BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73397)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sáng đọc “lá cờ trong đường phố”

22 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 1333)
Sáng đọc “lá cờ trong đường phố”
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
[Gởi Trung "mọi", Hảo]

Sáng nay hai thằng bạn dậy có nổi. Tôi thì chịu. Gần sáu giờ sáng mở mắt không ra. Trong hai thằng giờ có một thằng giống tôi. Ngày ngày đuổi gà vườn sau. Mà gà ở đâu để đuổi trong thành phố cứng ngắt vì luật và nội quy của khu vực cư trú. Chó sủa ồn ban đêm là nghe khiếu nại của láng giềng hay khó đăm đăm hơn… gọi cảnh sát.

Sáng rồi. Thị trường chứng khoán đã mở. Bán vội không thì thua. Đẩy xong hai tụ tôi đi rửa mặt. Tiện tay tôi lấy cuốn sách trên kệ. Dính cuốn bút ký của một huynh trưởng cùng trường. Dở ra đọc một đoạn như đã bao lần làm với cuốn này. Thời binh biến của những năm 60, khi tôi đâu chừng dưới mười. Năm 1966 đàn anh dẫn đại đội theo tiểu đoàn về dẹp loạn tranh đấu. Đọc thấy buồn lòng. Có đoạn tả thành phố tôi thấy rất gần trong trí nhớ. Đọc hai ba lần. Nhớ quá. Chỉ tiếc giờ cầu Vồng không còn nữa:

Tôi không ngờ trở về với thành phố tuổi nhỏ trong cảnh oái oăm như thế này, con đường Khải Định chạy qua đường Ông Ích Khiêm đến chùa Tĩnh Hội giờ này lặng lẽ và nguy biến. Con đường này thuở xưa qua khỏi cầu Vồng ngợp lá phượng xanh dẫn đến biển, xe đạp học trò lăn đi như bánh xe hồng trong cổ tích. Nhưng bây giờ thì đã khác. Chia lính đi hai bên đường, súng cầm tay, áo giáp, nón sắt, vì từ một ngôi nhà nào đó biết đâu có thể một họng súng đang hướng về tôi! Người bắn đó là ai? Có thể là một người mà tuổi nhỏ tôi đã biết… Từ cầu Vồng xuống khỏi chiếc dốc rẽ về phía tay trái, đường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước sân vận động, nhà chị M… Tối mùa đông gió thổi, lá cây phượng rơi đầy sân, tôi cùng Tr và M ngồi cạnh nhau ở bậc tam cấp trước thềm nhà, Tr thổi khẩu cầm bài Étoiles des neiges, tuổi mười bảy đẹp như nốt nhạc hoang đường, tình bạn, tình yêu, ước vọng mù mờ về tuổi mới lớn hòa hợp, se sắt nồng nàn như cơn gió mùa đông làm căng da mặt, nẻ những đường môi rơm rớm máu nóng. Đà Nẵng, bên kia cầu Vồng qua hai ngã tư, nghĩa trang người Pháp, trên đồi cao đầy bóng cây đại, tôi trải chiếc blousson trên ngôi mộ bia ngủ thiếp đi trong mùi thơm nồng của hoa sứ. Trời mùa đông xám đặc như xuống thấp, từ độ cao u ám của nghĩa trang, tôi sống như gạch nối giữa nỗi chết cùng sự sống. Bỏ nghĩa trang tiến thêm một đoạn, rẽ về phía tay trái, trường tôi...”

Đoạn đường này tôi nhớ như in mà. Hai ngã tư huynh trưởng nhắc đến là Đông Kinh Nghĩa Thục và Nguyễn Thị Giang. Nghĩa trang của người Pháp sau này là trường Nữ Trung Học Hồng Đức. Từ ngã tư Thống Nhất và Lê Lợi, Phan Châu Trinh ngó qua trường nữ chừng dưới trăm thước. Có đứa đi hoài không tới.



Bút ký Lá Cờ Trong Đưòng Phố [*] viết tháng 7 năm 1966 ở Đà Nẵng theo tác giả. Ngày đó tôi mười một tuổi một tháng; đứng ở ngoài đường xóm thấy tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến dừng quân ở khúc Nguyễn Du. Thành phố lộn xộn. Chiến tranh nghe đâu ở vùng quê nhưng không khỏi làm mạ tôi lo âu. “Tụi ni lớn thì nước mình hết đánh nhau”. Mạ tôi nói với bác Đí gái, với O Thí. Mạ đâu biết tôi nhìn mấy anh Thủy Quân Lục Chiến thích lắm. Cứ tò mò ngó những súng trung liên “bar”, đại liên 30, Carbine và mầu áo ngụy trang.

Tiểu đoàn này tiến đến ngã ba Đống Đa – Nguyễn Du, rẽ trái hướng về đài phát thanh. Súng nổ. Tiếng súng bắn chỉ thiên từng tràng đủ làm xanh mặt những người dân trong xóm. Mạ tôi gom hết mấy đứa con vào nhà. Bắt nằm xuống nền. Bản năng sinh tồn khiến bà xanh mặt, rối rít kêu con.

Tháng 3 năm 1975 tôi với thằng bạn cùng trường cũng theo đơn vị về thành phố trong thấp thỏm lo âu của người dân. Xe GMC chở đơn vị ngang chợ Mới hướng về phi trường. Đường ngang chợ Mới đây này. Tôi đâu lạ gì. Nhảy xuống được là chạy chừng nửa tiếng xuống tới nhà ở dưới Gia Long. Dắt mạ và các em chạy… Mà về đâu mạ ơi!

an phú vang


[*] Phan Nhật Nam – Dấu Binh Lửa, trang 97 – 101, in lại ở Houston, USA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn