BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thằng Em Kết Nghĩa

04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 1115)
Thằng Em Kết Nghĩa
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
 Hắn chuyển về phòng giam dãy năm được ba tháng. Hắn trẻ nhất trong số mười lăm phạm nhân trong cái phòng chật hẹp nầy, ngày đêm hai chân bị còng vào hai cái "U" sắt ! Ông Trưởng trại cho tôi biết "... đây là những kẻ "trọng phạm" trong số ba trăm trọng phạm chuyển về trại - cần phải biệt giam một thời gian, sau khi lấy thêm lời khai và xem thái độ thành khẩn của chúng nó khai báo mới cho ra lao động bình thường".

 

 Tôi đang "học tập cải tạo" vừa đến năm thứ tư, tuổi đời còn trẻ, mang trong tim bầu nhiệt huyết phục vụ quê hương đất nước. Nhưng lịch sử gặp phải thời "mắt nhắm mắt mở, ù ù cạc cạc..." sang trang quá hấp tấp... Nên bầu nhiệt huyết cuồn cuộn trong lòng tôi không có lối thoát, đâm ra uất ức, nghèn nghẹn... rất là đau khổ !

 

 Ông Trưởng trại nói "ra lao động bình thường" có nghĩa là không bị còng cái "U" vô chân, sẽ được "tự do" theo các toán đi ra ngoài ruộng rẫy lao động như mọi cải tạo viên khác. Còn hiện tại số người "trọng phạm" nầy hàng ngày cán bộ vẫn cho ra trước hiên ngồi đập đá dăm... chân vẫn còng nhưng chỉ còng một chân thay vì còng hai chân như lúc ở trong phòng. Như vậy cũng còn có phước, được hưởng ánh nắng mặt trời cho bớt ghẻ, lác...

 

 Mấy tháng nay tuy tôi đang chịu trách nhiệm canh giữ mười lăm người trọng tội "hình sự", nhưng thật ra, chỉ chịu trách nhiệm canh giữ vào ban đêm. Ban ngày tôi đi lao động bình thường đến chiều tối mới về.

 

 Trong số mười lăm người tù mà ông Trưởng trại nói là trọng phạm có một người tuổi đời còn rất trẻ, tôi đoán chừng... mười bốn đến mười lăm tuổi là cùng. Dáng dong dỏng cao, hơi ốm, khuôn mặt hiền hiền dễ mến, nước da trắng như da con gái, nói giọng miền Nam. Tôi không bao giờ hỏi hắn bao nhiêu tuổi, phạm tội gì để phải vô trại cải tạo. Tôi sợ hỏi nhiều hắn ta sẽ nghi ngờ... Mọi việc cứ để bình thường rồi đến một lúc nào đó hắn ta cũng tự nói ra. Một bữa, tôi ngồi đọc tờ báo Văn Nghệ của trại cho mượn, mới đọc được vài hàng thì ông Trưởng trại đến.

 

 Ông dòm dòm, ngó ngó một hồi rồi nói:

 

 - ...Qua mấy tháng "kèm cặp" anh thấy có đứa nào tiến bộ? Anh cứ mạnh dạn "báo cáo" cho tôi biết, tôi sẽ cho anh được quyền nhận lãnh những phạm nhân "tiến bộ" đó ra lao động bình thường, nhưng chỉ lao động ở trong khu nội, nếu anh để nó trốn thoát anh sẽ thế vô...

 

 Tôi chợi nghĩ... "chỉ có thằng Hận nầy là nhỏ tuổi nhất, lại hiền lành... Còn tội hắn gây ra như thế nào tôi không cần biết. Dù hắn có cướp của hay giết người thì hắn vẫn còn là một đứa con nít. Hơn nữa sự gợi ý... của ông Trưởng trại cũng tự hiểu như là một "chỉ thị ngầm" - làm sao mà dám từ chối".

 

 Tôi chợt lo lắng... không biết ổng có "thử"... mình đây không? Sau nầy có chuyện chi ổng quy chụp cho cái tội "có ý định thả tù" thì chết chắc ! Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn mạnh dạn nói với ông Trưởng trại...

 

 - Dạ thưa Trưởng trại. Tôi chỉ dám nhận một "phạm nhân" nhỏ tuổi nhất trong số mười lăm phạm nhân ở trong phòng. Nhưng tôi cũng xin ông Trưởng trại cho tôi làm việc gần nó, chứ tôi đi làm bên ngoài suốt ngày thì tôi đâu có "quản lý" nó được.

 

 Tôi thấy mặt ông Trưởng trại giãn ra..., đăm chiêu nghĩ ngợi... Ông thò tay vô túi móc ra gói thuốc rê - vê vê vấn vấn một hồi rồi châm lửa nhả khói mịt mù...

 

 Anh có biết hắn phạm tội gì không...?

 

 - Dạ thưa ông Trưởng trại. Làm sao mà tôi biết được?

 

 - Hắn nhảy tàu lửa thống nhất Nam Bắc đấy... ! Anh nên biết rằng chuyến tàu "Thống Nhất" là chuyến tàu thiêng liêng của tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa, biết bao máu xương chiến sĩ cách mạng đổ xuống mới có chuyến tàu xuyên Việt. Vậy mà đám thanh thiếu niên miền Nam do chính các anh đầu độc văn hóa Mỹ Ngụy làm hỏng hết tâm hồn thơ ngây của chúng nó. Chúng nó chỉ biết làm điếm, làm đĩ, ăn cắp của nhà, của công... Nay được giải phóng khỏi bọn Mỹ Ngụy kèm kẹp... Chúng nó không biết ơn lại còn phá hoại thành quả cách mạng. Chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai bán nước là một chiến thắng Thần Thánh lớn hơn mọi chiến thắng của nhân loại. Từ trước đến nay chưa có một quốc gia dân tộc nào thắng nổi đế quốc Mỹ sừng sỏ và giàu mạnh vào bậc nhất thế giới. Chỉ có cách mạng Việt Nam "quán triệt chủ nghĩa Mác Lê Nin - bách chiến bách thắng với ba giòng thác cách mạng" mới làm nên lịch sử 30.4.1975 long trời lở đất...! Các dân tộc bị bọn tư bản bóc lột trên thế giới - nay họ đang học hỏi kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam để giải phóng đất nước của họ. Chính các anh là: Ngụy quân, Ngụy quyền cũng được cách mạng giải phóng, vì vậy các anh phải biết ăn năn hối cải để mà trở về với nhân dân. Với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước "thành công tốt đẹp" như hiện nay, cách mạng có thể thay thế cả trời cũng được.

 

 "Ông trời đứng lại một bên

 để cho Thủy Lợi đứng lên thay trời"

 

 Ông Trưởng trại kể một hơi công trạng... với vẻ mặt rất ư là tự hào! Rất ư là "tâm đắc"...!

 

 Thấy ông Trưởng trại vui vui...Tôi định hỏi ông Trưởng trại rằng: "...Đế Quốc Mỹ giàu mạnh - bậc nhất thế giới..." Vậy cách mạng lấy vũ khí ở đâu? Và lương thực ở đâu? Để đánh cho... "Mỹ cút Ngụy nhào"...? Nhưng tôi kịp nhớ là ông Trưởng trại đã có nói "...một chiến thắng Thần Thánh...". Vậy là có "Thần Thánh" trợ giúp... ! Nên tôi im lặng. Dù câu hỏi của tôi là thật tình. Nhưng trong lúc nầy - thân phận của tôi là một người tù "cải tạo", chỉ biết im lặng ngồi nghe chứ không có quyền tranh luận hay lý lẽ... Lỡ biết đâu, ông Trưởng trại "hiểu lầm"... Ghép cho cái tội phản động vì không tin tưởng vô cách mạng. Thì nguy to !

 

 Vâng ! Trại chúng tôi đồng ý cho anh nhận hắn ra. Nhưng nhớ phải luôn cảnh giác và nghi ngờ... hắn trốn thoát. Chúng tôi đánh thắng Mỹ Ngụy một phần cũng nhờ các yếu tố cảnh giác và nghi ngờ... cũng như sử dụng "Bạo Lực Cách Mạng" mới đưa đến thành công tốt đẹp... Tôi cũng cho anh biết luôn. Ở bên ngoài mấy năm qua thành phần "phản động" kêu gọi thanh thiếu niên vô rừng lập chiến khu chống phá lại cách mạng... Nhưng đều bị chính quyền cách mạng chúng tôi bắt hết. Anh đừng thấy bọn chúng nó còn nhỏ tuổi mà khinh thường. Ngày trước anh hùng Lê Văn Tám tẩm xăng vô người làm cây đuốc sống chạy bộ hàng... trăm thước, nhảy vào đốt cháy kho xăng của giặc...! Anh Lê văn Tám - anh Kim Đồng, thời chống giặc xâm lăng cũng cỡ tuổi của bọn chúng bây giờ mà thôi !

 

 Ông Trưởng trại nhìn tôi có vẻ nghiêm trọng như muốn... tiếc lộ một chuyện gì... Tôi đoán vậy...

 

 Ông chỉnh sắc và hạ giọng nói:

 

 - Tôi cho anh biết - chúng nó tuy còn nhỏ, nhưng có đứa đã leo lên đến "quân hàm... Chuẩn Tá" phản động đấy ! Ban đêm anh phải "kiểm tra" lại ổ khóa và từng cái "U" sắt cho thật cẩn thận. Chúng mà thoát ra được là chúng nó sẽ giết chết anh trước tiên ! Anh bị chết oan ức... Anh phải hiểu điều đó... Tôi không hù dọa gì anh đâu.

 

 Tôi không hiểu tại sao "nhảy tàu lửa Thống Nhất" mà trở thành "trọng án" ? Phải đi tù cải tạo?

 

 Tôi rụt rè hỏi ông Trưởng trại:

 

 - Anh chưa hiểu sự việc mà chúng nó khai ra đâu? Nhảy tàu thống nhất thì có tội tình gì mà phải đi cải tạo cơ chứ? Chúng nó có nguyên một nhóm ăn cắp tài sản XHCN trên chuyến tàu từ thành phố HCM vĩ đại đi Hà Nội. Dưới đường có một nhóm khác tẩu tán... Bọn chúng là cặn bã của văn hóa Mỹ Ngụy nên chuyện xấu gì mà chúng nó chẳng làm. Văn hóa độc hại của Mỹ Ngụy tay sai bán nước tiêm nhiễm làm băng hoại đời sống xã hội miền Nam. Cách mạng chúng tôi phải "giải phóng" bằng mọi giá, và sẽ "tẩy não" cho sạch.

 

 Ông Trưởng trại rít một hơi thuốc dài rồi ném cái tàn thuốc ra ngoài sân. Ông hào hứng nói tiếp...

 

 Tôi cũng cho anh biết luôn. Muốn tiến lên CNXH phải có con người XHCN - Con người XHCN là phải: Ngay thẳng - Thật thà - Trong sạch - Không ăn cắp tài sản XHCN - Là một người đầy tớ trung thành của nhân dân - Luôn tôn trọng: Sự thật và nói sự thật... Kiên quyết từ chối mọi sự cám dỗ vật chất của bọn địch. Bọn tư bản, tư hữu bóc lột. Con người XHCN phải triệt để yêu thương Đảng, bảo vệ Đảng.Và Tổ quốc XHCN là: Trên hết. Tóm lại trong chế độ XHCN không có tội phạm hay trộm cắp, mọi người đều bình đẳng, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Đời sống rất là: tự do, sung sướng; muốn đi đâu cũng được, muốn ăn ngủ ở đâu cũng được !

 

 Ông Trưởng trại "quảng cáo" cái xã hội... sao mà quá sung sướng không khác gì Thiên đường ! Tôi nhớ lại câu chuyện kể của ông thầy dạy Việt văn ngày xưa: " Trước cửa của một quán ăn nọ có treo một tấm bảng trên đó có ghi câu: "Mai Ăn Không Phải Tính Tiền". Thực khách thấy vậy kéo nhau đến ăn rất đông. Ăn xong chủ quán vẫn tính tiền như thường. Thực khách thắc mắc... ? Ông chủ quán ăn bước ra ngỏ lời cảm ơn thực khách và vui vẻ trả lời: Mai ăn không phải tính tiền...! Mong qúi vị tiếp tục đến ăn... Còn hôm nay xin quí vị tính tiền dùm cho". Điệp khúc "Mai ăn không phải trả tiền" ! Là một lời hứa cho một sự hy vọng - quả thật là hay !

 

 - Dạ thưa ông Trưởng trại. Trại có: Bờ thành cao, hào sâu, chông cắm lởm chởm... Bên trong dây điện giăng mấy lớp đụng vô là bị giật chết liền. Ngoài ra còn có tháp canh - bộ đội dòm ngó ngày đêm. Thiết nghĩ, ai cũng quí trọng sự sống nên chẳng dám liều mạng trốn trại mà thiệt thân đâu.

 

 Ông Trưởng trại đứng dậy và chậm rải nói:

 

 - Chúng tôi biết là như vậy, nhưng không nên ỷ lại. Thôi, vài hôm nữa tôi sẽ có... Nghị Quyết về "khâu" nầy...

 

 Hôm nay tôi được đích thân ông Trưởng trại lên lớp một cách đặc biệt - thật là... "sáng mắt, sáng lòng" ! Đâu phải dễ gì mà cải tạo viên nào cũng được ông Trưởng trại "ưu ái" như tôi vậy? Cho nên tôi "hồ hởi phấn khởi" cố gắng thi hành cho xong bản án: "Học tập tốt - Lao động tốt - Chấp hành nội quy tốt" là được trở về đoàn tụ với gia đình vui vẻ thôi !

 

 Ban đầu tôi nghe ông Trưởng trại nói chuyện "bảo lãnh" người ra lao động. Vì lòng thương người nên tôi nghĩ ngay đến "thằng nhỏ" chứ không có ý gì. Nay nghe ông Trưởng trại nói "chúng nó nhảy tàu lửa" thì trong lòng tôi hơi... mừng ! Thân phận người tù "cải tạo" không khác gì con ếch ngồi đáy giếng ! Ngày tháng còn không biết thì làm chi mà biết được tin tức ở bên ngoài chứ? Dù người thân có vô "thăm nuôi" cũng đâu có dám hó hé...

 

 Tôi được chuyển về khu nội làm bên "khâu" hậu cần. Thằng bé làm việc phụ làm bên "khâu" thực phẩm khô của những thân nhân "cải tạo" gửi vô cất trong kho, gần kế bên. Công việc nhẹ nhàn ! Sau ngày "giải phóng" người miền Nam nhận được quá nhiều những cái... "khâu" ? Thời gian nầy tôi đã bước qua năm thứ năm "cải tạo". Dạo nầy ban đêm trại cho mở "Căng tin" trên Hội trường để bán thức ăn, có bán cả rượu đế Hòa Long uống vô cháy cổ... Riêng rượu, chỉ bán hạn chế và chỉ bán vào mỗi tối thứ bảy, cuối tuần.

 

 Một bữa tối thứ bảy tôi rủ "thằng hắn" lên hội trường kiếm chút gì đó để làm vài xị lai rai... Ở cái "Nhà hàng" nầy không có ai phục vụ, nên thằng hắn lăn xăn chạy mua "mồi" bưng lại bàn, rồi tất tả chạy đi mua rượu. (tất nhiên là tiền của tôi đưa cho thằng hắn) Tôi ngồi nhìn thằng hắn "bận rộn" Nhưng rõ ràng là thằng hắn còn y chang tính nết trẻ con... Tôi thương hắn quá ! Ngày xưa ở tuổi nầy tôi còn đi học, còn được sự bao bọc của cha mẹ, được sự chỉ bảo của Thầy Cô. Cuối cùng là được ăn no, mặc ấm. Tôi cảm thấy mình có lỗi với thằng hắn - nói rộng ra là có lỗi "toàn tập" bởi buông súng "đầu hàng"...!

 

 Hắn lí nhí rụt rè...

 

 - Em chưa biết uống rượu, nhưng bữa nay em sẽ uống một ly với anh cho vui ! Anh Tư ơi ! Không biết em có bị giam ở đây lâu không? May cũng nhờ có anh "đỡ đầu - bảo lãnh" nhận em ra lao động bên ngoài chứ không thì bị cùm hoài, khổ thân em lắm! Em không biết lấy cái chi để mà đền ơn cho anh... Em phục cái lòng thương người cũng như tính hào phóng chịu chơi của anh. Anh nhận em làm em "kết nghĩa" nha anh?

 

 Tôi nhìn khuôn mặt "con nít" của hắn... cười nói:

 

 - Chú em mầy đừng có trốn trại là "đền ơn đáp nghĩa" cho anh rồi đó ! Chú mầy trốn trại là anh đây phải thế vô chỗ của em, như vậy là anh hết đường về nhà - Ừ, "kết nghĩa anh em" cũng hay... ! Nào, rót rượu đi ! Cụng ly và cạn ly rượu xoay chừng nầy là đã trở thành anh em kết nghĩa !

 

 Uống xong ly rượu là thằng hắn bắt đầu rề rà...

 

 - Anh Tư ơi, em năm nay đúng mười lăm tuổi, là công dân Sai Gòn - Thủ Thiêm. Nhà em ở trong đồng. Mẹ làm ruộng, cha trước kia đi làm Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, bị thương nên giải ngũ trở về nhà. Em có hai người em gái còn đi học, riêng em nghỉ học từ ngày "giải phóng" để phụ cha mẹ làm ruộng.

 

 Tôi nhìn vô mắt thằng em dò hỏi:

 

 - Mần ruộng không lo mần ruộng, mà lo đi nhảy tàu hỏa... để cho bị bắt là sao? Làm như vậy đâu có xứng đáng là con của một người Cán bộ XDNT như cha em ?

 

 - Anh đâu có biết từ ngày mấy "ổng" vô Nam! cái gì gì... mấy ổng cũng lấy chở về bắc hết ráo...! Thành phố kiệt quê không còn đủ gạo để ăn, ai còn vàng bạc, đồ đạt... trong nhà cứ đem ra chợ trời bán để sống trong xã hội mới. Bán lần, bán hồi cũng hết sạch. Cuối cùng rồi cũng phải đi "kinh tế mới"! Khổ trăm về ! Anh ở trong trại "cải tạo" nầy làm sao mà anh biết được những chuyện bên ngoài xã hội mới kia chứ ?

 

 - Vậy họ chở những đồ đạt của cải ấy ra miền Bắc để làm chi ? Hằng ngày các anh được lên lớp học tập "bồi dưỡng chính trị". Mấy ổng cán bộ nói - ở ngoài miền Bắc đã tiến lên CNXH giàu có, đầy đủ, rất là sung sướng rồi kia mà...?

 

 - Vậy chứ... theo anh mấy ổng tịch thu "chiến lợi phẩm" trong miền Nam ùn ùn chở ra ngoài miền Bắc để làm cái chi ?

 

 Thằng nầy đúng là "ma lanh". Mình không biết mới gạn hỏi hắn - Hắn lại hỏi ngược lại mình.

 

 - Anh ở trong trại "cải tạo" mấy năm nay lúc nào cũng nghe mấy ổng lên lớp chửi không tiếc lời: Kinh tế miền Nam là kinh tế "phồn vinh giả tạo"! Chắc mấy ổng chở mấy cái thứ đồ giả tạo đó ra ngoài Bắc để "đốt bỏ" cho sạch đất nước. Chứ ai lại xài những thứ đồ giả đó làm chi ?

 

 Thằng hắn cười ngất... 

 

 - Em xin lỗi anh trước mới nói nha ! Đốt cái đầu của anh thì có. Cha em thường hay nói - người nào mà... "Hiền quá, hóa... ngu" ! Chẳng biết anh có phải thuộc loại người "hiền" như ba em nói hay không nữa ? Mấy ổng có muốn đốt thì đốt ở trong Nam nầy - chứ có ai đâu "khùng điên ba trợn" chở ra tận ngoài Bắc mà đốt cho tốn xăng chứ?

 

 Đến phiên tôi cười vang... và thầm nghĩ... "Mới nói khích tướng hắn chút xíu mà hắn đã "nổi khùng" ! Lại còn biết lý luận phải trái... Rất là thông minh" !

 

 - Thì... anh nghe mấy ổng cán bộ nói: "ngoài miền Bắc cái gì cũng có... Hàng hóa của ông Liên Xô đem cho xài không xuể. Hàng hóa của ông Trung Cọng chở qua cung cấp ăn thừa mứa, lại rất tốt...! Tốt hơn cả hàng hóa của bọn Mỹ Ngụy" . Mấy ổng còn nói: " Trăng bên ông Liên Xô sáng hơn trăng của bọn đế quốc Mỹ" nữa đó !

 

 Thằng em kết nghĩa của tôi chỉ uống có một ly rượu xoay chừng, mà coi bộ nó đã quá "bức xúc" ! Nếu tiếp tục uống "đại trà" thế nào hắn cũng nói chuyện huyên thuyên...

 

 Tôi thì thầm nho nhỏ vừa đủ cho hắn nghe:

 

 - Nơi đây... "Tai vách mạch rừng". Hãy giữ mồm giữ miệng... Nghe chưa !

 

 Hắn ngoan ngoãn nghe lời - nghiêng nghiêng cái đầu - nói giọng hơi trầm...

 

 - Nói thật cho anh biết, em không có tội lỗi gì ráo... Em tin anh nên em mới nói ra, còn tin hay không tin là tùy nơi anh thôi.

 

 Tôi nghiêm mặt và chặn họng thằng em.

 

 - Đừng có nói chuyện tào lao đó với anh. Không có tội thì mắc mớ chi bị bị người ta đưa vô đây... ? Dù nhiều hay ít cũng phải nhìn nhận là mình có tội. Dù không có tội mà đã vô đây rồi thì sẽ thấy tội ngay thôi ! Không thấy tội là không có đường về đâu em ơi ! Như anh đây chẳng hạn, cách mạng bảo: anh là tay sai, bán nước cho đế quốc Mỹ, anh cũng phải chịu tội để mà "học tập cải tạo cho tốt" sau nầy đừng có mà "bán nước" thêm lần nữa. Hiểu chưa !

 

 ... Để từ từ em sẽ kể hết cho anh nghe mà:

 

 - Chuyện là như dzầy: Khi có chuyến tàu "Thống Nhất Bắc Nam". Một hôm em gặp thằng bạn của em. Nó rủ em đi mua hàng đem ra ngoài Bắc bán kiếm lời. Nó nói: Nó có người chú là cán bộ thuở trước đi "tập kết" ra Bắc, hiện có vợ con - nhà ở Phủ Lý đâu đó... Chúng em mua hàng trong Nam như: Radio, đồng hồ, viết máy, hộp quẹt Zippo, bột ngọt... Đem ra ngoài Bắc bán. Gía cả chênh lệch nên tiền lời nhiều. Tiện thể, em cũng muốn ra Thủ đô Hà Nội xem có "hoành tráng" như ở Sai Gòn hay không? Tất nhiên là đi tàu chui, đi lậu, buôn lậu... - chứ làm chi có tiền mà mua vé chính thức. Khi nhảy được lên tàu rồi mới thấy sợ. Nhất là khi "đột xuất" soát vé, hoặc đến ga nào đó nhân viên trên tàu họ soát vé là phải nhảy xuống đường chờ cho đến khi họ xét vé xong là tìm mọi cách nhảy lên tàu trở lại để đi tiếp. Có một lần bị bắt, cũng may thằng bạn có lá "bùa hộ mệnh" là ông chú "cán bộ" nên bọn em chỉ bị "cảnh cáo làm kiểm điểm ghi hồ sơ" rồi cho về ! Hơn nữa bọn chúng em còn con nít mà. Người ta đi buôn lậu cả nước chứ đâu chỉ có mỗi một mình bọn em đâu. Sau lần đó là em biết sợ, nên em ở nhà luôn.

 

 Nhìn vẻ mặt ngây thơ hồn nhiên. Tôi nghĩ chắc "thằng hắn" nói thật, vả lại thằng hắn lúc đó còn nhỏ - còn nhỏ mà đã có máu phiêu lưu.

 

 Tôi lại tiếp tục hỏi hắn:

 

 - Này, mấy ổng cán bộ lên lớp nói - ở ngoài miền Bắc XHCN dân chúng giàu có, ai cũng có nhà ngói, đời sống thật sung túc... Còn riêng thủ đô Hà Nội "hoành tráng" lắm phải không chú em ? Hãy Nói thật cho anh nghe với ?...

 

 Hắn nhìn tôi, rồi lắc đầu nhè nhẹ...

 

 - Anh Tư ơi là anh Tư ơi ! Anh lại "thật thà là cha..." nữa rồi. Nếu người ta giàu có sung sướng, thì mắc mớ chi phải chở hết những thứ "giả tạo phồn vinh" đem ra ngoài bắc kia chứ? Anh đi "cải tạo" lâu đời, anh đâu có biết chuyện chi ở bên ngoài xã hội. Ở bên ngoài người dân "vượt biên" bằng mọi giá để đi qua các nước tư bản bóc lột... Bởi họ thấy, họ biết - qua những người thân bạn bè của họ ở ngoài Bắc vô nói... Ở ngoài đó cái gì cũng có, chỉ thiếu cái "phồn vinh giả tạo" của Mỹ Ngụy mà thôi. Anh rõ chưa?

 

 Em nói thiệt, anh đừng có buồn.Tự do nhân ái... như các anh thì mất nước là phải đạo thôi ! Ở ngoài xã hội bây giờ vì miếng cơm, manh áo... mà người ta: giành giật - đãi bôi - ton hót - đon đả - dối nhau - ghê lắm...! Ngay thẳng thật thà cọng với đạo đức là không có đất sống !

 

 Anh có biết tại làm sao mà em bị bắt vô đây không?

 

 - Làm sao mà anh biết, đừng hỏi tào lao thiên đế.

 

 - Mấy ổng bắt em là vì em... chơi "Bi da" ở trong quán đó !

 

 Tôi quá ngạc nhiên ! Ai đời bị đi tù vì mấy trò chơi tiêu khiển đã tồn tại từ rất lâu, đã thành thói quen không thể thiếu trong một lớp người tư hữu ở miền Nam.

 

 - Ậy, chú em mầy có say không đó ? cảm thấy say thì ra về, đừng có mà nói bá sàm..., không khéo cán bộ nghe được lại cho là "nói xấu cách mạng" . Ở tù không có đường về đó em ơi !

 

 Thằng hắn cứ thủng thỉnh nói tiếp:

 

 - Anh ở hoài, ở miết trong nầy nên không biết đó thôi. Chơi bi da nè ! Chơi bóng bàn nè ! Chơi ping pong nè ! Mấy thứ đó còn nhẹ tội. Chứ... nhảy Đầm thì chết chắc ! Người nào nhảy đầm thì bị mang một tấm bản "mê nhảy đầm" trước ngực, được các lực lượng: cán bộ, bộ đội tại địa phương dẫn đi vòng vòng diễu phố - rong chơi...thoải mái và cũng để răn đe người khác... Sau đó đưa đi "cải tạo" ít nhất cũng một năm. Em có nghe một ông cán bộ ở phường nói "Trong chế độ XHCN ta - không có các trò chơi vô bổ, lố lăng như bọn tư bản bóc lột. Do đó cách mạng phải dẹp hết các thứ - nhảy đầm, bi da, ping pông..., uống rượu nhậu nhẹt bê tha ! Tất cả nhân lực dồn hết vô Tập đoàn, HTX để lao động sản xuất nhằm: "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH ! Sung sướng gấp vạn lần xã hội tư bản, tư hữu phản động !

 

 Tôi nói cho thằng em kết nghĩa biết:

 

 - Này, nghe anh nói đây ! Ông Trưởng trại cho anh biết: Em mầy cùng đồng bọn nhảy tàu Thống Nhất là để ăn cắp "Tài Sản XHCN" . Có đúng không ? Ổng còn nói những thằng ăn cắp "Tài sản XHCN" là những thằng tối phản động. Phải "trừng trị thích đáng".

 

 Thằng em huơ tay phân bua lia lịa...

 

 - ... Nhưng trong tờ kiểm điểm của em đâu có ghi chuyện ăn cắp tài sản XHCN đâu? Họ chỉ ghi "đi tàu chui" mà thôi. Giờ em lại mang thêm cái tội "chơi bi da trong giờ lao động"? Vậy là mấy ổng moi móc hồ sơ cũ ra mà áp đặt chứ làm chi có cái chuyện ăn cắp ở đây. Mấy ổng muốn nói là quyền của mấy ổng. Em nói thật đấy ! Thôi, chuyện trắng đen, có tội hay không có tội từ từ hãy tính. Hôm nay em mượn ly rượu nầy cảm ơn anh. Chúc anh nhiều sức khỏe ! Mai kia một nọ thế nào anh em mình cũng còn gặp nhau mà.

 

 - Chú mầy nói như lời tiễn biệt, ớn quá !

 

 Gần một tuần nay vì bận rộn nên không gặp thằng em kết nghĩa, cũng không thấy hắn lai vãng, tôi cứ tưởng hắn làm trong kho thực phẩm. Nhưng tìm hoài mà vẫn không thấy...? Hắn đi đâu...? Hắn trốn ở đâu...? Nào ai có biết...! Không ai nhắc nhở đến cái tên của hắn. Ngay cả ông Trưởng trại gặp tôi thường xuyên nhìn vẻ mặt của ông cũng bình thường. "một ngày như mọi ngày"...? Thấy vậy tôi cũng không dám đề cập chuyện "thằng hắn" trốn trại. Lạ hơn nữa là anh chị em "cải tạo viên" cũng không hề hay biết. Tôi cũng không bị kỷ luật hay làm kiểm điểm...? Thời gian nặng nhọc trôi qua...! Trong lòng tôi lúc nào cũng hồi hộp lo sợ... cái án vô hình treo lơ lửng trên đầu không biết bao giờ nó siết cổ đây ? Thực sự tôi sợ, ăn ngủ không yên, tôi cảm thấy đường trở về nhà tăm tăm mù mịt... Người ta thường hay nói "Cứt trâu để lâu hóa bùn". Ngày tháng trôi nhanh chóng mà không thấy ai đặt vấn đề "trốn trại" của thằng em kết nghĩa. Vậy là tôi yên tâm và cảm thấy nhẹ nhỏm - hy vọng lại vươn lên... cho một ngày mãn tù - dù không biết ngày nào mãn tù!

 

 

Chuyến phà chiều qua bên kia bờ Thủ Thiêm chật ních người cùng các loại xe đạp, xe máy, ba gác, xích lô và những gánh hàng rong chen chúc. Chiếc phà gầm gừ chở những khuôn mặt chăm bẳm qua sông, chẳng thấy ai cười sau một ngày lao động kiếm ăn trở về nhà. Lúc nầy con nước đang rút, trên mặt sông những bụi lục bình thi nhau hối hả chạy về xuôi... Tôi nhớ về ngày di tản 30.4.1975 cũng nơi bến Bạch đằng nầy hàng nghìn người lính tráng, tướng tá, viên chức chính quyền VNCH cũng như thường dân tranh nhau trèo lên tàu Hải Quân "về xuôi" để trôi ra biển - trốn chạy các "anh hùng giải phóng" miền Nam ! Tôi bồi hồi nuối tiếc về "Hòn Ngọc Viễn Đông" của những ngày còn Tự Do... Hồi tưởng về nhà hàng nổi Mỹ Cảnh được các anh hùng đặc công cách mạng giải phóng miền Nam đánh bom gây ra một cuộc thảm sát rùng rợn chưa từng thấy vào tối thứ bảy, ngày 25.6.1965...!

 

 Lênh đênh trên dòng sông với hồi ức về quá khứ. Tất cả vẫn còn đây, mắt vẫn nhìn thấy, tay có thể chạm vào vùng kỷ niệm. Vậy mà hoàn toàn xa lạ ! Lạc lỏng và xa cách muôn trùng... Tiếng ca khàn khàn từ một người đàn ông "tàn tật..." hát rong len lỏi qua từng chiếc xe và người, cái nón lưỡi trai sờn rách chìa ra... Một vài đồng tiền rơi vô chiếc nón vải, nhưng hình như quá nhẹ không làm chao động chiếc mũ trên cánh tay ốm tong teo của người hát rong.

 

 Tôi thấy một "bác xích lô" trông còn trẻ, đội cái nón lá lụp sụp, cái vành nón lá bên ngoài đã tưa phất phơ trong gió. Bộ râu mép hơi rậm, nước da trắng trắng. Trông dáng người khoảng ngoài hai mươi tuổi. Có đôi ba lần "bác ta" nhìn tôi với ánh mắt là lạ... Tôi nghĩ..., không lẽ là... cái thằng Hận...? Thằng em kết nghĩa ngày trước ở trong tù "cải tạo" chăng ? Mấy năm qua trong lòng ao ước gặp lại thằng hắn mà vẫn "bóng chim tăm cá" ! Cũng có thể lắm chứ? Đã mười năm rồi còn gì ! Không biết bao nhiêu sự thay đổi - đổi thay...! Nếu quả đúng là thằng em kết nghĩa ngày nào thì trong lúc nhất thời khó mà nhận ra nhau được. Bởi riêng tôi, từ ngày ra tù cũng phải lăn lóc để kiếm kế sinh nhai từng ngày, thành ra cũng già người đi thấy rõ. Tôi âm thầm lặng lẽ theo sau "bác xích lô"... Khoảng cách vừa phải, đợi đến khi qua khỏi trạm bán vé qua phà - phía bên chợ Thủ Thiêm. Tôi rón rén vọt lên phía sau và thình lình nói vừa đủ cho "bác xích lô" nghe:

 

 - Hận...!

 

 Phản ứng tự nhiên của con người là mỗi khi có một ai đó thình lình - kêu đúng cái tên "cúng cơm" của mình là phải quay lại thôi ! Y chang như vậy ! Thằng em kết nghĩa của tôi cũng giật mình quay lại, hơi ngỡ ngàng nhưng không mấy khó khăn để thằng hắn nhận ra tôi: Thằng hắn há họng..., sững sốt không nói nên lời. Vẻ mặt vừa mừng... vừa sợ... vừa ngu ngu...! Sau vài giây thằng hắn mới định thần, ấp úng...

 

 - Anh Tư ơi ! Anh còn sống mà về hả anh Tư? Em hại anh rồi mà...! Hắn nói như mếu... !

 

 Tôi nhảy tót lên xe xích lô của thằng hắn... Cười hì hì...!

 

 - Chú mầy là thổ địa. Biết chỗ nào có quán nhậu gần đây không? Hơi yên tỉnh một chút, gần bờ sông càng hay. Anh em ta đến đó mần lai rai vài xị... Chắc bây giờ chú mầy uống rượu lên... "đô" rồi phải không ?

 

 Thằng hắn tà tà đạp xe chở tôi đi và nói " Em phản bội anh, em bỏ anh mà đi. Em ăn năn suốt từ ngày trốn trại đến nay. Em biết thế nào trại cũng bắt anh điền vào chỗ của em. Em hại anh mất rồi anh Tư ơi "!

 

 Ngồi trong cái quán lá nhỏ ngó ra bờ sông Sai Gòn. Cụng ly rượu đế bữa nay với thằng em kết nghĩa sau bao nhiêu năm dài gặp lại sao mà ngon ngọt...! Sao mà tràn ngập nỗi vui mừng....! Không như ly rượu ngày còn ở trong trại "cải tạo" uống với một "thằng con nít"! Trong lòng thì chứa đầy tâm trạng lo âu, sợ sệt không biết thân phận của mình mai sau như thế nào !

 

 - Thằng hắn toan định quỳ xuống xin tạ tội...

 

 Tôi trừng mắt... Quát... !

 

 - Chú mầy ngồi im đó ! Không quỳ lạy chi hết. Hãy nghe anh Tư nói đây ! Chú em mầy bỏ trốn đi rồi, nhưng mọi chuyện trong trại vẫn bình thường. "Hết ngày dài đến đêm thâu...". Tình hình vẫn yên lặng. Anh Tư cũng không bị kỷ luật, hay thế vào chỗ của chú mầy. Chính anh Tư cũng thắc mắc không hiểu tại lý do tại làm...? Chú em đừng sợ, chú em không có lỗi phải gì với anh Tư nầy cả. Anh Tư nói thật đấy. Giờ anh chỉ xin chú em nói ra sự thật cho anh Tư nghe. Bằng cách nào mà chú em có thể trốn trại một cách suôn sẻ như vậy ?

 

 Chú em mầy đúng là "Anh hùng" chứ chẳng chơi đâu!

 

 Thằng hắn đưa tay lên gãi gãi cái đầu, mặt mày nhăn nhó... như con khỉ ăn ớt.

 

 - Anh hùng cái con khỉ khô gì anh Tư ơi !

 

 Thằng hắn bưng ly rượu lên uống một hơi sạch, khà một tiếng, lấy cái tay phải đánh cái đét vô đùi một cái, miệng phun phèo phèo ra đất nữa chứ. Nhìn vẻ mặt phong trần của thằng em kết nghĩa mà trong lòng tôi dậy lên một nỗi thương cảm !

 

 Thằng hắn nghiêm giọng và bắt đầu nói:

 

 - Em đã có ý định trốn trại từ lâu... Em còn nhỏ tuổi mà ! Vả lại, em có tội tình gì nghiêm trọng đâu? Nhưng em sợ là sợ liên lụy đến anh mà em cứ lần lữa hoài. Anh Tư ơi, Anh có còn nhớ mỗi buổi sáng thứ bảy là nhằm ngày "thăm nuôi" không? Thông thường buổi sáng thân nhân đến thăm nuôi rất đông! Người vô ra tấp nập... Lúc đó em đang chuyển đồ vô trại thì thấy chị Thu cán bộ phụ trách "căng tin" chạy đến kêu:

 

 Thằng nhóc kia, lại đây chị bảo?

 
 - Em đi theo chị qua bên kia đường quốc lộ xách hai thùng rượu.

 

 Vậy là em "ngoan ngoãn" theo chị cán bộ đi ra cổng chính. Anh cán bộ gác cổng cũng thấy, ảnh còn cười cười... với em nữa chứ. Em đứng xớ rớ trước quán còn chị Thu cán bộ không biết bả chạy đi đâu mất tiêu?

 

 Anh biết không? Em vừa bước ra mép đường thì có chiếc xe đò gắn cái thùng sắt để đốt nhiên liệu bằng than củi, to tổ bố phía sau đít xe - chạy trờ tới bỏ khách... Một vài ba... hành khách xách đồ đạc, hành lý nhảy xuống xe thật nhanh. Có lẽ họ đi thăm nuôi ? Anh lơ xe lại hô:

 

 - "Gòn... Gòn... Gòn...! Gòn không... ? ".

 

 Thấy em đứng lơ ngơ... anh ta chạy nhanh lại nắm tay em lôi xệch, hấp tấp đẩy lên xe - anh ta nhảy lên theo và hô lớn: - "Tới luôn...! ". Xe vụt chạy... Vậy là coi như em đã trốn thoát...! Em có lỗi với anh Tư nhiều lắm. Anh tha lỗi cho em nha anh Tư ! Đó là một dịp may từ trên trời rơi xuống phải không anh anh Tư?

 

 Hai chúng tôi ngồi im lặng nhìn ra dòng sông. Trên mặt sông con nước đã nhửng... những bụi lục bình chậm chân không kịp về xuôi ! Bây giờ chựng lại đang loay hoay xà quầng tìm cách thối lui... Biết bao nhiêu con người, biết bao nhiêu tình huống vì chậm chân mà phải thối lui...? Đâu có con đường nào để mà thối lui an toàn đâu ?!

 

 Thì ra là vậy... ! Lỗi Là lỗi của "họ". Nên họ mới "làm lơ" chuyện trốn trại của thằng em, và buông tha không truy cứu... Nhân gian nói đúng ! Không ai cho không ai cái gì...!

 

 Khi chia tay...! Tôi nhét vô túi áo của thằng em kết nghĩa chút tiền để cho "thằng hắn" mua một chiếc xích lô chạy kiếm cơm hằng ngày. Thay vì phải đi thuê - quá tội nghiệp ! Thằng em nắm cái càn xe xích lô nghẹn ngào đứng nhìn theo tôi chết trân... Có lẽ thằng em không ngờ rằng tình "anh em kết nghĩa" cũng là tình anh em ! Mấy lần sau tôi có ghé trở lại để thăm. Nhưng không bao giờ gặp mặt thằng hắn...!

 

 Tôi cảm nhận và cho rằng: Người em kết nghĩa lánh mặt tôi... Bởi vì mặc cảm cái tội "phản bội" ! Cho dù sự phản bội đó không phải chính bản thân của "thằng hắn" gây ra. Rõ ràng là tai nạn trong đời ! Không ai muốn. Nhưng với một tâm hồn còn thơ ngây lại được dạy dỗ trong một nền giáo dục tràn đầy nhân bản. Do đó đã ý thức: Nhận lỗi - Nhận trách nhiệm - Hơn nữa là biết trọng danh dự - Biết xấu hổ ! Thằng Em Kết Nghĩa của tôi đã tự giày vò bản thân mình... ! ./.

 

 Trang Y Hạ

Sai Gòn 1988

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn