BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghe lại vài ca khúc phổ thơ trong mùa Giáng Sinh

18 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1270)
Nghe lại vài ca khúc phổ thơ trong mùa Giáng Sinh
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

Trong mấy ngày qua, khắp nơi đâu đâu cũng đều vang vang những ca khúc quen thuộc. Nghe nhạc, biết là mùa Giáng sinh đang về. Những ca khúc như Đêm Thánh Vô Cùng, Mùa Sao Sáng, Chiều Bên Giáo Đường, Kinh Chiều, Bài Thánh Ca Buồn, Tà Áo Đêm Noel,.. cũng tràn ngập không gian và trí nhớ chúng ta cùng với những bài thánh ca quen thuộc với người Việt Nam như White Christmas, Holy Nights, Santa Claus is coming to town, Jingle Bells, Feliz Navidad, The Little Drummer Boy, Ave Maria, … đang vang vọng khắp nơi.
 
Và trên truyền hình, trên đài phát thanh, trên những chương trình nhạc… trong những quán cà phê, trong các thương xá, mọi nơi mọi chỗ, không khí Giáng sinh tràn ngập trong những dòng nhạc ấy.
 
Hãy đọc/nghe lại ca khúc Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời dưới đây của Nhất Tuấn do Phạm Duy phổ nhạc, tự nhiên sao thấy nhớ quá những ngày còn trẻ.
 
Con quỳ lạy Chúa trên trời
sao cho con lấy được người con yêu
đời con đau khổ đã nhiều
kể từ thơ dại đủ điều đắng cay
số nghèo hai chục năm nay
xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
mối tình đầu chót bọt bèo
vì người ta thích chạy theo bạc tiền
âm thầm trong mối tình điên
cầm bằng Chúa định nên duyên bẽ bàng
bây giờ con gặp được nàng
không giàu, không đẹp không màng lợi danh
chúng con hai mái đầu xanh
chắp tay khấn nguyện trung thành với nhau
thề nhau sóng gió bể dâu
để yêu.. trước cũng như sau,.. giữ lời
Người ta lại bỏ con rồi
Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con.

Và một ca khúc của Trần Thiện Thanh phổ từ một bài thơ của Hàn Mặc Tử, một thi sĩ làm thơ bằng cả cuộc đời đau đớn của mình, bằng bệnh tật ác nghiệt phong cùi dày vò thể xác mình.

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
mỗi lời thơ đều dính não cân ta
bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
như mê man chết điếng cả làn da

Nhận định về Hàn Mặc Tử, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại đã viết:


Hàn Mặc Tử có lẽ là người Việt Nam đầu tiên làm thơ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và Chúa Giêsu. Ông ca tụng đạo Thiên Chúa với một giọng rất chân thành. Đây là lần đầu tiên thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới. Tôi dám chắc rồi đây sẽ còn nhiều thi sĩ Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca Việt Nam vào con đường triết học.”

Thi sĩ đã làm thơ với lời chào mừng trân trọng cung kính Mẹ Maria, người nữ tuyệt vời thánh thiện. Cái buốt đau của thân thể khi cầm bút với những ngón tay co quắp rút lại vì bệnh đã làm cho thi sĩ như xuất thần để quên đi thực tại và đắm mình trong một niềm tin tôn giáo vô biên.
 
Maria! linh hồn con ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn
Giàu nhân đức giàu muôn lộc từ bi”
 
Không ai có thể phủ nhận nét Công giáo trong thơ Hàn Mặc Tử vì chính ông đã mở rộng biên giới thi ca Việt nam bằng những sáng tạo độc đáo mà nền giáo dục Công giáo từ cha mẹ, gia đình, trường Pellerin và gương sống các nữ tu Phan Sinh đã hun đúc hồn thơ của ông. Trong những ngày cuối đời, ông đã thổ lộ “Tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện mà thôi.”
 
Ngoài Hàn Mặc Tử, chúng ta không thể không nói tới Nhất Tuấn với tập thơ Truyện Chúng Mình và những bài thơ được phổ nhạc Giáng sinh nhiều nhất: Chúa nhật này trẫm nhớ ái khanh không? (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc), Con quỳ lạy Chúa trên trời (Phạm Duy phổ bài thơ Cầu Nguyện), Mimosa thôi nở (Đan Thọ phổ nhạc), Xin trả Lại Em (Hoàng Lang phổ nhạc), Hoa Học trò, Niềm Tin (Anh Bằng phổ nhạc). Tổng cộng có hơn 40 bài thơ được phổ nhạc trong thời gian từ 1959 đến nay. Ông là một sĩ quan cấp tá tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt, làm quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội. Nhưng thơ của ông được giới trẻ ưa thích vì có những tâm tình ngôn ngữ trẻ trung thơ mộng giống họ. Tập thơ Truyện Chúng Mình gồm 5 tập và được coi là một tập thơ có nhiều độc giả nhất. Thơ trong tập Truyện Chúng Mình cố nhiên là những chuyện đôi lứa. Nhưng hãy nghe bài Mimosa Thôi Nở của ông được Đan Thọ phổ nhạc sẽ thấy mùa Giáng sinh trở về:

Noel xưa anh nhớ
khi hãy còn yêu nhau
nhà thờ nơi cuối phố
thấp thoáng sau ngàn dâu
anh chờ em đi lễ
chung dâng lời nguyện cầu
 
….

đêm này Noel đây
chuông nhà thờ khắc khoải
gió đồi lang thang bay
mưa buồn giăng ngõ tối
anh quỳ bên tượng Chúa
cúi đầu chắp hai tay
lạy Chúa con chờ đợi
người ngày xưa về đây
nhưng em không về nữa
đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
Trong hồn anh đêm nay.
 
Hãy nghe một ca khúc khác do Anh Bằng phổ nhạc, tràn ngập màu Giáng sinh, bài Niềm Tin của Nhất Tuấn:

lại một Noel nữa
mấy mùa Giáng sinh rồi
anh ở đồn biên giới
thương về một khung trời
chắc Đà Lạt vui lắm
mimosa nở vàng
anh đào khoe sắc thắm
hương ngào ngạt không gian
mấy mùa Giáng sinh trước
chỗ hẹn anh chờ hoài
lần này không về được
hồi hộp đợi tin ai
em biết không đời lính
nắng sớm với sương chiều
gió rừng rồi mưa núi
đã làm anh vui nhiều
ở đây anh chờ sẵn
đón thánh lễ truyền thanh
xin Chúa ban ơn xuống
cho em và cho anh
cũng cầu cho thế giới
cho nhân loại hòa bình
cho đôi ta gặp lại
trong một mùa giáng sinh.
 
Nói đến thơ Giáng sinh ta cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Tất Nhiên. Từ Vì tôi là linh mục đến Chuông mơ, rồi Em hiền như ma soeur đến Hai năm tình lận đận, thơ và nhạc hình như đã bổ túc cho nhau để làm nổi bật hơn cá tính của người thơ. Những câu thơ tràn ngập nhạc tính và cũng chan chứa thi tính… Như bài Nguyện làm cây thánh giá đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số Giáng sinh năm 1972 và sau đổi thành Hai năm tình lận đận do Phạm Duy phổ nhạc.
 
.. em bây giờ có lẽ
 toan tính chuyện lọc lừa
 anh bây giờ có lẽ
 nên làm người tình thua
nhà thờ chuông đổ chậm
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian, mưa
 
anh bây giờ có lẽ
thiết tha hơn tín đồ
nguyện làm cây thánh gía
trên đỉnh chuông nhà thờ
cô đơn nhìn bụi bặm
làm phân bón rêu xanh”
 

 
Cho đến nay, theo mùa Giáng sinh về, người ta vẫn không quên những ca khúc Em hiền như ma soeur, Vì tôi là linh mục, phổ từ thơ của thi sĩ họ Nguyễn.
 
Và một bài thơ khá nổi tiếng khác của một nhà thơ người Nam Bộ được phổ nhạc bởi Huỳnh Anh và Anh Bằng. Một bài thơ mà thành hai bản nhạc. Đó là bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím, thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà.


Nhà thơ khi ăn mừng thượng thọ 81 tuổi đã mang bức di ảnh của người xưa để công bố một hình bóng nàng thơ áo tím, một nhân vật có thực của đời mình. Theo bài viết đăng trên web-site của Lê Thiếu Nhơn thì nàng thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà (tên thật là Trương Khương Trinh) là bà Nguyễn Thúy Nhiều, người bạn học của ông hay đi ngang qua nhà thờ mỗi khi xem lễ với tà áo tím. Hà Huy Hà đã mang hình ảnh ấy vào thơ với cảnh giáo đường, với chuông nhà thờ. Và ông cũng lồng vào khung cảnh một thời tao loạn với cảnh tử biệt sinh ly. Thơ Kiên Giang Hà Huy Hà rặc ròng âm hưởng Nam Bộ, có lúc thật giống với thơ Nguyễn Bính nhưng cũng có khi y khuôn như những câu ca dao của miền sông nước Cửu Long. Về khuynh hướng chính trị, Kiên Giang thiên cộng trong thời kỳ trước năm 1975 và là một người được chế độ Cộng sản cho tham dự vào các sinh hoạt văn chương sau 1975, nhưng dường như chẳng được đãi ngộ bao nhiêu, mặc dù được xưng tụng là có hơn 60 năm phục vụ nghệ thuật cho cách mạng. Lúc đến tuổi hưu ông phải bán đi căn nhà nhỏ bé của mình vì sinh kế khá chật vật. Hãy đọc đoạn đầu bài thơ:

lâu quá không về thăm xóm đạo
từ ngày binh lửa ngợp quê hương
khói bom che lấp chân trời cũ
che cả người thương nóc giáo đường
mười năm trước em còn đi học
áo tím điểm tô đời nữ sinh
hoa trắng cài duyên trên áo tím
em là cô gái tuổi băng trinh
quen biết nhau qua tình lối xóm
cổng trường đối diện ngó lầu chuông
mỗi lần Chúa nhật em xem lễ
anh học bài ôn trước cổng trường
thuở ấy anh hiền và nhát quá
nép mình bên gác thánh lầu chuông
để nghe khe khẽ lời em nguyện
thơ thẩn chờ em trước thánh đường..
 
Tình yêu rồi cũng phai phôi. Nàng áo tím đi lấy chồng. Chàng nghe ròn rã chuông xóm đạo như tiễn nàng vu quy. Rồi sau đó chiến tranh, và nàng áo tím ngày xưa đã thành người thiên cổ:
 
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
mà cài trên cỗ nắp quan tài
điểm tô công trận bằng hoa trắng
hoa tuổi học trò mắt thắm tươi
 xe tang đã khuất nẻo đời
chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
từ đây tóc rũ khăn sô
em cài hoa trắng trên mồ người xưa.
 
Hình như sau đó, bài thơ có một bản khác với bốn câu thơ cuối bị sửa đi bằng từ khác. Về sau này, người chồng của bà Thúy Nhiều ghen tức khi bà này đặt tên con đầu lòng bằng tên ghép của hai người: tên của mình và tên của người thơ. Bản sau của bài thơ, Kiên Giang Hà Huy Hà sửa lại đoạn kết bài thơ là:

Lạy Chúa con là người ngoại đạo
nhưng con tin có Chúa ở trên trời
trong lòng con giữa màu hoa trắng
cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!

Thơ Kiên Giang ngôn ngữ chất phác, những bài thơ như Xe Trâu hay Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím nhờ sự hồn hậu bình dân biểu lộ tính tình của người dân Nam Bộ.


Ít ai có giọng thơ như thế. Đọc thơ ông, chúng ta thấy như cả một bầu trời của sông nước Hậu Giang. Bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím với hình ảnh xóm đạo, của một thời chiến tranh tao loạn đã tạo được nhiều cảm xúc cho người đọc. Như bài thơ Tha La Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh mỗi khi Mùa Giáng sinh về.

 

Nguyễn Mạnh Trinh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn