BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quê hương tôi... đồng bào tôi...

05 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1695)
Quê hương tôi...  đồng bào tôi...
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi vẫn thích xem những phim chiến tranh để mà sợ chiến tranh hơn, thích đọc thơ phản chiến để mà mơ ước ngày quê hương im tiếng súng, thích nghe nhạc T.C.S. để mà thấy thêm yêu chuộng hòa bình.

Nhưng thật ra là dân đô thị, tôi cũng chưa thấu rõ được chiến tranh là thế nào. Đó đây trong trí nhớ của tôi chỉ thoảng qua một vài hình ảnh: Một người đàn bà đi buôn hàng chuyến dọc đường bị mìn, cả khuôn mặt nát bấy còn lại vài cái hốc và những mảng thịt bầy nhầy di động cố thì thào:

- Con tôi, các con ơi...

Hoặc bà mẹ trẻ bế con mới sinh chạy hớt hải, tới khi nhìn xuống tay thì chỉ còn lại mớ tã lót bọc trong cái chăn, con đã lọt đi từ lúc nào, bà ta chạy nguợc lại thì ra dòng người chen chúc xô đẩy đã vô tình dẫm nát đứa nhỏ. Chỉ vài ba hình ảnh vụn vặt với cái tầm kiến thức về hiểm họa chiến tranh rất nghèo nàn của tôi như thế cũng đã đủ làm tôi rùng mình ghê sợ không muốn nhớ tới nữa. Và, như những người thích thanh bần, tôi cũng không muốn hiểu biết dồi dào thêm về mặt này.

Nhưng với chiến tranh, tôi không còn có quyền muốn hay không. Nó tàn nhẫn dạy dỗ, nhồi nhét cho tôi được hiểu biết. Tôi đã biết. Và tất cả dân đô thị đều đã biết, biết rõ ràng những đau đớn, thống khổ, tang tóc do chiến tranh gây ra. Biết vào đúng lúc lòng đang phơi phới mừng Xuân mới, biết vào lúc đang tung tăng trên đường đến Chùa, đến Nhà Thờ, lúc đang điểm trang, đang nhận tiền lì xì và các cô cậu bé biết cả vào lúc đang nhí nhảnh trước gương làm điệu hiệp sĩ....

Họ đã đổi lấy sự hiểu biết này bằng nhà tan cửa nát, bằng sinh mạng, bằng cánh tay, bằng cẳng chân, bằng máu, bằng bơ vơ xó chợ đầu đường ngay giữa ngày Xuân.



Đây chiếc xe lam chở người đàn bà và đàn trẻ mặt mũi nhọ nhem, trong đó có một đứa mặt xanh ngắt, máu đỏ thẫm đã ngả đen bê bết trên chiếc áo sơ mi mới tinh, một cánh tay còn nát bấy lèo nhèo thịt lẫn với vải rách. Bà mẹ mặt mày ngơ ngác kinh hoàng nhìn tai nạn chụp vào đứa con yêu quí, chỉ còn biết giữ chặt lấy cánh tay chết của con như ước mong có phép mầu gắn lại. Kia, một ông mặc complet vừa chạy vừa đẩy chiếc xe Scooter mồm la hét inh ỏi, ông ta quá sợ không dám dừng lại để đạp cho xe nổ máy.

Tất cả đều kinh hoảng tột độ. Họ chết, bị thương vào những giây phút bất ngờ nhất. Họ đã được yên tâm, được ru ngủ bằng lời hứa hẹn "hưu chiến đầu năm". Họ đã được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn, thiệp mời in long trọng trên giấy kim nhũ, yêu cầu thực khách mặc lễ phục, để được thết bằng những món ăn tẩm thuốc độc.

Suốt những ngày khói lửa, tôi vô dụng đối với đồng bào. Tôi không giúp được gì khi được tin chồng chị bạn tôi chết giữa ngày Mồng Hai Tết, sau khi từ biệt chị để vào trại chiến đấu cùng đồng đội. Chị mếu máo:

- Hôm qua tụi em hẹn nhau tối nay đến mừng tuổi anh chị. Thế mà anh ấy bỏ em rồi. Anh ấy mới còn ngáp đây mà đã chết rồi.

Tôi không làm được gì cho chị giúp việc cũ của tôi. Nhà chị bị pháo kích cháy, chị cuống cuồng cắp hai đứa con ba và hai tuổi ra đường, chạy được vào định bế nốt con bé ba tháng thì mái nhà sập xuống. Chị tức tưởi:

- Cháu còn thấy nó dẫy trên võng. Tại đạn bắn rát quá nên mãi lúc cháy to cháu mới liều chạy ra. Cô ơi! Tội nghiệp nó quá, người nó teo lại bằng con gà quay mà bụng còn nguyên máu đỏ.

Tôi không thể làm vơi nỗi đau khổ của họ. Những lời an ủi đều vô nghĩa. Một mớ quần áo cũ, chút tiền cứu trợ có nghĩa gì với nỗi đau đớn tột cùng kia. Tất cả chỉ để cho họ được an tâm phần nào trong khi sự đau khổ đang xé nát trái tim họ.

Nhưng cũng có những hành động đẹp như bát nước mưa mát rượi tưới vào những cõi lòng héo hắt. Đó là những cụ già tóc bạc còn lặn lội đi hiến máu, những giọt máu của người già thật quí đối với họ, nó giữ gìn chút hơi tàn cuối đời mà cũng cố san sẻ để giúp nhân loại. Những cô cậu học sinh mò mẫm đi các trung tâm cứu trợ để giúp đỡ cho đồng bào tị nạn, các anh lái xe taxi, xe lam, xe honda, xe gắn máy ngược xuôi đi chở giúp những người bị nạn dời ra xa chốn bom đạn để tới những trạm tiếp cứu và những anh lính chiến len lỏi mò mẫm tìm đủ mọi cách tới được đơn vị, để chống giữ và đẩy lui những tang tóc đau thương đang tràn vào chụp thêm lên đầu dân chúng.

Trong những ngày dài dặc lo âu và xúc động, tôi thường nhìn những đứa nhỏ trong trại tị nạn đã mất cả cha mẹ một sớm một chiều - những đứa trẻ chẳng hiểu tang tóc đã đến, còn nhe răng cười khi thấy thằng bạn trượt chân - nhìn bà mẹ mất con mà phải dẹp đau đớn trong lòng, chen lấn để giành cho những đứa còn lại một chỗ nằm kín gió, nhìn ông già ngồi cạnh miệng cống đăm chiêu quấn điếu thuốc sâu kèn, để mà tự hỏi:

“Liệu tôi có nghĩ đúng khi cho rằng chỉ cần buông súng xuống là có hòa bình hay không ? Và còn có đời sống tự do hay không? Hay sẽ là những cuộc thanh trừng tàn sát còn đẫm máu hơn nữa”.

Tôi nghĩ..., tôi nghĩ...

***


Tôi không còn muốn nghĩ gì nữa. Từ thuở bé, tôi được ân huệ trời dành một nguồn hạnh phúc vô tận, là hằng đêm thường mơ thấy những giấc mộng đẹp. Tối lại, tôi đi ngủ với hy vọng gặp những giấc mộng. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng gặp ác mộng. Đại khái là một bà già hình dung cổ quái nhe răng nhìn tôi, rồi cánh tay bà vươn ra muốn chụp lấy tôi. Tôi cố chạy mà không thể được. Những cơn ác mộng của tôi thường được kết liễu bằng sự cố chạy mà không được, tôi sẽ tỉnh lại bằng tiếng la của chính tôi.

Cơn ác mộng đã đến với tất cả các đô thị, đã đến với đồng bào tôi.... đến trong mùa Xuân ... trong tiếng pháo nổ tưng bừng.... Không ai có thể la hét lên để mong tỉnh lại. Chỉ còn ao ước ác mộng chóng qua và những ngày thanh bình êm đềm cũ lại trở về.

Đỗ Phương Khanh
(Sài Gòn -1968)
(Báo Bách Khoa, số 267, Tân Niên 1968,
số đặc biệt về biến cố Mậu Thân)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn