BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Thế Giới Tuổi Thơ Đến Tình Tự Dân Tộc

15 Tháng Sáu 197212:00 SA(Xem: 1995)
Từ Thế Giới Tuổi Thơ Đến Tình Tự Dân Tộc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Duyên Anh có chân dung của một con người tình cảm và thường xuyên chịu sự chi phối theo những biến thiên bất thường của tình cảm. Qua một vài lần tiếp xúc, ta có thể nhận ra con người dễ bị khích động trong con người Văn nghệ đa dạng của Duyên Anh mà tự tâm hồn ông như đã mang theo sự phá sản cùng những hỗn tạp hoài nghi, tin yêu, chán nản, đam mê và kể cả thành khẩn. Nhờ thế ta có thể hiệu được một phần những lý do nội tâm nào đã tạo nên một Duyên Anh, nhà văn của Tuổi thơ mang theo sự tha thiết và lòng yêu dấu. Rồi một Thương Sinh nếu nhìn phiến diện thì quả là một cây bút nguy hiểm vì cây bút ấy như con ngựa rừng, nó có đủ sự hoang hoại và bất kham để phi nước đại trên tất cả - kể cả những điều tốt đẹp tuy mong manh, Thương Sinh lại như muốn đập phá cho hết - và chỉ cần một khích động nhỏ - cơn "đập phá" sẽ nổ tung mang theo thứ nổi loại hỗn tạp và lên đồng. Chúng tôi cho rằng nó cũng chỉ là phản ứng qua chuỗi ngày dài dồn nén của tuổi trẻ. Nếu theo dõi diễn biến của cây bút Thương Sinh từ báo Xây Dựng (Tuồng mới kép cũ) đến Sống (Sống sượng) người ta sẽ dể dàng ngộ nhận ông là người cạn tàu ráo máng. Nếu Thương Sinh chỉ đơn sơ là một ký giả thì lẽ dĩ nhiên sự "đánh phá" của ông thuộc phạm vi hành nghề theo cá tánh của riêng ông. Và như thế sẽ không ai thiếu sự khôn khéo để tốn công đề cập đến hoạt động nghề nghiệp của một người. Nhưng tiền nhân Thương Sinh lại là một Duyên Anh mang dấu chân tài hoa của một THẰNG VŨ... Cũng bởi lý do đó người ta phải nói đến Thương Sinh như một cách để soi sáng thực chất Duyên Anh. Văn học cũng có quyền chỉ trích một cách nghiêm túc về con người Duyên Anh qua một hình thái Thương Sinh hay bất cứ một bút hiệu nào khác theo dấu tích Thương Sinh. Trong văn học, luật lệ vừa có tính cách phóng đãng của khách giang hồ mã thượng lại vừa nghiêm khắc và chân phương của một đạo sĩ phương Đông. Luật lệ bất thành văn của Văn học sẽ không thể chấp nhận tích cách "đập phá lung tung" và thiếu tập thành có chủ đích xây dựng - sự xây dựng trên thực chất của một người văn nghệ.

Khi giá trị văn phẩm của một nhà văn càng lớn bao nhiêu thì lại càng đòi hỏi nơi nhà văn một phong độ cẩn túc và minh đáng. Đã rằng, trong cái xã hội nhơ nhớp bẩn thỉu thì sự đập phá là sự cần thiết song sự đập phá của một nhà văn có văn nghiệp lại đòi hỏi một chủ đích cao hơn - một công trình vững chắc hơn nghĩa là phải vượt qua những "cơn nổi hứng", bất thường của tình cảm bất thường. Với những tế nhận sâu sắc, với cái duyen sẵn có trong nguồn văn và nhất là nhờ sự giàu có về ngôn ngữ trào lộng, người ta tự hỏi tại sao Thương Sinh không thể viết được những tiểu thuyết phóng sự hiện thực kiểu Giông Tố hay hoạt kê Số Đỏ? Nếu Thương Sinh làm được điều đó thì quả rằng, ông sẽ đóng góp một cách lớn lao cho cuộc cải cách xã hội trong tương lai. Và sự nghiệp văn của Duyên Anh không phải chỉ ở một THẰNG VŨ và thế giới tuổi thơ. Thực ra, nhiều điểm Thương Sinh đập phá đúng và cần thiết. Nhưng ông chưa đạt được cao điểm cho lối văn này cũng bởi vì nó không được đặt vào một công trình có hướng thượng với chủ đề và những tiêu chuẩn rõ rệt. Ông viết "đập phá" trong cái cảnh "ngày nào sào ngày ấy" - một thứ feuilleton - Người ta chê cây bút Thương Sinh là chê ở điểm đó. Hơn nữa như trên đã nói - Duyên Anh dễ dàng bị khích động - cả nghe - hay bốc đồng và nhiều mặc cảm (nhận xét qua văn) cho nên đã làm cho Thương Sinh mất sự thăng bằng - một điều kiện cần yếu cho những cây bút "đánh phá" - chính vì thế, làm cho người đọc có cảm tưởng ông không làm chủ được ngọn bút của ông. Ông khen và chê cũng đều theo sự nổi hứng. Tuồng mới kép cũ, trong thời gian 64 - 65, Thương Sinh viết như thế vừa đúng vừa kịp thời cũng như tiền Mẽo Sến Việt (Sống -:1966) - Viết như thế, không ai có thể phàn nàn về ông một điểm nào, vì nó là sự cần thiết quan hệ. Song khi Thương Sinh viết trên "Sống Sượng" (Sống) đã làm cho nhiều người nản Duyên Anh. Nếu xét văn nghiệp Duyên Anh một cách toàn bộ khởi từ một chủ điểm - Con người - tác giả - tác phẩm - Cây bút Thương Sinh đã làm mất mát khá nhiều những cảm tình quyết rũ của văn Duyên Anh. Sự thực ta khó có thể tách rời Thương Sinh và Duyên Anh chỉ vì Thương Sinh ký giả lại có thực chất của văn nghệ Duyên Anh nên tự nó đã gắn bóchặt chẽ với Duyên Anh của THẰNG VŨ, CỎ NON. Bằng một nhận định trong tương quan toàn diện ta sẽ nêu lên câu hỏi: Vậy Duyên Anh là người như thế nào để có một THẰNG VŨ, một HOA THIÊN LÝ? Qua tác phẩm của ông, ta có thể trả lời ông là nhà văn có lý tưởng có đủ chất sống nội cỏ, có đủ cái bén nhậy của trái tim Việt Nam thuần chất. Nhưng đồng thời ông lại quá nhiều mặc cảm - Ông trở nên quá khích giữa cái xấu và cái tốt cho nên tầm nhìn của ông cũng như nhân vật trong tiểu thuyết của ông tuy có sức mạnh về tinh thần nhưng vẫn bất an trong tâm thể - Có lẽ cái tâm thể ấy đã phải chìm đắm qua nhiều khúc mắc quanh co của đời sống để vui ít buồn nhiều và cuộc đời chỉ cho ông những xấu nhiều tốt ít và ông cô đơn trong đó. Cho nên gặp dịp tốt thì nó phải bộc phát nổ tung và nó đã nổ tung như một đột khởi - Không qua một giao đoạn chuyển tiếp - Vì lẽ rằng, Duyên Anh bước vào làng văn đã thành công một cách dễ dàng cũng như khi Thương Sinh vào làng báo ông đã có những may mắn đầu tiên. Và ông đã xử dụng "chưởng lực đập phá" cho nên cứ đà đó đi lên - ông không kìm hãm nổi - mà người thực tâm yêu văn Duyên Anh thì ai cũng ngần ngại không muốn tỏ bày sự thực, HOA THIÊN LÝ, THẰNG VŨ, BỒN LỪA là sự nổ tung của cái đẹp. Cây bút Thương Sinh là sự nổ tung của cái xấu trong một dồn nén cao độ. Nó là cơn uất của một người tình cảm và đa lự. Sự "đánh phá" của ông nó như thế nào thiết tưởng không cần đề cập nhưng không ai không nhận thấy nó ảnh hưởng không ít trong nghiệp văn của ông. Người ta cho rằng nếu Duyên Anh không gắn bó với một Thương Sinh thì Duyên Anh phải là một khuôn mặt văn nghệ tươi mát toàn bích. Cũng có thể nói một cách khác để biện minh lại rằng nếu Duyên Anh không có thêm một Thương Sinh thì chưa chắc Duyên Anh đã trở nên một Duyên Anh của tuổi thơ tươi mát. Vì một lẽ dễ hiểu, cái cơn uất trong người tác giả nếu ông không dồn sang cho Thương Sinh để có dịp xả hơi thì cơn uất ấy nó lại trở về Duyên Anh và sẽ không tiêu tán đi đâu khác hơn là lại dồn vào văn Duyên Anh. Như thế, tất sẽ không có cái tươi mát và hồn nhiên trong tiểu thuyết tuổi thơ của Duyên Anh. Song nói như thế cây bút Thương Sinh không phải là không có hại cho một Duyên Anh.

Ngay khi viết những giòng này về Duyên Anh, chúng tôi cũng phải đắn đo mãi. Bởi một khi nhắc đến Thương Sinh thì ai ai cơ hồ đều như muốn "né tránh". Sự né tránh rất người của một người muốn yên ổn sống hco hết sự an thân và yếu đuối của một người sống trong một xã hội mà trong đó chân giả đã hoàn toàn bị lẫn lộn. Trong chúng ta ai ai là người lại không sợ bị mang điều thị phi - nhất là sự bị thị phi trên giấy trắng mực đen và nhất là những người đã có một nghề nghiệp nhất định và đòi hỏi một chút thanh danh để làm ăn - ngay cả với vợ con cho nên lại càng phải "né" Thương Sinh. Tư thế của một nhà văn có sự nghiệp văn thì điều đó quả đáng trách. Một Thương Sinh ký giả viết lách thế nào cũng được người nhận định văn học tất không thể có tư cách nào xen vào tầm hoạt động nghề nghiệp của ông nhưng với điều kiện Thương Sinh ký giả hông lẫn lộn với Duyên Anh trên phương diện văn nghiệp với những sáng tác phẩm tươi mát của tuổi thơ như THẰNG VŨ - BỒN LỪA. Sự thực, về phương diện sáng tác Duyên Anh đã không để Thương Sinh lẫn lộn trong địa hạt cao quý này. Nhưng trước sau, Thương Sinh vẫn làm cho nhiều người phải ngần ngại Duyên Anh. Ở đây chúng tôi nói đến Thương Sinh cũng chỉ là một cách trình bày khuôn mặt của nhà văn Duyên Anh và nó sẽ chỉ như một cái cớ để ta có thể phân định một cách tương đối đầy đủ về toàn bộ tác phẩm của ông với một giá trị tiêu biểu đích thực qua một số tác phẩm tiêu biểu: HOA THIÊN LÝ, THẰNG VŨ, CỎ NON, BỒN LỪA, MÂY MÙA THU, ĐIỆU RU NƯỚC MẮT...

HOA THIÊN LÝ - Văn phẩm đầu tay của Duyên Anh xuất hiện vào năm 1963 đã mang theo sự ngỡ ngàng trong văn giới và người ta đã phải chú ý ngay đến tác giả và tác phẩm. HOA THIÊN LÝ không gây sự ồn ào sôi nổi và chỉ như ngọn gió nam giữa cơn nồng nực. Người ta tìm đọc nó cũng trong sự phiêu diêu mà không phải vội vàng. Rồi người ta nhận định về nó cũng một cách nhàn tản nhưng tâm hồn thì lại chìm sâu trong những rung cảm rất bén. Giữa sự ồn ào, phù phép và độc tôn phe nhóm của thời Văn học 1963. HOA THIÊN LYÙ xuất hiện mang theo nó sự cô đơn như chính sự cô đơn của tác giả. Nhưng thời gian trôi qua, tác phẩm cứ mỗi ngày một lớn. Và hôm nay, nó đã đủ tư thế đứng ngang với những tác phẩm thời danh - một GIÓ ĐẦU MÙA của Thạch Lam - QUÊ MẸ của Tô Hoài - NHỮNG NGÀY THƠ ẤU của Nguyên Hồng.

HOA THIÊN LÝ là một tập truyện ngắn với 10 truyện. Tái bản lần thứ ba trong vòng ba năm. Trong HOA THIÊN LÝ, đoản thiên CON SÁO CỦA EM TÔI là một truyện đắc ý hơn cả. Nói là đoản thiên cũng không được đúng - Đây là một trung thiên tiểu thuyết. Trong truyện này, sự diễn đạt tuy còn rườm rà vì ôm đồm rất nhiều chi tiết không cần thiết và cũng vì thế nó đã làm loãng chất chuyện vốn tươi tắn. Nhưng bù lại CON SÁO CỦA EM TÔI có đủ ưu điểm của một truyện hay trong những truyện hay. Mở đầu, tác giả viết những lời cảm động như thế này:

"Sau khi cha tôi mất, gia đình càng ngày càng túng bấn, một mình me tôi không đủ sức nuôi nấng hai đứa con mồ côi nơi thành thị nên mẹ đưa anh em tôi trở lại làng cũ. Bên nội xoá bỏ cha tôi trong gia phả vì cha tôi xé tờ khai sinh mà ông tôi cố tình điền tên tuổi vợ cả vào chỗ tên tuổi mẹ tôi" - Nỗi bất hạnh khôn gphải khởi từ khi cha anh qua đời. Trước hết anh bất hạnh vì mẹ anh chỉ là người vợ lẽ - một cuộc hôn nhân không giá thú, và ngoài vòng danh giáo. Cũng vì vậy "Ông ngoại tôi gọt hết tóc bôi vôi trắng xóa đầu mẹ tôi rồi mới đoạn tình phụ tưû "(trang 9). Bên ngoại thì như thế - Còn bên nội (mất hai trang...)

 

dung đơn sơ nhưng lại hàm dưỡng cảm xúc thật bén. Nó là một truyện không có Chuyện mà thành truyện.

 

"Mẹ tôi yêu Hoa thiên lý như yêu chồng con, chả biết màu xanh dìu dịu của lá và hương thơm nhẹ nhàng của hoa thiết tha là bao mà mẹ tôi âu yếm nó như thế". (trang 195)

Trong truyện này, ông đã bỏ qua được những chi tiết rườm rà - Dòng văn lại có tiết điệu như môt bài thơ xuôi - Tuy không có cốt truyện, không có cả một chủ đề nào cho truyện nhưng bản chất của nó - như hương thơm của hoa lý - lại trở thành bản chất của truyện qua cảm xúc thơ. Ở đó người tìm thấy bản chất của người mẹ để khám phá ra tiếng nói thầm của quê hương. Có thể nói cả tâm hồn của một bà mẹ việt Namđã thoảng hiện trong hương sắc của giàn hoa lý. Và ở đây, giọng văn của Duyên Anh cũng đạt được một công độ nhẹ và thoảng như hoa lý vì "Hoa lý đơn sơ lắm, nhưng hương thơm chỉ phảng phất mà tưởng như bền chặt đến muôn đời." - trang 167 - Nhưng tháng năm đã đổi dời. Đứa con của mẹ - xa mẹ - nhớ mẹ qua hình ảnh một giàn thiên lý - và tâm cảm thấy mẹ qua hương thơm hoa lý. "Ba bốn năm trời lưu lại miền Nam, cứ mỗi lần gió heo may rủ mùa thu sang thì tôi nao nao sầu cảm." - "giàn thiên lý quê nhà bây giờ héo khô tàn tạ... ở ngoài ấy người ta ngăn cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa mà kể truyện cho em tôi nghe (trang 172-173). Cái giọng u hoài mang theo tiếng ngân như một giòng tâm khuất đã lôi kéo người đọc vào vùng dư ba của thương nhớ.

Truyện thứ 10 - Khúc Rẽ Cuộc Đời - cũng vẫn một giọng thiết tha song diễn đạt thiếu phần truyền cảm. Tác giả không nắm được yếu tố chính nào để làm nổi bật bản sắc.

Trên Sông Tình Thương là truyện thứ 2 - tuy có đằm thắm song chỉ là sự đằm thắm của một phút sôi nổi. Truyện lại mang theo sự dài dòng của một người ưa kể lể. Giá trị của nó thuộc vào loại trung bình - Truyện thứ 7 - Người Có Tội thì thuộc vào loại truyện thường cho nên ta có thể nói, Hoa Thiên Lý là một tập truyện không đều tay - Nó bị cắt quãng bởi những giao động của nguồn sáng tác. Tác giả như bị hướng dẫn bởi chủ ý "văn như thơ - lời như ngọc" nên qua những truyện như Trên Sông Tình Thương ông đã mắc phải cái nhược điểm "làm dáng văn chương" - Cái nhược điểm đó, có lẽ phát nguồn từ cảm xúc say nồng của Nguyễn Tuân - đã ám ảnh trong Văn Duyên Anh kể cả văn phẩm sau Hoa Thiên Lý.

Nét sáng chói của toàn tập qua Con Sáo Của Em TôiHoa Thiên Lyù đủ tạo cho văn phẩm này có kích thích lớn của một bản sắc độc đáo - nặng phần nghệ thuật - sự trình diễn nếu có chỉ như là tình cờ. Như thế, Duyên Anh đã thành công một cách vững chắc từ bước đầu trong văn nghệ. Có điều đáng tiếc - nếu như tác giả chọn lựa kỹ - gạt ra khỏi Hoa Thiên Lý mấy truyện thường và nhạt thì tập truyện trên xinh xắn một cách hoài cảm...

 

-o0o-


 

Thằng Vũ - truyện dài - (190 trang - in lần thứ II - Búp Bê xuất bản - 1966) Thằng Vũ xứng đáng là một tác phẩm trên phương diện nghệ thuật. Một thứ lừa đảo của Văn Học Hiện Đại và chỉ một Thằng Vũ cũng đủ tư cách đặt Duyên Anh vào bàn nhất của tiểu thuyết hiện đại. Chúng tôi đặt Thằng Vũ ngay từ lần xuất bản thứ nhất. Cảm tưởng đầu tiên, tất nhiên là thích thú một cách say mê. Vì thế giới của Vũ là thế giới của nhân loại trên vùng hoa mộng của tuổi thơ, và người đọc tìm thấy tuổi trẻ của mình qua Vũ và qua những Vũ - Côn chân dung ấu thơ của mình đã được môt lần mộng du trên xứ thần tiên của hoa niên để vớt vát lấy một lần sống thực khi châu thân đã bị thất lạc trong lầm lũi của cuộc đời. Vũ là tiếng nói của một con người thực vì con người ấy còn trinh trắng rất người. Đọc Thằng Vũ, chúng tôi có cảm tưởng như chính mình được phục hồi tiếng nói qua vùng khát vọng của hoa niên. Tiếng nói của Vũ chưa bị nhiễm độc nghĩa là ngôn ngữ của tuổi thơ được nói bằng chính tâm hồn của tuổi thơ.

Vũ thuộc gia đình trung lưu - mồ côi Mẹ. Cha làm nghề thương mại - Mẹ ghẻ của Vũ là một người biết điều và thương yêu Vũ cũng như Khoa - đứa con trai duy nhất của bà. Vũ cũng yêu thương mẹ ghẻ như chính mẹ của cậu và yêu Khoa như người em ruột cùng trong một bọc mẹ. Tuy mẹ mất sớm nhưng Vũ vẫn có đủ tình thương yêu trong suốt thời thơ ấu. Vũ học lớp nhì tại một trường tiểu học Công Lập tỉnh Thái Bình - một thị xã nhỏ nhưng nổi tiếng với cầu Bo và có nhiều người đẹp. Vũ lớn lên ở đó và kết thân với những Côn, những Vọng và Vũ đã mở một trang tình đầu nên thơ trong thế giới đầy phiêu diêu hồn nhiên.

Vũ là một đứa trẻ thông minh, quả cảm. Nó lớn lên trong khung cảnh đầy thi vị của cỏ nội hoa ngàn và đời nó từ ấu thơ đã keo sơn với thằng Côn. Tình bạn trở thành dường chất nuôi sống tâm hồn Vũ, "Vũ và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách trải dưới dàn Hoa thiên lý sau vườn. Bóng râm mỗi lúc một lan rộng ra. Nắng chiều yếu dần nên màu xanh của lá và màu vàng của chùm hoa tươi lên làm dịu mắt hai thằng beù" (trang 9). Côn và Vũ như bóng với hình. Hai đứa trẻ đã sống hết thời thơ ấu của nó qua những biến thiên trong tâm hồn trẻ. Có thể nói, Vũ là đứa phiêu lưu trên đường trần của thơ ấu - Xứ thần tiên ngọt ngào của đời một người và đời người chỉ có một lần ấy. Trong cuộc phiêu lưu kia, Vũ tiêu biểu cho một bản sắc đặc biệt - một sức sống đặc biệt để tạo nên một sản nghiệp giàu có về kỷ niệm ấu thơ. Bản sắc của Vũ - nó mang cái thiên bẩm của thông minh - và chất chứa đủ xấu và tốt của một người - một người lớn trong đứa con trẻ Vũ nên xấu và tốt của Vũ cũng đều đẹp như mộng. Vì cái xấu nào của tuổi thơ chẳng hòa ánh sáng của hồn nhiên trinh trắng vì cái xấu nào cũng được ru trong giấc ngủ thiên thần. Điều đặc biệt nữa là kiếm hiệp đã đi vào tâm hồn Vũ như những thiên anh hùng ca để khơi dậy tinh thần thượng võ của tuổi trẻ. Rồi sân cỏ và trái banh da đã như một đấu trường đưa Vũ và tuổi trẻ vào thế giới đầu tiên của thử thách - cam go qua những xúc động rất thực.

"Thằng Vũ còn đầu têu trò "chơi kiếm hiệp" bắt chước mọi hành động, cử chỉ của những tay giăng hồ mã thượng nước Tàu cổ xưa, bắt chước luôn cả những tay hiệp sĩ mà chúng thích. Mỗi thằng cầm đầu một bọn nhãi làm hai môn phái. Khi không tìm ra môn phái địch thủ thứ ba nào thì chúng thách thức đấm đá nhau cho đỡ buồn"...(trang 10) - Tinh thần giang hồ mã thượng thấm vào tâm trí Vũ và chính nó đã tạo Vũ trở thành một thứ anh chị - cho nên Vũ nó phải dầy công tinh luyện cho xứng đáng danh nghĩa, một thứ tước phong của tuổi trẻ. "Vũ tập lấy gân bụng cho thật rắn chắc. Ra trường nó cởi trần thách tụi cùng lớp thử sức. Nó cho mỗi đứa đấm một cái thật mạnh vào bụng. Mặt nó tỉnh khô không tỏ vẻ gì đau đớn khiến lũ học trò lớp nhì một phục sát đất. Lối biểu diễn này thu hút được nhiều đồ đệ lắm. Thằng Côn thì tập phóng dao. Chiều chiều nó lén xuống cầu tiêu tu luyện đến nát cánh cửa gỗ" (trang 11). Tâm hồn Vũ nhuộm hồng bằng tinh thần võ hiệp.

Nó sống bằng tinh thần ấy trong đám bạn bè cùng lứa tuổi. Nhờ đó, tình bằng hữu trở thành một lý tưởng cao khiết trong đám nhân loại của thằng Vũ. Côn kết thân với Vũ cũng khởi từ một lý tưởng đó - khởi từ một lòng tôn sùng đại hiệp tuy thơ ngây nhưng là vùng ánh sáng của tâm hồn tuổi thơ. Tình bạn của hai đứa trẻ khi Côn bắt đầu dúi vào tay Vũ một đồng để Vũ có đủ vốn liếng đọ ván đáo "lịch sử" với Quý - Côn và Vũ vẫn chưa hề quen biết nhau - Nhưng Côn đả "cảm" cái "đứa liều" của Vũ - và ghét cái lối đánh đáo "gạo" của thằng Quý. Từ tuổi đó, Vũ chơi thân với Côn - Hai đứa trẻ kết thân với nhau trong tinh thần hảo hán trên đường hành hiệp giang hồ - Một dấu vết của hiệp khách qua Thủy Hử và một Thiếu Lâm tự... Côn coi Vũ như bậc đàn anh - Nó tôn thờ Vũ để được vâng lời Vũ - dựa vào thế Vũ - sát cánh với Vũ. Hai đứa trẻ đều là những tay bất trị - một loại con nuông thả lỏng nên chân tay miệng mắt của chúng không bao giờ được ngơi nghỉ. Hết tập phi tiêu, luyện cốt thì lại đập lộn, phá phách phố phường, trêu chọc ông đồng bà cốt kể cả ông Đốc trường bọn Vũ cũng không kiêng nể.

 

"Trưa qua Vũ tha thẩn đi chơi một mình qua nhà ông Đốc, nó thấy cái lồng bẫy chim khuyên treo lơ lửng trên cây sậu gần trường - chim khuyên nhỏ và đẹp làm sao! Vũ nghĩ giá nó có một chú vành khuyên đem ra cho con Thúy, chắc con Thúy thích "ba chê".

 

Nghĩ là làm liền, Vũ chạy vội về rủ thằng Khoa đứng gác để nó leo lên tường níu cành sậu trèo lên ăn cắp cái lồng chim ".

 

Lòng ham muốn của đứa trẻ đã khiến Vũ bất chấp cả nguy hiểm - nhất là Vũ lại muốn có một chú vành khuyên làm chiến lợi phẩm đem "dâng" con Thúy - đứa bạn gái duy nhất của Vũ - một tình mộng của Vũ. "Vũ vừa trèo vừa run, cuối cùng nó tóm được cái lồng bẫy chim của cậu con yêu của ông Đốc, nó huýt sáo ra hiệu. Khoa chạy tới. Vũ thả cái lồng Thằng nhãi Khoa bắt dính cơ hồ gôn Luyến bắt banh. Vũ tụt từ từ. Nó chỉ sợ chó sủa. Con chó khốn nạn ngủ mê mệt. Tới gốc cây Vũ leo lên tường, nhảy vọt xuống đất. Chân tay Vũ run bần bật. Mặt mày xanh lét. Tim muốn nhảy ra ngoài ngực. Trò chơi nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt. Vũ nhặt hòn đá ném con chó. Không trúng. Nó toan "chẩu". Nghĩ sao nó mon men tới chuông điện bấm mạnh một cái. Chuông kêu reng reng. Bây giờ con chó mới vụt thức sủa ầm ỹ" (trang 67).

 

Vũ tinh nghịch như thế - Nhưng nó không phải là đứa ngỗ nghịch - Nó nghịch theo sự thúc bách của tâm hồn trẻ. Nếu những "pha" nghịch của Vũ làm ai cũng thấy khoái muốn được sống trở lại thời của Vũ để được nghịch như Vũ. Vũ còn nhiều đam mê - nỗi đam mê hkông thể cưỡng chế. Ngoài tài thổi ác-nô-ni-ca, đánh đáo, Vũ còn muốn trở thành tây tổ - Lòng đam mê cao độ đã giúp cho Vũ thắng được tất cả... Thắng cả cái sự không ưa thằng Vọng ghẻ tàu, và chính nhờ lòng đam mê sân cỏ, Vũ đã đưa thằng Vọng từ chỗ đất đen đến vinh quang không thể ngờ trong đời Vọng.

 

Duyên Anh không những thành công về nhân vật Vũ - Ông đã tạo nên một thằng Vọng mà vị thế của nó trong truyện tuy chỉ là phụ nhưng hình ảnh không thể mờ nhạt. Vọng tiêu biểu cho một phận nghèo trong xã hội ta xưa - nó bị hất hủi đày đọa - dù nó có đủ khả năng chống đối - có thừa tài để vươn lên - nhưng tình cảnh của nó vẫn chỉ là cô đơn trong hẩm hiu và bất lực. Nó cũng đành cam chịu. Viết về Vọng. Duyên Anh đã đạt được rung động thật cao. Người ta thấy thương Vọng, mà cái tình thương ấy lại chỉ cảm mới thấy - cảm được qua cái ngơ ngác, rụt rè và đầy mặc cảm tự ti của Vọng. Đọc thằng Vũ, ta không thể không nghĩ về Vọng - nó cam chịu một cách cảm thương - Nếu không nó sẽ đành cam chịu trong suốt một đời với những bất công và đành chìm sâu trong hờn tủi. Vọng là sự đọt khởi của một thân phận đã chết chìm trong đáy thẳm của xã hội.

 

'Thấy Vọng ủ rũ đi, Vũ bỗng thương hại nó. Vũ quên rằng nó đang chờ thằng Vọng để gạ vào đội bóng của nó chứ không phải để thương hại học trò ghẻ lở, vì thế Vũ hỏi Côn:

 

-Nói với thằng Vọng thế nào hả mày?

 

-Sao mày bảo đã có cách.

 

Vũ ngẩm nghĩ giây lát, nó nói:

 

-Chúng mình đã a dua bọn lớp nhất chế nhạo nó, chả biết nó có ghét chúng mình không?

 

Côn băn khoăn:

 

-Tao đang lo thế.

 

Vọng tới gần bậc hiên trường. Vũ chưa hiểu tình thế nào thì một quả ổi xanh đã ném bộp trúng mũ của thằng Vọng. Và thằng Hách toét miệng cười từ trên bước xuống.

 

Như thường lệ thằng Hách bi bô:

 

-Ê, Hoa đưa tay mày ra xem cái ghẻ Mã Viện to bằng con bò chưa?

 

Vọng nhìn lên, nín thinh.

 

-Hoa, bố mày hỏi mà mày không trả lời à?

 

Vọng vẫn nín, nó đã quen nhịn nhục.

 

Hách tới gần đập mạnhv ào vai nó, hất hàm hỏi:

 

-Mày câm hả con?

 

Đôi mắt đỏ ngầu vì bị áp bức, Vọng đau khổ nói:

 

-Anh để tôi yên thân.

 

Hách cười gằn:

 

-Muốn yên thân thì bố mày hỏi phải thưa chứ?

 

Giọng Vọng chìm đi, lạc lõng:

 

-Nhưng anh hỏi tôi tử tế, tên tôi là Vọng...

 

Hách đưa ngón tay chỉ vào quần:

 

-Tử tế cái con c... ông đây này! Ông cứ gọi mày là Hoa, Ê Hoa hôm nay mẹ mày có bán chè xôi không?

 

Vũ và Côn theo dõi cảnh bắt nạt này từ đầu. Vũ nghiến răng ken két trong khi hai nắm tay Côn bóp chặt lại..." (trang 223)

 

Vũ và Côn xông vào can thiệp. Hôm ấy Vũ hạ được thằng Hách. Nhờ vậy Vũ đã kéo được thằng Vọng vào đội banh của Vũ - một cách dễ dàng.

 

Nhờ có Vọng nên sau này đội banh của Vũ thắng được Hội An -4 - 2 - Những kẻ khinh Vọng lúc trước như loại thằng Hách bây giờ lại coi Vọng như thần tượng. Với nhân vật Vọng - Duyên Anh đã làm cho người đọc phải suy nghĩ nhiều về thân phận những kẻ sống lầm lũi dưới đáy xã hội như Vọng. Trong cảnh nghèo khổ lầm than. Vọng trở thành kẻ tật nguyền trong phần tinh thần. Hoàn cảnh đã tạo cho nó thành một thứ người thừa. Mặc cảm vây quanh nó. Trí phấn đấu và sức mạnh phản kháng vẫn ẩn sâu trong lòng nó. Nhưng thực tại đen tối đã làm thui chột đi. Trong xã hội ta đã có bao nhiêu kẻ hẩm hiu đen phận như Vọng? Qua Vọng ta có thể nói tác giả đã làm sáng lại ý chí và tư cách của một con người mà xã hội ta đã phủ nhận con người nơi nó.

 

Cái khéo, cái tế nhị trong nghệ thuật Duyên Anh còn thể hiện rõ qua hành động của Vũ hạ thằng Huấn để trả thù cho thầy của Vũ - đã chỉ vì làm cách mạng nên ông bị sen đầm đến sân trường bắt - chính bố thằng Huấn, một tên mật thám An Nam đã kéo tay thầy quặt ra sau để cho lính sen đầm xích lại - Bố nó còn nguyền rủa thầy "Tiên sư chúng mày, cách mạng với cách mệnh làm các ông mệt xác" - Cả lớp thương xót thầy riêng chỉ có thằng Huấn thản nhiên cười.

 

Thằng Long nói:

 

-Tiên sư thằng Huấn, lúc thầy mình bị bố nó đẩy, nó nhe răng cười hô hố mày ạ.

 

-Nó cười thật à?

 

-Nó còn nhìn tụi tao, chỉ trỏ có vẻ khoái chí.

 

Vũ xòa bàn tay trái, đấm tay phải vào nghe cái bốp, hằn học:

 

-Sao tụi bay không "tẩn" bỏ mẹ nó đi.

 

Và Vũ đã "hạ" thằng Huấn. Bạn bè Vũ cũng không hiểu tại sao Vũ đánh Huấn, thằng Huấn tuy uất ức cũng không hiểu tại sao Vũ đánh mình.

 

Trong thằng Vũ người đọc tìm được những pha cảm động như thế. Cảm động một cách thật tình vì rằng, người đọc tưởng như mình đang sống trong cảnh thực. Cảm động vì cử chỉ, ngôn ngữ và hành động của Vũ đã bộc phát một cách tự nhiên theo động cơ tính và năng tính của một con ngườit rong lứa tuổi đang thăng hoa. Nếu nghiên cứu về lứa tuổi dậy thì (Euberté) cùng với sự nẩy nở và phát động của nó thì ngôn ngữ của Vũ, tình cảm của Vũ đối với thầy của Vũ đã thể hiện một cách rất thực. Và người ta cũng không thể không thông cảm một cách thích thú trước mối tình của Vũ và Thúy - một thứ tình cảm của hoa niên. "Vũ muốn chiêm bao. Nó nhớ con Thúy quá. Càng xa càng nhớ... Lạy trời cho Vũ mơ thấy Thúy.

 

Vũ nằm nghiêng, quay mặt ra cửa sổ. Bóng con Thúy không chịu tới, chỉ có bóng cây in hình đen thẫm trên nền sân đất dưới ánh trăng bạc. Và mỗi khi gió thổi bóng cây lay động" (trang 140).

 

Thông minh lanh lợi, Vũ là đứa bé đặc biệt và nó đặc biệt trong cả cách nói dối - Nói dối với Vũ thành thói quen. Hơn nữa, nó lại chỉ nói dối để được thương yêu, được bạn bè kính phục. Hoặc giả nó nói dối để có tiền cưu mang bằng hữu. Thành ra nói dối của Vũ là một thứ nói dối có đối tượng tốt.

 

Nhân vật Vũ của Duyên Anh bằng xương bằng thịt cho nên nó sống và thực. Ta có thể nói, Vũ là sự phục hồi tiếng nói của tuổi Thơ từng bị thời gian và tuổi đời làm thất lạc trong ảo tưởng và chiếm đoạt tâm hồn tuổi thơ bằng sự "người lớn" hoá.

 

Viết cho tuổi thơ đã là khó vì đòi hỏi người viết phải thoát xác người lớn và sống với tuổi thơ. Thằng Vũ chưa phải là tác phẩm viết sống lại một quãng đời của hoa niên. Trong tư cách đó, lại càng khó khăn gấp bội. Không những phải thoát xác người lớn mà tự mình phải tạm "hủy" cái người lớn đi để trở về sống lại một lần nữa với quá khứ nghĩa là tác giả phải thực hiện một tuổi dậy thì lần thứ hai. Chỉ có sống lại với tuổi dậy thì đó, thì ngôn ngữ cử chỉ hành động mới thể hiện đúng và phù hợp với cơ năng phát triển (crissan cepubere) để có tâm trạng ấy, ngôn ngữ ấy. Nói theo y học, khi cậu con trai đã bắt đầu "xuất tinh" và kinh ngạc trước mao vũ xuất hiện, và dần dần tiếng nói cũng vỡ giọng thì lúc ấy, nó cũng đổi thay về hình dạng, về sinh lý cho đến một thời kỳ nào đó - trưởng thành. Vũ ở trong giai đoạn đó. Cho nên nó có những ngôn ngữ, hành động tư tưởng, mà người lớn không thể còn tìm lại được. Duyên Anh thành công là vì rằng, trong Thằng Vũ đã thể hiện rõ rệt trạng thái dậy thì trên một tiến trình rõ rệt (le passage de Penfance à la naturité). Nhìn từ phía y sinh lý, có thể kết luận rằng, từ Thằng Vũ đến Thằng Côn và đám nhân loại của Vũ cùng mối tình giữa con thúy và Vũ, Duyên Anh đã "nắm" được bản chất cơ yếu của tuổi thơ trong hình thành của sáng tác.

 

Thằng Vũ là viết cho người lớn đọc để người lớn trở về sống với tuổi thơ của chính mình. Thằng Vũ viết để cho tuổi thơ đọc như tấm gương cho tuổi thơ nhìn ngắm thấy chính hình dáng của mình đang nẩy nở.

 

Truyện có cái cảm động của một Petit chose (Alphonse Daudet) có cái rí rỏm, sâu và bén của một David Copefield (Dicken) nhưng nó lại được phong hoa bằng cái thơ mộng và yêu dấu của một Thạch Lam và Những Vì Sao (les Etoiles -Daudet) kết cấu lại diễn tiến theo sự hồn nhiên như không có một chủ định trước và chính nhờ thế truyện trở thành sống, có mạch và đạt đến một tương quan từ một tiểu tiết đến cái mạch chung của toàn bộ.

 

Đọc Thằng Vũ - với giọng văn tha thiết và phảng phất cái hồn của thơ - Duyên Anh làm cho người đọc hơn một lần ngây say trở về với vùng quê hương thầm lặng của kỷ niệm không thể nào quên - của những nét đan thanh vẽ nên ước mơ khởi từ đó con người lạc lõng vào mù sương nghĩa là từ khi xa nó để thất thân trong thực tại của đời sống - Thằng Vũ là ngôi sao lấp lánh trong khoảng mù sương kia. Nó là sự đột khởi của một tình tự vươn cao trên nền tảng nhân bản của tuổi thơ. Vũ đã là người và thực sự sống làm người qua ngôn ngữ và giọng văn của Duyên Anh.

 

-o0o-


 

Văn phẩm Cỏ Non của Duyên Anh - một tập truyện ngắn tương tự như Hoa Thiên Lý - Tập truyện này kỹ thuật được tôi luyện một cách già dặn hơn. Trong 160 trang với 7 truyện ngắn - Duyên Anh đã thành công hơn cả qua "Đại dương trong lòng con ốc nhỏ" (trang 34-52). Truyện ngắn thứ hai này được coi là đắc ý nhất trong tập và nếu xét toàn bộ - nó là một truyện ngắn đắc ý nhất trong những truyện ngắn của Duyên Anh.

 

Nhận định về tập Cỏ Non - chúng tôi chỉ bàn về một truyện này vì vóc dáng của nó đã che lấp những truyện còn lại trong toàn tập. Kể cả một "Nắng chiều quê nội" (truyện thứ 3) - Nếu Hoa Thiên Lý thể hiện đủ cái vẻ Việt Nam của một bà mẹ Việt Nam tình thương như biển, trung thành và cần cù như một kiếp trâu, thì Đại dương trong lòng con ốc nhỏ - Duyên Anh lại làm cho người đọc phải xót xa và tội nghiệp thay cho một người cha đáng kính. Chúng tôi không hiểu phát khởi từ một rung động nào Duyên Anh đã thành công một cách say mê như vậy khi ông biết làm sống lại hình ảnh và tâm hồn của một người cha Việt Nam - Người cha ấy bất hạnh trước nhất chỉ vì trời đã cho ông cái máu giang hồ nghệ sĩ. Ông sở trường tài đàn về thập lục song nó đã không mang lại cho vợ con một đời sống tương đối no ấm. Ông lại phải dứt nó để làm một ông lang băm bán cao đơn hoàn tán. Song cũng chỉ tạm bợ và cái hình ảnh này, đứa con không thể nào xóa mờ trong tâm trí "Tôi cứ nghĩ đến lúc cha mẹ tôi ngồi dọn hàng khi chợ chiều tan nắng. Ánh nắng vàng vọt quê mùa chiếu vào khuôn mặt thê thảm vì nhớ con, vì ế hàng, cha tôi chắc đau thương lắm" (trang 37). Hình ảnh ấy như cơn bão táp thổi bay tâm hồn cậu bé vào sa mạc mà ở đó chỉ còn lại một vùng ốc đảo của tình thương. "Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu lạc tẩm bấc thấp dĩa, cha tôi ngồi im lặng hàng giờ nhìn ra ngoài bóng đêm dày dặc, suy tư. Tôi nghe từng hơi thở sầu hận của cha tôi. Bất giác tôi oà lên khóc" (trang 43). Vì lòng thương con vô hạn nên người cha lương thiện kia - suốt một đời đổ mồ hôi để kiếm cơm - ông đã phải cam tâm ăn cắp áo chỉ vì không đủ tiền mua cho con. "Sau đấy, cha tôi bị ám ảnh bởi chiếc áo ăn cắp ngoài chợ, trừ tôi, không ai rõ cha tôi đau ốm liên miên - Tôi cố nghiến răng giữ kín chuyện nên khi cha chết, cha tôi vẫn tưởng sự bí mật theo cha tôi xuống lòng mộ" (rang 52). Ta có thể không phải là một tự nhiên và dễ dàng truyền cảm. Nói như thế không phải là một cách nói để đề cao tác giả - tự giá trị của truyện đã là một bản tuyên dương cho tác giả cho tác giả bởi nhờ cái giọng văn riêng của tác giả - xúc cảm một cách thật sâu và sáng. Đại Dương trong lòng con ốc nhỏ, có đủ những yếu tính cần thiết cho một truyện ngắn miêu tả chặt chẽ và sự việc tiến triển một cách tuần tự, khúc chiết và tác giả đã có cái khéo khi biết xử dụng những chi tiết đơn sơ nhất để phác họa đơn giản về hoàn cảnh tâm tình và nhân vật qua hình thái đặc biệt.

 

Lỗ Tấn đã làm cho bao nhiêu trái tim phải xúc động khi đọc chị Tường Lâm qua chuyện Chúc Phúc - và Alphone Daudet với "Những Vì Sao" và "Buổi học cuối cùng"... Chúng tôi không có ý so sánh một vài đoản thiên của Duyên Anh qua Đại Dương trong lòng con ốc nhỏ là phát tiết từ một cao độ của cảm thụ phản ảnh một cách sâu sắc về một khía cạnh lớn của cuộc sống: Tình thương yêu của con người trong con người làm cha. Nó có thể ví như thứ thép được tôi luyện thành một con dao có nước tốt nhất cứng nhất - tuy là một truyện ngắn nhưng vóc dáng của nó không phải là một con dao nhỏ - một thanh đại đao của hiệp khách lãng du trên sóng tình thương và nó đủ tinh lực để thắng tất cả hầu giữ trọn thứ tình thương thật cao trọng của con người.

 

Duyên Anh không đặt ở trong truyện một vấn đề luân lý nào. Nhưng tự người đọc qua nhân vật của truyện đã dễ dàng cảm được cái gọi là luân lý tự nhiên hay đúng hơn một thứ tình cảm cao trọng bản nhiên trong tình phụ tử. Người cha tiêu biểu cho một người ViệtNamchân chất và thuần thể. Cuộc đời lam lũ của ông và hành động "ăn cắp" của ông trở thành thứ biện minh vô giá trong tình thương đó.

 

Trong Cỏ Non - lại có mấy chuyện thường như Chàng Cao Bồi Họ LụcHoa Bưởi - thể tài không có gì đặc sắc. Nồng độ xúc cảm cũng vẫn chỉ xoay quanh cái trục của những tình cảm vụn vặt thường tình.

 

-o0o-


 Khi Duyên Anh viết về thế giới du đãng qua truyện Điệu Ru Nước Mắt, Luật Hè Phố, Duyên Anh không thành công và ông khó có thể thành công trong điạ hạt này, mặc dù ông là người thứ nhất viết về du đãng. Ông đã lý tưởng hóa du đãng qua tầm nhìn thơ mộng và chỉ nhìn về một phía. Ông lại thiếu hẳn hình tượng sống nên không thể mô tả cho rõ khuôn mặt du đãng. Truyện Luật Hè PhốĐiệu Ru Nước Mắt là thí dụ - Nó thiếu hẳn ngôn ngữ du đãng cùng những tác động tâm lý du đãng. Viết về thanh thiếu niên trong lúc này đã là khó, viết về thanh niên du đãng và phạm pháp lại càng khó gấp bội. Nó đòi hỏi người viết phải lăn lưng vào giữa những bùn lầy nước đọng của một lớp tuổi trẻ đã lỡ một thời tuổi trẻ. Dĩ nhiên du đãng cũng chỉ là một ngộ nhận. Song du đãng luôn luôn là một hiện tượng sống, một thực thể sống.

 Muốn đi vào thế giới này trước hết người viết phải có một cảm quan du đãng, phải có kinh nghiệm về du đãng và từng lăn lưng trong thế giới này, viết về nó người ta cần phải vượt trên những luật lệ thông thường và phải tạm thời tự hủy con người thực của nhà văn (se reduire) Duyên Anh mới chỉ nhìn ngắm du đãng qua một mặt của nó - ông chưa có đủ cơ hội để bắt lấy con người du đãng cùng thế giới đầy biến động và sôi nổi của nó.

 Bộ mặt rất thực của du đãng luôn luôn thể hiện qua ngôn ngữ và tác động. Thiếu một nó nhà văn khó lòng có t hể diễn tả được khuôn mặt thực của du đãng. Du đãng vẫn là người - chất người của nó hòa vào cái bản năng rùng rợn. Rồi đôi khi nó không phải là người và tác động của nó chỉ là bản năng.

 Truyện Du Đãng của Duyên Anh chỉ có một đặc điểm đáng kể là có thể dùng ngay truyện của ông để giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những cô cậu đang đứng bên lề "thế giới thác loạn" - Vì Duyên Anh đã mô tả bọn thiếu niên này như một con ngưòi có tình cảm chân hậu và xúc cảm hơn cả những con người bình thường. Song, lại có một hậu quả nguy hiểm là khi du đãng được biện minh bằng những xúc động tình cảm chân hậu. Bằng những biện minh đó, du đãng lại trở thành tốt đẹp.

 Ngọn bút của Duyên Anh khi mô tả một Trần Đại - một James Dean Hùng. Ông mang theo cả nỗi rung động thực của một người văn nghệ cho nên nó không phải là xúc động thực của du đãng.

 Nhắc về chuyện Du Đãng của Duyên Anh chỉ là nhắc về một khía cạnh trong toàn bộ văn Duyên Anh. Bấy lâu nay, Duyên Anh không còn viết về thế giới này nữa. Đó cũng là một điểm sống của nhà văn, tự đã cảm thấy mình không sở trường thì can đảm dứt khoát. Thế giới của Duyên Anh vẫn là thế giới của hoa mộng của tuổi thơ. ngọn bút của Duyên Anh vẫn là nguồn sống chân chính, tình tự dân tộc. Có lẽ vì thế, ông đã không thành công khi viết về thế giới của những mất gốc, lai căng. Du đãng là một trường hợp.

 Duyên Anh là một nhà văn của tuổi thơ và cũng phải nói thêm Duyên Anh là một nhà văn thuần chất Việt Nam - Những rung động của ông đều phát xuất từ những biểu tượng và sắc thái quê hương. Trong văn ông thường lúc nào cũng bàng bạc lòng yêu dấu quê hương mà cái tình quê ấy lại phát khởi từ tấm lòng của một bà mẹ, của một người tuổi trẻ - hay những trẻ thơ thuần thục. Nó cũng phát khởi từ những mảnh vụn nhỏ nhặt trong cuộc đời như con sáo, cây soan, bát canh bánh đa... Chính những mảnh vụn kia lại làm cho cuộc đời trở nên hương sắc. Văn Duyên Anh lại có cái duyên thật mặn mà và đơn sơ. Nhất là Thằng Vũ thì văn Duyên Anh quả là một cung độ của tuổi thơ tươi mát trong hoa lý và gió đàn. Duyên Anh còn là nhà văn tình cảm - một thứ tình cảm bi thiết trong đó con người tuy day dứt khắc khoải nhưng nó vẫn có đủ lòng tin để vươn lên và tự giải thoát tình cảnh hiện tại của nó. Truyện của Duyên Anh lại có cái hậu mà cái hậu ấy chính là bản chất Việt Nam và chính nó đã tạo nên cái độc đáo của văn Duyên Anh.

 Điạ vị trong văn học của Duyên Anh đã xác định dứt khoát qua tác phẩm Thằng Vũ. Và chỉ một Thằng Vũ, Duyên Anh đã xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu cho bản sắc tươi son nhất từ con người qua tuổi thơ đến dân tộc.

 CAO THẾ DUNG

 (Trích Văn Học Hiện Đại, Cuốn II sắp xuất bản - Văn Học số 149 - 15/06/1972)

 

 

 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn