BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73211)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nửa giờ đấu láo với Duyên Anh

12 Tháng Sáu 197212:00 SA(Xem: 1808)
Nửa giờ đấu láo với Duyên Anh
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
Phan Kim Thịnh: Ông Duyên Anh, xin ông vui lòng cho biết ngày, tháng, năm sinh và nguyên quán của ông một cách chính xác để các nhà biên soạn văn học sử sau này khỏi nhầm lẫn như trường hợp đã xẩy ra đối với một số nhà văn tiền chiến quá cố.

Duyên Anh: Tên trong giấy khai sinh của tôi là Vũ Mộng Long. Tôi sinh năm 1935 ngày 16 tháng 8, âm lịch nhằm năm Ất Hợi, tại thị xã Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Có lẽ vì để lớn lên tôi khỏi quên quê cha đất tổ của mình nên giấy khai sinh lại ghi: Vũ Mộng Long, con trai, sinh tại làng Tường An, tổng Ô Mễ, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông thích biết một cách chính xác thì tôi đành chiều ý ông. Chứ, thú thật với ông, tôi cóc cần cả văn học sử lẫn sự lầm lẫn của nó. Bởi rằng, khi tôi biết "vô thức thiếu âm đức" tôi chui vào văn học sử là lúc tôi đã mặc sơ mi gỗ. Chết rồi là hết. Sử với sách nào nghĩa lý gì cho kẻ đã... "về quê".

Phan Kim Thịnh: Chắc ông nằm trong tuổi đôn quân, như vậy liệu ông có phải nhập ngũ không?

Duyên Anh: Tôi là cựu đoàn viên Biệt Đoàn Trừ Bị. Nay B.Đ.T.B được giải tán, tôi sẽ phải nhập ngũ. Nhưng hiện thời tôi đang làm chủ nhiệm một tờ báo. Một tờ báo được coi như một xí nghiệp, thứ trưởng Phạm Minh Dưỡng đã dạy thế. Hội Đồng Báo Chí đã can thiệp cho những nhân vật tối cần thiết trong mỗi tòa soạn, bất kể nhật báo hay định kỳ. Tôi bị loét bao tử. Năm xưa đi trình diện bị đuổi về. Bao tử của tôi loét nặng hơn năm xưa nhiều lắm. Tôi nghĩ không được hoãn vì cái này cái nọ thì đi lính. Có sao đâu. Bây giờ tôi không sợ đi lính nữa.

Phạm Kim Thịnh: Tại sao?

Duyên Anh: Tôi biết vợ tôi đủ tài chăm nuôi con cái tôi mà không cần tôi giúp đỡ.

Phan Kim Thịnh: Trước khi gia nhập làng báo ông làm nghề gì?

Duyên Anh: Đủ các thứ nghề. May mắn, chưa có nghề nào bất lương.

Phan Kim Thịnh: Ai giới thiệu ông với làng báo? Tờ báo ông đã gửi đăng bài lần thứ nhất?

Duyên Anh: Nhà thơ Trúc Sĩ giới thiệu tôi với Tạp chí Chỉ Đạo. Nhưng tờ báo đăng bài đầu tiên của tôi là tuần báo Thợ Thuyền.

Phan Kim Thịnh: Hiện nay ông đã cho xuất bản bao nhiêu tác phẩm?

Duyên Anh: Trên 40 cuốn truyện dài, ngắn.

Phan Kim Thịnh: Ông có những kỷ niệm vui buồn nào trong đời làm báo, viết văn?

Duyên Anh: Thiếu gì!

Phan Kim Thịnh: Ông viết khá nhiều về truyện tuổi thơ, vậy khi còn đi học ông đã say mê những sách báo nào?

Duyên Anh: Tôi mê Anh em thằng Việt của Lê Văn Trương, Thằng Kình của Nguyễn Đức Quỳnh và những truyện loài vật của Tô Hoài như Con dế mèn, Dế mèn phiêu lưu ký, Tráng sĩ bọ ngựa...

Phan Kim Thịnh: Ông có chịu ảnh hưởng của một nhà văn nào không?

Duyên Anh: Tôi cũng không biết nữa.

Phan Kim Thịnh: Nhà văn tiền chiến nào ông thích nhất?

Duyên Anh: Tô Hoài.

Phan Kim Thịnh: Hình như tác phẩm của ông đều bàng bạc kỷ niệm của đời ông?

Duyên Anh: Hình như vậy.

Phan Kim Thịnh: Bút hiệu DUYÊN ANH có ý nghĩa gì?

Duyên Anh: Ý nghĩa một kỷ niệm về tình bạn.

Phan Kim Thịnh:Tác phẩm nào dẫn đầu số bán trong số những tác phẩm ông đã xuất bản?

Duyên Anh: Nhiều sách của tôi đã tái bản. Có cuốn tái bản lần thứ bảy. Nhưng dẫn đầu thời gian bán là cuốn Ngựa chứng trong sân trường, 6.000 cuốn bán chưa đầy ba tháng đã hết. Tôi đang cho tái bản, cũng sắp phát hành rồi.

Phan Kim Thịnh: Trước kia ông đã cho xuất bản nhiều báo, tại sao ông cứ đem "giết" chúng nó đi khi chúng nó chưa đáng chết?

Duyên Anh: Tại vì tính tôi chóng chán.

Phan Kim Thịnh: Vậy với Tuổi Ngọc, tuần báo của tuổi vừa lớn, ông có nỡ "giết" chúng nó vì tính chóng chán của ông không?

Duyên Anh: Chắc không. Tôi đang học tập kiên nhẫn trong nghề làm chủ báo.

Phan Kim Thịnh: Một số anh em phàn nàn rằng, khi làm chủ nhiệm ông thường viết "bao bãi", có nhiều số báo ông viết từ trang đầu đến trang cuối, ông còn sẵn sàng viết trám bài nếu anh em thợ viết đưa chậm bài khiến anh em "rách" và tưởng như ông không cần anh em, không thương anh em. Đúng thế không, ông Duyên Anh?

Duyên Anh: Phải, tôi thường "bao bãi" ở những tờ báo do tôi làm chủ nhiệm. Trước hết vì tôi không đủ tiền nhiều để nhờ anh em viết. Làm chủ nhiệm phải xuất nhiều thì chẳng sướng cái nỗi gì đâu. Làm chủ nhiệm lại xuất thân từ ký giả ngoi lên rất khổ. Thứ nhất: khó đối xử đẹp với anh em. Thứ hai: khó chiều lòng anh em. Thứ ba: yêu tờ báo của mình, không thể để nó trễ muộn nên phải trám mục của anh em nếu anh em đưa bài quá trễ. Tôi chưa trừ tiền của ai nếu người ấy bị tôi viết trám bài. Tôi cũng chưa quịt tiền bài của ai. Tại sao tôi không cần anh em nhỉ? Có điều anh em ít khi thương lại người anh em của mình nếu hắn làm chủ báo. Tôi đợi trong số những người trách tôi làm chủ báo, bấy giờ anh em sẽ hiểu tôi hơn.

Phan Kim Thịnh: Ông nghĩ gì về sự lạm phát báo chí hôm nay?

Duyên Anh: Nghĩ như thế nào?

Phan Kim Thịnh: Chẳng hạn những ông, bà chủ nhiệm từ số đầu tới số đình bản không hề biết viết, dù chỉ viết cái chia vui hay chia buồn.

Duyên Anh: Vậy thì chả việc gì mà nghĩ cho nó mệt óc.

Phan Kim Thịnh: Đến đây chúng tôi hơi tò mò một chút, và có lẽ đi sâu vào đời tư ông. Nhưng vấn đề này chúng tôi thấy cần thiết choi văn học sử. Xin ông cho biết hiền nội của ông là ai? Và ông đã có bao nhiêu con? Hoàn cảnh gia đình của ông có bảo đảm cho ông tiếp tục theo đuổi nghề viết văn, làm báo không? Tương lai ông có dự định cho các con của ông theo nghề gì? Và có ý định cho người con nào theo nghề văn, nghiệp báo không?

Duyên Anh: Ông thích nói tới ba tiếng văn học sử quá đấy nhé! Tôi xin nhắc lại với ông rằng tôi cóc cần văn học sử. Nếu ông bảo (hoặc nếu ông nghĩ) tôi nói cho sướng miệng chứ bụng thích đi vào văn học sử thấy mồ thì ừ, tôi thích đi vào văn học sử lắm. Nhưng đi vào văn học sử khó bỏ mẹ đi ấy. Một mình tôi đi hoài mà không lọt vô, đến chết chưa chắc đã lọt vô, làm sao cõng nổi vợ tôi, con tôi vào văn học sử đây? Vậy tôi tưởng cái sự "hiền nội" của tôi chả cần để ông tò mò thăm hỏi cho sự cần thiết cho văn học sử Giao Chỉ ta sau này hay hôm nay, bây giờ. Làm dân biểu, nghị sĩ có thể đưa vợ, con, ma-ri sến của mình xuất ngoại công du hay tới nghị trường thu tiền hụi, chứ làm văn nghệ sức mấy đưa nổi vợ con mình vào văn học sử, dù có được sự trợ giúp của 108 vị phê bình văn học nghệ thuật nặng ký lô cỡ ông phê bình Lương Trọng Minh! Ông đồng ý chứ? Tôi viết sách để đảm bảo đời sống vật chất cho gia đình tôi vì tôi là "dân viết nhà nghề". Vậy phải tiếp tục. Không tiếp tục e rằng đói rách. Về phần 3 đứa con tôi mà ông có lòng ưu ái muốn đẩy nó vào văn học sử thì thưa ông, lớn lên chúng nó muốn làm nghề ngỗng gì tùy ý thích của chúng nó. Làm sao ta định được tương lai của con cháu ta, thưa ông?

Phan Kim Thịnh: Có nhiều bạn văn đã nói và viết là ông đối với người ngoài thì chửi bới tàn ác lắm, nhưng khi ông về gia đình thì ông lại hiền hiền lành. Và "nể" bà xã. Có đúng không?

Duyên Anh: Câu hỏi của ông không đúng đâu. Tại sao "đối với người ngoài" tôi lại "chửi bới tàn ác"? Người ngoài xã hội đâu phải là kẻ thù của tôi. Nếu ông nghĩ sự châm biếm cay độc ở những bài báo ký tên Thương Sinh là sự "chửi bới tàn ác" thì quả thật tôi đã "tàn ác" với những "thứ" người mà xã hội và độc giả của tôi thích nghe tôi "chửi bới". Tóm lại, ngoài xã hội hay ở trong gia đình, tôi vẫn chỉ là tôi hiền lành, nhường nhịn. Với những người bạn tôi quý mến, tôi còn dễ dãi tới cái độ gần như... lép vế. Riêng với vợ con tôi, bởi tôi trót làm nghệ sĩ, tự xét không đủ bổn phận làm chồng, làm cha nên tôi phải nể vợ tôi vì vợ tôi giúp tôi quán xuyến việc gia đình cho t6o rong chơi tối ngày. Ông có thể nói tôi sợ vợ cũng được, tôi không giận đâu. Nhất vợ, nhì trời mà.

Phan Kim Thịnh: Ônng có nghiện một món nào không? Thuốc lá, thuốc phiện, cờ bạc, trà, rượu, đàn bà?

Duyên Anh: Tôi chỉ nghiện thuốc lá. Thuốc phiện hút bị đưa ra Tòa, bị nhốt vô Chí Hòa mệt lắm. Cờ bạc thì lai rai gọi là giải trí. Rượu thích vô cùng nhưng uống xong lại ói ra máu ngay. Trà thì mình chưa đủ tuổi để biết cái thứ nghiện nó. Đàn bà tôi chê. Vì tôi ốm yếu, "điện" vàng khè, hắt hiu như d0iện câu xóm nhỏ.

Phan Kim Thịnh: Để kết thúc bài phỏng vấn này, xin ông cho biết ý nghĩ của ông về những nhà khoa bảng trí thức ở thủ đô đang mạt sát các chiến sĩ cầm súng chống xâm lăng Cộng sản đồng thời đề cao Cộng sản và kết tội Quốc gia.

Duyên Anh: Những thằng này tôi không thèm biết đến chúng nó. Ông cứ yên chí, quân ta sắp dẹp xong cộng sản xâm lăng rồi, ông sửa soạn chờ nghe chúng nó đọc kiến nghị hoan hô Quốc gia đả đảo Cộng sản.

Phan Kim Thịnh (6/1972)
Ý kiến bạn đọc
02 Tháng Chín 20147:00 SA
Khách
Gia nhoi hay tuyet cu meo....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn