Mừng Xuân Giáp Ngọ
Đọc Thơ Trần Trung Đạo
Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ
Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ
1
Thơ Văn của anh Trần Trung Đạo đa dạng, gồm các thể loại: Dịch- Kịch- Ký-Truyện-Tùy Bút- Nhận Xét Thơ- Tiểu Luận- Khảo Cứu Chính Trị.
Anh viết với một tấm lòng thương yêu đất nước nồng nàn, với tâm ý chân thành sâu sắc. Những tiểu luận, những khảo cứu chính trị của Trần Trung Đạo đã nói lên tội ác của cộng sản đối với dân tộc Việt Nam. Hiện nay tuổi trẻ đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền ở trong nước rất tâm đắc những bài viết của anh. Ý tưởng của tác giả mang hy vọng đến cho tuổi trẻ Việt Nam, thúc đẩy hành động đấu tranh cho quyền sống của dân tộc.
Người viết không hiểu gọi anh thế nào cho đúng nghĩa bởi anh quá đa dạng. Thi sĩ, nhà văn, nhà viết chính luận, hay nhà hoạt động xã hội. Thật khó xác định, vì trong bất cứ lảnh vực nào anh cũng xuất sắc. Tấm lòng yêu thương dân tộc và đất nước chan chứa trong lòng anh và tràn ngập ở trong tất cả các lảnh vực mà anh đang theo đuổi.
Người viết chưa có duyên may gặp hay nói chuyện được với anh, chỉ biết và yêu mến anh qua thơ văn và những tiểu luận anh viết, những công việc xã hội anh làm, qua đó thấy được tấm lòng anh yêu thương da diết quê hương nước Việt, yêu thương mẹ cha, gia đình và bằng hữu.
Thơ anh hay vì nó đã ấp ủ, và dễ dàng giữ lại cảm xúc trong lòng người đọc. Anh đã viết trên 110 bài thơ trong thi phẩm Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và những bài thơ khác. Tập thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, ngoài bài thơ cùng tên, còn có những bài thơ gắn liền với hành trình tỵ nạn của hơn hai triệu người Việt như Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi, Người Con Gái Việt Nam Trên Đại Lộ Sri Ayutthaya v.v. được xuất bản lần đầu trên Interenet 1992 và tái bản nhiều lần sau đó.
Cảm xúc bởi thơ văn và tri ân đối với những việc anh làm cho quê hương đất nước. Nhân dịp Xuân về người viết mạn phép anh, xin được ghi lại những cảm xúc từ bài thơ:
Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ.
2.
Xuân ở đây nặng chĩu tấm lòng, cùng tâm trạng của người con tha hương nhớ mẹ cha, nhớ mái nhà cũ nơi chôn nhau cắt rún. Nhớ thương người dân khốn khổ trên quê hương lưu đày. Lòng thi nhân đau như cắt, bởi hơn mười mấy năm trời muốn về thăm quê vẫn không về được. Hằng năm Xuân về Tết đến anh phải dối đi dối lại biết bao lần cùng mẹ. U uất quá vì nhớ thương mẹ trong những ngày Xuân nên anh làm thơ để giải toả niềm đau thương tột cùng.
Ngôn ngữ thơ của Trần Trung Đạo đầy nhạc tính, ẩn tàng tính thẩm mỹ và văn hoá sâu sắc, nên rung động lòng người một cách sâu xa .
Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê
Trên đây là bốn câu đầu của bài thơ: Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ. Bài thơ có vần điệu, mỗi câu 8 chữ, mỗi khổ 4 câu. Tất cả 8 khổ.
Tha hương, Tết về lòng quặn đau vì nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương mà không về được. Những giây phút chạnh lòng đó, đôi lúc nghĩ về Thế Lữ :
“ Rủ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang”.
Đúng không gặp được mẹ cha và gia đình trong ngày Tết là thật não nùng. Bởi người đời hay nói: Về quê ăn Tết. Ừ! mà tại sao phải về quê. Có thể, đó là về với mẹ. Về với cội nguồn. Cả một năm làm lụng vất vả, nhất là xa nhà sống một mình trơ trọi để kiếm kế sinh nhai. Tết về mong một chút thảnh thơi, quên đi bao nỗi nhọc nhằn của một năm tất bật vất vả để trông mong gặp mẹ, gặp lại mái nhà xưa, sum họp gia đình. Xuân về, đất trời cây cỏ, hoa Xuân đâm chồi nẫy lộc. Tâm thức con người càng phấn chấn, càng mang hy vọng mới.
Tết tha hương buồn lắm. Tết về, mong ước của mẹ là gặp con. Mẹ muốn trông thấy mặt con, cầm tay con, ôm ấp con, nếu không gặp được con, mùa Xuân chẳng có nghĩa lý gì đối với mẹ. Con ơi! về chưa con? Sao chưa thấy con về.
Con không thể nào về được. Đành lòng phải nói dối cùng mẹ. Giọng thơ Trần Trung Đạo thủ thỉ tâm tình, chân chất, mộc mạc.
Con chưa thể về vì cuộc sống quá tất bật. Nhịp sống Mỹ dưới áp lực đè nặng, cuốn hút con vào trục quay xã hội.
Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Đời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn
Nguồn thơ anh là những rung động đau đớn, xót xa, tất cả được đúc kết qua tâm hồn thơ đầy tình tự gia đình, dân tộc. Ngôn ngữ thơ anh giản dị, có vần điệu, ngắn gọn súc tích, nhiều ý cô đọng gây ra nhạc và tạo ra hình ảnh, nên Nhạc sĩ Nhật Ngân đã phổ nhạc Mỗi Mùa Xuân thêm Một Lần Dối Mẹ. Không về gặp được mẹ, tâm trạng anh cứ băn khoăn hoài. Cảm giác như có tội.
Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần
Tại sao phải dối mẹ. Tại sao lại không về. Nếu những ai đã theo dõi những sinh hoạt của anh, đọc những bài tiểu luận chính trị sắc bén anh gửi về cho bạo quyền cộng sản, cũng như nói với tuổi trẻ Việt Nam ở trong nước, những bài đăng trên các trang mạng” lề dân”. Và khi hiểu những suy tư anh đã viết, thì mới hiểu ra là tại sao anh lại khó về. Đúng! Anh thật là khó về quê hương. Anh coi như mình chấp nhận thân phận lưu vong. Đau xót lắm ! Anh viết nhiều về tiểu luận chính trị, nhưng có thể ghi xuống đây một ít, như: Suy Nghĩ Tháng Tư, Ba Mươi Năm Nhìn Lại Chiến Tranh, Sự Im Lặng Của Biển, Tuổi Trẻ Và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội, “Con Có Một Tổ Quốc”, Số Phận Một Loài Chim, Nhìn Tấm Bia Tưởng Niệm Ở Galang. Suy Nghĩ Về Hòa Giải v.v. Ngoài ra, Tâm bút Trần Trung Đạo còn gồm những bài thuyết trình của tác giả về các chủ đề văn hóa, tuổi trẻ và nhân quyền tại các cộng đồng, hội nghị, đại học, tổng hội sinh viên Việt Nam, trại hè thanh niên sinh viên học sinh.
Tư tưởng chống cộng của Trần Trung Đạo thâm sâu như thế, chắc hẳn anh cũng không mong muốn trở về với quê hương một khi bạo quyền cộng sản vẫn còn đó. Thương mẹ quá, nhưng làm sao mẹ hiểu lòng con khi con nói dối mẹ.
Người viết này cũng đã bao lần dối mẹ. Nhớ lại, vào thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất, khoảng năm 1972, người viết là lính đang làm việc ở Văn phòng Bộ Tư lệnh SĐ2/BB,Chu Lai KBC 4277, ở đơn vị không tác chiến. Nhưng sau đó ra tiểu đoàn tác chiến ở Ba Tơ, Quảng Ngãi. Nghĩ đến mẹ ở nhà hằng đêm thường hay cầu nguyện cho con, bởi lo âu con mình chết trận, nên người viết đã giấu không cho mẹ biết là mình ra đơn vị tác chiến, và đã viết sẵn một số thư bỏ sẵn vào phong bì, ghi địa chỉ nơi gửi vẫn như cũ là KBC 4277 không tác chiến, mỗi tháng nhờ bạn gửi một lần về mẹ, cho mẹ bớt lo âu. Nhưng giống như Trần Trung Đạo, càng giấu quanh để dối mẹ, lòng mình càng ray rức khổ đau.
Ngôn ngữ thơ Trần Trung Đạo ngó như thường bởi tính giản dị, chân thật. Nhưng tinh ý mới thấy ở đó ngôn ngữ đã được tinh luyện, nên tạo được những câu thơ truyền được cảm xúc cô đọng nhất vào lòng người. Truyền đến người đọc tính chân thiện mỹ. Cho nên ngôn ngữ thi ca dù thế nào cũng cần thể hiện tính văn hóa cao mới truyền được những gì rung động sâu thẳm đến tâm hồn người đọc. Xa quê hương đất nước, tâm trạng luôn luôn bồi hồi, xốn xang, nhung nhớ. Đọc thơ Tết, với cảm giác xót xa bởi tha phương, nên thường hay hoài niệm về cội nguồn. Mỗi người chúng ta như cất giấu những điều riêng tư trong lòng, đến muà Xuân như muốn đâm chồi, xót xa, ray rức.
Lại nhớ về căn nhà cũ, nhớ cây mai nhỏ người cha đã trồng, không biết có còn sống hay đã chết theo cha.
Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm
Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Để mùa Xuân hoa trắng nở trong lòng
Có thể nói, lối diễn đạt, ngôn ngữ thơ Trần Trung Đạo vừa có đặc tính bình dân vừa bác học. Hay nói rõ hơn ngôn ngữ thơ anh chân thành, giản dị, mộc mạc như đời thường, nhưng cũng vừa rung động sâu xa khi cảm thụ cao ở giới trí thức. Khi nghe: Hay đã chết theo ba từ dạo ấy. Để muà Xuân hoa trắng nở trong lòng. Giới bình dân có thể ngâm nga, tâm tình thủ thỉ với nhau. Đọc lên ai cũng hiểu. Ngó như thường nhưng không thường, bởi càng đọc càng thấm thía, nếu cảm thụ càng cao thì sự rung động càng sâu xa, càng lớn. Đọc thơ Trần Trung Đạo, tôi liên tưởng đến ngôn ngữ Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du. Giới bình dân thường thích ngâm nga Truyện Kiều để khuây khỏa, nhưng giới bác học càng thích Kiều vì ở đó sâu sắc. Giá trị văn chương cao, càng đọc càng say mê thích thú bởi tính nghệ thuật diễn đạt sâu sắc. Và biết đâu, đặc tính vừa bình dân vừa bác học đó đã góp phần làm nên bất tử của Truyện Kiều. Và thi hào Nguyễn Du đã được Hội Đồng Hoà Bình Thế Giới, Liên Hiệp Quốc vinh danh là một Danh Nhân Văn Hóa Của Nhân Lọai. Vinh hạnh thay cho dân tộc Việt Nam.
Xin đọc tiếp những câu sau đây để thấy ngôn ngữ thơ vừa bình dân vừa bác học ở Trần Trung Đạo. Năm mới nghĩ về mẹ già thêm tuổi, càng làm nỗi buồn mình mênh mông, nỗi nhớ thương mẹ rưng rưng trong lòng.
Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc nhiều má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất trần gian.
Tóc bạc nhiều má hóp răng long, nghe như ca dao tục ngữ, mà người thường hay nói. Nhưng, Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ. Người đàn bà đẹp nhất trần gian. Mang tính gợi hình, gợi cảm, mang ý nghĩa cao đẹp.
Chinh phục được cảm xúc người đọc là thành công của bài thơ. Trần Trung Đạo đã đạt điều đó. Thơ anh chân thật, giản dị nhưng rung động sâu xa, bởi nhờ ngôn ngữ có linh hồn. Thơ anh có tính luận lý học cao. Ngôn ngữ và tâm tình trong thơ anh có mối tương quan chặt chẽ, sâu sắc với đời sống.
Bài thơ Trần Trung Đạo mang âm hưởng của nhạc khúc, nên nhạc sĩ Nhật Ngân đã phổ thành ca khúc. Và ở đó cũng có thể liên tưởng đến bức họa sinh động, nhờ những rung cảm như mới, nhưng đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam; cho nên khi đọc bài thơ người đọc cũng dễ bắt gặp về hình tượng, màu sắc, sự chuyển động, tính thẩm mỹ. Tất cả đã mang nhiều tính họa trong thơ anh. Người đọc tinh tường, cảm thụ cao, có kinh nghiệm vẽ, sẽ vẽ được từ thơ anh thành tranh nghệ thuật qua hình thức cổ điển hoặc có hình dạng, ấn tượng hay siêu thực.
Hạnh phúc khi đọc thơ là tiếp tục sáng tạo để thưởng thức, tìm được nghĩa và những gì ẩn tàng đằng sau tứ thơ và ý thơ mà tác giả đôi khi cố ý làm khuất mờ, che dấu ở trong đó. Và hạnh phúc khi thấy mình đồng cảm với bài thơ. Thi tâm của người đọc nhập vào thi tâm cuả tác giả. Đọc thơ Trần Trung Đạo chúng ta dễ chan hòa với cảm giác đó.
Thơ hay cần có tính tương quan, là tính quan hệ với nhau. Bài thơ mất sự tương quan với đời sống thì bài thơ sẽ dễ chết, dễ quên. Hồn tác giả nhập vào thơ, chan hoà vào đời sống, vào đất trời. Ngay trong cuộc sống, không quan hệ với nhau làm sao mà sống được. Buồn lắm! Nhà thơ có thể ẩn mình cô độc. Nhưng bài thơ, đứa con tinh thần ra đời, tiếng khóc, tiếng cười của nó cần có người nghe. Cần nỗi cảm thông. Bài thơ cần có tri âm. Không tri âm thơ sống với ai. Bài thơ vừa làm xong nó cần có tri âm để chia xẻ. Tôi nghĩ: Ngôn ngữ, kết cấu, ý tưởng của đời sống bài thơ cũng như cơ thể sống của con người, khi những phần cơ thể chấm dứt mối tương quan, coi như chấm dứt cuộc sống.
Tác giả có thể sẽ không còn. Người đời có thể quên tác giả, nhưng bài thơ hay, sẽ còn lưu lại mãi trong lòng người, và sống mãi trong mối tương quan với nhân gian vũ trụ.
Năm mới đến Trần Trung Đạo nghĩ đến tuổi mẹ, tuổi đất nước, tuổi của mình. Người đọc cũng dễ đồng cảm, bởi tất cả điều đó cũng đè nặng thêm lên trên vai của những người con xa xứ.
Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai
3
Qua Thơ Văn và những công việc của anh Trần Trung Đạo đang làm cho dân cho nước. Người viết cảm xúc và tri ân. Mặc dầu chưa gặp, chưa biết, chưa quen với anh. Nhưng khi đọc Mỗi Muà Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, lòng mình dâng lên với bao nỗi cảm xúc. Biết mình không phải nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhưng Xuân về cùng xót xa, mong chia xẻ buồn vui với những mảnh đời lưu vong, nên viết xuống những tâm tình, xin được gửi về anh và gia đình.
Cám ơn thơ anh đã cho tôi hiểu thêm một con người yêu nước.
Cầu mong núi sông đất Việt được vuông tròn như bốn câu thơ cuối cùng của anh vẫn hằng ấp ủ.
Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.
Cùng chúc nhau Một Mùa Xuân An Lành, Thịnh vượng.
Mong ngày hội ngộ trên quê hương đất Việt. Dẫu hôm nay quê hương còn nhiều dâu bể. Nhưng tất cả 90 triệu người con Mẹ Việt Nam mãi mãi vững tin: Nước Việt sẽ vuông tròn.
Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ
Portland . Cuối Đông 2013.
Gửi ý kiến của bạn