BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quà Tết

25 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 1675)
Quà Tết
51Vote
41Vote
32Vote
21Vote
10Vote
3.45
Hoàng Liên Sơn ngày... tháng...năm...

" Em và các con thương yêu.

Anh viết thư nầy là thư thứ hai kể từ ngày anh đi trình diện học tập cải tạo. Thế mà cũng hơn hai năm rồi mình xa nhau. Anh vẫn khoẻ, lao động tốt, học tập tốt. Em đừng lo cho anh. Ở nhà em ráng giữ gìn sức khoẻ và nhớ tham gia tích cực các công tác của xã ấp đề ra.

Sẵn đây, Tết sắp đến, Ban Chỉ Huy Trại có cho phép các cải tạo viên được phép thăm nuôi và nhận quà, anh gởi về em mẫu giấy phép nầy để em xin phép xã đi thăm anh và nếu có thể được em mua cho anh mấy món sau đây :

Đường 3 ký

Bột gạo 3 ký

Mì gói 2 thùng...

và các loại thuốc chữa bịnh sốt rét, cảm cúm, kiết lỵ....thêm một bịch thuốc lào.

Ở đây Ban Giám Thị Trại đã lo cho các cải tạo viên đầy đủ, nhưng có được gia đình phụ thêm thì tốt." TB: Anh rất hiểu hoàn cảnh của gia đình mình, nếu em bận quá không đi thăm anh được thì em ra Bưu Điện gởi quà cho anh cũng được. Thương Nhớ em và các con lắm"

Tuyền nhận được thư Nhạc ngày hôm qua, cô thẫn thờ suy nghĩ, không biết lấy tiền đâu để đi thăm nuôi và mua quà cho chồng đây. Ba đứa con nheo nhóc đã làm Tuyền mệt ứ hơi, chúng vừa tuổi ăn tuổi lớn. Từ ngày Nhạc đi trình diện học tập, trước khi đi, anh đã dặn dò cô đủ thứ : " Ở nhà em đừng lo lắng gì cả, anh đi 10 ngày là anh về thôi, em ở nhà nhớ trông các con kỹ lưỡng nghe " . Tuyền vẫn đinh ninh như thế và nơm nớp đợi chờ. Thế rồi cô chờ từ ngày nầy qua ngày khác, tháng nầy qua tháng khác. Nay đã hơn hai năm. "Anh đi hai năm rồi, Tết không có anh ở nhà gần em và các con, em buồn tủi và cô đơn qua"'. Nhưng rồi từ từ cuộc sống đã vùi dập Tuyền. Từ một cô giáo, Tuyền bị "mất dạy" vì có chồng là sĩ quan nguỵ, cô dắt các con khăn gói trở về quê cũ. Quê cũ của cha mẹ Tuyền là một vùng quê đất toàn cát trắng. Ở đây chỉ trồng được khoai lang. Tuyền vào hợp tác xã khoai lang, ngày ngày ra ngoài trảng cát dầm mình dưới nắng trồng khoai, tiền công được tính bằng công điểm ghi trên sổ sách. Đến kỳ thu hoạch, Hợp Tác Xã mới phát gạo cho gia đình theo tiêu chuẩn. Gạo ăn có mấy ngày là hết. Tuyền đói, con đói, cô lại khăn gói bồng bế con bỏ xứ mà đi.

Còn một lượng vàng cuối cùng, Tuyền bán đi một nửa, che một căn nhà nhỏ bên hông ga xe lửa An Mỹ, quê của Nhạc, dự định buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày, đợi Nhạc về.

Từ ngày có cái quán bên sân ga, Tuyền mua những mặt hàng thông dụng để bán cho khách đi tàu, trà đá, kẹo đậu phụng, mì gói, thuốc rê... Còn ba đứa con thì theo lên tàu bán nước ngọt, bán trà đá, kiếm thêm chút đỉnh phụ mẹ, để có miếng cơm mà bỏ vô miệng chứ một mình Tuyền làm sao mà lo cho xuể.

Tuyền nghĩ " Dù gì mình ở ngoài cũng chạy vạy được, xoay xở được chút đỉnh, chứ Nhạc ở trong tù, trong vòng đai kẽm gai có súng của vệ binh đi kèm thì bó tay. Mà trong lúc cả nước đang đói, chắc chắn trong tù sẽ đói hơn. Tuyền chưa gặp lại Nhạc từ ngày anh đi, nhưng cô biết chắc là anh sẽ ốm lắm. Nghĩ đến điều nầy, tự dưng nước mắt Tuyền ứa ra.

Buổi tối, ba đứa con đi bán nước trên tàu trở về, đứa nào đứa nấy cũng mồ hôi mồ kê nhể nhại. Thằng Tài nói với con Duyên :


-" Em hôm nay bán không được bao nhiêu hết, ông kiểm soát viên đá đỗ hết bình nước của em." Con Duyên cũng rầu rỉ nói với Tuyền :

-" Độ rày bán nước trên tàu khó lắm má à, mấy ông kiểm soát viên cứ hăm đuổi con xuống tàu hoài, không xuống mấy ổng đá đỗ hết nước."

Thằng Đại tiếp lời :

- " Chắc con phải đổi nghề quá má, con thấy đi bán cà rem dạo mà khá hơn, con sẽ mua một thùng cà rem rồi đi bán dạo trên các vùng xa, chắc là bán được, má ha ."

Tuyền thấy các con than thở, Tuyền đau quắt cả lòng. Thật tình cô chỉ muốn một mình cô tảo tần thôi. Các con còn trẻ dại, tuổi nầy là tuổi cắp sách đến trường. Thời thế nhiểu nhương, đổi đời, nên mọi việc cũng đổi, cô giáo thầy giáo bỏ bục giảng xuống đường đi buôn, còn thầy cô giáo "cách mạng " mang dép râu, bận áo bỏ ngoài quần, đứng trên bục giảng, nhiều khi họ viết chính tả không thông, ăn nói lụp chà lụp chụp. Đổi đời rồi sao ? Nhiều khi Tuyền hoảng hốt thấy mình chống chọi được với cuộc sống, nuôi ba đứa con được cũng là một phép lạ. Sức sinh tồn của con người thật cao quá đỗi.

"Thăm nuôi" . Anh ơi, làm sao em đi thăm anh được đây, em nhớ anh quay quắt từng ngày, từng giờ, nhưng làm sao em dứt ba đứa con để ra Bắc thăm anh. Dù đi chịu khổ chịu cực bao nhiêu em cũng cam đành, nhưng mà lấy tiền đâu, em buôn bán chỉ đắp đổi qua ngày, có ngày phải ăn toàn khoai lang, khoai mì, cho đở đói. Anh biết không, em khổ quá anh ơi." Tuyền cầm lá thơ mà than thầm trong bụng.

Chuyện thăm nuôi và gởi quà cho Nhạc đã ám ảnh Tuyền suốt cả tuần lể nay, ngồi ở đâu, làm việc gì cô cũng nghĩ đến chuyện nầy. Chắc Nhạc trong tù mong đợi cô lắm, "anh đói lắm phải không anh, anh bịnh hoạn lắm phải không anh, em nghe nhiều người nói, tù nhân được cho ăn gạo Trung quốc, loại gạo tích trữ cả mấy năm ở trong rừng nên không còn chất cám, tù nhân ăn vào ai cũng bị phù thủng, anh có bị không. Rồi những cơn bịnh hiểm nghèo như sốt rét, kiết lỵ, cũng đã giết chết biết bao nhiêu sinh mạng người tù. Em nghe nói mà ớn lạnh da gà, nghĩ mà thương anh quá. Nhưng em cũng đang khổ, em không có tiền, em còn ba con dại. Anh tha thứ cho em."

Chuyến tàu chợ Diêu Trì - Đà Nẵng chạy chậm chạp vào ga An Mỹ, tiếng thở khò khè như một con vật khổng lồ đang trườn tới. Khu sân ga tấp nập náo nhiệt hẳn lên. Đây là một ga nhỏ, chỉ có những chuyến tàu chợ mới ngừng. Hành khách là những người di chuyển trong tỉnh, hay sang tỉnh lân cận. Còn phần đông là đám đi buôn. Họ là những người chuyên đi buôn theo tàu. Từ Đà Nẵng, họ vào Quảng Ngãi, Tam Quan, Bồng Sơn, mua rượu, gạo, thuốc lá, về bán cho các bạn hàng ở Tam Kỳ, Hà Lam. Nghĩa là ở đâu hàng hoá có giá hạ thì họ mua, chuyên chở tới những nơi có giá cao hơn thì bán. Công việc nặng nhọc vất vả vô cùng, họ có những đầu mối chân rết làm ăn liên kết với nhau, luôn luôn đối diện với công an kinh tế và quản lý thị trường, cho nên họ biết hết những tên có máu mặt trên tàu, để họ lúc cần thì chạy chọt, để khỏi phải bị bắt hàng. Hàng của đám buôn chuyến nầy nếu nói theo chính sách của nhà cầm quyền đương thời là cái gì cũng quốc cấm, rượu, gạo, thuốc lá đều là quốc cấm,. nên đi buôn thổ sản từ tỉnh nầy sang tỉnh khác mà coi như đi buôn lậu, có khi mất cả chì lẫn chài.

Tàu dừng lại, đám người buôn chuyến thả hàng xuống, đám khuân vác bu quanh chuyển hàng đi, sân ga từ từ trở lại im ắng khi con tàu rời ga. Ga nhỏ với những chuyến tàu qua lại hàng ngày, hàng đêm. Tuyền đã ở đây được gần một năm, chứng kiến biết bao những cảnh người đến rồi đi. những chuyến tàu không mong đợi.

Khanh, người đàn bà buôn chuyến mà Tuyền quen biết, sau khi chuyển hết số hàng của mình, Khanh vào quán Tuyền kêu một ly trà đá. Tuyền đon đả hỏi :

-"Gần Tết rồi chị Khanh đi hàng đắt dữ há. Chắc kiếm lời bộn nghe."




Khanh cười cười :

- " Nghề nầy được đó rồi mất đó cô ơi, tụi công an kinh tế, thuế vụ, quản lý thị trường đâu có để mình yên. Đi hàng trót lọt ba bốn lần, chắc chắn là phải dính một lần. Tụi nó theo dõi mình sát nút mà, mình làm là để nuôi bọn nó thôi."

Rồi Khanh cúi đầu hỏi nhỏ Tuyền :

" Tết đến rồi, có tin tức gì của ông xã không ?"

Tuyền nói hoàn cảnh mình :

- " Em mới nhận được thư ảnh gởi về hôm qua, ảnh ở tận ngoài Bắc lận chị à, ảnh cho biết là trại cho thăm nuôi mà em lấy tiền đâu đi thăm ảnh đây. Khổ quá ."

Mỗi khi nói đến hoàn cảnh mình là Tuyền lại khóc, nước mắt cô ràng rụa. Khanh cầm tay Tuyền an ủi:

-"Thấy hoàn cảnh của em ai cũng thương. Nhưng ở đây, em thấy đó, ai cũng khổ rạt nguời ra, có ai giúp được ai đâu. Em thấy chi đi buôn đầu tắt mặt tối suốt ngày, suốt đêm, ăn bụi nằm bờ như thế nầy mà chỉ kiếm lời được chút đỉnh. Hay là em xoay vốn đi hàng với chị một chuyến, vô Tam Quan, Bồng Sơn, Đức Phổ mua gạo đường, rượu, thuốc lá ra Đà Nẵng, Tam Kỳ bỏ mối. Em đi một chuyến thôi để lấy tiền lời mua cho Nhạc ít quà chớ ở trong đó chắc ảnh đói lắm."

-" Mà em lấy đâu ra vốn đây, làm ngày nào lủm ngày đó đâu có dư chị."

-" Thì chị cũng biết rứa, nhưng chị thì không có dư vốn rồi, nếu em xoay xở được ở đâu đó thì chị chỉ vẽ cho em cách lấy hàng bỏ mối kiếm lời "

Tuyền nghe trong lòng rộn lên niềm mơ ước. Đi buôn chuyến như những người đàn bà kia. Họ tất bật nhưng họ lúc nào cũng rủng rẻng tiền ra tiền vào. Tuyền nghĩ đến bốn chỉ vàng cô còn, coi đó như một vật gia bảo không giám đụng đến. Làm cái chòi ở mất năm chỉ, mua hàng vặt vãnh để bán mất một chỉ, còn lại bốn chỉ cô cất kỹ. Tuyền tính đợi đến ngày Nhạc về, cô sẽ mua cho anh một chiếc xe đạp để anh chạy xe thồ, kiếm tiền giúp mẹ con cô sinh sống. Nhưng đến cơ sự nầy thì có nên bán bốn chỉ vàng cuối cùng nầy để làm vốn đi buôn không đây ? Hay là mình liều một chuyến, có gan làm giàu, mà chuyến đi buôn nầy là cho Nhạc đây, anh đừng trách em anh nghe. Em sẽ mua cho anh những gì anh dặn, những gì anh cần thiết.

Tuyền nói với Khanh :

-"Chị để em chạy thử được chút vốn nào không ? Nếu có thì chị chỉ vẽ em đi buôn với nghe, em không quên ơn chị đâu."

Khanh nói xã lã :

- " Ơn với nghĩa gì em, mình khổ mình giúp nhau kiếm miếng cơm củ khoai thôi mà, em đừng lo".

Gần một năm làm cái quán bên sân nhà ga An Mỹ , hàng ngày nhìn những bạn hàng buôn đường dài lên tàu, xuống tàu, nhưng có khi nào cô chú ý, để tâm. Hình như trong lòng cô luôn có một chủ đích là, cố sống cho được để chờ ngày Nhạc về, Tuyền không muốn hay không dám bon chen vào trong trường đời với bao nhiêu chông gai cạm bẫy đó. Tuyền vẫn biết đi buôn đường trường chắc chắn sẽ có biết bao nhiêu là cạm bẫy đến với cô. Nhưng đến nước nầy thì Tuyển không thể ngồi đây bán mỗi ngày mấy món giải khát sơ sài, tiền lời chỉ mua được mấy lon gạo.




Đêm hôm đó Tuyền lục vào khe gỗ gần sát giường nằm của bốn mẹ con, Tuyền lấy ra bốn chỉ vàng được gói kỹ trong miếng vải. Sáng hôm sau Tuyền đạp xe đạp thật sớm xuống thị xã Tam Kỳ, vào tiệm vàng Kim Đô bán, đó là gia tài duy nhất còn lại của gia đình.

Chị Khanh và Tuyền đáp chuyến tàu chợ 5 giờ sáng từ ga An Mỹ vào ga Diêu Trì, chị Khanh dặn : - " Gần Tết rồi nên người đi buôn đông lắm. Em phải lanh lẹ nhảy theo tàu và chuyển hàng cho thật nhanh. Chuyến nầy mình sẽ xuống ga Tam Quan mua gạo, rượu nếp và thuốc lá. Thuốc lá "Con ngựa trắng" bán rất chạy ngoài mình. Chị có mối mua nhưng đem về rất khó. Tụi quản lý thị trường và thuế vụ thấy khả nghi thì kiểm soát ngay."

Tuyền im lặng nghe lời, vì cô biết chị Khanh thương cô, thương hoàn cảnh một nách ba đứa con của cô, có chồng ở tù tận ngoài miền Bắc xa lắc lơ, chứ thật ra trên thế gian có câu " thà cho một lượng vàng chứ không ai dẫn đàng đi buôn." Tuyền biết thế và thầm biết ơn chị Khanh lắm.

Tàu vào ga Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ rồi đến Bồng Sơn, Tam Quan. Ở đâu người lên kẻ xuống cũng tấp nập. Bạn hàng buôn chuyến nhảy lên tàu kèm theo bao bị chất đầy cả toa, khói bụi mịt mù, chẳng ai nể ai, đi tàu chợ thì phải chịu cảnh nầy.

Đến ga Tam Quan, chị Khanh xuống tàu, những bao hàng của chị cũng được thả xuống theo, nằm lăn lóc hai bên đường rầy. Chị là dân buôn quen nên đến ga nào cũng có một số đàn em làm công việc bốc vác. Chị đi buôn hai chiều nên cứ hàng ra hàng vào. Khi Tuyền xuống tàu thì hàng hoá của chị Khanh cũng đã được phân tán. Chị dẫn Tuyền theo giới thiệu những mối quen của chị và chỉ cho Tuyền cách bổ hàng. Chị dặn dò Tuyền :

- " Em đừng ngại bạn hàng ở đây gian manh tráo hàng hay hàng không đủ số. Họ làm ăn quen nên rất tôn trọng chữ tín. Có qua có lại mà em, mình kiếm miếng cơm thì người ta cũng kiếm chút cháo. Chỉ sợ bọn công an kinh tế hay bọn quản lý thị truờng, ăn của mình đó rồi trở mặt đó. Với bọn nầy thì không tin nổi nhưng muốn làm ăn trót lọt thì mình phải chìu họ, phải chịu đựng thôi."

Số tiền bán 4 chỉ vàng Tuyền đã lấy hàng hết, cô dành lại mấy trăm ngàn để đề phòng khi công an l àm khó dể thì " tọng vô miệng chúng" . Chị Khanh bảo sao Tuyền nghe vậy, cô như con nai tơ đứng giữa chợ đời.

Khi lấy hàng thuốc lá, chị Khanh kề tai Tuyền nói nhỏ :

- " Thuốc "Con Ngựa Trắng " nầy là thuốc bán chạy nhất ở Đà Nẵng, em lấy thử hai túp đem về Tam Kỳ bỏ mối, một lời một đó em, nhưng đây là hàng được xem là quốc cấm nên khó đi, công an thuế vụ lưu ý. Em mới em đi lần đầu chắc bọn chúng không để ý đâu. Em mở ra từng bao và bó vào trong chân. Để chị chỉ cách cho. Nếu hai túp thuốc nấy đi trót lọt thì em có tiền mua quà cho Nhạc rồi."

Chị Khanh dẫn Tuyền vào trong buồng của người bạn hàng, rồi bắt Tuyền xắn quần lên, những bao thuốc được bó vào trong một bao nylong trải ra, xong chị bó quanh sát hai bên đùi. Tuyền nghe nhột nhạt quá, đi đứng khó khăn, nhưng chị Khanh đã trấn an Tuyền : " Khi lên trên tàu em ngồi một chỗ, không khó khăn gì lắm đâu."

Cả hai đợi chờ chuyến tàu chợ quay ra. Hàng hoá sẽ chất lên chuyến tàu nầy.

Tuyền ngồi vừa lơ mơ ngủ thì nghe có nhiều tiếng la hét ở phía toa tàu chở hàng, cô tỉnh ngủ hẳn. Công an kinh tế và quản lý thị trường thị trấn Đức Phổ ùa lên toa. Họ chắn giữ các cửa ra vào và đóng sập các cửa sổ lại. Tàu chậm chạp tiến vào ga Đức Phổ.

Chị Khanh ở toa tàu bên kia hớt hải chạy đến khèo tay Tuyền :

- " Nguy rồi em ơi. Bọn công an và quản lý thị trường ra lịnh cho tàu ngừng lại và và có lệnh " sạt " hàng hoá xuống. Chắc chúng nghi ngờ gì đây. Tổ cha nó, tết nhứt đến nơi rồi mà chúng cũng không để cho dân chúng kiếm miếng cơm ăn Tết."




Tàu ngừng, tiếng tu huýt thổi lọan xà ngầu, công an kinh tế mặc sắc phục và đeo xắc cốt, còn quản lý thị trường thì bận đồ dân sự. Mặt ai nấy cũng hằm hè như đang thi hành một vụ án lớn lắm. Họ lên tàu và ra lệnh cho đàn em thả hàng xuống. Hàng hoá của bạn hàng buôn chuyến, những thứ gì chúng nghi ngờ đều bỏ xuống, " Sạt tàu" một danh từ gây kinh hoàng cho bọn con buôn biết bao nhiêu.

Tuyền kinh hãi khi thấy những hàng hoá của mình bị dở xuống nằm lăn lóc trên sân ga. Một chiếc xe cảnh sát cũ dừng một bên và tất cả hàng được đưa lên xe, chở về đồn công an. Bạn hàng đi buôn nhốn nháo, kẻ chạy chỗ nầy kẻ chạy chỗ kia coi thử hàng mình có bị sạt xuống không. Chị Khanh chạy chạy đi, một chặp lại chạy đến bên Tuyền nói :

- " Thật xui tận mạng rồi, hàng chị cũng bị sạt xuống hết một phân nửa, Thôi em phải xuống về đồn, cùng lắm là đóng thuế."

Tuyền bước xuống tàu và đi khập khiểng. Lúc nầy cô quên bẵng đi cô đã bó trong chân hai cây thuốc. Một nhân viên quản lý thị trường đến trước mặt Tuyền ra lệnh :

" Chị kia, chị xắn hai ống quần lên coi."

Đến lúc nầy thì Tuyền chỉ biết làm theo như cái máy. Khi ống quần được xắn lên, hai cây thuốc bó quanh lộ ra . Người công an kinh tế gần đó lên tiếng nạt nộ :

-"Chị buôn thuốc lá lậu, hãy lấy hết ra và về cơ quan công an làm biên bản x" lý. Thuốc nầy phải bị tịch thu."

Tuyền lên xe công an đậu trước nhà ga cùng với Khanh và bốn người đàn bà khác. Cô lặng thinh như người mất hồn, những người đàn bà kia vừa khóc, vừa kêu oan kêu khổ. Khanh im lặng ra dấu cho Tuyền đừng lo lắng lắm. Chị nói nhỏ vào tai Tuyền " Em đi chuyến đầu mà xui quá, nhưng còn nước còn tát, để chị tìm cách chạy thuốc cho."

Cơ quan công an kinh tế là một căn nhà thấp, có vẻ tạm bợ. Nơi đây chỉ dùng chứa những hàng hóa mà công an và quản lý thị trường bắt được từ trên tàu lửa, đem về đây, hoặc đóng thuế hoặc tịch thu. Khi Tuyền được kêu vào thì thấy hàng hoá của mình đã để ngay trên sàn nhà rộng, nào là rượu, gạo và 2 túp thuốc lá. Người công an kinh tế ngồi sau cái bàn thấp. Gã nhìn chằm chằm vào mặt Tuyền nói :

-"Hàng hoá chị toàn là thứ quốc cấm, tất cả đều phải bị tịch thu. Chị ký vào biên bản nầy."

Gã chìa ra trước mặt Tuyền một tờ giầy đã viết sẳn, cô đọc thoáng qua, đó là những món hàng cô đã mua. Tuyền im lặng ký vào không nói một lời. Gã công an nhìn cô với vẻ kỳ lạ. Trong lúc những người khác bị bắt hàng đang năn nỉ ỉ ôi, còn Tuyền, đến lúc nầy cô thấy mình không có gì để nói, dù số hàng nầy là vốn liếng cuối cùng còn lại.

Khi Tuyền trở lại ga Đức Phổ để đợi chuyến tàu chợ trở về ga An Mỹ, thì chị Khanh cũng đang hớt hải tìm cô. Chị Khanh nói vào tai Tuyền :

- " Chị có "đường dây chạy thuốc" rồi. Khi em ra về chị vào trong gặp thằng công an quen, nó nói tối nay tụi nó cúng tất niên, muốn mời em và chị đến dự. Chắc nó thấy em đẹp nên muốn mời em vậy mà. Không sao đâu, tụi nó chị rành quá mà, đồ dê già cả, nhưng chắc cũng chỉ chấm mút chút đỉnh thôi, em bằng lòng nghe."

Đến lúc nầy Tuyền mới bình tĩnh trở lại và cô thấy cuộc đời mình sao quá đen đủi như vậy. Số vốn liếng cuối cùng cô đã bỏ ra cho chuyến hàng nầy, nếu mất đi lấy đâu mà xoay xở những lúc cần thiết, ốm đau. Nhng đứa con cô còn nhỏ quá. Nghĩ vậy cho nên bằng bất cứ giá nào cô cũng phải lấy số hàng lại, để coi tụi công an sẽ đối xử với cô ra sao đây.




Khanh hỏi Tuyền :

-"Em chịu không để chị nói với người ta ?." Tuyền trả lời giọng lạnh ngắt :

-"Em đi theo chị, chị nói sao thì em nghe vậy."

Bữa tiệc tất niên mà chỉ có 2 người đàn ông, một là trưởng công an kinh tế khu vực ga Đức Phổ, và một là trưởng toán quản lý thị trường cũng tại địa phận trên. Hai người ngồi trên 2 sofa dài được lót bằng nệm simali màu nâu láng. Thức ăn dọn trên bàn gồm có một con gà luộc, hai đĩa thịt heo luộc lớn, hai đòn bánh tét, xôi, đồ xào thập cẩm, mì và cơm. Đây là một bữa tiệc được coi là thịnh soạn vì trong lúc cả nước đang đói, có cơm ăn với mắm hay rau cũng là điều đáng quý rồi, huống hồ gì bốn người ăn mà thịt rượu ê hề như thế nầy. Người công an kinh tế dáng người thấp, nước da đen sạm, tóc hớt cao hất ngược về phía sau. Còn viên quản lý thị trường cao, gầy, dáng lênh khênh. Cả hai đang rót rượu cụng ly với nhau, chờ đợi.

Đây là một sắp đặt. những tay em cả hai đã cho về hồi chiều. Sau khi người trưởng công an trông thấy Tuyền ở chỗ tịch thu hàng là gã đã kết ngay. "Vợ sĩ quan nguỵ " là miếng mồi ngon. Đã một thời các bà lên xe xuống ngựa nên ai trông cũng mảnh mai, đài các. Vợ sĩ quan ngụy, với gã, ai cũng trông "ngọt nước" vô cùng. Khi ngồi trong bàn làm việc, thấy Tuyền đứng khép nép ký vào biên bản tịch thu hàng hóa của viên công an kinh tế, nổi thèm muốn của viên trưởng công an dâng lên. Chuyện nầy, gã đã "gài độ" biết bao nhiêu lần với nhiều người đàn bà, gã thường nói " cách mạng khoan hồng " tha không bắt hàng hoá của bất cứ ai, gã sẽ cho những người đàn bà có hàng bị công an bắt được lãnh hàng lại, nhưng hàng chỉ được trả về cho khổ chủ sau khi người chủ hàng phải "vui vẻ " với gã. Thế nào gã cũng được đền bù, bằng tiền hay bằng tình. Mà gã thích tình hơn. Nhìn những bóng dáng đàn bà xuân sắc kia, có một con hoặc hai ba con cũng được, nhưng dáng dấp phải mãnh mai, nụ cười đẹp, là gã nổi lên cơn thèm khát. Cuối cùng lần nào gã cũng đạt được toại nguyện.

Lần nầy, hồi sáng khi bắt hàng, gã chấm Tuyền và sau đó đã kêu Khanh vào ra điều kiện :-"Như mấy lần trước, cô Khanh muốn lấy hàng của cô và cả của cô em lại, thì tối nay dẫn cô em cùng đến đây. Chiều nay cơ quan cúng tất niên, chỉ còn lại tôi với anh trưởng ban quản lý thị trường thôi. Hai cô đến nhe ."

Khanh biết tên nầy mồi chài Tuyền, dù trước đây mấy tháng Khanh cũng đã bị bắt hàng và bị nó phục rượu để ngủ với nàng. Nhưng Khanh là dân buôn chuyên nghiệp, chuyện nầy cũng là chuyện thường gặp thôi. Với lại Khanh thì lớn tuổi và goá chồng. Lần nầy gã công an không màng đến Khanh nữa, mà kết Tuyền. Khanh phải bỏ nhỏ với Tuyền :

-"Kệ nó em, nhắm mắt qua truông chứ mình đâu muốn vậy. Bây giờ hàng của mình nó nắm trong tay, mình tới ngồi chơi với nó chút có mất mát gì đâu, cùng lắm là cho tụi nó xào khô, hun hít chút đỉnh thôi, em đừng lo. Em nên nhớ mất chuyến hàng nầy là Nhạc không có quà, còn mấy đứa nhỏ chỉ có nước đi ăn xin."

Khanh cố nói cho Tuyền an tâm, chứ bọn nầy là "hạm" là "trùm" mà làm gì tha cho người đàn bà đẹp như Tuyền được.

Khanh và Tuyền được tiếp đón một cách hậu hỷ, như đã chia phần, Khanh ngồi với gã trưởng ban quản lý thị trường còn Tuyền ngồi với người trưởng công an. Mỗi cặp ngồi trên một sofa. Đến tuần rượu thứ hai thì ai cũng ngà ngà, gã công an bế xốc Tuyền lên và vít cổ cô xuống hôn chùn chụt vào cổ, vào mắt, vào môi. Một cảm giác nhột nhạt tự dưng ùa đến với Tuyền. Tuyền không biết uống rượu mà khi cả ba người hiện diện đều nâng ly, cô đành đưa ly rượu lên môi hớp một miếng nhỏ cho có lệ, nhưng gã công an đã cầm ly của cô chúc vào miệng cô, gã nói oang oang " Dô dô đi em, rượu Tam Quan chính hiệu, không thua gì đế Gò Đen đâu, uống một chút là em thấy bốc ngay". Khi Tuyền đã uống hết ly rượu và ho sặc sụa hì ba người kia cũng dô trăm phần trăm.




Đến lúc nầy thì Tuyền chỉ còn thấy lơ mơ những hình ảnh chập chờn, hình như Nhạc đang ở đâu đó, Nhạc ôm choàng lấy cô, cô mừng quá vội ôm chầm lấy Nhạc và môi kề môi. Tuyền nghe như có một bàn tay đang lần mở cúc áo cô rồi bàn tay xoa nhẹ lên đầu vú. Cảm giác làm Tuyền tê điếng, rờn rợn, hơn hai năm rồi phải không anh, em sống im lặng, âm thầm không có anh bên cạnh. Nhiều lúc chạnh nhớ đến anh lòng em cũng xôn xao, thèm khát, nhưng em cố gi" cho anh. Đến bây giờ cảm giác đó lại bùng lên, em ôm tấm lưng trần của anh, tấm lưng nóng hổi. Tuyền lờ mờ thấy Khanh ở sofa bên kia cũng đã nằm xuống, mù khuất, cùng những tiếng rên nho nhỏ, cô thấy mình được đặt nằm xuống một nơi nào đó êm ái lắm, Tuyền rớt vào một chốn sâu thăm thẳm, một nơi chốn hoan lạc, đam mê cùng cực. Rồi như có bàn tay ai đó cởi áo quần cô ra, lấy một chân kẹp kéo hai ống quần tụt ra khỏi chân cô, một cơn gió lạnh làm cô rùng mình. Một bóng người nằm đè lên, Tuyền dẫy dụa, quằn quại, nghe như mình trôi hút vào trong thinh không, cô lại ôm chầm, quấn quít, ghì siết tấm lưng trần, cấu xé, mê hoảng, rên rỉ, Bóng Nhạc xa dần, mất hút.

Trần Yên Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn