BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Ngày Khó Quên

04 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1453)
Những Ngày Khó Quên
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Khi xảy ra biến cố 30 tháng 4 năm 1975, phần vì ấu trĩ về chính trị và gắn bó với đơn vị, phần vì chậm chân và đang ở vận đen, tôi bị kẹt lại ở Sài Gòn để rồi phải sống dưới chế độ cộng sản 15 năm kể cả 3 năm tù cải tạo. Thời gian 15 năm ở vào độ tuổi trung niên là tương đối dài so với đời sống thực sự có ích của một đời người. Khỏi nói đến những nỗi cơ cực và đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần, do những đòn thù thâm độc của cộng sản trong trại tù cải tạo, ngay cả sau khi được thả ra, chính quyền cộng sản địa phương còn tiếp tục kỳ thị, trù dập, uy hiếp tôi và gia đình một cách tận tình. Có lẽ thân phận của bất cứ quân nhân viên chức nào còn kẹt lại, đại thể cũng giống nhau, tuy nhiên, với luật rừng của cộng sản, đảng ủy địa phương có rất nhiều quyền hành tùy tiện thi hành chính sách, nên tùy theo địa phương, mỗi người có một hoàn cảnh riêng.



Tôi ở quận Phú nhuận, chủ tịch quận là một đặc công việt cộng khét tiếng căm thù “Mỹ Ngụy,” mang quân hàm trung tá, anh hùng quân đội, từng chỉ huy đội biệt động tấn công phi trường Tân Sơn Nhất hồi tết Mậu Thân (1968). Chẳng biết tên thật của y là gì, nhưng trên các văn thư chính thức, y ký tên là Ba Phong. Phường tôi được phong là phường tiên tiến số một của quận về tổ chức an ninh và kiểm soát chặt chẽ các thành phần thuộc “ngụy quân, ngụy quyền.” Chủ tịch phường hồi trước năm 1975 là một cán bộ nằm vùng. Tổ dân phố của tôi gồm 20 gia đình trong đó có 5 gia đình là cán bộ từ miền Bắc vào, họ chiếm ngụ các căn nhà của những người di tản bỏ lại hoặc nhà của những người bị đuổi đi vùng kinh tế mới.

Tổ trưởng tổ dân phố là một người nham hiểm, trước y sinh sống tại Campuchia, nhưng khi dân Campuchia tổ chức “cáp duồn” Việt kiều, y mang gia đình chạy về nước, sống bằng nghề bán tạp hóa và sửa điện nhà. Sau 30 tháng 4 năm 1975, y tỏ ra rất thành khẩn với cách mạng, yêu Đảng kính Bác còn hơn cả cán bộ cộng sản. Tôi ớn đến tận cổ khi bị bắt buộc phải đi họp tổ dân phố hàng tháng, phải ngồi bệt xuống nền nhà y hàng giờ, lưng mỏi, chân tê để nghe y triển khai chính sách của Đảng và nịnh bợ công an khu vực. Khổ nhất là phải tham dự các cuộc bình bầu gia đình tiên tiến để nghe y bốc thơm các gia đình cán bộ, gia đình ban điều hành tổ dân phố, và tố khổ mấy gia đình gốc “ngụy” không nịnh bợ y. Đương nhiên, mấy anh trong ban điều hành tổ dân phố đã không bỏ lỡ cơ hội tâng bốc y để kiếm điểm. Có một anh tổ phó an ninh, gia đình gốc “ngụy” chẳng nể tình nghĩa, vào phe với tổ trưởng, tố cáo một gia đình ở chung nhà là đã vi phạm an ninh khu phố, khi có người nhà đến ở qua đêm mà không báo cáo tạm trú.

Đối diện nhà tôi là trụ sở công an quận, có một nhà giam với nhiều phòng ở bên hông, giam đủ mọi loại tội phạm từ vượt biên, hình sự đến chính trị. Tiếng quát tháo, tiếng đấm đá, roi vọt tra tấn, tiếng rên la kêu khóc được nghe thấy hàng ngày, hàng đêm. Có một lần, một tù nhân, lợi dụng lúc nhá nhem tối, cả gan vượt ngục bằng cách chuyền qua các mái nhà kế cận, khi tụt xuống đất lại nhè trước nhà tổ trưởng mà xuống. Không bỏ lỡ dịp lập công, tổ trưởng bắt lại giao nộp công an. Với thành tích này, tổ tôi trở thành tổ dân phố kiểu mẫu, và tổ trưởng được cấp ủy phường và quận tín nhiệm hoàn toàn.

Xế cửa nhà tôi, sát với trụ sở công an là nhà một viện trưởng viện kiểm sát nhân dân quận. Y người Quảng Nam, có nhiều tuổi đảng và có nhiều quyền, vợ là một cán bộ nằm vùng. Hình như y thích căn nhà của tôi vì nhà tôi cao hơn, rộng hơn, nhiều phòng hơn, đẹp hơn nhà của y đang chiếm ngụ. Cách nhà tôi 2 căn là nhà một goá phụ đã lớn tuổi, có tính hay dòm ngó nhà hàng xóm để báo cáo tâng công với công an. Ngày tôi mới được thả về, y thị lấy cớ hàng xóm đến thăm vào lúc gia đình tôi đang dùng bữa để xem mức sinh hoạt rồi báo cáo. Y thị đã báo cáo với công an là tôi uống rượu “tây.” Nhà tôi ở cái thế “tứ bề thụ địch” mà kẻ địch nào cũng nguy hiểm.

Khi được thả ra từ trại tù Suối Máu, Biên Hòa, tôi được cấp một giấy ra trại với ghi chú là bị quản chế 12 tháng và khi về phải trình diện sở công an thành phố và địa phương. Tôi cùng mấy anh bạn nữa được thả ra một lượt. Trước khi phát giấy ra trại, người cán bộ quản giáo còn đánh đòn cân não, tập họp chúng tôi lại tuyên bố: “các anh còn phải tiếp tục học tập cải tạo,” làm chúng tôi ớn xương sống. Tôi tự nghĩ, không biết có tha thật không đây, hay lại dàn dựng một vụ chuyển trại mới, như họ đã từng làm, khiến một số tù nhân thật thà tưởng bở, đã để lại những vật dụng cần thiết cho các bạn còn ở lại, khi đến trại mới không có được cái chén, đôi đũa để ăn bo-bo. 

Cộng sản dù ở bất cứ đâu, ở bất cứ trường hợp nào, lớn hay nhỏ, đều lấy thủ đoạn lừa bịp, dối trá làm phương châm hành động. Chẳng hạn như khi họ cần tập trung sĩ quan, công chức của chế độ cũ vào các trại tù cải tạo, họ mập mờ ra thông cáo cho những người trình diện phải mang theo thực phẩm đủ dùng trong một tuần hay một tháng tùy theo cấp bậc, và tập hợp tại các trường trung học trong thành phố. Âm mưu này đã làm con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Tôi biết một vị trung tá đã 70 tuổi đời, giải ngũ từ lâu, cũng hăng hái trình diện với tin tưởng là sẽ được khoan hồng và được để yên sống những ngày còn lại. Khi tôi được tha, ông ta vẫn còn ở lại trại, trong khi những sĩ quan đã giải ngũ như ông không đi trình diện, việt cộng cũng không hay biết. 

Trong trại tù, khi họ cần tìm hiểu lý lịch các tù nhân, họ tổ chức để tù nhân tự kiểm và kê khai lý lịch, trước đó họ nói cách mạng đã nắm vững tất cả lý lịch và hành động của mọi người trong quá khứ, tổ chức tự kiểm lần này là để khảo sát sự thành khẩn cũng như đánh giá kết quả học tập của mỗi người. Một trung tá phòng nhì của một quân đoàn đã quá thành khẩn đến mức tự nhận là con mắt thần của máy bay B.52 trên chiến địa. Kết quả trông thấy là ông đi cải tạo mút mùa. Một lần, khi họ cần chụp hình tù nhân để làm hồ sơ cá nhân (!), họ tập họp chúng tôi lại và ỡm ờ nói: “Trên đã đánh giá các anh học tập cải tạo tốt, có tiến bộ nên gởi cán bộ đến chụp hình để mai mốt các anh có giấy tờ chứng minh cho tiện việc đi lại, các anh hãy làm vệ sinh râu tóc cho gọn ghẽ, mặc áo đẹp vào.” Báo hại các tù nhân cải tạo ngây thơ thật thà, thường tự nhận là có nhiều kinh nghiệm về cộng sản, đã cắt tóc, chải đầu, cạo râu, mặc cái áo đẹp nhất lấy từ dưới đáy bị ra, túm năm tụm ba, bàn tán, hí hửng cho là sắp có tin vui. Đến khi chụp hình, thấy họ bắt quàng một tấm biển có số tù trước ngực, mới vỡ lẽ. Thành thật mà nói, ở những trường hợp như vừa kể, ai cũng bị lừa thôi, chẳng khác chi một người sắp chết đuối, thấy một mảng bèo trôi cũng tuởng là phao cứu.

Khi được thả, qua khỏi cổng trại tù, chúng tôi không ai bảo ai, rảo bước như muốn chạy, không dám quay lại nhìn nơi đã từng bị giam giữ. Trên đường về nhà, ngồi trên xe lam chở khách của một người tài xế tốt bụng, còn có can đảm nói lên sự xót thương những sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị sa cơ, tôi cảm động không cầm được nước mắt. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, tôi mới được nói chuyện với một người dân thường. Về đến nhà, chờ người trong nhà ra mở cổng, người hàng xóm thấy tôi quần áo lam lũ, mũ rách, giày nát, mặt mày hốc hác, da đen đúa, vác một bị lớn trên vai, không nhận ra tôi, tưởng tôi là một kẻ đi ăn xin.

Không dám chậm trễ, sau khi tắm rửa, thay quần áo, ăn uống, tôi đạp xe lên sở công an thành phố ở đường Trần Hưng Đạo để trình diện. Người phụ trách là một đại úy công an, ghi ngày giờ trình diện vào mặt sau giấy ra trại, ký tên mà quên không đóng dấu. Tôi đạp xe về công an phường, ở đây nói tôi ra trình diện tiểu ban quản huấn quận. Sau hơn nửa giờ chờ đợi viên trưởng ban, một người nhỏ bé, da đen cháy, tóc dựng ngược như tóc hình Đỗ Mười hồi còn trẻ, súng lục lủng lẳng ngang hông, bước vào bàn giấy. Cô thư ký đem giấy ra trại của tôi ra trình y, tôi ngập ngừng bước theo. Y lườm tôi, cau mặt lại và xem giấy ra trại của tôi. Y phát hiện không có dấu của sở công an thành phố nên đập bàn quát: “Trung tá hả? dám giả mạo chữ ký hả? tại sao không có dấu đóng ở đây?” Rồi y gằn giọng: “đi về, sửa soạn đưa gia đình đi kinh tế mới.” Tôi trình bày: “Đó là chữ ký của một đại úy ở sở công an thành phố, còn việc đóng dấu hay không tôi đâu có biết. Tôi là một chuyên viên ngành y, được chính phủ khoan hồng, cho về để làm việc phục vụ nhân dân thành phố.” Nghe vậy, y quắc mắt nhìn tôi, rút súng ra khỏi bao, đặt mạnh trên bàn, uy hiếp tôi: “cãi lệnh hả, tao bắn chết bây giờ, trở lại trại cải tạo!” Y giữ giấy ra trại của tôi, đuổi tôi về và ra lệnh sáng hôm sau trình diện y.

Tôi đạp xe về nhà, vừa đi vừa lo, không biết tên ác ôn có biệt danh “Sáu A” này sẽ hạ đòn gì để hãm hại tôi. Tôi như cá nằm trên thớt, chúng muốn làm gì mà chẳng được, chúng có thể bắn chết tôi về tội chống đối cách mạng. Chán nản và lo sợ cực độ. Cố Hoàng Thân Claus, chủ tịch danh dự viện Prince Claus ở Hoà Lan đã có lần triết lý: “Khi bị cuộc đời dày vò mình, xin đừng khóc, hãy cứ sống.” Thế nhưng, với trường hợp của tôi lúc đó, tôi làm cách nào để sống? Nếu khi đó có mối vượt biên, thì dù có nguy hiểm mấy tôi cũng liều. Không có giấy tờ tùy thân, cả buổi chiều hôm đó tôi không dám ra khỏi nhà. Suốt đêm, tôi không sao chợp mắt, chỉ sợ công an đến xét nhà vào giữa đêm, bắt tôi về tội trốn trại.

Sáng hôm sau, tôi lại ra trình diện tiểu ban quản huấn quận, Sáu A không có mặt tại văn phòng, cô thư ký đưa giấy ra trại trả tôi, dặn tôi đi ngay đến sở công an để xin xác nhận và đóng dấu. Tôi đạp xe nhanh đến sở công an, may mắn được gặp viên đại úy hôm trước. Tôi trình bày sự việc đã xảy ra tại tiểu ban quản huấn quận. Viên đại úy tỏ vẻ thông cảm, viết giấy xác nhận đã trình diện, ký tên và đóng dấu. Y nói tôi cứ về nhà, để y liên lạc với tiểu ban quản huấn quận. Tôi hơi yên tâm, trên đường về tôi ghé vào trình diện công an phường. Công an phường ra lệnh cho tôi phải trình diện hàng tuần, mang theo sổ tự kiểm, ghi rõ những việc làm trong tuần, đi những nơi nào, tiếp xúc với ai, về những vấn đề gì, ghi chi tiết nội dung, và nhất là phải thành khẩn khai báo, tự kiểm những suy nghĩ sai trái và chuyển biến tư tưởng. 

Tôi thực hiện điều này bằng cách viết một bài mẫu, rồi cứ thế sao chép lại hàng tuần để nộp cho công an. Sau khi “đánh vần” xong bản tự kiểm, anh công an phụ trách phê chữ “xem” ở dưới và ký tên, giống như một thầy giáo chấm bài cho học trò. Học lực của anh này, tôi đoán chỉ ở lớp ba, và tuổi đời khoảng 20 tuổi, còn thua tuổi con tôi. Sau nhiều tuần cứ bản cũ soạn lại như thế, anh công an phê bình tôi: “tôi xem anh là người có học, mà sao bản tự kiểm của anh không có chất lượng gì hết và cũng chẳng thành khẩn chút nào.” Tôi biết làm sao hơn?

Việc thứ hai mà tôi phải làm khẩn trương sau khi ra trại là đến sở y tế thành phố xin việc làm để có chỗ dựa, tránh sự trù dập của chính quyền địa phương. Sau gần một tháng nghiên cứu hồ sơ, sở y tế cho tôi làm y sĩ điều trị tại bệnh viện, lương tháng 70 đồng khi giá tiền một tô phở là 5 đồng. Tuy đã là một công nhân viên chức, chính quyền địa phương vẫn chưa tha tôi, chủ tịch quận còn gửi văn thư đến sở y tế yêu cầu sở không được nhận tôi vào làm việc để địa phương tiện điều động gia đình đi kinh tế mới. Họ gởi kèm theo các báo cáo xuyên tạc, vu cáo tôi nhiều chuyện như: tổ chức ăn nhậu, uống rượu tây, nghe nhạc đồi trụy, tẩu tán tài liệu, tiếp xúc với người lạ mặt và man khai lý lịch (họ nói tôi có tên thật là Tãu). Có lẽ họ muốn chiếm căn nhà của tôi nên quận và phường đã toa rập với tiểu ban quản huấn, công an, tổ dân phố, xuyên tạc, uy hiếp để tôi bỏ nhà đi nơi khác. Cứ cách ngày, nhân viên phụ trách kinh tế mới phường lại đến hối thúc tôi đi kinh tế mới kèm theo lời hăm dọa. Được mấy người quen cho kinh nghiệm, tôi nhất quyết từ chối không ký vào giấy tình nguyện đi kinh tế mới. Tình hình mỗi ngày một bức bách, khi công an ra lệnh cho tôi phải trình diện hàng ngày, ngay cả vào giờ làm việc tại bệnh viện, ban đêm thỉnh thoảng lại đến xét nhà với thái độ hung hãn như là đi lùng bắt tội phạm, buộc tôi phải trình bày sự việc với cơ quan nơi làm việc và nhờ can thiệp. Thủ trưởng cơ quan là một người có nhiều tuổi đảng, từng là y sĩ riêng của một bí thư trung ương cục R (miền Nam), nên sự can thiệp có hiệu quả ngay.

Những năm về sau, địa phương không làm khó tôi nữa nhưng vẫn giữ thái độ kỳ thị đối với gia đình tôi. Tôi được tập thể y tá và bệnh nhân thương mến, nhưng tôi vẫn không thấy an toàn vì luôn luôn bị rình rập theo dõi. Tôi không thể sống mãi dưới một chế độ độc tài đảng trị phi nhân, cai trị dân bằng những thủ đoạn lừa bịp, dối trá, đàn áp dã man, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, dùng chiêu bài cách mạng để tiêu hủy cả một nền văn hóa dân tộc truyền thống. Tôi đã nhiều lần theo đoàn người đi vượt biên tìm tự do, nhưng vận đen chưa hết nên tiền mất mà mộng không thành.

Cuối tháng tư năm 1990 (cũng lại tháng tư), tôi được định cư tại Úc Đại Lợi do con tôi bảo lãnh qua diện đoàn tụ gia đình. Tôi rời quê hương với hai bàn tay trắng khi ở tuổi về hưu, mang theo niềm đau xót ly hương mà không có hy vọng một ngày trở lại. Đặt chân trên đất Úc, tôi mới chắc chắn là đã được tự do. Dưới chế độ cộng sản, không có gì chắc chắn cả, dù đã nắm trong tay giấy thông hành xuất cảnh, và ngay cả khi đã ở phi trường Tân Sơn Nhất chờ máy bay, cũng chưa bảo đảm là sẽ được ra đi. Đã có nhiều người bị giữ lại vào giờ chót để điều tra. Tôi còn được biết một trường hợp hy hữu khi một máy bay Hàng Không Việt Nam chở người xuất cảnh sang Úc, qua ngã Thái Lan, đã bay được nửa giờ còn bị gọi quay trở lại, khiến tất cả hành khách phải lên ruột. Sau mới nghe phong phanh là có lệnh thay phi công, vì phi công tay nghề còn kém không có khả năng đáp xuống phi trường quốc tế Bangkok. Chuyện vừa kể khó tin nhưng bảo đảm là có thật.

Sống ở Úc, tôi như con chim sổ lồng, được hít thở không khí hoàn toàn tự do và dân chủ. Nhìn thấy dân xứ người, chạnh nghĩ đến dân mình muôn vàn khổ cực, đã nghèo, phải làm việc vất vả mới có miếng ăn, lại còn bị loài cáo đỏ lừa bịp, bóc lột, đàn áp, tước đoạt mọi thứ quyền. Biết đến bao giờ loài cáo này mới bị tiêu diệt để nhân dân Việt Nam được giải thoát?

Báo chí Việt Nam tại hải ngoại đưa tin là số việt kiều mua vé máy bay về Việt Nam ăn tết đã lên đến số kỷ lục, hãng máy bay đã bán hết vé, khiến nhiều người không đi được. Trong số những người trở về chắc có đa số người vượt biên tị nạn cộng sản, và chắc cũng có người đã từng đi tù cải tạo, được các nước phương tây cho nhập cư như là những người tị nạn cộng sản. Cho đến nay, tôi vẫn cho những nhận định của một nhà hoạt động chính trị Việt Nam tại hải ngoại là hồ đồ, khi ông nói, người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước đều không yêu nước. Theo ông, ở hải ngoại tính ra chỉ có khoảng hai ngàn (2,000) người Việt yêu nước. Tôi cũng không chấp nhận định đề “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước” của cộng sản, và coi định đề này là áp đặt, lố bịch và ấu trĩ. Tôi cũng rất khó chịu khi có người “vơ đũa cả nắm” đặt điều nói người Việt Nam dễ bị dụ dỗ, mau quên, ích kỷ, ham vui và hay khoe mẽ. Thế nhưng, sự kiện rủ nhau lũ lượt trở về Việt Nam của người Việt hải ngoại, như những tín đồ ngoan đạo đi hành hương nơi thánh địa, đã làm tôi suy nghĩ không ít.

Hồi tưởng lại, kể từ 30 tháng tư năm 1975, kéo dài cho đến nhiều năm sau, từng đoàn người kéo nhau tìm đường vượt biên trốn chạy cộng sản, trên những con thuyền mỏng manh, bất kể sóng to biển cả. Có người mang theo toàn bộ gia đình, có người mang theo một phần gia đình, có người đơn độc ra đi để cha mẹ vợ con ở lại, thậm chí có người còn gửi con ở tuổi vị thành niên đi theo những người quen biết. Cảnh biệt ly buồn không sao kể xiết. Người ra đi dặn người ở lại, một ra đi là không trở về khi chế độ cộng sản còn tồn tại. Sự hy sinh của hàng trăm ngàn “thuyền nhân” trên biển cả đã làm xúc động lương tâm của nhân dân thế giới, nhất là nhân dân các nước phương tây. Họ ngưỡng mộ, khâm phục tinh thần bất khuất hy sinh và lòng qủa cảm của “thuyền nhân” Việt Nam, nên đã ân cần đón tiếp, cưu mang những “thuyền nhân” may mắn đến được bến bờ tự do, nhận vào nước họ như là những người tị nạn cộng sản.

Giờ đây, không biết có những lý do bức xúc nào thúc đẩy người Việt hải ngoại tị nạn cộng sản trở về, khi chế độ mà họ sợ hãi, kinh tởm đến mức phải liều chết trốn chạy trước đây vẫn còn ngự trị tại quê hương, với những chính sách chính trị hoàn toàn không thay đổi. Đảng cộng sản vẫn nắm chặt độc quyền thống trị, vẫn vi phạm nhân quyền trầm trọng, vẫn dùng hệ thống công an, quân đội đàn áp tận tình tất cả mọi mầm mống chống đối, dù chỉ là những đòi hỏi ôn hòa. Có thay đổi chăng là những năm gần đây, cộng sản đưa ra chính sách đổi mới kinh tế - kinh tế thị trường theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa - để tự cứu chế độ và vét đầy túi tham, và cho dân chúng đỡ đói rách hơn hầu cam tâm làm tôi mọi cho họ. Thêm nữa, cộng sản đã vô cùng xảo quyệt khi đưa ra chiêu bài dụ dỗ, cho phép Việt kiều, những người ‘anh em có khúc ruột ngàn dặm’ mà trước đây họ đã xỉ vả không tiếc lời là “ma cô đĩ điếm,” trở về thăm quê hương để họ bòn rút tiền của.

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, người Việt coi trọng tình nghĩa, về thăm cha mẹ khi điều kiện cho phép là việc làm không có ai cấm cản, nhưng chẳng lẽ số người có cha mẹ còn kẹt lại ở Việt Nam nhiều đến thế sao? Xét về cả lý lẫn tình, theo tôi, những người mang tư cách tị nạn cộng sản mà trở về, dù dưới bất cứ hình thức nào (viện trợ nhân đạo, kỹ thuật, y tế, giáo dục, du lịch, thăm viếng v.v...) khi chế độ cộng sản còn tồn tại là đã đánh mất quyền tị nạn cộng sản, đi ngược lại lý tưởng chống cộng của chính mình, củng cố chế độ cộng sản (thay vì phổ biến dân chủ hay giúp đỡ nhân đạo như một số người đã biện luận), quên ơn những chiến sĩ và những người đã hy sinh xương máu để chống cộng và đãu tranh cho tự do dân chủ trong suốt bao nhiêu năm, phản lại những “thuyền nhân” đồng hội đồng thuyền đã bỏ mình nơi biển cả. Hành động “qua sông rút cầu,” trở về Việt Nam của đông đảo người Việt hải ngoại trong quá khứ đã vô hình trung là những nhát dao chí tử đâm sau lưng các người cần tị nạn cộng sản thật sự nhưng chậm chân ở các trại tị nạn Hồng Kông và Đông Nam Á. 

Thế giới đã quy cho họ là di dân kinh tế và gởi trả về Việt Nam. Đến nay, không biết số phận của họ ra sao. Sự trở về đông đảo của Việt kiều đã làm mất đi niềm hy vọng của những người Việt Nam yêu nước tại quốc nội đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại, khi thời cơ tới, giải thể chế độ cộng sản. Sự trở về của Việt kiều cũng làm nguội đi khí thế chống cộng của các đoàn thể, tổ chức chống cộng tại hải ngoại. Nhờ có các tổ chức này huy động cộng đồng chống cộng nên cộng sản mới không tìm được địa bàn hoạt động, và chúng ta mới giữ được tư thế cộng đồng tị nạn cho đến ngày nay, khiến cộng sản phải nể sợ và xoay ra o bế chúng ta.

Phạm Viết Tú - QYHD Khóa 5
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn