BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73343)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc 'Lao Xao Dòng Đời' để thấy lòng lao xao

04 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1138)
Đọc 'Lao Xao Dòng Đời' để thấy lòng lao xao
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
WESTMINSTER, California (NV) - Cảm giác của tôi ngay khi đọc những trang đầu tiên của truyện “Lao Xao Dòng Đời” là một sự phẫn uất.

Lao Xao Dòng Đời” của tác giả Nguyễn Phước An. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Phẫn uất vì tôi không thể nào chịu đựng được hình ảnh: “Ông Tú tay trái nắm đầu tóc dài đen mượt của vợ, xoắn lại một nắm, kéo cô ra khỏi đám con, tay phải tát, đấm túi bụi vào đầu cô... Thân hình cô run lẩy bẩy, không nói được và chỉ ngước mắt van xin chồng. Đám con khóc thét vang nhà.”

Chưa hết.

“Bất thần, ông dùng chân mang giày lính đạp một phát vào bụng vợ, làm cô Mai oằn người thét lên. Ông Tú kiểm tra khẩu súng colt đeo trên ngực và khẩu súng nhỏ hơn bàn tay trong túi quần, rồi giận dữ đi ra cửa.”

Tôi vừa đọc, vừa nhăn mặt, kinh tởm hình ảnh ông Tú, chồng không ra chồng, cha không xứng là cha, dù rằng ông được bạn bè, người quen, anh em ca tụng, tung hô, nể vì.

Và cũng từ sự phẫn uất đó, mà tôi không thể nào rời mắt khỏi những con chữ đang kể cho tôi nghe về số phận bi đát tưởng chừng không thể nào cùng kiệt hơn nữa mà vợ con ông Tú phải hứng chịu, từ khi ông còn đĩnh đạc là một sĩ quan, cho đến lúc vào tù cải tạo 10 năm, rồi ra tù, sang Mỹ theo diện HO, và chết đi.

***

Nội dung tập truyện “Lao Xao Dòng Đời” xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính: ông Tú và Phan, con trai lớn của ông.

Ông Tú là một đại úy ở Đà Nẵng. Ông được xem là “một tay bất cần đời, coi trời bằng vung. Nghèo nhưng chịu chơi, tửu lượng cao, không thuộc đảng phái nào nhưng có rất nhiều bạn bè đủ thành phần, đảng phái, tôn giáo, quân đội, công chức hầu như cả thành phố đều biết đến y. Y làm bạn với tất cả những ai biết uống rượu bia. Cả ăn xin, ăn mày, bụi đời băng đảng, ngay cả chiêu hồi, mấy gián điệp nhị trùng. Y ngông nghênh tự ví mình như bố già 'Victor Corleone' trải thảm trừ gian diệt bão, giúp kẻ cô thế.”

Ông Tú có vợ là Mai và bảy đứa con nhỏ, trong đó lớn nhất là cậu con trai tên Phan, đứa kế là con gái tên Phương.

Ông Tú hào hiệp với người ngoài bao nhiêu thì lại cay nghiệt, man rợ với vợ con bấy nhiêu. Đọc xuyên suốt câu chuyện, tôi không nhìn ra được một chút nào sự từ tâm, lòng yêu thương và trách nhiệm của một người cha, người chồng nơi ông Tú, dù rằng có lúc tác giả muốn chỉ ra cho độc giả thấy rằng ông có nhớ vợ, thương con. Nhưng tất cả đều quá mờ nhạt.

Xuyên suốt câu chuyện, không có một lần nào xuất hiện trong ký ức Phan hình ảnh một người cha dịu dàng, có quan tâm, lo lắng cho con mình, mà gom lại hết chỉ là một người cha say rượu, luôn đi làm những việc giúp đỡ thiên hạ, và hành hạ vợ con, cả lúc ông còn đương chức đến lúc ông trở về từ trại tù cải tạo sau 10 năm.

Từ việc “Nhớ lại những lần bị đòn là Phan lại rùng mình, khi cây roi cha đánh vào thân thể thì nơi ấy nóng ran và máu như sôi lên. Vết bầm đen bị đánh đòn phải cả tuần mới tan hết,” đến chuyện ông Tú hay bắt hai anh em Phan và Phương, một đứa con trai, một đứa con gái, đấu võ với nhau mỗi ngày và chỉ được cho nghỉ khi nào có một đứa bị đá trúng vào mặt. Hoặc giữa đêm ông đi uống rượu say xỉn trở về, mang theo đồ ăn. Ông tát vào mặt từng đứa con bắt chúng phải thức dậy để ăn. Khi thấy chúng ăn một cách uể oải vì ngái ngủ, ông nổi giận lôi hết chúng chất lên xe để chạy ra đường để so sánh chúng với những đứa trẻ bụi đời đánh giày. Tất cả, với tôi, vẫn không man rợ bằng cảnh sau khi đi tù về, dù các con đã lớn, nhưng ông Tú vừa uống rượu vừa cầm cây roi to bằng ngón chân cái quất xuống đầu đứa con gái lớn của ông vì tội “con gái hư, đi chơi với trai mà không xin phép,” trước mặt người yêu và anh trai lớn của cô.

Dù “đầu Phương đã xưng lên mấy cục, máu rỉ xuống mang tai dính bết vào mấy lọn tóc mai” ông Tú vẫn “nhâm nhi rượu, vừa la vừa khoan thai đánh Phương cả tiếng đồng hồ.”

Đến lúc không chịu nổi, người yêu của Phương chỉ còn biết đưa ra tay đỡ mỗi khi ngọn roi của người cha quật xuống đầu cô. Nhưng ông Tú lại xem đó như một trò chơi, ông nhử ông giá để có thể quất liền cây roi xuống đầu con gái mình một cách thích thú.

Tim tôi như bị bóp nghẹt, nước mắt tôi chảy xuống. Tôi tự hỏi, liệu trên đời này có ông bố nào bệnh hoạn hơn thế và có những đứa con nào đáng thương hơn thế?

Sự kiện cuối Tháng Tư, 1975 xảy ra, ông Tú chẳng có nhà cho vợ con che mưa nắng đã đành mà khi không còn gì để ăn, ông gọi Phan và Phương đến bảo “hãy dắt các em ra phố mà ăn xin,” trước khi quyết định bán đi cái đồng hồ Rolex để làm kế sinh nhai, và sau đó, như bao người khác, ông Tú ra “trình diện,” và “đi tù cải tạo” 10 năm.

Dù rằng tác giả đã cố gắng kể lại những hành động “anh hùng,” những nghĩa cử không phải ai cũng làm được như ông Tú trong thời gian lao động khổ sai trong tù. Nhưng quả thật, điều đó không đọng lại trong tôi, không đủ thuyết phục tôi, so với việc tôi nhìn ông Tú như một ác quỷ, một kẻ vô tích sự đối với gia đình.

Ra tù, vợ chết, ông Tú ở kinh tế mới cùng bảy đứa con. Ông vẫn không từ bỏ thói quen tụ tập bạn bè đến nhà ông nhậu mỗi chiều. Những lúc đó, ông lại bắt các con ông ra biểu diễn đàn hát, đứa nào không chịu thì ông đánh.

Cuối cùng, ông cùng bầy con của mình cũng sang Mỹ. Xứ sở mới, nhưng cuộc sống ông không gì mới hơn. Vẫn nhậu nhẹt say sưa, vẫn đánh con, và đâm con. Những đứa con thương ông nhất trong nghĩa cha con cuối cùng cũng phải dọn nhà ra ở riêng, để người đời lại quay sang trách cứ “con cái đông, thành đạt hết mà chẳng đứa nào chăm sóc cho cha.”


Phan, con trai lớn của ông Tú


Đọc “Lao Xao Dòng Đời,” tôi có cảm tưởng như Phan chính là tác giả, hay nói đúng hơn, tác giả mượn nhân vật Phan để kể lại sự lao xao của dòng đời mà ông chứng kiến hay dự phần.

Gấp lại trang sách cuối cùng, tôi không cảm thấy được nét vui, sự giải thoát hết mọi phiền muộn của nhân vật này.

Tuổi thơ của Phan là ký ức về những trận đòn roi của cha, hay bị bắt quỳ gối phơi nắng ngoài sân.

Tuổi thơ của Phan là những ngày theo mẹ và các em lang thang đầu đường xó chợ, ngủ trên những sạp gỗ trong chợ xếp, hay nằm trong các ngôi mộ ngủ vùi.

Tuổi thơ của Phan là “những ngày chặt cây, cưa củi, khiêng vác, đào lò đốt than, là không ngày nào không có thương tích, nhiều vết thương trên tay làm độc, cương mủ, đến cầm chén cơm, đôi đũa cũng không được.”

Tuổi thơ của Phan là chứng kiến “ngày đưa xác mẹ ra nghĩa trang, anh em Phan đứa đằng trước, đứa đằng sau, có đứa đi cả dưới quan tài mẹ. Ngay lúc mộ mẹ vừa đắp xong thì sự cô đơn và nỗi lo bất an bắt đầu xâm chiếm lòng Phan.”

Và từ đó, Phan trở thành người bảo bọc cho ba đứa em kế mình, còn ba đứa nhỏ được ông nội, ông ngoại mang về nuôi.
Có thể nói, cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa bắt gặp một cuộc đời nào trong tiểu thuyết bi thảm và đau buồn hơn cuộc đời của nhân vật Phan.

Nó không chỉ bi thảm ở chuyện những đứa trẻ mất mẹ sớm, lại sống trong vùng kinh tế mới, quần áo vá víu bất kể màu sắc, hay ở chuyện phải ăn khoai sắn quanh năm, chỉ có ngày đầu năm mới được một ngày giã gạo nấu cơm không độn thứ gì, ăn để quên đi những hờn tủi. Mà hơn cả nỗi khổ vật chất, là sự bi thảm khi Phan nhận ra thân phận mình, để không dám chấp nhận một tình yêu vừa mới chớm với Hằng.

Đoạn tả cảnh Phan dùng chiếc váy đầm của con gái không biết từ đâu có sẵn trong nhà để chế thành một chiếc quần đùi mặc đi tắm suối cùng bạn bè, bởi vì chiếc quần đùi của Phan rách quá rồi, là đoạn có nhiều hình ảnh của tiếng cười. Nhưng ẩn trong đó là nước mắt. Bởi tiếng cười của lũ bạn đánh thức trong Phan nỗi mặc cảm chất chồng của một đứa trẻ không cha không mẹ và không biết cả tương lai, để rồi Phan quyết định lặng lẽ rời xa người bạn gái đầu tiên mà Phan rung động.

Theo lời kể của tác giả, “một trong những niềm vui ít ỏi, nhưng to lớn của anh em Phan là nhận được thư của ba báo tin còn sống... Đọc thư ba, mấy anh em mừng quá, cứ như người bơi kiệt sức thấy bến bờ.” Cứ thế, Phan và các em mình sống trong niềm hy vọng một ngày được đoàn tụ cùng đấng sinh thành. Dù rằng, đến khi gặp lại ông Tú, đã có lúc Phan nghĩ đến chuyện dùng dao chặt chân ông để ông không thể đứng lên đánh Phan và các em mình nữa, để ông cứ ngồi yên một chỗ cho những đứa con chăm sóc.

“Lao Xao Dòng Đời” làm người đọc xao lòng nhất có lẽ ở lá thư qua lại giữa Phan và Thương, người con gái anh yêu tha thiết, và phải trải qua 13 năm Phan mới cưới được cô, sau khi qua đến Mỹ.

***

Tác giả Nguyễn Phước An, ngay từ đầu tập sách, thừa nhận mình không phải là một nhà văn, mà chỉ là một độc giả viết, “nhưng vì lòng mong muốn, vì nhu cầu nội tâm thôi thúc” nên viết để “ghi lại những gì mình suy nghĩ, đã trải qua, để giãi bày nỗi lòng trước thời cuộc.”

“Lao Xao Dòng Đời” hay ở cốt truyện về thân phận con người. Dù rằng số phận bi thảm của đời sống nhiều người sau năm 1975 đã được nói đến khá nhiều, nhưng dòng đời của những nhân vật trong quyển truyện này vẫn có những nét rất riêng biệt, không lẫn lộn trong số đông.

Cách viết giản dị, không cầu kỳ, trau chuốt chữ nghĩa một cách thái quá, khiến tác phẩm gần gũi hơn với người đọc mọi giới.

Tuy nhiên, cấu trúc, bố cục của “Lao Xao Dòng Đời” đôi chỗ còn chưa rõ ràng, có những chuyển đoạn đột ngột khiến người đọc hơi bất ngờ. Tác phẩm chưa tạo được cao trào cần có. Có những nhân vật, sự kiện xuất hiện một cách thừa thãi, không cần thiết.

Quan trọng hơn, người đọc không nhìn ra được sự chuyển động của thời gian trong tác phẩm. Các nhân vật dường như không có tuổi. Ông Tú bao nhiêu tuổi? Phan bao nhiêu tuổi khi mẹ qua đời, Phan phải gánh trách nhiệm bảo bọc các em? Thời gian gia đình Phan ở kinh tế mới là bao lâu? Thời điểm Phan sang Mỹ là lúc nào?

Dù rằng tác giả cũng nhắc đến trong tác phẩm rằng, đám tang ông Tú được tổ chức rất long trọng, rất đông người tham dự, cả nhật báo Người Việt và nhiều đài truyền hình cũng đến lấy tin, bởi lẽ ông Tú được được ca tụng là “một người bạn tốt, sống hết mình vì bạn và luôn giúp đỡ mọi người” hay “ông đã sống một cuộc đời đáng sống.” Nhưng quả thật, tôi đã không nhìn thấy chân dung của một con người đáng kính ở ông Tú, qua cách kể chuyện của tác giả. Nó hoàn toàn ngược lại.

Để hiểu thêm về những thân phận, những cuộc đời cùng cực đến mức mình không thể nào tưởng tượng ra được thì “Lao Xao Dòng Đời” có thể giúp mình điều đó.

Tác giả sẽ có mặt trong buổi ra mắt tác phẩm này vào lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Hai, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, 1538 N. Century Blvd., Santa Ana, CA 92703.

Tiểu thuyết “Lao Xao Dòng Đời” do nhà xuất bản Sống phát hành năm 2013. Độc giả quan tâm có thể liên lạc trực tiếp với tác giả Nguyễn Phước An qua email: phuocanthy@yahoo.com, hoặc nhà xuất bản Sống: nhaxuatbansong@gmail.com, điện thoại: 714-531-5362.

Ngọc Lan/Người Việt

––-
Liên lạc tác giả: NgocLan@Nguoi-Viet.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn