BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùa Chuyển

09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1007)
Mùa Chuyển
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cảm nhận khi nghe nhạc Huỳnh Trọng Tâm. 
 Tôi nhận được thư của một người bạn bên quê nhà - hỏi thăm sức khỏe và cũng cho biết - xuân đã lấp ló rồi đó nghe ! Nơi mảnh đất tạm dung nầy tôi cũng biết xuân về, và đang cụ cựa về... chứ cần chi ai phải nhắc nhở ? Vậy mà thằng bạn thời chiến chinh như cánh én cô độc còn sót lại sau cuộc chiến - cứ mỗi lần tết đến là nó nhắc nhở: "Xuân lấp ló về rồi đó nghe"! đã làm dậy lên trong lòng tôi biết bao thương nhớ, nuối tiếc một thời trai trẻ !

 

 Xuân về hồn lịm chết

 Bánh tét nhìn bánh chưng.

 

 Chúng tôi sống trong một Thôn, cái thôn heo hút trên vùng núi rừng DakTo huyền bí bên dòng sông Dakpsi hiền hòa. Thời tiểu học, chúng tôi học chung ở trường thôn, học chung lớp có, khác lớp có, nhưng tựu trung vẫn gọi nhau bằng thằng tuốt tuột. Tôi ở thôn một - đầu sông. Đường quốc lộ mười bốn chạy song song theo dòng sông cho đến cuối thôn. Qua cầu là ranh giới thôn khác.

 

 Cuối thôn Một, nơi tập trung: Văn Phòng Xã, Cuộc Cảnh sát, Trạm Y Tế, Trường Học, Hội Trường, Thư Viện, nhà ở của Giáo Viên, Viên chức - từ dưới Tỉnh đến dạy học, làm việc. Bên kia cầu là đồn lính Bảo An, có trạm gác hai bên đầu cầu. Trường học, sân trường nằm sát quốc lộ mười bốn, phía sau trường cách bờ sông chừng ba mươi thước là dòng sông. Ngồi học trong lớp nhìn qua của sổ thấy dòng nước chảy với những con thuyền độc mộc của người Kinh, người Thượng xuôi ngược. Về mùa mưa nước chảy xiết, đục ngầu trông thật hung dữ. Vào mùa nắng, khi tan trường tôi và các bạn không đi về nhà bằng đường quốc lộ, mà men theo ven bờ sông gập ghềnh đầy bụi rậm, triền cát chảy để đến bến sông chính của thôn là chia tay mỗi đứa mỗi ngả. Một tuần đi vài lần xem như đi dã ngoại. Đôi khi ngang qua rẫy gặp buồng chuối chín bói vài nải, hay vài trái - chúng tôi ngó chừng, rồi hái xuống chia nhau ăn - ăn rất ngon ! Đúng là của ăn cắp, ăn vội vã rất ngon ! Nhưng hồi hộp, lo sợ rồi bỏ chạy - có khi hàng tháng mới dám đi "dã ngoại" tiếp tục trở lại. Tuổi thơ luôn sục sôi, khám phá để tìm hiểu những sự việc chung quanh: thiên nhiên cũng như con người. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Quỷ ma đâu không thấy chứ lũ học trò chúng tôi thì "quậy" tưng bừng... Nhưng tựu trung cũng chỉ tò mò của cái tuổi mới lớn.

 

 Kontum là cả những gì tôi

 Triều mến thương yêu trọn một đời

 Hoàn cảnh trớ trêu đành phải chịu

 Mang đời viễn xứ lệ đầy vơi.

 

 

Kontum


 Cao nguyên chỉ có hai mùa mưa nắng. Và tôi cũng chỉ biết có vậy thôi. Bởi quanh năm suốt tháng chỉ có nắng gió cháy da, mưa rừng dai dẳng, còn sương mù là "thổ sản" chính dù mưa hay nắng vẫn có đều đều ngày ba bữa chẳng thiếu bữa nào. Mùa hè, nghỉ học ba tháng, tôi lao vào làm việc đồng áng phụ giúp cha mẹ. Ngày xưa đâu có học hè như bây giờ. Nhưng tôi cũng như các em tôi lại trông chờ mùa xuân - bởi mùa xuân có ba ngày tết - trong ba ngày tết ấy chúng tôi có quần áo mới để khoe và đi chúc tết - được thoải mái vui chơi lại được ăn thịt heo, bánh tét... Lên trung học thì mỗi đứa mỗi ngả, có đứa vì gia cảnh không đi học tiếp thì ở nhà làm việc phụ cha mẹ. Hoặc học "Hàm Thụ" qua đường bưu điện. Học hàm thụ cũng theo chương trình của bộ giáo dục. Hoàn tất bài vở đi thi nếu đủ điểm - giá trị bằng cấp hay chứng chỉ học hàm thụ, bộ giáo dục công nhận như bằng cấp hay chứng chỉ học ở nhà trường công lập.

 

 Từ buổi quê hương chiến trường réo gọi

 Chúng mình đi là hiến cả tuổi xuân

 Khi bếp ấm máu hồng rơi tắt lửa

 Vạn hồn oan nhớ tết khóc vang trời

 

 Năm ấy - đám "tân binh" cả xã lần đầu tiên lên xe về trung tâm huấn luyện. Đoàn xe bị phục kích. Tuy không có ai chết, nhưng cũng bị bắt hai tân binh - hai người đó là bạn học của tôi. Sau này được biết - một chết trên rừng - một còn sống, có trở về thôn sau ngày "hòa bình" nhưng tôi chưa bao giờ được gặp lại dù rất mong muốn. Lý do sau "ngày ấy" tôi cũng được đi "cải tạo" một thời gian dài. Khi được tha về nhà - lang thang kiếm sống từng ngày... Cuối cùng làm thân tỵ nạn ở nước ngoài.

 

 Đám bạn bè của tôi đi nhiều sắc lính, phục vụ trên các vùng chiến thuật. Nhưng không bao giờ quên cái thôn nghèo bên dòng sông Dakpsi nơi Cao Nguyên lộng gió, nắng cháy với mưa rừng. Mỗi mùa thằng bạn gọi điện qua nhắc nhở: "Mùa xuân lọm khọm về rồi mầy ơi...". Thằng bạn tôi - "Người lính già ngồi nhớ chuyện Nguyên Phong" ... ! Những người lính Nguyên Phong đánh quân xâm lược Nguyên Mông ngày xưa còn có người nhớ thương; còn có người tri ơn và đã ghi vô sử sách, hay Ít ra cũng còn có cái ngày để cho thiên hạ vinh danh. Chúng tôi cũng là người lính - người lính không mang hận thù trong giòng máu, người lính chúng tôi chỉ biết cầm súng giữ cái nhà, mảnh vườn... Vậy mà chúng tôi: Đầu hàng, thua trận... ! Chúng tôi thua ai ? Đầu hàng ai...? Khi "họ" cũng là những người anh em, là đồng bào của tôi !

 

 Thằng bạn tôi nói "mùa xuân Lấp Ló" . Một hy vọng gần như mơ hồ về một cõi xa mờ nhưng có thực trong lòng từ nhiều năm qua... Rất tiếc mùa xuân mới "lấp ló" mà thân người lính năm xưa đã "Lọm Khọm"! Hai phương trời cách biệt hai thằng vẫn là những thằng tỵ nạn. Có một hôm tôi chuyển cho thằng bạn tôi bản nhạc viết về xuân của nhạc sĩ KonTum Huỳnh Trọng Tâm - có những câu hát như thơ - mà thơ thật hay đấy chứ !

 

 Xuân không đến trong lòng người cô lữ

 Cánh thiệp màu mang nếp chữ thân thương

 Từ quê nhà qua mấy ngả đại dương

 Lời chúc đẹp giòn tan như pháo tết.

 

 Người tha hương vẫn nhớ tết, có tết ! Nhưng không có mùa xuân quê hương tự do ở trong lòng ! Không khí tết buồn và tẻ nhạt. Nơi đất khách quê người thời tiết mỗi vùng mỗi khác, có nơi ngày tết âm lịch tuyết rơi trắng đường, trắng phố, lạnh thì chẳng nói làm chi. Chính cái lạnh trong lòng mỗi người mới là khủng khiếp đến phát khóc ! Trên bàn thờ cũng có đủ thứ hương vị cho ngày tết: bánh chưng, bánh tét, thịt kho, dưa hành, củ kiệu... Mâm trái cây cũng có: "Cầu - Dừa - Đủ - Xoài - Sung". Cũng nhang đèn cúng vái ông bà vể hưởng tết trong ba ngày Xuân truyền thống thiêng liêng. Cũng cắt bánh, khui rượu và lì xì - nhưng chỉ có người trong nhà với nhau. (Không biết ông bà tổ tiên có làm một chuyến "du lịch" qua thăm con cháu và ở lại ăn tết không nữa?) Sau đó, ngồi mơ tưởng về bên quê nhà... Ai còn thân nhân thì gọi điện về chúc tết. Lớp trẻ tha hương còn nhỏ không mấy quan tâm về ngày tết âm lịch cho lắm. Nhưng những người lớn thì ngồi tư lự nhớ về một thời xa xôi... ! Đã từng đón xuân trong không khí vui tươi, đầm ấm nơi làng quê thanh bình, và dù có chiến tranh như mùa xuân mậu thân 1968 đi chăng nữa thì vẫn ấm áp tình làng, nghĩa xóm. Đón xuân trên mảnh đất quê hương với cành mai vàng tươi thắm; với một niềm hy vọng vươn lên, có còn gì vui hơn nữa đâu! Cho dù có đón xuân trong cảnh tù đày, vẫn là xuân trên quê hương.

 

 Xuân đời cô lữ chỉ là đón nhận thêm một tuổi đời; một tuổi đời lênh đênh và già nua trong hiu quạnh. Xuân quá lớn như vậy cho nên thi sĩ Nguyễn Du đã tận dụng đến những - năm mươi bốn lần chữ Xuân ở trong năm mươi mốt câu thơ để diễn tả truyện Kiều mà vẫn còn phảng phất hương xuân man mác đến tận bây giờ ! "Bất cứ việc gì cũng có trời ở trong". Lời nói của cô A Châu trong truyện Kim Dung quả chẳng sai.

 

 Người bạn tôi nói "Tao vẫn đi về trên vùng chiến địa năm xưa; nơi đó, có mầy có tao cùng chiến hữu. Từng đêm tao vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng đạn pháo, tiếng máy bay đêm ... Ánh trăng mờ mờ trong sương khuya mà ngỡ như ánh sáng hỏa châu le lói rọi qua hàng cây trước ngõ. Tao vẫn còn mơ thấy "Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ" nở hoa trên tiền đồn. Tao còn giữ một vài mảnh thư úa nhàu của người "em gái hậu phương" năm nao... Mấy thằng như tao còn sống nơi cái thôn đìu hiu bên dòng sông trơ trụi cây rừng, nhìn dấu chân trên vùng kỷ niệm xóa đi từng giờ, từng ngày - nó vẫn còn đó mà hình như - một người khác ! Có tiếng thở dài: Chỗ nầy ngày xưa... Chỗ kia ngày ấy... Sẽ đến một ngày không có ai còn nhớ "chỗ kia, chỗ ấy" . Không còn ai nhớ ! Đúng vậy ! Ngày xưa, nhà Nguyễn buộc người Khơmer ở đồng bằng sông Cửu Long - tất cả phải mang năm cái họ: "Thạch - Sơn - Kim - Danh - Lam". Còn chúng ta ngày nay "hân hạnh" được mang họ "Ngụy"! Nhưng rất tiếc không phải là con cháu của danh tướng Ngụy Diên thời Tam Quốc. Sự tàn phá khủng khiếp - san bằng hết cả chứng tích; xóa luôn cả trong suy nghĩ về một thời hào hùng của một lớp người như tao và mầy. Lặng lẽ nhìn mây bay qua bầu trời; lặng lẽ nhìn giọt sương rơi trên những đám cây rừng non nớt; lặng lẽ nhìn dòng sông nước chảy đục ngầu vào mùa lũ và trơ đáy vào mùa khô hạn. Con cá bây giờ phải biết tập nhảy qua những con đập để tìm về nơi đẻ trứng năm xưa. Con chim bây giờ cũng phải tập bay xa hơn để tìm về rừng xa hơn nơi có cái tổ ấm. Và, những thằng chống nạn vẫn cố gắng sống cho trọn đời Lính của mình trên mảnh đất quê hương - dù quê hương chối bỏ tận tình"!

 

 Tôi sống nơi đất khách - tha hương mấy chục năm nay, không có tiếng ve nức nở, không có hoa phượng rơi. Tôi cũng muốn đi lượm xác phượng rơi nhưng nào đâu thấy "luyến nhớ làm chi..." mà sao tôi mãi luyến nhớ từng con đường; từng góc phố; từng hàng cây nghiêng nghiêng che bóng lúc trưa hè... Mùa hè, tôi vẫn nhớ mùa hè! Tôi tìm mùa hè trong trái tim; trong từng kỷ niệm; trong từng câu thơ; trong từng lời nhạc - như nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm thổ lộ qua ngôn từ tha thiết.

 

 Hè về chốn tha hương

 Se sắt niềm vấn vương

 Ve gọi sầu trong nắng

 Mỏi mòn nhớ cố hương.

 

 Ngày xưa chỉ đi từ vùng nầy sang vùng khác để mưu sinh hay vì một nguyên do nào đó - đã là ly hương trong đau xót. Huống hồ bỏ lại cả quê hương, nhà của, sự nghiệp... vượt núi cao rừng rậm, vượt trùng dương nghìn dặm xa mà không biết lúc nào được quay về. Và, có trở về chăng nữa cũng trở thành xa lạ, khập khiễng rồi lại ra đi mang theo hình bóng quê nhà; mang theo dòng sông tuổi thơ cùng mái trường thân yêu ngày nào. Nơi đất khách không còn được nghe tiếng con ve sầu đồng ca - hối hả từng gót hài dẫm lên hồn xác phượng, nôn nao từng tà áo dài gợn sóng theo từng hồi trống trường ngân vang. Thôi thì, tôi đi tìm con ve sầu trong từng lời ca tiếng nhạc; từng câu thơ mặc áo nắng rực rỡ của các ông bà nhạc sĩ, thi sĩ vậy. Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm trải lòng ra bằng những lời ca như lời thơ...

 

 Vạt nắng lung linh đã úa vàng

 Ve sầu trỗi điệu khóc chiều hoang

 Cuộc đời viễn xứ sầu theo nắng

 Nắng tắt cho lòng thêm nát tan.

 

 Ngạn ngữ Pháp nói "Con người là một sinh vật mau quên". Nhưng không ai quên kẻ đã chặc đứt cánh tay của mình; và cũng không ai quên kẻ đã chiếm đoạt nhà cửa, tài sản, ruộng đất, vợ con của mình. Đã vậy còn bắt đi tù. Người tha hương ra đi khỏi nhà mang theo vết thương không bao giờ lành cho dù thời gian có kéo dài hết cuộc sống nơi đất khách. Nhưng họ không đem cái thù hận chôn sâu trong lòng - họ chỉ mong một sự công bằng nơi đấng quyền năng sẽ giúp họ. Và họ chỉ chống lại cái ác cho tâm hồn họ thanh thản ! Họ làm lại cuộc sống từ con số không. Đúng, họ đã quên như cái ý sâu xa của câu ngạn ngữ Pháp. Trong truyện kiếm hiệp: Cửu Nguyệt Ưng Phi của (Cổ Long) cũng có một câu hỏi và cũng là câu trả lời "Nếu một người không thể quên thù hận, há chẳng ngu xuẩn sao ?". Có lẽ Đông Tây gặp nhau ở chỗ nầy chăng...?

 

 Bạn tôi - người chiến binh già ngày lại ngày đi về trên những địa danh một thời đã vào quân sử. Tất cả đều đổi thay. Tất cả đều xa lạ ! Ai còn nhớ đến người chiến binh bơ vơ không công trạng, không huy chương... Âm thầm chiếc bóng từng đêm với nỗi đau bị loại trừ oan ức đập hoài mà không vỡ vụn ra từng mảnh cho nhẹ nhàng tuổi xế chiều. Vẫn ngày ngày vô ra tựa như người đi xa mấy mươi năm trở về - phảng phất hồn thơ Hạ Tri Chương. Dù biết rằng:

 

 Có nghĩa gì đâu một kiếp người

 Mong manh ngắn ngủi tựa sương rơi

 Tiền tài danh vọng mờ hư ảo

 Sáng nắng, chiều tan đã cuối đời.

 

 Trong lòng tôi hay đi về cái thôn nghèo nép mình bên dòng sông Dakpsi một thời đã cho tôi uống dòng nước ngọt và tắm gội cuộc đời tôi vươn lên thành chàng trai đi giữ nước. Tôi gạt nước mắt ra đi trong ngày "mùa hè đỏ lửa" để về thị trấn Kontum. Tôi bỏ cái thôn tràn đầy thương yêu đùm bọc nhau trong những ngày đầu khai hoang vùng "đất hứa". Tôi bỏ bạn tôi, bỏ ngôi trường và dòng sông thời thơ ngây ấy. Tôi bỏ lại những người bạn gái - biết đâu trong số người ấy có người đã thầm yêu tôi. Tôi bỏ người cha nằm lại với con thuyền độc mộc một thuở cùng người đi cắm những cần câu cá trê ban đêm ở hai bên bờ sông đầy lau sậy trong chiều nắng tắt. Những thằng bạn tôi còn ở lại cái thôn đó chịu trăm đắng nghìn cay mà như lời nó nói "khổ còn hơn con chó"!

 

 Đất nước thanh bình mười năm có lẽ

 Rừng núi âm u con kẻ lang thang

 Ngày xuân về không một nén hương tàn

 Trước mộ ba trong chiều vàng nắng đổ

 

 Cao nguyên hai mùa mưa nắng với gió sương. Không có một chút ý niệm nào về mùa thu trong đầu tôi. Ngày còn đi học tôi và các bạn chuyền tay nhau đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Hải Thủy trong đó có câu "Mùa thu mây trắng xây thành, tình em rồi cũng mong manh tơ trời". Tôi chưa biết yêu, nên không hiểu tại làm sao tình em mà lại nhẹ tênh như vậy. Khi tôi vào Lính một hôm nghe ca sĩ Thanh Tuyền trình bày bản nhạc "Nỗi buồn Hoa Phượng" của nhạc sĩ Thanh Sơn. Tôi nghe lòng dậy sóng..., bước chân đi như có chì đeo, và tôi nhìn người bạn gái có phần tha thiết hơn. Tôi biết mùa thu có hoa cúc nở, "áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc". Thời học sinh ai mà chẳng biết mấy câu thơ nầy. Trong ca từ nhạc Huỳnh Trọng Tâm cũng có những câu mà tôi rất thích !

 

 Hình như trời đã sang thu

 Mây trôi nhè nhẹ, nắng thu hững hờ.

Hoặc:

 Nâng niu từng chiếc lá vàng

 Bao nhiêu chiếc lá nhớ chàng bấy nhiêu

 Xót xa bóng lẻ đường chiều

 Không gian bàng bạc tiêu điều lối xưa.

 

 Mùa thu bàng bạc, phảng phất, nhẹ nhàng như vậy sao ? Không gian phẳng lặng như tờ - làm cho tôi liên tưởng đến "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo..." của Tam Nguyên Yên Đỗ. Vậy hóa ra là mùa thu không có người đi ư ? Mùa thu tỉnh lặng như cái sân nhà thờ hay nhà chùa trong những ngày không lễ lạc ! Sao mùa thu buồn như vậy? Cơn gió thu nhẹ nhàng thổi chiếc lá vàng, thổi hay là một lời chia tay "Hãy rớt xuống đất đi lá vàng ơi! Hãy thong thả rớt cho mùa thu năm sau huyền dịu hơn, rạng rỡ hơn trở về. Rớt xuống đời sẽ có người thi nhân, người nhạc sĩ, người văn sĩ, cũng như người yêu cuộc sống tự do trong nhân gian lượm hết đem xếp vào lòng để nhớ. Mùa thu hiền hòa soi nắng ấm. Nước hồ thu không dậy sóng ba đào cuốn phăng đi hàng triệu người. Mùa thu thánh thiện không bao giờ chết".

 

 Xưa nay đã có nhiều Thi, Văn, Nhạc sĩ, nhiều tao nhân mặc khách viết ca ngợi nâng niu thưởng thức mùa thu với nhiều mỹ cảm khác nhau, nhiều tầng xuất nghệ thuật không ai giống ai. Tựu trung có lẽ chính là sự khổ đau tình yêu và nhân tình thế thái đã dệt thành tấm thảm êm ái trong từng bài văn, câu thơ "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi. Mà từng thu chết từng thu chết..." hay "Trời đã thu rồi thu lại thu...". Con số ba thu "định mệnh" hay là sự "luân hồi" không thể thoát ra. Mùa thu đi qua lời thơ; lời nhạc hòa vào không gian mênh mông mà vẫn cuộn tròn trong sự tuần hoàn như một lời nguyền đêm đêm của những hồn ma sống lại trở về dương thế đi tìm nguyên nhân và diễn lại cái chết của chính mình. Qua lời nhạc Huỳnh Trọng Tâm tôi đã nghe phảng phất cái âm hơi lạnh ngắt ấy:

 

 Từ anh biệt xứ xa quê

 Hồn em vụn vỡ tư bề hư không

 Tháng ngày lặng lẽ qua song

 gửi bao thương nhớ qua giòng thời gian.

 

 Tôi còn nhớ mùa thu năm xưa, một người bạn cùng đơn vị với tôi rủ tôi ra "Chiêu Anh Quán" cuối đường Lê Thánh Tôn (Kontum), đối diện đám rau muống với nhà Đèn - uống gần một "két" bia con cọp. Uống hơi ngà ngà hắn ta mới móc trong túi áo Lính ra lá thư và nói "Tao có quen một người con gái qua một dịp tình cờ... Chuyện viết thư từ - tao không biết viết ra làm sao, ráng lắm cũng nặn ra vài ba câu như người ta viết cái "đơn xin nghỉ phép". Tao đọc lá thư nàng viết... Thật tình tao choáng ngợp bởi lối hành văn bay bướm của nàng. Không hiểu nàng nói gì. Đây, mầy đọc thử đi, và mầy giúp tao trả lời dùm !

 

 Trong lá thư dài ấy có một đoạn "Em nhìn qua song cửa, thấy lùm hoa cúc mỉm cười. Hoa cúc cười đã có mùa thu hay là cười nhạo báng em một mình bên trong song cửa ? Ừ nhỉ, Thu đã về rồi phải không anh...?". Tôi nói với thằng bạn là Cô gái ấy đã kín đáo tỏ tình. Vậy hãy trả lời thư cho cô ấy nhanh lên... ! Hắn gãi đầu, đập trán... - Trăm sự nhờ mầy giúp cho tao ! Mầy là dân thơ văn mà !" . Tôi viết nháp ra giấy đưa cho hắn - hắn ngồi - nắn nót cả giờ rồi chạy ra bưu điện. Sau đó tôi còn tiếp tục viết cho hắn mươi lần nữa và dặn hắn giữ lại những bản nháp - để tự mình dựa vào đó mà "phịa" cho trôi chảy...

 

 Chiến tranh như cơn bão cuốn phăng chúng tôi mỗi thằng mỗi ngả. Năm 1972 mất Dakto - hắn và gia đình mắc kẹt không chạy xuống tỉnh được. Hắn phải sống trong rừng cho đến ngày "hòa bình" Sau nầy nghe đâu rằng hắn còn sống và có vợ. Không biết lấy cô nào? Mấy mươi năm sau tôi nhận được tin qua phone của hắn. Tôi mừng quá chừng vì biết hắn còn sống và còn nhớ đến tôi!

 - Làm thế nào mầy biết số phone của tao ?

 - Em gái mầy về thăm Kontum, trời xuôi, đất khiến cho nên tao may mắn được gặp cô em mầy...!

 - Vợ mầy tên là gì vậy ? Sao mầy không nói ra cho tao biết với ?

Hắn rề rà... có vẻ ngập ngừng...

 - Cô gái ngày xưa mà mầy hồi âm thư dùm tao đấy !

 - Trời... ! Mầy "tự thú trước hoàng hôn" chưa ?

 - Phải "tự thú" để được sự "khoan hồng..." chứ mầy! Bả nói - bả biết hết ráo... Thì bả nhận ra cũng dễ thôi ! Giọng nói của tao như giọng... trâu rống, lời nói khô cằn như "dùi đục chấm mắm nêm" ! Còn lời trong thư mầy viết chao ôi là ướt át, ngọt ngào như nước dòng sông Dakpsi. Nhưng... bởi tao... đẹp trai "chai mặt" nên bả bỏ qua ! Nói xong hắn cười khà khà...! Giọng cười của hắn trống huơ, trống hoác như ông già rụng hết một mớ răng... Ừ, thì cũng gần "bảy bó" rồi chứ ít ỏi gì nữa!

 

 Người ta nói hãy tỏ tình và yêu nhau từ mùa thu. Bởi có lá vàng, có gió nhẹ đưa và những cơn mưa thu không nặng hạt cho lắm. Mặt nước hồ thu soi bóng mây trắng bay ngang trời cho dù gợn sóng nhẹ nhẹ nhưng không chao đi hết. Mùa thu trầm lặng làm cho con người cũng chững chạc, lời nói và hành động từ đó cũng bình tĩnh sáng suốt hơn... Với tôi từ nhỏ đã không có một khái niệm mùa thu - mùa thu trong hồn tôi là những cơn mưa rừng của vùng bắc KonTum lê thê năm bảy ngày hay nửa tháng. Mưa dầm nhũn đất rêu bám đầy sân... Mây mù thật thấp la đà trên từng ngọn cây, từng mái nhà tranh khuất trong những ngày mưa rừng dai dẳng ấy. Nhưng tôi thích mùa thu qua thi ca. Tôi ngưỡng mộ những thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ viết về mùa thu. Họ viết thật hay ! Tôi chưa có một câu thơ nào hay cho mùa một thu như vậy...!

 

 Một khi thấy những lùm cây đót nhú bông là báo hiệu mùa đông trở về. Mưa nuối tiếc vài ba trận rồi nhường lại cho bầu trời hanh khô. Những cơn gió mùa bắt đầu khởi động. Cái lạnh tràn về thật nhanh mang theo lớp lớp sương muối gieo nặng hạt có khi kéo dài đến mười giờ sáng. Buổi chiều chừng hai, ba giờ trời âm u trở lại. Mặt sông Dakpsi buổi sáng khói sương phủ kín mít, tiếng con chim gõ kiếng gõ vào ống tre lồ ô vang thật xa như một điệu nhạc rừng báo hiệu cho một ngày mới. Những bụi chuối gió quất rách te tua. Tôi phải tốn công cả ngày mới tìm đủ lá chuối cho mẹ gói bánh tét.

 

 Nơi tôi ở mùa thu không tháng tám

 Lá rừng rơi làm lịch của cuộc đời

 Mùa đông đến không phải bằng mây xám

 Mà bằng cái lạnh của tim gan

 

 Cái lạnh mùa đông ở Kontum hình như lạnh từ trong xương lạnh ra, buổi sáng vo gạo bằng đũa không dám thò tay vô nước. Lạnh và gió, cho nên môi nứt nẻ đau rát, da thì nổi cáy mốc meo như mấy người ở dơ không tắm lâu ngày. Buổi sáng chạy xe đạp một vòng là những hạt sương nện vào người làm ướt hết cả quần áo, ngứa ngáy khó chịu. Lạnh đến nỗi con trùn phải trườn mình lên mặt đất để thở. Nhớ những ngày nằm ở tiền đồn chứa nước trong những ống đạn đại bác trăm lẻ năm ly, uống trực tiếp chứ chẳng nấu, lạnh tê lưỡi. Đêm đối diện với gió mùa, lùa cái lạnh cắt da ! Cuộn tròn trong poncho mà không dám đốt lửa. Những lần đổi phiên gác, tay cầm cây súng như cầm cục nước đá, choàng cái mền ngồi co ro nơi vọng gác nghe tiếng thở dài của núi rừng chìm trong sương mù trắng một màu trắng đục đến ớn da gà. Tội nhất là những anh chàng từ miền xuôi mới đổi lên Cao nguyên... Đời Lính hòa cùng gió sương... Chuyền tay nhau điếu thuốc Capstan, vân vê cái bao thuốc mà nghê nga...

 

 - "Con anh phá sản tại anh ngu"

 - "Cho anh phát súng tim anh nát"

 - "Nhưng anh tin số phận anh còn" !

 

 Từ ngày bắt được tin thằng bạn, hắn thường hay gọi nhắc nhở " Mùa đông về rồi mày ơi... !" Hắn kể chuyện ngày xưa ấy - chuyện ngày xưa ấy chỉ có thể kể cho những thằng Lính cùng thời còn sống sót nghe chứ biết kể cho ai nghe đây. Lớp trẻ có muốn nghe cũng như nghe chuyện cổ tích. Buồn hơn, chính cái chuyện ấy cũng không dám kể công khai. Kể cho con cháu nó cũng ngơ ngơ... - bởi chính chuyện ngày xưa ấy ảnh hưởng đến cái lý lịch họ "Ngụy" dây dưa. Trong lời nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm có lời ca về mùa đông thật buồn !

 

 Ta ở phương nầy xa xôi lắm

 Giá lạnh trong tim, tuyết phủ đầy.

 

 Tuyết phủ đầy còn có thể xúc đổ đi hay mặc nhiều áo cho đủ ấm, nhưng lạnh trong tim thì đành chịu thua. Mùa đông quê người - người xa quê chỉ tưởng nhớ cái mùa đông năm nào. Tội cho người từng năm vẫn sống, vẫn ngắm lại cái mùa đông và bước đi trên mùa đông đó mà không có bạn hữu, không người thân yêu. Mùa đông còn đó và về mỗi năm nhưng dửng dưng như người xa lạ !

 

 Mùa đông vẫn thế không thay đổi

 Chỉ lạnh thêm hơn độ vắng người.

 

 Bất cứ nhà thơ hay nhạc sĩ nào viết về bốn mùa cũng mang một tâm sự ngổn ngang, chứa đựng đầy kỷ niệm vơi đầy và đau khổ - tinh thần cũng như thể xác. Mỗi mùa như một chứng nhân vĩnh cửu lẩn quẩn lúc lên hương lúc xuống đời trong sự biến thiên của trời đất. Tôi là người cầm súng mong muốn là giữ gìn mảnh đất quê hương trước một chủ thuyết xâm lăng. Tôi tử thủ trên mảnh vườn của tôi, trong cái nhà của tôi. Chiến tranh như một cơn giông cuốn phăng đi theo giòng lịch sử. Bị đẩy ra khỏi nơi cư trú. Làm thân lữ thứ chính trên quê hương tổ quốc và xa hơn là trùng dương viễn xứ!

 

 Ngày xưa Jivago là bác sĩ cũng bị bi kịch lịch sử đổi thay đẩy trôi theo vòng xoay không thoát ra được. Jivago là một nhà thơ. Phải chăng trong tận cùng nổi đau của thể xác gần như xé nát cả tâm hồn, lúc đó chỉ có thơ và thơ mới đủ sức trỗi dậy: ghi lại tất cả hình ảnh, dư âm, cùng tội ác. Thơ cũng là một nhân chứng trong lúc tuyệt vọng. Cái thiện đã thắng ! Ngục tù dối trá đã bị phá vỡ nhường chỗ cho sự thật. Vinh danh tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Biết bao nhiêu nhà thơ trong ngục tối đã làm thơ ghi lại nỗi oan khiên và học thuộc lòng, hay lén chuyển ra bên ngoài cho người thân, bạn hữu tố cáo cái ác trước bàng dân thiên hạ.

 

 Chính những lời thơ mang đầy vết thương trên thân thể qua bao năm chịu đựng sự ngược đãi, giày vò. Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm ghi lại bằng những câu thơ - như một đúc kết các chuỗi đau thương ấy lại để chuyển thể qua từng nốt nhạc, từng giai điệu mượt mà. Không cần chi nổi tiếng. Chỉ mong nói lên nỗi lòng với biết bao thăng trầm suốt một đời chịu đựng. Viết là viết dùm cho những ai cùng cảnh ngộ nhưng không thể trình bày uẩn khúc của chính mình ra được. Viết cho người còn sống - nhưng hơn hết là viết cho những người đã chết, hãy viết dùm cho họ. Có người nói với tôi "Sao anh không viết về tương lai mà cứ nhắc chi chuyện quá khứ - nó đã qua rồi hãy để cho nó qua trong im lặng".

 

 Trong "The of Reason" của triết gia Tây Ban Nha (George Santanaya) cuối thế kỷ 19, có câu nói "Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xãy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử".

 

 Ai từng đọc truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan mới thương và thông cảm cũng như đồng cảm cho nhân vật "Kép Tư Bền". Kép Tư Bền đi hát cho đoàn hát nhưng quanh năm không đủ sống, phần vì mắc nợ chủ bầu sô số tiền chạy thuốc cho cha. Ngay trong đêm cha hấp hối trên giường cũng không có mặt để chứng kiến giây phút lâm chung, vì phải "diễn hề" thật tươi vui...! Thật náo nhiệt trong đêm đó để trả nợ bầu sô ! bằng không sẽ bị kiện. Không biết còn bao nhiêu số phận như Kép Tư Bền trong cuộc sống nầy dưới mọi hình thức. Hãy nhìn vào quá khứ để định hình cho một tương lai.

 

 Mùa chuyển là sự cần thiết đã đem lại sự sống cho muôn loài trên trái đất. Mùa chuyển qua từng nốt nhạc, qua từng giai điệu. Những bài thơ rung động từ xưa đến nay cũng như các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhưng cũng chính mùa chuyển để lại trong lịch sử - vẻ vang và đồng thời cũng là những mùa chiến tranh dai dẳng tràn ngập tang thương và ly tán triền miên trên quê hương đất nước không thể một lúc mà hàn gắn nổi.

 

 Phải chăng quy luật đào thải dẫn đến đỉnh điểm của sự chia ly? Chiếc lá vàng rụng rơi là sự chia ly ! Con nước trôi về đâu cũng là sự chia ly ! Mây bay về đâu phải chăng cũng là sự chia ly ! Thiên nhiên như vậy đã đành. Còn con người thì sao? Chính con người tự đày đọa nhau, tự đẩy nhau đến vực thẳm dẫn đến sự chia ly không đáng để chia ly. Tự ngoảnh mặt không nhìn nhau dù là tình anh em, tình đồng bào ruột thịt.Trong thơ văn nhạc đều thương tiếc cho sự tiễn đưa ! Nhưng lại ít ỏi, lơ thơ cho những lần trở về ! Thì ra, thế gian nầy buồn nhiều hơn vui. Vậy mà vẫn yêu đời và yêu mê mệt ! Thật là mâu thuẫn.

 

 Ngồi nghe những lời nhạc yêu thích cũng là nghe lại nỗi buồn vui sâu lắng trong tâm hồn của mình.

 

 Trái tim là ngọn nến

 Mãi thắp sáng đêm ngày

 Soi tương lai sẽ đến

 Rọi quá khứ: đúng, sai .

 

Đêm nay thắp ngọn nến lòng

Soi tim quá khứ mênh mông muộn phiền.

 

 

Trang Y Hạ

 

Chữ nghiêng là lời nhạc của

nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn