BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73360)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một cuộc chiến chưa ngã ngũ...!

29 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1289)
Một cuộc chiến chưa ngã ngũ...!
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Bìa sách 'Lững thững giữa Đời' của Lê Thiệp, Tiếng Quê Hương, 2011


Những người ít gặp Lê Thiệp không ai nghĩ là anh đang phải chiến đấu với một căn bệnh mà ngày nay trên 380 triệu dân Mỹ vẫn chưa đưa được nó ra khỏi danh sách những bệnh nan y. Đó là ung thư.

Và cũng không ai nghĩ là Lê Thiệp sẽ giữ định mệnh đó như niềm riêng của mình cùng người bạn đường và con cái.

Như bản tính cố hữu, không coi chuyện gì trên đời này là quan trọng, Lê Thiệp đã chính thức loan báo căn bệnh quái ác này với bạn bè và độc giả từng đọc những tác phẩm báo chí của anh. Vợ chồng tôi đến thăm căn nhà của gia đình Thiệp nằm gần một khu rừng nhỏ của thành phố Vienna, tiểu bang Virginia, vài lần trong những cuộc tập họp bạn bè vui chơi, nhưng lần này chúng tôi đến đó với một nỗi buồn khôn tả.

Căn nhà vẫn đẹp, vẫn là nơi cất giữ một bộ sưu tập khá quí những tác phẩm hội họa Việt Nam nổi tiếng, nơi vẫn có một cô Mai xinh đẹp luôn luôn đối xử với bạn của chồng như bạn của chính mình, nhưng không khí không thể còn được nét bình thường khi chúng tôi ôm Lê Thiệp trong vòng tay và thấy rõ hai xương bả vai của bạn mình nhô hẳn ra. Tôi chùng lòng đã thấy mắt mình cay cay, nhưng chỉ một giây sau trấn tĩnh và tự nhủ “Nó vững như thế mà bây giờ mình sụt sùi thì kỳ quá.” Thiệp nói: “Vợ chồng mày đến hôm nay là may mắn rồi, ngày mai tao đi chemo.” Không cần chờ tôi hỏi, “cậu Thiệp” đã tuôn ra một thôi một hồi về bệnh trạng của mình: “Để tao nói cho mày biết như thế này nhé...” Anh kể rất chi tiết từng giai đoạn chữa bệnh và sụt mất 8 pound.

Lê Thiệp là như thế. Chúng tôi là đồng nghiệp và từng “lăn chai” trong nghề với nhau cách đây nửa thế kỷ và cho tới nay tình bạn vẫn không có gì thay đổi. Thiệp học khóa 1 Việt Tấn Xã còn tôi học khóa 1 Phóng Viên Truyền Thanh vào năm 1964. Học xong bắt đầu chính thức bước vào nghề, đứa nào trong số chúng tôi cũng nghĩ rằng mình sắp vá trời lấp biển tới nơi. Nhưng khi vào nghề rồi mới biết cái học ở trường lớp chẳng đi đến đâu so với những gì chúng tôi phải trải qua và cái mộng vá trời lấp biển ngày càng xa vời khi ngày nay chúng tôi nhìn đứa nào cũng thất thập cổ lai hy mà vẫn “chẳng làm được cái đ... gì” như lời Lê Thiệp cứ oang oang mỗi khi chúng tôi có dịp gặp lại nhau.

Phạm Trần, một trong những đồng nghiệp vào nghề trước nhưng chơi cùng nhóm “nồi niêu xong chảo” với chúng tôi như Lê Thiệp, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thiên Ân, Lê Phú Nhuận, Dương Phục, Trần Trọng Thức, Trương Lộc, Ngô Đình Vận, Đông Duy, Trần Công Sung... đã thông báo cho anh em biết tin Lê Thiệp bị ung thư với lời lẽ rất cảm động. Phạm Trần như nhiều đồng hương trong cộng đồng này đã biết là một người rất nổi tiếng với những bài bình luận về Việt Nam. Bài viết đầy tính chất nghiên cứu của Phạm Trần thì khô khan lắm, nhưng người đọc vẫn thích vì những tin tức mà anh đưa vào trong bài là cả một công trình lưu trữ trong một thời gian dài kể từ khi anh cộng tác với đài VOA trước 30 Tháng Tư, 1975 và kéo dài cho tới thời gian gần đây mới về hưu. Chơi thân với nhau nên chúng tôi thường gọi Phạm Trần là “người nông dân nghiêm trọng” vì chỉ hơn nhau tí tuổi, nhưng lúc nào mặt anh cũng “nghiêm và buồn” dù xưng hô với nhau trong chốn bạn bè thân cho tới nay vẫn là “mày, tao.” Dĩ nhiên là chúng tôi cũng rất thích như thế mặc dù đứa nào cũng cháu nội cháu ngoại đầy đàn rồi, trừ Lê Thiệp. Tôi vẫn nghĩ rằng mình còn may mắn vì ở vào tuổi này, chúng tôi vẫn còn “mày, tao” với nhau thân mật như thuở còn 21, 22 mỗi khi gặp nhau, dù hoàn cảnh nay có khác nhau, đứa thì giầu có, đứa vẫn sống chỉ đủ ăn, có đứa thất bại còn sống trong khó khăn.

Những kỷ niệm của chúng tôi thời trai trẻ trong chiến tranh thì nhiều không thể nhớ hết, nhất là nghề nghiệp của chúng tôi trước cũng như sau khi mặc áo lính vẫn là làm báo, làm đài. Miền Nam Việt Nam ở vào thời kỳ lúc chúng tôi bắt đầu vào nghề có nhiều chuyện khá phức tạp, nhưng lại là chuyện thường thấy tại một đất nước mà Hiến Pháp có ghi rõ người dân được hưởng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, có báo tư nhân, nhưng hệ thống truyền hình và truyền thanh cũng như Việt Tấn Xã lại là độc quyền của nhà nước, đồng thời Bộ Thông Tin vẫn duy trì một cơ quan kiểm duyệt có nhiều giai đoạn cái kéo của họ cũng khá khắt khe.

Tuy nhiên, trong số những anh em “báo bổ” chơi thân với nhau cùng thời, chỉ có một mình Lê Thiệp được nhận vào một tờ báo lớn vào thời đó (1965) là tờ Chính Luận, lớn cả về cơ cấu, tính chuyên nghiệp, chính trị lẫn tài chánh. Tiêu chuẩn để được nhận vào làm công việc phóng viên tại tờ báo này khá cao trong khi phần đông những người tốt nghiệp khác thường được nhận vào làm cho cơ quan thông tấn nhà nước là Việt Tấn Xã. Một số khoảng hơn chục người vì được huấn luyện về truyền thanh chuyên nghiệp nên tất nhiên chỉ có một đường là vào làm cho Hệ Thống Truyền Thanh và Truyền Hình cũng của nhà nước trong số đó có tôi, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thiên Ân, Lê Phú Nhuận, Vũ Văn Lê, Vũ Trọng Nghinh, Nguyễn Duy Đăng, Trần Văn Bảo, Nguyễn Thị Bích Thu, Trương Vệ Minh, Dương Phục. (Nhưng về sau do nhu cầu phát triển, chính anh em chúng tôi đã cố gắng tổ chức những khóa đào tạo khác trước khi trường đại học Vạn Hạnh cung cấp cho chúng tôi một số các phóng viên, biên tập viên tốt nghiệp).

Hai năm 1964-1965 được kể là năm chuyển mình của nền báo viết cũng như báo nói ở Sài Gòn.

Trước đây, những nhóm “nồi niêu xoong chảo” (nhóm từ chỉ những nhà báo quen nhau tập họp thành nhóm làm việc chung trong một tờ báo) trong làng báo có một bức tường chắn, vì khi một tờ báo tư nhân ra đời, thường thì họ giao việc thành lập bộ biên tập cho một ký giả đã có tiếng tăm, hoặc quen biết nhiều. Người ký giả thuộc lớp đàn anh chúng tôi này thường chỉ mời những ký giả nào mình đã quen biết cho nên những người mới toanh như chúng tôi ít lọt được vào mắt xanh của họ lắm. Cho nên, chính những bài viết của Ngô Đình Vận, Trần Trọng Thức, Trương Lộc, Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, Nguyễn Vạn Hồng, Đông Duy, Trần Công Sung trong các trang ký sự, phóng sự đăng tải trên Việt Tấn Xã đã khiến cho những người đang cầm trịch tại các nhật báo, tuần báo tư nhân ở Saigon chú ý và sau đó họ đã thay đổi cách nhìn cũ khi thiết lập bộ biên tập và tuyển phóng viên. Đây là cơ hội chúng tôi bắt đầu len chân vào các tờ báo in để làm việc và học nghề sau Lê Thiệp.

Những tổng thư ký và chủ bút báo tư nhân chịu chấp nhận để chúng tôi vẫn làm việc với đài phát thanh, đài truyền hình chính phủ trong khi vẫn viết cho các báo của họ. Dĩ nhiên, chúng tôi phải viết bài vở ngoài giờ làm việc theo qui định hành chánh. Tôi thường gọi đùa việc làm một công việc thứ hai này là “đi khách,” nhưng chính mối liên hệ này làm thành một mạng lưới để những tin tức được phổ biến rộng rãi hơn.

Trước Tết Mậu Thân, một số anh em chúng tôi bước sang một thị trường mới, đó là công việc phụ giúp thuyết trình về tình hình thời sự Việt Nam cho các văn phòng trưởng tại Sài Gòn của các báo, hãng thông tấn, truyền hình Nhật như Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun, Tokyo Broadcasting System, Senkei Shimbun, Nippon Hoso Kyokai. Và đúng như Phạm Trần nhận định, lớp nhà báo trẻ vào giữa thập niên 1960 đã góp phần vào việc thay đổi dần dần lề lối thường thuật của báo chí Sài Gòn vào thời đó.

Tờ Chính Luận là một nhật báo mà những người chủ trương theo một đường lối chống Cộng rất khéo léo, thuyết phục, nhưng cũng đối lập với chính quyền VNCH một số vấn đề mà phải nói rằng Lê Thiệp cũng chịu một phần ảnh hưởng từ họ. Đó là một đường lối phù hợp nếu như chúng ta phải trực diện với đối phương trước mặt trong thời kỳ chiến tranh. Cũng như việc kiểm duyệt báo chí trong thời kỳ chiến tranh và thiết quân luật chỉ có tác dụng như một chiến thuật cần thiết khi phải đối phó trực diện với kẻ thù, nhưng bảo rằng VNCH có dân chủ và tự do hoàn toàn, nhất là đối với báo chí thì không đúng chút nào. Lê Thiệp cũng như đa số những người làm báo, làm truyền thông lúc đó sẵn sàng chấp nhận những giới hạn trong thời chiến, nhưng chống tất cả những sự lạm dụng để đàn áp đối lập hay những người bất đồng chính kiến. Cho nên, tôi cho rằng chúng tôi vào nghề báo và truyền thông trong một tình thế rất nhạy cảm và từ đó xuất hiện một cuộc chiến không bao giờ có kết thúc đối với những ràng buộc quá đáng. Đó là cuộc chiến với ngay cả những người “sếp” của mình để làm sao chúng tôi vẫn làm tròn nhiệm vụ lúc bấy giờ là ngăn ngừa “sóng đỏ,” không chấp nhận chuyên chính dù bất cứ dưới hình thức nào, nhưng vẫn không phải viết truyền đơn vuốt đuôi một cách thô bạo, đồng thời phải tìm cách làm sao “lừa” được những lưỡi kéo kiểm duyệt. Đây là một trong những ưu điểm của Lê Thiệp khi anh cùng Trần Công Sung, Trần Trọng Thức, Trương Lộc và một số anh em trẻ ở Việt Tấn Xã chủ trương tờ “Việt Nam Ký Sự.” Ngay từ số đầu, “Việt Nam Ký Sự” đã hấp dẫn người đọc, nhưng chẳng bao lâu, những nhà báo bất cần đời như Lê Thiệp không điều hành được đúng mức việc quản trị nên “Việt Nam Ký Sự” đã “đi đoong.” Sau thất bại này, Lê Thiệp nói với tôi và Nguyễn Mạnh Tiến ở quán bà Tý, một căng tin của Việt Tấn Xã: “Không được chúng mày ạ, mẹ kiếp, tao nghĩ bọn mình phải học hỏi thêm và làm sao phải trường vốn mới được, chứ cứ như thế này, ra tờ nào là sẽ chết tờ ấy.”

“Cứ như thế này...” là một nhóm từ chúng tôi sử dụng để chỉ những nhà báo trẻ, ngựa nón háu đá, điếc không sợ súng như chúng tôi, lúc mới ra đời tưởng mình có thể đội đá vá trời, nhưng rồi thấy thành công và thất bại chỉ cách nhau một biên giới mỏng manh nên hiểu hơn ai hết là ở đời phải biết rút kinh nghiệm học hỏi thêm và phải can đảm vượt lên trên thất bại thì mới mong thành công được. Dù cho Lê Thiệp đã viết hàng ngàn bài báo trong suốt thời gian chiến tranh cho tới lúc cuộc chiến chấm dứt, nhưng sự vung vãi bài vở khắp nơi, thiếu lưu trữ và biến cố chính trị 30 Tháng Tư, 1975 đã làm cho mọi thứ ra sông ra biển hết. Anh em đã tưởng không bao giờ Lê Thiệp quay lại nghề cũ, nhưng rồi bất ngờ, chúng tôi cũng như các độc giả đã từng đọc anh lại được đọc “Lững Thững Giữa Đời,” “Đỗ Lệnh Dũng” và một tác phẩm mới vừa được hình thành vào những năm cuối cùng của một đời người.

Lê Thiệp loan báo tin này trong buổi vợ chồng tôi bay từ Nam California sang thăm Thiệp và Mai ở nhà riêng vào tuần trước. Thiệp nói: “Tao sẽ gởi cho mày đầy đủ bản thảo tường trình rất rõ ràng về căn bệnh của tao, rất đầy đủ.” Vâng, tác phẩm này Lê Thiệp viết trong tình trạng đang phải đối phó một mất một còn với ung thư và có thể trong cơn đau mà bạn tôi không nói ra. Tôi hiểu Lê Thiệp rất can đảm và bất cần như lúc anh lao vào chiến trường An Lộc trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, nhưng nghe anh nói đến việc vẫn tập Tai Chi buổi sáng, ngồi thiền, nghiên cứu Phật Giáo và vẫn sinh hoạt theo thói quen bình thường, tự nhiên tôi thấy trong lòng như bị ai xát muối.

Tôi nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên khi mới từ Việt Nam sang định cư tại Virginia Tháng Ba, 1992, Lê Thiệp đến đón tôi đi chơi và ăn trưa. Xong, ghé qua một cửa tiệm bách hóa mua tặng tôi một chiếc áo da rất đẹp và nói: “Tiết xuân rồi nhưng trời vẫn còn lạnh lắm, mày mặc như thế này vẫn chưa đủ ấm. Mẹ kiếp, ở tù cộng sản bao lâu không chết, sang đây sưng phổi chết vì lạnh ở xứ Mỹ thì đếch khá được.” Chiếc áo da là cả một gia tài nếu như tôi còn ở Việt Nam vào thời điểm ấy.

Lê Thiệp là người thực tế và tôn trọng bạn. Lúc tôi định cư là lúc Lê Thiệp đã khá giả nhờ kinh doanh. Nhưng không bao giờ anh bảo tôi về cơ sở của anh để làm việc vì như thế có ngày mất bạn là điều vốn không kiếm ra được bằng tiền. Thiệp và Ân đã dự tính mua cho tôi một chiếc xe bán bánh mì để tự lập, nhưng chỉ 3 tháng sau tôi quyết định qua Nam California và rồi dính chặt vào nghề cũ cho tới nay. Cả hai đứa không nói gì vì họ hiểu làm báo và truyền thông là một thứ nghiệp gắn liền với đời tôi rồi. Chỉ có điều mỗi lần qua California, nếu Lê Thiệp gọi cho tôi thì y như rằng mới nhấc điện thoại lên đã nghe Thiệp bô bô, giọng “cậu”: “Ê... mày... thằng Quang, thằng Yến nó trả cho mày khá không...” Cũng may là suốt trong thời gian làm báo, làm đài ở Nam California, tôi cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề lương lậu. Nếu thù lao mà chủ nhân các cơ sở báo chí và truyền thông trả tôi kém quá thì tôi phải làm nhiều việc hơn để có lợi tức thêm cặp với người bạn đời của mình mong sao đủ sức nuôi dạy con cái. May cho tôi là Yến Tuyết cũng học báo chí, cũng làm đài phát thanh và viết báo nên cũng thông cảm và chịu đựng với chồng những lúc tôi bị khốn đốn chỉ vì tính hay viết thẳng, nói thẳng. Do đó, tôi coi những lời thăm hỏi của Lê Thiệp có một ý nghĩa hỗ trợ tinh thần là luôn luôn bạn tôi quan tâm đến đời sống của bạn bè. Tôi quí Thiệp là ở chỗ này. Hơn nữa, tôi hiểu Lê Thiệp là người bao giờ cũng tìm cách này hay cách kia để giúp bạn mà không bao giờ anh chịu nhìn nhận là đã có giúp bạn. Thiệp luôn luôn nói: “Còn nhìn thấy bọn mày là quí rồi.”

Cuộc chiến giữa Lê Thiệp và bệnh ung thư là một cuộc chiến vẫn còn chưa ngã ngũ như bao nhiêu cuộc chiến tương tự. Nhưng sẽ có lúc nó phải ngã ngũ và tôi tin rằng phần thắng sẽ về bạn tôi. Chắc chắn như thế. “Hôm Phạm Trần viết bài về mày, tao đã trả lời tao không hỏi thăm ngay vì sợ bốc điện thoại lên là sẽ khóc. Tao không muốn như thế. Sau khi vợ chồng tao gặp mày và Mai, chúng tao hiểu ‘cậu Thiệp’ đang chiến đấu rất can đảm vì trong cơn đau vẫn tiếp tục viết những điều cần viết.”

Vũ Ánh

(Viết từ Sterling, Virginia)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn