BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà văn và sự thật

30 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 1068)
Nhà văn và sự thật
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
57


Hoàng Phủ Ngọc Tường


Nhà văn cần phải nói lên sự thật - hồi mới lâm bệnh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời báo chí nghe rất “có lý” :”Thời đại nào cũng cần sự thật. Nhà văn càng cần phải nói lên sự thật. “.


 Nhưng “trăm năm ông Phủ…Ngọc Tường ơi”, sự thật đó là sự thật nào ? Sự thật của đời sống trong dạng nguyên sơ của nó hay sự thật ghi nhận qua đôi mắt “cán bộ” của nhà văn và được xào xáo qua “bút Trường Sơn viết mực Cửu Long” một thời vốn là văn phòng phẩm quốc doanh không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn viết nên chữ nghĩa ?

 

Về chuyện này, kịch tác gia Shakespeare đã phải thốt lên qua miệng một nhân vật :” Sự thực luôn luôn giống như một con chó bị đuổi ra khỏi nhà ?” . Bằng vào tập ký “Rất nhiều ánh lửa”, “trình diện” sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau đó được Giải thưởng Hội nhà văn VN, bằng vào hàng loạt những ký sự đăng trang nhất báo Văn Nghệ…thử hỏi đã có bao nhiêu “con chó” bị đuổi ra khỏi căn nhà của ông Phủ Ngọc Tường ?

 

Người Việt Nam ta có biệt tài “nói ngoa”, “ nói phóng “– chẳng hạn về người con gái, các cụ ta “tả” : “lỗ mũi thì…tám gánh lông”, còn “chỗ kín” thì… ”rũ một cái ra cả rổ c…”. Phát huy truyền thống cha ông, các nhà văn ta cũng chẳng chịu kém “một tấc đến trời” . Còn nhớ thời Nhân văn Giai phẩm, nhà thơ Phùng Quán viết một câu nghe rất “hình sự” :

 

“ Yêu cứ bảo là yêu, ghét bảo là ghét
Dù ai cầm dao doạ giết …
Cũng không nói ghét thành yêu…”

(Lời mẹ dặn)

 

Thề thốt vậy,những tưởng trong ‘căn nhà” của Phùng Quán sẽ nuôi toàn chó ngao thôi, ngờ đâu “Vượt Côn đảo”,” Tuổi thơ dữ dội”….lại cũng vẫn là một thứ văn chương “phải đạo” cả.

 

Vậy còn các cụ “tiên chỉ” chễm chệ trên chiếu làng văn thì sao ? Đi thực tế thâm nhập cải cách ruộng đất, chẳng hiểu “ba cùng” với cán bộ hay là với nông dân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết “ Truyện anh Lục”, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết “ Mẹ con đồng chí Chanh”, Nguyễn Tuân viết “Làng hoa” …. đọc lại cứ thấy như các cụ lấy “sự thật” từ… phim “ Bạch Mao nữ” , trong đó nông dân đều là các cô gái bị đàn áp, ức hiếp đến trắng cả tóc, còn địa chủ đều là tên Hoàng Chí Nhân khét tiếng độc ác chứ chẳng phải cái “sự thật” tàn khốc, nghiệt ngã của một thời cải cách ruộïng đất tại các làng Vũ Đại. Ôi chao ôi, nếu hồi đó, mỗi cụ chỉ đón một “con chó nho nhỏ, xinh xinh” vào căn nhà của mình thôi , thì biết đâu, bao nhiêu người đã khỏi bị chết oan, bao nhiêu gia đình đã tránh được ly tán ?

 

Sang thời “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”, các nhà văn ta viết lách lại càng hăng hái lắm. “Xuống” nông thôn thì có Nguyễn thị Ngọc Tú với “Đất làng”, Đào Vũ với “Vụ lúa chiếm”. “Cái sân gạch”, Nguyễn Khải với “ Mùa lạc”, “Hãy đi xa hơn nữa” , Nguyễn Kiên với “Anh Keng”…vân vân và vân vân…Tiếc thay, việc “thẩm định giá trị văn học” lại rơi vào tay mấy anh phê bình gia “tát nước theo mưa” cỡ như Vương Trí Nhàn, Phan Cự Đệ, Vũ Đức Phúc….chứ không tuốt luốt những “ tác phẩm viết về “đề tài nông thôn” hồi đó cứ giao hết cho cụ… Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú, người đi đầu trong việc xoá bỏ “bình công chấm điểm”, đề xướng “khoán sản phẩm, trả ruộng cho dân” thì các nhà văn ta sớm tỉnh ngộ ra nhiều lắm lắm.

 

Ở thành phố, văn học ta cũng sôi nổi chẳng kém gì . Lê Phương với “Tổ đá nhỏ ca A”,”Con chim đầu đàn”, Huy Phương với “ Khói trắng”…rồi thì vô số khác viết về than Quảng Ninh, thép Thái Nguyên, ximăng Hải Phòng…mà “sự thật” được “nói lên” trong đó chính là …”nguyên tắc quản lý xí nghiệp” với tinh thần cốt lõi của thời đại là “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, công đoàn động viên, thanh niên nòng cốt” thông qua các phong trào thi đua “năng suất tăng, giá thành hạ, tiết kiệm nhiều”… Ngày nay đọc lại những “thành tựu văn học này” , ta thật sự lấy làm tiếc rằng giá như hồi đó, Hội nhà văn thay vì đưa “các cây bút trẻ” đi học “trường viết văn Nguyễn Du “thì nên cho “bổ túc” tại “Hội phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật” chắc chắn viết lách sẽ khá hơn nhiều.

 

May mắn cho các nhà văn viết về đề tài chống Mỹ cứu nước, khỏi cần đi thực tế gặp gỡ công nhân với kỹ sư, khỏi cần biết “cờ lanh ke” là cái quỷ gì mà ở nhà máy xi măng người ta cần đến thế hoặc giả “phốt phát” là cái chi chi mà lại lấy đặt tên cho Nhà máy Lâm Thao ? Cứ ngồi ở phố Đấu Xảo, rung đùi uống rượu tây , cụ Nguyễn Tuân cũng viết được “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, cứ “con một bên, vợ một bên” ở bãi Phúc Xá như Nguyễn Khải cũng viết được “ Họ sống và chiến đấu ở Cồn Cỏ”, “Đường trong mây”, cứ hết hội lại đến họp ở “đất thánh” Hà Nội, Nguyễn Đình Thi cũng viết được “Mặt trận trên cao”…mà “sự thật” chẳng ở đâu xa, cứ sáng sáng vừa uống trà tàu vừa tìm trên … báo “Nhân Dân” là…thấy khối “sự thật”. Bởi thế nhìn lại một giai đoạn cầm bút, nhà văn Nguyễn Khải đã có lần vỗ bụng thở dài :” Tung toé mẹ nó hết rồi…”. Ôi thôi, giá như mấy anh thợ thổi bên Viện Văn Học, báo Văn Nghệ như Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo…nghe được câu than này thì “cảm hứng phê bình” chắc sẽ bớt đi nhiều lắm.

 


Hành trình đi tìm “sự thật’ và “nói lên sự thật” của các nhà văn “vượt Trường Sơn đi cứu nước” quả có gian nan, vất vả hơn nhiều lắm. Ngoại trừ vài anh như nguyên Bí thư chi bộ báo Văn Nghệ Xuân Vũ, mới qua một trận “trèo rừng, lội suối” đã la lối “Xương trắng Trường Sơn”, bỏ của chạy lấy người, còn đa số các nhà văn đều “đường đi đã đến” .

 

Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Khâm (Nguyễn Thi)…người thì tạt ngang sang Khu 5 Trung bộ, người vào trung ương cục Nam bộ… và hầu hết toả đi sống và sáng tác tại các “an toàn khu”, ngày ngày học chính trị, trồng rau, nuôi gà và chờ đón … “tin chiến thắng” các chiến trường bay về để… múa bút.

 

May mắn nhất Anh Đức, chỉ dự Đại hội mừng công mãi trên rú, cách “Hòn Đất” cả trăm cây số, qua vài buổi hỏi han gương hy sinh của chị Lê thị Ràng, đã bắt tay viết ngay được cuốn tiểu thuyết “Hòn Đất” lẫy lừng cả nước. Mặc dù sau này khi hoà bình, vào tận nơi nhìn “sự thật”, ông nhà văn té ngửa khi thấy cái hang Hòn ông cho cả tiểu đội du kích vào “trốn Mỹ” trong đó chỉ to ngang cái … hốc đá, con suối Lươn thơ mộng chỉ bằng cái lạch nước, ông vẫn cứ tự hào về đứa con tinh thần của mình đã nói lên được “sự thật “ chiến trường. Cái “sự thật “ đó là “người đằng nguỵ” như Thiếu tá Sành thì ác thiệt ác, người đằng mình” như chị Sứ thì anh hùng thiệt anh hùng. Căn bệnh “giản lược hoá” con người và sứ mạng “phục vụ chính trị” đã làm nhà văn ta đuổi cổ biết cao “con chó của sự thật” ra khỏi tác phẩm của mình.

 

Rồi thì “ Người mẹ cầm súng “ của Nguyễn Thi, “Quán rượu người câm” của Nguyễn Quang Sáng, vài chương mở đầu “Ở xã Trung Nghĩa” của Nguyễn Thi …Rồi thì Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Nguyễn văn Bổng, Hoài Vũ, Hoàng văn Bổn… Có ông bà nào dám “buông một tiếng thở dài” trước thảm cảnh máu chảy, đầu rơi , xương chất đống ? Không, không có một ai cả. Vậy thì làm sao mở được đôi cánh cửa tâm hồn mà “đón nhận” và “nói lên” sự thật ở chiến trường ?

 

Nói như ông Lênin “cách mạng là ngày hội của quần chúng”, chiến tranh chống Mỹ là cách mạng, là ngày hội, vậy cớ sao buồn ? Bởi thế cái ‘cảm hứng chủ đạo” xuyên suốt các trang viết là “  Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng ?” (Chế Lan Vien), “Đánh Mỹ là niềm vui bất tận” (Chế Lan Viên), “ Mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn”….đã đẩy xa “sự thật” ra khỏi các trang viết chẳng khác nào những con chó bị đánh đuổi ra khỏi nhà.

 

Hội nhà văn Việt Nam thường nhắc nhở nhà văn cố gắng có tác phẩm xứng đáng với tầm vóc cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”. Than ôi, cuộc chiến đã trôi vào lịch sử cả 35 năm nay, trung bình cứ tính đổ đồng mỗi năm Nhà nước chi cho các nhà văn khoảng 3 tỷ đồng, chưa kể nuôi một bộ máy “quản lý công tác văn học” trên trăm người thì phải nói là “tiền đặt cọc” móc từ túi dân khá là lớn. Tốn kém vậy mà tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào “xứng đáng với tầm vóc” của sự nghiệp “chiến tranh cách mạng vĩ đại “, mỗi khi hội họp “bàn về sáng tác “ các nhà văn vẫn vò đầu bứt tai :” chúng ta còn nợ lịch sử…”. Món nợ này xem ra khó đòi làm Bộ tài chánh phải đặt vấn đề :” Tại sao các nhà văn được Đảng và Nhà nước đầu tư bạc tỷ , khuyến khích ưu ái hết mức mà cả mấy chục năm nay vẫn cứ “mang thai” chưa thấy ông nhà văn nào “ hạ sinh quí tử” ?”

 

Nói cho ngay, cả một đội ngũ đông đảo các nhà văn viết về đề tài “chiến tranh chống Mỹ” cũng chịu khó “rặn đẻ” lắm ,mỗi tội con đàn con đống mà chẳng đứa nào vượt khỏi những “Dấu chân người lính “ của Nguyễn Minh Châu, “ “Hòn đất” của Anh Đức, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi… dẫu rằng những tác phẩm này cũng chỉ là “những giá trị ảo”, nhất thời được dùng đến và sẽ phôi pha theo thời gian.

 

Ba mươi lăm năm nhìn lại, rõ ràng “ tắc đẻ” đang trở thành vấn nạn của văn học chiến tranh. Vì sao vậy ? Phải chăng sự bề bộn của nền kinh tế thị trường đã làm phân tâm các nhà văn ? Nào lo “chạy ghế, chạy nhà, chạy đất”, “chạy tiền đầu tư sáng tác, chạy đi nước ngoài “” chạy tiền cho con du học…” …Nào lo “giao lưu” với các quý vị “ngày xưa là kẻ thù , ngày nay là chiến hữu” trong William Joiner Center để may được một xuất đi Mỹ, dịch sách…? Phải chăng “vốn sống ở chiến trường” quá lâu trong ký ức ngày càng phai mờ ? Thế nhưng toạ đàm “viết về đề tài chiến tranh”, các nhà văn lại thường đòi hỏi “ cần có độ lùi” (recul) để ngắm nghía “bức tranh của cuộc chiến” cho toàn diện. Than ôi, cái “recul” này không biết còn kéo dài cả mấy kilômét “thập kỷ” nữa đây ?

 

Thực ra nguyên nhân “tắc đẻ” chẳng ở đâu xa mà ngay trong đầu nhà văn. Ngay từ thủa ban đầu cầm bút, các đồng chí đó ( 90% là đảng viên cộng sản) đã “quán triệt” câu hỏi của bác Hồ :"Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết thế nào?" . Tất nhiên câu trả lời bây giờ sẽ là :” Viết để được ‘trên khen”, báo chí “tung hô”. Viết cho mấy ông đọc duyệt.Viết thế nào cho khỏi bị…”mất điểm” thi đua…”.

 

Khổ nỗi 35 năm qua, rất nhiều “sự thật ở chiến trường” đã được phơi bày trước mắt các nhà văn qua tiếp xúc với chính đồng bào miền nam, qua sách báo trước 1975. Hoá ra “người đằng nguỵ” chẳng phải ai cũng “ác thiệt ác” như thiếu tá Sành của ông Anh Đức, “ người đằng mình” không phải ai cũng “anh hùng thiệt anh hùng” như “bà mẹ cầm súng “của Nguyễn Thi. Hoá ra“sự thật ở chiến trường” phức tạp, phong phú, đa đoan hơn là các nhà văn tưởng tượng nhiều lắm.

Lại thêm cái “cảm hứng chủ đạo” “đánh Mỹ là niềm vui bất tận “ đã không còn nữa, nó đã được thay thế bởi nỗi buồn thời thế , “cái đẹp, cái cao cả của lý tưởng đã bị dìm chết trong nền kinh tế thị trường” . Các nhà văn muốn viết về đề tài chiến tranh sẽ xoay xở sao đây khi phải phân đôi con người “nghĩ một đằng, viết một nẻo” ? Cái công việc đầy trái khoáy đó làm sao tránh khỏi gây “tắc đẻ” ? Tất nhiên cũng có người đã dám viết tới cả một “trung đoàn trưởng chiêu hồi” như Nguyễn Trọng Oánh trong “Đất trắng”, hoặc những cảnh “bộ đội cũng giết chóc tàn ác” như một vài đoạn trong “Nỗi buồn chiến tranh “ của Bảo Ninh, “ Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh, nhưng vẫn chỉ là những chấm phá chứ chưa hẳn là “những sự thật cốt lõi” của cuộc chiến. Ngoài sự trật đường rầy hiếm hoi đó ra, hàng núi truyện ngắn, tiểu thuyết viết về “đề tài chiến tranh” vẫn chỉ là nối dài con đường mòn “ mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn” của các bậc đàn anh đi trước.

 


Tất nhiên các nhà văn rường cột của Nhà nước không bao giờ thừa nhận có chuyện “tắc đẻ”. Ngay từ 8 năm trước, năm 2003, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trấn an báo chí :

 

Văn học ta không hề bế tắc .Chúng ta chẳng việc gì phải bi quan. Chúng ta từng được mùa với tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn có những cuốn sách hay, như truyện ngắn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, gần đây nhất là cuốn Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…. Đó là những dấu hiệu tốt lành để chúng ta hy vọng. Văn học ta không hề bế tắc như một số người lầm tưởng. “.

 

Trong những dẫn chứng của nhà thơ, chỉ thấy có “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, dăm bảy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp phần nào gói ghém được sự thực còn tươi của đời sống, nhưng đó là chuyện của cả vài chục năm trước, còn bây giờ cả hai quý vị này xem ra khó mà rặn được đứa con nào khôi ngô tuấn tú như đứa đầu lòng.

 

 Các nhà văn viết về đề tài chiến tranh đã vậy , thế còn các ông “dân sự” trong gần 1000 hội viên Hội nhà văn trong mấy thập kỷ qua đã “nói lên sự thật “ như thế nào ?

 

Trong hai năm ngắn ngủi Đảng “xả xú páp”, cởi trói cho văn nghệ, các ông bà nhà văn đã đẻ toé loe không khác gì quý bà, quý cô một thời tranh nhau đẻ sinh quí tử tuổi Quý Mùi, tuy nhiên “ còn lại với thời gian” cũng chỉ đếm được trên đầu các ngón tay : Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, “ Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn, “ Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch) của Lưu Quang Vũ, “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài ( Hội viên chưa… kết nạp), “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương ( Hội viên đã … khai trừ), “ Miền hoang tưởng” cuả Nguyễn Xuân Khánh và sang thời “ hậu cởi trói “ có thể kể thêm “ Nỗi buồn chiến tranh “ của Bảo Ninh,” Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường,“ Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thời xa vắng “ của Lê Lựu, “Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh... Những tác phẩm này phần nào đáp ứng được một cách văn chương yêu cầu của ông nhà văn Phủ Ngọc Tường :” Nhà văn cần phải nói lên sự thật…”.

 

 Thế còn hằng hà sa số các tác phẩm khác từng được báo chí làm rùm beng, từng được các thứ giải thưởng văn học của Nhà nước thì sao ? Nào “ Gặp gỡ cuối năm”,” Cõi nhân gian bé tí”,“ Thượng đế thì cười”của Nguyễn Khải (thật ra “độc giả thì cười” thì đúng hơn, vì cuốn này là sự bày tỏ lòng trung thành của tác giả với cách mạng, phân bua với văn hữu, nhưng chẳng may lại véo vào chỗ nhạy cảm nhất là “quốc hội” nên mới ăn đòn), nào “Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, nào “Những đứa trẻ không chịu chết già” của Nguyễn Bình Phương, nào “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính, “ Ngược dòng lũ” của Ma văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải vân vân và vân vân ? Xin hãy “wait and see”, xin hãy chờ ông ISO 9000 của lịch sử kiểm định và cấp chứng chỉ.

 

Tuy nhiên chẳng phải ông nhà văn nào cũng muốn “bảng vàng bia đá”, “ISO của lịch sử”, còn nhiều người vẫn cho rằng “ chuối chín cây là ngon nhất”, sách ra cứ bán ào ào là được. Đại biểu xứng đáng nhất cho thứ “ văn học cóc cần hậu thế” này là nhà văn nổi tiếng một thời với cuốn sách gây chấn động “ Cù lao Tràm” và vẫn còn đang rất nổi tiếng với hàng loạt các kịch bản phim truyền hình nhiều tập.

 

Để hiểu được “công nghệ sáng tác” của các nhà văn chính thống , những người mà trước đây, trên trang nhà Talawas, ông Nguyễn Hữu Liêm xếp vào loại “văn chương tào lao”, ta nhận thấy hầu hết các tác phẩm của họ đều phải theo một quy tắc chung : muốn viết gì thì viết, viết đến cả “Giám đốc công an hiếp dâm, giết người “ (Nhân danh công lý của Lưu Quang Vũ), “ nông dân biểu tình” ( Đất làng của Nguyễn thị Ngọc Tú), xí nghiệp sắp sập tiệm ( Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ )… nhưng dứt khoát phải có một nhân vật là công dân của Nhà nước xã hội chủ nghĩa , là “người của Đảng” đứng ra dẹp loạn, duy trì trật tự xã hội “xã hội chủ nghĩa”.

Còn nhớ làng thôn Nam bộ trong " Cù Lao Tràm" của Nguyễn Mạnh Tuấn vào thời kỳ đầu hợp tác hóa nông nghiệp rất rối ren, lộn xộn. Không sao cả, đã có chị Năm Trà sẵn sàng cơm nắm cơm đùm đi ra Bắc học tập kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã để mang về Nam ổn định trật tự và đưa phong trào tiến lên (!)

 

Cái “tính công dân” trong tác phẩm văn học đó, hoặc hoá thân vào nhân vật, hoặc nhà văn đứng ra thủ vai là bắt buộc, là “chuẩn tắc” đã hằn sâu trong tâm não nhà phê bình và ngay cả độc giả đến mức tác phẩm nào không có cái đó lập tức nếu không bị coi là bốc mùi “tà khí” , là văn chương “bàng thống” thì cũng bị loại ra khỏi “tầm ngắm”. Không một anh nhà văn nào dám đi đến cùng một sự kiện để làm bật ra sự thật lớn lao của đời sống thời nay là đã đến lúc một lần nữa…bác Hồ phải ra đi tìm đường cứu nước.

 

Bởi thế yêu cầu của ông Phủ Ngọc Tường “nhà văn phải nói lên sự thật” là chuyện tào lao trong xã hội này. 

Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì” nhưng sự thật dù đã được mô tả tới 90 phần trăm thì cũng vẫn chưa phải là sự thật. Trong cái kho tàng văn học xếp chất ngất của Hội nhà văn VN, thử coi đã có cuốn sách nào “nói lên sự thật” như ông Tường yêu cầu ? 

Hàng loạt những cây bút nổi danh một thời “chống Mỹ” – Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Ma văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai… .có ông nào dám tự hào rằng ta đã đưa ra “ một cái bánh mì của sự thật” chăng ? Không, không có ai cả. Và sự thật vẫn luôn luôn là con chó bị đuổi ra khỏi nhà. Cái mà các quý vị vẫn “nói lên” trong tác phẩm chỉ là sự thật đã được nhào nặn để đảm bảo cho một trật tự xã hội : xã hội xã hội chủ nghĩa.

 

Ngay cả cuốn truyện vừa “ Cha và con và…” ưng ý nhất của Nguyễn Khải thì "phê bình gia" Vương Trí Nhàn cũng dán ngay cho cái nhãn “triết luận về chủ nghĩa xã hội” tất nhiên là theo chiều hướng khẳng định nó. Nếu ngày xưa, văn học chính thống đòi hỏi “tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân” thì bây giờ tuy không nói rõ ra, nhưng cả ba tính đó đã hoà nhập vào một cái duy nhất : “tính công dân” của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

 

Tất nhiên, yêu cầu đó không được đưa ra một cách thô thiển và trắng trợn như ngày xưa, nhưng những chuẩn tắc của nó đã được “quán triệt” từ khi người viết còn ngồi lớp mẫu giáo, phổ thông…cho tới khi cầm bút viết tác phẩm đầu tay. Tiếc thay, các nhà phê bình cũng vậy và cả bạn đọc cũng thế.

 

Văn học Sàigòn sau 1975 là một ví dụ tiêu biểu cho sự “kính nhi viễn chi” sự thật của các cây bút trẻ mà tới ngày 30 tháng 4 mới đứng vào hàng ngũ cách mạng.

 

Vốn không phải “con đẻ” như mấy anh Bắc kỳ mới dzô, lại “khiếp vía” những giai thoại về những :”áng văn bị trừng trị” trước đó ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên “mấy em” chọn ngay một vị thế cho mình : tránh xa chuyện “thời thế” , cứ khoanh ngòi bút vào chuyện “phòng the”, chuyện gia đình là…chắc ăn.

 

Vậy là đã ra đời một dòng “văn chương xirô’ với những tên tuổi được Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh “lăng xê “ hết mức “ : Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Lý Lan, Nguyễn thị Minh Ngọc, Lê thị Kim… một thời được coi như những “con gà” của thành uỷ TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó mấy anh Bắc kỳ dẫu đã có hộ khẩu thành phố cả 30 năm nay vẫn bị coi là “ngụ cư” nên dầu có viết “thực” mấy chăng nữa, vẫn không được coi là gương mặt tiêu biểu của văn chương “Sàigòn giải phóng”. Các “em út” đã nhát sợ như vậy lại thêm các bậc “cha chú” cứ khăng khăng giữ lại các quan niệm văn chương thời bao cấp, trách gì có năm Uỷ ban nhân dân thành phố HCM không trao được giải thưởng cho anh nhà văn nào mà giành hết cho mấy anh…anh cải lương. ?

 


Vậy sang thời “kinh tế thị trường” các cây bút vẫn tự nhận là “thế hệ thứ tư” liệu có làm được cái việc “nói lên sự thật” như ông Phủ Ngọc Tường yêu cầu ?

 

 Trả lời câu hỏi này, ta cần đi ngược thời gian về thời các quý vị Nhân văn giai phẩm còn đang bị “xử lý nội bộ”.

 

Còn nhớ ngày lĩnh giải Nobel, Andre Gide có nói một câu đại ý:

 

Trong một thời đại càng bị kìm kẹp, hiệu năng của đầu óc con người càng đạt tới mức cao nhất…”. 

 

Than ôi, ở nước ta thì ngược lại. Ở vào thời đại nhà văn bị bủa vây tương tự như Liên xô, ta không có được những tác phẩm tràn đầy sự thật của đời sống như Pasternack, Solgiênhítxưn…cũng không có được một dòng văn học “phản kháng samizđát” (tự xuất bản). Sợ đòn vọt, sợ cắt tem phiếu, sợ mất hộ khẩu, sợ đi chăn bò ở Mộc Châu, sợ đi đội than ở Cẩm Phả… phần lớn những nhà văn Nhân văn Giai phẩm còn cầm bút sau đó đều tự dâng tác phẩm lên “anh Năm “ , tức “kính chuyển đồng chí Trường Chinh” để bày tỏ sự “an phận”, không chống đối.

 

Khi cánh cửa mở vào “sự thật của đời sống” đã đóng lại rồi, thì các nhà văn, nhà thơ “phát huy truyền thống” của nhóm “Xuân thu nhã tập “ ( Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm), tìm tới “cuộc chơi với chữ” cho…an toàn.

 

 Những chủ soái của phong trào Nhân văn Giai phẩm như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt… đều đắm mình trong trò chơi lý thú này, cố tạo cho mình một gương mặt mới bằng bẻ cong , lật ngửa, xáo trộn “những con chữ” , gây hình thái mới lạ, kích thích trí tò mò của người đọc và mỗi nhà thơ đều chui vào “phòng thử nghiệm những con chữ “ của riêng mình.

 

 Nào :

  “Sáng bảnh-bành-banh

 mày vẫn ngủ-ngù-ngu.”

 hoặc :

 “em dài man dại

 em dài quên che đậy

 em dài tê tái

 em dài quên cân đối

 em dài bối rối”

 hoặc :

 “ Poème – roman à accompagnement

 

 jờ

 joạcx “

 của chủ soái Trần Dần, rồi thì “Ô mai” của Đặng Đình Hưng, “U gì “ của Hoàng Cầm…mở đầu cho dòng thơ “chơi với chữ”, “thơ ngó lời” khai sinh ra lớp đàn em như Lê Huy Quang :

 

 Em dài mua mùa may…

Em dài hai bàn tay…

Em dài đi vô lối…,

 

 Dương Tường :

 

“ tôi thường jặt tôi như người đàn bà jặt trăng…zòm zèm cửa sổ…)

 

 và sau này là Hoàng Hưng “vụt hiện” :

 

Háp háp háp…con gà quay, con gà quay…).

 

Ở đây ta chưa bàn tới “cơ sở lý luận” về thể loại thơ “chơi với chữ”, cái đó xin giành cho các quý vị trên diễn đàn đemthu, Tiền vệ, Hợp Lưu, tạp chí Thơ….ta cũng khỏi nhắc tới chuyện “ký hợp đồng với những con chữ” của nhà văn gái Phạm thị Hoài… Thôi thì hàng thịt bán thịt, hàng cá bán cá, ở đây ta chỉ khoanh lại cái yêu cầu “ nói lên sự thật” của nhà văn Phủ Ngọc Tường .

 

Từ thủa khai sinh lập địa, Chúa đã dậy :” Khởi thuỷ là lời”, và rồi cả ngàn năm sau đó , kịch tác gia William Shakepeare lại thêm rằng:

 

Lời mà không có tư tưởng thì bay sao được lên thiên đàng”.

 

Đảng ta thì lại nói :

 

” muốn bay đâu thì bay, lên thiên đàng hay xuống địa ngục mặc kệ chúng mày, miễn là “lời” đừng có tư tưởng”.

 

Ở đây, chính là tư tưởng “phản kháng”, “xét lại” hoặc “ chống Đảng”. Vậy thì các nhà thơ “ngoài lời” cứ thoải mái mà “ chơi với chữ”, “thử nghiệm chữ ”, “bẻ cong, xáo trộn chữ”,cứ mạnh dạn ký hợp đồng với “con chữ” đi nhé, cứ “ ngó lời”, cứ “vụt hiện”…miễn sao không có “tư tưởng” hoặc nếu có thì cất kỹ dưới đáy các “con chữ” để các anh Mít nhà ta có trợn mắt lên cũng không nhận ra là OK rồi.

 

  “Tôi khóc những người bay không có chân trời

 Lại khóc những chân trời không có người bay”

 (Trần Dần)

 

 Hai câu thơ bóng gió quá xa xôi như sao hôm sao mai về “những người mơ mộng không được phép mộng mơ” và “một xã hội đã chết hết cả những người mơ mộng ” của thi sĩ họ Trần đâu đã “thần Siêu thánh Quát” gì cho lắm mà rất nhiều “trang nhà văn học” trích dẫn và kéo lên tít tận chín tầng mây xanh .

 

Không phải vô cớ mà một dạo thơ văn Trần Dần được khá nhiều các web site đồng loạt bốc thơm như là một “hiện tượng bí ẩn “, “chủ soái viết tự động”,“con hùm, con hổ” trong thi ca Việt Nam.

 

Vì sao vậy ?

 

Tài năng nghệ thuật và tinh thần phản kháng của nhà thơ ?

 

Không hẳn vậy, chính vì “công nghệ” của thơ ông rất phù hợp với “tạng” thơ lớp trẻ bây giờ. Né xa “chính trị” và “ thoải mái ngôn từ” – theo đúng tinh thần “ muốn làm gì thì làm, miễn đừng động tới “ghế” của mấy ổng” – “công nghệ Trần Dần” đã giúp các nhà thơ trong nước rất dễ nổi tiếng mà thơ vẫn in dài dài, một số cây bút hải ngoại tha hồ đăng đàn khoát luận mà khỏi lo Nhà nước đóng trang web, và vẫn còn có cửa xin … visa về Việt Nam tiếp xúc văn nghệ sĩ, vui chơi , tiêu xài xả láng “giá bèo”.

 

Ngày nay được hỗ trợ bởi “internet” và xả cảng “đùi vú”; “công nghệ Trần Dần” càng mở cho các cây bút thuộc “thế hệ thứ tư” một chân trời văn học rộng thênh thênh.

 

Nếu như ngày xưa, truyện có hơi hướng phản kháng như “Hòn đá lang thang” của Lê Bầu, “ Hoang tưởng trắng” của Xuân Khánh… thơ của vài “nhà thơ chân đất” như Lê Huy Quang, Hoàng Hưng, Phan Đan…chỉ dấm dúi truyền tay nhau đọc trong bạn bè thân thiết, thì bây giờ các tác phẩm gọi là “phi chính thống” của các cây bút “dấu mặt” như Phan Đan, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoàng Vỵ, Trần thị Ngh., Nguyễn Thuỵ Long ….thả sức mà xuất hiện trên mạng internet hoặc in thành sách ở hải ngoại mà vẫn sống “phủ phê” khỏi lo bắt bớ. Các nhà thơ thuộc thế hệ thứ tư còn “sướng “ hơn nữa, vừa được in thả dàn trong nước, vừa được “tái bản” tức thời trên mạng với những lời “bốc thơm” mà ngay đến các đồng chí Tố Hữu, Sóng Hồng … lúc sinh thời cũng chẳng có được.

 

 Vậy thì diện mạo thế hệ “ A còng (@) “ trong văn chương có gì mới ?

 

 Nhật Tuấn

 07/2011




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn