BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghiêng đời nghe tiếng hư không....

19 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1238)
Nghiêng đời nghe tiếng hư không....
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

 ( ...để nhớ và viết riêng cho Như Ý B3 ĐK )
Tặng Ngọc Bích, Như Thủy ( Phan Châu Trinh Đà Nẵng )


 Hoàng Mỹ Đức


Cuối cùng thì hắn cũng nhận được visa nhập cảnh vào miền hắn muốn đến! Hắn trút hơi thở cuối cùng bằng tiếng nấc nhẹ như đã chờ đợi, để lên đường về Đà Nẵng hạnh phúc bên cạnh chồng hắn!

Người viết là bạn hắn nhớ lại -- Kể từ khi bệnh viện 115 chê, không còn khoa nào dám tiếp nhận thì gia đình và bạn bè đều biết lục phủ ngũ tạng của hắn coi như tiêu tán đường!

Không phải đợi đến tuổi già mới phát bịnh mà đôi khi có những loại bịnh khá lạ lùng đối với dân thường như bọn tôi là những người không thuộc trong ngành y. Như bịnh của hắn chẳng hạn.

Thiệt lạ lùng, cách đây 6 năm tự nhiên hắn thấy miệng hắn không còn nước miếng, dù hắn cố tình nhai -- nhai khống cũng có mà nhai có thức ăn trong miệng cũng có, vậy mà miệng hắn không tiết ra nước bọt để làm trơn môi miệng chứ nói gì đến nhờ nước miếng để tiêu hóa thức ăn. Lúc đầu ai nghe thì cũng hiện tức cười, khó tin nhưng đến khi thấy hắn hai môi ngậm lại là coi như bị trít, mở miệng ra khá khó khăn, phải mở từ từ vì da ở hai làn môi dính lại hoặc mỗi lần ăn uống thấy hắn nhăn mặt khốn khổ, xuýt xoa vì rát thì mới hiểu mà thông cảm với hắn về cái bịnh kỳ lạ này. Vì niêm mạc bên trong miệng quá khô, mỏng nên thức ăn mặn , ngọt , có gia vị là hắn phải trầm ngâm ngậm một lát cho quen cảm giác, lúc đó mới nhai và nuốt . Bạn bè làm bác sĩ cũng tư vấn, rồi các bạn bè lang băm của hắn vẽ đủ cách, đủ kiểu nào là uống thuốc nam, thuốc bắc, dùng liệu pháp này, liệu pháp kia, nào nhai dầu mè dầu dừa mỗi sáng.... để tạo nước miếng trong miệng ... tất cả hắn đều làm mà cũng " bó tay chấm com " !

Sau đó hắn đến bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ bảo muốn biết nguyên nhân rõ ràng thì phải chọt kim vào trong miệng rút ra chất gì đó, tế bào gì đó, đem xét nghiệm thì mới chẩn đoán được nguyên nhân gây bịnh mà chữa. Điều đó đúng thôi nhưng hắn lại quá sợ! Đàn bà con gái hể nghe chọt kim, đâm kim là hồn vía lên mây huống chi bây giờ hắn đã mấp mé có thể gọi là bà già rồi, trí tưởng tượng thì vẫn phong phú như ngày xưa nhưng tim thì yếu hơn ngày còn thanh xuân nhiều, cứ thử nghĩ mấy cây kim dài chọt vào lớp niêm mạc bên trong má kêu " phụp, phụp " vài mũi như vậy chắc đứng tim mà chết trước khi lành bịnh. Cho nên hắn lựa chọn cách đơn giản nhất chẳng theo bài bản gì, đó là dặn con gái bên Mỹ mua gởi về loại thuốc bôi trơn trong miệng hoặc ngậm một loại nước miếng nhân tạo để tạo chất nhờn. Bây giờ miệng hắn có lẽ là một trong những cái miệng sạch nhất vì phải thường xuyên ngậm thuốc sát trùng để tránh nhiễm trùng trong miệng.

Chấp nhận lối tự chữa đó, bạn bè thấy hắn có vẽ đỡ ra. Ăn uống được hơn với điều kiện mỗi lần ăn phải có ly nước yểm trợ bên cạnh, thấy hắn trò chuyện rôm rả hơn, miệng cũng mở ra ca hát được ... dễ dàng. Bạn bè thở phào dùm hắn!

Cũng mấy năm trôi qua như thế, tạm quên đi bịnh thiếu nước bọt, bắt đầu chuyển qua trục trặc khác đó là " hệ thống thủy lợi " trong người hắn có vấn đề! Hắn uống nhiều nhưng vòi nước chảy ra như bị hoen rỉ, chảy nhỏ giọt, khó khăn. Hắn bắt đầu thấy khó lòng mỗi khi bạn bè rủ đi chơi xa. Nể thương bạn bè và ham vui lắm thì hắn cũng trèo lên xe theo bọn bạn đi chơi nhưng lúc đó hắn phải đóng vai em bé mang thứ cần thiết dành cho bé trong người là điều bắt buộc ... Tay Phùng bác sĩ bạn hắn chọc đùa :

- Con này kỳ lắm, cái người ta muốn nhanh thì hắn quá chậm, cái người ta muốn chậm thì hắn lại làm nhanh!

Cả đám bạn cười ồ mà ngay cả hắn cũng cười ha hả thoải mái vì câu đùa dí dõm đó.

Hắn có nhiều bạn nhưng chỉ thân nhất ba đứa -- Bích,Thủy,Đức nên thỉnh thoảng Thủy từ Đà Nẵng vào thì hẹn nhau tại nhà Bích ăn uống xong hát karaoké để thi thố mấy giọng khàn khàn gần hết hơi. Riêng Bích thì đã lên hàng ca sĩ nên khỏi xếp hạng! Lần đó hắn ngồi " vách đốc " gác chân thoải mái trên ghế bạn bè mới thấy hiện tượng lạ trên bắp chân của hắn. Lại thêm một bịnh ít gặp! Hắn như người ở dơ không bao giờ tắm, bắp chân hắn xạm lại, da khô, nổi vô vàn lấm tấm đen, khôi hài một tí gọi là " ngàn sao đen". Hỏi cớ sự thì hắn nói không biết tại sao dù hắn đang uống thuốc lọc máu. Mấy thầy lang miệt vườn đang hát tạm thời dẹp karaoké tạm bàn loạn rằng chắc hắn bị gan nên mới nỗi xạm như vậy, thấy thương cái thân ròm rỏi của hắn!

Mà quả thật có thời gian trước đây gần chục năm men gan hắn khá cao nên phải uống thuốc để hạ men gan. Chắc từ đó nay sinh ra lắm bịnh như vậy. Bịnh gì thì khó đoán nhưng bịnh gan thì chắc mẩm trăm phần trăm nên nước da và chân hắn mới bị xạm. Lúc này hắn mới tự thú -- thay vì bác sĩ cho uống một năm đến khi men hạ thì ngưng, hắn bèn suy luận thêm để cho chắc, chơi luôn hai năm là men gan vĩnh viễn " gút bai " hắn. Ai dè !

Rồi thời gian trôi cũng không vội vã. Coi như bạn bè chấp nhận làm quen với những căn bịnh của hắn. Thỉnh thoảng vẫn gặp nhau tâm sự, trò chuyện. Cho đến một ngày ... hẹn gặp để thăm nhau như mọi lần thì hắn nói không đến được!

Mấy đứa bạn đều băn khoăn nhưng nghe đâu con gái út đưa hắn ra Nghệ An, Hà Nội ... tìm thầy thuốc nam mát tay chửa trị, ngay cả mua vé máy bay sáng đi chiều về như các đại gia đi làm việc. Thì cũng hi vọng cùng hắn. Đi... về ... chửa bịnh như thế không biết mấy lần mà bịnh vẫn thấy ít thuyên giàm!

Hắn với Bích hay liên lạc với nhau nên Bích thường thông báo sức khỏe của hắn cho bạn bè.

Bẳng đi một thời gian ngắn Bích gọi tôi báo tin " Ê mi, con Ý chừ yếu lắm! " Hỏi lại " đau gì? " thì Bích ấm ớ chẳng biết đau chi, chỉ biết là bịnh, ăn uống không nhiều, đi đứng khó khăn rồi. Đã vào bệnh viện!

Trưa hôm đó Bích và tôi đến thăm, hắn trốn từ bịnh viện về nhà để tắm gội cho thoải mái, sạch sẽ. Gặp tôi khi Bích chưa đến, hắn vẫn cười toe toét nói " tau khuyến mãi cho mi coi đây nì " vén váy đầm mặc ở nhà lên, tôi bàng hoàng vì bây giờ không là lấm tấm đen như trước mà từng đốm to ửng đó nguyên cả chân từ háng, bắp đùi trở xuống. Dĩ nhiên tôi vẫn an ủi " À, có sao đâu, còn bảnh chán, chắc bị dị ứng thuốc đó thôi! ". Thật sự chúng tôi đều thấy tình trạng có vẽ nguy nan rồi, vì thuốc vào gan chịu không nạp, sinh ra dị ứng nặng, bao tử lại yếu vì uống quá nhiều trụ sinh và thuốc giảm đau. Thức ăn thì không đủ để nuôi cơ thể. Bây giờ hắn chỉ thuần uống Ensure, ăn yến, uống sâm... tất cả những gì cao cấp nhất các con hắn đều đem bồi dưỡng cho mẹ.

Cả tụi thầm thì bàn tán với nhau :

- Vậy thì bác sĩ bảo hắn bịnh gì ? Hỏi thử mấy đứa bạn bác sĩ ngoài đó xem sao?

- Thằng Phùng coi các triệu chứng của hắn từ năm ngoái, phán riêng ngoài luồng còn không lâu đâu....

Tôi là người phản đối " thôi mày, nói chi dễ sợ ! thấy hắn còn mạnh mà! " Bích trả lời " Ủa, tau nói thiệt đó, không còn lâu đâu, để mi coi. " 

Mà tôi coi thiệt, đó là vào ngày tôi đang ở nhà Ngọc Cầm thì được tin hắn vào bệnh viện 115 lần thứ hai, lần này nặng lắm rồi. Hẹn Bích tại đó, tất tả chạy vào thấy hắn nằm thiêm thiếp trên giường bịnh. Lờ đờ nhìn hai đứa, hắn thều thào " ... sợ không gặp được tụi mi!" . Buồn ray rứt !

Gần nửa tháng nằm viện, sau lần cuối cùng khám lại tổng quát, các khoa ngoại đều chê tuốt, khoa này muốn đẩy qua khoa kia nhưng rồi khoa nào cũng từ chối! Tim gan phèo phổi thận cái gì cũng hư tuốt luốt ! Vậy nằm bệnh viện làm gì nữa cho cực thân, nếu chỉ nằm để hít oxy thì thôi về nhà chờ ! Con cái quyết định, mời bác sĩ về nhà theo dõi săn sóc. Hắn OK !

Để rước mẹ về nhà, các con cấp tốc làm một phòng riêng đầy đủ tiện nghi y khoa hiện đại cho hắn. Nhìn căn phòng nhỏ ai cũng khen các con có hiếu hết lòng với mẹ, khen hậu vận hắn phước đức vì các con khá giả, chỉ mong mẹ thoải mái những giờ phút cuối cùng.

Hắn về nhà trưa thứ tư, nằm thở oxy để chờ con gái từ Mỹ về ngày thứ sáu. Bạn bè con cái đứng chung quanh giường nhìn hắn, mắt ai cũng hoen đỏ nhưng cố kềm cảm xúc. Thấy hắn cũng mệt lắm rồi! Thở dốc! Cái phổi đang ngẹt cứng, hắn ho khó khăn vì đàm chận. Bác sĩ lắc đầu bảo chưa biết " đi " lúc nào nhưng thuốc thì vẫn chích, nước biển và đạm vẫn chuyền. Còn nước còn tát thế thôi ! Bác sĩ cảnh giác mọi người trong nhà phải mang khẩu trang để giữ vệ sinh vì hình như bịnh hắn lây nhiễm. Vì tế nhị chẳng ai muốn làm hắn buồn nhưng hóa ra chính hắn ra dấu và buộc phải làm theo. Vậy là mỗi người đeo một lượt hai khẩu trang cho an toàn để thoải mái đứng cạnh hắn! ( Sau này mới biết thì ra hắn yêu cầu mọi người mang khẩu trang vì sợ người ta lây bịnh sang cho hắn! A ha tếu thiệt ! )

Hắn thực sự đang chờ đợi, rên hư hử, da thịt đụng đâu đau đó. Hắn không muốn thở oxy để đi nhanh chóng.

Sau đây là những mẫu đối thoại nổi bật nhất của hắn và bạn bè trong thời gian cuối để thấy hắn quả là người khá đặc biệt :

- Đứa mô có bịnh chi gởi tau đem đi cho....

- Ờ nếu vậy cho tau gởi mi cái xương cụt của tau mi đem đi dùm nghe. Tau đang đau hơn cả tháng rồi, ngồi thấy khó chịu ghê.

- Bỏ qua cho tau đi, đau chỗ nào bỏ chỗ đó trong tau chứ nói không sao được !

- OK, đây hí, sang qua mi rồi hí, cám ơn mi nhiều nghe.

Hắn tin vào điều đó nên tất cả con cái cháu chắt trong nhà ai bịnh gì hắn đã rước qua châu thân hắn hết rồi, bây giờ chỉ còn bạn bè gởi nữa thôi. Khi khỏe hắn hết lòng với bạn, giờ phút cuối ân tình vẫn không thay đổi!

Cho nên ba đứa bạn vẫn thay nhau đến ngồi trò chuyện mỗi khi hắn khỏe. Chỉ cần hé mắt ra thấy có bạn bên cạnh là hắn được an ủi. Con cái thì luôn gần rồi, các cháu ngoại còn quá nhỏ, mỗi khi đi nhà trẻ về đều đứng chân cầu thang cười vô tư hôn gió cách ly qua vách kiếng để " chào Đại tá ". Cũng chẵng hiểu các cháu tưởng thưởng phong hàm cho bà ngoại vì lý do gì nhưng " Đại tá " nằm đó vẫn cố đưa tay vẫy lại, những hình ảnh các cháu đáng yêu của hắn tích tắt ngưng lại từng sát na một -- là những tấm hình quí báu mà hắn chụp lần cuối để đem đi. 

Khi bình thường chơi với bạn bè thì hắn hay nói sau này muốn thiêu cho sạch sẽ, sau này đỡ phải di dời khổ con cháu.... Tuy vậy con cái thì chưa nghe ý mẹ thế nào, nhờ mấy dì hỏi khéo để biết rõ quyết định của mẹ.

- Ê, Ý mi có sợ lửa không ?

Hắn đủ thông minh để hiểu ý người hỏi nên trả lời ngay

- Sợ nóng, sợ lửa, tau không muốn thiêu!

Lựa lời hỏi hắn muốn thiêu hay chôn là thế đó? Nhưng bây giờ nằm đó hắn lại đổi ý nói sợ nóng, không muốn vào lò! Vậy là đám con cái nhẹ người.

- Mi có sợ chết không?

- Không, tau không sợ, mắc chi mà sợ, chỉ sợ đau thôi!

- Mi nói vậy là quá sáng suốt, chẳng việc chi mà sợ, coi như mi đi du lịch xa, người đi trước kẻ đi sau mà thôi.

- Ừ, đúng ! tau đi trước, tụi bây còn lại ba đứa.

- Phải luôn luôn nhớ tìm ánh sáng trắng mà vào hí.

- Ừ, tau nhớ. 

- Bây giờ mi có ước mong điều gì không?

- Không tau muốn đi sớm cho khỏe.

- Mi thích ăn chi? Có thèm chi không?

Người hỏi là để sau này mỗi năm kỷ niệm ngày hắn " đi du lịch xa" sẽ làm món hắn thích.

- Mi biết bây giờ tau thèm nhất là gì không? Thèm ăn canh mít nấu sân lốt nhưng chừ ăn chi được.

- Ờ thì ăn bằng mắt, có sao đâu, để tụi con nấu cho mà ăn, thích thì sẽ được cho ăn! Hi hi .

Hắn chợt nhớ ra điều cần dặn bạn:

- Nì Đức, mi hay đốt tiền vàng, đồ dùng cho bà ngoại, bửa mô mi nhớ đốt cho tau hí. Mi nhớ gởi cho tau mãnh vườn để tau trồng hoa, trồng rau trái.... Vườn nhà mi thiệt đẹp, tau thích ghê, thích có mãnh vườn nhỏ rứa đó. Còn nhớ hôm trước tau tới nhà mi với con Bích... vui ghê!

- Ôi chà, chuyện nhỏ, yên tâm, tau sẽ đốt gởi cho mi tiền vàng bao la, cho mi một kho có hai bảo vệ canh cửa. À, tau sẽ gởi đất đai qua mấy sổ đỏ cho mi, OK chưa?

Con gái bạn hắn xen vào, " Dì ơi, con sẽ gởi nhà cho Dì, nhà đẹp lắm, con mới ra Qui Nhơn đốt, đây Dì coi có thích không? ". Đứa con gái mở Ipad ra cho hắn thấy ngôi villa sang trọng, có cả piscine trong vườn cho hắn coi, hắn thích và hài lòng!

Vậy là hắn yên tâm mối này, về đó có đất đai nhà cửa khỏi lo chi ! Hi hi !

Đã mấy ngày, hắn vẫn nằm chờ, mà chưa thấy nhúc nhích gì! Mỗi sáng con cái lại đút cho uống vài ngụm cà phê, thấy tỉnh người, thỉnh thoảng uống nước dừa, rồi uống yến, uống sâm, chuyền đạm, chuyền thuốc... tất cả món ăn hắn thích đều được dọn cho hắn ăn bằng mắt cho đã thèm, thân thể thì vẫn đau nhưng ăn nói có vẽ tỉnh hơn ngày đầu mới về nhà. Hắn khắc khoải cùng Bích, Thủy:

- Tại sao cho đến chừ tau vẫn chưa đi cho rồi ? Chờ mệt quá !

Rồi hắn bỗng nhớ một thủ tục mà người ta thường nói là phải " nhập thổ " thì mới đi được. Hắn đòi nhập thổ!

Vội vàng Bích, Thủy chạy ra ngoài đường hốt đất đem vào, chà dưới hai bàn chân hắn coi như " nhập thổ "! Rồi đứng chờ đợi! Bích và Thủy tưởng như hắn sắp đi thiệt, hoen mắt đỏ, đưa tay chào, miệng nói " bái bai " như thể đang đứng tại sân ga tiển bạn. Nhưng có đất rồi, vẫn không đáp ứng đòi hỏi cho chuyến đi của hắn. ( ha ha, tôi với con dâu không chứng kiến cảnh này vì bận đi mua sắm tất cả gấm vóc lụa là ... những thứ cần thiết để chuẩn bị hậu sự, đến lúc cần thì có sẵn mọi thứ, khi về nghe kể lại mà phì cười , kể cho con cái ở nhà nghe, cười chảy cả nước mắt ! ).

Hắn vẫn nằm như vậy cho đến ngày con gái và cháu ngoại từ Mỹ về. Con gái ở Mỹ theo đạo Tin Lành thấy mẹ đau nhức thương lắm muốn mẹ đầu phục Chúa để sớm được về cõi thiên đàng. Hỏi mẹ muốn theo Chúa thì hắn gật đầu muốn theo Chúa. Con gái thành kính cầu Chúa nhận cho linh hồn mẹ, xin Chúa nhận mẹ làm con cái của ngài và dùng tiếng lạ xua đuổi ma quỉ ra khỏi thân xác mẹ. Hắn vẫn rên ư ử trong miệng, nói không muốn bị hai bên " đạo và ngoại " dành nhau, phải lựa một phía thôi!

Vậy là hắn theo con, con đọc sao thì mẹ lập lại đúng như thế dù giọng thều thào... trông chờ giờ phút về với Chúa.

Nhưng ... chỉ chưa đầy nửa giờ, con gái út về nghe theo Chúa thì hỏi lại.

- Vậy là không cúng cấp gì cả sao? Không có thầy tụng, làm đám mà yên lặng vậy sao? Khỏi cúng cấp sau này à? ...

Cùng là con gái, đứa nào hắn cũng thương giống nhau nhưng đúng con út mấy lâu chăm sóc mẹ quá tận tình, không quản khó khăn đi xa tìm thầy tìm thuốc ... sao làm mất lòng được, mà thấy cũng có lý! Còn con gái lớn theo Chúa thì cũng được nhưng phải có cúng cấp chơ, làm ma đói sao được, làm ma đói thì con cháu làm sao phát được. Vậy là hắn đổi ý! Tang lễ sẽ làm theo thủ tục Phật giáo.

Bạn bè thấy hắn có vẽ bị tẩu hỏa tâm thần bất định nhưng thật ra hắn đã suy nghĩ rất nhanh dù cơn đau đang vật vã.

Có lẽ Phật và Chúa cũng bật cười xí xóa cho hắn!

Qua mục chọn lựa áo quần đồ dùng để đem theo. Hỏi ý thích hắn thế nào:

- Lấy áo đầm trắng, áo đó đẹp tau chỉ mới mặc một hai lần, áo khoác ren trắng, mua đôi giày ren trắng. Nhớ đem theo xâu chuổi con Bích tặng ... đem mấy áo đầm về đây tau lựa đồ đem theo. Son phấn thì có trong túi nhỏ bỏ trong bóp xách màu hồng... Tau muốn đem theo hai quyển truyện để đọc.

- Còn yêu cầu chi nữa không?

- Cấm khóc, ai muốn khóc lên sân thượng khóc cho đã nhưng khi xuống bên tau không được khóc. Phải ăn mặc đẹp từ con cháu bạn bè khi tới phúng viếng tau.

- OK !

Bạn hắn ngồi cắt tất cả dây kéo, nút áo... thay vào là những dây ruban trắng thắt nơ trên áo, trên giày, gối kê, mền đắp bằng gấm hồng thoảng hương thơm ngát mùi trà sen thượng hảo hạng. Đưa cho hắn xem trước mọi thứ, kể cả hai quyển truyện cho hắn đem theo với lời tặng chân tình – một tập mỏng " Đêm qua sân trước một cành mai " từ hai câu thơ của Mãn Giác thiền sư " Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai " cho hắn thấy ý nghĩa cuộc sống sẽ mãi bất tận, không phải chết là hết; tập truyện thứ hai là Hoàng Tử Bé của Saint Exupéry để hắn sẽ có những chuyến chu du trên khắp các tinh hà như hoàng tử dễ thương kia. Hắn cám ơn !

Nằm thêm một ngày hắn lại nẩy ra thêm một ý mới. Khi còn mạnh khỏe có bao giờ hắn thích đi chùa tụng kinh gì đâu, bỗng dưng hắn đòi qui y Phật! Thì cũng tốt thôi, có " phái " đó bổ túc vào hồ sơ xuất nhập cảnh theo diện POB ( Phật & Ông bà ) để vào miền cực lạc chứ, vậy là bạn hắn và con dâu ba chân bốn cẳng chạy xin Chùa Hải Quang làm một lễ nhận hắn làm đệ tử với nick name Quảng Tâm.

Từ lúc bịnh cho đến khi về nhà, hắn không muốn bạn bè tới thăm viếng, ngại làm phiền, ngoại trừ ba đứa bạn hắn yêu cầu như đã kể, nhưng nằm lâu bạn bè cũng nóng ruột nên từ từ ai cũng đến thăm hắn. Biết ý hắn nên vài người lại chỉ thêm " một liệu pháp " là mời ban hộ niệm đến cầu để siêu thoát sớm làm hắn mừng quá vội vã truyền lệnh

- Con liên lạc mời ban hộ niệm cho Me đi con.

Để đáp ứng yêu cầu của ban hộ niệm, các con phải chùi đi các móng tay móng chân đang được trau chuốt màu đỏ, đó là cả sự hy sinh của hắn vì hắn chỉ thích diện đẹp. Tội nghiệp hắn !

Theo lịch của ban hộ niệm là tụng 24/24 chia ca như các vị điều dưởng trong bịnh viện, chia làm 4 ca, mỗi ca sáu giờ. Vậy là trong phòng nhỏ có thêm một bàn tụng đủ chuông mỏ.., tivi LCD đang để cho hắn nằm coi hạ xuống thay vào đó Phật A Di Đà.

Hai đứa bạn Bích, Đức làm thầy bói, chờ đợi coi sức chịu đựng ban hộ niệm của hắn trong bao lâu. Y như rằng, khi gặp lại bạn, hắn chia xẽ ngay:

- Chịu không nổi mi ơi, thôi dẹp, dẹp! " hắn ré " bên tai tau, đinh tai nhức óc .... tau sẽ chết mà tâm thần hổn loạn vì họ.

Ha ha ! bạn hắn cười ha hả, thì đã đoán không trật mà, chịu chi xiết! mới nghe là thấy chịu không nổi rồi, người khỏe mạnh bình tỉnh còn chưa chịu được huống là hắn. Thật sự hắn cần yên tỉnh! Hắn đổ thừa vì nghe mấy đứa kia xúi dại! Khi nhìn xuống tay chân thì màu sắc đã được sơn lại trên hai bàn tay chân hắn từ hồi nào! Quá cười!

 

Qua những điều hắn trải qua có sự chứng kiến của con cái, bạn bè, mới thấy không phải ai muốn chết sớm mà được, có nôn cũng phải chờ. Ngày và giờ đã được định sẵn từ trước, do duyên nghiệp. Ai cũng biết vậy nhưng chính hắn là người biết rõ nhất. Vì vậy sau này hắn cùng bạn hắn đã cùng đồng ý với nhau – ngày nào đi thì đi, ngày nào còn ở thì ở, cứ bình thản chấp nhận!

Tình trạng hắn mỗi ngày trầm trọng hơn, liều thuốc chích tăng hơn, bây giờ đúng là " Ý toàn da, Ý sấy khô " như lời đùa của Kháng không sai. Chiếc vòng ngọc hắn đeo đã chạy tuốt lên gần khũy tay. Nhìn hoa lá cây cỏ biết sắp đến mùa nào, nhìn hắn biết ngày gần kề!

Hể ngày nào hắn tâm đắc ca bài " Besamé " thì cứ mê man mà ngủ cho quên đau, còn khi thức tỉnh, thuốc vào, hết cơn đau thì vẫn nói chuyện với con, với bạn. Hắn nhớ và nhắc lại tất cả kỷ niệm cùng bạn cũ Đồng Khánh, Phan Chu Trinh. Hắn nhờ con nhỏ cháu lấy giấy bút ra, hắn đọc, con nhỏ viết rồi nhờ con gái gõ email gởi các bạn. Thư viết gởi các bạn ngoại quốc hắn cám ơn về sự thăm hỏi, dành cho hắn nhiều tình cảm. Còn thư về Đà Nẵng nghe đâu hắn yêu cầu các bạn trong ngày đưa tiển hãy diện thật lịch sự như khi đi dự party. Nghĩ cũng thú vị khi có người yêu cầu thẳng với bạn bè như thế, chỉ có người hoàn toàn tỉnh táo, lạc quan, yêu đời mới mong bạn thực hiện như thế. Đời người chỉ có hai ngày trọng đại nhất – đó là ngày cưới và ngày từ giả cuộc đời. Ngày lên xe hoa lấy chồng cả cô dâu lẫn khách mời đều ăn diện sang trọng, vậy thì ngày cuối cùng cũng lên xe hoa, lần này mới đích thực là xe đầy hoa tươi hoa cườm, hắn sẽ nằm đó đẹp như một công nương quí phái mà các vị khách đến lại không thể ăn mặc đẹp được sao? Cho nên thật đáng buồn nếu có những người không hiểu kịp ý mà trách! Tuy vậy cuối cùng sau này nghe đâu tất cả đều rất lịch sự trong ngày chia tay với hắn tại Đà Nẵng. Nếu có thể hiện hình và nói được thì chắc chắn hắn sẽ cám ơn bạn bè và lưu luyến bằng mấy câu thơ của Tường Linh

" Nếu biết trước giờ đây người mỗi ngã

 Thì thuở nào ta lại thiết tha hơn

 .....

 Và bạn nhỉ , lủ thằng Đào con Tố

 Mỗi đứa về đâu , no ấm long đong ?

 Đời đã xóa giấc mộng lành tuổi nhỏ

 Mà sông xưa nước vẫn chảy xuôi dòng..."

 * * *

Ý ơi , Cuộc đời là vậy đó, khi tụi mình còn trẻ thì mỗi đứa có những ngã rẻ riêng mình, tuy vậy mi và bạn bè mỗi khi có dịp gặp đã quá thiết tha cùng nhau và mi đã sống hết chân tình rồi đó. Lủ thằng Đào con Tố trong thơ chính là thằng Phùng, Kháng, là mi, là con Bích, con Thủy, là tau ... mỗi đứa đều có những no ấm long đong riêng nhưng giấc mộng lành tuổi thanh xuân của tụi mình không bao giờ thay đổi, đúng không ? Sông Hương hay sông Hàn sẽ mãi mãi xuôi dòng để một ngày nào tất cả cùng ra biển lớn, rồi bạn bè sẽ cùng mi trong cõi đó thiết tha nhắc lại những ngày trần thế dễ thương của tụi mình.

Bình yên nghe Ý !

Lời người viết:

Bẵng đi mấy chục năm , tình cờ gặp lại Như Ý trong đám cưới con trai Lệ Mỹ , hắn ngồi cùng bàn tiệc với Báu ,Tố Nga và tôi , lúc đó hai đứa mới nhắc lại kỷ niệm thời học Đồng Khánh , những năm đệ nhất cấp hắn học B3, Tố Nga học B6, Lệ Mỹ B4, tôi B2 . Lúc nhỏ là thế nhưng khi lên đệ nhị cấp, Như Ý học Đệ nhất A 3 ngồi cạnh Bình An bạn thân của tôi, còn tôi thì học A 1. Nhớ lại Như Ý của những ngày đi học hồi đó có khuôn mặt bầu bỉnh, nước da ngăm ngăm, mắt to, miệng cười có duyên, dáng người khá hấp dẫn. 

Điều đáng quí của bọn tôi là dù học khác lớp, lớn lên mỗi đứa đi một phương nhưng lúc nào gặp lại bao giờ cũng thân nhau, đùa giởn như hồi còn nhỏ.

Ngoài chuyện bạn học, Như Ý còn có mối quan hệ quen biết khá thân với những người anh em họ của tôi.

Qua lần gặp gỡ trong tiệc cưới, từ đó chúng tôi thường liên lạc với nhau qua điện thoại, nhắc lại những chuyện xưa cũng như tâm sự những chuyện trong đời sống hiện tại. Rồi qua Ý, Bích cùng Thủy và tôi bốn đứa kết thân nhau chẳng còn phân biệt là dân Đồng Khánh hay Phan Châu Trinh ĐN cho đến ngày hôm nay tôi ngồi đây ghi lại vài nét cuối cùng cho một người bạn đã sớm về đích trong trò chơi lớn cuộc đời.

Tôi không viết lại cơn bệnh của Như Ý theo hướng bi thương, vì đương nhiên khi mắc bệnh nan y ai cũng phải vật vã đau đớn về thân xác, tôi chỉ muốn ghi lại trong chiều hướng có tí dí dõm, vẫn có đau đớn nhưng theo cách nhẹ nhàng, chỉ để nói lên lòng can đảm đầy nghị lực của một Như Ý không hề tu mà đã có căn tu, nhận biết qui luật sinh lão bịnh tử để bình thản sắp xếp chờ đợi ngày ra đi không chút sợ hãi, chờ đợi cái chết đang từ từ đến từng ngày với mình.

Thưa, Như Ý của các bạn và tôi là thế đó!

Hoàng Mỹ Đức
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn