thì số... 1 rồi!

Hiếu đang làm sĩ quan Truyền tin trên bộ Tư Lệnh. Thái vẫn kêu Hiếu là ... Chàng Hào Hoa! Ra trận, Hiếu đánh giặc rất “chì”, về hậu cứ, rất ... chịu chơi. “Hắn” quê Thần Kinh, làm việc tại Sài Gòn mà dám có bồ ở Nha Trang! Lúc nào Hiếu cũng sống đầy đủ tiện nghi. Đến đâu, Hiếu cũng kiếm được xe hơi làm phương tiện di chuyển.

15 phút sau, Thái vừa xuống chân dốc, đang đứng đợi cạnh chiếc cổng tò vò thì Hiếu lái chiếc Peugeot 203 tới.

-Xe của Thiếu tá Phan hả?

-Không, của một anh bạn dưới Cầu Đá, nhưng đã để sẵn trước ciné Tân Tân cho mình. Bây giờ đến nhà Vân trước hay nhà Khanh trước?

-Vân là cô bồ Nha Trang mà cậu vừa nói?

-Đâu có, Vân chỉ là bạn. Hồi nãy trong điện thoại, mình “le” với cậu thôi! Còn cô Tôn nữ?

Thái cười tự nhiên:

-Mình coi Khanh như em gái. Hiếu nhún vai:

-Em gái? Kiếm chi gấp vậy?

-Có một câu chuyện cần nói ngay với Khanh. Nếu không, sẽ không còn cơ hội nữa.

-Quan trọng dữ. Vậy mình đến Khanh trước.

Thái giơ tay:

-Khoan, cậu biết Khanh ở với ai không?

-Có lần mình chở Vân và Khanh xuống Hải Học Viện. Lúc về, Khanh vô một căn nhà gần Ga xe lửa. Không biết ở với ai.

-Mình lại nghe nói Khanh ở bên Đồng Đế!

-Hình như còn một người bà con bên đó.

Thái lắc đầu:

-Vậy là không được rồi. Cậu cho mình đến Vân trước để nhờ Vân rủ Khanh đi thì tiện hơn.

-OK!

Hiếu cho xe chạy một vòng qua bồn cỏ rồi lao ra phía quốc lộ 1:

- Cậu cứ nói mình... hào hoa, thực ra mình còn thua cậu. Mấy cô xứ Huế, bây giờ lại có cô giáo Mai! Mình còn nhớ câu chuyện “người xưa” của cậu..

Thấy Thái im lặng, Hiếu cười:

- Xin lỗi cậu, lẽ ra mình không nên nhắc lại chuyện đã qua!

Xe dừng lại bên này cầu Xóm Bống để chờ đoàn “convoi” bên kia qua.

Thái cười theo:

-Lần này mình tìm gặp lại Khanh cũng vì chuyện ... đã qua đó.

-Để dứt khoát tư tưởng phải không?

-Dứt khoát lâu rồi, nhưng là để minh bạch với Khanh một đôi điều...

Hiếu ngạc nhiên:

-Khanh biết chuyện cậu và Thúy?

-Chưa, vì vậy mới phải nói.

-Mình không hiểu, còn cô Mai? Thái ngần ngại:

-Mai là khác. Hay vì Mai mà tôi cần ngọn ngành sáng tỏ, không còn gì vướng bận.

-Cậu sẽ cho cô Mai hay tất cả?

- Dĩ nhiên, sau khi mọi việc minh bạch.

Chiếc bảng dấu cấm bên lề đường vừa được xoay qua mặt trắng, Hiếu cho xe chạy chậm lên cầu. Gió biển Nha Trang mát rượi.

-Thái!

-Gì?

-Mình nói câu này mong cậu đừng giận.

-Nói đi.

-Cậu có nhân sinh quan của cậu nhưng thời buổi này, quan niệm đó trở thành lẩn thẩn!

-Quan niệm thế nào?

Hiếu nói thẳng:

-Tình yêu chung thuỷ mà cậu dành cho Hà Phượng Thúy!Tôi nghĩ khác cậu. Khi yêu ai, tôi chỉ cho phân nửa, nghĩa là không bao giờ yêu hết lòng. Như vậy, khi bị tình phụ, mình không mất tất cả lẽ sống. Hoặc giả, khi mình muốn... de, cũng chẳng quá nhiều thương tiếc...

-Cứ tiếp tục..

-Thời gian bọn mình công tác ở Huế đã bốn năm rồi. Mình biết rõ Thúy đã bỏ cậu. Sở dĩ mình không nhắc lại câu chuyện cũ là muốn tránh phiền muộn cho cậu. Bữa nay có dịp thì chúng ta nên nói lại một lần cho rõ ràng. Mình ở trại Hoàng Hoa Thám nhưng nghe nói về mối tình gắn bó giữa cậu và cô giáo Mai, mình thiệt mừng cho cậu. Chúng ta còn cuộc đời trước mặt, đâu có thể chung tình mãi với người đã không còn là của mình nữa?

Thái gật đầu:

- Biết rằng thế nào rồi cũng phải nghĩ đến chuyện đó, nhưng hình ảnh Thúy đả in quá sâu vô tâm khảm mình. Đúng là khi mất Thúy, mình như mất tất cả lẽ sống! Nếu không có đơn vị nhảy dù và những mối tình chiến hữu, hẳn mình đã... chán đời!

Xe chạy qua Ty Thông tin Khánh Hòa, Hiếu nói:

-Chương trình chiều nay thế nào đây?

-Tùy cậu.

-Thế này nhé, bây giờ mình đến Vân, chở Vân đi kiếm Khanh. Sau đó ra quán Thùy Dương ăn đồ biển. Tha hồ tâm sự... vụn. Cậu có nhiều thời gian để... trần tình!

Thái cười:

-Đồng ý! Đến đường Độc Lập rồi đó, “goẹo mặt” phải không?

-Đúng lắm, nhà Vân không xa lắm đâu.

-Mấy giờ rồi?

-18 giờ đúng!

-Còn sớm lắm. Yên trí!

Tôn Nữ Diệu Khanh ngả người trên ghế dựa. nàng đưa mắt nhìn Thái vừa trao gói thuốc lá cho Hiếu và đang bước đến gần. Hiếu và Vân lại chụm đầu vào nhau như trước. Biển Nha Trang rực sáng với những ngọn đèn trên các tàu neo bến.

Thái ngồi cạnh Khanh:

-Khanh uống gì chưa?

-Rồi, anh. Anh tìm Khanh chắc là có việc gì...

Thái ngả người trên ghế:

-Anh muốn nói chuyện với Khanh, nếu không e rằng khó còn cơ hội. Khanh dịu dàng:

-Khanh nghe anh đây. Thái quay lại:

-Lẽ ra, trong những lần chúng ta đi chơi ở Huế, anh đã phải kể câu chuyện đời của anh cho Khanh nghe, nhất là bữa chúng ta đi viếng lăng Tự Đức.

Hẳn Khanh chưa quên hôm đó. Nhưng anh chỉ ngỏ ý với Khanh là chúng ta nên coi nhau như tình ruột thịt. Quả thật, anh rất vụng về khi phải tìm cách che dấu cái riêng tư của mình. Anh cũng rất vụng về khi muốn thổ lộ điều riêng tư mà anh cho là khó lòng... để bắt đầu nói ra.

- Khanh chưa hiểu ý anh.

Thái xoay người lại, cặp mắt nhìn đăm đăm ra những ngọn đèn ngoài xa:

- Một năm trước khi gặp Khanh, anh và một người con gái Huế tên là Hà Phượng Thúy đã yêu nhau. Thời gian đó, Thúy là nữ sinh đệ nhất C trường Đồng Khánh. Anh ở Huế hơn ba tháng, do nhu cầu công tác của đơn vị. Vào những ngày nghỉ, anh và Thúy đi qua hầu hết các con đường trong Thành Nội, ngoài thị xã, cùng các quận Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Anh thuộc làu các di tích và lịch sử Huế, hơn là các địa phương trong quê hương Miền Bắc của anh. Thúy đã hướng dẫn anh đi thăm hầu hết các danh lam, thắng cảnh đất Thần Kinh; đã kể cho anh nghe những hiểu biết của nàng về miền sông Hương, núi Ngự. Anh ghi nhớ từng cảnh vật, từng sự việc, như một tín đồ trung thành thuộc lòng lịch sử đạo giáo...

Khanh ngắt lời Thái:

-Chừ anh còn nhớ không? Thái gật đầu:

-Anh có thể kể Khanh nghe, dù Khanh là người ... chính gốc Huế, rằng Cột Cờ Huế được xây dựng từ năm 1809, cao trên mặt biển 57 mét. Rằng trong Nội có Ngọ Môn, Trung Đạo Kiều, Đại Triều Nghi, Thái Hòa Điện, Thế Miếu, Thọ Cung Điện... Rằng lăng Tự Đức, ông vua đa tình nhất thế giới, ở Dương Xuân Thượng, xây xong vào năm 1867 khi vua còn tại vị. Phía trước Bái Đình, có lăng bà Lệ Thiên Hoàng Hậu. Còn có Khiêm Hồ, nhà Thủy Tạ, nơi anh và Khanh từng đặt chân qua...

Khanh cười:

-Chịu thua anh. Khanh đâu có nhớ được như thế! Thái đắc ý:

-Anh còn nhớ các chi tiết về các lăng tẩm khác, như các lăng Gia Long, Khải Định, Đồng Khánh.. ; về hồ Tịnh Tâm; về Dòng Chú Cứu Thế; về các chùa Từ Đàm, Diệu Đế, Linh Mụ... Chính Hà Phượng Thúy đã cho anh những hiểu biết khá đầy đủ về xứ Huế thân yêu. Nói như vậy, hẳn Khanh đã thấy mối tình sâu đậm mà anh dành cho Thúy. Khanh còn nhớ không, bữa chúng ta đi thăm An Định Cung, anh đã nói với Khanh:

- Con sông Bến Ngự muôn đời trầm lặng.

Đó là anh nhắc lại lời Thúy nói với anh. Thời gian đó, anh đinh ninh rằng, đời anh chỉ có mối tình ấy...

Khanh làm ra vẻ bình tĩnh: - Bây giờ Thúy ở đâu?

-Anh không biết!

-Thúy bỏ anh? Thái im lặng.

-Sao anh không trả lời Khanh?

-Thúy viết cho anh một bức thư đoạn tuyệt, đại ý là ... Thúy đã lừa dối anh và xin lỗi đã làm xáo trộn cuộc sống của anh. Cuối thư, Thúy mong anh quên nàng đi và cầu chúc cho anh sớm có hạnh phúc!

-Anh nghĩ sao về việc đó?

-Có thể, trước khi gặp anh, Thúy đã có người yêu, nên dứt khoát với anh để trở lại với người tình cũ!

Khanh chua chát:

- Rồi sau đó, anh gặp Khanh, bắt Khanh đưa anh đi qua hầu hết các con đường của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, để anh sống lại những kỷ niệm với Thúy! Khanh đâu ngờ!

Thái quay lại nhìn Khanh:

- Bây giờ anh mới nói lời xin lỗi Khanh thì quá muộn. Nhưng anh mong rằng Khanh cũng hiểu là anh không còn xứng đáng với bất cứ người con gái nào khác nữa. Do vậy mà khi ngỏ ý với Khanh là chúng ta nên coi nhau như anh em, chính là anh muốn trung thực với mình, với Khanh. Anh đã từng nếm mùi vị khổ đau, nên không muốn làm Khanh đau khổ. Anh cũng chẳng thể dối lòng mình, vì dù mất Thúy, hình ảnh nàng vẫn còn rực rỡ trong anh. Lần đầu khi gặp Khanh trong buổi biểu diễn nhảy dù trong sông Hương - khoảng giữa hai cây cầu Tràng Tiền và Bạch Hổ -, anh cứ tưởng được gặp lại Thúy! Anh nhớ rõ, lúc trên xuồng M2 trên sông Hương chạy vô bến Câu lạc bọ Thể thao Huế, anh thoáng trông thấy một tà áo tím! Đúng là màu áo của Thúy. Vừa bước lên bờ, anh còn đang hoang mang vì hình ảnh của người xưa, thì chính người mặc chiếc áo đó là Khanh lại đến hỏi chuyện anh. Anh bị thu hút ngay bởi hình ảnh Thúy, như con thuyền bị lôi cuốn theo làn sóng mạnh...

Khanh thở dài:

-Khanh hiểu là mình đã gây nên điều hệ luỵ, không trách anh được!

-Sau đó, anh em mình quen nhau, cùng nhau đi ta bà, tung tăng như đôi trẻ.. Anh thiệt ngớ ngẩn không lường được tình cảm mà Khanh có thể dành cho anh...

Khanh trở lại câu chuyện Thúy:

-Hiện nay, anh nghĩ gì về Thúy? Thái ngần ngại:

-Anh cần trả lời câu hỏi này không?

-Dạ! Khanh muốn biết, chừ hình ảnh cô gái ấy chiếm vị trí nào trong tim anh?

Thái thong thả:

-Anh đâu có thể dễ dàng quên Thúy, với những ân tình tha thiết, dù Thúy đã phản bội những ân tình ấy...

-Anh khéo nói là Thúy đã phản bội những ân tình cũ, mà không nói thẳng là Thúy đã phản bội anh. Dù sao thì anh cũng đã mất nàng!

Thái gật đầu:

-Bao nhiêu năm qua, từ khi Thúy bỏ đi, anh không còn tin tức gì về nàng. Nếu Thúy thực sự yêu anh, lẽ nào lại dứt khoát với anh như vậy?

-Sau khi nhận được bức thư cuối cùng của Thúy, anh có đi tìm nàng không?

-Có. Bà giám thị trường Đồng Khánh trả lời là Thúy đã xin thôi học. Anh tìm đến căn nhà bên dòng sông Bến Ngự, nơi Thúy ở với bà Mẹ và một người anh. Bà Mẹ khóc, nói là Thúy đã từ giã ra đi! Trước khung cảnh não lòng đó, anh đâu dám hỏi tại sao Thúy ra đi, đi với ai, vì nếu hỏi như vậy chỉ làm bà cụ đau lòng hơn.

Thấy Khanh im lặng, Thái nói tiếp:

-Khanh còn muốn biết thêm gì nữa không?

-Còn vị trí của cô giáo Mai trong lòng anh? Thái thẳng thắn:

-Mai yêu anh vô cùng. Anh cũng thấy nhiều thương nhớ khi xa Mai. Có lẽ đó là bắt đầu cho một tình yêu mới. Anh tin tưởng rằng, nếu cuộc hôn nhân giữa anh và Mai thành tựu, Mai sẽ là người vợ hiền, chung thủy.

Khanh nhấn mạnh:

-Anh có niềm tin sắt đá vào tình yêu của cô giáo? Thái gật đầu:

-Dĩ nhiên. Như vậy mới có chuyện chuẩn bị lập gia đình! Khanh thẳng thắn:

-Sao trước kia, có lần anh nói với Khanh là anh rất dè dặt trong việc tiếp xúc với phụ nữ, và có lẽ, chẳng bao giờ anh vương vấn nữa?

Thái gật đầu:

- Cũng vì anh quá dè dặt nên cho đến nay vẫn chưa ... dám cùng ai chung sống! Có nhiều nguyên nhân khiến anh dè dặt. Như đơn vị di chuyển bất thường, cuộc sống người chiến binh hầu như không còn thì giờ đầy đủ dành cho gia đình... Thế mà từ khi gặp Mai, anh thấy không còn những chuyện dè dặt như vậy nữa. Như Khanh vừa nói, có thể là do số mệnh.

rồi Thái hạ giọng:

- Còn Khanh, câu chuyện khá dài mà Khanh từng hẹn sẽ nói khi gặp lại anh ở Sài Gòn, tiện đây, Khanh cho anh nghe đi.

Khanh lơ đãng ngẩng nhìn khung trời đầy sao, như đang theo đuổi một hình ảnh, tâm tư nà đó, nên nàng không trả lời Thái.

- Khanh!

Người con gái xoay người lại:

-Anh gọi Khanh? Khanh đang ngồi bên anh đây mà!

-Sao Khanh chưa nói câu chuyện đó cho anh nghe?

-Chuyện gì anh?

-Thì chuyện Khanh hứa về Sài Gòn sẽ cho anh nghe đó! Khanh hóm hỉnh:

-Thưa ông anh! Đây là Nha Trang, nên Khanh chưa tiện nói!

-Vì...

-Khanh xin lỗi anh, vì còn một vài điều chưa rõ rệt. Nếu về Sài Gòn mà được gặp lại anh, thế nào Khanh cũng nói hết!

Thái cười:

- Chỉ ngại khi về Sài Gòn, anh sẽ bận nhiều công việc, vả lại...

Khanh cười theo:

-... vả lại, anh sợ rằng nếu gặp lại Mai, sẽ làm cô giáo phiền lòng?

Thái lắc đầu:

-Không! Bữa trước, anh đã ngỏ ý với Khanh là, nếu có dịp trở lại Sài Gòn, Khanh cứ đến anh như trước. Bởi bao giờ anh cũng coi Khanh như một người em ruột thịt. Chỉ e khi trở lại hậu cứ, có khi vì lý do nào đó, anh lại vắng nhà khi Khanh ghé thăm. Do vậy mà anh muốn nghe câu chuyện của Khanh ngay lúc này, coi anh có giúp gì cho Khanh được không?

-Cảm ơn anh, chừ Khanh chưa thể nói.

rồi như sực nhớ ra điều gì, Khanh hỏi:

-Bao giờ anh làm đám hỏi với cô Mai? Thái ngạc nhiên:

-Anh đã cho Khanh hay rồi mà. Vào đầu năm dương lịch tới. Khanh ngần ngại:

-Xin anh tha lỗi, Khanh thấy anh ... tham lam khi có ý định lập gia đình với cô giáo!

-Tại sao?

-Tại vì anh trong tình yêu, anh đã có Thúy. Lẽ ra, yêu Thúy như vậy, không bao giờ anh còn có thể yêu ai được nữa!

Thái mỉm cười:

- Cảm ơn Khanh đã nói ra điều này, cũng là điều mà lẽ ra anh đã phải nói trước với Khanh. Bốn năm qua, anh đã hỏi lại mình nhiều lần. Hai năm sau khi Thúy bỏ đi, anh mới gặp Mai. Nếu không kể còn có Khanh với những cảm thương chưa tròn vẹn, thì trong quãng thời gian khá dài đó, anh chưa hề vương vấn bất cứ hình ảnh nào. Mà cho đến nay, anh và Mai cũng chưa hề nói với nhau một tiếng “yêu”! Mai thì đã hẳn, vì đó là thường tình phụ nữ. Còn anh, đâu còn tình yêu nữa. Nhưng anh cảm nhận sâu xa rằng Mai sẽ là người vợ hiền đức cần thiết cho đời anh, như một ân tứ bởi Trời, như một nguồn an ủi, một điểm tựa cho cuộc đời còn nhiều nghiêng ngả của anh. Như đã nói với Khanh, nếu sau này nhân duyên thành tựu, có thể là một sự an bài tiền định...

Khanh chăm chú nghe Thái nói, đến đây, nàng lên tiếng:

- Còn nếu chừ Thúy trở lại với anh thì sao?

Thái ngẩn người. Câu hỏi của Khanh ra ngoài sự tưởng tượng của Thái. Nếu Thúy trở lại thì sao?

Khanh vẫn dịu dàng:

- Xin anh tha lỗi. Đáng lẽ Khanh không nên hỏi anh như vậy.

Thái vẫn im lặng. Hình ảnh Thúy, Mai lần lượt hiện ra. Thái biết rằng nếu Thúy trở lại thì chàng không thể nào bỏ được. Mà như vậy còn Mai? Thái sẽ nói sao với Mai, với cụ Năm?

-Anh Thái!

-Khanh cứ nói đi.

-Anh giận Khanh phải không?

-Không, Khanh đã hỏi đúng. Phần anh có hơi bị bất ngờ. Anh vẫn đinh ninh là không bao giờ Thúy còn trở lại nữa. Anh thực chưa hiểu mình sẽ phải ứng xử ra sao, nếu Thúy về với anh...

Có tiếng Hiếu la lên: - Thái ơi, nguy rồi!

Thái nhìn ra: Hiếu và Vân đang đứng bên cạnh xe hơi. - Mình qua coi có gì không?

Thái nói và cùng Khanh đến gần Hiếu. Anh chàng giơ tay:

-Xe lún xuống cát rồi. “Đồng bào”đẩy phụ để tôi gài số 1 coi có lên nổi không? Thái lắc đầu:

-Đúng là tai bay vạ gió!

Ba người hì hục đẩy. Máy xe rồ lên, bốn bánh xe càng lún sâu thêm.

Hiếu la lên:

- Thôi!

rồi ra khỏi xe:

-Có chầu đi bộ về! Vân vui vẻ:

-Đâu có sao. Lâu lâu mình cũng nên đi bộ cho khỏe, Khanh tán thành ngay:

-Đúng rồi. Vì giờ này đâu dễ kiếm cyclo! Hiếu nói tiếp:

-Xin cứ tự nhiên. Tôi lượm gói thuốc và khóa cửa xe lại đã. Vân kéo tay Khanh:

-Mình nên đi trước. Nếu không, đi sao kịp mấy ông nhà binh!

Các anh tự trời cao xuống trên đồng lúa

Bên vườn cây nặng chĩu trái thơm lành

Hương bát ngát hoa mùa Xuân chớm nở

Cạnh sân trường và mái tóc em xanh!

(Còn Tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn