BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồ Điệp (1930-1988), tiếng vàng trong không gian

16 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1004)
Hồ Điệp (1930-1988), tiếng vàng trong không gian
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp - biệt danh do thi sĩ Đinh Hùng đặt cho cô trong chương trình Thi Ca Tao Đàn của đài phát thanh quốc gia từ 1954 - đã vĩnh viễn biệt tăm trong cuộc hành trình đường bộ rời xa tổ quốc qua ngả Cao Miên vào một ngày Tháng Năm âm lịch Mậu Thìn (1988) - để xa lánh cộng sản, không còn để lại chút gì của bản thân trong cát bụi, nhưng người hoa khôi ấy của Nghệ thuật Ca trù Việt Nam, giọng ngâm vàng ngọc ấy của thi ca đất nước, còn mãi mãi trong không gian, nếu thỉnh thoảng lại có người muốn “nghe sênh phách thời Hồ Điệp,” hay muốn “ngâm thơ kiểu Tao Đàn.”

Sáu bảy năm trước người viết bài này đã tổ chức một buổi Tưởng Niệm Tao Đàn tại hội trường Người Việt, nơi chỉ có khoảng 300 ghế, mà người đến dự tới hơn 400, phải đứng vòng quanh các cửa bên ngoài. Một băng thơ Hồ Điệp đã được phát lại, dù chỉ nửa bài, thật ra dù chỉ nửa câu, người ta đã thấy bướm mộng bay về, không gian đã nghe giọng vàng lưu luyến.

Ca trù, bị gọi nôm na là hát ả đào, người ngâm hát bị gọi nôm na là cô đầu, chính thực là kho báu, là quốc túy của ta. Ai làm ra những bài hát nói, những bài thơ cho các cô đào ấy hát? Ai đàn, ai trống, ai đệm nhịp “tùng tùng cắc cắc” cho những giai nhân nghệ sĩ kia giãi tỏ tâm tình? Thưa đó là các nhà trí thức, các nhà thơ danh vọng, đó là những Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Tản Đà,... tác giả những từ khúc, thi phẩm cả thế kỷ qua được ghi vào chương trình giáo dục của quốc gia.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
(Nguyễn Công Trứ, Ngất Ngưởng)

Một khúc đêm khuya tiếng đã chầy
Nửa chen mặt nước nửa từng mây...
Từ xưa mặt ngọc ai là chẳng
Chén rượu bên đèn luống tỉnh say.
(Nguyễn Khuyến, Tiệc Hát)

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương.
(Chu Mạnh Trinh, Thúy Kiều Oan Trái)

"Chính ở ca trù chúng ta không những thấy được cái chân tướng con người sống động của giới trí thức Việt Nam xưa, mà chúng ta còn thấy được cái tài dung hợp Việt hóa nào Đường thi, nào Từ nào Phú, nào Lục bát nào Song thất,... và màu sắc phong phú trăm hoa.” (Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng Đại học Văn khoa, đề tựa Ca Trù của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề)

Cho nên nhiều người lầm lẫn cô đầu với nghệ sĩ ca trù, đã có thời vì thế ca trù bị quên lãng, người ca bị nhìn sai lệch. Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp là bạn quí của những tài danh như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hà Thượng Nhân, Cao Tiêu. Bà tên thật là Nguyễn Thị Tý, tự là Nhu, sinh ngày 5 tháng 5 năm Canh Ngọ tức ngày 1 tháng 6, 1930 trong một gia đình nghệ sĩ tại làng Hiệp Lộc, tỉnh Sơn Tây. Gia đình bà nhiều người là các nghệ sĩ chầu Văn, ca ngâm tại các đền chùa, hội hè ở Phủ Giầy, đền Hai Bà, đền Đức Thánh Trần ở ngoài Bắc. Theo một bài viết của Vĩnh Tường đăng trên Khởi Hành, Hồ Điệp mất vào năm 1987, nhưng theo một bài viết của nữ sĩ Hoàng Hương Trang, có khác. “Di ảnh của Hồ Điệp hiện thấy được thờ ở chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão quận nhất thành phố Sài Gòn, trên di ảnh đề ngày mất 15 tháng 5 Mậu Thìn (1988). Có lẽ đó chỉ là ngày ra đi của Hồ Điệp chứ không phải là ngày mất thật sự.” (Hoàng Hương Trang, Nhớ Nghệ Sĩ Ngâm Thơ Hồ Điệp). Vẫn theo nhà thơ nữ thì Hồ Điệp được thờ ở đây là do lòng hâm mộ của một thính giả, một người say mê giọng ngâm của bà ở Sài Gòn. Một nhà thơ, tiến sĩ ngữ học Đại Học Prague, Tiệp Khắc, mệnh danh Hồ Điệp là Nữ Hoàng Thanh Sắc với hai câu thơ:

Thanh, sắc vọng mãi Đất Trời
Nghìn thu cánh bướm vỗ hoài Hồn Thơ.
(Nguyễn Phan Cảnh, Dự báo Bùng nổ Thi Ca)

Giọng ngâm chính của Ban Tao Đàn còn mãi trong không gian, trong lòng người, cụ thể là trong ba băng nhạc nhan đề Thi Nhạc Giao Duyên, Thục Vũ thực hiện năm 1971; băng Mây Hồng do Hồng Vân thu năm 1972; và băng Hồ Điệp do vài vị liên tài thực hiện cùng năm.

Bài trên còn viết: “Theo cô Thái Hằng [bà Phạm Duy], thì khi còn nhỏ Hồ Điệp là một cô bé rất xinh đẹp. Thái Hằng và Hồ Điệp có cùng một ông ngoại. Hồ Điệp lớn lên ở quê ngoại, còn Thái Hằng theo bố mẹ ra Hà Nội. Mỗi lần Thái Hằng về quê, Hồ Điệp chạy thật nhanh từ cổng nhà lên đến tận bờ đê đón các anh các chị với quà Hà Nội... Hồ Điệp có giọng cười trong như một dòng suối tinh khiết và đôi mắt rất đẹp, ngày đó chưa u ẩn và chưa buồn viễn xứ.” Sau 1954 tại Sài Gòn, “Thỉnh thoảng, Hồ Điệp hay ra sân quét vạt sân rụng đầy lá trứng cá. Cô hay mặc quần satin tuyết nhung, áo phin trắng nõn, gấu và cổ tay có thêu rua. Buổi tối đi hát, cô hay đeo kiềng vàng, mặc áo nhung đen rưng rức trơn một màu, không thêu, không vẽ. Cô choàng tấm khăn san mỏng, chân mang hài cong. Cô trang điểm rất ít, tóc bới cao hay quấn khăn vành dây. Cử chỉ cô cực kỳ khiêm cung, nhỏ nhẹ. Cô có cái đẹp cổ kính của một thục nữ cõi Bắc Hà.” [...] Theo lời bà Hồ Liễu (nữ đại tá QLVNCH), sau 1975 Hồ Điệp từ chối trình diễn, chỉ nhận lời ngâm thơ tại các chùa, hay tại nhà bạn hữu...

Như báo chí lâu nay vẫn loan tin, nữ nghệ sĩ Hồ Điệp vượt biên bằng đường bộ, và từ đó bặt vô âm tín. Không một nhân chứng nào xuất hiện, để thuật lại những gì đã xảy ra cho nữ nghệ sĩ; khác với trường hợp danh hài Khả Năng.

Nghệ sĩ Khả Năng cũng vượt biên đường bộ, và một nhân chứng là nhà thơ Trần Bát Nhã, sau này là chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Louisianna, là chứng nhân, đã thuật lại cái chết của anh, bị bắn chết trong cuộc rượt đuổi cạnh biên giới, như bài tường thuật trên cùng tờ báo.

Có thời người ta coi rẻ nhạc cải cách, có thời người ta coi nhẹ nhạc sến, có thời người ta cười vọng cổ, có thời người ta chê bai nhạc vàng, và có thời người ta ám chỉ “hát cô đầu.”

Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục coi ca trù là quốc hồn quốc túy, nó cũng như ca dao, tục ngữ, đều là những thứ “do cái hồn chung của đất nước tự nhiên sản xuất ra,” cho nên biết gìn giữ kho báu ấy thì văn hóa đất nước mới phong phú được. Dương danh nghệ sĩ chân chính cũng chính là gìn giữ văn hóa chung vậy.

Viên Linh

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn