BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73180)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Với tác giả "Thu, Hát Cho Người"

27 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 1469)
Với tác giả "Thu, Hát Cho Người"
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
“Thu, Hát Cho Người” là tên một bản nhạc của Vũ Đức Sao Biển. Nhạc phẩm được trình làng khoảng thập niên sáu mươi và đã được nhiều người yêu thích, lời bản nhạc như sau:
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt,
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ.

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đoá đẫm tương tư,
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sóng lênh lang hồn ta khóc bao giờ.

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương,
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín,
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.”

Thu là mùa Thu, một trong bốn mùa của thời tiết đất trời. Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Thu có lá vàng bay, có gió heo may hiu hắt thổi về lạnh lạnh khiến người có tâm hồn nghệ sĩ dễ cảm hoài, nhất là nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ. Nguyễn Khuyến có bài thơ Thu Điếu, Tản Đà có Cảm Thu, Tiễn Thu, Lư Trọng Lư có Tiếng Thu, và nhiều tác giả nữa…như tôi cũng có bài Thu Thảo, là cỏ mùa thu, hay tên một người, bài thơ viết về một tình yêu đơn phương, tình tuyệt vọng. Lời bình của nhà nghiên cứu văn học Trần Văn Nam trong tập “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Định Thi Ca Hải Ngoại”, tác giả xuất bản 2006, “Thơ Trần Yên Hoà, trong bài Thu Thảo, nghiêng về giải đáp muốn vượt qua thơ lãng mạn tình yêu, để hướng về thơ diệu vợi, bởi từ ngữ “em” không phải chỉ về người mà chỉ về thiên nhiên: mùa thu được nhân cách hóa thành người em hương sắc” (trang521, sđd):
”Thu đang đến nghĩa là em đang đến
Bước chân em xao động cả san hà.
Ta một mình ôm gối mộng tình ta
Ta khốn khổ bơ vơ nhìn lá chết.” 


Cô gái Hồ Thị Thu ngày ấy


Nhưng "Thu, Hát Cho Người" là bài hát viết về một người con gái có tên Thu. Cô gái đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ quê Quảng Nam điêu đứng, đó là Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca. Cô Thu, lúc đó, khoảng thập niên sáu mươi, tuổi mới mười tám đôi mươi, là nữ sinh trường Trung Học Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam (Quảng Tín cũ). Cô có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng. Hai chàng nhà thơ này là những học trò chân đất, nhìn người đẹp rồi mơ mộng yêu đương và về nhà làm thơ viết nhạc. Đynh Trầm Ca có nhiều bài thơ cho Thu và Vũ Đức Sao Biễn có Thu, Hát Cho Người. Nhưng đó là mối tình lãng mạn, tình yêu trong mộng tưởng. Nàng Thu lấy chồng sớm, một chàng trung úy pháo binh tên Trần Đình Ái, một pháo đội trưởng pháo binh (sau này lên đại úy), đẹp trai, hào hùng, oai ra phết. Tôi quen anh chàng Ái trong những ngày hành quân ở sư đoàn 2 bộ binh, hành quân vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, khoảng năm bảy ba. Đơn vị tôi là đơn vị bộ binh trấn đóng căn cứ hỏa lực Hoàng Oanh, Ái là sĩ quan pháo binh yểm trợ cho bộ binh hành quân. Tôi gặp và đã nói chuyện với Ái nhiều lần và biết anh là chồng của cô Thu, nhân vật nữ trong nhạc phẩm Thu, Hát Cho Người. Khi cô Thu trong mộng của hai chàng nhạc sĩ đi lấy chồng, Đynh Trầm Ca có bài Ru Con Tình Cũ cũng rất hay, bản nhạc được ca sĩ Hà Thanh hát trên đài phát thanh Quân Đội, lúc đó tôi đang đi hành quân, trong một đêm dừng quân, nằm trên võng nghe nhạc phẩm này thật não lòng:
”Ôi ba năm qua rồi,

Đời chưa nguôi gió bão,

Người xa xôi phương nào,

Người oán trách gì không?

Thôi em ơi, em đừng hờn trách nữa,

Đời ta như rong rêu tội tình…”

Thế là nhân vật Thu được bước vào giai thoại của âm nhạc, mà Trần Quốc Bảo trong báo Nghệ Sĩ cách đây khá lâu đã đăng về mối tình tay ba này. Thật ra, đây chỉ là một mối tình tuyệt vọng cho cả hai nhạc sĩ. Có thể mối tình đó day dứt mãi hai chàng không thôi, ai cũng dành cho riêng mình cô Thu đó.

Sau này, Vũ Đức Sao Biển có thêm nhạc phẩm Thu Sài Gòn, những chắc Thu Sài Gòn không bằng Thu Quảng Nam dạo nọ. Đynh Trầm Ca thì có bài Sông Quê, cũng nhắc đến Thu:
Sóng đời cuồng trôi lỡ rồi sông bên đó

Nhà em cũng bỏ làng đi mãi không về

Mỗi ngày bên sông không còn em đi học

Ngọn gió reo buồn, buồn trong nhánh mù u.


Nhánh mù u con bướm vàng không đậu

Anh bao chiều về thơ thẩn qua sông

Sông quê trường làng con đò trên bến lỡ

Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ xao lòng


Ơi con sông quê

Bao năm đã lỡ đã bồi

Đời biển dâu nên anh cũng dạt quê người

Chiều nay bỗng nhớ cây mù u

Giòng sông vang bóng em chiều thu

Về đây mới biết

Bên sông không còn mái nhà ngày xưa…

Tôi muốn nhắc đến đây, Vũ Đức Sao Biển là một nhạc sĩ sáng tác tình ca, hơn là một nhà văn xã hội chủ nghĩa. (Sau này Vũ Đức Sao Biển còn có hai nhạc phẩm là Điệu Buồn Phương Nam và Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang cũng được nhiều người yêu thích). Bởi vì sau cuộc biển dâu, đổi đời, sau ba mươi tháng tư bảy lăm, Vũ Đức Sao Biển đã thay đổi cách viết, anh viết văn, mà viết tuyên truyền cho chế độ cộng sản mới là điều đáng nói.

Truyện “BÔNG HỒNG TRÊN CÁT”.

Vũ Đức Sao Biển viết truyện “Bông Hồng Trên Cát” kể lại chuyện hoạt động của một số cán bộ nằm vùng cộng sản. Đó là anh hai bí thư huyện ủy Tam Kỳ Đỗ Thế Chấp, người được Vũ Đức Sao Biển tôn sùng là có tài, hoạt động trong vùng quốc gia xuất quỷ nhập thần, móc nối hai anh em ruột là Nguyễn Lương Ý và Nguyễn Lương Y, (tên nhân vật là Ngọc và Ngà) hoạt động nội tuyến và len lõi vào phong trào sinh viên học sinh tranh đấu để giựt dây hay lèo lái cuộc đấu tranh của sinh viên theo chiều hướng có lợi cho cộng sản. Còn có một Nguyễn Lương Vỵ, con của Nguyễn Lương Ý, cũng là một thanh niên hừng hực lửa đấu tranh trong những ngày tháng trước năm bảy lăm. Trong truyện, Vũ Đức Sao Biển cũng còn mô tả cảnh một sĩ quan quân đội quốc gia, như Trung Tá Nguyễn Ngọc Nghĩa, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Quảng Tín, là một tay hung đồ, ăn nói táo tợn, ra lịnh cho lính tráng dưới quyền hà hiếp dân đen, giết người như ngoé.

Đây là một truyện tuyên truyền, minh hoạ, tâng công, kiếm điểm với Việt cộng của Vũ Đức Sao Biển. Năm 1984, sau khi đi tù cộng sản về, tình cờ tôi đã đọc truyện này ở đâu đó, tôi phẩn nộ vô cùng.

Vì Vũ Đức Sao Biển đã viết một truyện sai sự thật hoàn toàn. Vì tôi đã sống ở quê hương

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)


Tam Kỳ, đã biết các anh Nguyễn Lương Ý, Nguyễn Lương Y và Nguyễn Lương Vỵ với vụ án hoạt động nội tuyến này.

Cái gì cuối cùng cũng đi đến một kết quả với sự thật của nó, nhân vật anh hai bí thư huyện ủy mà Vũ Đức Sao Biển đã viết về ông Đỗ Thế Chấp như thần tượng, thì sau ngày ba mươi tháng tư bảy lăm, tay này về làm Bí Thư Huyện Ủy Tam Kỳ, đã tham nhũng, hối lộ tiền vàng trong vụ đánh tư sản, phải bị mất chức và đã chết vì bịnh sau đó một thời gian ngắn. Chuyện này nhân dân Tam Kỳ ai cũng biết. Còn Nguyễn Lương Vỵ, tức nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, nay đã qua Mỹ, đã bỏ chế độ ấy mà đi.

Vũ Đức Sao Biển trước bảy lăm, là một giáo viên dạy học, sau bảy lăm bị Việt cộng cho về vườn, anh về sống lây lất ở vùng ven Sài Gòn, thuộc quận Nhà Bè, làm nghề câu cá, đặt ống trúm bắt lươn kiếm ăn. Sau đó được Huỳnh Bá Thành tìm về, cho làm ở tờ báo Công An Thành Phố…nên Vũ Đúc Sao Biển đã viết nhiều bài ca tụng Huỳnh Bá Thành, xem Huỳnh Bá Thành là ân nhân đã vớt Vũ Đức Sao Biển lên từ vũng lầy đen tối.

Huỳnh Bá Thành trước bảy lăm tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, có viết và vẽ biếm hoạ ở tờ nhật báo Điện Tín, lấy tên là hoạ sĩ Ớt, là một Việt Cộng nằm vùng chính cống, là Việt cộng thứ thiệt. Sau bảy lăm đeo lon thiếu tá công an Việt cộng, y đã thẩm vấn biết bao nhiêu văn nghệ sĩ miền Nam bị tù trong vụ “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” như Duyên Anh, Dương Hùng Cường…Vũ Đức Sao Biển đã viết một bài đăng trên báo Công An, kể lại ơn mưa móc của Huỳnh Bá Thành đã vớt đời anh lên. Tôi đọc bài này thấy sao anh này lại hèn thế kia. Sao chàng nhạc sĩ này đến độ bi thảm thế kia. Sau khi Huỳnh Bá Thành chết, Vũ Đức Sao Biển bị thất sũng và anh bị loại ra khỏi báo Công An Thành Phố.

Sau này, Vũ Đức Sao Biển còn viết một vài cuốn phóng sự nữa, ca tụng việc hợp tác hóa nông nghiệp, công nghiệp của chế độ xã hội chũ nghĩa. Những quyển sách này không có giá trị gì. Tôi nghĩ, có lẽ cuộc sống quá khó khăn nên đã đẩy đưa anh trở thành một văn nô cho Việt Cộng.

Tôi gặp Vũ Đức Sao Biển tình cờ trong một bữa tiệc ở nhà người bạn, ngày tôi về Sài Gòn. Vũ Đức Sao Biển không lam lũ như một số anh em văn nghệ sĩ âm thầm khác, họ tìm cách sống, không viết bài ngợi ca chế độ, như các nhà văn Nguyễn Thụy Long, Văn Quang, Lê Xuyên. Như các nhà thơ Lê Ký Thương, Phù Sa Lộc, Nguyễn Bạch Dương. Có nhà văn Mường Mán, có truyện được in hoặc đóng thành phim, nhưng không viết văn ca tụng chế độ như Vũ Đức Sao Biển. Chỉ có Vũ Đức Sao Biển là sống ung dung nhờ ngoài bút toàn thời gian và được chế độ tin cậy. Trong cái cạc visit Vũ Đức Sao Biển gởi cho tôi, anh ghi: Nhạc Sĩ Vũ Đức Sao Biển, báo Pháp Luật. Thì anh đúng la văn công cộng sản thứ thiệt rồi.

Lần gặp gở ấy, tôi có nói chuyện vơi Vũ Đức Sao Biển, dù nói thật mất lòng nhưng tôi vẫn nói, tác phẩm còn lại của anh để được nhớ đến, chỉ là Thu, Hát Cho Người, Điệu Buồn Phương Nam và Đêm Gành Gào Nghe Điệu Hoài Lang là Chấm hết. Còn những truyện kia, loại văn chương kia, không biết đọc lại anh có mắc cở và nhục nhã không? Những lời thơ ca tụng Stalin, của Tố Hữu, nay đọc lên nghe buồn cười quá đổi, khi biết sự thật rành rành về một tên giết người, Stalin, người đã đưa mấy chục triệu dân Nga đi đày ở vùng Tây Bá Lợi Á đến chết. Còn Vũ Đức Sao Biển với “Hoa Hồng Trên Cát”, viết ca tụng những tay cộng sản nằm vùng, rồi khi chiến thắng, có chức, có quyền, thì tham nhũng, hối mại quyền thế, không biết khi đọc lại, anh cảm thấy thế nào đây?

TRẦN YÊN HÒA

03/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn