BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72632)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm sự trong thơ Xuân

09 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 1009)
Tâm sự trong thơ Xuân
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong đời sống bình nhật, người Tây phương thường hỏi “Ước nguyện năm mới của bạn ra sao?” Đông phương, thu nhỏ vào Việt Nam, học trò thời xưa hay các nhà nho, văn nhân, thường thể hiện ước vọng của mình trong năm mới bằng những bài thơ khai bút, chúc Tết, hay rộng ra một chút, thơ tự thuật, thơ chúc thọ, hay tự thọ nữa nếu không cần ai chúc mình...

Trong hai tháng cuối năm nhà báo Việt Nam phụ trách các trang văn chương, nhất là các báo chuyên về văn học, bắt đầu việc thu thập biên soạn thu bài vở cho báo Xuân, cho Giai Phẩm Tết, chắc chắn phải lưu tâm tới việc này. Người viết bài này từng phải làm công việc ấy.

Ngó Ra Biển Đông của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Những năm vừa qua, càng về những năm sau này, báo Xuân hải ngoại càng thiếu vắng bài vở có tính truyền thống, chẳng hạn Sớ Táo Quân hay Câu Đối Tết là mục không thể thiếu, nay thiếu là thường, thơ khai bút hay chúc Tết cũng thế. Bài này được viết trong khoảng gần Tết Giáp Ngọ, tôi đi tìm những bài thơ Xuân trong quá khứ, trước hết là thơ Xuân nói chung, cảm xúc chung, (“Ngày Xuân xuân tịch thừa hoan - yến tiệc vui vẻ, Thọ trăm tiếng chúc, phúc ngàn câu ca”- Tiến Sĩ Lê Đức Mao) và thơ Xuân riêng lẻ, đặng xem chúng ta có những gì để ngâm vịnh để thưởng thức khi mùa Xuân đang tới. Bài này sẽ không nhắc tới những bài thơ Xuân đã quá quen thuộc, hàng chục năm qua người ta vẫn nói đến, của những Tú Xương hay năm bảy các ông Tú khác kiểu Tú Mỡ, và của những nhà thơ trào phúng thời Pháp thuộc thế kỷ XIX, XX, chúng ta đã nhàm chán từ lâu. Hôm nay chúng ta đi tìm những bài thơ Xuân tình cảm, nhất là những bài thơ Xuân bày tỏ tự thân tác giả.

 Trách Xuân

Xuân một năm là mới một lần
Sự xuân tôi chửa thấu lòng xuân
Cũng màu thắm ấy màu xanh ấy
Sao chốn hơn phân, chốn thiệt phân
Dễ khiến má hồng lo áy náy
Thêm thương đầu bạc giận tần ngần
Thôi thôi chớ tiến xuân qua cõi
Xuân ở cùng ta biết mấy lần?
Khuyết Danh
(Văn Đàn Bảo Giám)

Loại thơ Xuân chung chung gói ghém trong thơ Đường luật như bài trên, không hay cũng không dở, cũng không cần nói thêm. Thơ xuân thật phong phú và gần gũi thời đại phải là thơ Tiền chiến và thơ Hiện đại. Nhà thơ Bích Khê tác giả “Tinh Huyết” bên cạnh những cực điểm Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên, những thân xác đau đớn và tâm tư dằn vặt, lại tỏ vẻ ơ hờ với xuân:

Ngày xuân ai chẳng lại
Chơi xuân một nhành mai
Gió xuân rơi hoa hết
Tình xuân dễ lợt phai.
(Bích Khê 1916-1946, Tình Xuân)

Năm 24 tuổi ông xuất bản Tinh Huyết nồng nàn, năm 30 tuổi ông qua đời, mà “tình Xuân” của ông hờ hững dửng dưng đến thế, thì lòng ông đã chán chường từ khi nào? Trong nhóm ba thi sĩ bằng hữu từ thuở thiếu thời, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, sự yểu mệnh của hai người trước là mất mát lớn của thi ca Việt Nam, còn sự sống lâu của Chế Lan Viên lại là sự thiệt hại đáng buồn hơn.
Mặc dù mắc bệnh nan y, thơ Xuân của Hàn Mặc Tử lại êm ái đằm thắm, rõ ràng ông chờ đợi xuân, mong ngóng “bước đi” của Xuân đang tới gần như nghe ngóng chờ đợi một tình thân:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý - bóng xuân sang.


Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
(Hàn Mặc Tử 1912-1940, Xuân Như Ý)

Hai tâm sự của hai nhà thơ chết trẻ, quá trẻ, nhưng tên tuổi còn sống mãi với đời. Có những nhà thơ đợi xuân đón xuân từ đêm trừ tịch, từ tối 30, là những chàng lưu lạc giang hồ, ngược Bắc xuôi Nam mà lúc nào cũng sợ chia ly vào dịp đất trời đổi thay và nhân gian sum họp.

Chén buông đắp chiếu ngáy khè
Nửa đêm men nhạt chợt nghe năm tàn
Một mình nhóm lại nồi than
Tưởng còn bén lửa những bàn tay hơ.


Sầu chi? Than thở bây giờ
Vui chi? Sửa giọng cho thơ vắng giời [trời]
Đêm dài chi lắm đêm ơi
Cho lòng nghe động chân trời tiễn nhau.


Rưng rưng những nhớ ngàn sau
Những ai mái tóc trên đầu trắng tang
Rưng rưng nhớ những đời hoang
Bơ vơ xó chợ lang thang vỉa hè
Rưng rưng nhớ những chia ly
Giữa đêm trừ tịch nghĩ gì mai sau.
(Trần Huyền Trân 1913-1989, Đêm Trừ Tịch. Bài này đề tặng Giản Chi)

Khác với ba thi sĩ trên, Trần Huyền Trân sinh ở Thăng Long Hà Nội, thuộc nhóm Tam Anh (ba anh, hay ba chàng anh tuấn, hai người kia là Nguyễn Bính và Thâm Tâm). Ba người này rất hay về thơ chia ly, Nguyễn Bính lại đặc biệt nổi tiếng về thơ Xuân, thơ sang ngang và thơ bến đợi bến chờ. Người yêu thơ hẳn từng đọc những bài Xuân Tha Hương, Tết Của Mẹ Tôi, Bài Hành Phương Nam, Thơ Xuân Gửi Chị, bài nào cũng nói về Xuân về Tết. Nói đến thơ Xuân, tâm sự thơ Xuân, không thể không nói về thơ Xuân Nguyễn Bính.

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ôi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương, thật não nùng...


Tết Này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng...
Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông.
(Nguyễn Bính 1918-1966, Xuân Tha Hương. Bài này đề Gửi Chị Trúc)

Viên Linh

Theo Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn